Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
653
116.531.678
 
Dòng sông độ lượng –tiếng lòng người miền đông
Sương Nguyệt Minh

Tôi biết Nguyễn Một qua truyện ngắn.

Truyện ngắn TRƯỚC MẶT LÀ DÒNG SÔNG in trên Báo Văn Nghệ, ám ảnh tôi ở chi tiết: “Một công nhân làm hỏng sản phẩm, gã quản đốc gầm lên cầm chiếc giày ném vào mặt anh ta.” Một công nhân khác đầy khí phách, thương bạn, lao vào quật ngã gã quản đốc người Hàn và bảo gã là thằng hèn, tấn công người không khả năng tự vệ. Rồi anh đòi thách đấu với tinh thần thượng võ. Người xưa nói: “Văn là người”. Mới biết nhau qua tác phẩm, nhưng tôi đã tin yêu tác giả; rồi tìm đọc nhiều truyện ngắn, bút ký của anh…Tôi nhận ra: anh cũng là một cây bút ký khảng khái,, tung tẩy, sắc sảo, nồng nàn; và bút ký song hành với truyện ngắn làm nên nhà văn Nguyễn Một.

 

Ký – một loại hình văn xuôi xuất hiện rất sớm, có sức mạnh nghệ thuật to lớn làm lay động trái tim và nhận thức con người. Ký có sức dẫn dụ, lôi cuốn người viết lạ lùng; hầu như những người viết truyện ngắn, tiểu thuyết không bỏ qua bút ký. Nguyễn Một cũng không chối từ sự hấp dẫn ấy. Nguyễn Một đã có thành tựu truyện ngắn qua các tập: Tha hương; Vũ điệu trên đỉnh Kung Pô; Như là cổ tích… Bạn đọc biết đến Nguyễn Một với tư cách nhà văn không chỉ viết truyện ngắn mà còn qua bút ký – phóng sự.

 

Dòng sông độ lượng là tập bút ký thứ 3, sau tập Quà của đấtGiữa đời thường

 

1. NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC .

Dưới ngòi bút tài hoa của người viết, ký có thể làm cho đối tượng tiếp nhận xao xuyến run rẩy, hoặc buồn, hoặc vui, hoặc bày tỏ thái độ đồng tình hay phản kháng trước các hiện tượng đời sống và nhân vật.

 

Nguyễn Một chạy loạn, rồi sống ở Đồng Nai từ lúc 12 tuổi. Anh trở thành người xa xứ. Quê hương Quảng Nam mù mờ đến mức gần như… xa lạ; có người chị họ ở quê mà đến 20 năm chẳng gặp nhau. Nhưng, anh không bị cắt đứt, cắt rời khỏi miền quê đã chôn nhau cắt rốn. Chút giọt nắng cuối ngày, cánh đồng cày ải, ngày chạy loạn, người chị họ, một thúng quà quê…còn sót đọng lại ký ức; có dịp đánh thức là trỗi dậy ào ạt; thổn thức ở những đoạn văn, trang văn trong tập bút ký này.

 

Thời cơ chế thị trường, người ta khát con du học Anh, Mỹ, cắm mặt chạy ăn hoặc làm giàu mua biệt thự xe hơi; rảnh rỗi thì đưa gia đình đi nghỉ mát ở Đà Lạt, Nha Trang…; nơi chôn nhau cắt rốn cứ xa vời; có mấy người cứ đau đáu hồi nhớ da diết mót nhặt từng kỷ niệm hiếm hoi ở quê hương như Nguyễn Một: “Chị tiễn tôi ra ga với thúng quà quê, nặng trĩu trên đầu, nào xôi đường, bánh rò, bánh tổ. Vẫn vóc dáng mảnh mai ấy, vẫn bước đi tất tả xiêu vẹo trên bờ ruộng.”

 

Ngày ly quê, khói lửa, đói khát, dắt díu nhau chạy giặc cứ ám ảnh, đeo bám Nguyễn Một. Anh thương người chị họ ở lại quê hương, chồng chết lúc 23 tuổi một mình nuôi mấy đứa con thời chiến tranh khốc liệt, thời bao cấp nghèo khó, như cây xanh bị bão gió quật tơi bời mà vẫn nền nếp, giữ mình... Đọc, buồn đến lặng người.

Có thể nói, những chuyện trong THÚNG QUÀ QUÊ, quanh THÚNG QUÀ QUÊ thấm đẫm nước mắt. Nguyễn Một viết bằng ký ức, viết bằng cả trái tim yêu thương và tấm lòng trắc ẩn.

 

2. GÓP NHẶT CÁI ĐẸP.

Nguyễn Một có một hành trình không ngưng nghỉ, âm thầm, mãnh liệt đi tìm cái đẹp, bảo vệ cái đẹp

LANG THANG XỨ QUẢNG, anh tìm về không gian phố cổ Hội An u hoài, về Thánh Địa Mỹ Sơn bí ẩn, huyền ảo: “Những đêm trăng, các Chiêm nữ hiện về múa hát bên ngẫu tượng Linga, những bầy heo bằng vàng ròng đủng đỉnh ăn hoa trắng và những trái sim rụng.” Xứ Quảng - một không gian nghệ thuật huy hoàng, u khuất rất đặc trưng. Nguyễn Một viết về quê không nhiều; nhưng có những đoạn văn, trang văn khá độc đáo. Chỉ quan sát món ăn, lối sống, anh đã phác họa nên tính cách người xứ Quảng: “Con người mang đậm dấu ấn văn hóa khai khẩn, ăn to, nói lớn, hồn nhiên, hài hước và quyết liệt.” Một khái quát tinh tế.

LANG THANG XỨ QUẢNG, Nguyễn Một đã nhận ra một sức sống dạt dào, mãnh liệt: “Xứ sở nghèo và xơ xác, nhưng con người lại hừng hực sức sống. Đàn ông săn chắc, ăn sóng nói gió, đàn bà tròn trịa và nồng nàn. Sự tròn trịa hấp dẫn mà chỉ có phương ngữ của xứ Quảng mới diễn tả được đó là từ “múp rụp - ngon cơm.” Một khái quát sinh động đầy trách nhiệm với quê hương.

 

Trong văn xuôi, chi tiết nhỏ cũng làm nên tính cách, có khi đạt tới sự khái quát, và ám ảnh, đeo bám người đọc:“Một hôm, có tay lính Mỹ to lớn nặng cả tạ, say rượu, liều mạng vật cô gái Núi Thành (Chu Lai), hì hục mãi vẫn không làm gì được. Cuối cùng, hắn dùng cái xác to lớn của hắn đè lên người cô gái theo kiểu đô vật, con gái trong làng chạy đến cứu, nhưng hắn ở trần, mồ hôi ra bóng nhẫy cả người, các cô không làm sao kéo nó ra được. Một cô bèn lấy đòn xóc, xỏ qua bụng hắn; khiêng lên. Cô gái bị hắn đè vùng dậy được, áo quần rách tả tơi chẳng thèm che đậy, giật cây đòn phang tới tấp, tay lính Mỹ ôm đầu máu bỏ chạy.” Một nét tính cách quyết liệt của người xứ Quảng.

 

Thời văn minh công nghiệp hiện đại, sông Đồng Nai đang ô nhiễm, thương tật mòn mỏi “chết” dần; bởi xáng cạp thọc đôi hàm sắt thô bạo xuống sông ngoạm hàng khối cát đổ lên xà lan, dòng sông đau đớn, oằn mình chở hàng triệu tấn chất thải từ các Khu công nghiệp thải xuống. Nguyễn Một xót xa lắm! Đi ngược chiều thời gian, về quá khứ mở đất trấn Biên Hòa - miền Đông, nhân vật của anh hồi tưởng cái đẹp nguyên sơ, tươi xanh: “Bờ sông Đồng Nai với những hàng cây bằng lăng trổ hoa tím ngát. Những bụi cây Gừa buông bộ rễ hững hờ trên mặt nước như những cô gái ngồi chải tóc bên sông. Mùa hè đến, bờ sông lảnh lót bài hoà tấu rộn ràng của bầy chim chích choè về ăn trái Gừa chín. Những đứa trẻ lang thang dọc bờ sông với cái cần câu không có mồi vì cá nhiều vô kể, nhiều đến nỗi chỉ cần ném lưỡi câu không xuống nước là có thể câu được những con cá to như bắp tay. Mùa nước lên có thể bắt được những con cá ngược to như thân cây chuối, mùa nước rút cá con bay vun vút, mang rổ hứng chừng vài chục phút về kho tiêu ăn không hết...” Nhưng cái đẹp hoang sơ ấy chỉ còn trong tưởng tượng; Nguyễn Một đau đớn, tha thiết kêu cứu.

 

“GÓP NHẶT CÁT ĐÁ” BÊN DÒNG ĐỒNG NAI, anh đồng cảm, nồng nhiệt biểu dương nhà doanh nghiệp giao việc kiếm tiền cho vợ con, bỏ về cù lao lập vườn ở Tân Triều, giữ lại “được một chút dân dã của “Đồng Nai xưa” sót lại trong không gian với mùi hương Bưởi”.

Trong mỹ học nghệ thuật, có “những cặp phạm trù” luôn đối lập nhau: thiện và ác, tốt và xấu, sinh thành và hủy diệt…Ở RỪNG XƯA VÀ NAY, kẻ hám lợi hủy diệt màu xanh, tàn phá rừng như bãi chiến trường thì lại có người Đồng Nai biết gạn lọc, tìm ra cái đẹp từ hoang tàn, chết chóc. Nhặt nhạnh, tận dụng những gốc cây khô bị bỏ quên trơ trọi, họ thổi hồn vào gỗ, “tuỳ theo hình dáng của gốc cây mà tạc thành tượng: Nàng tiên cá, Tiên nữ, Ba vua, Đức mẹ, Bồ đề đạt ma.” Cái đẹp được gom góp, tạo hình từ vật thể vô hồn, thừa thãi.

 

Nếu như “GÓP NHẶT CÁT ĐÁ” BÊN DÒNG ĐỒNG NAI, THÚNG QUÀ QUÊ, CÁI MẺ KHO… đậm đặc chất bút ký văn học; VÔ LÝ… NHƠN TRẠCH, RỪNG XƯA VÀ NAY… thiên về phóng sự thì CÁI MẺ KHO đặc chất ký sự. Nguyễn Một tìm về với nồi niêu đất, đá, nai hươu; thợ nghề long đong vất vưởng, có nguy cơ xóa sổ; anh đau lòng, bất lực thốt lên: “Làng nồi đất và làng đá Bửu Long như vệt nắng nhỏ nhoi còn sót lại cuối ngày sót lại bên sông Đồng Nai và nó đang dần thu hẹp lại bởi chiếc bóng khổng lồ của nền công nghiệp.” Các làng nghề sẽ mất đất, bị các khu công nghiệp nuốt chửng. Cái nồi đất, đá mỹ nghệ, con nai con hươu bị rẻ rúm. Trong sự lộn xộn, đầy ắp sự kiện, ngổn ngang chuyện lặt vặt; người đọc phấp phỏng lo sợ cho cuộc sống người thợ bấp bênh, hoang mang vì cái đẹp truyền thống đang bị ám sát.

 

Thời thế đổi thay, nhiều giá trị văn hóa, tinh thần xưa cũ bị mai một hoặc khuấp lấp; Nguyễn Một như “phu chữ” cần mẫn đi bòn mót, góp nhặt cái đẹp trong tiếng thở dài bất lực.

 

3 MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG.

Cuộc sống vô cùng phức tạp phong phú, tác giả bút ký không thể chụp ảnh, bê nguyên si hiện thực vào trang sách mà phải biết gạn lọc. Thế giới nhân vật ở tập bút ký DÒNG SÔNG ĐỘ LƯỢNG “muôn mặt đời thường”, nhưng điển hình và độc đáo:

 

Một Trần Bá Dương - Tổng Giám đốc Công ty Trường Hải, nhà doanh nghiệp làm việc quần quật mà tâm hồn vẫn lãng mạn, chơi với văn nghệ sĩ, quý thương người thợ...; là mô hình doanh nhân toàn diện, hướng đến sự hài hòa toàn mỹ. (LANG THANG XỨ QUẢNG).

Một Nguyễn Sự - Chủ tịch phố cổ Hội An khẳng khái, say mê bảo tồn, tận tâm với công việc mà vẫn cõng mẹ già đi dạo phố cổ...; là niềm khát khao của nhân dân nhiều địa phương về người lãnh đạo. (LANG THANG XỨ QUẢNG).

 

Một người cha bất hạnh chuyên phải hầu hạ, tắm rửa, chăm sóc đứa con gái tâm thần và gạt nước mắt nhốt con trong cũi…; là nỗi đau thương thân phận. (NƯỚC MẮT NGƯỜI CHA).

Một ông Tám Hiệu xót xa, thương những cô hồn lạnh lẽo khói nhang, ông tự nguyện xây hàng trăm ngôi mộ vô chủ và thuê người trông nom…; là chân lý xung quanh ta còn rất nhiều người tốt, còn hi vọng. (NGƯỜI SĂN SÓC NHỮNG HƯƠNG HỒN LẠNH).

 

Một ông Quyến từ bỏ quyền chức Phó giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên nhẹ như đánh rơi đồng tiền lẻ, xuống núi tìm trầm, lập trang trại...; là khái quát: chức quyền chỉ là cái phù du. (XUỐNG NÚI TÌM TRẦM).

 

Một diễn viên điện ảnh đã qua thời son trẻ, tiền bạc không thiếu, hạnh phúc gia đình ngời ngời, nhưng vinh quang lụi tàn, tài năng bị bỏ quên…; là cái nhẽ được mất rất công bằng ở đời. (MAI PHƯƠNG).

 

Một ông Mười Cao thời cơ chế thị trường luôn hoài nhớ, tưởng tượng cái đẹp hoang sơ của Biên Trấn thời mở đất…; là sự thật cái đẹp truyền thống đang dần biến mất; và báo hiệu lỗ thủng tâm hồn con người hiện đại. (“GÓP NHẶT CÁT ĐA” BÊN DÒNG ĐỒNG NAI).

 

Nguyễn Một cũng dành nhiều trang viết về người thân cùng nghề: Anh kính trọng Hoàng Văn Bổn - cuộc đời oanh liệt, sự nghiệp lớn mà: “Ông khiêm cung nhỏ bé. Nụ cười nhân hậu độ lượng luôn nở trên gương mặt hiền lành” cho đến lúc mất.

 

Nguyễn Một gọi Khôi Vũ là “NGƯỜI LẮNG NGHE TIẾNG NÓI NỘI TÂM.” Dưới ngòi bút của anh, tác giả LỜI NGUYỀN 200 NĂM” hiện lên rất sinh động: Khôi Vũ phụ vợ mở quán chè khu Phúc Hải, hàng ngày bào đá bỏ vô ly; tranh thủ vắng khách chạy vào nhà trong vừa gõ máy chữ cọc cạch viết văn, vừa dỏng tai lắng nghe vợ gọi ra “chạy bàn". Bỏ nghề dược sĩ ở doanh nghiệp nước ngoài, lương tháng cao bằng nhuận bút 5 cuốn tiểu thuyết mặc “những lời can ngăn, nhà văn Khôi Vũ vẫn tiếp tục dấn thân trên con đường văn chương…” Nguyễn Một đầy bản lĩnh, không ngần ngại trải lòng: “Tôi phục văn Khôi Vũ nhưng lại thích văn Nguyễn Đức Thọ”, mà chẳng sợ ai mếch lòng.

 

Nguyễn Một viết về Thu Bồn “đấng trượng phu” hùng dũng đọc thơ, nhưng có thể bật khóc nức nở khi gặp chuyện cảm động. Thu Bồn bỏ phố “về ở suối lồ ồ, đánh trần vác đá “xây thành đắp luỹ” để tạo ra một chút Tây Nguyên bên thành phố, đêm về uống rượu cần đọc thơ.” Nguyễn Một chép lại hàng loạt kỷ vật bạn bè gửi xuống cho ông trong ngày xây mộ: Cồng Tây Nguyên, lọ nước muối Sa Huỳnh, nắm đất đỏ ba zan, ná người Mông, chiêng Ê đê, miếng vỏ quế Trà Bồng, vỏ ốc biển Trường Sa…vv. Nguyễn Một muốn khẳng định tình người với nhà thơ Thu Bồn qua phép liệt kê số học kỷ vật.

 

Có thể nói, viết về người thân cùng nghề, Nguyễn Một khách quan, sắc sảo, không né tránh và viết về họ bằng trái tim nhân hậu.

 

4 GIỌNG VĂN TRẦM BUỒN, DA DIẾT, PHÓNG KHOÁNG.

Nếu như nhà truyện ngắn, tiểu thuyết cần độ lùi về thời gian, và sự lắng đọng, nghiền ngẫm sâu thì tác giả ký, ngoài cái đầu thông minh, trái tim nhân tình còn cần sự nhanh nhạy, “tác chiến” kịp thời trước hiện thực cuộc sống phức tạp, ngổn ngang… Viết về cái bề bộn, nóng hổi, ngòi bút Nguyễn Một tung hoành, phóng khoáng, nhưng vẫn có độ kỹ càng, sâu lắng, bình giá, ngẫm nghĩ; câu văn nuột và có sức nặng.

 

Bút ký “GÓP NHẶT CÁT ĐÁ” BÊN DÒNG ĐỒNG NAI hay ở giọng văn thì thầm, gợi u hoài, cổ kính. Còn DÒNG SÔNG ĐỘ LƯỢNG, và VÔ LÝ… NHƠN TRẠCH lại thao thức, trăn trở, thậm chí có phần phẫn uất. NGƯỜI LẮNG NGHE TIẾNG NÓI NỘI TÂM bộc bạch chân tình. CÁI MẺ KHO phóng khoáng, tung tẩy và hồn nhiên. LANG THANG XỨ QUẢNG day dứt, quyết liệt lại có chút trào lộng. THÚNG QUÀ QUÊ là giọng trầm buồn da diết…vv.

 

Ngoài đời, Nguyễn Một nói khỏe, cười to, đùa bỡn, giễu nhại; anh có mặt ở đâu là đám đó vui nổ trời. Nhưng tập bút ký DÒNG SÔNG ĐỘ LƯỢNG thì thiếu vắng tiếng cười; văn đầy khí phách, hào phóng, tung tẩy; có lúc khôn ngoan, tỉnh táo, không hề yếu đuối mặc cảm; và những khi trái tim nhà văn lên tiếng là lúc lắng lòng, cô đơn, buồn nhất. Tập bút ký DÒNG SÔNG ĐỘ LƯỢNG là tâm tình Nguyễn Một, thực ra cũng là hơi thở cuộc sống, là tiếng lòng người Miền Đông.

 

Sương Nguyệt Minh
Số lần đọc: 2396
Ngày đăng: 05.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những nhận định về sự nghiệp thơ văn của Miên Thẩm Tùng Thiện Vương - Lê Ngọc Trác
Lời tự tình từ nơi chốn Không Là Gió Mây - Trần Quốc
Lê Khánh Mai không chỉ là giọng biển - Phạm Đình Ân
Gió Bấc Trẻ Nhỏ Đóa Hồng Và Dế (*) :Khúc hát nao lòng - Nguyễn Lệ Uyên
Không đáng để ồn ào - Hà văn Thùy
Đọc “Bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ” : Không có Tôi - Nguyễn Chí Hoan
Những câu thơ mới trong một khu vườn lạ - La văn Tuân
Dấu ấn hậu hiện đại trong Cánh đồng bất tận - Hoàng Đăng Khoa
Sách giáo khoa ngữ văn 12, trời ơi ! - Bùi Công Thuấn
Đọc Kẻ dự phần (*)đào thoát là một giả định đớn đau nhưng cần thiết - Cao Thoại Châu