Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
863
116.626.060
 
Chuyện chiếc lá (*)
Ý Nhi

Tôi không thể nói chắc, từ thời điểm nào, tôi nhận ra những chiếc lá trong thơ Chim Trắng.

 

Trước đó, tôi thường nói đến “một khối buồn trong”, những “giọt lệ trong veo”, những “mùa thu trong vắt”, những “dòng sông trong xanh”… của ông. Tôi cũng đã nói đến những lần “giật mình ta ngoái lại ta”, “ngoái nhìn Bà Điểm”, những lần “sững sờ nhìn lại”, “ngắm lại tro than”, những “Thôi thì ta ơi ngoái lại / Biết đâu còn chút ngọt bùi” và “Có khi mất nhiều năm ngoảnh lại / Thấy mình xa chẳng được bao nhiêu”… của ông.

 

Thế rồi khi chọn tên cho bài viết về chân dung ông, không hiểu sao tôi lại chọn thơ “Phố trưa nghiêng võng nhớ rừng / Rừng giương mắt lá như chừng ngó ta”. Đôi mắt lá của một cánh rừng nào đó, một quãng đời nào đó của nhà thơ đã giúp tôi nhận ra một khoảng sáng khác, một dấu ấn khác của thơ Chim Trắng. Tôi đọc Có một mùa thu trong, Quán bạn, Hát lời cỏ hát, Nhân có chim sẻ về, Tuyển thơ… và cả tập thơ sắp in Cỏ khóc dưới chân tôi của ông để tìm… lá.

 

*

Và, tôi bắt gặp cơ man lá trong thơ Chim Trắng, vui cũng có lá, buồn cũng có lá, hạnh phúc cũng có lá, đau đớn cũng có lá, yên bình cũng có lá, nát tan cũng có lá, buồn nản cũng có lá, hy vọng cũng có lá:

 

Vui là chiếc lá

Lăn quay xoay tròn

Buồn như chiếc lá

Trôi về mênh mông

 

Lá giữa phố đông, lá nơi quán nhỏ, lá trên non, lá ngoài biển, lá ở xứ người, lá nơi quê kiểng… và đương nhiên, nhiều nhất là lá của những cánh rừng – nơi nhà thơ sống những tháng năm đẹp đẽ nhất, quyết liệt nhất của đời ông, nơi bắt đầu tình yêu, bắt đầu sự gắn bó kỳ lạ với lá:

 

Có lần ta nghe môi ta kề bên chiếc lá

Lá ân cần thở hết nửa đời hương

Nghe mặt lá bên kia đầm đầm nước mắt

Ta mở hết lòng mình đón giọt sương trong

 

Và:

 

Thầm đếm từng chiếc lá dưới chân ta

Lật sấp ngửa xem từng số phận

 

*

Với Chim Trắng: “Lá cũng biết nói / Cây cũng biết nhìn”. Nhiều lần nhà thơ bắt gặp những đôi mắt ấy “Ngỡ ngàng chiếc lá lặng thinh / Ngó ta đậm nhạt, nhìn mình như không” và “Um tùm lá gió rưng rưng / Lá nào cũng dựng mắt dừng ngó ta”. Rồi thì, trong khoảnh khắc kỳ diệu nào đó, mắt lá đã thành mắt người con gái: “Một mùa xuân bất chợt lá phong non / Bất chợt lá phong thành em mắt xếch” và “Lần đầu tôi găp một cái nhìn / Lặng như đốm nắng trên lá”.

 

Với Chim Trắng, lá biểu lộ những trạng thái tinh thần, những trạng thái tình cảm. Lá “rưng rưng”, lá “thẫn thờ”, lá “thật thà”, lá “buồn se”, lá “lặng im”, lá “âm thầm”, lá “thở” trong thơ ông. Cụm từ “buồn như lá đổ” xuất hiện trong nhiều bài thơ, nhiều cảnh huống: “Buồn như lá đổ rừng nghiêng”, “Ta đi qua mùa thu / Buồn như lá đổ”, “Có một cuộc chia tay / Buồn như lá đổ”…

 

Với Chim Trắng, lá đặc biệt được ví von, so sánh, diễn giải cho tình yêu, cho nỗi vui, nỗi khổ, sự gặp gỡ, chia lìa của mối tình. Tuy nhiên hiếm khi ta gặp “Chiếc lá non lặng im trên cành sấu” hay “Một mùa xuân bất chợt lá phong non”… mà thường khi ta tìm thấy, nào là “Buồn se từng chiếc lá”, nào là “Tay buông chiếc lá / Chiếc lá chẳng trôi đi / Dòng sông phẳng lặng / Buông em ra khỏi cuộc đời mình / Tình yêu không lên tiếng”, nào là “Một chiếc lá rừng vừa rứt khỏi cuộc đời tôi”, nào là “Em chỉ là chiếc lá – bất ngờ lướt qua mắt tôi trong chiều nào ấy”… và “Yêu bây giờ yêu xanh ngọc bích / Hay đâu lá đỏ đã bên thềm”, và nữa “Mùa đông đỏ trên bức tường xám khói / một chiếc lá bay khô”… rồi “Tay buông chiếc lá / cho mùa qua đi”…

 

Rất nhiều mùa đã qua đi. Có lần, Chim Trắng viết: “Tôi đi, bỏ lại những chiếc lá như tôi vừa bỏ tôi ở lại phía sau mình, không thương yêu, không hận thù, không buồn vui hạnh phúc” mà sao ta nghe như yêu thương, hận thù, buồn vui hạnh phúc vẫn tràn ngập trong tâm hồn ông, chan chứa trong thơ ông. Lá vẫn ở ngoài kia, nhà thơ vẫn “một mình nghe lá đổ” và chính trong “mùa thu sắp sửa ra đi” nhà thơ vẫn “nhờ em nhặt giùm tôi chiếc lá”, nhà thơ vẫn không ngừng “nghĩ về tự do của lá và cỏ / tự do của con người” và trong cuộc đời ông, trong thơ ông vẫn còn “Hai chiếc lá chói vàng / đang chơi trò trốn tìm”.

 

Khi viết về thơ của một người, tôi có ý muốn trích thật nhiều thơ của họ. Tôi nghĩ, những câu thơ nói được nhiều hơn, thuyết phục hơn những lời bình.

 

Trong bài viết nhỏ này, tôi đã trích nhiều câu thơ về lá của Chim Trắng. Và để chứng minh cho quan niệm của mình, tôi xin dùng bài thơ “Chuyện chiếc lá” của nhà thơ làm lời kết.

 

CHUYỆN CHIẾC LÁ

 

Không còn nhớ lá tên gì nữa

Lá hoang mang chiều vàng nửa nữa vàng thâm!

Rừng khi nắng đôi khi rừng nắng đậm

Lá cũng rưng rưng biêng biếc âm thầm!

 

Có một lần ta nghe môi ta kề bên chiếc lá

Lá ân cần thở hết nửa đời hương

Nghe mặt lá bên kia đầm đầm nước mắt

Ta mở hết lòng mình hứng giọt sương trong

 

Và nắng và mưa và bão tố

Ta điệu đời trụ vững một cành khô,

Ta vuốt mặt ta vuốt tràn bão tố

Lá lăn quay theo bão tố chẳng quay về!

 

Lá là la… ta chào mùa lá đổ

Mở bàn tay đón chiếc lá khô bay

(Gió ngọt ngào nhắc ta: Tôi là gió bấc!)

Vội bụm tay mình che ánh mắt em xưa!

 

Em bây giờ làm sao hiểu em hiểu nổi

Chuyện chiếc lá của riêng ta – chiếc lá ở rừng

Đôi khi nhớ cũng để nhớ

Một điều gì đã mất để chờ mong

 

Hỏi: Chi vậy?! Ta không thể nào đáp nổi!

 

SG, 07.2008

 (*) Bài này trích trong lời bạt tập thơ “Cỏ Khóc Dưới Chân Tôi” của nhà thơ Chim Trắng (Nxb Hội Nhà Văn, tháng 10/2008)
Ý Nhi
Số lần đọc: 2196
Ngày đăng: 19.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đôi nét về Nguyễn Khải qua Thượng đế thì cười. - Đông La
Chuyện vãn với mất hay còn…và, Chuyện vãn với…chuyện vãn - Nguyễn Lương Vỵ
Chat room - thêm một đóng góp mới cho dòng văn học Việt - Nguyễn Khắc Phê
Dòng sông độ lượng –tiếng lòng người miền đông - Sương Nguyệt Minh
Những nhận định về sự nghiệp thơ văn của Miên Thẩm Tùng Thiện Vương - Lê Ngọc Trác
Lời tự tình từ nơi chốn Không Là Gió Mây - Trần Quốc
Lê Khánh Mai không chỉ là giọng biển - Phạm Đình Ân
Gió Bấc Trẻ Nhỏ Đóa Hồng Và Dế (*) :Khúc hát nao lòng - Nguyễn Lệ Uyên
Không đáng để ồn ào - Hà văn Thùy
Đọc “Bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ” : Không có Tôi - Nguyễn Chí Hoan