Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
452
115.986.957
 
Nhóm thơ Bình Định
Lâm Bích Thủy

Trong giới văn học và làng thơ thường nhắc đến nhóm thơ tiền chiến của Thành Đồ Bàn-Bình Định xưa. Vi biết tôi là con gái của con - Lân trong nhóm “Tứ linh”, Có người hỏi: -Thế nào là Trường thơ Bình Định? Vì sao gọi các cụ ấy là “Tứ linh?…”  Theo sự hiểu biết hạn hẹp, qua những bức thư của bác Quách Tấn gửi cho ba tôi- nhà thơ Yến Lan, tôi xin phép thông tin lại để các bạn yêu thơ hiểu thêm về cái nôi thơ mà người đời thường tâm đắc “Bình  Định là đất võ mà ẩn chứa trong mình những bí ẩn về văn chương”.

 

Trong bức thư đề  “Nha Trang lập xuân 88”, bác Quách Tấn bức xúc viết:

 Rất tiếc là không có người có đủ tài, học, tâm, chí để cùng nhau khai thác kho tàng Văn Hóa của Bình Định. Tôi nhận thấy phần đông anh em làm văn nghệ vì danh, vì lợi hơn là vì bổn phận thiêng liêng, An Nhơn có nhiều nhân vật văn học và lịch sử lắm, chú và anh em văn sỹ đừng phụ cổ nhân….

     

Theo bác Tấn : “Không có Trường thơ Bình Định, chỉ có Trường thơ loạn gồm: -Chế Lan Viên,Hàn Mặc Tử- Yến Lan.Trường thơ này không thể trở thành Trường thơ Bình Định được, Bình Định chỉ có một nhóm người mà các bạn yêu thơ do Trần Thống ở Kiên Mỹ đại diện, đặt tên là Bàn thành tứ hữu, còn gọi là Tứ Linh. Nhóm thơ gồm có: Hàn-Chế-Yến-Quách. Bốn người này mang tên một con vật trong bộ Tứ Linh. Hàn Mặc Tử (Trí) là Rồng, Chế Lan Viên ( Hoan) là Phụng, Yến Lan là Lân, Quách Tân là Qui. Có câu thơ bằng tiếng Hán của Nguyễn Đức Sung:

 

Tấn bộ bồng lai lạc cảnh khoan

Hoan tình hội hiệp tứ thi lang

Trí hân khôi thỏa tâm hoài vọng

Lang phóng hương nùng nhập tửu bang

 

Tạm dịch:                                             

Tấn tới bồng lai vui cảnh tiên

Hoan tình họp mặt bốn thi nhân

Trí sáng đẹp lòng bao mong nhớ

Lan tỏa hương nồng nhập xứ men

 

Và người đầu tiên đưa tên của nhóm Tứ linh vào thi đàn thời bấy giờ là ông Hòai Thanh.

Còn tại sao ông Trí lấy bí danh Hàn Mặc Tử: Bí danh đầu tiên và cũng khá nổi tiếng là Phong Trần. Nhưng bác Quách Tấn thấy dáng dấp thư sinh của ông nên trêu “người mảnh mai như cậu làm sao chịu đựng được phong trần, nó lại không hợp với vóc dáng của cậu”. Sau đó ông lại đổi là Hàn Mạc Tử (tức rèm lạnh). Nhưng bác Tấn vẫn chưa chịu: “đã có rèm thêm bóng trăng vào, hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng” Ông Trí ngẫm nghĩ rồi lấy bút ra vạch thêm vành trăng non vào đầu chữ a= ă. Chỉ thêm một cái dấu mà nghĩa khác hẳn, từ -Hàn Mạc Tử  nghĩa là Rèm Lạnh giờ thành Hàn Mặc Tử tức Bút Mực

  

Bí danh của chú Hoan ban đầu là Chế Bồng Hoan. Một hôm biết ba tôi sắp xuống Qui Nhơn để học, chú đến chùa Ông thăm, thấy trời tối mà ông nội tôi vẫn thắp đèn tưới cây, còn ba tôi thì ngâm nga:

 

Rồi đây mỗi ngã một thân đơn

Con ngọn đèn xanh cha mảnh vườn

Đêm lụi, đèn tàn ai gạt bấc

Vườn lan ai ấy  tưới thay con.

 

Nghe xong chú Hoan cảm động nói: “mình muốn làm một cái gì đó để kỹ niệm tình bạn của chúng ta và bài thơ về vườn lan của cậu. Nghĩ một lát chú Hoan vui vẻ reo: “À, mình nghĩ ra rồi, mình sẽ đổi bí danh thành Chế Lan Viên. Chữ Lan Viên tên mình có nghĩa là vườn lan của cậu như vậy lúc nào trong mình cũng có cậu”. Ba tôi thấy ý đó hợp với cảm xúc của mình nên gật đầu đồng ý. Và, thế là từ đó trên thi đàn Văn Học Việt Nam xuất hiện bí danh mới-Chế Lan Viên.

    

Về bí danh của ba tôi thì nhiều người biết rồi. Lúc đầu ông dùng bí danh có khi là Xuân Khai, có khi là Thọ Lâm. Còn Yến Lan là tên ghép của hai giai nhân. Trong lớp ông dạy có hai cô gái trông khá xinh, chơi thân nhau, một cô tên là Yến, một cô tên Lan. Họ thường thì thầm “Tao, mày chơi thân với nhau như vầy sau này để khỏi xa nhau, có lấy chồng chỉ lấy một chồng mà thôi”. Ba tôi nghe được, thấy câu chuyện của hai người có hậu nên quyết định đổi bí danh Xuân Khai thành Yến Lan. 

  

Nhóm thơ Bình Định hình thành từ những tâm hồn thơ còn rất trẻ, chưa có ai quá 20 tuổi, họ tình nguyện đến với nhau bằng tình thân hữu ái, không tuyên ngôn, tuyên thệ, không khua chiên, gõ trống nhưng đã kết thành một sức mạnh máu thịt để rồi từ đó những tinh túy của thi ca bắt đầu tỏa sáng trên bầu trời thơ ca của dân tộc.

  

Trong cuốn “Phong trào thơ mới (1932-1945) của giáo sư Phan Cự  Đệ cho rằng nhóm thơ này có cả Bích Khê và Hòang Diệp là không đúng. Khi tái bản quyển này  giáo sư vẫn giữ nguyên ý kiến trên . Về điều này xin các nhà nghiên cứu lưu ý cho.

 

Trong lịch  sử văn học Việt Nam nói chung và phong trào thơ mới nói riêng nhóm “Bàn  Tứ Hữu của Bình Định” với những sáng tác độc đáo của mình đã thực sự cắm một cột móc vững chắc vào dòng thơ chung của dân tộc . Nhóm thơ này đã góp phần không nhỏ cho “Phong trào thơ mới”. Thơ của họ đã vượt ra khỏi phạm vi của địa phương để mang một giá trị nghệ thuật có tầm rộng lớn hơn nhiều.

  

Thế nhưng từ trước tới nay tôi chưa thấy một bài báo nào tương xứng với sự đóng góp của họ ngòai bài viết của Đào Quốc Tòan –trích từ chuyên luận khoa học – nhưng chưa công bố :“Nói chung đã đến lúc chúng ta cần phải có một cách nhìn nhận và đánh giá vai trò và những đóng góp nghệ thuật của nhóm thơ Bình Định một cách khách quan và chính xác.”           

    

Còn nói về chú Xuân Diệu, tuy xuất thân và trưởng thành từ  Gò Bồi-Bình Định, nhưng ông, ban đầu không nhập vào nhóm này. Bác  Tấn viết:

      

Xuân Diệu đấm Hàn, thoi Yến, đá Quách, từ biệt quê hương để ra Hà Nội bắt tay với Huy Cận lập thành nhóm Huy-Xuân.

   

Tại Thu Xà-Quãng Ngãi nhà thơ Bích Khê lẽ loi, cô quạnh, đành lui vào Bình Định cùng bốn chàng thi sĩ nọ lâp thành nhóm Ngũ Hành. Nhóm Ngũ hành tuy mới thành lập nhưng họ rất tâm đầu ý hợp. Chỉ có bác Tấn ở NhaTrang nhưng hàng tháng ít nhất hai lần vào những đêm trăng lại thấp thoáng hai hoặc cả 5 người cùng ngồi bên nhau trò chuyện thâu đêm trên thềm lầu Cửa Đông của ngôi Thành Bình Định và thường vào Nha Trang thăm gia đình bác Quách Tấn. Ba tôi tâm sự :

  

-Bình Định là nơi phối hợp để thành quả trứng còn Nha trang là lò ắp trứng.Tôi và các bạn đã gửi lại Nha Trang một thời tâm đắc và tuổi trẻ đam mê, làm sao quên được những ngày tháng cùng nhau học hỏi, vui chơi, nghiên cứu thơ đường, học chữ Hán.. 

 

Một thời gian ngắn, Hàn Mặc Tử bị trọng bệnh rồi mất, ông chỉ thọ 28 tuổi. Chẳng bao lâu sau Bích Khê lâm bệnh nặng (lao). Nhóm đã bàn đưa Bích Khê vào Nha Trang tìm cách nuôi nhau. Họ góp tiền thuê nhà ở phường Củi cho Bích Khê ở.

 

Vì không muốn lạm dụng lòng tốt của bạn, được một thời gian Bích Khê lặng lẽ bỏ đi.

Mọi người đi tìm nhưng không thấy. Chú Nguyễn Đình tìm được Bích Khê. Sau khi bàn bạc kỹ, nhóm quyết định đưa ông ra Huế chữa trị và an dưỡng. Về kinh tế, tùy theo hòan cảnh từng người mà góp để nuôi Bích Khê. Chú Chế Lan Viên phải nuôi cha mẹ, góp 10đ, Bác Quách Tấn 20 đồng, chú Nguyễn Đình 20 đồng, vì không vướng bận gì nên ba tôi góp 30 đồng. Như vậy mỗi tháng ông Bích Khê nhận được 80đồng, theo tôi biết đó là số tiền rất lớn, cơm tháng hồi đó ba tôi nói chỉ tốn có 4 đồng. Tất cả việc  thu và gửi tiền ra bệnh viện Pa-ski ê  cho chú Bích Khê đều do vợ bác Tấn  đảm nhận. Một thời gian sau ba tôi nhận được một lá thư viết bằng bút chì:

 

Yến Lan,

Mình rất cảm ơn cậu và các bạn đã chăm lo cho mình.Bây giờ mình không thể chịu đựng được nữa, mình đành vĩnh biệt cuộc sống, vĩnh biệt bạn bè.

   

Thời gian sau, không biết năm nào ông Xuân Diệu trở về Bình Định, nhập vào nhóm Ngũ hành đe thành nhóm Lục căn (Nhãn- Nhỉ- Tỷ-Thiệt-Thân, Ý). Tôi không biết ai mang bí danh của những bộ phận này vì tên nhóm ít ai nhắc đến .

   

Trong nhóm chú Xuân Diệu là khôn ngoan nhất, bác Quách Tấn thường nói với các ông trong nhóm: “Thằng Diệu nó ích kỷ lắm, nó chẳng cho ai xem thứ gì khi chưa in thành chữ trên báo bao giờ ”. Nhưng càng về sau, điều này bác lại cho là đúng vi đó là kinh nghiệm quí báu trong sáng tác, Chinh thời gian sau này bác bị người khác đứng tên trong nhiều bài viết của mình!

Ghi chú

(Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh 22/9/1912  mất 1940  hưởng dương  28 tuổi

Chế Lan Viên tên thật Phan Ngọc Hoan,     sinh  1920 mất  1989  thọ  69 tuổi

Yến Lan  tên thật Lâm Thanh Lang  sinh 2/3 /1916 (âm lịch) mât 1998 thọ 82 tuổi

Quách Tấn    sinh  1910 - 1992 thọ 82 tuổi)   
Lâm Bích Thủy
Số lần đọc: 3916
Ngày đăng: 06.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Yến Lan với bến My Lăng - Khổng Ðức
Nhìn qua về thơ tứ tuyệt của Yến Lan - Khổng Ðức
Nghệ thuật xây dựng nhân vật anh hùng đa diện trong tiểu thuyết Trên mảnh đất này của Hoàng Văn Bổn - Phạm Ngọc Hiền
Nguỵ Quân Tử, Một thực tại sống ? - Nguyễn Vĩnh Căn
Thị hiếu thẩm mỹ của các nhà thơ Trung Quốc, qua thơ Đường - Võ Phúc Châu
Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết dưới đám mây màu cánh vạc của Thu Bồn - Phạm Ngọc Hiền
Phan Văn Dật không chỉ có Diễm Dương Trang. - Nguyễn Hùng
Viết ngắn 57. Vấn đề thơ tuyển - Inrasara
Văn phong tranh luận của Thiếu Sơn trên báo chí . - Võ Phúc Châu
Bên cạnh đời sống vật chất-1 - Huy Dung
Cùng một tác giả
Tình lên ngơ ngác (truyện ngắn)
Chàng Ngốc (truyện ngắn)
Thư cảm ơn (sự kiện)