Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
494
116.600.170
 
Đua ghe Ngo trên sông Cái Lớn
Nguyễn Thị Diệp Mai

Người Gò Quao dù có đi đâu, dù ở nơi nào, cứ đến ngày rằm tháng mười âm lịch(1) là lại náo nức chờ được nghe tiếng hò " Muôn ơi muôn !" vọng vang trên dòng Cái Lớn.

 

Tôi dùng từ "người Gò Quao" ở đây là để chỉ những ai sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Gò Quao một rẻo đất vùng sâu của vùng U Minh Thượng được khai phá từ bao đời nay với chằng chịt kinh rạch, sông ngòi tự nhiên cũng như nhân tạo. Dòng sông lớn nhất nơi đây là sông Cái Lớn. Có lẽ ông bà xưa gọi như vậy là dựa vào độ rộng gần tám trăm mét của sông để phân biệt với dòng Cái Bé nhỏ hơn ở bên kia. Thị trấn Gò Quao nằm ngay nơi giao nhau giữa kinh Gò Quao và cửa sông Cái Lớn đổ ra vịnh Thái Lan. Đây là nơi triều đình Nhà Nguyễn gọi là Áp Lục Thôn với một phần tư là người Khmer. Họ và người Kinh, người Hoa tụ nhau ở những nơi giao nhau của các đường nước để sinh sống, cày ruộng, lập vườn, đánh bắt cá tôm. Ba tộc người từ bao đời nay sinh ra đã gắn liền với sông nước, lớn lên và mất đi cũng về lại sông nước. Đến ngày nay một tập tục cổ xưa được người Khmer giữ gìn tôn kính trong cõi tâm linh của mình : tục ghe ngo, tức lễ "Đưa nước", một cuộc lễ gắn liền với cái mà người ta quen gọi "văn minh sông nước".

 

Mỗi năm khi mãn mùa lúa, phải làm lễ đưa nước, tạ ơn nước, vì nhờ nước là lúa được xanh tươi, người được ấm no hạnh phúc. Trước ngày hội đua ghe ngo, các chùa, các sóc chuẩn bị nhộn nhịp quyết giành thắng lợi. Vì nếu cuộc đua thắng trước tiên là niềm vinh hạnh cho cả sóc, sau là tin năm đó sẽ được mùa, ấm no ngược lại sẽ mất mùa, đời sống gặp khó khăn. Ghe sóc chùa Cà Lang Ông được trau chuốt, lau chùi từ nữa tháng trước. Ghe chùa Thủy Liễu đã được xem lại kỹ từng đường chỉ trét chai. Còn bao nhiêu đội ghe ngo của chùa sóc khác, trong huyện, ngoài tỉnh khác đã tập dượt từ mấy tháng nay.

 

Ghe ngo là một loại ghe có hình dáng khá dài, mũi và lái ngẩng lên cong cong, thực chất nó là kiểu thuyền độc mộc làm bằng cây sao - một loại cây vừa rắn chắc vừa dẻo dai. Thân ghe có chiều dài bằng hai thân gỗ nối liền nhau. Chiều ngang vừa đủ chỗ cho hai người ngồi cặp kè. Loại ghe lớn có sức chở khoảng 20 đến 60 người ngồi bơi. Những thủy thủ dự thi, từng đội mặc đồng phục xanh, đỏ khác nhau. Trên một chiếc ghe có một người cầm chèo kềm lái, một người chỉ huy cầm dầm ngồi trước mũi múa may, la hét điều khiển, giữa ghe có một người cầm một cái chiêng nhỏ đánh nhịp và một người hóa trang làm hề chọc cho tay chèo cười vui. Ở mũi và lái ghe có treo cờ phướn, cắm bùa, cắm nhang để cúng cô hồn trước khi tranh tài. Ghe được sơn phết bóng lộn, nước không thấm vào được. Thành ghe được vẽ những hoa văn màu sắc sặc sỡ. Chiếc ghe ngo trong ngày hội thật lộng lẫy, sang trọng. Ở mũi ghe và lái có hình con rồng hoặc con rắn thần uốn lượn, đều chồm về phía trước, như sẵn sàng phóng tới. Phía trước mũi là cây lộng sặc sỡ che một tượng phật uy nghiêm. Người cầm cầm lái cắm sâu đầu chèo xuống nước, giữ cho ghe không đảo qua đảo lại, mà đi thành một đườmg thẳng, nhằm giảm sức cản của nước, cũng là đề phòng ghe bạn, khi biết sắp thua cuộc liều mạng quay mũi đâm thẳng vào ghe mình để cả hai cùng chìm, thế là "hòa cả làng". Dọc theo thành ghe là vài chục tay bơi lực lưỡng mặc đồng phục, tay cầm dầm sơn đủ màu sắc làm nhiệm vụ bơi. Tục lệ từ xưa qui định một số điều khoản đến ngay nay vẫn còn thực hiện đó là cự ly của điểm xuất phát, do đôi bên thỏa thuận khoảng cách xuất phát  để tránh bớt bất lợi do dòng chảy, sức gió gây ra. Sau khi vượt ghe thua một quãng độ chừng vài mươi mét, thì lập tức ghe thắng cuộc quay mũi lại chặn ngang ghe thua, rồi tất cả tay bơi đưa dầm lên reo hò minh chứng cho người xem ghe mình đã thắng cuộc.

 

Vài ngày trước cuộc đua chính vài ngày, người Việt gốc Khmer ở khắp tỉnh Kiên Giang, các vùng lân cận ở tỉnh ngoài từng nhóm kéo dần về thị trấn Gò Quao. Ai cũng háo hức đón chờ giờ đua. Dọc bờ nam sông Cái Lớn ghe, xuồng, võ máy, vợ chồng, con cái, người mua, kẻ bán tấp nập. Tiếng Việt, tiếng Khmer chen lẫn lẫn nhau khuấy động cả một khúc sông dài chừng ba cây số. Nhà chị bà con của tôi ở  gần bờ sông, trong những ngày này đã trở thành "trạm giao hảo" cho bà con dòng họ, người quen lâu, người quen mới nghỉ qua đêm, ăn một bữa cơm, tắm nhờ một chút và "giải quyết... vấn đề" mà con người ai cũng phải làm. Không phải chỉ riêng nhà bà chị tôi mà tất cả các nhà ở dọc khúc sông này đều thế. Đã thành lệ, người đến ở không e ngại gì chuyện nhờ cậy, chủ nhà không hà tiện gì một chút giúp người qua đường. Người đi coi đua ghe đến nhà quen mang theo gạo, cá khô, gà vịt... hùn với gia chủ coi như chút lòng. Khách phương xa mượn tạm manh chiếu, tấm bạt trãi trước hàng ba ngủ chờ sáng hôm sau coi đua xong rồi ai về nhà nấy, bắt đầu cho một vụ mùa mới.

 

Nói thì nói vậy thôi, chứ đêm đó mà có ai ngủ nghê gì đâu. Mấy bà chen chúc nhau trên cái giường đôi trong buồng, ngủ sao được khi tiếng đàn vọng cổ, câu ca rớt nhịp của mấy ông nhà nhậu với nhau ngoài bờ sông tình tang vọng vào. Đám con nít bu quanh cha chú nghe hát hò quên luôn lời mẹ dặn phải về ngủ sớm. Đêm thị trấn xuôi ngược đám thanh niên nam nữ trêu đùa cười nói. Chỗ tụm năm ba ông sồn sồn với vài lít rượu Đường Xuồng trong như mắt mèo, rót ra ly sủi một vòng tăm bọt với mấy con khô cá lóc nướng công dĩa cóc, ổi xắc nhỏ. Rượu vào lời ra, chuyện đời xưa, chuyện thời sự nước ta, nước Tây nói ráo. Chuyện đồng, chuyện lúa, chuyện gã vợ dựng chồng cho đến cả chuyện mấy ông đi "kế hoạch gia đình" cũng bị lôi tuốt ra làm đề tài. Một năm có mấy khi gặp nhau, nói cho hả, nói cho vui, nói cho quên tháng ngày thui thủi trên đồng dang lưng với trời, mặt ghìm xuống đất, tối về cơm nước, phủi chân phẹp phẹp chui vô mùng với má mấy đứa nhỏ là hết một ngày. Ở thị trấn thì còn đỡ chứ dân ở xịch vùng trong một chút điện đóm chưa có, đường xá tối mò đi đâu bây giờ ? Càng về sáng tiếng người càng lắng dần, cho đến gà gáy canh tư thì đường thị trấn mới hết người đi. Nhưng không phải vì thế mà đám của mấy ông nhậu tan đâu nghe. Một số ông dai sức cùng gật gù chuyện trò đến sáng bét. Ông nào mõi mệt quá thì ngã ngang ra đó mà ngủ. Mấy con muỗi ở chợ này ăn nhằm gì so với trong ruộng. Kể như đãi tụi nó một đêm lấy thảo. Tôi phì cười khi nghe anh rể khà khà : "Chờ ơi ! Dì Út lo gì ? Con muỗi nào cắn nhằm anh em tui là say quắc cần câu mấy ngày không tỉnh nổi".

 

Sáng ngày đua chính trong khi các đội thuyền tập trung lại để bắt thăm vòng đua thì người đi coi đã nghẹt cứng con lộ dọc bờ  Cái Lớn. Con lộ về Vĩnh Tuy ở bờ nam bao giờ cũng là điểm chính vì vừa trống trãi dễ nhìn, vừa có chỗ đứng xem thoải mái. Rừng khán giả bắt đầu tụ tập theo phe để cổ vũ cho đội của địa phương mình. Tiếng trống báo hiệu bắt đầu cuộc đua. Những đội ghe ngo đua vòng đầu đã vào điểm xuất phát. Vòng đua được tính từ điểm xuất phát đến vạch phao qui định cách đó chừng ba cây số, rồi quay về vạch xuất phát. Ông trọng tài phất cờ ra lệnh. Hai hàng mái chèo trên mỗi ghe nhịp nhàng, nhịp độ mỗi lúc một tăng dần theo tiếng hô thôi thúc : "Muôn ơi muôn ! Muôn ơi muôn !" (Một ơi một !) của người đội trưởng. Chiếc ghe đầu tiên đến vạch qui định, lập tức người cầm lái khéo léo cho ghe quay đầu  quay 180 độ trở về vạch phao xuất phát. Đây mới là phần quang trọng quyết định thắng thùa. Chỉ cần người cầm lái yếu tay là chiếc ghe sẽ bị lật chìm hoặc loay hoay mất nhiều thời gian sẽ bị đội bạn vượt qua mặt. Tiếng réo gọi tên của đội mình, tiếng hò hét cổ vũ, tiếng đập thùng, đập những vật có thể phát ra âm thanh tao thành một bầu không khí gần như sôi lên từng phút. Lúc đầu còn chia phe, đến lúc tất cả những ghe đua của vòng đầu quay đầu trở về thì chỉ còn tiếng hoan hô, tiếng khen ngợi dành cho ghe nào có kỹ thuật quay đầu, lướt qua, chèn đối phương hay nhất và bơi nhanh nhất. Mỗi vòng đua chỉ có ghe chiến thắng mới được vào vòng chung kết. Từng hàng đôi cánh tay bắp thịt cuộn săn của những người gắn mình với đât, với nước. Bao giọt mồ hôi tuôn thành dòng sáng lấp lánh dưới cái nắng mỗi lúc một nóng hơn. Chèo khua cứ khua. Người hò cứ hò. Người coi cứ hét. Thật thoải mái ! Thật khoái gì đâu khi không cần phải nghĩ ngợi gì về tiếng hét phấn khích của mình có làm ảnh hưởng người khác hoặc bị người ta ngó như "đồ khùng" không ! Trong lúc này ai cũng vậy, đâu phải riêng mình tôi. Con sông rộng thênh vậy mà như chưa đủ cho những đường đua. Người đông nẹo vậy mà dường như chưa hưởng hết ngày hội vui.

 

Người ta nói đua ghe là hội cổ truyền của dân tộc Khmer. Tôi thì không cho là vậy bởi vì chen vai tôi, hò hét với tôi có rất đông người Kinh, rãi rác có người Hoa. Da trắng, da mun, tóc thẳng, tóc quăn, ôm nhau vui sướng khi đội nhà chiến thắng. Có phân biệt gì đâu khi tất cả đều chung một cuộc vui. Dân xứ tôi không phân biệt rạch ròi như các nhà khoa học, hay cẩn thận như các nhà chính trị, họ chỉ gọi mộc mạc "người Miên của mình". Cụm từ đó bao hàm một tình thâm không biết đã qua bao nhiêu thế hệ xây nên mới có ?

"Muôn ơi muôn !", tiéng hò thôi thúc nhịp đập con tim náo nức của người dân vùng sông nước.

 

                                                 Rạch Giá, ngày 23-10-2001

 

------------------------------------------------

1 - Người Khmer tính theo âm lịch, năm nhuận sẽ lùi lại một tháng là vào ngày rằm tháng chín âm lịch, chỉ tính đủ 12 tháng.

Nguyễn Thị Diệp Mai
Số lần đọc: 3520
Ngày đăng: 14.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chái bếp nhà quê - Phan Trung Nghĩa
Chuyện cổ tích của đất - Phan Trung Nghĩa
Ký ức một dòng sông - Phan Trung Nghĩa
Những mùa lúa đã xa xôi - Phan Trung Nghĩa
Người của một dòng sông - Phan Trung Nghĩa
Nhớ tết cũ - Phan Trung Nghĩa
Sản vật của bán đảo Cà Mau - Phan Trung Nghĩa
Hồ sơ một vết thương - Võ Ðắc Danh
Cha con ông Huế bụng - Võ Ðắc Danh
Chiều chiều ra đứng ngõ sau - Võ Ðắc Danh