Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
560
116.536.105
 
Ký ức làng
Nguyễn Hải Triều

Tôi không được sinh ra ở làng. Những năm chiến tranh khốc liệt, cha mẹ tôi theo đoàn người lưu tán di dân vào tận miền cao nguyên đất đỏ để kiếm miếng cơm manh áo. Tôi cất tiếng khóc trong cảnh tha phương cầu thực của gia đình. Tuổi thơ chỉ man mán hình bóng quê nhà qua ký ức của người cha và lời ru của mẹ.

 

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

 

Ngày ấy, qua lời kể của cha tôi, tôi biết rằng mình cũng có một nguyên quán, một quê hương như bao người khác. Trí óc non nớt của tuổi thơ rất phong phú, tôi hình dung ra làng tôi nằm bên bờ sông Vu Gia, con sông có dòng nước trong xanh hiền hoà từ đầu nguồn chảy qua những bãi bồi bến lở, qua triền dâu ngút ngàn của làng tôi đến bao làng quê khác ven sông và xuôi về biển.

 

Làng được những hàng tre dày bao bọc, chở che; mùa mưa ngăn dòng nước lũ, rễ tre bám giữ đất khỏi bị xói mòn; mùa nóng đón những ngọn gió nồm từ biển lên, rì rào tiếng lá êm ru giấc ngủ trưa hè. Từ đường cái lớn tới làng, lội qua một bãi cát dài, những đụn cát mịn màng, nỏn nà như da con gái. Cha tôi bảo rằng con gái làng tôi không phải lội bùn cấy lúa mà chỉ lao động trên đất ba châu nên có nước da trằng hồng rất đẹp. Bãi cát qua làng là vết tích còn lại của một dòng sông từ rất xa xưa. Ở đây có người đã đào được một chiếc neo thuyền lớn, chứng tỏ con sông lúc trước thường có thuyền bè qua lại. Thời gian “biển hoá nương dâu”, bây giờ con sông không còn nữa, chỉ đến mùa lũ nguồn về, nơi ấy mới thành con lạch nhỏ có nước chảy qua.

 

Cũng lời cha kể, tổ tiên của làng đến khai cư lập nghiệp từ hàng mấy trăm năm, họ đã theo chân đoàn người đi mở nước của vua Lê Thánh Tông, của Chúa Nguyễn Hoàng, nếm trãi những gian lao buổi đầu tiên, biến vùng đất đầy lau lách, chim muông thú dữ thành làng quê yên bình trù phú. Những năm xa xứ, cha tôi luôn đau đáu một ước mơ có ngày trở lại quê xưa, ông thường nói với chúng tôi: “Phải trở về thôi các con ạ, có nghèo cũng là nơi chôn nhau cắt rốn, cha không thể bỏ làng mình ra đi mãi được, người ta bảo rằng cáo chết ba năm còn quay đầu về núi ! huống chi mình là người”. Riêng tôi, ở cái tuổi mười một, mười hai vẫn thầm ước mong điều cha nói có ngày trở thành hiện thực.

 

Rồi cái ngày ấy cũng đến và đến thật bất ngờ. Sau 1975 được ít lâu, trong bữa cơm chiều với gia đình, cha tôi tuyên bố sẽ bán hết vườn tược, trang trại chuyển về quê. Mẹ tôi hiểu tính cha ít nói, mọi sự lo toan đời thường ông chỉ lặng lẽ suy nghĩ một mình, nhưng khi đã quyết định điều gì thì khó mà thay đổi.

 

Chị em tôi lúc ấy còn quá nhỏ chẳng dám góp ý vào việc đại sự của người lớn, nhưng tôi hiểu rằng: để đi đến quyết định này, cha tôi đã phải nhiều đêm mất ngủ.

 

Trước cái hôm về quê, trong tôi dâng lên niềm cảm xúc khó tả, vui buồn lẫn lộn; vui vì được về cố hương, nơi bà con ruột cật đang sống, nơi còn bà nội tôi đang ở với người chú ruột. Cách đây mấy năm, bà có vào thăm gia đình tôi, chắc bây giờ bà đã già lắm rồi. Những đứa em con chú sẽ rất vui mừng khi biết rằng chị em tôi về ở cùng chúng nó. Còn buồn thì phải xa nơi đây, dù không phải là quê hương của mình, nhưng còn đó bao kỷ niệm tuổi thơ tôi: Mảnh vườn, những hàng cà phê mới trồng, trường học, bạn bè... Đêm ấy, chuyển hành lý, tài sản lên xe. Mẹ tôi lo nấu nồi cơm xôi ăn đường, cha tôi buộc những mảnh ván ép, những tấm tôn lợp nhà, chiếc tủ, bộ bàn ghế vào thành xe cho chắc. Ông không quên mang theo về quê những cây chôm chôm con, ông bảo rằng đất vườn làng mình rất tốt, biết đâu lại hợp với loại cây miền Nam. Chị em tôi cũng rất bận rộn. Cái bận rộn của tuổi thơ khi sắp phải đi xa, nào cặp sách, hộp đồ chơi, những thứ vặt vãnh bạn bè tặng... Cả nhà đêm ấy không ai ngủ được.

 

Vật vã đường xa vài ngày rồi chúng tôi cũng về đến làng, cái làng cội nguồn của tôi, nhưng phải đến tuổi mười hai tôi mới biết, mới thấy. Bà con họ hàng, nào chú, bác, cô, dì, cậu, mợ và cả bà nội tôi cũng chống gậy qua tận bên này bãi cát để đón gia đình tôi trở về. Thật khó tả được niềm vui, niềm hạnh phúc của ngày trở về làng cũ. Cha tôi đốn tre, đẳn gỗ; những cây gỗ mít lâu năm trong vườn ông nội, nhờ bà hàng xóm giúp đỡ dựng căn nhà trên nền đất cũ. Mọi thứ bắt đầu từ đầu tìm kế sinh nhai. Những năm tha hương, cha tôi có được chút vốn liếng, ông mua mấy con bò giống cho chị em tôi chăn dắt. Chúng tôi vừa đi học vừa phụ với cha mẹ, chiều chiều thả bò trên bãi làng. Vườn nhà tôi ngay đầu đường qua bãi, rộng cả mẫu. Cha tôi trồng mấy hàng chôm chôm ông đem từ cao nguyên về. Đúng là đất không phụ người, cây mỗi ngày lên xanh và thời gian sau cho trái chín. Tôi nhớ bữa trái lứa chôm chôm đầu tiên, cha tôi bảo mẹ tôi đem biếu bà con hàng xóm cả làng chút cây trái lạ khó trồng trên đất quê nhà. Rồi hàng xóm xin cây con, ít lâu sau, cả làng tôi rất nhiều nhà trồng được thứ cây này.

 

Phải nói rằng tuổi hoa niên của tôi đi qua những năm tháng sống ở làng thật êm đềm, diệu kỳ; chiều chiều cũng lũ trẻ thả diều trên bãi cát, cái bãi cát mà ngày xưa tôi chỉ được nghe cha kể và chẳng mấy khác so với trí tưởng tượng của tôi ngày ấy, vẫn trắng xoá mịn màng, êm êm đôi chân khi đi qua. Rồi những đêm trăng sinh hoạt thanh niên, bạn bè tụm năm, tụm bảy dưới gốc cây đa dưới sân đình để cùng múa hát. Ánh trăng chảy tràn trên đường, len lỏi vào những hàng cây mít, cây chanh. Ôi những kỷ niệm thật êm đềm, đằm thắm, trong đó có mối tình đầu của tôi với người con trai làng bên, đến bây giờ trong tôi vẫn không nguôi hoài niệm.

 

Rồi cũng như bao cuộc đời khác, tôi lớn lên làm nghề dạy học; và ngẫu nhiên lại được về với lũ trẻ làng tôi. Khó có thể diễn tả hết niềm hạnh phúc dâng trào khi tôi bắt gặp bao ánh mắt bé thơ lúc bước lên bục giảng buổi đầu tiên. Từ ấy, tôi thầm nhủ rằng mình không thể xa làng.

 

Nhưng bỗng một hôm, cả làng tôi không thể quên cái hôm khủng khiếp ấy. Sau nhiều ngày mưa “mưa như cầm chỉnh đổ”, nước nguồn xối xả tuôn về. Buổi sáng tôi đi họp ở trường, cha tôi dặn về sớm vì thời tiết có thể xảy ra lụt lớn. Đến trưa thì làng tôi như một ốc đảo giữa biển nước mênh mông. Tôi nhờ người bà con chống thuyền đưa tôi qua nhà, nhưng đến nơi thì vườn nhà tôi không còn nữa, hàng tre phía trước, hàng chôm chôm, những cây mít, cây ổi và cả ngôi nhà thân yêu của tôi đều biến mất; trước mắt là biển nước mênh mông, đục ngầu, dữ dằn... Tìm gặp được gia đình, tôi mới biết cơn lũ dâng quá nhanh, nhà tôi không kịp chuyển đồ đạc; khi hàng xóm bơi thuyền đến chỉ cứu được người, còn tất cả đều xuôi theo dòng lũ xoáy. Cha tôi như người mất hồn vừa trải qua cơn khủng khiếp, nhưng ông tự trấn tĩnh và khuyên chúng tôi không nên buồn phiền, còn người ắc còn của.

 

Trận lũ năm ấy, làng tôi đất lở, cây đổ, nhà trôi, tài sản mất, người chết; không khí ảm đạm, tang tóc bao trùm lêm mảnh đất yêu thương nhất đời và âm ỉ trong lòng người dân quê tôi qua nhiều ngày, nhiều tháng.

 

Rồi để tránh sự lặp lại những tang thương, làng tôi phải di dời đến khu đồi bên kia đường cái, cao ráo, không lũ lụt làm nơi ở mới. Bao tấm lòng thể hiện “miếng khi đói bằng gói khi no” của cả tỉnh, cả nước cũng đủ ấm áp người dân làng tôi trong những ngày gian khó. Nhiều ngôi nhà mới được cất lên trên vùng đồi đất đỏ; hàng chuối con vừa trồng, cũng làm dịu đi nỗi mất mát trong lòng người dân làng tôi ngày đầu lập làng mới. Nhưng dù có tiện nghi, có thuận lợi bao nhiêu thì trong tôi, những nỗi niềm khó nguôi quên về vùng đất cũ vẫn cứ xốn xang.

 

Chiều nay, tôi theo cha về lại làng. Bãi cát trắng không còn nữa, thay vào đó là một trũng nước lớn. Người ta bắt tạm chiếc cầu tre để đi, về canh tác mấy khu dất bàu, đất vườn còn lại.

 

Tha thẩn trên con đường quen thuộc, xưa thật đông vui, bây giờ hoang vắng với nhiều lùm cỏ dại quạnh quẽ chen ngang. Kỷ niệm ùa về trong tôi bời bời. Người ta hay nói chuyện “biển hoá nương dâu”, tôi nghĩ: đất đai có lúc lở, lúc bồi; và biết đâu một ngày nào đó, nước của đầu nguồn sông những mùa lũ tới không còn xói mòn mà sẽ bồi đắp lại cho làng tôi những gì đã mất đi, để chúng tôi được trở về, như tự ngày xưa, tổ tiên chúng tôi đã từng đến để khai phá, dựng xây...

 

Bất giác trên ngọn cây sầu đông trước mặt vang lên tiếng chim chích chèo lảnh lót. Ngọn gió nồm phía biển thổi về mát rượi, trong lòng tôi bỗng ấm lên niềm hy vọng ngập tràn. Giật mình, tôi nhớ ra rằng: Đất trời đã sắp vào xuân.

Nguyễn Hải Triều
Số lần đọc: 2282
Ngày đăng: 27.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khách thương hồ - Hào Vũ
Bầu ơi thương lấy bí cùng - Nguyễn Mộng Giác
Tình nhân - Nguyễn Đình Bổn
Một mảnh đời… - Nguyễn Vĩnh Căn
Cô gái mù trên ðồng lúa vàng - Minh Nguyễn
Không gian đa chiều - Đình Kính
Bức tranh nhà cá - Hồ Việt Khuê
Sao rơi - Hào Vũ
Trắng trước đỏ sau - Hồ Anh Thái
Dã man ! - Huỳnh Văn Úc