Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
461
115.968.736
 
Còn đâu bóng mẹ yêu
Nguyễn Vĩnh Căn

Chị Sen mở cổng, rồi dẫn tôi theo bậc thang lên phòng. Cánh cửa vừa mở ra, ánh nắng chiều nhạt nhoà  chiếu ập tới di ảnh làm loá mắt tôi. Nó như một tia chớp khủng khiếp loé lên trong đầu tôi, như để đánh thức một vùng quên lãng . Những cây nhang dần tàn lụi, nghi ngút toả khói lên trần nhà những hình dấu hỏi, dấu ngã tan loãng vào không gian, như đọng lại trong tôi những điều vướng mắc rối bời, không sao hoá giải nổi. Tôi gần như mất hết sức lực, để ngã quỵ xuống chiếc bàn thờ gụ đồ sộ như đang đổ xuống đầu tôi. Lòng tôi rối bời, ngỗn ngang về cái chết của mẹ , mà chính tôi đã không gặp người trong những giây phút cuối đời, tưởng bao nhiêu nước mắt cho vơi cạn hết nỗi niềm. Nhưng tuyệt nhiên mắt tôi ráo hoảnh. Hình như nó tự biết rằng: chẳng ích lợi gì khi nhỏ những giọt nước mắt dối trá đó. Tôi chịu đựng nỗi xâu xé dày vò như hai con chó giằng xé nhau một miếng giẻ rách. Và vì thế, cảm xúc về cái chết của người mẹ trong tôi vừa ơ hờ, dửng dưng, lại vừa dày vò ân hận tiếc nuối về một điều mà, lẽ ra, tôi không đáng phải hối tiếc và ân hận, vì tôi có đủ mọi điều kiện và mọi cách thế để phụng dưỡng mẹ trong những ngày tháng cuối đời.

 

Tôi ngồi thờ thẫn mãi, mà chẳng có lấy một ý thức nào rõ rệt . Dường như sự bơ thờ đó choán chỗ, thay cho ý thức về tinh thần trách nhiệm, đã trốn chạy vào quên lãng . Chỉ đến khi chị Sen – người giúp việc, lên tiếng: “Cậu cầm lấy, đây là những kỷ vật cuối cùng của mẹ cậu để lại”. Tôi ơ hờ cầm lấy cái tráp gỗ màu gụ bầm cũ kỹ. Nó nặng tưởng như sắp làm tôi ngã vật xuống. Hình như chị Sen đang chờ đợi tôi nói một điều gì tiếc nuối khi cầm kỷ vật ấy. Thực lòng, tôi cũng muốn nói một câu gì đại loại như: “Tiếc thật, tôi không về kịp để gặp mẹ khi người hấp hối”. Hay sẽ hỏi chị Sen: “Trước lúc mẹ tôi qua đời, người có trăn trối điều gì cho tôi chăng?”. Nhưng rồi miệng tôi khô khốc, để không thể nói lên một điều gì. Trong tôi như có một lực cản, mà nếu phải nói ra, chính tôi phải trơ trẻn với điều đó. Rồi như một quán tính, tôi mở nắp tráp ra. Dẫu tôi đã biết quá rõ những vật trong đó: Một thẻ căn cước màu ố bạc, với khuôn mặt tròn trịa trắng trẻo của mẹ tôi hồi con gái. Một giấy chứng thực liệt sỹ của cha tôi, bọc platic màu ố vàng với dòng chữ Tổ quốc ghi công. Một cái khuyên bạc - kỷ vật của cha tôi tặng mẹ tôi ngày cưới, truyền từ thời bà nội tôi, đã bị oxy hoá nhiều nơi loang lỗ màu xanh hoen rỉ. Và mấy vật lỉnh kỉnh như những khuy áo màu đồng bạc, những đồng xu thời VNCH, mấy cái trâm cài cũ kỹ hoen ố màu thời gian…Tôi sắp chúng vào chỗ cũ, rồi ơ hờ trao cái tráp lại cho chị Sen, khiến chị Sen ngạc nhiên: “Cậu không cất giữ kỷ vật của mẹ cậu sao?”. Đến lúc đó tôi mới chợt thấy cái sự vô tâm của mình với những kỷ vật của mẹ. Và khi tôi với tay cầm cái hộp một cách miễn cưỡng, cái hộp rơi xuống, bật nắp đổ tung toé ra căn phòng. Chị Sen nhặt dùm cho tôi mấy đồ vật lỉnh kỉnh, và tôi bỗng bắt gặp một tờ giấy gấp tư. Tôi đoán là tờ giấy bán đất nhà vườn? Tình cờ mở ra đọc, tôi bỗng giật mình. Trời ơi! Có điều này nữa ư!? Tại sao mẹ chưa bao giờ nói với mình ? Và rồi hình như trong tôi là cả nguồn cảm xúc . Và dòng chảy ấy, như đang chảy trên con suối khô mấy chục năm qua; bây giờ đang thấm vào máu thịt của một người con vô cảm với người mẹ đã quá lâu rồi!

 

Dẫu hơn 30 năm, nhưng tôi còn nhớ rõ những năm tháng bất hạnh đầy tủi nhục đắng cay của tuổi thơ tôi. Khi cha mất, tôi hãy còn thơ dại để chưa có cảm xúc gì về cái chết của người , thì gánh nặng đã đè lên người mẹ hãy còn quá trẻ. Là một thiếu phụ Nam bộ, nhưng da thịt mẹ tôi trắng nỏn nà xinh xắn, ngoài trừ một khuyết tật ở con mắt trái của mẹ bị hư từ hồi nào, khi tôi còn nhỏ dại chưa hề hay biết. Nhưng trong tấm hình cưới, chụp với ba tôi, đôi mắt mẹ long lanh và khuôn mặt trông rất thuỳ mị . Cuộc đời của một thiếu phụ nuôi con, vào cái thời sau 1975 ở một miền quê sông nước chập chùng bao la, thật không dễ một chút nào với hai bàn tay trắng. Ba tôi là một liệt sĩ , nhưng vào cái thời kinh tế khó khăn hậu chiến đó, đến nhà nước cũng còn rối rắm bao bộn bề khó khăn, làm sao có được những vật chất ưu đãi cho mẹ tôi.

           

Ngày đó, tôi còn nhỏ dại lắm. Ký ức còn sót lại trong tôi, chỉ lờ mờ nhớ, mẹ cùng tôi trôi nổi trên một chiếc xuồng độc mộc , đi lại trên sông hoặc neo đậu vào các bụi bờ, rạch hói để mò cua, bắt cá, hoặc vớt những mớ hoa Lục bình, hay hoa Điên điển ven bờ sông đem về bến chợ bán lấy mấy đồng tiền lẻ chi tiêu: dầu đèn, mắm muối, áo quần cũng chỉ vừa lấp liếm cho hai mẹ con sống trong cảnh nghèo nàn. Đến bây giờ tôi còn nhớ, những lần tôi quờ quậy trên chiếc xuồng nhỏ hẹp và bị rớt tỏm xuống sông, uống nước sặc sụa, chấp chới trong dòng chảy, tưởng sắp chết đuối thì, lần nào cũng may mắn được mẹ tôi  kịp bơi lại vớt lên. Những lần như thế, mẹ tôi bỏ hết công việc, và đem tôi về ủ ấm tôi trong một ngôi nhà mái lợp lá dừa, đã quá tiều tuỵ với những cột nhà xiêu vẹo, bên những tấm phên nứa cũ kỹ, run lập cập trong mùa gió chướng. Những thanh âm xao xác từng khóm dừa ngã nghiêng giữa cảnh đất trời nghe hiu quạnh và tiêu điều biết bao. Nhưng tuổi thơ của tôi lại ngủ mê trong vòng tay mẹ ấm áp của mẹ với hạnh phúc dung dị, mà hầu như người mẹ chỉ đủ chắt chiu cho riêng con mình.

           

Những năm tháng của bậc tiểu học chỉ cho tôi biết lờ mờ về cuộc sống nghèo khổ của mẹ tôi trong chút ký ức nghèo nàn mà thôi. Phải đợi khi tôi bước lên THCS của trường Xã, tôi mới nhận biết được cuộc sống cơ khổ và cam go của mẹ tôi, nơi một miền quê nghèo, chỉ có mấy chục căn nhà lá hiu quạnh giữa nơi sông nước và lau lách ngút ngàn chen lấn những cánh đồng lúa màu mạ xanh tận chân trời. Nắng của một miền quê có vẻ nhạt nhoà không đủ ấm cho cả một vùng sông nước bao la, thì một người mẹ cũng khó lòng ôm ấp đủ cơm no áo ấm của một gia đình côi cút vào những ngày tháng hậu chiến đó.

           

Sáng nào, mẹ tôi cũng đánh ghe đi hết một đỗi  kênh, qua các cánh đồng để đưa tôi tới con đường làng quanh co tới trường Xã. Từ nơi đó, tôi vai mang chiếc cặp sờn rách, mua từ thời học tiểu học trường làng, và một chai nước trong cạp quần. Bộ quần áo cháo lòng đã nhọc nhằn nắng mưa, tuy được mẹ giặt sạch, nhưng đã cũ sờn nhiều nơi. Những bước chân tuổi thơ, chân đi không dép trên những bờ mương, ngõ hẹp quanh co đường đất khô cứng, in những dấu hằn đau và tê tái của những sớm mùa đông giá rét. Lớp học của mấy mái ngói đã ngã màu thời gian, đè nặng lên những hàng cột chống đỡ bao mùa mưa bão, đang nghiêng dần theo bóng mặt trời. Và trưa đến, mẹ lại đón tôi về nhà trên chiếc ghe bé nhỏ chênh vênh giữa dòng nước . Trong khi mẹ tôi ra sức chống chèo vất vả với mồ hôi ướt cả vạt áo bạc màu thì, tôi xếp những chiếc thuyền giấy thả xuôi theo dòng chảy, với sự hồn nhiên của tuổi mới lớn, để vô tư quên đi vất vả của những tháng ngày truân chuyên mưa nắng, làm sạm đen làn da trắng hồng của tuổi đời mẹ tôi. 

           

Tôi càng học lên bậc cao, thì những nhu cầu cấp thiết cho việc học của tôi ngày càng đè nặng lên tấm thân còm cõi của mẹ tôi. Nhất là khi tôi lên trường cấp III Huyện, ở nội trú với một người bà con xa, mẹ tôi càng phải ra sức chạy chợ búa vất vả cực nhọc hơn.

 

Cũng may, khi tôi tốt nghiệp cấp III, vừa khi có người bạn của ba tôi năm xưa, đi quy tập các mồ liệt sỹ qua miền quê và gặp lại mẹ tôi. Ngày gặp mẹ tôi, ông Kháng mừng lắm. Ông trịnh trọng thắp nén hương và bày hoa quả lên bàn thờ cha tôi, rồi bái lễ rất thành kính nghiêm trang. Ông Kháng gợi lại kỷ niệm thời quân ngũ của ba tôi và ông, với những gian nan vất vả một thời chinh chiến, buồn vui có nhau. Ông có vẻ cảm động khi kể lại chuyện ba tôi đã cứu ông ấy thoát chết trong một trận càn, vừa pháo vừa máy bay oanh kích; nếu không có ba tôi, ông ấy đã bị toi mạng rồi.

 

Mấy năm sau 75. Mẹ tôi trôi giạt về kênh Bàu Khê này, nên ông tìm mãi không ra. Bây giờ, phục viên về hưu ở thành phố, một mình ông sống lẻ loi cô quạnh trong ngôi nhà với hương khói thờ người vợ, đã bị chết trong trận càn của địch trước 75. Ông Kháng thiết tha  ngỏ ý với mẹ tôi: “Cho ông xem tôi như một đứa con, để bảo bọc và nuôi tôi ăn học ở thành phố”. Mẹ tôi đo đắn mãi, để cho tôi lên thành phố ăn học; Bởi, hoàn cảnh mẹ tôi lúc bấy giờ làm sao chu cấp nổi cho tôi lên bậc Đại Học; Hơn nữa, cũng bớt đi được gánh nặng vất vả cho mẹ tôi.

           

Là một gã học sinh nhà quê, quanh năm ở một miền sông nước chập chùng tứ bề, lần đầu tiên ra thành phố quả là hết sức bỡ ngỡ và xa lạ đối với tôi. Từ lời ăn tiếng nói, áo quần, phố xá sầm uất, nhà cửa chen chúc và xe cộ đông đúc như mắc cửi, tất cả đã làm tôi khá bối rối khi nhập cuộc. Nhưng rồi chỉ một sáng một chiều, ba nuôi tôi đã thay da đổi thịt cho tôi tất tần tật từ đầu tới chân, khiến cho tôi buổi đầu có phần ngượng nghịu với bộ quần áo mới thơm phức mùi vải, đôi săng đan bó vào đôi chân cả đời chỉ quen đi chân đất, mái đầu được húi lại gọn gàng trông khuôn mặt ngố ngáo và sáng sủa hơn.

 

Hình như trong tôi có cái phẩm chất của con Kỳ nhông, nên thích ứng với môi trường sống rất nhanh. Chỉ hai tháng sau, mẹ tôi đã không nhận ra tôi, từ giọng nói Sài Gòn lưu loát, đến cách phục trang rất thời thượng của sinh viên TP thời đó. Mẹ tôi ngầm hãnh diện, vì thấy tôi được ăn học cây cao lá dài, để đổi đời cảnh sông nước cơ cực thì người mừng lắm. Trong khi tôi luôn được ba nuôi cưng chiều, thì tính hào nhoáng trong tôi trổi dậy, như để trả thù cho những năm tháng sống tù đọng và khốn khổ ở miền quê.

 

Từ một đứa học trò quê mùa, rụt rè buổi đầu, dần dà tôi học đua đòi bạn bè đàn đúm ăn chơi chẳng kém ai. Cuộc sống tôi đang dần đổi đời của một thằng bé nhà quê đen khẳng khiu, bỗng hoá ra một chàng trai phố thị đẹp dáng, dài tóc, trắng da và luôn áo quần bảnh bao. Ba nuôi thương tôi, nên rất chiều chuộng tôi. Một cuốn sổ tiết kiệm và lương hưu của một Trung tá cũng đủ cho tôi đua đòi bạn bè vào thời bấy giờ. Mặc dầu là đua đòi ăn chơi với bạn bè, nhưng tôi không quên chăm lo học tập, và thậm chí tôi học rất trổi vượt so với bạn bè cùng khối.

 

Tình yêu đầu đời đã khai nhãn cho tôi biết, thế nào là nghĩa yêu đương của một chàng trai mới lớn. Và vì người con gái ấy là con nhà giàu, lại đẹp đến kiêu kỳ. Trước đó, không bao giờ tôi dám mơ: mèo mù vớ cá rán như thế!

 

Những năm đầu, cô nàng đâu thèm đếm xỉa gì tới tôi, mặc dầu là cùng nhóm của khối Kinh tế đối ngoại. Quần áo luôn mốt thời thượng đủ kiểu, đủ sắc mầu và chỉ mặc ít lần là cho vào tủ phế thải. Đi đâu cũng ngồi trên chiếc Dream Nữ hoàng đỏ choé bóng lộn. Dáng người thon thả và với môi son má phấn, càng làm tăng nét trưởng giả của con gái rượu một ông Tướng về hưu, thêm phần phong lưu. Một cô gái kiều diễm sống trên lụa là gấm vóc ăn chơi như thế, bảo sao thân phận một thằng nhà quê như tôi dám mơ tới. Nhưng rồi một lần nọ, các khối thi đua văn nghệ và tiếng đệm đàn Guitar Classic điêu luyện của tôi – tiếng đàn này tôi có được là nhờ ông thầy Nghiệp dạy đàn Guitar cổ điển khi học cấp III trường Huyện, đã khiến cho cô nàng để ý đến tôi. Vì cô nàng cũng là một cây văn nghệ - từ hát xướng đến vũ kịch. Và bài ca: Em, con tàu và dòng sông của Nguyễn Đức Trung, với tiếng đàn Unpluge classic ngọt ngào trầm ấm, đã tôn giọng ca của cô nàng lên cao vút, nghe thiết tha và êm đềm trong sự hoà hài giữa giọng hát và tiếng đàn. Từ đó, tôi lọt vào mắt xanh của cô nàng, và đi đâu vui chơi văn nghệ hay cà phê cà pháo, cô nàng cũng rủ tôi đi theo cùng. Phần tôi, ban đầu vì cả nể và cũng rất hãnh diện là được giao tiếp và đi chơi với một nàng tiên con nhà giàu lại có sắc đẹp mỹ miều, bảo sao một chàng trai nhà quê ra phố cưỡng nổi sự quyến rủ mê hoặc đó được.

           

Và để cho xứng tầm với Loan, trong những chi phí ăn chơi: Cà phê, Karaokê, nhảy đầm…và thậm chí là đi ăn nhà hàng, tôi cũng phải gồng sức ra để chi trả hoặc chơi đẹp với Loan và cả bạn bè Loan nữa. Và mức lương hưu của ba nuôi tôi cũng có hạn. Cuối cùng tôi phải viết thư về vòi vĩnh mẹ tôi ở quê nhà. Chính tôi cũng không biết, mình đã mắc cái bệnh sỹ diện hảo từ khi nào. Chỉ biết sau mấy lần, tụi bạn và Loan đưa đi đàn đúm, cà phê, sàn nhảy…đều Free cả, khiến tôi tự cảm thấy áy náy, và lòng tự trọng trong tôi nổi lên. Đó là lần đầu tiên tôi gian dối với bố nuôi tôi: “Con phải đi học thêm Anh văn, Nga văn…”và càng sau thì danh mục càng dài hơn. Tất cả đều chỉ phục vụ cho cái sỹ diện hão trong tôi.

           

Tôi không nhớ rõ, mình đã chối bỏ xuất xứ cái nguồn gốc nhà quê nghèo nàn từ khi nào, để tự khoác cho mình cái áo hào nhoáng phù phiếm của một thị dân chính quy .  Đến khi Loan bất ngờ hỏi quê quán và bố mẹ, tôi đã tự nhận mình là dân đô thị, con một ông Tá về hưu và rồi tỉnh bơ khai tử mẹ mình. Bởi vì ngày đó, mẹ tôi tiều tuỵ với da rám nắng nhăn nheo và còm cõi, đã sớm trở thành một bà lão quê mùa. Lẽ ra, tôi phải tự hào có một người mẹ tần tảo, suốt một đời hy sinh để nuôi con ăn học, thì tôi lại sợ lộ ra cái lý lịch quê mùa với một bà lão xấu xí, để Loan không còn yêu tôi nữa. Tình yêu và lòng vị kỷ đã làm cho tôi phủ nhận một người mẹ đáng tội nghiệp như thế! Đến bây giờ, tôi mới thấy tai hại của sự vô tâm, chỉ là thoáng chốc cho qua chuyện; Nhưng đó, lại là một sai lầm lớn, mà lẽ ra khi đối mặt giữa mẹ tôi với Loan, tôi có cơ hội để sửa chữa sai, thì tôi lại phạm tiếp một sai lầm lớn lao hơn.

           

Hôm đó Loan đến nhà bố nuôi tôi, và bất ngờ mẹ tôi lên chơi thăm tôi. Trong khi tôi còn đang lúng túng chưa biết xử thế ra sao, thì Loan hỏi tôi: “Bà đó là ai vậy?”. Tôi đã làm mẹ tôi đắng cay và hết sức ngỡ ngàng, khi gán cho mẹ mình là người ở giúp việc. Trong khi mẹ tôi chưa hết thờ thẫn bàng hoàng nhìn tôi ngạc nhiên thì, Loan lại dội thêm một gáo nước, lạnh lùng đến tàn nhẫn: “Chán anh ghê! TP này hết người rồi hay sao mà anh lại thuê một bà lão xấu xí, còm cõi, lại thêm chột mắt nữa chứ!”. Mẹ tôi chấp chới những bước chân thất thểu đi xuống nhà. Ngay cả chính tôi cũng bàng hoàng và cay đắng không kém phần mẹ tôi. Nhưng rồi cái bạc nhược trong tôi đã phủ dụ ru ngủ tôi: mình sẽ giải thích với mẹ sau vậy.

           

Khi Loan về rồi, mẹ ôm chầm lấy tôi khóc nức nở, như để những giọt nước mắt tắm gội bao xót xa nhục nhằn của đời mẹ. Mẹ chẳng nói gì cả, chỉ âm thầm chịu đựng, nhưng tôi biết, trong lòng người tủi nhục ê chê lắm! Nuôi con ăn học khôn lớn để cuối cùng, con gọi mẹ là người tôi tớ, thì có cay nghiệt không kia chứ !!!

 

Ngày đó, tôi chưa thấm thía nỗi đau như bây giờ, khi mẹ tôi đã không còn nữa. Và những lời phủ dụ mẹ chỉ là man trá giả dối mà thôi: “Mẹ thông cảm cho hoàn cảnh con, bây giờ con đang lệ thuộc nhà cô ấy lắm! Việc đi du học Nga của con cũng đang nằm trong tay họ, mà tính cô ấy lại kiêu kỳ, cao sang trưởng giả, con sợ khi cô ấy phát hiện ra mẹ, cô ấy khó lòng chấp nhận. Mong mẹ thương cho hoàn cảnh con và tạm chấp nhận như thế, để khi con thành tài, thành danh, con sẽ nói rõ cho cô ấy biết cũng không muộn đâu mẹ ạ!”. Mẹ tôi khóc nức càng to hơn, và gần như mẹ biết là mẹ đã mất đứa con của mẹ rồi.

 

Ngày đó. Không phải tôi không biết: đó là nỗi đau lớn lao nhất cho đời mẹ tôi. Nhưng bản tính hám lợi, hào nhoáng, đắm say đường tình thì ít, mà mê bả phú quý công danh thì nhiều, đã làm tôi đến lú lẫn. Bây giờ mẹ chết rồi, tôi mới thấy: mình đã làm một việc hết sức thất đức để đánh đổi một bà mẹ đáng kính ra một bà đứa ở, còn tệ hơn là một mụ ăn mày. May mà chuyện giữa mẹ với tôi vẫn giữ kín không cho ba nuôi tôi hay. Nếu không, ông không để tôi yên và hành tôi một trận ra trò. Sống với ông cả mấy năm trời, tôi biết ông là người trọng nhân nghĩa và phép tắc gia giáo lắm! Ngay cả đến khi ông chết - vì ung thư gan, ông cũng chẳng biết, tôi đã hành xử tệ bạc và bất hiếu với mẹ tôi như vậy.

           

Sau ngày bố nuôi chết, tôi đưa mẹ tôi lên ở nhà bố nuôi và dùng số tiền tiết kiệm của bố, để mẹ tôi không phải làm lụng vất vả nữa. Và gần như điều đó khiến tôi an tâm hơn, khi về ở bên nhà Loan, vì tôi gần như chú rễ ở trong nhà Loan rồi.

           

Thêm một nỗi đau nữa cho mẹ tôi là, chính người cũng không hề hay biết: tôi và Loan đã làm đám cưới, trước ngày hai đứa đi du học. Bởi lúc đó, tôi quá vui mừng, vì thủ tục du học đã lo xong, nên tôi không còn lòng dạ nào quan tâm đến việc thiếu vắng mẹ tôi trong ngày cưới. Mà chính thời gian đó, tôi cũng ít về lại nhà mẹ tôi; hoặc giả có về thì cũng chóng vánh thăm hỏi người cho qua chuyện. Nói thực lòng, chính tôi cũng không muốn có mặt mẹ tôi trong khung cảnh nhà hàng sang trọng, với cánh họ gái toàn những người quyền cao chức trọng, mà trong ngày vui đó, phải vướng bận một bà lão nhà quê tiều tụy, trông rất phản cảm cho bữa tiệc cưới linh đình và trang trọng ấy! Nhưng không hiểu sao, chị Sen lại biết về đám cưới của tôi và vô tình để hé lộ cho mẹ tôi biết. Và mẹ tôi van vỉ nằng nặc đòi chị Sen đưa mẹ tôi tới nhà hàng Phong Lan. Người hứa với chị Sen là chỉ đi xem trộm cho biết mặt cô dâu, chứ không dám xuất đầu lộ diện giữa đám đông. Cả chị Sen và mẹ tôi ôm chầm lấy nhau khóc nức nở, tủi thân cho một người mẹ đã một đời tần tảo nuôi con, thế mà đến cái ngày mẹ ao ước được thấy con mẹ thành duyên vợ chồng, thì phải gạt nước mắt ra về trong đắng cay xót xa; Trong khi con trai mình lại bia rượu tưng bừng hân hoan rộn rã tiệc vui với muôn người.

 

Mẹ tôi ngày càng sầu thảm hơn trong khoé mắt luôn ươn ướt bờ mi như chực khóc. Có lần mẹ khóc với tôi: “Mẹ ước ao có đứa cháu nội để bế ẳm cho vui nhà vui cửa”. Nhưng rồi tôi khoả lấp: “Mẹ già rồi, còn bế ẳm cháu làm chi cho khổ sở”. Mẹ tôi như biết ý, người thở dài thất vọng, vì người biết rằng: điều đó sẽ chẳng bao giờ có được với người nữa.

           

Tôi ghé qua nhà trong chốc lát để giã từ mẹ với lời thân thiết ân cần:“Mẹ nhớ giữ gìn sức khoẻ, con đi du học bốn năm chóng thôi, rồi con sẽ về với mẹ. Có lẽ, đó là lời nói đầy xúc cảm nhất của tôi đối với mẹ trong những năm tháng đó. Hình như trong suốt mấy năm qua, tôi chưa bao giờ dành cho mẹ lời nói thân thương như vậy. Mẹ tôi cảm động và khóc rúc trong vòng tay tôi, ngỡ như lần ra đi này, mẹ sẽ chẳng còn gặp lại tôi nữa. Đó là lần cuối trong vòng tay mẹ, tôi cảm thấy ấm áp lạ thường. Bây giờ, khi không còn mẹ trên cõi đời này nữa, tôi mới tiếc nuối, vì sẽ không bao giờ còn được ấp ủ trong vòng tay dấu yêu của người nữa.

 

Nhưng rồi, nỗi mừng vô hạn của ngày hai vợ chồng tôi đi du học Nga, đã làm phai mờ hình ảnh của người mẹ thân thương trong tôi.

 

Vợ tôi. Một người con gái đẹp dáng và sắc sảo bao nhiêu, thì trái lại, nội tâm lại nông cạn hời hợt bấy nhiêu. Cô ấy sống: vị kỷ, sống chết mặc ai, quan liêu, bậc thứ. Những lần vào quán hàng ăn uống, cô ấy tỏ ra khó chịu với những kẻ đi ăn xin. Cũng cho họ tiền, nhưng là để tống khứ họ đi cho rãnh nợ khuất mắt. Ngay cả với tôi, vợ tôi vẫn ngầm xem tôi là hạ cấp hơn với cô ấy. Có lần vợ tôi đã bộc bạch:“Nếu anh không học giỏi và đẹp trai, chắc chắn em chẳng lấy anh đâu”. Cuộc sống đối với vợ tôi, chỉ là danh vọng và tiền tài mà thôi. Có điều, đối với tiền bạc, vợ tôi rất thoáng đạt. Ăn tiêu có phần phung phí là đàng khác. Với tôi, cô ấy thừa biết tỏng tôi là một anh nhà quê chính hẩu. Bởi, tôi chưa thể rửa hết chất phen chua đồng ruộng của những sự ăn xài tiện tặn, chắt lót từng đồng. Vì thế trog cuộc sống gia đình, không mấy khi hai vợ chồng đồng cảm với nhau. Nhưng rồi, tôi cũng chịu đấm ăn xôi cho mát mái xuôi chèo.

           

Những năm tháng du học trên đất Nga, với hai vợ chồng tôi, là một cuộc du lịch dài ngày. Tiền bạc chưa bao giờ là vấn đề với chúng tôi. Việc học cũng rất suôn sẽ. Chỉ có buổi đầu khi nhập cuộc sống Nga thì, ngôn ngữ là rào cản lớn nhất cho chúng tôi. Nhưng gần như bốn năm trời ở quê nhà, chúng tôi đã chuẩn bị khá kỹ, nên chỉ mấy tháng đầu vất vả, còn về sau thì rất thuận lợi.

 

Bốn năm ở Nga, nếu có điều khó chịu, thì đó là sự khủng hoảng gây xáo trộn kinh tế, đời sống, chính trị sau sự đổi mới tư duy - New thinking - và Khai sáng - Perestroika, khiến cho người nước ngoài lưu trú tại đó, đôi khi cũng bị vạ lây vì những trò xã hội đen cướp giật, những băng đảng Mafia thanh toán lẫn nhau. Cảnh buôn bán mánh mung chợ trời ào ạt tuôn xuống các đường phố, gây mất trật tự của một xã hội Nga đang chuyển dần qua tư bản với kinh tế thị trường tự do.

           

Matcơva là một thành phố cổ kính với những nhà cửa xây dựng theo lối kiến trúc cổ Âu Á. Điện Kremli hoành tráng với các lầu đài đồ sộ, thật xứng là tên gọi ngôi nhà mùa đông của Nga. Mầu nắng nhạt chiếu toả, trải dài trên một khoảng không gian rộng, là Quảng trưởng đỏ, trông thật thoáng đãng và yên bình. Những hàng Bạch dương rạng rỡ trong nắng mai hiền hoà. Những cánh rừng Taiga với những hàng cây thẳng tắp cao vút lên trời xanh, chấp chới những cánh Thiên nga mầu tuyết trắng bay lượn .Và con người Nga, với sự hiền hoà và dung dị của một miền quê Nga đậm chất nhân hậu thân thương, khiến cho khách nước ngoài luôn thấy được sự trìu mến và mộ khách của người Nga.

 

Bốn năm êm đềm trướng rũ màn che của cuộc sống nứơc ngoài, đã khiến tôi hầu như quên lãng mẹ tôi khốn khổ trong hiu quạnh ở quê nhà. Ngày tôi ra đi, mẹ cơ hồ khóc sầu thảm! Tưởng như mẹ đã đánh mất đứa con của mẹ rồi. Và quả thật, mẹï đã  mất tôi từ độ ra thành phố học rồi. Bây giờ hồi tưởng lại, tôi thấy mình đã quá vô tâm để bặt vô âm tín với mẹ mình trong bốn năm trời. Chỉ có một điều, là ngày trước khi đi du học, tôi đã lo tiền nong đầy đủ cho chị Sen, để phụng dưỡng mẹ, là hình như tôi cảm thấy yên tâm về mẹ lắm rồi!

           

Ngày trở về, mẹ tôi đang trong tình trạng hôn mê. Chị Sen kể lại: “Những năm tháng xa cách, bà thường gọi tên cậu. Có những đêm, bà mơ hồ thấy cậu về gõ cửa ngoài hiên, rồi bà lần mò ra hiên ngơ ngác gọi mãi tên cậu. Bà còn cãi với cháu: “Rõ ràng tao thấy nó về gõ cửa và gọi tên tao mà”. Chị Sen kể với tôi bằng giọng mếu máo khóc thương cảm: “Bà ơi! Bà lẩm cẩm rồi! Nếu có thì cháu phải biết hơn bà chứ!”. Rồi bà lại lần mò ra cửa như ngóng chờ cậu về. Một lát sau, bà thểu não bước chệnh choạng vào nhà trong nỗi thất vọng đau đớn đến ngã quỵ. Và tối đó, bà chẳng thiết tha gì ăn uống. Đến cả mấy ngày sau, bà chẳng nói năng chi. Nỗi nhớ nhung đã làm cho bà bần thần. Và một thứ ảo giác lại đến để xoa dịu nỗi nhớ của bà để bà chìm vào giấc ngủ. Nhưng khi bà tỉnh táo, ảo giác không lừa nổi bà, thì người bà tê điếng đến ngất lịm”. Nghe chị Sen kể, tôi bồi hồi xúc động, nhưng rồi như cơn gió thoảng, tôi lại bù đầu với những công ăn việc làm của một sự khởi nghiệp.

 

Bây giờ nhớ lại khoảng khắc ấy, nước mắt tôi bỗng tuôn tràn ràn rụa và xót xa cho mẹ, thì mẹ đâu còn nữa! Và với tôi, cảm xúc luôn là một sự giả dối của một sự đến muộn.

           

Tôi đưa mẹ tôi vào bệnh viện đắt tiền và sang nhất, hòng để đoái công chuộc lại lỗi lầm bất hiếu bấy lâu nay. Nhưng rồi tôi cũng không thể túc trực bên mẹ tôi ngày đêm được, vì sợ vợ tôi biết chuyện. Và rồi tôi cứ nấn ná tự bảo với mình: khi nào công thành danh toại và có chỗ đứng trong xã hội, tôi sẽ nói chuyện với vợ tôi cũng không muộn. Nhưng thực tâm, tôi vẫn thấy cái nhu nhược hèn kém trong tôi đang là lực cản để tôi lần lựa nói ra.

           

Rồi mẹ tôi cũng dần khoẻ, và cứng cáp hơn lên. Trong khi tôi phải bù đầu với vợ, để thành lập công ty xuất nhập khẩu - đang là những công ty trung gian có thu nhập siêu lợi nhuận lúc bấy giờ. Nhưng lần đầu tiên, điều làm tôi đau đầu: sự tiếm quyền, khi vợ tôi đứng danh xưng là Giám đốc công ty và tôi chỉ là Phó giám đốc.  Tôi bị tổn thương tự ái và lòng đau ê chề! Nhưng tôi cũng đắng cay để nhận ra: thân phận mình cũng chỉ là tầm gửi, như chó cột chân giường mà thôi. Và tôi biết, cái ngày để bộc bạch cho vợ tôi về một sự thật đã trở nên xa vời; Khi tôi hầu như không có chút quyền hành, thì sự bộc bạch đó sẽ là tai họa nhiều hơn là sự hoá giải êm xuôi. Một sự thầm tính trong tôi: nếu vợ tôi biết sự thật, có thể hạnh phúc của gia đình tôi sẽ đổ vỡ, vì tính đồng bóng của vợ tôi khi không thích, vợ tôi có thể làm bất cứ điều gì. Và chính tôi sẽ mất hết tất cả: vợ con, tiền bạc, danh vọng…Đổi lại tôi sẽ được mẹ tôi. Phải chăng, đó là cái giá quá đắt, để sự nhu nhược truyền kiếp trong tôi, như được thế ngủ quên trong tháng ngày sau đó.

           

Tháng ngày trôi đi. Dầu muốn dầu không thì, hạnh phúc của mái ấm gia đình - dù giả tạo - cũng đem lại cho tôi hai đứa con - một trai, một gái. Chúng nó được vỗ béo lớn lên sung túc như những chú gà công nghiệp. Chỉ hơn hai năm là được gửi vào trường điểm mầm non: Lá, Chồi, Cành…loại nhất Quận thành. Con người của chúng nó vốn sống trong sự thiếu quan tâm của cha mẹ, thì môi trường sống xa cách gia đình càng làm chúng thêm vô cảm với người thân hơn.

           

Bữa nọ, con Bi và thằng Zén đi học về kể: “Bố ơi! Cho hai đứa con học trường mầm non khác đi bố!”. Tôi hỏi:” Tại sao con lại không thích học trường đó?”. Hai đứa kể: “Có bà già xấu xí chột mắt, trông đến kinh tởm, sáng nào cũng nhìn chúng con chăm chăm, như người thân bà. Rồi bà tiến lại xoa đầu và o bế chúng con trông đến phát rợn lên được bố ạ!”. Nghe đến đó, tim tôi giật thót lên nhói đau. “Trời ơi! bà nội của các con, mà chính bố đành bất lực không dám nói rõ cho lũ con mình hay biết. Con người đã sinh thành ra bố chúng nó, mà đành để lũ cháu kinh tởm và khiếp sợ bà chúng nó, thì còn gì phải nói nữa hả trời!”. 

 

Đau đớn thế đấy, mà vẫn không đánh thức cái lương tri trong tôi chỗi dậy một sự can đảm cần thiết, về một sự thật chẳng có gì đáng phải xấu hổ, khi cho vợ mình nhận ra mẹ chồng và cháu nhận ra bà nội, thì con người tôi bạc nhược và đớn hèn biết dường nào!?

           

Và sự đớn hèn đó, đã mách nước cho tôi bằng một sự trấn an: tôi chuyển trường cho hai đứa con sang học một trường mầm non khác, cách xa nhà mẹ tôi, để mẹ tôi không còn lảng vảng bên các cháu nữa. Và quan trọng hơn là để an toàn, khỏi vợ tôi phát hiện ra mẹ tôi. Sau này, tôi nghe chị Sen kể: “Bà biết tôi đã có hai con, nhân hôm bà xem TV thấy vợ chồng tôi và hai con thi gia đình Văn hoá và cháu ngoan học tập tốt, cấp Quận thành với giải nhì. Khi thấy gia đình cậu trên TV, bà reo lên như một đứa trẻ: “Sen ơi! Đích thị gia đình thằng Bủng đây rồi!” Vợ nó xinh xắn và con nó kháu ghê Sen nhỉ!”. “Thế là từ đó về sau, cháu không thể giấu bà nữa rồi cậu ạ! Nhưng rồi những lần sau, bà cứ van vỉ, nài xin cháu đưa bà đi tìm trường mầm non chúng học. Cháu chỉ đưa bà tới gặp chúng nó một lần và chỉ đứng xa xa để xem thôi. Lần đó, bà vừa mừng vừa tủi và khi được thấy cháu tận mắt, bà đã oà khóc. Những lần sau, bà lén thuê xe ôm đến trường gặp hai đứa, vào những lúc cháu đi chợ. Và những ngày sau đó, bà sống vui vẻ hả hê lắm! Nhưng điều làm bà băn khoăn: không biết hai đứa cháu mình tên gì để gọi”. Bà nói: “Sen ơi! Bữa nào mi đến trường hỏi tên cho bà biết mà gọi tên hai đứa chứ!”. “Sau này, mấy đứa trẻ không còn học trường đó, bà buồn phát ốm cả tháng trời đấy cậu ạ!”.

           

Nghe những chuyện kể thương tâm về mẹ tôi của chị Sen, không phải tôi vô tâm để không biết cảm xúc thương về sự khốn khổ của mẹ tôi. Niềm vui dung dị của tuổi già: chỉ ước ao được sống êm đềm bên cháu con mà không có được thì, nỗi đau của mẹ tôi biết là dường nào! Nhưng rồi công việc bù đầu đã phủ ngập những cảm xúc thương tâm của mẹ tôi vào quên lãng. Và tôi tự hứa với mình: mẹ yên chí, thế nào cũng có ngày con sẽ nói ra sự thật này.

           

Dù là mới bắt tay vào thành lập công ty, tuy công việc bề bộn, nhưng mọi việc lại diễn tiến khá suôn sẽ. Chúng tôi thường giao dịch liên hệ với các nước Châu âu về giày da, may mặc, đồ gỗ, là những mặt hàng xuất khẩu đang được ưa chuộng tại các nước Anh, Ý, Pháp, Hà lan…Hầu như tôi không có thời gian ở nhà. Rồi vợ tôi có mang đứa thứ ba - ngoài kế hoạch - thì tất cả mọi công việc lại đổ ập trên đầu tôi đến ná thở. Nhưng được cái là vợ tôi thường ở nhà trong những tháng ngày sắp sinh, nên cảnh cơm nước gia đình có vẻ đầm ấm hơn.

 

Và rồi điều đó cũng không làm tôi dễ chịu chút nào, khi có hôm, nghe các con kể: “Bố ơi, sáng chủ nhật nào cũng có một bà lão vào ăn xin nhà mình, kỳ quặc lắm! Má cho bà tiền, rồi đuổi ra cổng khoá lại. Một lúc sau bà lén quay lại, gọi chúng con ra cửa, rồi cho chúng con tiền, còn nhiều hơn cả tiền má cho nữa bố ạ!” Tôi giật thót người: “Chết thật, bà nội chúng nó rồi!”. Hình như lúc đó, tôi đánh mất cảm xúc thương tâm về một người mẹ bị ruồng rẫy, để lo đối phó với sự xuất hiện mẹ tôi ở nhà này. Và việc tỏ lộ cho vợ tôi biết điều đó, trong thời gian thai nghén sinh nở, là chưa thuận tiện một chút nào. Tôi đã phải nhờ chị Sen trông coi và quản lý mẹ tôi thật chặt chẽ - bằng cách khóa cửa cổng cận trọng, để bà khỏi tới nhà. Và quả thật, những chủ nhật sau đó, mẹ tôi đã không còn tới nữa.

           

Rồi tôi quên quấy chuyện của mẹ tôi, bằng những chuyến đi Châu Âu, Châu Mỹ dài ngày, đâu còn thời gian nhàn rỗi để tự vấn lương tâm bạc nhược của mình nữa. Ngay cả ngày vợ tôi sinh đứa con thứ ba, tôi cũng không có mặt ở nhà. Một tháng sau, tôi kịp về ăn mừng tròn tháng cho con, nhưng đó lại là lần đắng cay cuối cùng cho mẹ tôi.

           

Hôm đó, mọi người đang cung chúc chén thù chén tạc trong bầu khí tưng bừng cho bữa sinh nhật tròn tháng của con tôi, thì bỗng một bà lão cầm gói quà đến chúc mừng cháu. Bà chưa kịp nói lời chúc mừng, vợ tôi hét toáng lên: “Mấy đứa đâu, tống cổ cái bà già rác rưởi ra khỏi nhà ngay cho tao!”. Đứa người làm, ôm mẹ tôi cặp nách, rồi xô mẹ ra khỏi cổng, kịp khi mẹ tôi ngoái nhìn lại tôi trong tuyệt vọng! Mẹ tôi đau đớn ứa nước mắt, nhìn con trai mẹ bất lực, quay đi nơi khác, để khỏi tủi hổ cho mẹ mình.

 

Đó là lần đầu tiên tôi thổn thức về nỗi cay đắng cho thân phận của mẹ tôi. Và cho dẫu trong tôi, ý thức đã chỗi dậy niềm day dứt khôn nguôi cho mẹ, nhưng rồi toàn thân tôi cũng đành bất lực trước cái cảnh đầm ấm yên vui đó, khiến tôi không biết, mình phải làm gì cho mẹ mình đây? Tôi chỉ biết lặng lẽ gạt nước mắt quay đi, cho khỏi bẽ bàng tình mẹ con phân ly trong nghịch cảnh đắng cay này.

 

Ngày tháng trôi đi như một tảng băng trôi trong tôi. Có khi tảng băng nổi lên như một sự thức giấc trong lòng tôi về những sự tiếc nuối ân hận, vì đã để cho mẹ mình rơi vào những tình trạng nghiệt ngã khó xử như thế! Nhưng rồi sự bạc nhược ươn hèn, lại nhận chìm tảng băng nhiệt tâm đó xuống đáy sâu lòng vị kỷ và an vị, trong sự hờ hững lẫn vô cảm của cuộc sống.

           

Ngay cả ngày mẹ tôi chết, lẽ ra, tôi cũng có thể sắp xếp để về kịp, khi nghe điện thoại của chị Sen báo: “Mẹ cậu hấp hối, khó qua khỏi. Hiện đang nằm cấp cứu ở bệnh viện….cậu về ngay”. Tôi nhận được điện thoại khi đang vui say tiệc tùng với bạn bè. Và phải đến hai ngày sau, khi tỉnh rượu, tôi mới nhận được tin nhắn: “Mẹ cậu đã qua đời vào tối hôm qua”. Tôi nhận tin mẹ tôi chết trong trạng thái bơ thờ, mệt mỏi sau cơn say búa bổ, hoành hành tôi nhừ tử đến rã rời. Nhưng khi nhận được tin báo, tâm trí tôi cũng đủ tỉnh táo để biết rằng, đây là sự khẩn thiết, hệ trọng để tự nói với chính mình: “Mẹ mầy chết rồi đấy! Mầy phải lo về cấp táng mẹ mầy cho phải đạo hiếu phận làm con”. Thế rồi cái nguội lạnh, cái khô khốc chai lì trong tôi, đã là vật cản, khiến cho tôi lờ đờ, chậm chạp, lừng khừng, để phải mất thêm hai ngày nữa, mới có thể lên máy bay về nước.

           

Ngồi trên máy bay, tôi như kẻ lạc vào cõi mộng du, bơ thờ đến vô cảm khi nghĩ về mẹ mình. Dường như trong lòng thầm cầu mong: khi về, mọi việc tống táng đã mồ yên mã đẹp, cho khoẻ người; còn hơn là phải ngồi trước linh cữu của mẹ với bộ đồ tang tóc, nhục nhằn, với khuôn mặt sầu não giả tạo. Và không ít nhiều, lương tâm lại tra tấn, tự vấn bản thân mình thêm rắc rối. Cảm giác buông xuôi của con người vô cảm trong tôi đã tự nhủ: đàng nào thì mẹ cũng chết rồi!

           

Thế mà giờ đây, khi cầm trên tay một mảnh giấy nhỏ nhàu nát, nó đã khiến tôi bật người dậy như chiếc lo xo. Máu trong toàn thân tôi chảy dồn về tim những bồi hồi xúc động đến mãnh liệt. Như cơn mưa đầu mùa, rửa sạch hết mọi sự chai lì ích kỷ trong tôi, để tan chảy những viên đá cuội khô khốc tình cảm lâu ngày, đang trở thành dòng cảm xúc vô tận. Trong bàng hoàng xúc động, tôi cố đọc những dòng chữ mờ nhạt trong dòng nước mắt tuôn rơi.

 

Giấy tình nguyện hiến mắt

Tôi là Lưu Hoàng Lan, mẹ của cháu Phan Quốc Hữu, bị mù mắt do bị bệnh sởi.

Nay tôi làm giấy này để xin hiến mắt cho con tôi. Và xin quý Bệnh viện phẩu thuật ghép mắt cho con tôi thật tốt. Xin cám ơn quý bệnh viện.

Mọi sự thương tổn về mắt của tôi, tôi xin cam chịu.”

Ký tên

Lưu Hoàng Lan

           

Trời ơi! Tại sao lại có điều này, mà tôi không hề hay biết? Tại sao mẹ lại không nói cho con hay?

Lật trang sau, có vài dòng chữ viết nghệch ngoạc của mẹ tôi:

           

“Mẹ định chờ cho đến ngày con khôn lớn để nói với con điều nầy. Nhưng rồi thời gian 9, 10 năm đã làm mẹ quên khuấy mất. Rồi con xa rời mẹ lên Huyện học, lên TP học, khiến mẹ không có điều kiện gần gủi con, để tâm sự cho con biết. Và bây giờ khi mẹ muốn tâm sự cho con hay, thì có bao giờ con dành thời gian cho mẹ tâm tình nữa đâu! Càng về sau, con càng xa cách mẹ, thì mẹ còn đâu lòng dạ để chia sẽ tâm tình với con nữa. Chẳng lẽ, mẹ kể lại chuyện hiến mắt của mẹ, để ăn mày con chút tình cảm của con ư! Chẳng lẽ mẹ sinh ra con, cho con được cả hình hài thân xác, mà tiếc gì mẹ không cho con thêm con mắt nữa hay sao? Liệu có cần phải nói ra cho con biết chăng? Hay nói ra chỉ để đánh đổi lại thứ tình cảm ép uổng mà con phải dành cho mẹ, thì thật mẹ chẳng muốn một chút nào.

           

Mẹ những tưởng rằng…..( ở chỗ này những dòng chữ đã bị nhạt nhoà, có lẽ là nước mắt của mẹ đã xoá nhoà) …ai ngờ…”.

 

Mẹ ơi! Bây giờ mẹ không cần viết hết những dòng chữ đó, con vẫn đọc được ý mẹ: “Mẹ cho con, mắt ấy, những tưởng để con soi tỏ việc đời, để con biết những công lao dưỡng dục trời bể của mẹ mà đền đáp…Ai ngờ con chẳng thấy được ơn sinh thành dưỡng dục của một người mẹ suốt đời tần tảo nuôi con ăn học nên người, mà nay, con lại vô ơn bội nghĩa, để rồi trong mắt con, chỉ thấy một bà lão già nua xấu xí, chột mắt…để rồi con xa lánh hắt hủi mẹ….!!!

 

Cảm xúc như một vùng biển mặn, đã nhận chìm tôi trong ân hận tiếc nuối. Và bây giờ ăn năn hối hận thì đã quá muộn màng. Vì còn đâu bóng mẹ yêu để con tạ lỗi và chuộc lại lỗi lầm với mẹ nữa!!!

 

25/05/2007

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 2221
Ngày đăng: 09.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hòm thư ảo mị - Trương Thái Du
Bến sông xưa - Đậu Nữ Vệ
Con thỏ bông - Nguyễn Minh Phúc
Tiếng Đàn - Đồng Sa Băng
Thầy cũ - Nguyễn Nguyên An
Luỵ đời - Nguyễn Vĩnh Căn
Khoảng trống - Minh Nguyễn
Cái quẹt tim gòn - Nguyễn Hiệp
Điều khó hiểu - Đậu Nữ Vệ
Niềm an ủi cuối cùng - Y Uyên
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)