Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
795
116.617.833
 
Chuyện của Thường
Nguyễn Hải Triều

“ Chú ơi! Gài lại cái chân chống đi, coi chừng nguy hiểm đó!”

Nghe tiếng người nhắc mình phía sau, Thường hạ tay ga cho xe đi chậm lại, đưa gót chân hất nhẹ cái càng chống. Bóng chiếc wave màu xanh lướt tới, khuôn mặt của cô gái trông quen quen, chiếc áo màu tím than đằm thắm, mái tóc dài chấm vai lất phất trong gió sớm. Cô nhìn Thường mĩm cười thân thiện. “Biết đâu cô ấy là bà con họ hàng của mình cũng nên”- Thường nghĩ vậy. Anh chưa kịp nói lời cảm ơn thì cô đã cho xe quẹo vào cổng chợ mất hút.

 

Lâu quá mới về thăm quê nên anh trông cái chi cũng lạ, cũng mới. Con đường lớn dẫn đến khu chợ được rải dầu láng bóng, xe chạy êm ru chứ đâu có như hồi xưa đá sỏi gồ ghề. Cực nỗi mùa mưa bùn lầy nước đọng, hố trâu hố voi chằng chịt. Mùa nắng thì bụi bốc mù đất mù trời mỗi khi xe lớn chạy ngang.

      

Trước đây chợ Tân Giang còn ở bên kia sông Con, phải đi qua cây cầu cũ nghe đâu được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Hồi ấy chợ  đìu hiu năm bảy cai lều quán lụp xụp tranh tre, như câu ca mẹ của Thường hay hát mỗi khi ru em “ chợ quê con tép cũng gầy”.Bây chừ khu chợ được xây dựng lại khá khang trang rộng lớn. Nằm bên ni cầu mới, quy mô đúng tầm  một thị tứ, là trung tâm giao thương hàng hoá của năm xã vùng tây huyện Trà Lộc.

 

“ Anh mua giúp em vài ký trái cây đi, còn tươi lắm; người ta mới chở từ Vĩnh Điện về đây!”. Câu chào mời của cô bán hàng cắt đứt dòng suy nghĩ mông lung của Thường. Anh đang đứng trước quày bán trái cây ngoài cổng chợ. “Em cân cho tôi hai ký, lựa trái ngon ngon nghe em.Tôi đi cúng đám giỗ mà”. “ Quày của em lúc mô mà trái chẳng tươi và rẻ hở ông anh?!”.Cô bán trái cây cười xởi lởi, miệng nói chuyện với khách còn tay thì đưa đi đưa lại một cách thành thạo để chọn mỗi loại một vài quả bỏ vào bọc ni-lon rồi để lên bàn cân. “Hai ký tư, anh lấy luôn nghe. Mở hàng cho mau mắn, em cảm ơn”. Thường khẽ mĩm cười gục đầu, anh móc ví trả tiền cho cô bán hàng, cầm lấy túi trái cây bỏ vào giỏ, rồi nổ máy cho xe từ từ về xóm.

 

Lần nào cũng vậy, hễ đến ngày giỗ của thằng Khởi là Thường về quê, nhân tiện anh ghé thăm mẹ. Rẽ vô đường công hương là đến Lung Ngõ; ở đấy ngày xưa có những đám ruộng tốt nhất làng Đại. Nay thì nhà cửa san sát, cái nào cái nấy cũng tường gạch, bê-tông vững chắc, bề thế; người và xe đi lại nhộn nhịp, đông vui hẳn lên. Hình ảnh làng quê yên ả, đằm thắm xưa kia hình như chỉ còn lại trong ký ức của Thường. Trong lòng anh có chút rưng rưng hoài niệm. Định sẽ ghé về thăm mẹ sau khi dự đám giỗ nên Thường cho xe chạy một mạch đến nhà ông giáo Lãm, cha của Khởi mà cũng là thầy giáo dạy vỡ lòng anh hồi học ở trường làng.

 

Mới nửa buổi mà nhà ông giáo đã có mặt khá nhiều người.Ông cho con cháu dựng thêm một chiếc rạp tre trước sân để đón khách. Năm ni là lần giỗ thứ hai mươi lăm của Khởi, người đến dự cũng nhiều hơn mấy năm trước. Ngoài hàng xóm láng giềng, bà con thân thuộc, sui gia ông giáo, còn có cả mấy người bạn cùng đơn vị của Khởi ngày đi bộ đội. Những khuôn mặt gần gũi, thân thiết với Thường. Có người ở xa như Đà Nẵng, Duy Xuyên cũng nhớ ngày mà đến dự. Gặp lại đồng đội, những kỷ niệm của một thời chiến trận lại ùa về trong anh bời bời. Đã mấy chục năm rồi, bè bạn  anh tóc trên đầu ai cũng lốm đốm muối tiêu, khuôn mặt ai cũng hằn lên vết phong trần của tháng ngày lo toan cơm áo. Thường chào ông giáo Lãm, đến bắt tay mọi người. Những câu hỏi thăm vồn vã. Rồi anh vào bàn thờ thắp hương cho Khởi. Đốt mấy nén hương cắm vào chiếc bình đã chật ních những chân tăm, nhìn lên đôi mắt như cười trong di ảnh, lần nào Thường cũng thấy chạnh lòng.

 

Khởi là đứa con thứ hai của ông giáo Lãm, hắn thua Thường tới bốn tuổi. Anh học cùng lớp với Sương, chị ruột hắn. Anh và Sương chơi thân với nhau đến nỗi lũ bạn trong xóm hay cắp đôi hai đứa. Hồi nhỏ tính anh nhút nhác, rất sợ bị chọc ghẹo chuyện nầy vì anh thừa biết  ông giáo là người nghiêm khắc có tiếng. Nhưng công bằng mà nói, trong số mấy đứa con gái cùng lớp, Sương là người dễ mến nhất đối với Cu Thường. Sau ngày quê anh giải phóng. Bạn bè trang lứa phiêu bạt khắp bốn phương trời. Sương thi vào trường trung cấp sư phạm tỉnh. Mãn khoá, đi làm cô giáo ở một huyện xa. Thường học ngành xây dựng, rồi làm công nhân rày đây mai đó theo những công trình trên khắp mọi miền đất nước. Tuy môi trường làm việc của hai người có khác nhau nhưng tình bạn giữa họ vẫn đằm thắm. Họ thường xuyên liên lạc qua những trang thư hoặc hẹn hò gặp nhau ở quê vào những ngày lễ tết. Mối tình thầm kín nầy chỉ có Khởi là biết rõ nhất. Đôi lúc hắn còn làm “chim đỏ, chim xanh” cho hai người. Hắn cũng là đứa “kín miệng như thóc” nên ông giáo Lãm và cả lũ bạn tọc mạch, chẳng ai có thể phát hiện ra tình ý của hai người.

 

Thường ở công trường và nhập ngũ vào một ngày đầu xuân năm bảy chín, lúc tình hình chiến sự ở biên  giới Tây Nam đang vào thời khắc ác liệt nhất. Anh chỉ kịp báo tin cho mẹ và các em bằng một lá thư viết vội rồi lên đường. Sau thời gian huấn luyện, anh được bổ sung vào một đơn vị tác chiến ở Quân khu Đông bắc nước bạn. Hai năm sau đó, anh gặp Khởi trong một lần nhận quân bổ sung. Anh em cùng làng gặp nhau, chẳng giấy bút nào tả xiết nổi vui mừng, cảm động. Khởi kể cho anh nghe tất tần tật mọi chuyện ở quê nhà. Do hoàn cảnh chiến đấu ác liệt, thư từ qua lại giữa mặt trận và hậu phương ít được thường xuyên nên mọi chuyện ở quê dù đã xảy ra cả năm trời mà anh vẫn mù tịt. Thường như nuốt chững từng lời Khởi kể. Anh vui mừng biết được lúa ở làng mình năm ni trúng liên tục hai vụ liền, mỗi sào thu hoạch được cả hơn mười hai bao lúa khô. Vậy là mẹ và mấy đứa em sẽ đỡ vất vã  vào những ngày giáp hạt. Người ta đã dời mồ mả vào các nghĩa địa  trong núi Hóc Nhà Gà. Khu Mả Đống ở cuối làng bây chừ đã thành khu dân cư đông đúc. Ông Xoa ở đầu làng; ông Đề, bà Trương ở xóm dưới vừa mới qua đời. Mọi người trong gia đình Thường vẫn mạnh khoẻ. Thằng Lượm em kế anh vừa đậu trung cấp điện. Thường nhớ nhất là cu Ri, đứa em út.  Nó vừa thông minh, học giỏi lại rất ngoan. Nghe nói nó học buổi sáng thì buổi chiều đi đặt ống trúm lươn cho mẹ anh bán lấy tiền đi chợ. Nhà anh, quê anh còn nghèo lắm. Cứ nghĩ đến hình ảnh đứa em nhỏ, chiều chiều lõm bõm ngoài đồng với gánh ống trúm cao lút đầu của nó, nước da cháy nắng, đen sạm, mái tóc bê bết bùn mà anh thấy thương vô cùng. Thường nhớ mẹ, nhớ em quá! Rồi Khởi kể cho anh biết chuyện ngày chị hắn lên xe hoa. Sương quyết định làm đám cưới với Quảng, một đồng nghiệp cùng trường cô ấy. Trước bữa rước dâu, Khởi hỏi chị mình: “Răng chị không đợi anh Thường? Em biết anh ấy yêu chị lắm mà!” Sương buồn buồn nhìn xa xăm: “Chị thương anh ấy hơn em tưởng nữa kia. Nhưng thời gian chiến trận của đàn ông quá dài còn tuổi xuân con gái lại có thì em à!”. Sương lấy chồng được vài tháng thì Khởi có tên đi bộ đội.

 

Khởi về đơn vị của Thường đúng vào mùa chiến dịch lớn. Không khí trận mạc bao trùm lên cả doanh trại đóng quân của trung đoàn. Mỗi ngày, nơi này từng tốp chiến sĩ vào rừng đốn le đan sọt vận chuyển đạn, nơi kia tập kết lên kho quân giới nhận vũ khí, quân trang, lương khô… vẻ hồi hộp căng thẳng xen lẫn sự háo hức hằn lên từng khuôn mặt người lính. Khởi và Thường sau khi làm xong nhiệm vụ của mình thì rủ nhau lên căng - tin trung đoàn để tâm sự. Hai anh em cà kê chuyện nhà, chuyện làng xóm, quê hương. Khởi khoe với Thường chiếc dây chuyền bằng sắt tây có cái nanh heo rừng được chạm khảm rất công phu; hắn nói: “Đây là cái bùa hộ mệnh cô bạn gái tặng cho thằng em ngày đi bộ đội, cô ấy bảo đeo vào là đạn tránh ra hai bên anh Thường à!”. Rồi hắn cười, nụ cười vô tư của tuổi mười chín.

 

Chiến dịch mùa khô năm tám tư, trung đoàn của Thường được cấp trên phân công phối hợp với đơn vị bạn tác chiến ở địa bàn Ngã Ba Biên, nơi có cứ điểm của tàn quân Pôn-Pốt. Đường hành quân dài ra hàng trăm cây số. Những lối mòn gập ghềnh đèo dốc, những con suối khô khốc, cháy nắng. Đi suốt mười ngày đêm, bàn chân người lính nào cũng phồng rộp, bọng nước, rát bỏng. Cái đêm vừa đến điểm tập kết, Thường lên cơn sốt, Khởi phải mang luôn cả đồ đạt, lương thực và vũ khí giúp anh. Đào được một công sự, Khởi ra hiệu cho Thường xuống nấp. Sau đó tiếp tục đào cái khác cho mình. Uống liều thuốc của người y tá đại đội đưa cho, khuya ấy mồ hôi Thường toát ra như tắm. Anh thấy mình khoẻ hẳn, cơn sốt biến đi lúc nào chẳng biết.

 

Sau nửa ngày nổ súng, trung đoàn của Thường đã làm chủ được vài vị trí theo phương án tác chiến. Chiều hôm ấy, trước khi cùng tiểu đội chuyển một số thương binh về trạm phẫu tiền phương thì đại đội anh được lệnh cắt một nửa quân số chi viện cho cánh quân của tiểu đoàn bạn đang chốt chặn chờ đánh phản kích. Trong khói đạn cay xè mắt, nhập nhoè ánh chiều, Khởi bò lại sát công sự của anh và nói: “Em đi lên chốt, anh ở lại cẩn thận. Còn gạo sấy cho em mấy gói. Em hết rồi!”. Miệng nói, tay thò vào túi ba lô của Thường đang đặt trên thành công sự, lấy hai gói nhắt vào giỏ đạn sau lưng. Thường bảo hắn: “Cẩn thận nghe mi!”. Khởi mỉm cười tỉnh khô, tay chỉ vào phía ngực nơi có dây chuyền sắt tây và nói: “ông anh yên tâm, thằng em còn có cái bùa hộ mệnh đây, đạn nó phải tránh thôi mà!”. Rồi xốc súng chạy biến theo đồng đội về phía tiếng nổ và những ánh chớp nhùng nhằng. Cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện của Khởi in đậm vào khoảng trống vàng ươm của buổi trời chiều trận mạc. Thường không thể ngờ được rằng lời nói, ánh mắt của hắn nhìn anh chiều hôm đó là hình ảnh cuối cùng.

 

Thường và tiểu đội đi xuyên rừng suốt đêm. Hôm sau, quay trở về đơn vị thì được tin thằng em cùng làng của mình hy sinh. Một quả đạn cối đã nổ cách Khởi khoảng bốn mét khi cánh quân chi viện của đại đội vừa vào vị trí tập kết. Thi hài của Khởi đồng đội đã chuyển về trên cán thương và đang đặt ở bên kia con suối. Thường chạy thật nhanh về phía ấy mà trong thâm tâm tự nhủ rằng mọi chuyện đừng bao giờ có thật. Thằng Khởi của anh không thể chết được!.

 

Dưới cánh rừng biên giới buổi sáng sớm, trong khoảng không gian yên ắng hiếm hoi đến rợn người giữa hai trận đánh. Khởi nằm đó, trên chiếc võng quân trang đã nhàu nát, lất phất những vệt máu tím bầm. Đầu võng được cột vào hai gốc cây mà thân của nó hằn lên nhiều vết chém do mảnh đạn pháo đêm qua. Dòng nhựa cây ứa ra chảy dài như những giọt nước mắt mới vừa khô cứng lại. Khởi nằm như đang ngủ. Đôi mắt nhắm hờ, khuôn mặt trắng ra vì mất nhiều máu, nhưng Thường lại cảm thấy nó đẹp như thiên thần. Cạnh đầu võng đặt cái sọt đựng đạn của Khởi. Trong ấy, hai gói gạo sấy nằm chỏng chơ vô cảm. Thường chạy đến ôm chầm lấy người đồng đội. Chiếc võng run bần bật. Thường khóc. Không, anh chỉ hơi choáng và hụt hẫng khi mọi chuyện đến với anh thật quá bất ngờ. Khởi chết thật rồi ư? Ánh mắt, lời nói trước lúc chia tay chiều qua như vẫn còn vọng bên tai anh, như đang trước mắt anh kia mà! Người em cùng làng, thằng hàng xóm! Chẳng biết trước khi buông tay rơi về cõi hư vô kia, Khởi có còn kịp nhớ về cái làng nhỏ thân thuộc hiền hoà bên con sông Cái nơi quê nhà xa tắp. Nơi ấy, có những người máu mủ ruột rà của hắn và của anh; của những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu diệu kỳ. Thường cố nén cảm xúc để đừng khóc nhưng nước mắt cứ giàn giụa. Anh sờ nắn khắp cái thân thể đã lạnh cóng của Khởi như muốn níu kéo một hình ảnh quý giá vừa vụt khỏi tầm tay mình. Bàn tay anh run rẩy lần trên vai, trên ngực, trên những vết thương mà dấu máu đã khô cứng. Vô tình tay Thường chạm vào chiếc nanh heo rừng, cái dây chuyền bằng sắt tây. Anh run run mở nó ra rồi cầm trên tay, miệng lẩm bẩm: “Khởi ơi! Anh sẽ giữ nó đến ngày trở về và trả lại cho thầy, cho gia đình em!”. Tối hôm đó, thi hài của Khởi được chuyển đến an táng ở một nghĩa trang gần biên giới, còn cả đơn vị anh thì phải  mười lăm ngày sau  mới rút về hậu cứ.

 

“Mời bà con nâng ly rượu lạt cùng gia đình chúng tôi, nhân ngày giỗ của thằng Khởi. Gia đình xin cảm ơn sự có mặt của mọi người!”. Tiếng mời khách của ông giáo Lãm làm ngắt quãng dòng hồi ức đang chảy trong Thường. Mọi người ngồi vào bàn ăn, nâng ly, trò chuyện râm ran. Ông giáo đi lại chỗ Thường ngồi, giọng gần gũi: “Khi mô con đi ?”, “Thưa thầy, con định tí nữa ghé về nhà, sau đó ra mộ em Khởi rồi mới xuôi thầy ạ!”. Ông giáo ừ một tiếng rồi nhìn anh với ánh mắt thân thiết. Từ ngày Khởi hy sinh, Thường coi mình như con ruột trong nhà ông giáo Lãm. Mỗi lần về quê anh đều đến thăm. Lúc ở xa, anh dặn lũ em của mình phải thường xuyên đến hỏi han và giúp đỡ gia đình ông giáo, để ông bớt trống trải. Bỗng ông giáo vịn vai Thường rồi quay sang nói thật to với mọi người: “Bà con biết răng không? Thằng Thường là người có mặt tại chiến trường cái hôm thằng Khởi nhà tôi hy sinh đó. Hắn còn đem về cho nhà tôi sợi dây chuyền có cái nanh heo rừng của thằng con trai. Mấy chục năm ni tôi cứ để ở trên bàn thờ, mỗi lần nhìn nó là như thấy Khởi. Giá như con tôi sống đến bây giờ thì…” Giọng ông giáo lạc đi, hụt hụt nghe nhói lòng. Ông  không kiềm được tâm trạng trước mọi người. “Kìa! Thưa thầy!...”. Thường nắm lấy tay ông như để xoa dịu vết thương nội tâm của người thầy cũ, rồi nhẹ nhàng dìu ông vào trong nhà.

 

Thường vào nghĩa trang thăm mộ Khởi. Trong ánh nắng vàng vọt của buổi chiều quê. Trên ngọn đồi thông lộng gió, quạnh quẽ. Ngồi xuống bên hàng bia mộ thẳng tắp, anh bật diêm châm bó hương mang theo.Gió chiều thổi mạnh. Tắt, đỏ mấy lần bó hương trên tay anh mới bén lửa. Một nửa cắm trên mộ Khởi, nửa kia anh cắm vào những mộ chí chung quanh nơi Khởi nằm. Thường nhớ lại trước cái hôm đơn vị rút về hậu cứ, anh và một số bạn bè cũng đã đến nghĩa trang ở biên giới để đắp lại mộ. Hôm ấy, khi đắp được nửa chừng thì cơn mưa rừng ập đến bất ngờ. Mưa nặng hạt và kéo dài. Anh cùng đồng đội đã căng tấm ni-lon che trên mộ Khởi cho đến khi cơn mưa dứt hẳn mới về lại nơi trú quân. Hai năm sau đó hài cốt của Khởi được   chuyển về nghĩa trang quê nhà. Bữa nghe tin ấy Thường mừng lắm, anh nghĩ: “hắn về để được gần anh, gần gia đình và nơi chôn nhau cắt rốn”.

 

“ Thường chưa về dưới kia à?”. Nghe tiếng ai hỏi mình, anh quay lại nhìn người đối diện, ngạc nhiên:” Ủa, Sương! Sương cũng…” “Sương ghé nghĩa trang thăm mộ Khởi rồi qua sông. Trời chiều hung rồi. Mai Sương có tiết dạy sớm”. Nhìn cô bạn gái cùng xóm, chị ruột của Khởi, mối tình đầu của anh. Mặc dù đã mấy chục năm, tuổi tác và công việc có làm cho vóc dáng, hình hài thay đổi chút ít. Một vài vết chân chim hằn trên đuôi mắt, đôi mắt buồn buồn nhưng trông Sương vẫn cứ như ngày nào. Bất chợt Thường phát hiện trên ngực áo của cô ấy chiếc băng tang màu đen. Ngạc nhiên anh hỏi: “Sương để tang cho ai vậy?”. “Chồng của Sương. Anh Quảng bị tai nạn giao thông mất hơn một năm ni rồi. Một mình Sương bươn chải. Buồn lắm!” Thường nghe cái tin ấy mà sững sờ. Ai ngờ cuộc đời của Sương lại bất hạnh đến vậy ư? Ai đó đã nói “hồng nhan đa truân” chẳng sai tí nào. Anh bỗng tự trách mình như người có lỗi. Đúng là tệ thật, do không thường xuyên liên lạc, để hỏi thăm tin tức, sẻ chia những nỗi đau, những mất mác của bạn bè. Anh đã tạo cho mình tính ích kỷ từ khi nào vậy? Thường định nói vài câu an ủi cho Sương đỡ chạnh lòng. Nhưng cô ấy đã nói trước anh sau khi đặt bó hoa huệ trên mộ Khởi: “Thôi Sương về đây. Sợ trời tối họ không đưa đò. Thường về sau, khoẻ nghe! Nhớ thường xuyên liên lạc thăm hỏi đó.

 

Nhìn bóng cô bạn gái đổ xuống chân đồi trong buổi trời chiều bảng lảng, Thường nghe lòng mình dâng lên nỗi buồn man mác. Dòng suy nghĩ đang chảy trong anh miên man về lẽ sinh ly tử biệt của đời người. Bỗng có tiếng con cu gáy râm ran trên ngọn cây thông trước mặt xua tan sự yên ắng, tĩnh mịch. Làn gió giao mùa se se lạnh. Bất chợt Thường nhận ra rằng, mùa xuân đang ở bên đồi…

 

Tháng 11 năm 2008

Nguyễn Hải Triều
Số lần đọc: 2056
Ngày đăng: 04.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bảo tồn văn hóa Chăm đã đi đến đâu? - Inrasara
Tin buồn - Nhiều Tác Giả
Trưa quê - Sao Mai
San sẻ yêu thương - Nhiều Tác Giả
Cảm tạ - Nhiều Tác Giả
Tin buồn - Nhiều Tác Giả
Tìm thấy ngày giờ sinh nhà thơ Cao Bá Quát - Xuân Cang
Vào ngày 5 tháng 10 này ,Văn Chương Việt tưởng niệm Nhà thơ Yến Lan - Nhiều Tác Giả
Đọc “Gió lẻ…” (*) Nguyễn Ngọc Tư: Cảnh báo về sự dối trá - Cao Thoại Châu
Thư riêng của Nhà Thơ Yến Lan gởi một bạn văn… - Yến Lan