Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
680
115.983.919
 
Đền thờ tâm hồn
Nguyễn Hữu An

Đối với Do thái giáo, Lễ Vượt Qua là một đại lễ, tưởng niệm cuộc vượt qua Biển Đỏ tiến về Đất Hứa. Lễ Vượt qua được tổ chức vào ngày 15 tháng nissan, tức là tháng 4 dương lịch.

 

Mọi người trong đất nước Palestin đều về Giêrusalem dự lễ.Cả những người tản mác khắp thế giới không bao giờ quên tôn giáo, tổ tiên cũng về dự đại lễ quan trọng nhất này.

 

Dầu sống ở xứ nào, người Do thái vẫn ước mơ và hy vọng được dự lễ Vượt Qua tại Giêrusalem ít nhất là một lần trong đời.

 

Trong dịp này Chúa Giêsu cùng đi dự lễ Vượt qua với các môn đệ.

 

Thuế Đền Thờ là một sắc thuế mà mỗi người Do thái từ 9 tuổi trở lên đều phải đóng.Tiền thuế là ½ siếc-lơ ,tương đương với 2 ngày công nhật.

 

Trong việc giao dịch thương mại, mọi loại tiền đều co giá trị tại Palestin. Nhưng tiền thuế Đền thờ phải nộp bằng đồng siếc-lơ Galilê hoặc siếc-lơ của Đền Thờ.

 

Khách hành hương đến Đền Thờ phải đổi tiền siếc-lơ. Vì vậy trong sân Đền Thờ có nhiều người làm nghề đổi tiền.Tiền huê hồng khi đổi là ¼ ngày công cho 1đồng.4 đồng siếc-lơ thì người đổi được lợi một ngày công. Do đó số tiền thuế Đền thờ và lợi tức đổi tiền thật là lớn.

 

Điều khiến Chúa Giêsu nổi giận là khách hành hương phải chịu những tệ nạn của bọn đổi tiền bóc lột với giá cắt cổ.Thật là bất công và càng tệ hơn nữa khi người ta nhân danh Tôn giáo để trục lợi.

 

Bên cạnh bọn đổi tiền còn có một số người bán bò, chiên, bồ câu để khách hành hương mua làm lễ vật toàn thiêu. Điều hết sức tự nhiên và tiện lợi là có thể mua đựơc các con vật ở sân Đền Thờ. Luật quy định các con vật làm của lễ phải lành lặn không tỳ vết. Có những chức sắc kiểm tra khám xét con vật. Mỗi lần khám xét phải trả 1/12 siếc-lơ, không được mua vật ở ngoài Đền thờ. Khốn nổi, mỗi con vật mua trong đền thờ đắt gấp 15 lần ở bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bốc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công này lại càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.

 

Chính vì những điều ấy đã làm Chúa Giêsu bừng bừng nổi giận. Chúa lấy dây thừng bện thành roi đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ;còn tiền của những người đổi bạc,Người đổ tung ra,và lật nhào bàn ghế của họ.

 

Trong Phúc âm hiếm khi ta thấy Chúa Giêsu nổi giận. Ngài bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa; lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội; xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình vì họ không biết việc họ làm. Chính Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta học lấy nơi Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường. Vậy mà ở đây, Chúa đã nỗi giận đùng đùng,lật tung bàn ghế, lấy dây thừng làm roi xua đuổi tất cả.

 

Khung cành đền thờ phải là nơi yên tĩnh, thánh thiêng. Thế mà nay lại ồn ào huyên náo, mua bán đổi chác, tranh giành, cãi cọ, đôi co như là một cái chợ buôn bán sầm uất. "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây,đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" (Ga 2,16). "Nhà của Ta là nhà cầu nguyện,còn các ngươi làm thành hang trộm cướp" ( Mt 21,12-13).Chúa Giêsu thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy."Nơi buôn bán", "Hang trộm cướp", Đền thờ nơi tôn nghiêm thờ phượng Đức Chúa, nay lại quá bất kính, quá bát nháo khiến Chúa Giêsu phải đau lòng. Lời ngôn sứ Giêrêmia quở trách dân Do thái xưa đã nên ứng nghiệm ( x Gr 7,11).

Thế là Chúa Giêsu thực hiện một cuộc thanh tẩy Đền thờ vì Ngài yêu mến đền thờ.

 

"Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" (Tv 69,10).Lòng nhiệt thành với Đền thờ sẽ dẫn Đức Giêsu đến chỗ bị người đời bách hại (x Ga 15,5).

 

Tại sao Chúa Giêsu lại hành động như vậy ?

- Chúa Giêsu làm như vậy vì nhà Thiên Chúa đã bị xúc phạm.

 

Trong sân đền thờ có thờ phượng mà không có lòng tôn kính.Thờ phượng mà không có lòng tôn kính là việc bất xứng.Đó là việc thờ phượng hình thức chiếu lệ.Trong sân Đền thờ người ta cãi vả về giá cả,tiếng ồn ào huyên náo tạo thành một cái chợ chứ không phải là Đền thờ.

- Chúa Giêsu hành động như vậy để chứng minh rằng việc dâng thú vật làm lễ tế không còn thích đáng nữa.

Các ngôn sứ đã loan báo : Đức Chúa phán , ngần ấy hy lễ của các ngươi đối với Ta nào có nghĩa lý gì?Lễ toàn thiêu chiên cừu,mỡ bê mập, Ta chán ngấy.Máu chiên dê Ta chẳng thèm.(Is 1,11)." Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,con có thượng tiến lễ toàn thiêu Ngài cũng không chấp nhận" ( Tv 50,16).

Thái độ thanh tẩy Đền thờ của Chúa Giêsu chứng tỏ Chúa đòi hỏi lòng thành kính.Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa là tấm lòng chân thành.

- Lý do thứ ba chính là : "Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện"

 

Đền thờ là nơi Thánh,là chốn Thiên Chúa hiện diện tiếp nhận phụng tự của người dâng lễ và thông ban cho họ sự sống và các ân huệ của Người.

 

Các chức sắc Đền thờ,các con buôn người Do thái đã biến đền thờ thành nơi huyên náo , nổi loạn. Tiếng bò rống, tiếng chiên kêu, tiếng rao hàng, lời qua tiếng lại mặc cả, cãi cọ mua bán làm cho khàch hành hương không thể cầu nguyện được.

 

Chúa Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem. Ngày nay Chúa cũng muốn người tín hữu chúng ta thanh tẩy nhà xứ giáo xứ mình, thanh tẩy đền thờ tâm hồn mình.

 

Chúa Giêsu đã quan tâm đến Đền thờ,đã thanh tẩy Đền thờ và coi đó là nhà của Cha Ngài. Chúng ta cần quan tâm đến Nhà thờ giáo xứ. Bảo vệ nơi thánh thiêng, tôn nghiêm. Loại trừ những thái độ bất kính. Giữ Nhà thờ , khuôn viên được sạch đẹp. Cùng nhau góp phần xây dựng Nhà Chúa.

 

Chúa Giêsu có lòng nhiệt thành đối với Nhà Cha. Người Kitô hữu cũng phải nhiệt thành đối với nhà thờ giáo xứ bằng cách giữ gìn trật tự ngăn nắp trong ngoài. Nhà thờ không phải của Cha Xứ mà là của mỗi người góp công góp sứ xây dựng nên. Nhà thờ là nơi người Kitô hữu họp nhau mỗi ngày để cử hành các Mầu Nhiệm Thánh nên luôn cần lòng tôn kính chân thành,yêu mến thiết tha.

 

Thiên Chúa không cần nhà thờ. Chỉ có con người mới cần nhà thờ.

 

Không có đền thờ nào đẹp bằng đền thờ Giêrusalem. Một công trình nguy nga tráng lệ xây cất ròng rã 46 năm. Khi đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa thấy sự huy hoàng của Đền thờ,nhưng Chúa Giêsu lại nói rằng : sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào.

 

Khi người Do thái chất vấn : Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ? Chúa Giêsu bảo: cứ phá Đền thờ này đi,trong 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại. Chúa ám chỉ đến cái chết và sự phục sinh của Người. Đền thờ ở đây chính là thân thể Đức Giêsu mà mỗi người Kitô hữu là một viên đá sống động xây dựng nên đền thờ ấy. Thân thể phục sinh của Ngài là đền thờ mới, nơi con người thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực, trong tinh thần và trong chân lý.

 

Sự thờ phượng thiêng liêng và hoàn hảo nhất chính là sự thờ phượng trong Bí Tích Thánh Thể.Chúa Giêsu vừa hiện diện vừa tự hiến. Một sự tự hiến để thờ phượng liên tục khắp mặt đất và chung của giáo hội toàn cầu. Một hiến tế vừa cảm tạ,vừa ban phát ân sủng.Người tín hữu họp nhau trong nhà thờ cử hành thánh lễ chính là đỉnh cao của việc thờ phượng và đón nhận ân sủng Thiên Chúa ban.

 

Chăm lo giữ gìn,xây dựng nhà thờ giáo xứ, người tín hữu còn phải lưu tâm xây dựng con người mình vì đó là Đền Thờ của Cha và Con ( x Ga 14,23) và chính thân xác ta cũng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần ( 1 Cor 6,19).

Nguyễn Hữu An
Số lần đọc: 2617
Ngày đăng: 10.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cung Giũ Nguyên, nhà giáo dục nhà báo nhà văn - Nhiều Tác Giả
Thêm một hiệu sách báo... - Đào Đức Tuấn
Chén rượu quan hà - Nguyễn Hùng
Thư và bút tích của nhà văn Nguyên Hồng - Nguyên Hồng
Bầu cho ai ? - Vũ Trà My
Từ chuyện cây bàng trong sân trường... - Đinh Thị Như Thuý
Gặp lại Dã Quỳ - Nguyễn Thị Hậu
Tản mạn viết - Đàm Lan
Người ta cảm - Đào Đức Tuấn
Sống cùng hoa - Nguyễn Thúy Ái
Cùng một tác giả
Hòa bình vĩnh cửu (tiểu luận)
Mùa Xuân Chín (tạp văn)