Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
674
116.001.184
 
Những phát hiện làm thay đổi lịch sử
Vũ Khánh Thành

Là người quan tâm tới văn hóa dân tộc, chúng tôi theo dõi sát sao việc nghiên cứu Việt học trong nước. Những công bố về văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo… không chỉ mang đến cho chúng tôi tự hào mà còn là những tri thức để học tập, nghiên cứu và cũng để “ăn, nói” với bạn bè. Cuốn “Tìm Về Bản Sắc văn hóa Việt Nam của giáo sư Trần Ngọc Thêm trình bày những ý tưởng mới và hệ thống về văn hóa Việt là đóng góp có giá trị. Với riêng chúng tôi, cuốn sách còn là sự vui mừng vì lần đầu tiên, những ý tưởng của Thầy chúng tôi là Giáo sư, triết gia Kim Định được phân tích để nhìn vào từng dữ kiện thực tế văn hoá, văn minh Việt.

 

Đầu năm 2005, trên mạng BBC online chúng tôi được đọc tiểu luận “Tìm lại cội nguồn tổ tiên, cội nguồn văn hóa của tác giả Hà Văn Thùy. Đấy là lần đầu tiên cội nguồn sinh học và văn hóa của tộc Việt được trình bày theo quan điểm mới, hệ thống và thuyết phục. Theo dõi tiếp một số bài viết của tác giả trên mạng, chúng tôi đã mời ông cộng tác với website anviettoancau.net do chúng tôi chủ trương. Giữa năm 2007, chúng tôi được tác giả gửi tặng cuốn Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt. Những ý tưởng của bài tiểu luận được tác giả khai triển thành cuốn sách trình bày cội nguồn sinh học và văn hóa tộc Việt một cách hệ thống, với những lập luận vững chắc, chứng cứ xác đáng. Một thành tựu đáng mừng của Việt học. Từ lâu chúng tôi có ý định lập một Viện nghiên cứu Việt học ở Anh quốc nhằm giảng dạy lịch sử văn hóa Việt cho hệ đào tạo Cao học và Tiến sĩ. Khi nghiên cứu thực hiện, chúng tôi nhận ra nhiều khó khăn mà trước hết là tài liệu về lĩnh vực này quá thiếu. Ngay cả những tài liệu hiện có tại các đại học lớn bên Mỹ thì phần nhiều không mới, hầu như chỉ là xào xáo cổ thư Trung Hoa cùng những đề xuất của học giả phương Tây thời thuộc địa. Có những tài liệu quý của tác giả Âu-Mỹ về Á Đông nhưng hiếm hoi và cũng không trực tiếp nhiều tới Việt học. Vì vậy, cuốn sách của nhà văn Hà Văn Thùy cùng một số bài viết của người Việt ở nước ngoài như Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp, Luật sư Cung Đình Thanh… động viên chúng tôi thực hiện mơ ước của mình. Tháng 5. 2008 chúng tôi đã cùng với Trường Đại học Đô thành Luân Đôn (London Metropolition University) bắt đầu thương thảo hoạch định để liên kết mở khoa Việt học tại Trường này. Trong khi chuẩn bị tư liệu cho giáo trình, chúng tôi nhận được cuốn “Hành trình tìm lại cội nguồn” của nhà văn Hà Văn Thùy. Đi sâu vào chủ đề cội nguồn và văn hóa dân tộc, lần này tác giả giải quyết từng vấn đề cụ thể dưới hình thức những chuyên luận khoa học. Như nhà khoa học thực thụ, tác giả đề xuất phương pháp luận nghiên cứu mới: dùng di truyền học phân tử làm kim chỉ nam và cũng là “chiếc gậy thần” gõ vào những hòn đá, mảnh gốm, những đốt xương, những cổ tích, huyền thoại… bắt chúng khai ra thân phận thực của mình.

 

Giải mã truyện Hùng Vương, tác giả cho thấy, lịch sử của người Việt có hai thời kỳ. Thời kỳ đầu đi lên khai phá đất Trung Hoa. Thời kỳ sau từ lưu vực Hoàng Hà trở về dựng nước Văn Lang. (Đọc lại truyện Hùng Vương trong ánh sáng mới của khoa học – tr. 42)

 

Nhận là “Viêm Hoàng tử tôn” nhưng cho tới nay người Trung Hoa chưa xác định được Viêm là ai, Hoàng là ai. Bằng phân tích con đường thiên di của người tiền sử từ Việt Nam đi lên Trung Hoa, Mông Cổ, tác giả cho rằng, khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ phương Bắc vượt Hoàng Hà chiếm đất của người Bách Việt. Sự hòa huyết giữa người Mông Cổ phương Bắc và người Bách Việt cho ra người Hoa Hạ, là tổ tiên người Hán ngày nay. Như vậy Hoàng Đế thuộc chủng Mongoloid phương Bắc, Viêm Đế thuộc chủng Bách Việt Australoid, còn người Hoa Hạ là chủng Mongoloid phương Nam. (Về nguồn gốc người Hán và sự hình thành nước Tàu – Tr. 102)

 

Trước đây, khi phát hiện làng trồng kê Bán Pha (bonfo) thuộc văn hóa Ngưỡng Thiều, giới khoa học đồng thuận cho rằng người Ngưỡng Thiều là chủ nhân sáng tạo cây kê. Nhưng theo dõi con đường thiên di của người từ Đông Nam Á lên phía Bắc và giải mã truyền thuyết “Cây kê cuối cùng” của người bản địa Đài Loan và đồng bào Bana Tây Nguyên, tác giả cho rằng cây kê đã được người Đông Nam Á trồng trước dân Ngưỡng Thiều ít nhất là 500 năm… (Truy tìm vết tích cây kê. Tr. 130.)

 

Suy ngẫm về con đường loài người từ châu Phi lan tỏa ra toàn Trái đất, tác giả cho rằng Đông Nam Á có vị trí đặc biệt, là nới cung cấp  nguồn gen chẳng những cho châu Á, châu Úc, châu Mỹ mà còn là thành phần chủ đạo tạo nên tổ tiên người châu Âu. Với vai trò như vậy, Đông Nam Á thực sự là cái nôi của văn minh nhân loại. (Suy ngẫm về tiến trình văn minh nhân loại - Tr. 145)

 

Những ý tưởng về cội nguồn, văn hóa dân tộc được tác giả củng cố thêm bằng những bài đối thoại với nhiều học giả.

 

Vào những năm 20 thế kỷ trước, học giả người Pháp L. Aurousseau đưa ra thuyết cho rằng “khoảng năm 330 TCN, nước Sở diệt nước Việt, người Việt của Câu Tiễn tràn xuống phía Nam tạo thành tổ tiên người Việt ngày nay.” Do phù hợp với cổ thư Trung Hoa và có một vài “bằng chứng” khảo cổ, ngôn ngữ học, thuyết trên được nhiều học giả chấp nhận và được coi là chủ lưu trong những giả thuyết về cội nguồn người Việt. Sang thế kỷ này, một số nhà nghiên cứu vẫn thuận theo thuyết trên, có người còn vận dụng kỹ thuật “quay nhanh băng video” để đưa Hùng Vương về bằng với Sở Hùng Cừ! Viết “Lời cáo chung” cho giả thuyết sai lầm trên, nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy khẳng định: Tổ tiên người Việt ngày nay hình thành từ hơn 2000 năm trước khi Câu Tiễn, Sở Hùng Cừ ra đời! (Lời cáo chung cho thuyết Aurousseau về tổ tiên người Việt – tr. 290)

 

Chúng tôi có lý do riêng để tri ân tác giả. Vào những năm 70 thế kỷ trước, Thầy Kim Định, khi nghiên cứu huyền thoại và truyền thuyết Việt có đưa ra lý thuyết Việt Nho và đạo Việt An Vi. Ngay lập tức, những phát hiện “động trời, không thể chứng minh, mang ý đồ lật đổ” này bị nhiều học giả phản bác, vùi dập. Nay, nhà văn Hà Văn Thùy, dựa vào những phát hiện mới nhất về lịch sử văn hóa Việt, đã “Xác lập cơ sở khoa học cho học thuyết Kim Định” (tr. 48), góp tiếng nói khẳng định cống hiến của Kim Định cho văn hóa dân tộc.

 

Chúng tôi có kế hoạch cho dịch Hà Văn Thùy và một số tác giả sang tiếng Anh làm tài liệu xây dựng giáo trình Việt học tiên tiến và hiện đại. Chúng tôi cũng được biết, trong cuộc gặp gỡ mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh, Vũ Thị Kim Loan, giáo sư Sử học Đại học San Diego University California đề nghị tác giả cho sử dụng sách của ông làm tài liệu giảng dạy sinh viên.

 

Như nhà văn Hà Văn Thùy viết trên báo Văn nghệ: “Hàng trăm năm chúng ta bị áp đặt cho một tổ tiên cả ăn cướp lẫn ăn mày: cướp đất của người bản địa, tàn sát, đẩy họ lên rừng núi. Ăn mày Trung Hoa từ phong tục tập quán đến tư tưởng, ngôn ngữ!” Ngộ nhận lịch sử văn hóa đè nặng tâm hồn, trí tuệ Việt hàng nghìn năm. Phát hiện lịch sử văn hóa đích thực là sự giải phóng, tạo sức mạnh cho dân tộc đi lên.

Chúng tôi nghĩ rằng, đã tới lúc phải viết lại cuốn sách về giai đoạn tiền sử của tộc Việt.

                                                         

London, ngày 9 tháng 9 năm 2008

Vũ Khánh Thành
Số lần đọc: 4517
Ngày đăng: 14.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trả lời Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường 2 - Hà văn Thùy
Người Việt có khai phá lục địa Trung Hoa 40.000 năm trước hay không? - Đỗ Kiên Cường
Trả lời Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường I - Hà văn Thùy
Bước đầu phân biệt truyền thuyết và giai thoại - Võ Phúc Châu
Sự phát triển HỆ THỐNG TÍN NGƯỠNG của NGƯỜI VIỆT trong quá trình di cư về PHƯƠNG NAM nhìn từ tục THỜ CÚNG CÁ ÔNG - Đinh Văn Hạnh
Tìm ẩn số Tiên Rồng ..? Qua ngày giỗ Tổ Hùng Vương - Trần Hạ Tháp
Một vài ghi chép thêm về văn minh cổ và nguồn gốc dân tộc Việt Nam - Nhiều Tác Giả
Băn khoăn về Sáu linh hồn - Hà văn Thùy
Luật tục Katu về các mối quan hệ gia đình : Quan hệ cha mẹ và con cái - Lê Anh Tuấn *
Đình và lễ hội cúng đình ở nông thôn Khánh Hoà xưa - Nguyễn Man Nhiên