Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
697
115.982.706
 
Mẹ mất rồi hồn mẹ có còn không?
Đông La

Đã quá nửa đêm, tôi bồn chồn không yên, lòng nóng như lửa đốt, nhưng biết làm gì ngoài việc nằm đung đưa trên cái võng trong phòng riêng chờ tin ở quê. Cuộc đời đúng là vô thường, vừa vui đó đã buồn ngay đó. Chập tối còn nhậu đặc sản kỳ đà với hai ông anh cùng làng. Tôi ở Sài Gòn một mình nên coi hai ông như anh. Tôi có máu nghệ sĩ, lại phiêu lưu, cuộc đời có lúc gặp sóng gió, hai ông đã giúp tôi nhiều. Tôi ít tuổi nhưng sau giải phóng lại học cùng trường khác khoa với ông anh. Còn ông em, cùng tuổi với anh trai tôi, làm giám đốc một xí nghiệp gỗ ở Đắc Lắc nên toàn kiếm được những thứ siêu đặc sản, từ hổ mang chúa to như bắp chân đến cu đinh (một dạng ba ba) to như cái cái lồng bàn, rồi chồn, cheo, kỳ đà… đủ cả. Cứ có độ nhậu là hai ông lại kêu tôi. Chiều hôm sau còn hẹn đến nhà thằng cháu mổ heo mọi ăn mừng lễ Quốc Khánh nữa chứ. Nào ngờ vừa về đến nhà thì có cú điện thoại của thằng em:

- Anh H. hở, bà hình như bị mệt nặng. Ông Đảo, thằng Mạnh Yêng đều đang ở trong bà. Tôi cũng chuẩn bị vào đây. Anh gọi cho thằng Mạnh Yêng xem sao?

 

Thằng Mạnh Yêng nghĩa là thằng Mạnh con bà Yêng, lúc nó sinh ra bị chết ngạt, bố tôi là y sĩ duy nhất ở quê hồi ấy đã rất vất vả, kiên trì cứu sống được nó, nên mẹ nó xin cho nó làm con nuôi và đặt trùng tên với thằng Mạnh em ruột tôi. Tôi bấm máy nhưng không gặp nó mà là ông Đảo, anh tôi:

- Chú H. hở, bà kỳ này mệt nặng, mọi lần thằng Nhận nó tiêm một mũi là đỡ ngay, không hiểu sao kỳ này không đỡ.

 

Mẹ tôi bị huyết áp cao vài năm nay, tôi vẫn thường gởi thuốc huyết áp và thuốc tim về. Có điều ở quê có ông Nhận y tá, nghe ông anh nói là “rất có kinh nghiệm chữa bệnh người già”, nói “bà bị thấp nó vận”, mệt cứ tiêm một mũi là khỏi. Tôi từng 10 năm làm ở một viện nghiên cứu về dược, đọc khá nhiều sách Y, không hiểu “thấp vận” là gì, nhưng thôi thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý, cứ chữa sao cho bà khỏe là được rồi. Nhưng kỳ này thày Nhận hết phép, tôi nghĩ nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim nên điện về nói cho bà uống Vastarel, loại thuốc giúp tế bào tiêu thụ ít ôxy, nếu mạch vành hẹp cung cấp không đủ oxy thì tế bào tim vẫn được bảo vệ. Ở nhà liền đi mua thuốc cho bà uống ngay. Xong, tôi lại bảo mọi người đưa bà đi viện cấp cứu cho chắc. May là thằng em nuôi làm chánh văn phòng huyện ủy nên nó mượn được xe đưa bà đi. Tôi yên tâm phần nào. Dù mẹ tôi có bị tim cũng chưa nặng lắm, vì huyết áp tâm thu cao nhất cũng mới chỉ 160, có người trên 200 còn chưa sao mà. Không ngờ thằng em nuôi báo đưa bà tới viện, mời cả viện trưởng xuống khám, các bác sĩ đã làm hết các biện pháp cấp cứu nhưng mạch bà cứ tắt dần. Thế rồi cái giây phút khủng khiếp nhất cũng đã tới.

 

Điện thoại lại reo, đầu dây là tiếng thằng em nuôi:

- Anh ơi! Bà mất rồi! Chúng em vừa đưa bà từ bệnh viện về đến nhà anh ạ. Bà mất vào khoảng 12h30. Anh về ngay nhé.

 

Thế là mẹ tôi đã mất! Với cái thế giới gần chục tỷ người này, mỗi ngày có biết bao người chết vì đủ thứ thì một bà cụ thiếu 4 tháng là 90 tuổi như mẹ tôi chết thì có quan trọng gì? Nhưng có đứa con nào mẹ chết lại không thấy mất mát, đau khổ. Bởi mẹ chết nghĩa là không bao giờ được gặp mẹ nữa! Tôi nhớ đến thằng con trai xa tít mù bên Mỹ: “Con có biết là bà nội đã mất rồi không?”, còn vợ và đứa con gái ở hai phòng bên, đằng nào thì bà cũng mất rồi, cứ để yên cho ngủ thì hơn. Tôi trở lại võng nằm bật khóc thầm một mình trong đêm. Với tôi mẹ là tất cả. Người thường, có chuyện gì người ta hay kêu “Trời ơi!” hoặc “Chúa ơi!”, còn tôi, tôi hay buột miệng hai tiếng: “Mẹ ơi!”. Mẹ tôi, người đàn bà hiền từ đức độ, hay giúp người những lúc cơ nhỡ, với cuộc đời trải dài gần một thế kỷ trong cái xã hội làng quê dằng dịt những mối quan hệ mà bà không hề xích mích với một ai. Hồi nhỏ tôi thấy mấy bà hàng xóm bị mất gà thường chửi rất ghê, còn mẹ tôi thì bảo: “Tao ngượng tao không biết chửi”. Sau chiến thắng Điện Biên, bố tôi được về phép 10 ngày, năm sau, từ bụng mẹ tôi đã được chào đời. Mẹ tôi bảo sau sinh, tôi đã khóc dạ đề 6 tháng liền, chảy cả máu mắt.

 

Tôi có đọc một tài liệu nói những đứa trẻ khóc nhiều như vậy là do chúng nhạy cảm nên thường là những đứa rất thông minh. Còn tôi, không biết có thông minh hay không, nhưng biết chắc chắn một điều rằng, đã nhạy cảm thường khổ tâm não, và sẽ khó sống trong những cảnh nhiễu nhương. Từ khi mẹ lên tuổi 80, tôi bắt đầu lo ngại và chuẩn bị tâm lý để đối diện với cái giây phút mẹ mất. Không biết khi nào nó sẽ đến? Rồi nó đến sẽ như thế nào? Cái tâm trạng kinh hoàng khi bất ngờ nhận được tin bố mất một cách khác thường, đã gần hai mươi năm trôi qua rồi mà nay vết thương trong lòng tôi vẫn chưa liền sẹo. Đôi lúc tôi vẫn khóc thầm khi nhớ đến cha, tôi ân hận vì chưa báo hiếu cho cha được một xu nào, trong mỗi bữa tiệc tôi vẫn luôn kinh ngạc nghĩ rằng, cả đời cha mình chưa từng biết đến mùi vị một lon bia! Ông mất đúng vào điểm giao thời của đổi mới. Còn mẹ, điều quan trọng nhất là anh em tôi, cả người sống lẫn người chết, đã làm được hai mươi năm cuối đời mẹ hạnh phúc. Cùng lương người anh liệt sĩ, dù tôi có hay không, dù mẹ đã hết hay còn tiền, hàng tháng, hàng năm vào dịp tết, tôi tự đặt cho mình một nghĩa vụ là phải gởi tiền về cho mẹ. Với xã hội, đến nay khi đã hơn 50, tôi phải tự thú là mình đã thất bại, có những khả năng tôi không biết dùng để làm gì, còn nhiều đứa tôi biết từng “học dốt như bò” vẫn đàng hoàng thành ông kia bà nọ. Tuy vậy, đối với làng quê, tôi vẫn luôn là niềm tự hào của mẹ. Tôi vừa là “kỹ sư” vừa là “nhà văn”. 4 đứa cháu học trường cấp 3 đóng tại làng khoe, thầy Hiển (một đứa em trong họ dạy toán) hay mang tôi ra nói như nêu gương: “Làng ta có ông H. vừa giỏi toán vừa giỏi văn”. Cô cháu út khoái chí, vênh mặt kể, có đứa bạn nó hỏi: “Có phải mày quen với ông nhà văn này không?” “Quen gì, ông ấy là bác ruột tao chứ quen gì!”. Tôi viết nhiều, lý luận thì chúng không hiểu, thơ thì không vần, nên chúng chỉ thích đọc một cuốn truyện thiếu nhi, trong đó có một phần những kỷ niệm thơ ấu của tôi. Vừa đọc chúng vừa hỏi bà: “Chuyện này có thật không?”. Hồi ấy chủ yếu viết để được đăng, chứ biết có ngày mấy đứa cháu đọc, tôi sẽ viết khác đi, vì những chỗ bịa ra, giờ đọc thấy rất ngượng.

 

Tôi nhớ có lần đưa mẹ trở về quê sau chuyến bay từ Sài Gòn, mẹ tôi đầy rạng rỡ khoe với mấy bà hàng xóm: “Cháu nó đang xây cái nhà máy”, thực tế tôi chỉ dựng một cái xưởng nhỏ, nhưng với bà nó là “nhà máy”, mà đúng là có “nhà” có “máy” thật. Bà nuôi đứa cháu ngoại tên Hồng, mấy năm gần đây nó học trên Hải Dương, mắt bà cũng mờ dần, ông anh tôi nhà ở ngoài mặt đường nhưng phải vào chăm sóc bà, sáng có nhiệm vụ ra quán thằng em mang thức ăn về cho bà, rồi trưa, chiều hai bữa nấu nướng hai mẹ con ăn; có bữa ham vui nhậu với bạn bè về khuya bị bà mắng cho. Điều làm cho bà vui nhất là anh em chúng tôi đã sinh cho bà những đứa cháu xinh xắn và học giỏi. Vợ chồng tôi 2 đứa, đủ cả trai gái, còn hai đứa em ở quê 4 đứa con gái. Thằng con lớn của tôi, cháu đích tôn của bà, khi thi đại học đã dư điểm đậu vào ngành cao nhất của một trường hàng đầu, ngành Công Nghệ Thông Tin của Đại học Bách Khoa, vậy mà không thèm học, còn muốn du học tận bên Mỹ. Đứa con gái học được cả văn, toán, điểm vào cấp 3 của nó là 60, điểm tuyệt đối, từng đoạt giải nhất Văn TPHCM, nhưng tôi không cho thi toàn quốc, bởi tôi hiểu dấn quá sâu rồi phải nặn chữ ra mà kiếm sống ở cái thời buổi này là một cực hình, nên tôi cho nó thi vào Ngữ văn Anh, để vừa có thể phát huy được năng khiếu vừa biết Anh văn, mà có bằng cấp Anh văn thì không thể chết đói giữa Sài Gòn được. Thằng em út kém tôi 10 tuổi, vợ chồng nó được cái mát tay mở quán bán tiết canh, lòng lợn,…  thấy tôi suốt ngày lọ mọ với sách vở, từng nói: “Đời tôi suốt 25 năm nay, có đọc cuốn sách quái nào đâu mà đâu có sao?”, nay có 3 đứa con gái đều xinh xắn và học giỏi, suốt ngày chỉ bàn chuyện thi vào trường này, trường nọ, giờ sắp thành bố kỹ sư rồi. Đứa con lớn cũng học Công Nghệ Thông Tin sắp ra trường, có một thằng ở quê, nhà giàu có xe hơi đến hỏi, nó bảo: “Cái ngữ mày mà dám mơ tưởng đến con gái tao à!”, nó nói vậy bởi có một thằng học cùng trường, con một ông Đại tá Hải quân, đang quấn quít với con bé, và chỉ sợ: “Bố em không đồng ý anh” thôi. Đứa thứ hai là Cúc vừa mới đậu đại học, vợ chồng ông anh vì không con nên nuôi nó, chắc cưng quá nên nó thương còn hơn cả bố mẹ đẻ, nên  mẹ nó bảo: “Giờ nó coi chúng em là chú thím nó rồi!”.

 

Vừa rồi lên Hà Nội học, được ở nhà em ông ngoại nó, hai ông bà ở một mình, giờ có nó, nâng như nâng trứng, học về có sẵn cơm nước, thỉnh thoảng còn thêm bia nữa, con chủ quán, cái gì chứ khoản bia thì nó xài tốt. Còn cô út là Ngọc thì rất xinh, nhưng nó không yểu điệu thục nữ mà có vẻ đẹp hiện đại theo kiểu “chân dài đến nách”, mới 15 đã 1m65 rồi, tương lai có thể làm người mẫu được, nhưng nó chỉ thích làm cô sĩ quan an ninh thôi, bố nó thì bảo: “Mày hãy báo thù Đại học Tài chính cho bố (vì đứa lớn thi tài chính trên 20 điểm mà không đậu vẫn còn ức), nếu được, cái gì tao cũng chiều, xe máy, vi tính, mà là “xách tay” chứ không thèm chơi loại thường”. Tôi bảo: “Nó thích gì thì cho nó học, báu gì cái tài chính, sau này đi làm không thông đồng với giám đốc nó đuổi, mà thông đồng thì có ngày vào tù”.

 

Mẹ tôi, một cô bé 7-8 tuổi, bố chết, mẹ lấy chồng xa, cầu bơ cầu bất, dắt em đến ở hết nhà ông cậu đến nhà bà cô, lớn lên đi lấy chồng cũng khác thường, bởi bố tôi đã hỏi bà trong ngày bà nội tôi mất để cưới chạy tang. Rồi một đời cặm cụi với đồng áng, bà đã làm hết phần của mấy đứa cháu nên chúng sinh ra ở quê mà gót chân không một lần lấm bùn đất. Một đứa trẻ mồ côi, lại ở cái thời mông muội ấy làm sao được đi học, bà đã để dành lại tất cả chữ nghĩa cho con cháu. Dù bà không biết chữ nhưng rất thông minh, trí nhớ rất dai, cư xử mọi chuyện đâu ra đó, bà là thuyền trưởng lèo lái con thuyền nhà tôi. Bà không biết chữ nhưng đã đẻ ra nhà văn, rồi bây giờ hoàn toàn có thể trở thành bà của 6 đứa cháu cử nhân, kỹ sư, có thể cả tiến sĩ nữa. Đời một con người được vậy, hỏi có hạnh phúc nào hơn?

 

*

 

Sáng sau, rất may là tôi đã mua được vé chuyến 11giờ 30, như vậy dích dắc từ sân bay về đến quê cũng phải 3-4 giờ chiều. Tôi về nhà sửa soạn. Vợ tôi, đêm qua tính để cho ngủ nhưng rồi điện thoại cứ reo liên tục, ở phòng bên đã ngóc đầu dậy hỏi: “Bà thế nào rồi?”. Tôi vẫn hay trả lời theo kiểu nhấm nhẳng: “Chết rồi chứ còn thế nào!”. Với người nhà, tôi không thể nói chuyện mềm mỏng được, vì thấy nó cứ giả giả thế nào ấy. Thế là hai vợ chồng cả đêm không ngủ, rì rầm nhắc lại những kỷ niệm những lần bà vào chơi. Cô con gái thì vẫn đang say sưa, nó thường thức khuya chat chít và dịch bài đăng báo, ngay từ năm 1 đại học, nó đã làm cộng tác viên dịch thuật của một tờ báo. Chuẩn bị xong tôi kêu nó dậy: “Con Phương! Có dậy không! Bà nội mất rồi đấy có biết không mà cứ nằm ườn ra đấy!”. Nó ngạc nhiên, nhưng còn ngái ngủ nên tình cảm cũng không bộc lộ rõ, hơn nữa nó sống xa bà, tôi cũng không thể bắt nó có tình cảm như những đứa cháu luôn quây quần bên bà ở quê được, cũng là lẽ tự nhiên thôi. Trong 6 đứa, bà thương đứa cháu ngoại nhất, đơn giản là vì bà nuôi nó. Mẹ nó trước đây lỡ làng, tôi vốn lo xa nên viết thư về bảo: “Mày nên kiếm một đứa con đi! Sau này thày mẹ mất thì còn có nó, chứ sống một mình là khổ lắm đấy”. Nói vậy chứ tôi không tin tưởng lắm, ai ngờ để tạo ra một con người theo lẽ khác thường cũng không khó như tôi nghĩ. Cô em tôi nhanh chóng có thai. Kể ở các nước tiên tiến hoặc ở thành phố lớn là chuyện thường, nhưng ở quê hồi ấy còn là chuyện động trời, cũng ầm ĩ lên một hồi. Nhưng quả thật, em tôi đã làm một cuộc cách mạng, nhiều cô gái ở quê đã tìm được hạnh phúc làm mẹ theo con đường ấy. Rồi cái Hồng được sinh ra. Từ đó hàng tháng tôi gởi tiền về. Tôi biết bà đã có lương con liệt sĩ, nên thực chất tôi gởi về là để bà nuôi nó. Còn mẹ nó cũng hay đau yếu, có điều oái oăm là, có nó vài năm thì mẹ nó lại đi lấy chồng. Mẹ tôi nuôi đứa cháu ngoại là thế. Cũng may con bé rất ngoan và cũng xinh xắn, có điều học không được giỏi. Tôi lo, bà chiều nó như tiểu thư, không học cao lên được thì không biết làm gì để sống, có lẽ cho nó học lớp cô dạy mẫu giáo là hợp nhất, miễn là sau này kiếm được đồng lương rồi tôi hỗ trợ thêm là sẽ sống được. Ai ngờ tôi chỉ nghĩ chưa kịp nói ra thì ở quê nó đã làm đúng y như vậy, sau khi học xong cấp 3, nó thi đậu vào trường cô dạy mẫu giáo ở Hải  Dương.

 

Mấy tháng gần đây, khi bà cho nó tiền thường nói: “Bà cho tiền lần này là lần cuối đấy nhá, chịu khó học để sau này ra trường, đi làm có đồng lương mà ăn”. Có thể bà nói vậy cho nó chịu khó, mà cũng có thể do bà đã linh cảm được ngày cuối của mình. Có điều hay là, khi bà mất cũng là lúc nó ra trường rồi được giữ lại, và đã bắt đầu có lương tự lo cho mình được, lại còn học tiếp lên đại học nữa. Nó dạy lớp 3 tuổi, toàn những đứa bụ bẫm xinh xắn, giờ cha mẹ nào cũng chỉ 1- 2 con nên quý như vàng tất quý luôn cả cô giáo. Như vậy, trước mắt còn bao khó khăn phải vượt qua, tương lai xa không biết thế nào, nhưng hiện tại mấy đứa cháu của bà đều yên ổn và đầy hứa hẹn cả, có phải bà đã tích đức để phúc lại cho những đứa cháu hôm nay không?

 

Chuẩn bị xong, tôi lấy tấm ảnh của mẹ treo ở bàn thờ phòng khách, tôi bắt chước ở quê, đặt bàn thờ ở phòng khách cho ấm cúng, ông bà Tổ Tiên có về thì luôn có con cháu quây quần. Vợ chồng con cái thắp hương lạy bà xong tôi nói: “Lẽ ra hai mẹ con phải về cùng tôi chịu tang bà, nhưng gấp gáp, mẹ mày cũng yếu, về quê bệnh, phải lo đám ma lại lo thêm cho mẹ mày nữa thì cũng rắc rối ra. Thôi để tôi về một mình. Sống xa quê thì phải vậy thôi”. Xong, tôi kêu tắc xi ra sân bay.

 

*

 

Sau các thủ tục, chuyến bay bắt đầu cất cánh. Tôi có một niềm tự hào nho nhỏ là, so với mấy bà ở quê được đi huyện chơi cũng khó thì tôi đã cho mẹ “cưỡi máy bay” vào Sài Gòn không chỉ một lần. Mỗi khi bước lên máy bay tôi lại nhớ những lần cùng đi với mẹ. Khi máy bay đạt độ cao ổn định, qua ô cửa sổ, mặt đất chỉ còn lờ mờ phía dưới, còn trước mặt thì mở ra cả một khoảng trời mênh mông, ngàn trùng mây trắng. Tôi nhớ cô con gái lúc còn nhỏ xíu trong một lần về quê khi nhìn thấy cảnh này đã thốt lên: “Ôi! Bao la quá!”. Tôi biết nó rất nhạy cảm và có khiếu văn chương thực sự. Nhưng với kinh nghiệm của tôi, đến tận giờ tôi cũng chưa thể trả lời được, có tài văn chương sẽ là phúc hay họa? Nên tôi không khuyến khích và cũng không ngăn cản nó. Thôi cứ để cho số phận xếp đặt. Như tôi đây, hồi nhỏ ghét học văn vô cùng, không biết do cơ duyên nào đã dẫn tôi đến nghiệp văn chương, nó đã làm tôi hao tổn nhiều tâm trí và thời gian mà gần như không mang lại chút lợi lộc nào. Bài thơ mở cánh cửa văn chương, tôi đã viết về mẹ. Một lần tình cờ đưa một bài thơ dạng “tán gái” cho một nhà thơ, bị bà ấy chê và bảo, thơ bây giờ phải tình cảm, sâu sắc, tôi đã tự ái nghĩ “Thế thì mình cũng làm được”. Tối đó tôi nhớ đến mẹ, tôi nhớ những đêm đông, những vết chai sần ở chân mẹ nứt nẻ, bà phải lấy lá khoai đắp vào, nên viết:

 

Đêm thoáng lạnh trùm chiếc chăn nhẹ

Nhớ gió bấc khô thổi rụng lá xoan vàng

Mẹ ơi nếp da dầy chân mẹ

Đã bao nhiêu rồi vết nứt nẻ dọc ngang?…

 

Sáng sau tôi đưa cho bà nhà thơ coi, không ngờ bà ấy kêu lên : “Cháu ơi! Cháu có tài đấy cháu ạ!”. Từ đó bên cạnh công việc chuyên môn phải làm, tôi lao vào văn chương với tất cả say mê của mình. Nhưng khi bận, viết cũng ngại, và cái chính là nghề văn này không phải cứ viết hay thì được đăng và hay dở cũng không có chuẩn mực cụ thể. Tôi viết văn thiên về chất tư tưởng và quan tâm nhiều đến lĩnh vực tri thức, đơn giản là vì tôi làm nghề nghiên cứu khoa học, vì vậy mà ít độc giả; nước mình đa số nông dân, chất nông dân đã ngấm vào máu từ ngàn đời nên thẩm mỹ số đông vẫn còn là thẩm mỹ tiểu nông, không chỉ ở người bình dân mà ở cả giới trí thức, nhà văn, nhà thơ; một chút thâm nho, một chút tếu táo người ta khoái đọc, như khoái ăn cà pháo mắm tôm với canh cải nấu cua vậy, hơn là những vấn đề tư tưởng cao siêu, tri thức khoa học rắc rối; nên tôi nản, nhiều lần muốn buông bút. Người thân, bạn bè học tự nhiên lại đế thêm: “Viết làm đ. gì”. Ngược lại, không ít bạn viết và những độc giả hiểu biết lại bảo: “Ông mà không viết là phí lắm đấy!”. Còn tôi, thực tình không thích văn chương lắm, nhưng luôn có một động lực vô hình nào đó thúc đẩy, những nghĩ suy, tâm tư cứ dâng đầy, buộc tôi phải viết ra. Theo giáo lý nhà Phật, tôi đã bị ngọn gió nghiệp cuốn đi. Nhưng kiếp trước tôi đã làm gì để nay phải trả cái nghiệp văn này? Dù vậy, cái nghiệp văn chương cũng mang lại cho tôi không ít niềm vui, mỗi khi những tác phẩm tâm đắc được đăng, tôi thấy mình như được sinh ra, bạn viết, độc giả khắp nơi tíu tít điện thoại chia sẻ. Hơn nữa, nhờ những con chữ, tôi đã tạc được hình bóng mẹ, tôi muốn mẹ bất tử trong những trang văn của tôi. Tôi bỗng nhớ đến chuyện tôi từng làm một bài thơ dài dự thi ở một tạp chí Văn Nghệ lớn nhất nước nhân dịp Giao thừa Thiên niên kỷ, bài thơ của tôi từng được xếp đầu nửa chặng thi trên 5000 bài nên được tặng thưởng năm đó. Bài thơ có nhiều chi tiết tôi viết về mẹ, trong đó có chuyện đi máy bay này:

 

Mẹ ơi!

Mẹ hãy vào chơi với con

Con sẽ mời mẹ đi máy bay

Xin mẹ đừng có ngại ngần vì đôi bàn chân gần một thế kỷ lấm láp

trong phân gio bùn  đất

Mẹ hãy cứ kiêu hãnh dẫm lên những bậc cầu thang sáng loáng,

dẫm lên những tấm thảm trải sàn sang trọng

Rồi mẹ sẽ bay lên tận cái khoảng không mà suốt đời mẹ

vẫn tưởng chỉ giành riêng cho thiên thần tiên nữ…

 

Vậy mà giờ đây mẹ tôi cũng đã hóa thành tiên rồi! “Mẹ ơi! Giữa những tầng trời thăm thẳm kia, linh hồn mẹ đang ở đâu?”

 

*

 

Về đến Nội Bài, điện thoại lại tíu tít. Có lẽ giờ này mọi người đã tề tựu đông đủ, vì thân thích nhất ngoài nhà tôi ở Sài Gòn, chỉ có hai đứa cháu học xa, bà cô ruột ở Hà Nội và bà dì ruột lấy chồng người dân tộc trên mạn ngược, nên cả nhà mong tôi cũng đúng thôi. Mẹ tôi sinh 7 anh em, chết 3 (bà chị cả tên Vẻ (mẹ tôi là Vui) anh trai thứ hai là Sơn liệt sĩ năm 1968 và 1đứa em trai áp út tên Dũng chết lúc còn bé; còn 4: ông anh thứ 2 là Đảo, tôi là Hùng, cô em gái là Lân và thằng út là Mạnh. Bố tôi vốn là một chiến sĩ Điện Biên đã đặt tên mấy đứa con trai là: Sơn, Đảo, Hùng, Dũng, Mạnh. Từ sân bay theo xe hàng không về Hà Nội, tôi thuê tắc xi về quê, tưởng mất cả triệu vì xăng dầu đang mắc, nhưng rồi chỉ có 5 trăm nên cũng mừng. Nhưng lên tắc xi tôi vẫn chưa hết nóng ruột vì nó chạy như rùa bò bởi sợ bị bắn tốc độ. Thỉnh thoảng điện thoại lại tít tít, lại phải trả lời là đã đến đây, đến kia rồi, rồi cuối cùng tôi cũng về đến quê. Truyện trò với tài xế dọc đường, tôi đã nguôi đi phần nào nỗi đau mất mẹ, nhưng khi thấy vẳng vẳng tiếng kèn trống đám ma, nỗi đau trong lòng tôi lại bùng phát, mỗi lần “về quê” đồng nghĩa “về với mẹ”, nay mẹ mất rồi tôi về với ai?

 

Loạng choạng xách đồ đạc theo con ngõ quen thuộc, tôi lao về nhà gặp mẹ. Gần tới nhà, tôi thấy lá cờ đám ma mà tôi từng gặp đây đó ở các con hẻm Sài Gòn khi nhà ai đó có tang, thì nay ác thay, nó lại cắm ngay đầu ngõ nhà mình! Rải rác hai bên đường mấy bà mấy cô túm năm tụm ba, thấy tôi mọi người kêu lên: “A, Thằng H. về kia rồi, cháu ơi về nhanh lên, mẹ mất rồi, cháu ơi!”. Đến lúc này tôi không kìm nổi nước mắt được nữa, nó cứ trào ra. Đến cổng, tôi chỉ thấy nhấp nhoáng người vào người ra tấp nập; tiếng kèn, tiếng trống, tiếng đàn bầu, tiếng nhị được khuyếch đại inh ỏi, trộn với tiếng gào khóc của cô em gái, 4 đứa cháu, cùng với bà con cô bác. Tất cả mọi người đổ dồn về phía tôi. Một bà thân thích nào đó, vì tôi quá chú ý đến mẹ nên không còn biết là ai nữa, kéo tay tôi vào nhà: “Vào gặp mẹ đi cháu”. Tôi lao đến bên quan tài mẹ kê giữa nhà. Mẹ tôi đó, giờ đã lọt thỏm trong chiếc quan tài màu vàng nâu mộc mạc, trên nắp có vắt những dải khăn trắng, có lẽ là khăn tang giành cho vợ con tôi; dưới ánh nến bập bùng, qua ô kính nhỏ, tôi thấy gương mặt mẹ thanh thản, không có dấu vết gì của bệnh tật cả, mắt nhắm nghiền như người đi ngủ. Tôi nấc lên: “Mẹ ơi!”, tiếng gọi ngắn ngủi, thầm thì, chìm lấp trong những tiếng gào khóc xung quanh, nhưng nỗi đau trong lòng tôi thì thăm thẳm mênh mông!

 

Rồi mọi người kéo tôi ra giường, tôi ngồi thất thần như khúc gỗ để họ mặc áo tang và thắt khăn cho tôi. Áo tang bằng vải sô, là áo “trảm thôi”, nhưng chắc là cắt bằng kéo chứ không phải chặt bằng dao theo đúng tục lệ cho tướp ra, cũng có sợi đay buộc vòng ở bụng. Sau đó, thật lạ, tôi nguôi đi rất nhanh, mẹ tôi cũng đã gần 90 rồi. Mà có ai tránh được cái chết? Từ các thánh nhân, vua chúa xưa đến các nguyên thủ quốc gia nay. Đức Phật cũng từng dậy: “Không ở trên không, không ở dưới biển, không ở rừng núi, không một chỗ nào trốn được cái chết”; rồi: “Ngay đến chư Phật, Bồ-tát, Duyên giác, Thinh văn còn phải bỏ cái thân vô thường, huống nữa là phàm phu". Tôi không chỉ đã làm tròn bổn phận mà còn được xóm giềng coi như một tấm gương về lòng hiếu thảo. Cái đầu hay phân tích lại bắt đầu hoạt động trở lại, thì ra cái tâm trạng khổ đau hay sung sướng cũng có cơn như đói như no vậy. Tôi còn phải đi chào người thân người quen, phải tay bắt mặt mừng với bao người mà chỉ có dịp đại lễ như thế này mới gặp được. Nhưng hai người thân nhất lại không về: bà dì cũng đã già, lại ở tít tận mạn ngược, còn bà cô ở Hà Nội thì bị cao  huyết áp. Nhưng con cái, dâu rể thì về đủ. Trời đã về chiều, mấy đứa con gái, dâu rể phải về Hà Nội, nên tôi phải đi ăn tiếp chúng nó. Nhưng tôi mệt bã người làm sao mà nuốt được, chỉ ngồi nhấp rượu suông, thỉnh thoảng húp ít nước luộc thịt mà quê tôi gọi là nước “súyt”.

 

Ăn uống, tôi tiễn mấy đứa em ra về xong, trời bắt đầu tối, lúc này tôi mới tỉnh táo quan sát khung cảnh đám ma mẹ mình. Bàn thờ mẹ tôi là chiếc bàn bằng mây nhỏ đặt ở đầu hè trước cửa chính, phía sau cột hai cây chuối nhỏ, ảnh mẹ tôi đặt trên đó, phía trước là khoanh thân cây chuối (thay bát nhang) cho mọi người cắm nhang, hai bên treo lá cờ vải sô trắng ghi những chữ nho gì đó và dăm bẩy vòng hoa xếp quanh. Hai bức trướng, một của bà cô, một của ông thông gia bố vợ thằng em út treo ở bàn thờ trong nhà. Văn chương Hà Nội quả có khác ở quê. Bức mua ở Hà Nội viết: “Bóng hạc xe mây về cõi Phật/ Để lại trần gian phúc cháu con; bức mua ở quê thì nôm na: “Thắp nén hương thơm lòng tưởng nhớ/Vô cùng thương tiếc lúc tiễn đưa”. Ông anh cùng thằng em nuôi đứng hai bên bàn thờ đáp lễ, cũng chống gậy vông theo tục lệ nhưng không đẽo vuông. Ông chú con cô cậu ruột với bố tôi bảo: “Mày nay mệt thì thôi chứ mai phải đứng cùng thằng Đảo đáp lễ đấy”. Thì ra cây gậy vông dựa trước bàn thờ là chuẩn bị cho tôi. Tất nhiên phải vậy rồi. Có điều bản thân tôi cũng như gia đình thường có nếp sống thực tâm với nhau là chính chứ rất ít sử dụng lễ nghĩa, thậm chí cả lời nói, nhiều khi đi đường bố con, anh em gặp nhau chỉ cần nhìn chứ không cần chào. Nhưng lễ tang mẹ, bà con, bạn bè đến từ trăm phương mười hướng có lẽ nào không thực hành nghi lễ theo tập tục. Bây giờ phú quý sinh lễ nghĩa hay các hiện tượng tâm linh xuất hiện nhiều đã buộc dương gian phải thay đổi thái độ trước thế giới huyền bí? Ngày xưa vẫn hay xuất hiện những câu chuyện ma làm lũ trẻ con chúng tôi hoảng sợ, đi chơi về khuya, tôi thường chạy chứ không dám đi, không biết có phải do khí âm bao đời tích tụ lại làm đêm quê lạnh lẽo, hay hệ thần kinh thực vật có thể nhận diện được những hồn ma đã khiến tôi sợ một cách vô cớ? Hồi ấy tôi cũng đã rất chú ý chuyện trong xóm có ông Chật, khi ông anh bị bệnh sắp chết bảo: “Sau này có đi gọi tao thì nói  chuyện với tao bằng tiếng Pháp” (vì con địa chủ được đi học mà), sau khi ông anh chết, ông Chật đã đi “gọi dí” (gọi hồn) một bà nổi tiếng ở làng Châu Quan, và đúng là bà ấy đã nói chuyện với ông Chật bằng tiếng Pháp thật, dù rằng bình thường bà ấy mù chữ. Như vậy, đâu phải bà ấy nói mà chính là hồn ông anh đã mượn xác bà ấy nói.

 

Còn ngay bây giờ, tôi cũng được nghe không ít chuyện lạ ở quê, tôi chú ý nhất chuyện có một khúc đường thẳng cạnh làng Dựa cách làng tôi vài cây số từng có người bị đụng xe chết, thế rồi tai nạn cứ liên tiếp xảy ra, năm nay đã 9 người chết rồi. Cô cháu út còn kể có người qua chỗ đó không biết bị thế nào mà đầu chui qua được khe hẹp của cột điện, phải đập cột điện mới lấy đầu ra được, vậy mà không chết. Phải chăng những người bị chết bất đắc kỳ tử, chưa đúng số, quan âm không cho nhập mộ, nên cứ lang thang bắt người? Quê tôi chưa có thói quen làm miếu thờ những người bị nạn như tôi đã thấy đây đó, nhất là trên trục đường Nam-Bắc.

 

Quê  tôi có một cái chùa nhỏ, theo Ngọc phả thì được cụ Thành Hoàng xây từ thời vua Trần Thái Tông, hầu như không có ai đi tu nên có chùa mà không có sư. Bây giờ chủ tế trong những ngày lễ tết là chị Thậm, một phụ nữ xinh xắn, chồng hy sinh nhưng không tái giá, không biết cơ duyên nào đã dẫn chị đến kinh kệ, chị khoảng 60, mặt trông còn trẻ nhưng tóc bạc trắng trông như một đạo sĩ. Chập tối, các cụ đã đến làm lễ “quy Đông quy Tây”. Sau đó các bà các cô mặc áo dài trắng đồng tế, cầu Phật cho linh hồn mẹ tôi được siêu thoát. Có lẽ do tự phát nên nghi lễ quê tôi không thuần nhất, đã được pha trộn giữa đạo Phật, đạo Nho và cả những tập tục riêng. Như lễ “quy Đông quy Tây”, lễ “dở mình”, tôi không thấy có trong điển lễ mà tôi coi được trên mạng. Các bước cũng sứt mẻ và giản lược nhiều. Nhưng sau một gian dài chiến tranh, chùa và nhà thờ thành kho thóc, những nghi lễ đời sống tâm linh gần như bị vặt trụi, dần dần hồi phục lại được như vậy cũng là khá lắm. Nhưng nghi lễ mỗi nơi cũng mỗi khác. Ở Sài Gòn có những đám ma tưng bừng như ngày hội, dàn nhạc không chơi nhạc bi thương mà nhạc giật. Còn thực tâm, tôi thích nghi lễ của những nước phương Tây hơn, đám cưới, đám ma họ làm gọn gàng, sang trọng và văn hóa biết bao. Nhưng dù sao tôi thấy cái mộc mạc dân dã cũng có cái hay riêng của nó. Có ồn ào náo nhiệt đấy nhưng không thiếu bi thương; bề bộn, rườm rà, thậm chí luộm thuộm đấy nhưng không thiếu trang nghiêm, thành kính. Nhưng trùm lên hết là cái quý giá nhất, nhân văn nhất mà không lễ nghi sang trọng nào có thể sánh được, đó chính là cái nghĩa tình làng quê chân chất, mộc mạc, đằm thắm.

 

Ở Sài Gòn, tôi thấy đám ma cũng làm cơm, nhưng chủ yếu cho người nhà và những bà con ở quê lên đến bữa thì ăn, còn quê tôi không phải làm cơm mà là làm tiệc. Nhà nào có người nằm xuống là phải lo bắc rạp, mổ gà, mổ lợn. Có gì không phải khi người nhà nằm xuống mà lại làm tiệc như ăn mừng? Giống như tôi từng băn khoăn, sao tục lệ phương Đông lại là ăn giỗ chứ không ăn sinh nhật, giờ lớp trẻ tổ chức sinh nhật là lai Tây rồi. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại thấy nhiều điều thâm thúy. Theo nguyên lý cân bằng âm dương, âm phải được dương cân bằng thì nỗi buồn cần được chữa trị bằng niềm vui, mất mát cô đơn thì cần được tề tựu đông vui khỏa lấp. Vì tình nghĩa người ta đến viếng, đưa tang xong ra về bụng đói meo sao bằng tiệc tùng thỏa mãn no đủ. Sinh có hạn tử bất kỳ, mừng sinh nhật chỉ có lý khi người ta còn sống, chết rồi còn sinh đâu mà mừng, còn giỗ tưởng niệm thì có ý nghĩa mãi mãi. Nhưng tiệc quê tôi là tiệc công cộng ai đến cũng ăn thì thế nào đây? Tôi vừa dự đám giỗ đầu ông chú ruột vợ là linh mục làm tại nhà thờ, lễ xong mời mọi người đi ăn, người lạ vào nhiều quá, cuối cùng người nhà phải dạt ra vì không đủ chỗ. Quê tôi ứng phó chuyện này tốt hơn nhiều. Bếp than đỏ rực, thực phẩm có sẵn. Xuống nhà dưới tôi thấy gà, lợn mổ xếp hàng hàng. Người xay giò, người chặt thịt, người thái rau nhoay nhoáy nhoay nhoáy, nhộn nhịp như một công xưởng. Cần là trong nháy mắt tiệc dọn ra ngay. Hơn nữa làm nhiều quen, đã thành quy trình rồi. Tiệc tùng đám ma mẹ tôi một tay cô em dâu chỉ đạo tất, công nhận là nó tháo vát thật. Còn chuyện tiền bạc tính sao đây? Lúc đang phất không nói làm gì, nay thời buổi cả thế giới đang suy thoái, không thể phóng tay được. Tôi hỏi ông anh chuyện tiền bạc, sợ kỳ này mang về thiếu, không ngờ ông anh cho là chuyện nhỏ:

- Không sao đâu, người ta đi cũng đủ ấy mà, ở nhà chúng tôi đi cho người ta thì nay họ đi lại, chú đừng lo.

- Nhưng lợn gà ai ăn mà mổ nhiểu thế?

- Nhiều gì, sáng mai bữa chính là cả trăm mâm đấy, mọi người viếng xong là ăn ngay, đến trưa là đưa bà ra đồng. Tổng cộng mấy hôm là cả vài trăm mâm chứ không ít đâu! Thôi chú đi ngả lưng cho nó khỏe đi, sáng mai phải đứng đáp lễ cả sáng đấy.

 

Tôi yên tâm, lên nhà thấy thằng em nuôi ngáy khò khò trên cái giường kê ở gian bên phải; mấy đứa cháu gái vẫn quanh quẩn bên quan tài bà, trông rã rượi, chắc mệt nên không khóc nữa. Tôi khẽ nằm xuống tránh động mạnh để thằng em nó ngủ. Đây là cái giường mà mỗi lần về quê mẹ thường rải chiếu giăng mùng cho tôi đây. Đêm đầu tiên mẹ nằm trong quan tài thế kia sao mà tôi ngủ được. Nhưng mệt quá sắp thiếp đi được thì lại thấy ồn ào, thì ra mọi người đang làm lễ “dở mình” cho bà, sợ bà nằm lâu, bị mỏi.

 

*

 

Buổi sáng, sau hai đêm không ngủ, người tôi ê ẩm, miệng đắng ngắt, hai mắt khô khốc. Đánh răng xong, tôi đi kiếm tí nước cháo húp cho lại sức. “Nay vào việc chính bị xỉu thì nguy to!”. Mọi người xếp sẵn ghế cho 4 anh em tôi, khi ai đến viếng thì đứng dậy đáp lễ, xong lại ngồi xuống. Thằng em tôi bị khớp háng đã đỡ, trước lễ phát dẫn (đưa đám) là thời điểm quan trọng nên cũng đứng được. Hồi mới bị, nó nhức mỏi không chịu được, tôi lo vì biết bệnh thoái hóa như lá cây bị vàng úa sao mà xanh lại được. Nó đi khám, bác sĩ bảo phải mổ thay khớp inox ngay. Y học hiện đại là vậy, họ coi con người như cỗ máy, hư chỗ nào thì sửa chỗ đó. Qua chuyện thằng em, tôi thấy mình đã đến lúc cần phải quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Tôi từng đọc nhiều sách thuốc và Y học hiện đại, nhưng nay chuyển sang tìm hiểu Y học phương Đông, tập thiền và luyện khí công dưỡng sinh. Nhiều giáo sư bác sĩ, sau cả đời chữa bệnh cho thiên hạ, nay cũng trở thành học trò chăm chỉ của những môn này. Không ngờ tôi tập có kết quả nhanh, ngồi thiền thấy được ấn chứng (nimitta), thấy được khí quang, còn luyện khí công thì không chỉ nối được vòng Nhâm-Đốc mà còn dẫn được khí tùy theo ý muốn, và cái chính là thấy khỏe lên. Những chuyện phi thường trước đây tưởng chỉ là sự tưởng tượng và trò ảo thuật thì nay tôi thấy hoàn toàn là sự thật. Y học phương Đông đã coi cơ thể như một tiểu Vũ trụ trong đại Vũ trụ, là một thể thống nhất, liên quan đến nhau theo nguyên lý âm dương ngũ hành, chỉ với những cây cỏ và những bài tập luyện, đã hơn hẳn phương Tây trong việc trị những bệnh thoái hóa. Thằng em tôi cũng đã không chịu nghe bác sĩ, nghe người mách đã lên tận Hòa Bình chữa bệnh tại nhà một người dân tộc mù chữ, rồi chỉ với mấy lá cây rừng mà như vớ được thuốc tiên, không nhức mỏi nữa, đi lại chỉ còn hơi vướng.

 

Đến giờ, kèn trống, đàn nhị lại tấu lên. Tôi giật mình khi nghe qua loa:

- Ờ mẹ ơi! Con là con dâu thứ hai của mẹ khóc mẹ đây mẹ ơi!...

Thì ra ai đó đã đưa tiền cho đội khóc thuê khóc thay cho vợ tôi. Một lúc sau tiếng loa lại vang lên:

- Ờ bà ơi! Cháu là cháu đích tôn của bà khóc bà đây bà ơi!...

Nghĩ tới thằng con xa tít mù bên Mỹ, trước đông người, đàn ông khóc thì ngượng, nhưng rồi tôi chẳng kìm được, mặc kệ nước mắt cứ trào ra.

 

Lúc này khách khứa bắt đầu lục tục vào viếng, đoàn ít đoàn nhiều đều có mâm quả và cái phong bì. Tất cả đều được xướng tên và ghi vào sổ, khi họ thắp nhang khấn vái thì 4 anh em chúng tôi đứng chống gậy cúi đầu đáp lễ, sau đó người phát ngôn nói lời cảm ơn và: “Xin mời các cụ, các ông, các bà dùng cơm với gia đình, đến trưa đưa cụ tôi ra đồng”. Đám ma mẹ tôi quả thực là rất đông. Một phần bà hiền từ nên ai cũng quý, một phần đúng vào ngày lễ 2-9, mọi người đi xa đều về nghỉ lễ. Đoàn viếng của họ Nguyễn Huy nhà tôi gần 100 người, thằng em tôi sau này tự hào: “Đông nhất từ trước tới nay!”. Tôi nhớ lần bốc mộ bố tôi, ông bố vợ người miền Nam ra chơi đã ngạc nhiên: “Không biết bố thằng này làm gì mà đoàn nọ đoàn kia đến viếng cứ như bộ trưởng vậy!”.

 

Ròng rã mấy tiếng thì khoản cúng viếng và ăn uống cũng hoàn tất. Đến giờ làm lễ truy điệu, quan tài được khiêng ra ngoài sân, tôi và anh tôi chống gậy đứng hai bên. Ông ấy dặn:

- Chốc nữa mình đi lũi ra đến cổng thì thôi, rồi chống gậy đi trước, lẽ ra phải đi chân đất, nhưng chú đi giày cũng được.

 

Thằng anh em trong họ làm trưởng thôn đọc điếu văn, nêu đức độ và công trạng của mẹ tôi là đã “Sinh ra được một người con trai đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp Cách mạng”, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là mẹ tôi cả đời chỉ biết làm ruộng cũng có một danh phận: “Hội viên Hội Nông dân VN”. Rồi giây phút “động quan” trọng đại nhất đã đến, mệt nhất là 4 đứa cháu gái, chúng khóc không phải thảm thiết mà như điên, như dại, cứ ôm ghì khoảng kính nhỏ trên nắp quan tài chỗ gương mặt bà. Mấy bà can: “Các cháu ơi! đừng nhỏ nước mắt vào mặt bà, rồi bà sẽ khổ mà các cháu cũng khổ đấy!”. Theo giáo lý đạo Phật, sau khi chết, thần thức con người thành “thân trung ấm”, còn rất bỡ ngỡ trước cái chết và nhiều lưu luyến với gia đình, nên người nhà mà khóc quá thì linh hồn sẽ khó siêu thoát. Còn các bà có lẽ sợ chuyện âm dương tiếp xúc xảy ra chuyện “quỷ nhập tràng”. Nhưng mấy đứa dường như không nghe thấy gì, chúng cứ ngăn không cho người ta gỡ miếng kính ra để đóng nắp gỗ kín lại. Tôi đâm cáu:

- Mấy đứa có thôi ngay đi không, để yên cho người lớn làm việc. Thương bà thì ai mà không thương, phải biết kiềm chế chứ. Chúng mày đi học có đầu óc mà không hiểu người ta nói gì à, chúng mày muốn bà khổ à!

 

Vậy mà phải nhùng nhằng một lúc mới dẹp yên được. Đúng 11 giờ trưa, cô em dâu coi thầy bảo phải hạ huyệt trong khoảng 11-12 giờ, quan tài được mấy thằng cháu trong họ khỏe như voi nâng trên vai khiêng ra đầu ngõ đặt lên xe tang kéo tay. Tôi và ông anh đi giật lùi đúng theo tục “cha đưa mẹ đón”. Giữa trưa nắng đến rát cả mặt, nhưng cũng còn hơn mưa. Nhà tôi ở rìa làng nên cách nghĩa địa không xa. Đám ma mẹ tôi không “phương tướng” đuổi quỷ mở đường; không “thể kỳ” ghi câu “Dĩ lĩnh vân mê”; không “minh tinh” ghi chức tước, họ tên, thụy hiệu,… chỉ có hương án, người đánh chiêng và cờ dẫn đường trước xe tang. Cũng không có cảnh con gái trưởng và con dâu trưởng vừa khóc vừa lăn đường thảm thiết. Tục lệ chỉ còn thế, mà nếu có còn đủ thì mẹ tôi, một người chỉ quen cho chứ ít khi biết nhận, sẽ rất ngại khi phải nhận những gì quá long trọng. Sau một lúc, anh em con cháu chúng tôi cùng bà con xóm giềng đã rồng rắn đưa mẹ tôi đến nghĩa địa. Huyệt đào chỗ ruộng lúa đang làm đòng, khoảng nới rộng của nghĩa trang. Đám ma ở Sài Gòn, huyệt xây như bể nước, hạ quan tài rồi lấp cát thật sạch sẽ, nghĩ đến chôn cất ở quê lấm lem nhoe nhoét bùn đất tôi đã từng bàn với ông anh là xây huyệt sẵn rồi bà có mất thì xây mộ luôn, vua chúa người ta cũng xây lăng trước có sao. Không ngờ mẹ tôi phản đối: “Cứ làm cho tao theo ở quê, sau mấy năm sang cát cho nó sạch sẽ”. Tôi nghĩ kỹ thấy bà có lý. Nên khi nhìn cái huyệt ngập ngụa bùn đất tôi không sợ nữa. Mà theo thế giới tâm linh, khi chết rồi thì linh hồn mới quan trọng, thân thể chỉ còn là cái bao bì mục nát mà thôi. Mấy đứa nhóc con đã bị khống chế không cho đến gần huyệt mộ. Cũng chẳng có lễ tế thổ thần, quan tài mẹ tôi được hạ huyệt. Mỗi người cầm một hòn đất ném xuống mộ, tôi tra sách thì biết tục đó gọi là “đi dong nhan”.  Rất nhanh sau đó nấm mộ đã thành hình, vòng hoa được ốp xung quanh, mấy khoanh cỏ được đắp lên để đồ cắm nhang, bát cơm cúng với quả trứng luộc và cắm chiếc đũa bông, thực ra phải gọi là đũa gai, chiếc đũa vót cho sơ ra như gai nhọn. Cũng do tra sách tôi được biết: chiếc đũa chữ Hán Việt là “khoái”, chữ “khoái” có một nghĩa là lính bắt cướp; cái gai nhọn chữ Hán Việt là “thứ”, “thứ” có nghĩa là đâm chết. Vì vậy, chiếc đũa gai tượng trưng cho một người lính bảo vệ, được người xưa dùng làm bùa trừ ma quỷ.

 

Thế là cát bụi lại trở về với cát bụi, thân thể mẹ tôi rồi sẽ tan dần vào lòng đất, ngay trên cánh đồng quê này, nơi đã nuôi sống bao đời người dân quê tôi. Một lần tôi đã viết:

 

Đất như bị lột da vẫn không kịp cho những vụ chiêm mùa

Những vụ mùa xếp hàng chờ nhau đến lượt

 

Chính cánh đồng này là nguồn mạch của hồn thơ tôi, những câu thơ hay nhất của tôi chính là viết về cánh đồng, viết về những người thân yêu. Tôi nhớ hình ảnh ông nội tuổi 70 vẫn mặc áo tơi, còng lưng cuốc ruộng; mẹ tôi còng lưng cấy lúa, dáng cong cong như dáng những nhịp cầu, cùng với vô vàn người nông dân đã bắc nên cây cầu bằng xương thịt, bằng bao nỗi khó nhọc, không phải để xe cộ đi qua mà tất cả, từ lịch sử, niềm vinh quang cho đến cả nền văn minh đã đi trên đó. Thử hỏi loài người không có hạt lúa củ khoai do những người nông dân làm ra thì sẽ đi được tới đâu, không bước nổi trên mặt đất chứ nói gì đến những nền văn minh! Nhưng loài người vốn bất công và bội bạc, những người cao quý nhất lại được coi là thấp kém nhất, những sản phẩm do họ làm ra, không có chúng cuộc sống sẽ không tồn tại, lại được định giá rẻ mạt nhất. Người nông dân được mùa thì mất giá, còn mất mùa thì mất ăn luôn, mãi mãi luôn là tầng lớp nghèo khổ nhất. Ngược lại, người ta đã bầy ra đủ thứ trò, trong đó có không ít những thứ nhăng nhít, rồi xúm vào sơn phết, tôn vinh những cái mà không có chúng cuộc sống chẳng sao cả, để rồi đầu cơ trục lợi qua chính những trò đó. Từ những suy nghĩ đó tôi đã viết:

 

Cong cong như lưng ong

Cong cong như lưng tôm

Như mẹ tôi

Như ông nội tôi

Như Tổ Tiên tôi

Những nhịp cầu

Trên bao cánh đồng quê

Không phải bằng sắt thép bê tông

Những nhịp cầu xương thịt

Không phải để dòng sông chảy qua

Mà máu chảy

Không phải để xe cộ đi qua

Mà lịch sử đi qua

Trên đó có bước đi của nền văn minh

Có bước đi của niềm vinh quang

Cuộc sống đã vươn tới những tầm cao nhất

Luôn ở tầng thấp nhất những nhịp cầu.

 

Thôi mẹ hãy an nghỉ. Cầu mong Trời Phật phù hộ độ trì cho linh hồn mẹ được siêu thoát và sớm được tái sinh đúng như Phật dạy: “Chúng sanh nào tình và tưởng bằng nhau thì sẽ phát sinh vào cõi người… Bởi tưởng là thông sáng, tình là u mê. Nếu tình và tưởng ngang bằng nhau thì không lên và cũng không đi xuống”. Trước sáu cõi, thần thức có thể được đầu thai vào cõi cao hơn, sung sướng hơn cõi người, nhưng con chỉ cầu xin Trời Phật cho mẹ con được trở lại cõi người, cái cõi có lắm gian nan, lắm khổ đau, nhưng cũng nhiều niềm vui này, để rồi các con lại được làm con của mẹ, các cháu lại được làm cháu của bà, cứ thế mãi mãi, vô lượng kiếp!

 

*

 

An táng mẹ xong, anh em chúng tôi cảm thấy nhẹ người vì chúng tôi đã hoàn thành công việc trọng đại một cách trọn vẹn, chúng tôi đã giành cho mẹ những gì tốt đẹp nhất. Khách khứa về hết chỉ còn vài bà con thân thích và những người phục vụ đắc lực cho đám tang ở lại. Lúc này tôi mới thấy bụng đói cồn cào, kêu mấy đứa dọn tiệc, mở bia đánh chén. Cỗ quê tôi đơn giản nhưng thực phẩm thứ thiệt ăn rất ngon, gà ta, giò nạc nguyên chất, món ăn còn nguyên hương vị đặc trưng thơm ngát, không bị mùi gia vị át đi.

 

Đến chiều anh em ngồi lại với nhau, kiểm kê và xử lý tài sản của bà. Tôi ngồi nghe mà cay cay sống mũi. Hai mươi năm nay tôi chỉ mong được cho mẹ chứ có bao giờ nghĩ lại có ngày ngồi như thế. Tiền mặt của bà còn 1tr7 quyết định chia lộc của bà cho tất cả những đứa cháu, cả ruột lẫn nuôi 11 đứa. Bà còn một thằng con nuôi là thằng Cưỡng, nó mua nhà của ông anh ở phía dưới rồi thành con luôn. Nó đúng là một nông dân chính hiệu, khi nhà có việc, những gì nặng nhọc nó gánh hết. Anh em tôi có tính lười, chỉ tài chỉ tay năm ngón. Còn vàng vòng, thóc lúa tính ra bà còn gần 1 cây, cả nhà quyết cho cái Hồng tất, vì nó sống với bà và cái chính là nó không có bố. Còn chi phí đám tang người ta đi vừa đủ, chỉ thiếu có 600.000đ, mà bà còn tiền mai táng phí của hội phụ lão và ba tháng lương liệt sĩ. Bà ra đi nhẹ nhàng không làm phiền đến ai, con cháu đã không phải tốn công chăm sóc, cũng chẳng mất một xu nào, thế là trọn vẹn một đời bà chỉ biết hy sinh, chỉ biết cho mà không biết nhận, nếu có nhận của tôi cũng là để cho các cháu. Lần đầu tiên, trước một sự kiện trọng đại mà tôi lại không mất tiền, không mất tiền lẽ ra phải vui nhưng tôi thấy hụt hẫng, thế là từ nay mẹ không còn cần gì ở mình nữa. Trời đã nhá nhem, con mèo ở đâu đó trở về, cứ nhảy lên giường, đi vòng vòng “ngao ngao” khóc bà. Tôi lại chảy nước mắt: “Mẹ kiếp! đến con vật mà nó còn biết thương mẹ mình thế!”. Tôi nghĩ đến không ít trường hợp bố mẹ chết, con cháu chửi bới, đâm chém nhau vì chia tài sản; thậm chí có kẻ còn mong bố mẹ chết sớm để chóng hưởng thừa kế, đúng là nhiều kẻ làm người mà còn thua xa loài vật!

 

*

 

Đêm đầu tiên thân xác mẹ tôi giữa cánh đồng nhưng hồn mẹ đang ở đâu? Mấy bà mấy cô đến làm lễ phục hồn. Đây là nói theo quê tôi. Chứ theo điển lễ: “Khi cha mẹ tắt hơi thì một người cầm cái áo của người chết, tay tả cầm cổ, tay hữu cầm lưng, theo đường trước trèo lên mái nhà để gọi tên và hú hồn người chết ba lần, rồi theo đường sau nhà mà xuống. Đó là lễ phục hồn”. Cũng theo sách: “Đắp mồ xong thì làm lễ thành phần, rước hồn về nhà đưa lên linh tọa, rồi làm lễ phản khốc (khóc lại) và lễ sơ ngu (cầu cho vong hồn được an tĩnh)”. Như vậy, lễ phục hồn quê tôi gọi cho đúng phải là lễ “sơ ngu”. Nói chung mọi người đã dành cho mẹ tôi tất cả sự chu đáo. Nhưng trước cái biến cố quá lớn lao này, đã được cầu an, liệu hồn mẹ có an tĩnh được không?

 

Sáng sau tôi ra quán thằng em ăn sáng, nó bảo:

- Có chuyện rắc rối, cái Nhung điện về bảo tối qua nó nằm mơ thấy bà không chịu về nhà cứ lang thang ngoài đường, vào vườn chuối bốc cơm của con ngan ăn, nó hỏi bà có thích ăn đậu không cháu dẫn bà đi chợ mua, rồi bà bám vai nó nó dìu đi chợ, sáng dậy nó thấy chỗ vai bà bám tê dại và rất đau. Vợ tôi với bà Đảo đi coi rồi.

 

(Sau này tôi đã hỏi lại cái Nhung để kiểm chứng, nó gửi e-mail cho tôi: “Den chieu ngay thu 2 chau ngu chau nam mo thay ba. Ba bo nha di. Chau va chi Hong di tim mai ma khong thay. Sau do chau va chi di qua cai vuon gan nha co giao Banh thi thay ba dang ngoi boc com an. Chau voi den ben canh goi ba thi thay ba ngang len nhin. Chau thay anh mat do that kho (thật khổ). Chua bao gio thay anh mat ba nhin chau nhu the. No nhu mot loi keu cuu. Chau do ba dung day va do ba tren vai di ve phia mot cai cho (cái chợ) moi nguoi dang ban hang o do. Chau hoi ba co an dau (đậu phụ) ko chau mua. Ba gat dau. The la chau mua dau cho ba … Roi chau tinh day. Phai mat 3 hom chau cu dau (đau) mot ben vai (ben ma chau diu ba di)…).

Nghe thằng em nói vậy, tôi hỏi:

-Coi ở đâu?

-Có cái bà ở làng Quàn, cách mình mấy cây.

 

Trước đây thì tôi bật cười, nhưng bây giờ tôi lắng nghe một cách nghiêm túc, gần đây tôi giành khá nhiều thời gian tìm hiểu hai lĩnh vực huyền bí mà tôi từng ít nhiều trải nghiệm là khoa coi Tử vi và đặc biệt là hiện tượng ngoại cảm. Vì tập thiền nên tôi cũng tìm hiểu cả đạo Phật. Nhiều chuyện trước đây tôi từng cho là thần thoại thì giờ tôi buộc phải nghĩ khác. Kỳ này, một hiện tượng tâm linh nữa, lại xảy ra ngay trong nhà mình. Ngay hôm trước cũng đã có một chuyện lạ xảy ra với mấy đứa cháu, vì mải lo chuyện tang ma tôi chưa chú ý. Lúc chúng ôm quan tài bà, cái Hồng đột nhiên kêu lên: “Ơ mẹ ơi! Bà nắm tay con, bàn tay con tê cứng như có tay bà ở trong, con không co ngón tay vào được”.

 

Một lát sau cái Hồng hết, đến lượt cái Nhung: “Ô đến lượt bà nắm tay em…”. Rồi đến cái Cúc. Kể bình thường cũng có lúc người ta tê chân tay, nhưng làm sao lại tê cả 3 đứa cùng một lúc, còn lần lượt hết đứa này rồi mới đến đứa khác! Sau khi về Sài Gòn tôi lại hỏi cái Nhung để kiểm chứng thì nó gửi e-mail: “Cái hôm bà mất đấy. Chúng cháu ngồi bên cạnh bà. Mới đầu chị Hồng kêu tê tay lắm cứ như hôm bà cầm tay chị ấy trên xe lúc ở bệnh viện. Một lúc sau đến lượt tay cháu tê như thế. Cháu có cảm giác có một cái gì đó đang bóp chặt tay cháu. Cháu không cầm nổi nén hương thắp cho bà. Nó như thế một lúc thì cháu khóc cháu hỏi bà có phải bà đang cầm tay cháu không mà sao tay cháu tê quá”. Tôi luyện khí công, khi khai mở luân xa và các huyệt đạo, dẫn dòng năng lượng bên ngoài vào cơ thể chỗ nào sẽ làm chỗ đó tê nặng, nếu tập trung cao độ, có lúc tôi đạt trạng thái mà tôi chưa thấy sách nào viết, cả người tôi được thổi căng như quả bóng vậy, dường như dòng năng lượng bên ngoài là dòng ion cùng dấu đã đẩy nhau làm cơ thể tôi căng ra. Vậy phải chăng “cơ thể” linh hồn mẹ tôi cũng được cấu tạo bằng một dạng năng lượng điện, khi bà nắm tay mấy đứa, đã truyền điện làm lần lượt làm tay chúng tê đi. Còn cái Nhung khi nằm mơ gặp bà bám vào vai, sáng dậy chỗ vai đó đau đến 3 ngày. Phải chăng linh hồn bà thuộc khí âm lạnh, khi bám vào vai nó, làm máu kém lưu thông nên sáng dậy nó bị đau như người ta bị trúng gió, bị cảm vậy?

 

Đến gần trưa vợ thằng em về kể:

- Bà ấy nói đúng quá anh ạ! Đầu tiên em với chị Đảo viết tên tuổi bà, đặt lễ 10 ngàn thôi, hỏi xem bà thế nào. Bà ấy bảo: “Tuổi này quy tiên rồi”. Em mới giả vờ không biết hỏi: “Quy là gì?”. “Là chết chứ là gì. Có phải đưa cụ đi viện ban đêm không?”. “Dạ phải, chúng em đưa bà em về nhà, bà em mất lúc 12h30”. “Không phải đâu, cụ mất 12h kém 5, chỗ cái cầu gần cổng bệnh viện đấy. Bây giờ cụ còn lưu luyến chỗ đó nên chưa về nhà đâu. Có phải cụ đã về báo mộng cho một đứa cháu phải không?” “Dạ phải, thế bây giờ chúng em phải làm thế nào ạ?”. “Tối nay sắm một cái lễ, nắm 9 nắm cơm nhỏ, luộc quả trứng cắt ra 9 miếng, lấy một cái áo cụ vẫn mặc, đi ra chỗ đó chiêu hồn cụ về. Mà áo cũ đã đốt hết, còn giữ lại áo đẹp phải không?”. “Dạ phải”.

 

Đến tối, một đám đàn bà con gái do bà chị dâu dẫn đầu làm theo lời bà thầy bói. Lúc về đến nhà, tôi thấy bà chị bê mâm lễ có phủ cái áo của mẹ tôi, đặt lên bàn thờ chỗ để ảnh của bà. Cái Hồng thắp ba nén nhang, nó đã cẩn thận tắt ngọn lửa mới cắm, tôi chợt thấy ngọn lửa bùng lên ở đầu 3 cây nhang nên mới buột miệng kêu lên:

- A, Bà về rồi, yên tâm rồi!

 

Mọi người đều vui mừng, nỗi lo hồn mẹ mình phải lang thang lang đói khát đã được cất đi. Khi thấy nhang bùng cháy cái Hồng kể: “Hôm qua chúng cháu ra mộ bà, cháu thắp hương, cháu tắt lửa đi rồi mới cắm xuống mà bát hương nó cứ cháy bùng lên, cháu sợ quá mới nói với bà: “Bà ơi bà, bà đừng làm cháu sợ” ngọn lửa lại tắt đi, rồi một lúc sau nó lại bùng lên”. Tôi nhớ lần trở về chịu tang bố, khi thắp nhang, cả bát nhang cũng bùng cháy, nhưng hồi ấy tôi không để ý chuyện linh thiêng mà chỉ sợ cháy nhà. Chuyện bát nhang cháy này thì tôi còn được nghe nhiều người kể. Phải chăng linh hồn là năng lượng đã tiếp thêm cho những đốm than đỏ đầu que nhang bùng cháy, như người ta thổi oxy vào vậy?

 

Sáng sau tôi chở cái Nhung đi coi, tôi muốn tự mình kiểm chứng, không chỉ chuyện nhà mình mà còn là cả một thực tại huyền bí, từng bị chủ nghĩa duy vật nhân danh khoa học phủ nhận, nhưng từ ngàn đời nó vẫn hiển hiện bằng những hiện tượng mà chỉ những người có cơ duyên đặc biệt mới có khả năng nhận biết được. Họ như là sứ giả của thế giới vô hình, vén bức màn vô minh bởi cái nhìn duy lý thô thiển của chúng ta. Vừa đi vừa hỏi đường cuối cùng hai bác cháu cũng tới được. Bà thầy bói tuổi trung niên, mặt tròn, gồ má cao, đặc biệt đôi mắt có ánh lạ. Bà dẫn chúng tôi lên 1 phòng có điện thờ, sàn trải chiếu, có cái bàn nhỏ để một cái gương lớn. Ở nhà bảo đặt lễ 1chục, tôi thấy ít quá nên đặt 3 chục. Tôi và đứa cháu ngồi xuống tấm chiếu trước gương bên bà ấy, viết tên tuổi cả nhà và địa chỉ trong Sài Gòn, thư thái như ngồi thiền, vì người ta nói nếu mình nghi ngờ sẽ gây nhiễu làm thày bà nói sai; tôi cũng không nghĩ về chuyện gì đề phòng khả năng “tha tâm thông”, đọc được ý nghĩ người khác của bà thầy bói. Sau khi lầm rầm khấn vái tung đồng xu xin âm dương xong bà ấy nói:

- Sao nhà bác này mất nhiều tiền thế, tiền tỷ chứ không phải trăm triệu đâu, mà mất cả mấy năm nay rồi (đúng quá! Tôi nghĩ thầm). Bác cũng bị người ta lừa nhiều (tôi giật mình, đây là điều tôi muốn giấu mọi người) nhưng những người ấy sẽ gánh nạn cho bác đấy. Bây giờ bác hết tiền rồi, chỉ có bán đất thì  mới có tiền thôi, cũng phải 5 tỷ đấy (Thật đúng quá!). Còn số bác cũng may là bác có cái tâm tốt, bác đã giúp đỡ rất nhiều người nên mới còn sống đến ngày hôm nay, nếu không thì bác bốc mộ lâu rồi (Tôi giật mình, nghe mà hoảng).

 

Rồi bà ấy nói về bệnh tật của vợ chồng tôi, tôi không chú ý vì là những bệnh phổ thông của tuổi trung niên. Về thằng con trai tôi, bà nói nó chưa làm được gì đâu, còn tốn rất nhiều tiền cho nó (du học Mỹ sao mà không tốn được!), bây giờ cách núi cách sông không về được đâu (Đúng quá, cái Nhung phì cười luôn, bà ấy đâu biết con tôi bên Mỹ). Bà ấy nói tôi mới có hai cái tang (Đúng là mẹ tôi và ông chú ruột vợ) và khuyên những điều y như hôm trước nói với người nhà tôi, nên tôi phải khai ra chúng tôi là một nhà, rồi hỏi luôn mẹ tôi đã về chưa. Bà ấy trả lời:

- Cụ về rồi, tối qua đi rước cụ về chứ gì. Bây giờ tốt rồi.

Tiện dịp tôi hỏi về bố mình:

- Nhờ chị coi cho bố tôi tuổi Nhâm Tuất (1922) thì thế nào?

Bà ấy lại lầm rầm khấn vái tung đồng xu rồi nói:

- Mất lâu rồi còn gì (bố tôi mất 1990), đào lên lấp xuống vài lần, xây mộ rồi còn gì. Mộ hướng Đông Nam. Tốt đẹp rồi.

 

Tôi không chắc mộ bố hướng gì, nhưng áng chừng là hướng Tây cơ, nhưng sau về hỏi một ông kỹ sư từng mang la-bàn ra đo thì bảo đúng là hướng Đông Nam thật. Thật không thể phủ nhận được. Nhưng bà ấy nói câu này mới khiến tôi phải giật mình vì nó giống y như hôm trước bà ấy đã nói với hai bà nàng dâu nhà tôi (khi tôi chưa khai ra):

- Sao dòng nhà bác nhiều người chết trẻ thế, nghiệp nặng lắm, phải làm lễ giải nghiệp.

 

Quả thật, cụ Tổ họ Nguyễn Huy đến vùng quê tôi lập nghiệp sinh ra cụ đời thứ 2, rồi cụ đời thứ hai sinh ra ba cụ đời thứ ba, chính cụ giữa đời thứ 3 đã sinh ra dòng nhà tôi. Có chuyện lạ, đến đời thứ 10 bằng vai với con tôi, thì dòng đầu và dòng cuối khá đông con trai, còn dòng nhà tôi thì chỉ duy nhất có mình thằng con tôi mà thôi. Tôi đã nghĩ nhiều về điều này, nếu theo giáo lý nhà Phật, quả báo không di truyền theo dòng họ mà phụ thuộc vào nghiệp của mỗi cá nhân ở kiếp trước, có được tái sinh lại cõi người, sướng hay khổ, được lên cõi cao hơn hoặc thấp hơn, đều tùy theo nghiệp, mà nghiệp là “tác ý” là những hành động có chủ ý, hoặc tốt hoặc xấu của mỗi người. Vậy là không phải, chắc bà thầy bói nói theo triết lý dân gian: “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Tôi tự hỏi, vậy thì không biết các cụ đời trước có làm gì để con cháu hôm nay phải nhận quả báo không? Nhưng quê tôi là một vùng quê yên bình, hiền lành, nếu ai đó có ác cũng không có việc để làm. Làng quê như một vòng khép kín, người ta biết về nhà nhau từng gốc cây ngọn cỏ, các họ hàng năm đều tổ chức ăn giỗ họ, có chuyện gì khác thường sẽ vang vọng truyền đời. Nhà tôi đâu có điều tiếng gì. Quả thật, nếu có chỉ có tiếng tốt. Tôi được nghe kể có thời ông nội tôi sang Lào, trong đoàn có ông Viện bị “ngã nước” (chắc sốt rét) chết, mọi người bảo chôn, nhưng ông tôi không chịu, đã vác ông Viện từ tận Lào về để ông được chôn ở quê. Một lần đến thăm nhà thờ họ, tôi được nghe bà Ầm, dâu trưởng họ tôi, kể : “Hồi cải cách đánh địa chủ, không có ông cụ nhà anh thì cái nhà này bị phá rồi”. Ông tôi không phải địa chủ, lẽ ra phải vào hùa với mọi người để kiếm chác, nhưng ông tôi đã đứng ra bảo vệ di sản của cả dòng họ. Tôi biết ông tôi là người có cá tính rất mạnh mẽ, nghe nói hồi trẻ rất khỏe, không biết có võ không mà rất có uy, và có máu anh hùng nghĩa hiệp. Bố con chúng tôi ít nhiều có di truyền cái tính đó. Tôi còn biết ông rất trọng văn hóa, ông được học chữ nho, thường bảo chúng tôi: “Tiên sư chúng bay, ông mà thấy trong hố xí có chữ của ông là ông giết”.

 

Còn tôi, hồi cấp 1, cấp 2, học giỏi nhất trường nên ông rất quý tôi, mời cả thầy chủ nhiệm đến nhà mổ gà thết đãi. Không! Một người ông như thế không thể làm điều gì để con cháu nhận quả báo được. Còn đến bố tôi là y sĩ thì chữa bệnh không lấy tiền, cứu sống được mấy người thì cả làng biết. Vậy, bà thầy bói nói chúng tôi phải chịu nghiệp nặng thì là nghiệp gì? Tôi nhớ đến một cái truyện ngắn, trong đó ông nhà văn viết đại ý “nhà nào giàu chữ nghĩa sẽ nghèo đường con cái”, không lẽ nhà tôi là nhà giàu chữ nên ít con cái, nghĩa là phải mang nghiệp chữ nghĩa. Mà cũng có thể lắm chứ! Ông tôi thời mông muội đó đã biết chữ, bố tôi là y sĩ duy nhất của cả xã hồi ấy, còn tôi đầu tiên có tên trên sách báo trong nước thậm chí cả trên mạng khắp thế giới, từng được giải thưởng cả khoa học lẫn văn chương. So với bên ngoài thì không là gì nhưng với phạm vi làng tôi thì nhà tôi đúng là giàu chữ thật. Đến đời con cháu chúng tôi, nếu cả 6 đứa đại học trở lên thì đúng là chúng cũng đã theo được cái nghiệp “chữ nghĩa”, tất nhiên là tri thức nói chung chứ không phải chỉ có văn chương. Nhưng cái nghiệp chữ là cái nghiệp sang, ai cũng ao ước, sao có thể  là nghiệp “nặng”?

 

Nhưng đấy chỉ là suy nghĩ của riêng tôi, còn chuyện bà thầy bói nói phải  làm lễ thì cứ làm, nhiều người đã tin chứng tỏ việc bà ấy làm phải có tác dụng, còn bà ấy theo trường phái tâm linh nào cũng không quan trọng miễn là được việc. Giờ đây tôi đã vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, từng làm công việc nghiên cứu khoa học ở một viện, từng viết sách, từng tranh luận trên diễn đàn trong nước, trên mạng khắp thế giới (từng bị “phạt thẻ đỏ” vì công kích người ta dữ quá), chính vậy tôi đã phải tìm hiểu tất cả, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, từ triết học đến lý luận văn học nghệ thuật, từ giáo lý các tôn giáo đến những hiện tượng tâm linh trong đời sống, tôi đã trở thành một người tin tất cả mà cũng không tin tất cả. Nếu không tin thì ngay cả những lý thuyết mà cả nền khoa học, với bao bộ óc xuất chúng của những nhà bác học kế tiếp nhau dựng lên; những giáo lý có từ hàng ngàn năm khắp thế giới tín ngưỡng; rồi đến đủ các thứ chủ nghĩa nhân danh khoa học và nhân đạo… đều có những cái không tin được, đơn giản chỉ vì chúng tự mâu thuẫn, mâu thuẫn lẫn nhau và mâu thuẫn với chính thực tế cuộc sống; còn tin thì ngay cả với những người mù chữ, nhưng họ có khả năng đặc biệt do cơ duyên nào đó, nếu họ nói đúng thì buộc phải tin. Như bà thầy bói trên đây đã nói đúng những chuyện chỉ riêng nhà tôi có thì tôi không thể không tin được, mà đã tin thì phải nghe theo, còn nếu cùng lắm bị lừa bởi chuyện “buôn thần bán thánh” thì cũng chỉ mất ít tiền, còn được thì sẽ được những cái vô giá.

 

Nhìn vào lịch sử, loài người vốn cũng dễ bị lừa mà, bao thế lực từng nhân danh những điều cao cả nhưng lại mở ra những cuộc đại chiến tàn khốc; bao dân tộc từng dốc hết tâm huyết, đổ bao mồ hôi xương máu xây dựng con đường đi tới hạnh phúc nhưng cuối cùng lại nhận ra mình không phải tiến lên mà là lùi xuống. Cuộc sống loài người có lẽ sẽ còn phải mò mẫm mãi mãi con đường đến chân lý, đơn giản là vì không có cái gì đúng cho tất cả và không có cái gì đúng mãi mãi.

 

*

 

Những ngày sau, mấy anh em làm lễ ấp mộ, dẫy cỏ phủ kín, sau ba ngày, làm lễ mở cửa mả, thế là mẹ tôi đã mồ yên mả ấm. Tôi thấy nghĩa trang trở nên thân thuộc hơn, cách mộ mẹ tôi mấy chục mét là mộ cha và ông nội. Tôi từng nghĩ sau khi mẹ chết thì mình về với ai? Nhưng khi mẹ mất rồi lại thấy khác, với những đứa con xa, dường như cha mẹ mất rồi mối liên hệ có khi còn bền chặt hơn, có một sợi dây vô hình ràng buộc xuất phát từ chính nơi nghĩa địa thiêng liêng này.

 

Sau tuần đầu, họp bàn, cắt đặt chuyện làm lễ giải nghiệp xong, tôi trở lại Sài Gòn, mọi việc cụ thể để mấy người đàn bà con gái thực hiện.

 

Còn bây giờ, ngày ngày ba bữa tôi cúng cơm mẹ mình. Nhưng lớn lên ở một thời “tất cả cho tiền tuyến”, rồi sinh hoạt đủ thứ, tất cả đã ngấm vào tận máu, khiến tôi đến tận bây giờ mỗi khi trước bàn thờ khấn vái vẫn thấy gượng gạo, dù trong lòng rất thành kính. Từ trước tới nay tôi làm giỗ cha ông, chủ yếu là để nhắc nhở con cái biết về nguồn cội, nhưng cứ bưng lên đặt xuống thấy thức ăn còn nguyên vẹn, thật khó tin là người thân đã được hưởng gì đó. Nhưng sau khi tìm hiểu nhiều, tôi thấy có những chứng cớ chứng tỏ người chết thưởng thức được những lễ vật. Theo giáo lý nhà Phật, sau khi chết 49 ngày, thần thức con người thành thân trung ấm, sống bằng mùi hương nên còn được gọi là thực hương ấm. Rồi qua những hiện tượng tâm linh, các nhà ngọai cảm nhận thấy linh hồn người chết vẫn thưởng thức được trà ngon, thuốc thơm, trái cây… Có chuyện linh hồn một người bố nhập vào con rất ly kỳ, ông bố đã bắt ông con sắm bàn thờ (trước không có vì không tin), nhưng sắm rồi nhà nhỏ quá không biết gắn ở đâu, ông bố bảo: “Con không biết hết giỗ các cụ, nên cứ gắn bên bếp, nếu các cụ có về thì cũng hưởng được thức ăn các con nấu”. Với tôi thì chỉ khi nào tự mình chứng kiến mới tin hoàn toàn, nhưng tôi cũng không có khả năng gì để bác bỏ, giống như một người mù, sao ta có thể phủ nhận những điều người sáng mắt nhìn thấy? Từ đó tôi thấy có cơ sở để làm cơm cúng mẹ, còn nếu chỉ vì mê tín khoa học, trở thành một kẻ có học ngu dốt, cố chấp, tôi lại để cho linh hồn mẹ mình lang thang đói khát thành ngạ quỷ thì thật đại bất hiếu! Tôi biết ông anh tất nhiên phải cúng, nhưng ở quê sao đầy đủ bằng ở đây được. Vậy là trần sao âm vậy, ngày ba bữa tôi làm cơm cúng mẹ. Giống như khi làm thí nghiệm khoa học để đạt hiệu quả cao nhất, biết hồn mẹ chỉ thưởng thức được mùi hương, tôi thường làm những món ăn có gia vị thật thơm, thức ăn thật nóng sốt, khi hương bay ngào ngạt, tôi đặt lên bàn thờ cúng mẹ mình. Tôi chỉ còn làm được như vậy cho mẹ tôi thôi.

Mẹ ơi! Mẹ mất rồi! Hồn mẹ có còn không?

 

Lễ chung tất, ngày 49 mất mẹ. SG 21-9 (âl)-Mậu Tý (2008)

Đông La
Số lần đọc: 3211
Ngày đăng: 23.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dáng thú - Y Uyên
Đêm thành phố đầy sao - Nguyễn Thúy Ái
Đêm Tây nguyên - Đậu Nữ Vệ
Túp nhà nhỏ đầu con ngõ hẹp - Trần Huy Thuận
Đêm vô cùng - Nguyễn Minh Phúc
Hoa huệ trắng - Nguyễn Minh Phúc
Trà đá - Minh Thuỳ
Bàn tay lạ - Nguyễn Thúy Ái
Cuộc đời trên lưng núi - Hoa Ngõ Hạnh
Bằng di tích - Trần Kỳ Trung
Cùng một tác giả
Đêm hoang (truyện ngắn)
Bài toán (truyện ngắn)
Lễ tưởng niệm (truyện ngắn)
Ân nhân (truyện ngắn)
Lang thang (truyện ngắn)
Ngôn ngữ thơ (tiểu luận)
Họa vô đơn chí (truyện ngắn)