Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
690
115.982.600
 
Đuốc sậy
Y Uyên

Mấy bữa nay tình hình mỗi ngày một thêm lộn xộn, ông Mịch vẫn có những buổi trốn con gái ra bờ biển. Sương kéo ông về, ông cười bảo Sương:

- Tao đi coi ông Tán Thuật đánh Pháp.

Có bữa Sương hết chịu nổi, chỉ những cây hoa giấy ở cổng nghĩa địa ở trên bờ bãi cát:

- Cha chôn má tôi trong đó cha chưa sướng sao còn muốn làm khổ tôi nữa ?

Ông Mịch yên lặng một lát rồi lắc đầu:

- Má mầy là chiến sĩ của ông Tán Thuật không chôn đó, chôn đâu?

Sương nắm lấy cổ tay ông giật mạnh bật khóc:

- Không còn ai trên đời độc ác hơn cha nữa đó.

 

Ông Mịch bối rối nhìn hai con mắt đỏ hoe của Sương, cúi đầu sợ hãi. Những lúc đó, Sương thấy mình bướng bỉnh và xử với cha như xử với người không điên. Trừ những lần ông la hét phẫn nộ, Sương nghĩ cha vẫn hiểu lời mình. Nhưng mỗi khi anh Tố với vợ con tới thăm cha, nói ông giả điên để chửi cho sướng mồm, Sương thấy giận anh hơn bất cứ lần nào giận cha la hét. Anh Tố đã bỏ cái nhà này mà đi, sống như những người khác và làm Sương thấy mình là người duy nhất còn lại chịu khổ với cha. Sương cười một mình và khóc một mình bên ông Mịch cười và khóc một mình. Đứa em trai Sương nhỏ bé và yếu đuối chỉ có hai con mắt thiệt lớn nhớn nhác nhìn hai người cười khóc nghịch nhau rồi chạy trốn vào gầm cầu thang hoặc rút đầu dưới đống gối lên giường làm bộ ngủ. Sương thấy tội cho nó, nhưng cũng như ông Mịch không thể thoát khỏi chứng điên. Sương không ra khỏi được đời sống cơ cực của mình để thảnh thơi ve vuốt nó. Những khoảnh khắc có thể làm nó vui thiệt hiếm và chỉ bắc cầu cho nó thèm một người thương mình không là cha điên cuồng, là chị nửa cười nửa khóc, là mẹ ở ngoài nghĩa địa. Ít lâu nay, có một bọn người ở dưới làng lên ngủ nhờ ở dưới nhà. Trước khi lên lầu ngủ, thắng bé thường ngồi với họ, ngửi mùi mồ hôi và nghe chuyện cho tới khi ríu mắt. Có nhiều tối thằng Kên trong bọn họ, cho nó mấy con dế, cho nó gối đầu trên đùi và hứa sẽ bế nó lên lầu nếu nó lỡ ngủ. Nó yên tâm thiếp dần bên tiếng dế ríu rít, bên tiếng kể chuyện trầm trầm về một người bị gãy cẳng, bữa đầu trong ngày ở trên nhà, ông Mịch nếu không đứng ngoài bao lơn la hét với người đi dưới đường, ông lại bên Sương để nài nỉ Sương để ông kể nốt câu chuyện bất tận về “người con gái thứ hai” ngày trước đã ở lại tỉnh, cùng ông chiến đấu bên kia phố có dẫy tường đá. Sương nhiều lần bực mình bảo ông :

- Cha cứ bầy đặt hoài, mệt quá. Người đó vẫn là má tôi chớ ai.

Ông Mịch khom người, đặt tay lên nệm giường con gái ngồi, chúm môi lắc đầu:

- Không phải, trăm ngàn lần không phải. Cô đó thương tao hơn má mầy.

 

Lần nào cũng như lần nào, Sương phải nhõm dậy kéo cha sang giường của ông, bắt ông nằm yên đắp mền chặn ngực, không cho giỡn với cái xích ở đầu giường. Sương đã bắt chước lối ra lệnh của mẹ hồi bà chưa mất, ông chưa điên. Hồi đó không ngày nào bà không nổi giận để bắt ông không được dông dài về những ngày chiến đấu bên bức tường đá. Những đêm lẩn lút trong ga xe lửa bị tàn phá, ở ngoài bãi cát chuyển vũ khí lên bờ chỉ có hơi thở hào hển của bà mới phân biệt được bà là con gái, về những cặp con trai con gái trốn ánh sáng mặt trời, lẩn lút cai trị một thành phố không người, về những con đường, những đồng ruộng bị tàn phá không dứt, về sự cần thiết  của đại biểu nhân dân trong chính phủ….ông Mịch bao giờ cũng liếm môi vì chưa nói hết ý. Còn mẹ con Sương thì thấy nhàm chán lẩn thẩn. Ông ham chuyện nước như vì trước kia đã có hồi sung sướng khi cầm súng trong tay ông nói đến dân tộc như với nỗi hân hoan của dĩ vãng. Dĩ vãng có người đàn bà trong lớp đàn ông cứng nhắc bụi bậm bên ông cầm súng bên bức tường đá. Bây giờ còn nói tới đất nước, ông còn muốn gặp lại người đàn bà đó. Một lần nhắc đến Phan Đình Phùng, đến Nguyễn Thái Học, đến Tán Thuật như một lần ông muốn lên tiếng gọi “người con gái thứ hai”. Có lẽ đó là dấu hiệu của chứng điên sau này. Ngày mẹ Sương sắp mất, không có ai ở nhà ngăn cấm ông nữa, ông âm thầm ghi tên vào danh sách những người ứng cử hội đồng hàng tỉnh. Ngày bầu cử một tu sĩ đỡ đầu cho ông vào nhà thương đứng bên giường mẹ Sương báo tin ấy. Mẹ Sương cậy tấm khăn tay gấp bốn cắn trong miệng, cười gượng gạo:

- Tôi bó buộc ổng quá nhiều rồi. Mong ổng trúng cử để có nơi nói chuyện thương nước.

 

Tối hôm đó, trong lúc ông Mịch xuống tỉnh dò hỏi kết quả cuộc bầu phiếu, mẹ Sương chết.

 

Sương chạy về nhà kiếm người giúp sức đi kéo ông Mịch về. Đám người ở dưới làng lên ngủ nhờ mới thấy có thằng Kên. Nó dựa chiếc xe đạp ở trước cửa không mang liền vào trong nhà như mọi hôm. Nó đang ngồi chồm hổm trước một cái giỏ tre rích rích tiếng dế bên mấy cái “phuy” sơn đen chứa nước sau nhà. Kên đội chùm hụp một chiếc nón lá. Vẻ lặng thinh của nó tỏ nó đang mê mải với đám dế trong giỏ. Sương bảo nó:

- Lên ngã năm giúp tao mang cha tao về.

Kên ngước mặt hỏi:

- Ổng lại nổi khùng ?

- Lên mau, ổng đang muốn gây với lính Đại Hàn.

 

Kên đứng lên xách theo giỏ dế để lên bực cầu thang trong nhà. Sương lột nón của nó chụp lên giỏ dế rồi kéo nó ra đường. Ở ngã năm, ông Mịch đang xắn tay áo đứng hò hét dưới một gốc cây dừa chờ một người lính Đại Hàn đi qua đòi thí võ . Đám lính này mỗi lúc vào tỉnh, mang theo thiệt nhiều máy hình  vào chạy khắp các ngã chụp lia lịa. Hồi nẫy ông Mịch đang tò mò đọc một tấm bích chương của mình hồi ứng cử Hội đồng Tỉnh còn sót trên thân dừa thì trước mặt ông hai người lính Đại hàn vạm vỡ chạy tới, leo lên ôm ngọn cây chìa mặt xuống đường cười tít mắt. Lúc ông nhìn ra đường, thì vừa lúc một anh khác đang quì giữa mặt lộ bấm máy hình. Sương biết tin chạy lên, không thấy mấy người Đại hàn đâu, còn ông Mịch thì quay lưng vào cây dừa có tấm bích chương in hình mình đang cười la hét. Một bọn trẻ bao quanh ông, ông trợn mắt…………..(kiểm duyệt trước 1975 bỏ 6 dòng)……………………………………………..

- Tôi sức mấy mà mang ổng về? Một đập lúc thường của ổng tôi còn không chịu nổi…

Sương giận:

Con trai thứ chi mà nhát như thỏ.

Kên nhăn nhó cười gượng:

- Tôi nói thiệt chứ tôi đâu có nhát.

Sương vẫy một chiếc xích lô đạp rồi lại trước mặt ông Mịch nhỏ nhẹ:

- Về nhà đi cha. Bọn nó đi hết rồi mà.

- Tao không về. Tụi nó bôi nhọ danh dự tao, tao phải cảnh tỉnh tụi nó.

 

Bàn tay ông Mịch vỗ bồm bộp trên thân dừa. Kên đứng bên người phu xe xích lô, mắt hết nhìn số xe phía sau lại liếc nhìn ông Mịch, mặt cúi, ông Mịch và đứa đàn bà vẫn ngồi trên chiếc xích lô mang số 24 vẫn làm nó bối rối lo sợ mỗi lần giáp mặt. Thấy Sương năn nỉ hoài sắp sửa hết kiên nhẫn, nó cười nhích môi bảo ông Mịch:

- Bọn nó sợ bác rồi, bác về rồi mai gặp lại….

 

Giọng Kiên mỗi lúc một nhỏ. Tới lúc ông Mịch  đang ngó ra ngã năm bắt đầu nghe rõ tiếng mình, nhìn nó, nó im bặt. Sương bắt đầu nổi nóng, bật khóc rồi vừa kêu khổ vừa kéo cha lên xe. Ông Mịch bữa nay ít hung dữ. Tay ông sau mấy lần vùng ra khỏi bàn tay chụm lại của con gái cuối cùng vẫn bị chụp lại và ông bị kéo lên xe. Người phu xích lô đạp mau sợ ông đột ngột trở chứng giữa đường. Đứa em trai của Sương tan học về tới một đầu phố thấy Sương và Kên tất tưởi chạy sau chiếc xe cũng tất tưởi chạy theo. Tới nhà ông Mịch chạy thẳng lên lầu ra ngoài lan can ngồi thở trên một tấm ghế. Kên đứng ngập ngừng ở cầu thang chờ Sương trả xong tiền xe chạy lên mới dám lên theo.

- Bây giờ muốn đi bán dế thì đi đi.

 

Sương cười nhếch nhác:

- Ông hiền rồi.

Kên nhìn xuống cầu thang, mặt ngẩn ra nghe những tiếng rích rích vọng lên rồi đột ngột chạy đến:

- Ờ, giờ này học trò về nhà.

 

Sương ra lan can mang cho cha một ly nước đun sôi để nguội. Ông Mịch uống một hơi cạn rồi trả lại Sương cái ly không. Bộ mặt lớn, da sần sùi bì bì sau mỗi cơn la hét trở màu tái vàng. Vài giọt mồ hôi lấm chấm trên thái dương bên những chân tóc có cái đã bạc. Sương nói với cha :

- Hay là cha lại vô trong đó ?

Ông Mịch lắc mạnh đầu như bị nhức. Sương thở dài bỏ xuống nhà lo bữa cơm chiều. Anh ruột Sương, anh Tố, tới thăm nhưng Sương chặn không cho lên. Anh bực tức ra về, lặp lại: “ông già làm bộ giả điên để chửi tất cả cho sướng mồm”. Sương giận, không buồn nói vào cầu thang bảo đứa em  trai mang dế lên lầu chơi, canh chừng cha. Bọn người ở dưới làng lên ngủ nhờ bắt đầu đông. Họ vào nhà cất nón cất xe, hỏi thăm Sương nhưng không ai lên lầu thăm ông Mịch. Họ ra trước cửa ngồi la liệt dưới mái hiên trên hè đường ồn ào nói chuyện. Sương nghe họ nói nhiều đến thằng Kên với đứa đàn bà đi chiếc xích lô mang số 24. Bữa cơm dọn lên lầu, chị em Sương ăn bên dáng chậm chạp im lìm của cha. Ăn xong, ông Mịch lại bỏ ra ngoài lan can. Sương kéo ông vào không được, hai chị em phải thay phiên nhau canh chừng. Đã nhiều lần ông gây với những người đi dưới đường. Những người nầy thường biết sức khỏe đô vật của ông, nếu không lảng tránh cũng làm lơ cắm đầu đi. Chị em Sương chỉ sợ những người lính…………………… (kiểm duyệt trước 1975 bỏ 10 chữ )………trong đó có những người đi trong một thế giới lạ, không có sự chết bám chân quen thuộc. Họ đi với những bước chân bất thường, ngó nhìn lạ lùng và đột ngột giận giữ. Tới giờ giới nghiêm, cha Sương vẫn không chịu vào nhà. Ông ngồi trên ghế hai mông đít bè ra, đặt tay trên thành lan can, tì cằm nhìn xuống con đường vằng vẻ sáng trăng có những người cảnh binh đổ bóng rải rác rồi đột ngột nhoài người ra la lớn từng chập. Tiếng hét trong giờ giới nghiêm nghe rõ từng tiếng rung thảng thốt. Sương tắt đèn trần, bật đèn bàn ngồi trên giường góc phòng đọc một cuốn tuần san điện ảnh. Cái chụp đèn rọi một góc lầu có Sương và thằng em ngủ dưới chân trên tấm nệm hoa xanh nước biển sóng lớn. Gần nửa căn phòng và cửa ra ngoài lan can mờ tối. Thành lan can có loáng thoáng ánh sáng dưới đường hắt lên, ông Mịch dềnh dàng to lớn lờ mờ trong khoảng nửa tối nửa sáng đó. Có lúc Sương ngẩng đầu nhìn ra, ánh sáng chói của ngọn đèn trước mặt rọi ứa nước mắt. Sương bằn bặt nóng bừng thái dương mong cũng điên được như cha cho khỏi khổ. Những việc làm bối rối kỳ quặc của cha lúc tỉnh rút cục cũng chỉ là những biểu lộ ân hận tự trấn tĩnh hơn là an ủi chị em Sương. Ông sống cho mình ông. Trong cơn phẫn nộ điên dại, và trong cả nỗi ân hận với những nhịp thở yên lặng dập dồn. Nếu không có nỗi khổ như một sự thừa kế của mẹ, Sương chắc không sống nổi bên ông. Sương sẽ điên cuồng cào cấu ông, như hồi cào cấu trên quan tài mẹ rồi chết như một cách để trở về với mẹ, quì khóc, cúi đầu chịu tội đã không kham chịu nổi những cơ cực ở nơi đây. Mẹ con Sương đã như những thứ không thực trong cả cuộc đời không thực của ông. Cái dân tộc mà ông làm như sống hết lòng chung thủy từ trước tới giờ không bao giờ định được hình dạng, dù chỉ nhỏ bé như các lỗ thủng trên tấm phên thép giăng ở cửa sổ nhà thương có những con muỗi bay vào đốt mặt mẹ những đêm máu dội theo từng cơn ho, hai hàm răng cắn chặt tấm khăn tay gấp bốn, máu ứa ra hai bên mép. Dân tộc của ông có phải là những cánh đồng lúa bốc cháy, những chiếc ghe không đèn lênh đênh trên biển…………………. (kiểm duyệt trước 1975 bỏ 3 dòng) ……………………………………trong tuổi nhỏ của Sương hay những hoa quả sặc sỡ đánh dấu cho những người cùng tôn giáo dễ nhận được một người đàn bà thiệt thà ngoan đạo mồ hôi bết tóc ngồi bệt trên nền gạch bông ngắm nghía lựa bỏ vô bao bì ? Hay là “Những dòng sông, những rặng núi loang loáng ánh nắng, những người dân, những người dân lành, những tiếng chim hót trên đồng lúa xanh ngan ngát”. Trong lúc ông cuồng dại la hét, dòng sông, rặng núi, cánh đồng, giọng chim véo von đó có còn nguyên hình dạng.

 

Sương mệt mỏi tắt đèn ngủ lăn bên thằng bé. Có lúc tỉnh dậy, nhớ tới cha Sương ngồi choàng dậy. Những vệt đèn sáng trắng dưới đường hắt lên lan can vắng không. Những giọt mưa trái mùa lộp độp bắn lên thành xi măng. Tiếng súng nổ liên hồi từ một làng ven chân núi ngoài tỉnh. Những chiếc xe nhà binh chạy vụt ngoài đường về mạn có tiếng súng. Một vài căn lầu bên kia đường phố đèn bật sáng rồi lại tắt tối om. Dưới nhà một người ngủ mê ú ớ vài tiếng rồi trầm trầm kể chuyện trong giấc ngủ. Tiếng dế của thằng Kên rích rích vang dưới cầu thang, ông Mịch tưởng đã đi nằm vẫn còn ngồi ở đầu giường, ông đang lom khom trong tối với tiếng thép chạm vào khung giường của chiếc xích ông vẫn tự khóa vào tay mình mỗi khi tỉnh trí.

 

Buổi sáng Sương thức dậy ông Mịch đã ra khỏi nhà từ hồi nào. Thấy thằng Kên ở lại sửa soạn mang đám dế còn lại đi bán, Sương bảo nó:

- Mầy chịu theo dõi cha tao, trưa về tao thổi cơm cho ăn.

Thằng Kên ngần ngại:

- Tôi còn mắc đi bán dế.

- Vừa đi bán dế vừa canh chừng cũng được chớ sao. Trưa về còn dư tao mua hết.

Thấy Kên vẫn có vẻ sợ, Sương nổi nóng:

- Tao mắc đi làm chớ bỗng không phải năn nỉ mày sao.

Kên đeo giỏ dế lên vai gật đầu:

- Tôi chịu canh chừng ổng nhưng ổng ra biển tôi cũng phải ra theo sao?

Sương bực mình lớn tiếng.

- Mày làm như thể lúc nào vợ mày nó cũng ở ngoài đó. Mà nếu gặp nó, nó phải sợ mày chớ sao mày phải sợ nó.

Kên nhìn Sương, cười gượng, lấy nón ra khỏi nhà. Sương hỏi với:

- Sao không đi xe đạp ?

 

Nhưng Kên không quay lại. “Nó phải sợ mày chớ sao mày phải sợ nó”, câu nói nghe thật quen tai. Sao tới giờ nó vẫn không sợ Kên ? Nó không biết những buổi tối ngồi trong xe xích lô hai mươi bốn là tội lỗi sao ? Nó không biết cái túi ni lông nhồi mấy chục tấm khăn lau nó xách đi quanh những trại lính ở bờ biển là nhơ bẩn sao ? Nó ưa coi cải lương vậy sao không nhớ những kẻ phụ tình bị chết thảm trong tuồng. Kên đi lững thững, nghĩ tới nghĩ lui.

 

Buổi sáng trời mát, phố sạch. Kên nghĩ tới những bờ cỏ non sau các trận mưa đầu mùa. Dế ở những nơi đó thật nhiều. Có những con bám hẳn lên những lá cỏ cao mà ăn mà gáy. Tiếng dế gáy rích rích nghe cũng đỡ buồn. Hồi mới lên ngủ tối, nhờ nhà anh Tố, đêm thức dậy thực buồn. Chỉ nghĩ tới vẻ giận dữ của nó lúc Kên bất kể giới nghiêm chạy theo xích lô năn nỉ nó trở về cũng mất ngủ cả đêm. Chỉ mơ thấy nó cầm cả mấy chục cái khăn lau đập vào đầu mình cũng khó lòng mà nhắm mắt. Mở mắt cả đêm để mà nghĩ tới nó, thấy mình bơ vơ sợ hãi biết chừng nào. Bây giờ, ngủ nhờ ở đây, Kên không còn bơ vơ vậy nữa. Đêm thức giấc có liền tiếng dế rích rích bên tai và tiếng ông Mịch la hét điên cuồng quen thuộc. Tiếng la hét đó lúc đầu, Kên thấy sợ. Dần dần mỗi khi nghe từ trên lầu vọng xuống, Kên hình dung đến một ông già khỏe mạnh, dữ tợn, đang xua đuổi ma quỉ trong giấc ngủ của mình. Có nhiều lúc Kên nghe như lời thịnh nộ đó là của mình, thấy Sương như trong một cơn say. Tiếng la hét cũng đánh thức bọn người quanh Kên thức giấc để Kên  khỏi thấy có một mình trong đêm. Kên thường lảng tránh mỗi khi Sương nóng nẩy, ông Mịch giận dữ, nhưng nó vẫn muốn mãi mãi được ôm đầu, giấu mặt ngồi ở trong lòng, những cơn thịnh nộ điên cuồng. Những lần ông Mịch đi khỏi nhà, Kên đều sợ ông gây nạn. Kên nghe nói những con dao ……… (kiểm duyệt trước 1975 bỏ 4 chữ) đâm ngập vào người rút ra không dính một chút máu. Trừ những lúc la hét, khi gân cổ, chửi rủa ông Mịch không có vẻ một người điên, để làm người lạ nổi giận. Ai cũng ngại lo cho ông điều đó. Kên không thể thiếu tiếng la phẫn nộ vào những đêm chợt tỉnh giấc nhớ tới con vợ phụ tình.

 

Suốt buổi sáng, ông Mịch đi theo đoàn người biểu tình. Thằng Kên đeo giỏ lủi lủi trên các hè phố vắng trông chừng ông. Nó hoảng sợ nghĩ tới lúc ông trở chứng, lộn xộn mình không biết làm gì. Nhưng nếu bỏ ông Mịch, bỏ đi bán dế, Sương biết, nó càng sợ hãi hơn, ông Mịch vận một tấm sơ mi rộng cộc tay, bỏ ngoài quần, chân mang dép Nhựt-bổn đang dềnh dàng giữa đám học sinh con trai con gái. Lúc đầu, tuy hơi e ngại, đoàn biểu tình cũng thấy sức khỏe của ông là cần. Họ hoan hô ông như một điều gần gũi nhất có hình dạng nhất của cuộc biểu tình, ông kéo lùi chiếc xe “díp” của một thiếu tá, giữ lại cho mọi người chất vấn, ép phải hô lớn. “Mẹ Việt Nam bất diệt, tổ quốc Việt Nam muôn năm”, ông giúp họ hô cho các tiệm buôn đóng cửa, kêu gọi những người đi đường tham dự. Nhưng từ lúc ông Mịch gây với một người lính già ở trước tiệm thuốc tây Hoa Lan, mọi người bắt đầu chán. Từ đó tới Ty Tâm lý chiến, ông Mịch ưa gây với những người đi đường, chửi tục và nói họ phản quốc. Buổi trưa ông Mịch và Kên ở trong Ty với đoàn người biểu tình cổng gỗ khóa bằng xích, chỉ mở cho những người muốn vào. Kên nhắn về, nói mình bị xô vào theo ông Mịch, xin cho cơm ăn và nước uống. Sương đến cho ông Mịch về. Lúc đó người ta đang xôn xao sửa soạn đối phó với một đại diện của chính quyền nên Sương đành về mang cơm nước tới. Trừ dưới mái hiên văn phòng Ty, nom như cửa rạp hát, không đâu có bóng mát. Bên một nửa sân Ty, đoàn nữ sinh mệt quá, ngồi bệt xuống trên mặt cát. Nón lá san sát lấp lánh nực nội chói mắt. Những biểu ngữ chữ đen chữ đỏ căng trên hàng rào kẽm gai quanh Ty. Tiếng người thay phiên nhau nói trong loa điện dằn mạnh, nặng nề. Thằng Kên kề sát mắt vào giỏ dế thấy nhiều con đã chết.

Chừng bốn giờ chiều đoàn biểu tình sau một ngày bàn cãi rút về nơi xuất phát. Họ cho ông Mịch một cái mũ sắt lấy ở trong văn phòng, bảo ông đội về cho khỏi nóng. Đoàn người đi khỏi, từ trên những bực thềm cửa văn phòng tới cổng chỉ thấy có rác rưởi. Thắng Kên bước lên mấy bực thềm, ngồi dựa vào cái cột gạch có dán mấy tờ tuyên ngôn, quay mặt xuống dưới sân, cắm cúi lựa ra khỏi giỏ những con dế đã chết. Dưới sân ông Mịch vơ vẩn  bên những lớp rác kiếm một sợi dây để buộc vào cái mũ sắt.

- Chiều rồi bác về nhà nằm nghỉ cho đỡ mệt.

Kên nói lúc đã lựa xong dế. Nó cố lấy giọng bình thường nhưng vẫn ngại ông Mịch tò mò nhìn mình. Nó nhớ ông vẫn sợ Sương, nó như có trớn.

- Bác về nhà không chút nữa chị Sương lại phải đi kiếm, tội chị ấy.

- Không về ở đây hoài sao.

 

Ông Mịch nói, nghiêng mặt, bậm môi kéo cái dây mũ bằng sợi dây thép xuống cầm. Lắc mạnh đầu, thấy đã chắc, ông có vẻ vừa lòng, đẩy rộng cổng ra đường. Phố xá vắng vẻ. Một vài tiệm mở cửa hồi trưa, giờ đã lục đục đóng cửa. Ở gần ngã năm một tiệm vàng bị cướp, có một đám người hiếu kỳ bao quanh một xe quân cảnh. Phía chợ, cảnh sát làm thành hàng rào lùng bắt mấy thủ phạm vụ ám sát một qui chánh viên mấy bữa trước. Trên trời một chiếc trực thăng bay xè xè quanh thị xã. Tiếng nói vang vang trên không kêu gọi đồng bào hãy bình tĩnh và sáng suốt. Qua một tiệm rượu, Kên thấy một người lính già bị ông Mịch gây hồi sáng uống một mình, nhìn ra đường. Người lính xô ghế đứng dậy nhìn theo. Đi được một quãng Kên thấy người lính lầm lũi bước đằng sau mình. Nó muốn hối ông Mịch đi mau nhưng lại sợ ông để ý tới người lính, lại gây chuyện. Tới con đường có bức tường đá chạy dài, phía trên trồng đầy loại cây gai lưỡi long, ông Mịch dừng lại đọc những tấm bích chương cũ dán rải rác. Kên đánh bạo bảo ông:

- Về nhà bác, không chị Sương mất công đi kiếm.

 

Ông Mịch nhìn thằng Kên, cau mặt vì tiếng dế rích rích, bỏ đi. Kên đi lùi lại phía sau, chốc chốc lại lén nhìn trở lại người lính già. Tới ngã tư, ông Mịch như vẫn bực mình vì tiếng dế, quay đầu lại. Thấy người lính già, ông đứng lại, mồm lầu bầu không rõ. Mấy đứa trẻ con biết ông, xúm lại. Một người đàn ông mặt dài đen đủi, cao lênh khênh đi với mấy người con gái vận quần ống chật dừng lại tò mò. Ông Mịch thở dốc, mặt vàng mướt. Ông túm lấy một người con gái đội cái mũ nan chóp nhọn, chỉ vào mặt.

- Bọn mầy  ở mấy cái xổng chở đĩ tới đây hồi hôm ?

Người đàn ông lùi lại kêu lắp bắp:

- Ông không có quyền…

 

Bàn tay ông Mịch đang nắm người con gái mở ra. Người con gái giận dữ vừa toan nói đã bật ngửa ra sau cột đèn vì một cái tát tối mặt. Chiếc mũ chóp nhọn rớt xuống dưới mặt đường. Mấy giọng con gái la thất thanh cùng kêu lên một lượt. Người đàn ông mặt dài vội đỡ người con gái bị đánh, lùi xuống đường. Người con gái vùng vẫy chạy đến trước mặt ông Mịch vừa khóc vừa chửi. Ông Mịch nhảy lại túm hụt mấy lần, hơi thở càng dồn dập. Đám người vây quanh mỗi lúc một đông tràn cả xuống đường, ông Mịch lùi vào bức cửa sắt đóng kín, hai tay dang ngang, hét lớn: “Đồ đĩ, đồ đĩ của Mỹ. Tao phải giết hết”. Ông vỗ vào cánh tay, vén ống áo lên tới nách lúc tiến lúc lùi, thủ thế. Thằng Kên hoảng sợ kêu “Bác, bác” rồi bỏ chạy đi kiếm Sương. Người con gái đứng đối mặt ông Mịch nguyền rủa thách thức từng hồi rồi lại chạy xuống nắm áo người đàn ông mặt dài la lớn “Ông kêu tôi đi, ông bảo vệ tôi vậy sao”. Có tiếng nhiều người ồn ào: “Cậy mạnh áp bức đàn bà”, “Đánh người giữa phố sao không ai can thiệp”. Ông Mịch múa vung hai tay “Tao chấp hết, chấp cả tỉnh nầy”. Vài người cảnh sát tới, an ủi người con gái, thấy vẫn không chịu bỏ đi, liền lập thành hàng rào chặn đường, không cho lại gần chỗ hai người cãi lộn. Một vài người bất mãn toan vào can thiệp, nghe ông Mịch có võ, lại bỏ đi. Người lính già nãy giờ vẫn đứng dưới một góc phượng, mắt không rời ông Mịch. Khẩu súng sáu trong túi, giờ này không dùng tới chắc không còn lúc nào dùng. Ở đây, nhiều người biết ông không vợ con, không gia đình và vô lo nghĩ. Ông sinh ra để sống đời lính. Ông chỉ nghĩ vậy. Ông đã là du kích, commando và bây giờ là thượng sĩ hành chánh tài chánh. Cái tỉnh nhỏ bé này là tỉnh thứ mấy mươi ông đặt chân tới, ông cũng không cần hay. Ông sinh ra để sống đời lính, ông chỉ nghĩ vậy. Nhưng sáng nay ở tiệm thuốc tây bước ra góc phố, ông nghe người ta gọi mình là đồ lính bagai. Trở gói thuốc cầm trên tay, ông chợt thấy mình già. Có một tiếng nói từ một cuộc đời khác đã mạ lị đời sống mà ông không bao giờ băn khoăn liên hệ với đời sống người khác muộn mằn hiện ra nhưng vô cùng đột ngột. Như một lúc đứng trước gương soi, nhìn một sợi tóc trắng vướng vào chân lược. Lời mạ lị điên cuồng đó thực đã khuấy rối ông. Những khuấy rối nhắm bắt ông nhìn trở lại mình, như sợi tóc trắng đều hàm ý sỉ nhục. Ông kiếm bộ đồ hiệu đã lâu không vận tới, soát lại ổ đạn đi kiếm một ly rượu và kẻ phỉ báng mình.

 

Bây giờ thì ông đang đứng trước người đàn ông điên cuồng. Những cửa tiệm kín cửa, những hè đường vắng, hàng rào cảnh sát bao rộng và hai người lui tới cãi cọ. Sức mạnh của người điên dồn dưới hai bàn chân đạp đất thình thịch, trên hai cánh tay vung đỡ khoảng không. Lời kết tội thịnh nộ một đứa con gái qua đường chỉ có nghĩa một cơn giận dữ tục tằn. Tất cả cuộc sống mạnh mẽ đó đều rớt vào khoảng không, vào sự lãnh đạm của cõi chết. Người lính già bỏ đi. Lòng nặng lời phỉ báng số phận mình vang lên từ cõi chết đó.

 

Kên kiếm được Sương chạy tới thì ông Mịch đã bỏ đi. Hai người về nhà, chỉ thấy một ông già ở dưới làng lên, mồm nhai trệu trạo, tay đỡ dưới cằm đón cơm rơi, ngồi ở trước cửa nói chuyện với thằng em trai Sương. Nắng đã rút lên những mái ngói. Sương lại kéo Kên chạy đi. Một chiếc xe của nhóm biểu tình chạy chậm, gọi loa. Một đoàn xe sao trắng chạy ra khỏi tỉnh. Một vài nhà bật đèn. Tiếng ra-dô của những người tranh đấu ngoài Huế. Tiếng ra-dô lập lại một lời hiệu triệu của Sài-gòn. Tiếng máy quay dĩa với bài Con thuyền không bến trong một nhà cửa đóng. Những người ở làng lên ngủ nhờ đạp xe vội. Đạn lửa đỏ rực lừng lững nối đuôi nhau bay trên cánh đồng, ngang mặt quốc lộ ngoài kia.

- Ra biển coi.

 

Sương nói thở hắt. Bờ biển không đèn, không bóng người. Nghĩa địa hoa giấy rung lắc lư trong ánh sáng từ những đám mây hồng hắt xuống. Hai người trèo lên một bức tường thấp nhìn bao quát xuống mặt bãi.

- Coi kìa.

 

Thằng Kên kêu lớn, nhảy xuống. Sương thấy cha và một người đàn bà. Tiếng sóng ồn ào lên xuống khiến Sương không nghe thấy tiếng ông Mịch. Nhưng chắc ông lại nói tới dân tộc với cơn phẫn nộ tục tằn. Sương chạy xuống theo. Thằng Kên đang quì xuống đỡ người đàn bà nằm trên cát dậy. Giỏ dế của nó vứt lăn lóc. Những chiếc khăn trắng nhờ nhờ trải đầy mặt cát. Ông Mịch đã bỏ đi, đứng cách đó khá xa. Người ông cũng nhuộm mầu mây đỏ. Sương thấy ông chậm rãi nằm áp tai xuống cát. Chiếc mũ sắt cắm vục xuống nom đen đủi, tròn bóng. Chắc ông lại nghe xem đoàn quân của ông Tán Thuật lại gần hay chưa ?

Y Uyên
Số lần đọc: 2372
Ngày đăng: 09.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hòm thư ảo mị - Trương Thái Du
Bến sông xưa - Đậu Nữ Vệ
Con thỏ bông - Nguyễn Minh Phúc
Tiếng Đàn - Đồng Sa Băng
Thầy cũ - Nguyễn Nguyên An
Luỵ đời - Nguyễn Vĩnh Căn
Khoảng trống - Minh Nguyễn
Cái quẹt tim gòn - Nguyễn Hiệp
Điều khó hiểu - Đậu Nữ Vệ
Niềm an ủi cuối cùng - Y Uyên
Cùng một tác giả
Bão khô (truyện ngắn)
Đuốc sậy (truyện ngắn)
Dáng thú (truyện ngắn)
Niềm vui xa gần (truyện ngắn)
Chiều trong làng (truyện ngắn)