Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
775
116.617.894
 
Xin mẹ đừng ngóng vọng phía trời xa
Hoàng Vũ Thuật

Sinh ngày 15/7/1945 tại Đồng Phú, Đồng Hới, Quảng Bình, nhà thơ Trần Nhật Thu, tên thật Trần Viết Hỷ, đã say mê sáng tác văn học từ những năm còn theo học trường phổ thông cấp 3 Quảng Bình. Thầy giáo Lương Duy Cán, bút hiệu Hà Nhật, thầy Lê Văn Tài, Trương Quang Thuần là những người tác động vào trái tim lớp học trò chúng tôi như Trần Nhật Thu, Lê Xuân Đố, Phi Tuyết Ba, Giang Biên, Hoàng Vũ Thuật...cái tình yêu văn chương buổi đầu ấy.

 

Đầu năm 1965, Mỹ bắt đầu ném bom đánh phá Quảng Bình. Tháng 8 năm ấy  Trần Nhật Thu tham gia thanh niên xung phong thuộc Thị Đoàn Đồng Hới, làm đủ mọi công việc từ san lấp hố bom, phá mìn nổ chậm, lặn lội trên đồng muối, khi không thể thi lí lịch (chữ của Trần Nhật Thu) để vào đại học. Năm 1967 ông được chuyển về công tác ở Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình với công việc biên tập sách và tập san văn nghệ. Chiến tranh ngày một ác liệt, cơ quan Hội phải sơ tán lên thôn Phú Vinh, miền tây thị xã. Lúc ấy Hội đã thu nạp khá nhiều tên tuổi như Xuân Hoàng, Dương Tử Giang, Lê Khai, Trần Công Tấn, ấy là chưa kể đến những tác giả ở các ngành nghề khác như Hải Bằng, Hà Nhật, Xích Bích, Nguyễn Khắc Phê, Mai Văn Tấn, Nguyễn Văn Dinh. Lứa chúng tôi đã có thêm Lâm Mỹ Dạ và Lê Thị Mây được nhận về làm việc những năm sau đó. Sống trong nhà hầm chật chội, nhưng không khí sáng tác luôn sôi động. Đến Hội như đến thánh đường của văn chương, gặp là đọc cho nhau nghe những bài thơ sốt nóng, những truyện ngắn viết chưa ráo mực, thông tin, bàn thảo những điều mới mẻ bổ ích. Thời gian này Trần Nhật Thu theo học Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn ở Quảng Bá, Hà Nội, rồi đi sáng tác tại Hạ Lào, Trung Lào. Cơ quan Hội đón tiếp rất nhiều đoàn văn nghệ sĩ vào thâm nhập thực tế, hoặc ngang qua Quảng Bình, nghỉ lại vài hôm, vào chiến trường. Không khí văn nghệ rộn ràng hẳn lên và cũng là môi trường thuận lợi cho các cây bút trẻ như Trần Nhật Thu, nhanh chóng nhập cuộc vào thế giới văn chương.

 

Cuộc thi thơ tuần báo Văn Nghệ (1968-1969) Trần Nhật Thu đoạt giải ba với hai bài thơ  Một bức tường vỡ đôi Em sẽ gọi tên ai đầu tiên, đánh dấu bước đi rất quan trọng trong cuộc đời cầm bút. Từ đấy bút lực Trần Nhật Thu bung mở nhanh chóng. Bạn đọc yêu thơ ông bởi cái chất nhạy cảm, gốc cạnh như mang cả hơi thở con người và cuộc sống đang hừng hực vào thơ. Trưa Cửa Tùng, Ông lão mù cuốc đất, Gửi lại Ta Lê, Nhịp cầu em gái, Những tầng lá nhọn, Mạ Nến, Trò chuyện với năm cô gái trên đồi Năm Cô, Mùa bão và hoa muống biển…là những bài thơ như thế. Ông trở thành trung tâm đội ngũ cầm bút trẻ mỗi lần tụ họp, lại có khả năng phát hiện, nhận xét tinh tế khi đọc các sáng tác mới.

 

Năm 1975 ông được kết nạp vào hội Nhà văn Việt Nam, mới ba mươi tuổi, thời đó ít người được như vậy. Không lâu sau Trần Nhật Thu được biệt phái vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc tại báo Văn Nghệ Giải Phóng Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh.

 

Ở Sài Gòn Trần Nhật Thu thường gửi thư cho bạn bè như Thúc Hà, Nguyễn Khắc Thạch, Đỗ Hoàng, Hải Kỳ, Giang Biên và tôi. Năm 1977, tập thơ thứ hai của ông ra đời, tôi viết giới thiệu cho báo Văn Nghệ. Ông bảo, mình như được cùng sống bên cạnh Hoàng Vũ Thuật trong đêm Gặp bạn thơ ở vùng B52 (tên một bài thơ của tôi in trên Văn Nghệ hồi năm 1973). Đỗ Hoàng và tôi thi thoảng có việc vô Sài Gòn là tìm đến Trần Nhật Thu. Một lần, lúc còn ở nhà 110 Công Lý, ông nói, Sài Gòn lạ lắm, không như mình tơ tưởng ban đầu, chiến tranh khác hòa bình khác, lòng người không theo kịp, mình nhớ quê, nhớ mảnh vườn mẹ, nhớ những bến đò quen thuộc, những chuyến chúng ta lên tận đồi Năm Cô heo hút, vào Hồng Thủy, Sen Thủy, ra mãi làng Nhân Trạch, Quang Phú…Ông hay đi lại với hai người, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Nguyễn Khải và một vài người nữa. Tôi hiểu tâm trạng ông, tâm trạng của người ly quê, vì sao rất ít khi trở về. Đọc lại bài thơ Vườn mẹ viết năm 1991, tôi càng thấu cái nỗi niềm ẩn trắc ấy:

 

Biết giờ này mảnh vườn mẹ còn không

Nơi chùm ổi ta về chưa kip hái

Em đừng xõa tóc mà đợi nữa

Xin mẹ đừng ngóng vọng phía trời xa

 

Thế đấy, chối từ hay chấp nhận của người thơ, rốt cuộc để nén tận đáy lòng nỗi buồn riêng của mình, nỗi buồn không muốn người khác biết.

 

Trần Nhật Thu làm thơ, viết truyện ngắn, chân dung văn học và cả khảo luận. Tập thơ đầu tay Nơi giáp mặt, in chung với Cảnh Trà, Quang Huy (Văn Học -  1971 đã xếp ông vào vị trí xứng đáng thế hệ các nhà thơ chống Mỹ; sau đó lần lượt các tập Mùa bão và hoa muống biển (Văn Học - 1977), Gặp gỡ mùa gió chướng (Văn Nghệ TP HCM - 1986), Hoa hồng gió mặn (Thuận Hóa - 1986), Từ những bờ hoa gió thổi về Trên những nẻo đường chiến tranh (Cà Mau - 1998). Tập truyện Con mắt của cánh buồm (NXB TP HCM in lần đầu năm 1986, đến 1993 Mũi Cà Mau in lại, 1997 Kim Đồng tái bản vào Tủ sách vàng, sau đó năm 2001 tái bản lần nữa); ông còn viết các tập truyện Con mắt tìm về (Trẻ - 1986), Truyền thuyết biển (Thuận Hóa - 1988). Thể loại chuyên luận và chân dung văn học ông có Tục lệ cưới gả, tang ma người Việt xưa (Thuận Hóa - 1991 và tiếp tục tái bản rất nhiều lần), Ở  Sài Gòn bỗng gặp hoa bí vàng (2001), Đọc và trò chuyện (2002), Nằm trên đá ngủ dưới hoa (Văn Nghệ TP HCM - 2006) và nhiều bản thảo thơ, chân dung, tùy bút chưa kịp in.

 

Những năm sau này ông còn tiếp tục công tác tại báo Sức Khỏe và Đời Sống đồng thời kiên trì điều trị chứng bệnh thấp khớp, biến chuyển sang gout. Những tấm huân chương, huy chương như trêu ngươi cùng ông sau mỗi lần đau đớn rã rời tưởng chừng không thể nào gượng dậy. Ông lại ngồi vào bàn, lại lần xuống từng nấc cầu thang. Nhưng sức khỏe ngày một yếu, đi lại khó khăn, bệnh ngả nặng dẫn đến suy gan thận, ông giã từ quê hương, gia đình, bạn bè đồng nghiệp lúc 18h 15' ngày 31/10 (3/10/Mậu Tý) tại nhà riêng (662/93 Bùi Đình Túy, phường 12, quận Bình Thạnh) và an táng chiều ngày 2/11/2008 (5/10 Mậu Tý) tại nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh (Củ Chi).

 

Sáng sớm 2/11 ấy, tôi đang ngồi uống cà phê với nhóm bạn bè văn nghệ quê nhà, rôm rã chuyện thì nhận được điện thoại của Ngọc Khương báo cái tin đột ngột đó. Sao lại như thế được chứ, cứ cho như là nói nhầm. Tôi cầm máy, điện số của ông. Đầu kia cháu Trà Nhi, con gái ông đáp lại. Thôi, thế là sự tình đã rõ. Rồi tôi điện chuyển tiếp cho bạn bè ở Quảng Bình, Huế, Sài Gòn. Rồi từ Huế, Sài Gòn điện lại. Những cú điện liên tiếp chuyền nhau như loan tin mất mát bom đạn thời chiến. Nhà thơ Nguyễn Bình An vội vã điện thoại cho nhà văn Hữu Phương, bàn bạc làm sao vòng hoa anh em văn nghệ Quảng Bình đến được sớm trước giờ lễ truy điệu. Từ Sài Gòn nhà thơ Lê Xuân Đố và Ngọc Khương nhận đặt vòng hoa, đồng thời thay anh em văn nghệ Quảng Bình tới viếng, đưa tiễn ông. Tôi ngồi lên xe máy của nhà thơ Thái Hải, ngồi mà không biết mình đang đi đâu.

 

Một người mất đi để lại một khoảng trống trong đời sống, một nhà văn mất đi để lại một khoảng trống trong văn học. Khoảng trống vật chất rất có thể thay thế, còn khoảng trống văn học? Trần Nhật Thu lao động âm thầm miệt mài như con ong cần mẫn. Khi tôi đỡ những cuốn sách ông đề tặng từ trên giá xuống, sững sờ bày tất cả lên bàn, mới hay mình chưa hiểu hết ông, chưa hiểu hết một con người, thế mà đã vội vàng cho là hiểu lắm !

 

Đồng Hới, đêm 5/11/2008
Hoàng Vũ Thuật
Số lần đọc: 2546
Ngày đăng: 15.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phía tiếng còi tàu - Đào Đức Tuấn
Đền thờ tâm hồn - Nguyễn Hữu An
Cung Giũ Nguyên, nhà giáo dục nhà báo nhà văn - Nhiều Tác Giả
Thêm một hiệu sách báo... - Đào Đức Tuấn
Chén rượu quan hà - Nguyễn Hùng
Thư và bút tích của nhà văn Nguyên Hồng - Nguyên Hồng
Bầu cho ai ? - Vũ Trà My
Từ chuyện cây bàng trong sân trường... - Đinh Thị Như Thuý
Gặp lại Dã Quỳ - Nguyễn Thị Hậu
Tản mạn viết - Đàm Lan
Cùng một tác giả
di sản (thơ)
HVT LÀ AI (tạp văn)
Tháp (thơ)
noel (thơ)
đắng (thơ)