Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
586
116.537.689
 
Đọc thơ Nguyễn Huỳnh Sa , Đá mặn nghiêng đời nghe biển vỗ.
Nhiều Tác Giả

Đọc thơ Nguyễn Huỳnh Sa , Đá mặn nghiêng đời nghe biển vỗ.

(Đọc tập thơ Đá mặn nghiêng đời nghe biển vỗ, Hội VHNT Bình Thuận, quí IV, 2008).

 

Những ngày cuối năm, cái đất địa phương Nam, hai mùa mưa nắng, bỗng dưng trời đất se se lạnh, man mác một nỗi niềm vu vơ thương nhớ...

 

Không dưng, thèm muốn một ngày ra với biển, thì sáng nay, bưu điện chuyển đến một món quà...từ biển. Một món quà mang ý vị tinh thần, trang nhã mà trìu trĩu tấm lòng của người tặng.

 

Tôi muốn đề cập đến tập thơ Đá mặn nghiêng đời nghe biển vỗ của Nguyễn Huỳnh Sa, do Hội VHNT Bình Thuận ấn hành, quí IV, năm 2008.

 

Nguyễn Huỳnh Sa, một tác giả thơ quen thuộc của Bình Thuận, thơ anh có mặt trên nhiều báo tạp chí của địa phương và TW. Anh gốc người ở Mũi Kê Gà, Hàm Thuận Nam. Hiện đang sinh sống và công tác ở Tân An, Hàm Tân- Lagi.

 

Cái tên tập thơ, nghe có vẽ hơi dài dòng, nhưng 39 bài thơ trong tập lại là sự chắc lọc, rút ra từ sự trải nghiệm cuộc sống với những thăng trầm vất vả của những người con xứ biển, mà Nguyễn Huỳnh Sa là một. Đọc thơ anh, tôi có cái liên tưởng về một vùng đá sừng sững, ngỗn ngang, có những nét đẹp riêng, không làm mê đắm lòng người, cũng làm người ta ngạc nhiên, thích thú. Khi tận mắt được nhìn những hòn đá ở mũi Kê Gà, quê Sa. Và đấy là hòn đá...mặn. Mặn vì sóng và nước biển. Mặn vì những tinh thể muối, bám chắc vào đá, như những tình thơ và ý thơ mà Nguyễn Huỳnh Sa ấp ủ, mắc nợ...

 

" Rồi sẽ có một ngày tôi rảnh nợ/ Về lại xưa nơi Tổ thuở riêng ngồi/ Sẽ luồn lách nếm tận cùng vị gió/ Hứng tràn lòng từng giọt đá tong rơi..."(Hang Tổ, trang 46).

 

Để rồi có lúc người thơ lại phải tự hỏi : "Đá cũ đâu mà đây chùa Cổ Thạch?/ Nỗi niềm chi cong sợi khói lư trầm..." và " cát mặn mòi, môi mặn muối tìm nhau" (Sớm xuân chùa Cổ Thạch, trang 44).

 

Nhưng với cái tình thơ, ý thơ ấy, cũng là cái nghiệp vận vào thân, cho nên nhà thơ cũng phải: "Đợi gì ! biển cạn lòng sâu/ Xin cùng Núi Cú bạc đầu sau mưa" (Sau mưa ngày núi Cú, trang 45)

 

Thơ Nguyễn Huỳnh Sa viết về mẹ thật đằm thắm và cũng thật da diết :"Ta chạm nhằm đêm tháng chạp xa xôi/ Lá chuối xanh bỗng ngọt ngào mật cốm/ Chiếc quạt mo cau nở bầy đom đóm/ Khuya bập bùng lay bóng mẹ trầm ngâm..." và "Hứng mặt trời trong cõi tết mênh mông/ Vẫn chưa đến tận cùng đêm-giáp-tết/ Làm sao hiểu những gì chưa hiểu hết.../Xin thắp lòng dâng mẹ chút tàn đông." (Giáp Tết, trang 21).

 

Những bài thơ Nguyễn Huỳnh Sa viết cho con anh, là những bài thơ có tứ lạ. Hồn nhiên nhưng vẫn khắc khoải phận người...dâu bể : "Phải đâu tại cái bút chì/ Mà con gọt mãi làm chi thêm phiền.../Con gà gọi mặt trời lên/ Chữ O nào có tròn trên miệng gà/ Chiếc bong bóng xẹp góc nhà/ Chữ O con xẹp cũng là tự nhiên...", " Thôi đừng gọt nữa con ơi/ Ba đã gọt hết phần đời của ba/ Mà O tròn...vẫn tiếng gà/ Chữ O ba có bao giờ tròn đâu?" (Chữ O, trang 27).

 

Hay như bài (Chong chóng) : "Lá dứa biển ba thắt thành chong chóng/ Tuổi thơ con xoay vun vút gió đồng/ Xếp giấy vở con tập làm chong chóng/ Góc sân trường chờ ngọn gió đi rong...", " Buổi quay về lạo xạo cát quanh chân/ Khách sạn, nhà hàng chiều lô nhô bãi/ Gặp lá dứa níu vai mình đau nhói/ Chong chóng ngậm ngùi, chong chóng của ba xưa." (trang 71)

 

Thơ Nguyễn Huỳnh Sa vẫn cái giọng đều trầm bổng, mềm mại như tiếng sóng, trung thành với lối thơ truyền thống, nhưng không cũ, mỗi bài thơ như những hạt muối, nhờ gió, nhờ sóng...đưa vào từng mặt đá, vẫn ánh lên cái riêng của anh, khi anh đã tâm niệm : " Ai đem quả nhựa lên chùa/ Con chim két vẫn nhớ mùa hái mơ/ Người ta công nghệ hóa thơ/ Con cò còn đậu bến bờ ca dao/ Khúc ru mẹ tự thuở nào/ Vẫn vương mía mật hai đầu võng đưa.../ Mình xưa/ Có mẹ mình xưa.../Lẽ nào lạ tiếng ầu ơ.../lẽ nào?" (Khúc ru mình ,trang 67)

 

Điều tôi nghĩ về anh, nhà thơ Nguyễn Huỳnh Sa, qua tập thơ của anh, đó là hòn đá mặn, đến từ biển, mang cái phong vị của biển, như anh đã viết :" Lạ chưa! Trầm tích kết hòn/ Từ đâu, từ đẩu lăn tròn lại ta." ( Một tôi, trang 74), có lẽ không lạc điệu? Cũng như tôi rất vui mừng giới thiệu với bạn đọc một tập thơ nên đọc...cũng chẳng quá lời chăng .

 

Vàm Cỏ, tháng 12/2008.

Trần Hoàng Vy.

   

Đọc thơ Nguyễn Huỳnh Sa 

( tập thơ Đá mặn nghiêng đời nghe biển vỗ- Hội VHNT Bình Thuận – 10/2008)

 

Rất thật lòng, với tôi thì đây là một tập thơ đầy đặn về cảm xúc, về biểu cảm và thâm trầm để không phải ngỡ ngàng bởi những điều tưởng chừng đơn giản mà vận vào người đọc nhiều cảm nhận đẹp, trong lành.

 

Nguyễn Huỳnh Sa có độ dài thời gian với thơ nhưng về số lượng tác phẩm thơ của anh không mấy nhiều. Có lẽ “không mấy nhiều” đó là một sự chắt chiu, cô đọng, gạn đãi để rồi sinh nở nhiều câu thơ hay. Cái hay của an nhiên tự tại, của nỗi khắc khoải mà như không phải của chính mình. “Anh không biết/ sao cà phê lại đen/ mới vỡ lẽ/ bông cà phê rất trắng”- lại là câu hỏi trong những bài thơ anh viết như một lời tự sự đó đây trong tập thơ gồm 40 bài mỏng mảnh, đầy êm ả của khúc đồng dao và chút tinh khôi của cỏ cây hoài niệm. Một ý niệm về cuộc đời khi nghĩ về thân phận hay rung động trước cái không gian tĩnh lặng của biển trời: “Biển gởi vào ta/ những mặn mòi, xa xót/ Ta mượn biển trời/ bèo bọt để trăm năm”.

 

Trái với nhiều người, một câu thơ “làm ra” đều thấy quí bằng cả mê say nên không mệt mỏi xong tập này tiếp tập khác. Dù có thông cảm nhưng cũng nghĩ lại thương cho thơ. Với Nguyễn Huỳnh Sa vẫn cái chân chất thô mộc, hồn nhiên từ cuộc sống đã tạo nên một phong cách giàu cảm thức và có sức mẫn cảm dịu dàng. Anh không có ý định bắt thơ phải là một thái độ sống nhưng tự thân nó đem đến cho người đọc bao điều nghĩ ngợi về những gì quanh ta, về tình người “kết cho đời vị mặn”…Có mỗi một “chữ O” với cái bút chì thuở dạy con tập tễnh vở lòng, người cha người mẹ nào cũng từng gặp, như anh đã thì thầm “ Thôi đừng gọt nữa con ơi/ Ba đã gọt hết phần đời của ba”. Không riêng tôi, mà nhiều bạn thơ đã nói về bài “Chong chóng” có những câu thơ như rút ruột và ai cũng cảm được nỗi xót xa:

 

“ Xếp giấy vở con tập làm chong chóng

Góc sân trường chờ ngọn gió đi rong

Trước sân đời đâu dễ cứ lông nhông

Cứ đợi gió xuôi chiều xoay cuộc sống

Không lá dứa con vẫn là chong chóng

Trận trốt đời ràn rụa quất sau lưng…”

 

Người ta thường biết “ràn rụa” chỉ có nước mắt tuôn đầy và nước mắt phải từ một nỗi đau điếng lòng. Hiển hiện bóng dáng của mình, của tuổi thơ : “Chong chóng ngậm ngùi/ chong chóng của ba xưa”. Chính vì trong thơ Nguyễn Huỳnh Sa luôn tự vấn, luôn hoài nghi nhưng tự nó đã giải bày, từ hư không sang thực tại, từ hữu hạn đến vô cùng…không những chỉ tìm ở Nguyễn Huỳnh Sa qua tập thơ này chừng đó mà sẽ thấy ra những điều bất chợt có khi mình từng hơn một lần thấm thía. Một “chấm lửng” với anh thôi mà bàng hoàng nỗi nhớ. Đó cũng là sự tinh tế, chân thật, thiết tha đã làm nên sức rung cảm trong thơ anh. Tôi chỉ tin một phần của câu nói “văn là người” nhưng với Nguyễn Huỳnh Sa tôi thực sự thấy rõ ở cái đủng đỉnh của nỗi khổ đau, bộn bề cuộc sống đã vào thơ anh một cách nhẹ hẫng mà cay xót đến tận cùng. Anh không tuyên ngôn nhưng mà lời thơ anh là sự bày tỏ đầy tính thiền một cách thong dong. Đây là tập thơ đích thực !

 

PHAN CHÍNH

Nguồn tin : Blogtiếngviệt.net 

 

 

đá mặn nghiêng đời nghe biển vỗ

thơ Nguyễn Huỳnh Sa

 

Cuộc sống làm nên tính cách/ Hoàn cảnh tạo ra nhà thơ...  điều đó có thể đúng ở Nguyễn Huỳnh Sa, một "giọng thơ tài tử" khá được yêu mến trong lòng "người yêu thơ Bình Thuận" và đông đảo độc giả: "vanchuongviet.org" gần đây...

Là một trong 10 Tác giả của địa danh Lagi... được Lê Ngọc Trác tỏ sự mến mộ trong tập sách: "Một chút tình thơ"  cùng với các danh sĩ một thời như: Nguiễn Ngu Í, Xuân Ly Băng, Vũ Hồ, Đỗ Hồng Ngọc...

"đá mặn nghiêng đời nghe biển vỗ" tập thơ đầu tay, chắt lọc của hơn 30 năm thơ Nguyễn Huỳnh Sa, Hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Thuận xuất bản, PHÁT HÀNH QUA MẠNG! Số lượng khá "khiêm tốn" (500c).

 

Xin mời Bạn Đọc ỦNG HỘ TÁC GIẢ, đăng ký mua sách >> gởi địa chỉ của Bạn đến số di động: 0122.378.4787

Sách sẽ được gởi qua đường Bưu Điện (không tính thêm cước phí). Sau khi nhận được sách các bạn có thể thanh toán bằng Bưu phiếu gởi cho: Nguyễn Đăng Vân, 102 Lê Lợi, Thị xã Lagi, Tỉnh Bình Thuận.(Giá bìa: 25.000đ/c)

 

Thái Anh

http://thaianh.vnweblogs.com/post/1229/107074

 

Nhiều Tác Giả
Số lần đọc: 3054
Ngày đăng: 08.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Năm trăm đồng - Trương Anh Sáng
Tinh thần thể dục - Lệ Hoa
Câu chuyện về bài thơ ,bài hát mưa đêm nay - Nguyễn Quốc Nam
Huế ơi ! Tôi vẫn còn thương - Minh Tứ
Núi thiêng Kailash - Tiểu Anh
Nhà văn Sao Mai với buổi trưa cổ điển - Vân Long
Tập truyện ngắn Giữa Trần Gian và Địa Ngục, (gồm 18 truyện) dày gần 200 trang khổ 13x20 - Khổng Ðức
Miên man Bồ Giang - Ngô Thiên Thu
Trao đổi với Đình Kính : Văn chương thời nào cũng có truyện hay truyện dở - Hào Vũ
Khủng hoảng của xã hội hôm nay phải chăng là khủng hoảng về niềm tin? - Nguyễn Hữu An
Cùng một tác giả
Chia Buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Cảm tạ (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
CHIA BUỒN (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn. (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin Buồn (văn hóa)
Phở Việt Nam (văn hóa)
CƠN MÊ (thơ)