Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
696
116.544.221
 
Chim Nhạn trở về
Nguyễn Thị Diệp Mai

Bước một kế hoạch đã thành công. Nhạn đã lừa được mấy thằng trong tổ đi trước. Bây giờ tụi nó có biến thành Tôn Ngộ không cũng không thể nào tìm được, vùng núi Mo So này Nhạn thuộc như lòng bàn tay. Bửa trước nhận được lịnh theo tổ Bốn hành quân xuyên Mo So trong đợt diễn tập này. Nhạn như mở cờ trong bụng. Kế hoạch vạch ra cả tháng nay đã có cơ hội thực hiện. Ba tháng quân trường, lăn lê, bò tò, đi bộ vượt núi, đội nắng, đạp mưa đã quá đủ khổ rồi. Nhạn không thể nào chịu đựng khổ cực thêm nữa, còn ba tháng nữa sao mà quá nổi. Ba thật là bất công. Nhạn chỉ vì lỡ ham chơi thi rớt đại học năm nay mà ba nở tống đi nghĩa vụ quân sự. Ba là tham mưu trưởng cả tỉnh ai cũng nể. Nhà cũng có nghèo khổ gì cho cam, má làm chủ cửa hàng kim khí điện máy lớn ở trung tâm thương mại. Anh Hai với chị Ba học tít ở thành phố, ở nhà chỉ còn có út Nhạn vậy mà ba cũng không thương. Má vừa mở miệng :

 

- Út nó còn nhỏ, năm nay thi không đậu thì mướn thầy luyện lại năm sau thi.

 

- Mười chín tuổi rồi nhỏ cái gì ? - Ba trừng mắt - Hồi đó tui với bà mười chín tuổi vác pháo đi đánh đồn rồi. Thi rớt thì đi lính. Nó ham chơi tại bà chìu nó đó. Sắm Dream cho nó chạy chưa đã thì đi đổi Xì-po. Để nó ở nhà đua xe bị công an bắt như lần trước đẹp mắt lắm hả ?

 

Má thất thế xịu giọng :

 

- Thì từ từ. Ông còn gởi con nó đi học trường sĩ quan cho đỡ cực... Má chưa dứt câu, ba buông luôn câu phán nặng trịch :

 

- Không gởi ghiết gì hết. Cứ từ lính trơn mà lên sĩ quan. Muốn thành danh thì phải nhờ chính khả năng mình.

 

Mặt ba đen xì. Má nín khe luôn. Nhạn ức không chịu nổi. Lúc nào ba cũng chỉ biết lịnh. Anh Hai, chị Ba hơn Nhạn chỉ ở chỗ học giỏi. vậy mà muốn gì ba cũng chìu. Còn Nhạn... dù sao cũng là út mà. Bữa má làm cơm tiễn Nhạn đi, Nhạn cắm đầu ăn không thèm nói với ba tiếng nào.

 

Nhạn xốc ba-lô trèo lên tảng đá cao lưng lửng ở trên sườn núi. Tảng đá đó khá phẵng. Gần đó có một hang nhỏ có thể ngủ qua đêm. Lên đến tảng đá Nhạn nằm ườn ra vì mệt. Một lúc sau nhạn ngồi dậy mở ba lô kiểm tra lại số mì gói và mấy thứ để dự trữ đem theo chuẩn bị cho bước thứ hai của kế hoạch ăn đủ ba ngày. Khát thì uống nước suối. Trong ba ngày ăn uống khổ sở như vậy đủ để làm thanh niên hai mươi xơ xác, râu ria ra tua tủa, quần áo dơ dáy không thể chấp nhận được. Sau khi chịu đựng ba ngày, Nhạn sẽ để nguyên bộ dạng như vậy mà về nhà. Nhạn sẽ tiến hành bước ba đánh vào điểm yếu trong lòng má. Má thương Nhạn nhất nhà. Thấy thằng Út nhỏ dại của má tiều tụy thảm hại như vậy chắc má sẽ khóc. Má sẽ quậy với ba phải gởi Nhạn đi học sĩ quan thôi. Một khi má đã khóc thì ba chỉ có nước năn nỉ. Nhạn tựa lưng vào tảng đá nhìn lên trời chiều đang xanh thẩm dần. Gió từ phiá biển thổi vào làm cho trời cao thêm lồng lộng. Vài con chim nhạn đang bay về đất liền sau một ngày kiếm ăn cực nhọc. Nhạn dõi mắt theo những cánh chim mà mình mang tên. Lơ mơ trong lòng Nhạn tự hỏi không biết tại sao ba lại đặt mình lên đó. từ nhỏ tới giờ Nhạn toàn bị bạn bè chọc ghẹo vì có cái tên không giống ai. Không biết tại sao ba cứ khăng khăng đặt tên mình là Nhạn. Mo So chiều về vắng lặng hoang sơ quá.

 

Nhạn bỗng giật mình như nghe tiếng một người con gái thật trong trẻo hát bài ca "Tự nguyện" thì phải. Giữa vùng núi đá mênh mông như thế này, xa lắm mới có một nhà dân, con gái đâu mà hát văng vẳng vậy ? Nhạn dáo dác nhìn quanh. Phiá sau lưng Nhạn, ở chỗ tảng đá phẳng gần sát miệng hang có một cô gái mặc áo bà ba màu xanh rất nhạt với cái quần vải ni-lông đen bong bóng. Thời buổi này mà còn mặc loại vải đó. Nhạn nhớ má có một cái quần gần giống như vậy cất tuốt dưới đáy tủ. Cô gái ngồi quay lưng về phiá Nhạn, có lẽ không thấy Nhạn. Cô vừa chải tóc vừa hát. Mái tóc rất dài, rất dày. Chiếc lược sừng trên tay cô cứ vuốt ve mái tóc, trong khi tiếng hát lãnh lót cứ từ cô phát ra bay vút trên trời xanh. Âm thanh vượt ra khỏi cô gái như tự do loang tỏa khắp không gian chiều Mo So đang tím dần. Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng... Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm...". Chưa bao giờ Nhạn được nghe một người hát hay như vậy. Nhạn nín thở lắng nghe. Cô gái hát xong bài hát cũng chải xong tóc. Cô bỏ lược vào túi áo. Lấy một cái kẹp ba lá, vuốt tóc cho gọn, kẹp lại. Dường như cô muốn đi về. Nhạn chợt đứng dậy để đến chỗ cô là quen. Gấp quá đầu va vào đá đánh cốp một cái. Nhạn giật mình bật dậy. Thì ra là Nhạn vừa lơ mơ ngủ. Mặt trời chỉ còn một chút xíu ánh sáng hắt lên từ phiá biển. Từng đàn Nhạn đang tất tả bay về. Nhạn đưa mắt nhìn tảng đá chỗ cô gái ngồi lúc nảy, rồi quảy ba lô đi đến đó. Rõ ràng là tiếng hát còn đọng đâu đây. Nhạn nhìn quanh quất. Chân vừa đạp vào cái gì mềm mềm. Cúi xuống Nhạn lôi cái vật đó ra từ trong hốc đá. Mở mấy lớp bao ni-lông cũ kỹ, trong đó có một quyển tập học trò. Loại tập này chắc đã từ lâu lắm bây giờ không thấy ai xài nữa. Lặt ra trang đầu tiên Nhạn đọc được mấy chữ đã nhoè : "Tặng Nhạn... chút niềm vui...". Sao chủ nhân quyển tập là trúng tên với mình vậy ? Nhạn tò mò mở lật tiếp. Ánh sáng không còn. Mo So lịm hẵn một màu tím ngắt. Nhạn gắp sổ lại bỏ vào ba lô. Tối nay nằm trong hang, đốt đèn cầy đọc.

 

*

*                       *

 

Hiệu trưởng tức tốc họp ban chỉ huy trường huấn luyện để bàn kế hoạch tìm Huỳnh Nhạn, tổ viên tổ Bốn đã đi học hơn một ngày chưa về đơn vị. Ông lo lắng không phải chỉ vì Nhạn là con của tham mưu trưởng, là thằng nhỏ ông cưng như con, mà còn lo vì quanh vùng Mo So vẫn còn sót lại nhiều lựu đạn, bom lép và nhiều thứ sẵn sàng sát hại con người. Đó là chứng tích của chiến tranh còn in hằn trên vùng đất này. Rủi thằng nhỏ có mệnh hệ nào ông cũng không biết ăn nói sao với ba má nó. Ông thống nhất kế hoạch ban chỉ huy mỗi người dẫn theo năm người chia nhau đi tìm theo bốn hướng. Cuộc họp chuẩn bị giải đáp thì trực ban vào báo Huỳnh Nhạn đã về tới. Xin được vào gặp hiệu trưởng. Mọi người thở ra nhẹ nhỏm. Hiệu trưởng kêu đưa Nhạn vào gặp ông. Nhạn vào đưa tay chào ban chỉ huy xong đứng im không nói năng gì. Nhìn dáng vẻ phờ phạc hiệu trưởng biết chắc là thằng nhỏ đã trãi qua một đêm mất ngủ. Ông ra hiệu cho mọi người giải tán. Phòng chỉ còn lại ông và nó. Ông hỏi :

 

- Sao lại để cho lạc ? Đồng chí có biết là mọi người lo lắng cho mình không ? Đi lạc hay là có chuyện gì ? Nói đi ! Nhạn không dám nhìn thẳng ông, di di mũi giầy xuống sàn :

 

- Thưa chú, con không có đi lạc. Con cố tình muốn trốn.

 

- Trốn ? - Hiệu trưởng kêu lên tức giận. Thằng nhỏ vẫn quen thói xưng hô trong gia đình lại còn trốn nữa. Ông biết nó sanh sau đẻ muộn nên má nó cưng như trứng mỏng. Thao trường cực khổ như vầy quả là quá sức chịu đựng của nó. Ông nghiêm mặt. Đồng chí cố tình trốn trại, có nghĩ đến bị kỷ luật không ? Có nghĩ đến làm mất uy tín của ba đồng chí không ?

 

- Dạ có. - Nhạn càng cúi gầm - Con xin lỗi ! Con... Con !

 

- Sao còn quay trở lại ? Lương tâm cắn rứt hả ? - Hiệu trưởng giận thật.

 

- Con muốn trở về đơn vị. Con muốn đưa cho chú cái này.

 

Nhạn ngập ngừng. Hiệu trưởng ngồi xuống bàn không nói gì. Nhạn mở ba lô lấy quyển tập lượm được ở trên núi đặt trước mặt ông. Hiệu trưởng lật ra xem. Ông chợt tái xám mặt, môi run run kêu lên thảng thốt : "Nhạn ơi ! Rồi áp chặt quyển tập vào ngực. Hiệu trưởng ngồi im một lúc. Ông phẩy tay :

 

- Con về tắm rửa nghỉ ngơi đi ! Chú sẽ gọi điện cho ba con xuống đây. Nhạn lí nhí dạ. Ba xuống thì có chuyện lớn rồi. Nhưng quyết tâm trở lại đơn vị là Nhạn đã sẵn sàng chấp nhận mọi kỷ luật. Giơ tay chào Hiệu trưởng để ra ngoài, Nhạn thấy mắt chú Bảy như có nước. Trong quyển tập đó có tên của chú và vì tất cả những gì viết trong đó, Nhạn mới quyết định quay về để trao nó cho chú.

 

Bọn bạn trong tiểu đội mừng rỡ reo hò khi Nhạn trở về bình an. Tụi nó hỏi han các kiểu. Đứa thì lăng xăng soạn quần áo, đứa thì tự nguyện xách nước để sẵn trong cầu cho Nhạn tắm. Xong tụi nó trực sẵn kéo nhau xuống nhà ăn. Rồi đứa gắp bỏ vô Nhạn miếng thịt, đứa nhường đủa rau. Nhìn tụi nó mà Nhạn muốn khóc. Hông biết tại sao hôm trước mình lại quyết tâm bỏ tụi nó, quyết tâm đi đường khác để về làm chỉ huy tụi nó.

 

Đầu giờ buổi tập chiều bọn trong phòng ra sân tập hết. Nhạn được lệnh ở lại phòng chờ hiệu trưởng kêu lên làm việc. Không ngủ được đi đi lại lại trong phòng mãi cũng chán, Nhạn quyết định lên phòng hiệu trưởng xem chú Bảy quyết định kỷ luật ra sao. Nhạn rụt rè gõ cửa phòng. Tiếng ba kêu vào đi làm. Nhạn muốn run. Ba với chú Bảy đã nói cái gì với nhau mà mặt ba không vui. Đôi mắt sáng hoắc thường ngày giờ như tối lại. Nhạn bước đến bàn chào hiệu trưởng, rồi quay sang chào ba. trên bàn quyển sổ Nhạn đưa hồi sáng đang giở ra ở trang cuối. Nhạn nhớ như in những dòng chữ viết chì nguệc ngoặc : "Nguyễn Thị Nhạn sinh ngày 18 tháng Giêng năm... Nếu ai lượm được quyển tập này , xin đưa hài cốt tôi về cho má Bảy Trầu (Lê Thị Trầu) tại Cây Bàng xã Vĩnh Hòa". Ba không nói gì về chuyện Nhạn trốn trường mà chỉ vào quyển tập, hỏi :

 

- Con lượm được cuốn này ở đâu ?

 

- Dạ ở sườn tây Mo So đi từ Bình An lên. Ở dưới tảng đá gần một cái hang.

 

- Con còn nhớ chỗ đó không ?

 

Ba có vẻ xúc động khác thường. Nhạn gật đầu. ba đưa mắt nhìn chú Bảy, chú Bảy hiểu ý cầm quyển sổ lên, ra hiệu Nhạn đi trước. Xe đã đợi sẵn đưa ba người đến Bình An. Suốt dọc đường ba không nói tiếng nào chú Bảy tay cứ nâng niu quyển sổ cũ xì như cứ sợ nó đau, cũng không thèm nói với Nhạn một câu. Thái độ khác lạ của hai người làm Nhạn thấy tò mò hơn là sợ. Xe đậu dưới chân núi. Nhạn dẫn đường ba và chú Bảy theo sát. Lên đến tảng đá nọ trời đã ngã bóng về chiều. Nhạn chỉ tảng đá ba và chú Bảy chia nhau xem xét chung quanh rồi hỏi cái hang đâu. Nhạn dẫn hai người đến cái hang đêm trước đã trú qua đêm và đọc hết quyển sổ. Cái miệng hang vừa đủ một người chui nhưng ở bên trong rất rộng. Bà và chú Bảy xúm vào mang một tảng đá nhỏ mở rộng miệng hang. Tảng đá được          một bên kéo theo một mớ đá khác rơi ra. Ba với chú Bảy cứ gấp rút làm sao ớ, thiếu chút nữa đá rơi trúng chân rồi. Miệng hang mở rộng, ánh sáng ùa vào bên trong. Chú Bảy nhìn vào trong thản thốt kêu lên :

 

- Đúng rồi, anh Tư ơi ! Cái hang !

 

Má nói chú Bảy kêu ba một tiếng anh Tư hai tiếng cũng anh Tư từ ngày hai người còn ở tiểu đội vận chuyển của đại đội thanh niên xung phong tuyến đường 1C đến giờ. Nhạn thấy không phải chỉ mình chú Bảy mà hình như chú bác trong kháng chiến ra ai cũng nể ba thì phải. Có lẽ tại ba ít nói nhưng khi nói ra câu gì cũng như lịnh cho người khác nên người ta ngán. Nhạn cũng ngán suốt ngày phải nghe lịnh ba rồi. Chú Bảy vội vàng chui xuống hang ba theo ngay phiá sau. Thực ra đó chỉ là một hốc đá rất lớn ăn lõm vào núi lớn chừng bằng một cái nhà ngói. hang ẩm, hôi mốc, dơi bay loạn xạ. Ánh sáng lờ mờ  không đủ nhìn rõ mọi vật, chú Bảy phải bật đèn pin lia đường cho ba. Ba xâm xâm bước vào phiá trái của cái hang. Bửa trước Nhạn chỉ dám nằm ở ngay miệng đâu có dám chui vào sâu. Giờ thấy ba đi như quen thuộc lắm tò mò đi theo. Cuối ngách có một tảng đá bằng phẳng dài như một cái giường. Dưới ánh sáng của đèn pin Nhạn sững sờ nhìn thấy trên mặt đá lõm xuống hình dáng như một con người đang nằm. Cái hình màu huyết       . Thâm vào đó. Lõm rất rõ ở những cơ thể tiếp giáp với mặt đá nhiều nhất. Ba quì sụp tay vịn vào tảng đá, giọng lạc hẳn : "Nhạn ơi ! Có phải em không Nhạn ơi ?". Chú Bảy cũng giống hệt như ba nhưng chỉ kêu lên "Nhạn !" rồi khóc nấc. Cây đèn pin bị đặt xuống nền hang ánh sáng không còn rọi vào cái hình người đó nữa. Nhưng hình người đó như bật lên trên nền màu xám ngoét của đá. Nhạn đứng trơ ra nhìn. Ba bỗng đẩy mạnh chú Bảy :

 

- Kiếm đi ! Chắc là quanh đây thôi.

 

Chú Bảy ngồi dậy quẹt nước mắt, gật đầu. Chú Bảy đi vòng từ phải sang trái. Ba bắt đầu lục lọi, đưa tay          vào từng hốc đá tối om. Chỉ có chú Bảy mới hiểu ba muốn kiếm gì. Nhạn không hiểu nhưng cũng theo tiếp ba. Ba người cứ moi từng hốc, từng lỗ bất kỳ chỗ nào nghi là có thứ ba muốn kiếm. Nhiều chỗ thọc tay vào Nhạn đụng phải dơi hay chuột gì đó rợn hết cả tóc gáy. Sợ nhất là mò đụng rắn hổ. Ba với chú bảy chẳng quan tâm gì đến rắn rít dường như vật lạ cần tìm đá hút hết tâm trí của hai người. Gần hai tiếng đồng hồ ba với chú Bảy giáp đầu nhau. Không kiếm được cái ba muốn. ba với chú Bảy cùng lắc đầu buồn rầu quay trở lại tảng đá có hình người. Cả hai quì xuống im lặng. Nước mắt chú Bảy chảy ròng ròng trộn lẫn với mồ hôi tuôn ra khắp mặt chú không thèm lau. Ba đưa tay rờ rẫm cái hình tròn tròn như cái đầu. Vuốt dọc theo hình cánh tay xuôi dài theo thân người. Nước mắt ba từ từ lăn từng giọt rớt lên tảng đá. Từng giọt đá nuột rất nhanh. Từ trước đến giờ Nhạn chưa bao giờ thấy nước mắt của ba. Má hay chọc : "Ba mầy lì lắm một mình dám dụ cả tiểu đội xe bọc thép để tiểu đội vượt lộ. Đạp trái dính kíp kẹt trong bụng lấy khăn rằn cột lại, tìm về đội. Tụi bây đừng có giống tính của ổng khó dạy lắm nghe chưa ? Bây giờ ba khóc thiệt. Nhạn thấy ba cũng như ba người khác. Ba khóc không thành tiếng càng tội nghiệp hơn. Nhạn qùi xuống bên cạnh ba vuốt nhè nhẹ lưng ba. Cái thân hình to lớn của ba như nhỏ hẳn lại. Ba như không biết đến chung quanh. Ba vuốt ve khắp lượt cái hình người lần nữa. Lấy quyển tập trong tay chú Bảy đặt lên tảng đá. Ba kính cẩn xá một xá dài.

 

- Nhạn ơi, em sống khôn chết thiêng hãy về đây. Tụi anh không tìm được xương cốt của em. Em linh thiêng về nằm trong cuốn sổ này đi. Anh và thằng Bảy Thành sẽ đưa em về với má. Má mong em về lắm !

 

Chú Bảy Thành kính xá ba xá. Đợi một lúc lâu, ba cẩn thận cầm quyển sổ đặt vào túi ngực trái.

 

Sau năm tổng tấn công Mậu Thân, ngụy quyền Sài Gòn điên cuồng trả đủa. Các tuyến đường bị địch đóng bót càn quét ngày đêm. Bom đạn ngày mấy lượt dội xuống căn cứ của ta. Chỉ thị của Trung ương Cục bằng mọi giá không để mạch máu 1C bị cắt đứt hay gián đoạn. Con đường vận chuyển vũ khí, đạn dược từ chiến khu miền Đông về Tây Nam bộ phải vòng qua đất bạn, xuyên qua vùng rừng tràm Hà Tiên, vượt Cái Sắn về tận Ba Đình được xây bằng máu của các đại đội thanh niên xung phong. Máu đổ nhiều nhất là các tiểu đội vận tải. Người chỉ huy phải là người thật thông thuộc địa hình, có khả năng phán đoán chính xác tình hình, nhạy bén tác chiến và phải quyết đoán. Các đội vận tải trời vừa sáng trú trong các vùng rừng núi  căn cứ, giấu hàng thật kỷ tránh những đợt càn quét. trời vừa tối, họ lắc nước xuồng, vớt hàng lên, bắt đầu hành quân. Hầu như năm này qua tháng kia nửa người họ ngâm dưới nước tha hồ cho các vết nước ăn, lác ghẻ hoành hành. Họ không tác chiến nhưng quân chủ lực hay địa phương quân mà lấy mục tiêu bảo vệ hàng về cứ an toàn lên trên hết càng tránh đụng địch càng tốt. Đội viên của đội gắn cuộc sống của mình với những chuyến hàng, chết cùng với hàng quyết không để lọt vào tay địch. Có tổ lọt vào vòng phục kích cho nổ tung xuống chết cùng với giặc. Sau tiếng nổ vở tan đồng nước, thân xác của những con người thanh niên ấy tan vào nước. Đội viên vận tải ít ai có được phần mộ. Tư Dũng là tiểu đội trưởng đội vận tải A2. Bảy Thành tiểu đội phó. hàng hoá do tiểu đội A2 chuyển chưa thất thoát lần nào. Bảy Thành rất kính nể người chỉ huy chỉ hơn mình hai tuổi ở sự gan lì và óc phán đoán tài tình. Tư Dũng có thể tính chính xác với            đi từ đâu đến đâu thì trời sáng, vượt qua khúc lộ nào an toàn hơn. Trong lúc tiểu đội ém hàng nghỉ ngơi thì Tư Dũng lại đột vào ấp nắm tình hình, kiếm lương thực hỗ trợ theo bữa ăn vốn đã quá thiếu của cả đội. Có lần do tên trạm trưởng ra chiêu hồi, tiểu đội A2 bị phục kích bất ngờ. Tư Dũng lịnh cho Bảy Thành dẫn tiểu đội lộn trở lại, còn mình chống một xuồng vũ khí đi hướng khác đánh lạc hướng. Bảy Thành đoạn hậu tiểu đội rút an toàn ruột thắt lại khi súng nổ rộ hướng Tư Dũng đi. Rồi kết thúc bằng tiếng nổ dựng đứng cả đồng nước. Tiếng nổ truyền thống của người lính vận tải. Cả tiểu đội khóc ròng. Đêm đó Bảy Thành không chịu nổi, lặng lẽ chống xuồng không trở lại chỗ Tư Dũng cho nổ xuồng hàng. Nhờ vậy mà Bảy Thành cứu được, Tư Dũng đã bất tỉnh nằm vắt trên một đám sậy. Tưởng sao, về đến cứ Tư Dũng, kiểm điểm Bảy Thành một trận lên bờ xuống ruộng cái tội vì tình riêng bỏ nhiệm vụ. Bảy Thành không giận mà càng gắn bó với tiểu đội trưởng của mình hơn.

 

Cuối năm sáu mươi chín địch mở chiến dịch lớn đánh phá vùng U Minh và khu vực Mo So. Một ngày chúng mấy lần đánh phá quyết lòng cắt con đường huyết mạch của Việt Cộng. Nhiệm vụ của các tiểu đội vận tải càng nặng nề khó khăn nhiều gấp bội. Có lần tiểu đội A2 phải ém lại căn cứ Mo So cả mười ngày. Cũng chính lần đó mà hai người quen cô văn công Nguyễn Thị Nhạn. Nhạn bị thương ở cột sóng không đi lại được chỉ nằm ngồi tại chỗ. Đoàn văn công gởi cô lại cho quân y huyện đóng trong hang núi Mo So. Nhạn năm đó mười chín. Tuy bị thương di chuyển phải có người giúp nhưng cô rất lạc quan yêu đời ca hát luôn miệng. Nhạn hát rất hay, thích sưu tầm các bài hát. Đơn vị nào ghé ngang Mo So, ai thuộc bài hát gì cô đều nhờ chép vào quyển sổ học trò luôn đem theo mình rồi dạy cho cô hát. Bảy Thành chép tặng cho cô bài "Tự nguyện" và điền tên quê quán mình vào bên dưới để sau này có dịp tìm nhau. Buổi chiều lúc êm êm bọn đầm già cán gáo tạm bay về căn cứ. Tư Dũng ẵm Nhạn ra tảng đá trước cửa hang, đặt ngồi tựa vào đá. Nhạn sung sướng hít lấy khí trời, móc cây lược sừng ra chải tóc. Cô có mái tóc  rất dài và dày. Chờ cô chải xong, kẹp lại gọn gàng, Bảy Thành dạy cho cô hát. Tiếng hát của Nhạn vút lên tận trời cao. Tiếng hát của Bảy thành lại trầm trầm là đà trên mặt đá. Hát vài lần nhạn đã thuộc. Tư Dũng phẩy tay kêu Bảy Thành để cô hát một mình. Nhạn hát. Những người trú trong hang lục tục kéo ra, ngồi quanh. Hết bài này, Nhạn say sưa, lật bài khác hát tiếp. Tư Dũng kê đầu nằm duỗi tận hưởng giây phút bình an hiếm hoi. Mấy ngày kế tiếp lúc nào êm là Nhạn lại đòi Tư Dũng ẵm ra ngoài hang. Ngày thứ mười tình hình có vẻ êm, Tư Dũng lịnh tiểu đội lên đường. Bảy Thành bàn xin với quân y huyện tiện đường về cứ đưa luôn Nhạn theo. Sẽ móc cơ sở gởi cô lên quân khu, nếu không tiện sẽ đưa cô về với gia đình tiện bề chăm sóc. Quân y đồng ý Nhạn vui lắm, tít tích nhờ người này người kia gói ghém tư trang. Một chút sau Huyện ủy cho người lên báo các đơn vị phải chuẩn bị chiến đấu lâu dài vì cơ sở báo về địch càn lên Mo So với qui mô rất lớn. Tiểu đội vận tải phải lập tức chuyển khỏi vùng Mo So. Tư Dũng rất lúng túng mang Nhạn theo thì tiểu đội sẽ bị chậm, còn bỏ lại thì không nở. Bảy Thành không biết nói sao đành ngồi chờ lịnh. Nhạn rất nhanh hiểu được chỗ khó của hai người. Cô thẳng thắn :

 

- Hai anh nhanh cho tiểu đội xuất phát đi kẻo không kịp. bao nhiêu vũ khí đó sẽ đánh được bao nhiêu đồn nữa. Em ở lại với quân y, mấy ảnh sẽ bảo vệ em. - Thấy Tư Dũng cứ bần thần không muốn bước. Nhạn ấm ức muốn khóc. Anh Tư lo cái nổi gì ? Anh chậm chút nào là có nhiều anh em đổ máu chừng nấy. Nhanh lên đi anh Tư.

 

Tư Dũng quyết định rất nhanh. Bước lại tảng đá Nhạn đang nằm kề vai lịnh :

 

- Ôm cổ anh cõng. Bất cứ giá nào anh cũng phải đưa em về với má !

 

Nhạn quờ tay giựt trái lựu đạn gài trên thắt lưng Tư Dũng. Mắt cô sáng hoắc, tay móc vào chốt, gằn từng tiếng :

 

- Hai anh không đi, em nổ lựu đạn chết trước !

 

- Nhạn ! Đừng có dại dột.

 

Tư Dũng đứng dậy, tháo bình tong nước, lấy gói cơm giấy trong bòng đặt bên cạnh Nhạn. Tư Dũng hứa chắc như đinh đóng cột :

 

- Em ráng chờ. Tụi anh sẽ quay lại đón em.

 

Tư Dũng và Bảy Thành đi nhanh ra khỏi hang. Không ai dám quay đầu nhìn lại.

 

Trận đó Mo So bị đánh dữ dội. Bom, pháo, đạn càng tung cả mặt núi. Cuộc chiến đấu ác liệt kéo dài cả... Sau khi về cứ, tiểu đội A2 lại nhận lịnh trở lên biên giới nhận hàng. Tư Dũng và Bảy Thành tạt sang Mo So để tìm Nhạn. Cả một vùng núi non thay đổi hoang tàn, xơ xác đến độ không còn nhận ra được vết tích miệng hang đâu. Mấy đơn vị địa phương đóng ở Mo So đã rút đi hết. Từ ngày đó đến nay hai người không ngừng dò hỏi những người từng đóng quân ở Mo So lúc đó về Nhạn. Không ai biết cô ra sao.

 

Ba chỉ vào hình người trên đá.

 

- Bây giờ con biết tại sao ba đặt tên con là Nhạn chưa ?

 

Nhạn gật đầu. Cả ba người im lặng mắt như dán vào tảng đá. Máu thịt trinh nguyên của người con gái đang tuổi tràn sức sống tan ra thấm sâu vào đá. Ăn vào đá. Khắc lên đá. Tạc vào lòng đá. Đá trãi mình ôm lấy cô. Giữ lấy cô như người mẹ của đứa con yêu.

 

Người con gái ấy thanh thản nằm trong lòng đá mẹ chắc bằng tuổi Nhạn bây giờ. Nhạn thấy mắt mình cay cay. Ba vỗ vỗ lên vai Nhạn ít khi nào ba làm vậy, giọng ba hiền khô :

 

- Lạy cô đi rồi về con !

 

Nhạn chấp tay cúi đầu xá người nằm ngủ mãi mãi trên đá. Chú Bảy xá rồi đến ba. Nhạn thấy trong mắt ba có nước.

 

Ba người ra khỏi hang mặt trời đã khuất sau dãy Hòn Chông. Ba kêu Nhạn ngồi đợi. Ba với chú Bảy hì hục khiêng mấy tảng đá lấp lại miệng hang. Ba không muốn Nhạn tiếp một tay. Nhạn không dám cải ngồi nhìn từng cánh nhạn rãi rác bay về. Loáng thoáng nghe chú Bảy nói :

 

- Thằng Nhạn có khiếu định vị rất giỏi, hay anh Tư nó đi thi đồ bản. Học đậu cũng là... miễn nó thành người.

 

Ba im lặng. Chú Bảy chèn thêm cục đá nhỏ vào chân, tiếp :

 

- Anh vì chị Tư một lần đi dù sao nó cũng là út. Mấy chục năm chị Tư cũng vì chồng con.

 

Tiếng ba thở ra :

 

- Thôi thì, chú là chỉ huy của nó, chú quyết định cho nó đi.

 

Hai người lấp xong, phủi tay đi lại chỗ Nhạn. Chú Bảy cười :

 

- Chút nữa về gom đồ đạc về nhà với ba luôn. Chú cho con nghỉ phép chờ quyết định đi học. Ba con đồng ý rồi.

 

- Con không về đâu. Con ở lại.

 

Nhạn lắc đầu trả lời không đắn đo. Ba hơi nhíu mày như hỏi tại sao. Nhạn không trả lời mắt dõi theo đàn nhạn mỗi lúc bay về một đông. Ba cũng ngước mắt lên nhìn. Tiếng chim lãnh lót rơi xuống không gian chiều nhuốm màu tím lịm vùng Mo So. Đôi mày ba giản ta, miệng khẻ cười nhẹ.

 

                                           Rạch Giá, ngày 27-5-2002

                                                         (Bản thứ )

Nguyễn Thị Diệp Mai
Số lần đọc: 2999
Ngày đăng: 14.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quên - Thu Trang
Hư ảo cuộc đời - Thu Trang
Quê ngoại - Thu Trang
Ông Mười - Nguyễn Trọng Tấn
Con khỉ nhà 3B - Thảo Bích
Tòng phu - Hoàng Thu Dung
Điều không đơn giản - Hoàng Thu Dung
Cho một niềm tin - Trần Hà Lý Thái Bạch
Đêm khó quên - Mai Bửu Minh
Hắn và tôi - Mai Bửu Minh