Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
362
115.863.688
 
Hoàng Cao Khải không phải là người theo Pháp để hưởng lợi ?
Nguyễn Hùng

Sau khi NXB Nghệ An xuất bản tác phẩm “Việt sử yếu” của Hoàng Cao Khải, một số báo đã đăng bài trả lời phỏng vấn của PGS-TS Chương Thâu. Nội dung không giới hạn ở việc giới thiệu cuốn sách mà nhân đó yêu cầu đánh giá lại (thực chất là “chiêu tuyết”) Hoàng Cao Khải ở mấy điểm sau:

Hoàng Cao Khải không phải là người theo Pháp để hưởng lợi .

 

Mục đích ông lập ấp Thái Hà thực tâm là muốn giúp đỡ những người phương xa đến kinh kỳ và làm nơi giúp đỡ người nghèo khó.

 

Hoàng Cao khải là người có tinh thần dân tộc và tinh thần ấy đã lan truyền đến thế hệ con, cháu ông (Hoàng Trọng Phu, Hoàng Mạnh Trí, Hoàng Gia Mô – N.H chú thích).

 

Từ nghiên cứu lại Hoàng Cao Khải giúp chúng ta mở rộng nghiên cứu đến đời sống tư tưởng, tinh thần của một thế hệ nhà nho.

 

Như vậy, dẫu không (hoặc không dám) phủ định tất cả những gì người cùng thời (PGS-TS Chương Thâu gọi là “bia miệng”) và giới nghiên cứu đã nhìn nhận về Hoàng Cao Khải; nhưng PGS-TS Chương Thâu đã có ý kiến gần như ngược lại với quan điểm chính thống lâu nay.

Điều này xem ra thật không thông sự lý, nếu chúng ta đọc kỹ Hoàng Cao Khải ở mấy khía cạnh:

 

Con người chính trị trong lịch sử của Hoàng Cao Khải.

Những tài liệu người Pháp để lại liên quan đến  Hoàng Cao Khải.

Hoàng Cao Khải dưới con mắt người đời.

 

1. Hoàng Cao Khải nguyên danh là Hoàng Văn Khải, quê làng Đông Thái (thuộc xã Tùng Ảnh), huyện La Sơn (nay là Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh; đỗ cử nhân năm Tự Đức thứ 21 (1868). Theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn “sau khi đỗ cử nhân lúc còn rất trẻ, Hoàng Cao Khải chắc muốn đậu đại khoa như nhiều ông cử trong tổng, trong làng. Nhưng vì lẽ gia tư eo hẹp, thua bạc, ông ra làm quan sớm”. Ban đầu làm huấn đạo huyện Thọ Xương, sau làm giáo thụ phủ Hoài Đức (Hà Tây) rồi tri phủ Thọ Xương. Giữa nơi văn vật Hà Nội, Hoàng Cao Khải được nhiều quan to biết tới, trong đó có Nguyễn Hữu Độ, Tổng đốc Hà Ninh (thay Hoàng Diệu sau khi ông tự vẫn) là một nhân vật trong phe chủ hoà với Pháp.

 

Sau ngày 19.5.1883 Rivière tử trận, quân pháp đánh đuổi các quan Nam triều, Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ và Tri huyện Hoàng Cao Khải chạy lên đất Từ Liêm. Chính phủ Pháp phái thêm quân tới Bắc kỳ và đặt chức Cao uỷ để uy hiếp Triều đình. Phủ Cao uỷ biết Nguyễn Hữu Độ thuộc phái chủ hoà, có thể chiêu dụ được; sai thủ hạ giám mục Puginier đưa thư Cao uỷ dụ hàng. Ngày 11.9. 1883 Nguyễn Hữu Độ “viết (thư trả lời) theo mệnh lệnh Cao uỷ” nói rõ: “Nước Nam và nước Pháp đã trở lại thân thiện, tôi không ngần ngại nữa, tôi sẽ lập tức đáp ứng lời gọi”. Vốn là người chủ hoà, ghét hai phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường; thì đây là cơ hội để Nguyễn Hữu Độ đoạt lấy công danh. Quả nhiên khi được Pháp nâng đỡ, Nguyễn Hữu Độ đã “qua mặt” triều đình; tự coi mình là Khâm sai ở Bắc.

 

Việc Nguyễn Hữu Độ “hiệu thuận” Pháp có liên quan gì đến cuộc đời “ôm chân” …  sau này của Hoàng Cao Khải không. Trong Hồi ký Au Tonkin,  Raymond Bonnal (Thống sứ đầu tiên tại Hà Nội) đã ghi rõ lời hẹn của Nguyễn Hữu Độ: “Tôi xin trình diện với cao uỷ ngày rằm tháng này (15.8 ta tức là 15.9.1883)” tại chỗ nào xin Ngài cho biết, và xin dẫn theo Tri huyện Thọ Xuân”. Chi tiết này được Giáo sư Hoàng Xuân Hãn bình luận thật thú vị: “Ai đưa con sáo sang sông? Nguyễn Hữu Độ chính là kẻ đưa con sáo vàng ấy”. Không sai vào đâu được. Trong 20 tháng ở Hà Nội, Nguyễn Hữu Độ được bổ bán các chức (chứ không phải là Triều đình nữa), dĩ nhiên là phải thoả mãn yêu cầu của các quan Pháp. Rồi sau khi Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi rời Kinh thành, Nguyễn Hữu Độ được Pháp đưa về Huế cầm đầu Viện Cơ mật, trước khi ra Hà Nội với chức Khâm sai thực thụ. Với quyền sinh quyền sát như vậy, Nguyễn Hữu Độ muốn giúp ai mà chẳng được. Trong hơn 5 năm, Nguyễn Hữu Độ đã đẩy Hoàng Cao Khải từ chức Tri huyện Thọ Xương thăng quyền Án sát Lạng Sơn, quyền Tuần phủ Hưng Yên, thự lý Tổng đốc rồi Tổng đốc Hải Dương. Trước khi mất (18.12.1888), Nguyễn Hữu Độ và chính quyền bảo hộ Pháp đã đồng tình chọn người thay thế là Hoàng Cao Khải. Tháng 8 năm sau (1889) Hoàng Cao Khải được thăng đến chức Khâm sai Kinh lược Bắc kỳ.

Con đường hoạn lộ của Hoàng Cao Khải, kể từ sau khi Pháp chiếm Bắc kỳ, là quá trình hợp tác đắc lực với Pháp. Năm 1884, Pháp đánh Lạng Sơn, Hoàng Cao Khải lúc bấy giờ lĩnh chức Án sát Lạng Sơn, tích cực bắt phu phen, sung võ bị. Khi Nguyễn Văn Thận bị Pháp xử tử, Hoàng Cao Khải lĩnh chức quyền Tuần phủ Hưng Yên đã quản lý mọi việc trị an rất vừa ý nhà binh Pháp. Lúc làm Tổng đốc Hà Đông, Hoàng Cao Khải giúp Thống sứ Bắc kỳ soạn nghị định về tổ chức bộ máy cấp xã Bắc kỳ.

 

Khi phong trào Cần Vương nổi dậy, quân đội Pháp ở Bắc kỳ tập trung bình định vùng thượng du và trung du, còn vùng Hải Dương và Bắc Ninh thì mượn thêm quan quân triều đình. Vì vậy, Hoàng Cao Khải chỉ mới hàm tam phẩm vẫn được quyền sung chức Tổng đốc Hải Dương, rồi Tổng đốc Bắc Ninh để đánh dẹp phong trào văn thân vùng đồng bằng.

 

 “Tài điều binh khiển tướng” (Chữ dùng của PGS-TS Chương Thâu) của Hoàng Cao Khải có thể thấy rõ trong suốt quá trình đàn áp cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.

 

Tháng 7.1887, Hoàng Cao Khải được vua Đồng Khánh giao đặc trách đàn áp cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Y cùng với giám binh Nây (Ney) dùng kế “tuyệt lương bách thú” (buộc nghĩa quân hết lương phải ra đầu thú) bằng cách đưa lính đồn Mỹ Hào về phá hoại hết lúa má, hoa màu trong vùng. Nguyễn Thiệt Thuật biết được ý đồ, bố trí quân phục kích đánh địch. Giám binh Nây, Bang tá Nguyễn Hữu Hào cùng 30 lính bỏ mạng trong trận đánh ngày 11.11.1888. Hoàng Cao Khải thoát chết trong gang tấc, trốn về đồn Mỹ Hào nhờ người dân Kẻ Sặt đưa đường chạy về Hải Dương. Sau thất bại này Hoàng Cao Khải thay đổi “chiến thuật”, mượn danh nghĩa Đồng Khánh dụ hàng Nguyễn Thiện Thuật; hứa sẽ khôi phục chức tước, bổng lộc. Nguyễn Thiện Thuật viết vào tờ sớ bốn chữ “Bất khẳng thụ chỉ” (không thèm nhận chỉ) giao trả lại Hoàng Cao Khải. Tháng 6.1889 Thống sứ Bắc kỳ ra lệnh thành lập đạo quân Tuần cảnh; giao cho Hoàng Cao Khải làm tư lênh trưởng, Muy-dơ-li-ê (Muselier) làm cảnh sát sứ, đạo này có cả Toà án quân sự để xét xử những “phần tử phản nghịch”. Hoàng Cao Khải tỏ rõ quyết tâm dập tắt cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, chỉ huy quân Tuần cảnh giao chiến ròng rã với nghĩa quân từ đó cho đến năm 1892 thì đạt được mục đích: phong trào nghĩa quân Bãi Sậy chấm dứt.

 

Không chỉ về “võ công” mà Hoàng Cao Khải còn nhiều lần trổ tài “văn từ”. Ngày 15.8.1889, Hoàng Cao khải chính thức được trao chức Kinh lược Bắc kỳ (người Pháp gọi là “phó vương” – vice roi), y tỏ rõ sự trung thành với Pháp bằng việc dụ hàng Đốc Tít tại vùng Đông Triều và Đội Vân tại vùng Bắc Ninh.

 

Là người khôn khéo, Hoàng Cao Khải chỉ đánh dẹp phong trào Cần Vương ở Bắc kỳ chứ không muốn dẫn quân về Trung kỳ. Nhưng vì muốn làm đẹp lòng người Pháp và cũng để tỏ rõ sự trung thành của mình; vào tháng 10 năm Giáp Ngọ (tháng 11.1894) Hoàng Cao Khải thực hiện mệnh lệnh của Toàn quyền De Lanessan viết thư dụ hàng Phan Đình Phùng, người đồng liêu (cùng đỗ cử nhân), đồng ấp (cùng làng Đông Thái) và có quan hệ thông gia với y đang lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh). Bức thư đã phơi bày tâm tính của con người chính trị cơ hội, từ bỏ giang sơn, dân tộc để cầu vinh ở Hoàng Cao Khải: “ Ngày Kinh thành thất thủ, xe giá vua bôn ba, mà ngài mạnh mẽ đứng ra ứng nghĩa, kể sự thế lúc bấy giờ, ngài làm vậy là phải lắm. Song le, sự thế gần đây đã xoay đổi ra thế nào, thử hỏi việc đời có thể làm được nữa không, dầu kẻ ít học thức, kém trí khôn, cũng đều trả lời không được”. Hoàng Cao Khải không hề dấu diếm mối thâm giao của mình với người Pháp: “Nay nhân quan Toàn quyền trở lại, đem việc tỉnh ta bàn bạc với tôi”, “Tôi với quan toàn quyền vốn có tình quen biết với nhau lâu, lại với quan Khâm sứ ở Kinh, và quan Công sứ Nghệ Tĩnh, cùng tôi quen thân hiệp ý nhau lắm”. Và không tiếc lời tán dương: “Ngay thử nghĩ xem: quan Toàn quyền là người khác nước, muôn dặm tới đây mà còn có lòng băn khoăn lo nghĩ tới dân mình như vậy thay, huống chi chúng ta sinh đẻ lớn khôn ở đất này”. Tệ hai hại hơn, viên quan Kinh lược Bắc kỳ còn đổ tội, cho rằng “quê hương điêu đứng xiêu tàn” là do hành động “không không làm tràn tới mãi” (khởi nghĩa đến cùng) của nghĩa quân và những người lãnh đạo khởi nghĩa như Phan Đình Phùng, chứ không phải do quan quân Pháp và tay say.

 

Với những lý lẽ mê muội như vậy, dĩ nhiên là cụ Phan - một nhà nho yêu nước - sẽ khước từ. Bức thư cụ Phan trả lời viết nhẹ nhàng nhưng khẳng khái, tử tế mà cương quyết. Cụ chỉ trích lại những kẻ theo Tây, rằng nhân dân bị khổ không chỉ do bởi chiến tranh mà còn bởi những kẻ thừa dịp đổ vạ cho nhân dân để vinh thân phì da. Cụ đem quân mạng và dân tâm ra hỏi lại Hoàng Cao Khải nếu gặp cảnh ngộ ấy thì phải làm thế nào; “tự nhiên thấy rõ ràng, có cần gì đến tôi nói dông dài nữa”.

 

Đọc xong bức thư trả lời của cụ Phan Đinh Phùng, mặt Hoàng Cao Khai biến sắc vì mất thể diện. Hoàng Cao Khải sai dịch bức thư ra tiếng Pháp, gửi trình Toàn quyền Lanessan kèm với lời đề nghị: “Bản chức đã lấy hết sự thế lợi hại để bày tỏ, khuyên nhủ Phan Đình Phùng ra hàng, nhưng y vẫn tỏ ý hôn mê bất muội, giờ xin chính phủ bảo hộ vì dân mà dùng binh lực tiểu trừ cho hết văn thân loạn phỉ”.

Cuối đường công danh, Hoàng Cao Khải được đưa về Huế giữ chức Phụ chánh thứ hai, sau Nguyễn Thân là Phụ chánh thứ nhất. Cùng là tay chân của chính phủ bảo hộ Pháp, vậy mà  hai người có mối tư thù, tư oán đến nổi  Nguyễn Thân suýt lấy mạng họ Hoàng.

 

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết rằng: “Tuy có kẻ nói ông có lúc được vinh quy bái tổ, nhưng theo tôi nghe biết thì ông không hề dám về quê hương”. Có lẽ vì thế mà sau ngày hồi hưu, Hoàng Cao Khải về sống trên khoảnh đất ấp sắc (phần thưởng của thực dân Pháp) của mình đặt tên Thái Hà (tên làng và tên tỉnh mình) chứ không thể về quê.

           

Trong một bài nghiên cứu, Tiến sĩ Bùi Xuân Đính cho biết: Ấp Thái Hà nằm trên phần đất của bốn làng: Thịnh Quang, Nam Đồng, Khương Thượng và Yên Lãng (Láng), nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội.

 

Ấp Thái Hà có tổng diện tích 150 hécta. Vì toàn bộ đất đai nằm trên thế trũng, Khải cho đào mương máng ngang dọc, xung quanh để tiêu nước, đất đào lên để tôn nền, rồi chia thành vài chục lô vuông vắn. Khu dinh cơ của Khải chiếm một phần tư ấp, ở góc đông nam đường cái gồm có tư dinh (toà nhà chín gian) nằm sâu trong cổng chính, cổng phụ, cầu bắc qua hào, tường bao quanh kín đáo, trong nhà trang trí lộng lẫy, với các bức hoánh phi, câu đối, bức trướng, các sập gụ, các đồ đồng, đồ sứ quý giá; lăng tẩm có nhà tiền tế, đường thần đạo đi giữa hai dãy nhà tượng quan quân chầu hầu nối với chính tầm xây bằng đá đẹp; nhà phía trái là sinh từ (đền thờ sống Khải). Vào dịp sinh nhật mình hoặc khi có việc vui, các dịp khánh tiết, Khải thường tổ chức các chầu hát, quan lại các tỉnh về dự khá đông, lại có cả bơi thuyền tại hồ vuông ở phía ngoài.

 

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng nhận xét rằng: “Hoàng được một lũ quan lại nịnh bợ, nhưng cũng biết những no sĩ chân chính chê và ghét mình, cho nên cố làm những việc có tính cách “ái quốc” … Từ khi được ban đất phong tước, y lập ra ấp Thái Hà, xây dựng dinh kinh để ở, hội những văn nhân để ngâm vịnh”.

 

Vậy, việc lập ấp Thái Hà có phải thực tâm Hoàng Cao Khải muốn giúp đỡ người phương xa và người nghèo khó như PGS-TS Chương Thâu viết hay thực chất là  để Hoàng Cao Khải, con cháu và đám gia nhân an lạc?

 

Năm 1919, Hoàng Cao Khải tổ chức lễ thọ 70 tuổi, nhân đó Báo Nam Phong số 22 (tháng 4.1919) có thơ chúc thọ:

 

Con cái một nhà hai tổng đốc.

Pháp Nam hai nước một công thần.

 

Thơ nịnh bợ không chút che dấu, nhưng nói lên được điều thật về “nhân thân” và gia đình Hoàng Cao Khải. Hai con trai Hoàng Cao Khải là Hoàng Trọng Phu (Tổng đốc Hà Đông) và Hoàng Mạnh Trí (Tổng đốc Nam Định), cháu là Hoàng Gia Mô (Tri huyện Vĩnh Bảo) đều là những cộng sự đắc lực cho thực dân Pháp, đàn áp những người yêu nước. Hoàng Gia Mô bị hành quyết tại huyện đường Vĩnh Bảo trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân đảng.

 

2. Con đường hoạn lộ của Hoàng Cao Khải gắn chặt với quá trình áp đặt sự cai trị của thực dân Pháp ở Trung kỳ và Bắc kỳ. Thời thế đã tạo ra một công thần kiểu “Nam - Pháp” như Hoàng Cao Khải; nhưng chính Hoàng Cao Khải cũng không quên hành động tạo thời thế. Có điều - con người hành động - của Hoàng Cao Khải hoàn toàn đối lập với lợi ích dân tộc. Điều này đã được Thống sứ Raymond Bonnal ghi trong hồi ký Au Tonkin và đã được Giáo sư Hoàng Xuân Hãn dẫn ra nhiều đoạn trong một bài viết có liên quan: “Nguyễn Hữu Độ đến Hà Nội đúng hẹn, trình diện với Cao uỷ. Cao uỷ sai người dẫn đến tôi… Có một thanh niên theo ông ta, mặt mũi thanh nhã, thông minh, mà ông giới thiệu với tôi là Tri huyện Thọ Xương, ở trong lòng Hà Nội. Tên y Là Hoàng Cao Khải. Tôi tiếp hai viên này một cách khoan hồng, và gắng hứa tương lai vững chắc của họ. Thấy tôi đối đãi nhã nhặn, cả hai đều cảm kích. Sau khi tôi hẹn sẽ lập lại cho cả hai quan chức và nghi vệ cũ”. Bonnal đánh giá khả năng phục vụ của Hoàng Cao Khải: “Tính tình cương quyết, có nhiều tham vọng. Y cũng vậy (ý nói cũng như Nguyễn Hữu Độ - N.H chú thích), sẽ tận lực bình định Bắc kỳ. Hoạn lộ rất cao là phần thưởng xứng đáng cho các công huân của y đối với chính quyền của y (triều đình Đồng Khánh – N.H chú thích) và nhà nước bảo hộ Pháp ”. Với một thái độ phục tùng tuyệt đối người người Pháp, Hoàng Cao Khải còn không coi Viện Cơ mật ra gì (không chịu về Kinh theo lệnh) và cảnh giác cả với triều đình: “Hoàng Cao Khải, còn trẻ, hăng hái, có nhiều tham vọng, thì đã nhất quyết chọn phe ta. Tin tưởng rằng sự tiến hành của chúng ta sẽ thành công, y ít để ý đến ý nghĩ của triều đình, và chỉ cẩn thận tránh khỏi bị đầu độc, bằng cách sai bà vợ cả (chỉ con bác Phan Đình Phùng) nấu ăn và trữ ngầm nước uống”.

 

Quả thực phủ Cao uỷ Pháp đã không nhìn nhầm người, tinh thần và khả năng phục vụ người Pháp của Hoàng Cao Khải không hề thua kém Nguyễn Hữu Độ (như đã trình bày ở phần 1). Cả hai đều được đánh giá là “tin cậy và tận lực”.

 

3. Là một “công thần” tôn nghiêm hiển hách và hơn thế nữa, như một ông vua ở Bắc kỳ, thiếu gì người đến xu phụ, bợ đỡ Hoàng Cao Khải để cầu hư vinh. Nhưng những nho sĩ chân chính đương thời và người đời sau thì đều coi khinh nhân cách họ Hoàng.

 

Chuyện kể lại rằng có lần một vị khách tới dinh yết kiến “cụ Quận” (Quận vương); Hoàng Cao Khải tiếp một cách do dự, rồi chỉ vào con chim hoạ mi trong lồng bảo vị khách vịnh thơ. Chỉ chờ có thế là vị khách trổ tài. Thơ rằng:

 

Hoạ mi ai vẽ ra mi ? (Hoạ là vẽ, mi tức mày)

Sắc mi cũng đẹp, hót thì cũng hay (hót là sự nịnh nọt)

Ai đưa mi đến chốn này (ám chỉ Nguyễn Hữu Độ)

Nước trong gạo trắng ngày ngày mi xơi

Lồng son ống sứ thảnh thơi (Ý nói sự mê muội trong công danh)

Mi bay mi nhảy sướng đời nhà mi! (cử chỉ khi làm quan)

Khen cho mi cũng gặp thì

Rừng sâu mi có nhớ gì nữa không ? (ám chỉ Phan Đình Phùng).

 

Mới liếc qua, Hoàng Cao Khải hiểu ẩn ý bài thơ. Tái mặt, cười nhạt rồi tiễn khách.

Một số ý kiến cho rằng bài thơ do Tàn Đà - Nguyễn Khắc Hiếu sáng  tác tại chỗ trước mặt Hoàng Cao Khải. Tản Đà đi cùng cử nhân Ngô Thế Phổ (Tả Thanh Oai, dòng dõi Ngô Thời Sĩ); đọc xong bài này, cả hai ra xe tay thuê sẵn đi luôn; nhưng Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho biết – theo như lời người cha kể lại – thì tác giả là một ông đồ xứ Nghệ.

 

Còn đây là bài thơ gắn với tên tuổi ẩn sĩ Phan Điện, người cùng xã Tùng Ảnh với Hoàng Cao Khải, một nhà nho xứ Nghệ vừa mới vừa cũ, có tư tưởng chống Pháp, ghét triều Nguyễn bất lực. Khi hay tin họ Hoàng cho dời đền Trung liệt đến gò Đống Đa (Trước kia đền Trung Liệt ở khu Văn Tân, thờ trung thần liệt sĩ Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Nguyễn Cao và có tài liệu thêm cả ông Đoàn Thọ và Trương Quốc Dụng) rồi rắp tâm đổi tên thành Trung lương (nghĩa là trung thần và lương tướng) để bắt dân thờ luôn cả Hoàng Cao Khải đang sống; Phan Điện bèn có thơ rằng:

 

“Các cụ liều thân bỏ chiến trường

Ai đem Trung liệt đổi Trung lương

Thờ bên trung trực bên gian nịnh

Thế cũng đền đài cũng khói hương!

Thơm thúi lẫn nhau mùi tắc họng

Ngọt ngào đầu lưỡi miệng không xương

Nhà nho lại có thằng nào đó

Luồn cúi vào ra bợ cụ Hoàng.”

 

Lãng Nhân – Phùng Tất Đắc, nhà văn thành danh hồi nửa đầu thế kỷ 20 trong cuốn “Hương sắc quê mình” viết lại đoạn cuối cuộc đời Nguyễn Cao (nguyên Án sát Lạng Sơn, theo Cần Vương chống Pháp, bị thương ở bụng, bị bắt về Hà Nội) như sau:

Hoàng Cao Khải trách Cao là không có lòng trung nghĩa, hứa bổ vào chức cao nếu chịu ra làm việc cho nhà nước. Cao từ chối. Hoàng cho đem hình cụ tra tấn ra doạ. Cao mĩm cười:

- Tôi đâu có sợ chết, sẽ có cách tự xử khỏi phiền đến ai…

Chàng thò tay rút ruột vứt lên mặt Hoàng Cao Khải, hỏi:

- Lòng tao đây, mày xem đoạn nào là không trung nghĩa?”

Nhiều tài liệu còn chép rằng, khi Hoàng Cao Khải theo Pháp muốn làm Phó vương, bắt các quan trong Triều phải ký vào biểu dâng lên Vua, Cao Xuân Dục bấy giờ là Đông các đại học sĩ, một trong tứ trụ Triều đình đã đề vào mấy câu:

 

“Thiên vô nhật nhị

Quốc vô lưỡng vương

Thần Cao Xuân Dục

Bất khả ký”

(Trời không có hai mặt trời. Nước không có hai vua. Thần Cao Xuân Dục. Không thể ký).

 

Sau thái độ dứt khoát này, ông bị giáng chức về làm Tri phủ huyện Quốc Oai.

Sinh thời, Nguyễn Khuyến bất đắc dĩ phải đến tư dinh Hoàng Cao Khải dạy học (thực tế là Hoàng Cao Khải cho “mời” đến đề giám sát). Nhà thơ vốn không ưa gì họ Hoàng cùng đám quan lại bợ đỡ. Tương truyền khi Hoàng Cao Khải mừng thọ 50 tuổi, tổ chức vịnh thơ, Nguyễn Khuyễn có làm bài ca trù “Hỏi ông phổng đá” có đoạn:

 

Ông đứng làm chi đó hỡi ông ?

Trơ trơ như đá, vững như đồng.

Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?

Non nước đầy vơi có biết không?

 

Một lần khác, Hoàng Cao Khải có dịp đi ngang qua Hà Nam, nhắn cho biết sẽ ghé thăm nhà Nguyễn Khuyến. Hôm đó đúng 23 tháng chạp, Nguyễn Khuyến sai người dựng cây nêu, treo một chiếc đèn lồng và một vế đối:

 

Kiết kiết can mao, tiết đáo kinh thiên phù nhật nguyệt

(Chót vót cờ mao, Tết đến chống trời phò nhật nguyệt)

 

Ý nói cây nêu cao có treo đèn, nghĩa bóng tỏ chí khí bậc túc nho. Vế đối lơ lửng cốt để nhử họ Hoàng vào tròng. Quả nhiên khi đọc xong Hoàng Cao Khải khen hay và đòi Nguyễn Khuyến viết nốt vế thứ hai. Chỉ chờ có thế, nhà thơ dẫn họ Hoàng vào tận bếp. Vế đối thứ hai dán cạnh mấy ông đầu rau:

 

Mang mang khối thổ, thời lai tảo địa tác quân vương

(Mênh mông khối đất, gặp thời quét rác cũng làm vua)

 

Nghĩa đen chỉ mấy ông đầu rau bằng đất là vua bếp, nhưng thâm ý muốn chơi xỏ viên Kinh lược Bắc kỳ được coi là Phó vương.

 

Còn nhiều những câu chuyện tương tự được lưu truyền có cả sự thật lẫn giai thoại; nhưng đều cho thấy một điều rằng: dư luận đương thời chỉ trích mạnh mẽ Hoàng Cao Khải. Và điều này – nói như Giáo sư Đinh Xuân Lâm về trường hợp Lê Hoan khi trả lời nhà báo Hồng Thanh Quang – là một trong những cơ sở để căn cứ nhìn nhận, đánh giá về nhân vật.

 

Trở lại với “Việt sử yếu” và một số thơ vịnh khác, dù rằng Hoàng Cao Khải cố làm cho có tính cách “ái quốc”n  Quanghaie (nói như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn) để che đậy “hành trạng” của mình với hậu thế (điều này cũng có thể thấy ở Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Hữu Bài, Tôn Thọ Tường và một số nhân vật khác); thì nó vẫn có những đóng góp nhất định đối với văn hoá. Nhưng không vì thế để có thể nói ngược lại, khi “hành trạng” của nhân vật đã “đóng đinh” vào lịch sử.

Nguyễn Hùng
Số lần đọc: 5743
Ngày đăng: 08.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lê Văn Duyệt : Một tài năng lớn về quân sự, chính trị, kinh tế - Lê Ngọc Trác
Lịch sử những cuộc bách hại - Nguyễn Hữu An
Về di tích Bàu Thành - Phạm Quang Minh
Có hay không Thống chế Trần Đồng?(*) - Phạm Quang Minh
Nguyễn Hoàng và bước đầu tiến vào vùng Nam Trung Bộ - Nguyễn Thị Hậu
Văn chương và lịch sử - Phác thảo một cách nhìn - Nguyễn Mạnh Hà
Người tôn vua Duy Tân và cứu Phan Châu Trinh thoát khỏi án chém - Nguyễn Hoàn
Góp một cách nhìn về Lịch sử Nhật Bản - Hà văn Thùy
Thử phân biệt truyền thuyết và lịch sử - Võ Phúc Châu
Nhiệm vụ nghiên cứu sử - Khổng Ðức