Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
491
115.989.260
 
Ái quốc
Lê Hoài Lương

Không phải lúc người học trò – chi trưởng cảnh sát hỏi : “thầy đứng về phe nào ?”mà chính là lúc ông trả lời người “trên xanh” : “moa ở lại có lợi cho cách mạng hơn”, phải , đó là khoảnh khắc định mệnh .

*

 

Giáo sư Ngô Khâm mừng rỡ bắt tay người học trò được giải thưởng thơ trường ly-xê Khải Định , “chúc mừng toa!”-người học trò đệ nhị này đã thực sự trưởng thành khi bài thơ của anh mang nỗi u hoài về đất nước chiến tranh ngày càng khốc liệt. Ong là người Việt Nam . Cũng như nhiều dân tộc khác, không người Việt Nam có ý thức tự chủ nào chấp nhận sự áp đặt người nước khác lên đất nước mình. Các thế hệ học trò hiểu ông. Ngoài chuyên môn, tài thơ, học trò yêu mến và kính trọng ông ở lòng yêu nước. Lòng yêu nước.

“Cũng như tình yêu, lòng yêu nước dễ ngộ nhận và thường bị lợi dụng!”- ông nhớ lại lời chi trưởng cảnh sát Phan Ninh khi ông bảo ông chỉ là người yêu nước.Anh ta cũng là một học trò xuất sắc và rất hiểu ông. “Vậy thì, moa đi con đường nhân dân đang đi! ”Người học trò không kìm nổi ré lên cười tràng dài không hẳn giễu cợt, chỉ có vẻ không phải phép nếu câu nệ quan hệ thầy trò cũ. Nhưng đây không phải trường học. Đôi môi mỏng của anh ta mím lại. Cơ thịt dưới gò má trái giựt giựt- dấu hiệu trạng thái tức giận hoặc xúc động mạnh của anh ta còn nguyên từ thời học sinh đến giờ! “Đành thôi,thưa thầy – anh ta nói sau một hồi suy nghĩ– xin thầy nhớ cho:hai chữ dễ nói nhất ở mọi diễn đàn là nhân dân !”

 

Ong thấy lạnh.Vườn hoa Nguyễn Hoàng chỉ còn đôi tình nhân. Sông Hương huyền ảo ánh đèn qua màn sương khói. Anh ta đã quá sắc sảo! Trước đây trong những giờ thuyết trình văn học Phan Ninh là người hùng biện số một. Xã hội thời Shakespeare không đủ sức dung chứa người khổng lồ Hamlet – anh ta liên hệ ngay đến lịch sử Việt Nam, về Nguyễn Trãi. Người học trò này đặc biệt quan tâm đến lịch sử. Khái niệm anh hùng và tội đồ qua kiến giải của anh ta thành biến ảo, rất khó bắt bẻ, tuy nhiên đã cho thấy ẩn chứa một khả năng hư nguỵ vốn thường thấy ở những chính khách. Có lẽ gây sốc nhất cho các giáo sư và học sinh trong trường là khi anh ta ngợi ca nhân vật đích thực vĩ đại của Hugo là thanh tra Javet. -Jean Van Jean chỉ là cái  đẹp để hướng tới. Nhân vật không tưởng này là trái tim uỷ mị của tác giả! Con người nhà nước Giave có thể bắt cả mẹ mình nếu phạm luật và cuối cùng đã tự sát vì không hoàn thành nhiệm vụ, thứ nhiệm vụ tự anh ta buộc vào cho mình – Hugo đã tiên tri về con người lạnh lùng máy móc của xã hội văn minh công nghiệp sau này.Và tuyệt nhiên, Gia ve không phải xấu như mọi người nghĩ. Làm gì có khái niệm tốt- xấu rạch ròi khi nhìn nhận, đánh giá con người?

 

Giờ giải lao, giáo sư Ngô Khâm không đi về phía văn phòng. Ông tựa lan can rút điếu Ruby đỏ ra đốt.

Phan Ninh lại, rụt rè:

-Thưa thầy, em có gì sai không thầy ?

-Sai thì toa không sai, vị giáo sư cười buồn, có điều, ông ngập ngừng, có gì đó moa thấy lo lo…

-Phải chăng …em quá nhập nhằng ?

-Không, toa quá chuẩn xác. Sự chuẩn xác đến đáng sợ !

-Thầy, chẳng lẽ sự chuẩn xác không cần thiết ?

-Sự chuẩn xác vừa vừa mới cần thiết .

-Em không hiểu !

-Sau này toa sẽ đi rất xa !

-Bằng sự quá chuẩn xác đó ư ?

-Này, toa có nhớ đêm lửa trại …

-Dạ nhớ. Đêm đó thầy đọc bài thơ “Mai sau hoà bình”rất hay…Em còn nhớ đoạn cuối : “mai sau hoà bình có thể anh không còn sống để trở về nhìn một thị trấn hoa vàng và cũng không nhìn thấy đôi mắt em dịu dàng dưới nền trời Lao Bảo …”

-Trí nhớ tốt cũng làm hại con người , toa biết không?

 

Ong còn nhớ rõ người học trò thông minh ấy từng là đoàn trưởng học sinh, từng hát vang những bài cahừng hực tính chiến đấu những đêm không ngủ ở sân trường.

 

Lúc chiều Phan Ninh tiễn ông ra khỏi chi, không hiểu sao có rất đông học sinh chờ sẵn ở cửa. Nhiều người trong họ rơm rớm nước mắt. Gần nửa năm rồi còn gì. Nghe đâu lúc ông còn ở khám Chí Hoà, sinh viên học sinh Huế xuống đường liên tục đòi trả tự do cho ông.

 

Đôi tình nhân trên ghế đá vẫn đang quấn quít. Niềm đam mê của tuổi trẻ quả tuyệt vời. Thường thì họ ít khi nhận ra điều đó. Ong cũng vậy. Thời cô học trò đệ nhị yêu thầy, ông rất bối rối. Sau này khi thành vợ chồng, ông không hề nghĩ đến khoảng cách gần hai mươi tuổi. Nếp sống một giáo sư khiến ông mọi thứ cứ luôn chừng mực. Thời gian ở Chí Hoà ông mới nhận ra nỗi buồn lặng trong mắt Thuý mấy năm chung sống. Lần nào vào thăm, Thuý cũng khóc. Gần đây cô điềm tĩnh hơn.

 

Chiều nay, từ chối bao lời mời của mấy người học trò, ông đi nhanh về nhà, đi bộ. Ông muốn cảm nhận cái đã đời của người tự do. Kia rồi, giàn hoa giấy đơm đầy dưới ánh điện mới bừng lên. Những bông hoa có nét viền mềm mại như môi người nữ.

 

Cổng khoá trong.Ông định gọi nhưng khựng lại. Sau ô cửa kính phòng khách loáng thoáng bóng người và tiếng cười đùa vui vẻ. Hai người. Chỉ có hai người. Bóng người nam cao to đang chạy quẩn lên trong trò chơi nghịch của người nữ. Không nhìn rõ mặt nhưng ông biết đó là chàng trung uý từng si mê Thuý. Nàng đã chọn ông. Giờ thì ông biết những đêm ngủ phòng riêng điều gì đã khiến mắt Thuý buồn.

Ong quay đi, lẫng bẫng. Mới ngoài năm mươi, lần đầu tiên ông thấy mình đã già.

 

Sự già trẻ không hoàn toàn thuần tuý tuổi tác nhưng những nồng nhiệt đầy sai lầm của những người trẻ tuổi khiến họ luôn là người có ưu thế.

Bài diễn văn của ông từng lôi cả cây phố xuống đường, nói theo cách nói của người học trò biệt động thành. Năm xe Mĩ bị đốt, tên lính Mĩ bắn chết em học sinh phải ra toà án binh nhận án thích đáng, đại sứ Mĩ ở Sài Gòn chính thức xin lỗi nhân dân Việt Nam. Người học trò ấy đã thoát lên cứ khi bị truy bắt về tội ném lựu đạn vào lễ đài lúc đại tá tỉnh trưởng chủ trì mít tin ở sân vận động…

 

Ong biết cách mạng từ thời “Việt Minh cướp chính quyền”, từ chín năm kháng chiến. Hồi đó, những cụ già sáu bảy mươi cũng ca vang “nông dân ta nhớ ơn cụ Hồ đời đời…”, hoặc “lúa khoai ta gắng trồng sườn non cho đến bờ sông, áo ta chưa ấm lòng thay mía ta trồng bông…”Những chòm râu bạc, mái tóc bạc rung rung, mắt hấp háy sáng. Họ không già. Niềm tin của họ đã hoà vào khát vọng chung của dân tộc biến thành lý tưởng. Điện Biên Phủ là cái sức mạnh ấy. Ong nhớ rất rõ cảm giác tự hào được làm người Việt Nam như thế nào.

Ong kính trọng những người làm cách mạng, họ đang chiến đấu vì một khao khát đổi đời. Những nhà sư ở đất Thần Kinh này hình như cũng đã đứng trên chiến tuyến. Tạng người ông không hợp với tranh đấu, tranh đấu trực diện. Ong đang đứng ở đâu với những vần thơ tranh đấu cho nền độc lập tự cường của tổ quốc, những vần thơ cháy bỏng mơ ước về một đất nước yên bình? Và những bài giảng đầy nhiệt huyết về giống nòi?

 

Thuý đã yêu ông từ những vần thơ ấy, những bài giảng ấy! Những người học trò đấu tranh đòi thả tự do cho ông, bằng cách ấy, họ đã đặt ông vào chiến tuyến! Thuý có ngộ nhận không? Những người học trò và ông, ai là người ngộ nhận và bị lợi dụng về lòng ái quốc?

- Làm gì có ái quốc thuần tuý, Tổng trưởng cảnh sát Sài Gòn cười nhẹ khi chêm thêm Black And White vào ly ông, chú bé thành Padou  ném những đồng tiền vàng và em bé trinh sát Lombardie của E.D Amicis mà giáo sư vừa nói lại là chuyện khác. Không thể tách rời hai chữ ái quốc ra khỏi tình huống!

Tình yêu, phải chăng cũng không thể tách rời khỏi tình huống?

 

Ong không buồn, chỉ thấy rợn ngợp bỡi cảm giác cô đơn.

- Cộng sản có những chính uỷ rất giỏi. Họ có thể tạo ra những chú bé của E.D Amicis .Nhưng chúng tôi không sợ chính uỷ. Gã tổng trưởng cảnh sát cười cười, giá như giáo sư là một chính uỷ thì mọi thứ quá đơn giản. Chúng tôi cũng có những người hùng chết cho lý tưởng đấy chứ! Mà thôi, giáo sư là người tôi rất kính trọng. Hy vọng rằng ông đừng vô tình hay cố ý kích động đám học sinh, sinh viên làm loạn.

 

Có sự giống nhau trong cách lập luận của tổng trưởng cảnh sát và chi trưởng Phan Ninh. Ong lại thấy sợi lạnh chạy doc sống lưng. Đường phố đã hoàn toàn yên ắng. Đôi tình nhân vẫn còn quấn quít…Thực ra khi trả lời ở lại ông đã nghĩ nhiều đến Thuý, đến sự bình yên ngăn nắp một ngôi nhà. Còn giờ thì ngôi nhà ấy hình như không cần ông nữa.

 

Nhưng lên xanh, ở cái tuổi ngoài năm mươi, ông sẽ làm được gì? Những người trẻ tuổi trên ấy đang thể hiện lòng ái quốc bằng cây súng!

 

Ong đã không thể trí trá khi trả lời các cuộc thẩm vấn, nhất là với người học trò chi trưởng.

Có thực ông nguy hiểm cho chính quyền? Lẽ nào có chính thể không cần đến lòng ái quốc của công dân? Những biện minh của ông quá ngây thơ: xét cho cùng điều người ta quan tâm là anh có ích, có hại hay vô hại đối với một chính thể!

 

Dẫu sao trong thâm tâm, ông vẫn có cảm tình với cộng sản. Cái thời con cái đấu tố cha mẹ dù quá kinh khủng, thực ra cũng không hoàn toàn lỗi của họ – đó là cơn điên tập thể, là thói đồng bóng của một dân tộc muốn lập tức bình đẳng cơm áo. Không có sai lầm nào do một người khởi động- ngay cả khi một bạo chúa cười đùa trên cái chết cuả hàng vạn sinh linh thì chính ngay lúc ấy, hàng vạn sinh linh kia, bằng cách này cách khác đã bí ẩn trao cho ông ta cái quyền đó!

 

Có vẻ như con đường ở lại thành phố cùa ông không còn nữa. Một giáo sư ở tù, có thể nào đứng trên bục giảng? Dù là bạn bè, người hiệu trưởng cũng không thể không thải hồi ông…

Ong nhìn đông hồ (khi thả ông về, gã tổng trưởng không quên đưa lại ông cái Timet cũ kĩ ), đã hơn nửa đêm. Chắc chàng trung uý về rồi! Nếu anh ta còn, mình cứ lẳng lặng ra nhà sau. Cách mở cửa ông đã biết.

Cặp tình nhân phía trước cũng đứng dậy.

 

Ong đút hai tay vào túi quần đi dọc bờ sông. Đường phố vắng ngắt. Thỉnh thoảng vài chiếc quân xa chạy qua. Đất nước đang có chiến sự. Chao ôi, đến bao giờ mới hoà bình, bao giờ mới thôi bắn giết nhau. Một chuỗi tiếng nổ từ xa vọng về, mặt đất rung nhè nhẹ. Lâu lắm rồi ông mới lại nghe tiếng bom đạn. Mai sau hoà bình… Bỗng nhiên ông hiểu rằng mai sau đó không còn ông nữa. Ong lạnh người đứng lại và lập tức một tiếng ồn, tiếng rền rất gần, gần lắm, ngay sau lưng mình. Ong định quay lại nhưng một cú va đập rất mạnh vào lưng khiến ông nghe đầu mình vỡ ra những đốm sao trên đường. Và những đốm sao vụt tắt.

Vài người trong khuya ngạc nhiên không hiểu vì sao bờ sông đêm ấy, chiếc Jeep chạy hối hả như ma đuổi về phía trung tâm. Lại có chiếc xe lu không bật đèn, lầm lì chạy tới chạy lui. Rồi xe vòi rồng lặng lẽ phun nước xuống đường…

 

*

Mấy chục năm sau, chắc chỉ là sự trùng hợp, bên bờ sông ấy có hai người, một ông, một bà đứng lặng hồi lâu rồi thả vòng hoa xuống nước. Người đàn bà phốp pháp, người đàn ông tuy mập vẫn có nước da tai tái đôi môi mỏng. Họ đều mang kiếng đen. Vẻ sang trọng của người đàn bà khiến dân phố nghĩ bà là Việt kiều.

Người đàn ông lẩm nhẩm đọc : “mai sau hoà bình…”,người đàn bà tiếp lời đoạn thơ đã thuộc từ lâu. Phải, hoà bình đã mấy mươi năm…

 

Suối Trầu, 23 / 01 / 2003

 

Lê Hoài Lương
Số lần đọc: 2135
Ngày đăng: 27.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khách thương hồ - Hào Vũ
Bầu ơi thương lấy bí cùng - Nguyễn Mộng Giác
Tình nhân - Nguyễn Đình Bổn
Một mảnh đời… - Nguyễn Vĩnh Căn
Cô gái mù trên ðồng lúa vàng - Minh Nguyễn
Không gian đa chiều - Đình Kính
Bức tranh nhà cá - Hồ Việt Khuê
Sao rơi - Hào Vũ
Trắng trước đỏ sau - Hồ Anh Thái
Dã man ! - Huỳnh Văn Úc
Cùng một tác giả
Ngôi nhà ám ảnh (truyện ngắn)
Phận người gió bay (truyện ngắn)
Chợ chiều (truyện ngắn)
Con rắn (truyện ngắn)
Bão (truyện ngắn)
Hương xa xứ (truyện ngắn)
Mùa xuân đầu tiên (truyện ngắn)
Đàn ông đã chết (truyện ngắn)
Hiến xác (truyện ngắn)
Tiếng chuông chiều (truyện ngắn)
Một ngón tay nho nhỏ (truyện ngắn)
Sách cháy (truyện ngắn)
Lỗi tại mẹ Âu Cơ (truyện ngắn)
Mênh mang chiều An Dũ (truyện ngắn)
Ái quốc (truyện ngắn)