Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
497
116.587.527
 
Đọc thơ Quách Tấn
Khổng Ðức

Còn nhớ vào khoảng cuối năm 1970 , sau khi táp chí Văn ra số đặc biệt : Thi sĩ Quách Tấn , Tôi có dịp được hàn huyên với anh tại Sài Gòn , Anh cho biết : dù có nhiều người viết về anh , nhưng tất cả đều như gãi ngoài giày . Biết Tôi có chút thân tình với Anh thuở sanh tiền , Quách Giao muốn Tôi có đôi lời nhận xét về thơ của anh . Khước từ không nở , còn đảm đang thì khó quá , gãi sao cho trúng đây . Ngày anh còn sống , Tôi cũng hứa hẹn với Anh lắm điều nhưng cũng có làm được đâu  , nên nay thì Tôi cứ nhắm mắt viết liều ; hay dở khen chê mặc cho đời , hơn nữa anh cũng có còn đâu mà trách móc …..

 

Không ngờ thơ cũng như văn Anh viết rất đều tay và có số lượng khá đồ sộ . Riêng về thơ sáng tác có đến 5 tập , thơ dịch thì cũng chỉ ra mắt có 2 tập : Tố Như và Lữ Đường , còn tất cả vẫn là ở dạng bản thảo ít người biết đến . Mỗi tập thơ đều mang một sắc thái riêng biệt như hình ảnh các con cái chẳng ai giống ai dù là con một cha . Nhận xét tổng quát về một tập thơ quả là khó khăn , huống chi đây là một tổng tập – toàn bộ thi ca của anh – Như đã nói nhắm mắt viết liều thì tôi cũng xin phóng bút có một đôi nhận xét ,  có sai thì Anh đang an nhiên tự tại trongmiền cực lạc nào đó hãy mỉm cười mà tha thứ cho đứa em khùnh khùng này .

 

Tập thơ đầu “ Một tấm lòng “ mang dáng dấp một chàng trai thuỳ mị mới bước vào cửa trường thi Hương xưa , cũng đã dật được bằng Tú tài , đủ để nhà giàu muốn ướm gả con gái cho ( nhưng nhớ là nhà giàu chứ chưa phải là nhà quan ) . Đến phần Một mùa Cổ Điển , chàng trai năm xưa đã tiến một bước khá xa , đã đậu cử nhân và sẽ tiến vào đường hoạn lộ thênh thang nên có cờ trống rước về làng , không sớm thì muộn cũng lấy được vợ con quan . Nhưng nội dung thơ của hai tập , hình như Tản Đà từng phê : rằng thì có hay đấy , song như chàng rể mặc áo mới hay như vị tân quan khoác áo triều đình có giác vàng nạm ngọc có vẻ uy nghi khiến bạn đọc kính nể hơn là xúc động ( ý của Tản Đà lời của Tôi ) . Tản Đà cũng nói rõ nguyên nhân , chỉ vì nhà thơ đang sống một cuộc sống êm xuôi . Thế nhưng mùa Cổ Điển tái bản thêm phần II - từ 1945 đến 1956 thì dòng đời đã đi vào khúc ngoặc của lịch sử , dưới trăng tròn gia đình nhà thơ đã lấm vào cảnh khốn đốn :

 

Tháng năm năm ngoái dưới trăng tròn

Vợ dắt đoàn con chồng cỏng con

Dồn dập gió sương tin khủng khiếp

Lạ lùng mây nước bước bôn chôn

Thân thích khó nhờ sơ  khó cậy

Ruộng nương thì có , lúa thì không

Ngày mùa đành vẫn ăn cơm ghé

Cha nhịn con ăn vợ nhịn chồng

 

Thế là thơ của Anh từ 1946 trờ đi theo khúc ngoặc của lịch sử có những chuyển biến mạnh , điều đó thể hiện rõ ràng trong hai tập Đọng Bóng chiều , Mộng Ngân Sơn và các tập thơ sau này . Đúng là đời càng khốn cùng thơ càng hay . Thơ của anh trong giai đoạn này , bài nào cũng mang tính chất hàm súc , ngôn ngữ thơ ẩn kín . Đó cũng là quan niệm của các nhà mỹ học hiện đại như Wimsatt W.K. đã nói : “Ý nghĩa của thơ không phải ở trong chữ nghĩa (văn tự) mà nằm bên ngoài chữ nghĩa .” Quan niệm này thật ra đối với Anh không gì là lạ , vì các nhà mỹ học Đông Phương từ xa xưa đã đề ra châm ngôn “ Vị ngoại vị , huyền ngoại huyền “ , như :

 

Từ phen biển mộng khép trăng song  ,

Nửa mẩu vườn quê tạm náu lòng .

Đi đứng luống thương đường lối hẹp ,

Ăn nằm dám phụ nước non chung

Mười phương tin tức mây hờ hững ,

Ba kiếp văn chương bút ngại ngùng .

bạn tác ví thương tình gặp gỡ ,

Đùng đem mây ráng đọ dung nhan..

( Chút lòng )

 

Bến lạ thu bay lá rợp đường

Không tìm giấc mộng ẩn canh sương

Tờ thơ gió lật trăng bên gối

Giếng ngọt vườn quê khởi nhớ thương

( Bến lạ thu bay )

 

Ý thơ và chữ của Anh ất mới dù rằng phép tắc và nghệ thuật thơ vẫn rập theo quy củ của cổ nhân ,  song như Anh từng nói là không nô lệ cổ nhân . Nên những nhà thơ bất cứ tầng lớp nào cũng đều ca tụng Anh , có người còn nâng Anh lên tầng mây xanh , Anh người kế thừa truyền thống tâm linh dân tộc , Anh hơn cả Nguyễn Du , Tản Đà . Cũng đúng thôi , vì thời đại Anh sống là thời đại nhiễu nhương . Anh là nhân chứng  bao hiện tượng kỳ bí , bao biến cố đau thương , bản thận anh cũng trải qua bao cơn sóng gió dập vùi … Anh cũng là người đón nhận được hai nền Đông Tây giao lưu , nên thơ Anh là bình củ rượu mới , thứ rượu đầy tinh hoa chọn lọc .

 

Sồng dồn hơi gió lạnh

Bờ hút bóng lau thưa

Đứng đợi buồm xa khuất

Ngày chiều lá đổ mưa

(Chiều tiển biệt )

 

Thuở thiếu thời nghe được Anh chỉ dạy : Phải sống thơ mới có thơ , ngoài ra còn phải luyện , phải uốn , phải như thiết như tha như trác như ma . . . . Tôi nghe là nghe vậy , chứ nào có biết sống thơ , biết uẩn nhưỡng là gì ? Sau này nhờ đọc những thiên hồi ký của anh mới rõ . Anh coi văn chương như một pháp môn , thơ là Đạo . Làm thơ viết văn với anh là hành đạo , cuộc sống lúc nào cũng gắn liền với thơ văn như một tu sĩ chuyền cần luôn luôn ôm sát lấy kinh điển vào lòng .

 

Giả Đảo hay kể lể : Lưỡng cú tam niên đắc , nhất ngâm song lệ lưu , chứ còn anh thường ấp ủ một hình ảnh trong năm mười năm là chuyện thường , như bài Vỏ sò khô ấp ủ hay bài Búng chân , Đêm thu nghe quạ kêu ….

 

Phải chăng do hiện tượng sống thơ , uẩn nhưỡng thơ quá lâu dài mà thơ Anhđã đạt đến chỗ diệu ngộ , đúng như Thương Lan Nghiêm Vũ đời Tống chủ trương : học thi như học Thiển . Thi phải đạt đến diệu xứ thấu triệt linh lung , không thể cầm nắm tụ hội , vì nó như âm thanh trong không trung , màu sắc trong hình tướng , ánh trăng trong nước , hình ảnh trong kính , lời dù đã dứt mà ý thì mênh mông vô cùng ( diệu xứ thấu triệt linh lung , bất khả thấu bạc , như không trung chi âm , tướng trung chi sắc , thuỷ trung chi nguyệt , kính trung chi tượng , ngôn hữu tận nhi ý vô cùng ,)

 

Thoảng tiếng chuông chùa vọng

Bóng đèn khuya rung rinh

Nao nao lòng giếng quạnh

Hơi thu tràn hư linh .

( Thâm U )

 

Áo mỏng khôn ngừa trận bắc phong

Song mây tạm khép cánh thư phòng

Ngoài trời đêm rụng bao sương lá

Nến thắp tâm tư một điểm hồng .

( Nến thắp tâm tư )

 

Thơ như đã nhập thần không còn phân biệt đâu là thực , đâu là mộng , hay nói như các nhà mỹ học hiện đại “ý nghĩa của cuộc sống cá thể kết hợp với ý nghĩa của sự tồn tại vĩnh hằng thành nhất thể . Trong tôn giáo thì gọi đó là cảnh giới “ dữ thần đồng tại” , còn trong sự thưởng ngoạn cái đẹp thì là cảnh giới “ẩm chi thái hoà” . ( Thái hoà là không khí hoà hoản êm diệu của âm dương kết hợp lại ) . Nhưng hiện tượng nhập thần đâu phải chỉ uẩn nhưỡng phép tắc quy luật như xôi kinh nấu sử là đuợc mà chính là phải tu dưỡng , như Thương  Lang thường nói :”Học thi phải lấy kiến thức làm chủ , như nhập môn phải chính đạo ; phải lập chí phải cao thượng . Nói chung phải trau dồi tâm tư tĩnh lặng , giống như nước phải trong kính phải sáng thì mới phản ánh được sự vật , hoa trăng . . .

 

Thơ Anh phải nói là đạt dù bất cứ trên thể loại nào . Về lục bát cũng như thất tuyệt , thất luật , không sớm thì muộn cũng còn có người đuổi theo Anh kịp , được như vậy cũng hết hơi rồi , chứ vượt qua mặt thật khó lòng . Nhưng riêng về thế ngũ tuyệt phải thành thật mà nói rằng Anh đã đạt đến mức Tuyệt Vời trong tập Mộng Ngân Sơn và Giọt Trăng , nghìn trước cũng như nghìn sau khó lòng có ai theo kịp…

 

Ngậm Lòng                  

 

Từ phen mây nước đổi

Biếc ngậm lòng sông sâu

Nhịp cầu xưa chữa nối

Đôi bờ thương nhớ nhau .

 

Mong Đợi                      

 

Ngọt ngào xuân rụng móc

Cam chuối đượm tình quê

Tựa cửa chờ trăng mọc

Muôn xa lòng ghé về

 

Tuyệt cú vốn đã khó , ngũ ngôn càng khó hơn  ; vì rời khỏi câu đầu là đến hai câu cuối , rời cuối là đầu , mà câu ruột ở giữa cũng không thể thiếu . Cái diệu của nó là càng nhỏ về hình thức thì nội dung càng lớn lao , càng ngắn gọn vội vã thì càng thong dong dài dòng . Pháp nầy người xưa đã học được trong kinh Duy Ma Cật là trong căn phòng một trượng ( tức con ngùơi ) mà chứa hằng hà sa số Chư Thiên  , căn phòng không tăng mà cảa chư thiên lại giảm dần . . . Ngũ tuyệt phải như vậy mới là đắc , Ngũ tuyệt trong mộng Ngân Sơn cũng như Giọt Trăng bài nào cũng đạt được cách điệu vứa nêu . Người xưa luận hội hoạ thường nói : Chỉ xích hữu vạn lý chi thế , nghĩa là trong gang tấc mà có cái thế của vạn dặm ; ngũ ngôn tuyệt cú cũng lấy thế ấy làm tối cao . Rồi cũng chính anh dạy cho tôi hiểu thế nào là câu thơ có thần , bài thơ đã đạt , Anh đưa sổ tay chép lại lời của Vương Phu Chi : Thi thần là diệu hợp cả tình lẫn cảnh , không để lộ căn rể . Hàm chứa tình nên đạt , ý hội được cảnh nên tâm sinh , đồng hoá với vật nên đạt được thần . Thì tự nhiên sẽ có được câu linh thông , như thế là có thể tham dự vào chỗ diệu xứ của hoá công . ( Hàm tình nhi năng đạt , hội cảnh nhi sinh tâm , thể vật nhi đắc thần , tắc tự hữu linh thông chi cú , tham hoá công chi diệu )

 

Tiếc rằng ngày còn trẻ mãi chạy theo cuộc sống nuôi vợ nuôi con , chẳng được gần Anh là bao nên chẳng học hỏi được nhiều . Giờ thì Anh đã ra đi vĩnh viễn , tôi thì cũng tuổi già lóng cóng , miễn cưởng viết lời nhận xét là để tưởng nhớ đến Anh thôi , nếu có gì làm cho Anh phật ý thì xin Anh mở lượng hải hà tha thứ ./.

Khổng Ðức
Số lần đọc: 3112
Ngày đăng: 07.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thư gửi “ngài Quân tử” - Thí Chủ
Yến Lan là ba tôi - Lâm Bích Thủy
Cuối năm nhớ Yến Lan qua một bài thơ - Mang Viên Long
Một kỷ niệm nhỏ về nhà thơ Yến Lan - Vũ Ngọc Tiến
Thư Yến Lan gửi Anh Khổng Đức Đinh Tấn Dung - Yến Lan
Thư của Khổng Đức gởi cho Yến Lan - Khổng Ðức
Hỏi chuyện nghề…Nicô huyền Trang - Nguyễn Hùng
Gương hiếu người xưa - Mang Viên Long
Sao gọi là Nguỵ Quân tử? - K.Nguyên
Đất nước còn quá nhiều Vedan - Nguyễn Hữu An
Cùng một tác giả
Nhân đọc bài (tạp văn)
Bức thư rơi… (truyện ngắn)
Thi Tính Tự Do (tiểu luận)
Khí hạo nhiên (tiểu luận)
Thần tứ (tiểu luận)
Thế giới thơ… (tiểu luận)
Mỹ học tiếp thụ (nghệ thuật)
Con tim nhà thơ… (nghệ thuật)