Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
737
115.994.810
 
Tâm Lý Nhạc Sến
Trần Kiêm Ðoàn

Âm nhạc là một phương tiện được chắt lọc, hệ thống hóa và ghi dấu để sáng tạo và diễn đạt ý tình bằng âm thanh.  Nền âm nhạc nói chung và ngành tân nhạc Việt Nam nói riêng thường bị “phủ bóng” do ảnh hưởng trực tiếp của âm nhạc cổ điển Trung Hoa, phương Đông và âm nhạc phương Tây.  Vì không có một quá trình quặn mình tìm tòi, thí nghiệm để khai phá và sáng tạo tiền phong nên sự kế thừa trở nên dễ dãi.  Đấy là hệ quả trực tiếp mở cửa cho “nhạc sến” ra đời.

 

Thật tội nghiệp cho dòng âm thanh vô tư.  Một câu hát xướng lên chưa dứt mà nghe bình luận là “đồ nhạc sến” là... trăng rụng xuống cầu; không buồn ngó lại.  “Sến” là gì và tiêu chí nào để thành nhạc sến vẫn còn mù mờ nhân ảnh lắm.  Những nhà Tây học thì cho rằng, hình dung từ “sến” phát xuất từ tên nàng vũ nữ có thân hình nguyên tử tên là Maria Sến (Maria Schell).  Cô đào này thường nhún nhảy hát bài Mambo Italiano trong cuốn phim Anh Em Nhà Kamazov nổi tiếng thời sáu mươi.  Hình ảnh nầy đã gây ra một ảnh hưởng đại chúng buồn cười trên các đường phố lớn miền Nam:  Lớp người trẻ bình dân lao động thích bộ đi nhún nhảy và hát nghêu ngao những bài ca mùi mẫn, ướt sướt mướt giai điệu và lời ca trữ tình dễ dãi như “Em ơi, nếu mộng không thành thì sao...?!”

 

Những nhà ngữ học dịch thuật như Cao Xuân Hạo thì tầm nguyên từ “sến” có thể đến từ “con sen” hay “ôshin” là người ở đợ giúp việc trong nhà.  Dẫu cho đứng về phía Tây hay phía Ta thì khái niệm “sến” hay “nhạc sến” là những gì thuộc về tầng lớp bình dân lang thang gió bụi, không sang, không quý phái.  Định kiến (khi đúng, khi sai, có khi cường điệu) về nhạc sến thường thiếu công bằng.  Thí dụ như về giai điệu thì cho rằng, âm điệu nhạc sến thì rên rỉ sáo mòn, luyến láy, đong đưa tùy hứng.  Ca từ thì quá sáo mòn,vụng về, rẻ tiền; có khi bắt chước dễ dãi, bày tỏ tình cảm thiết tha tầm phào đến... mắc cở.  Nhất là khi nhạc sến do các “danh ca sến” trình bày thì hồn phách... phiêu du!

 

Vì chẳng ai có thẩm quyền và chưa hề có một chuẩn mực phân định rạch ròi thế nào là sến và thế nào là không sến, nên “sến” cũng chỉ là một nhận định vu vơ, bốc đồng tùy hứng.  Thậm chí, cũng có giai cấp dành cho khái niệm “sến”.  Thời tôi ở Huế vào những năm sáu mươi thì sến có ba giai cấp:  Sến làng, sến nốt, sến phông ten. Đạt tới mức thượng thừa “sến phông ten” rồi  thì... sến không thể nào sến hơn được.  Kể tên thì đơn giản thế, nhưng khi đem ra phân tích và đối chứng với thực tế sinh động của cuộc sống thì e phải cần tới một vài đại luận án hay dăm ba tiểu luận án của sĩ, sư gì đó thì may ra mới  đem trình làng cho hết ý được!

 

Nói về phản ứng tâm lý có điều kiện thì tác động và ảnh hưởng của “nhạc sến” về mặt tâm lý và tình cảm rõ ràng không nhỏ và không đơn giản đối với thế hệ Chiến tranh Việt Nam.  Nhạc sến có riêng một dấu ấn âm thanh khó phai mờ trong từng góc kín cảm xúc và hoài niệm của cả một thế hệ. Mùa Hè năm ngoái, tôi được hội ngộ với những người bạn cũ – những người đã cùng có mặt trong một thời chiến tranh khốc liệt nhất ở Huế – tại nhà Mộc Lan và Trần Như Hùng ở Sài Gòn.  Sau bữa ăn chiều đầy ý vị thì đến mục chơi nhạc.  Với ngón đàn dương cầm điêu luyện của Mộc Lan, cung đàn vĩ cầm tài hoa của Hoàng Ngọc Đức, tay đàn Tây ban cầm vang bóng một thời của Đặng Nhiếp, một thế giới “nhạc sang” được hòa tấu.  Những symphony, sonata, concerto của Beethoven, Mozart, Chopin, Schubert... quý phái, sang trọng được tấu lên trong khi những bạn hiền lim dim nhâm nhi chút men Cordon Blue đầy “ấn tượng”.  Thế giới sinh hoạt bạn cũ Huế xưa trầm lắng như đến và đi từ quá khứ.  Tôi mơ hồ cảm thấy như mình đang ở Huế, Sài Gòn, Paris, New York... vì có một cái gì na ná giống nhau.  Phải chăng chỉ có sự khốn khó mới khác nhau, chứ còn sự giàu có, sang cả thì ở đâu cũng cùng chung mẫu số? Giữa chừng, Mộc Lan đứng dậy hô lên: “Thôi, chừ chơi nhạc sến đi!”.  Trần Như Hùng hào sảng: “ Dẹp rượu Tây, chơi rượu đế ngâm nhộng tằm cho đã!”

 

Nửa phần hội ngộ sau đó, không khí như bừng sống lại.  Chúng tôi dang tay nhau trở về quê hương, về tình bạn, về những ngày xưa thân ái.  Lê Duy Đoàn, Nguyễn Đặng Mừng, Lê, tôi và tất cả bằng hữu có mặt... đều hết mình lên gân ca hát.  Khi vui, ai cũng dễ trở thành ca sĩ tài hoa vì có thể hát hết tất cả những bản nhạc trên thế gian mà mỗi mảnh âm thanh, dẫu tài tình hay vụng về tới đâu cũng đều có một khung trời riêng của nó.  Hầu như hôm đó, những bản nhạc sến làng, sến nốt, sến phông ten... đều chỉ là những cỗ xe hư ảo để làm phương tiện cho chúng tôi kéo nhau về một vùng đất rất thực: Quê hương, hoài niệm và tình bạn đang quây quần hòa quyện với nhau.

 

*

Âm thanh, hình ảnh, mùi vị có tác dụng vực dậy những cảm thức thường ngủ sâu trong một góc kín nào đó của tâm hồn.  Mỗi lần nhớ về... nhạc sến,  tôi làm sao quên được mùa Giáng sinh năm 2003 tại Sacramento, khi làm việc với một gia đình có con bỏ nhà đi hoang và vợ chồng sắp ra tòa ly dị.  Đây là một hồ sơ yêu cầu áp dụng tâm lý trị liệu (psychotherapy) cho ngươì chồng.  John Dewey, người chồng, là một cựu chiến binh Việt Nam.  Lý do ly dị của cặp vợ chồng nầy là vì người chồng thay đổi tính tình, càng ngày càng trở nên hung hãn với vợ con.  Theo lời người vợ thì sau ngày rời chiến trường Việt Nam trở về Mỹ, anh John Dewey đã xin giải ngũ và làm nhân viên cho một hãng hàng không dân sự.  Sau ngày từ giã chiến trường, anh trở nên ít nói và thường có vẻ như quay quắt về một điều gì đang ám ảnh tâm trí. Nhiều khi anh bày tỏ mặc cảm có lỗi là vì sao anh không bị chết như bạn bè mà an toàn trở lại quê nhà như thế.  Anh không cho đó là sự may mắn của riêng anh mà chỉ là một sự bất công của sự đời, cuộc chiến.

 

Nếp sống lặng lẽ của Dewey thay đổi dần qua những phản ứng hoảng hốt bất thường như chợt có một sự ám ảnh săn đuổi anh bén gót.  Có khi đang ngồi trong nhà bình yên, anh nhảy vọt lùi lại, mồ hôi vã ra như tắm, ôm chầm vợ và gào lên là nghe tiếng máy bay trực thăng, tiếng súng máy, tiếng kêu gào của những người lính đang chết.  Có lúc anh vật vã ngồi bưng mặt khóc như trẻ thơ.  Cuối cùng, anh trở nên thô bạo.  Ăn nói cộc cằn với vợ con, cử chỉ chân tay bất chấp.  Anh bị đuổi việc vì có hành động vũ phu với bạn làm cùng sở.

 

Sau cuộc chiến Việt Nam, một ngành bệnh lý mới ra đời. Đó là “Hội chứng Hậu chấn thương Tâm lý” thường được viết tắt trong sách vở tài liệu y khoa tâm bệnh học là PTSD (Post Traumatic Stress Disorder).  PTSD là một căn bệnh tâm thần tạo nên bởi sự ám ảnh quá sâu đậm và có tác dụng tâm lý dữ dội.  Nguyên nhân là vì người bệnh đã trực tiếp chịu đựng, chứng kiến hay bị ảnh hưởng dây chuyền về một hay nhiền biến cố khủng khiếp trong đời sống như cảnh đâm chém, giết nhau, tra tấn, tàn phá, hãm hiếp, tranh đoạt, tấn công... Cảnh khủng khiếp xẩy ra như một tiếng nổ phá tung bức tường vô hình bảo vệ sự bình an của tâm thức.  Sau tiếng nổ ấy, tâm lý người bệnh không còn như xưa.  Vết thương của biến cố lẩn khuất đâu đó thường đột ngột trở về, có khi chỉ trong nháy mắt (flashback) nhưng đã hành hạ tinh thần và thể xác người bệnh một cách nghiêm trọng sau đó.  Dewey là một con bệnh PTSD trầm kha.

 

Lần đầu gặp John Dewey, anh tỏ ra lạnh lùng như đá.  Theo bài bản của khoa tâm lý trị liệu, tôi phải mở cho được cánh cửa tâm lý bí mật của khách hàng để thu thập dữ kiện và đánh giá bệnh trạng.  Tiếp theo lần gặp sau, tôi cũng chẳng thu lượm được gì thêm về nội dung tâm lý của anh ngoài những câu chuyện kể chung chung về cuộc chiến và con người, đất nước Việt Nam mà anh đã trải qua hơn bốn năm.

 

Lần thứ ba, tôi đổi cách thu thập dữ kiện.  Tôi theo phương pháp “thính thị làm hưng phấn tâm lý” của Eric Galloway bằng cách mượn và treo một bức tranh đoàn máy bay trực thăng đang tải thương và mở những bản nhạc nhẹ thời chiến thế hệ 60.  Phản ứng đầu tiên của Dewey khi mới bước vào văn phòng là đứng sững nhìn chằm chằm vào bức tranh.  Rồi anh ta day qua nghe nhạc và hỏi bằng giọng thì thầm: “Có nhạc Việt Nam không?” Tôi gật đầu, đổi băng “nhạc lính”.  Những bài hát nghe quen một thời bủa vây trong bom đạn làm tôi bị dính vào một cảm giác quen thuộc, sống lại một thời quá khứ.  Ngồi trên xứ Mỹ mà tâm thức khơi vơi trôi dạt về một phương trời cũ. Lạ thay, bên cạnh tôi, John Dewey cũng ngồi lặng yên với dáng vẻ và đôi mắt sâu thăm thẳm hồi tưởng như thế.  Tôi đang “phỏng vấn” người lính cũ bằng cái tâm cảm thông yên lặng.

 

Dăm bản nhạc bình dân cũ, có một thời đã được hát đi hát lại quen tai như chuyện thường ngày ở huyện.  Có người khen hay vì tai họ nghe hay.  Có người chê “sến” vì tai họ quen nghe những gì khác sến.  Nhưng với tôi thì đấy là chỉ dấu của phương tiện âm thanh tạo ra phản ứng có điều kiện như tiếng kồng Pavlov.  Dewey và tôi đã cùng một thời tai cùng nghe tiếng nhạc ấy trộn lẫn với tiếng máy bay gào thét và bom đạn quanh mình.  Khi nghe, chúng tôi không nghe nhạc đơn thuần mà cùng nghe một bản giao hưởng của  âm thanh và ký ức.

 

Những lần gặp sau đó, Dewey thổ lộ tâm sự riêng với những bức xúc, dằn vặt, trầm cảm, tuyệt vọng, ước mơ của đoạn đời đã qua và những bóng ma của quá khứ đang ám ảnh.  Dăm bản nhạc “sến” (?!) và vài hình ảnh quá khứ đã góp phần đắc lực giúp tôi mở đường tìm hiểu tâm lý biến chuyển của Dewey.  Khi đã xác định được vấn đề và nguyên nhân tạo ra vấn đề thì những bước tiếp theo nhằm giải quyết vấn đề chỉ còn là yếu tố thời gian.

 

John Dewey và nhạc “sến” không phải là hai mặt của dãy núi Pyrenees sương tuyết, ngạo nghễ bắt người ta phải thừa nhận bên nầy là chân lý, bên kia là sai lầm.  Trong tương tác thì con người và đối tượng đều cùng một thể.  Đông tàn, Xuân đến chẳng đúng, chẳng sai.

 

Giữa mùa Đông California, 2008

Trần Kiêm Ðoàn
Số lần đọc: 3099
Ngày đăng: 08.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hội thảo nhạc trẻ thiếu người trẻ - Nhiều Tác Giả
Nhạc sĩ Văn Lưu : Âm nhạc- sự hòa quyện giữa tính hào hung và trữ tình - Võ Tấn Cường
Nhớ dòng An Giang ngày ấy - Ngữ Yên
Đoàn Chuẩn - Nhạc sĩ của mùa thu - Nguyễn thụy Kha
Bài hát Bóng cây Kơnia và những điều ít người biết - Triệu Xuân
Mười năm và một chuyện tình - Đynh Trầm Ca
Silent Night - Frank Gruber
Tình ca mùa đông - Nguyễn Quang Nhàn
Lời biển gọi - Nguyễn Quang Nhàn
Hoa Tím - Nguyễn Bá Văn
Cùng một tác giả
Cầm chầu HÁT BỘI (truyện ngắn)
Cơm Hến, (dân gian)
Bờ bên kia (truyện dài)
Duyên Tu-1 (truyện ngắn)
Duyên Tu-2 (truyện ngắn)
“Thế à ! ” (phê bình)
Nam mô A-ME-RI-CA (truyện ngắn)
Xuân trong ta (văn hóa)
Thế Hệ Kế Thừa (đối thoại)