Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
505
116.586.149
 
Có một tình yêu như thế
Mang Viên Long

Trong ngày giỗ của anh Minh hình như anh Hạ có nói một câu ví von nghe rất cải lương, nhưng Học cảm thấy cũng có lý . “Tuổi của bọn mình là lúc mặt trời đang đứng bóng sắp ngã về chiều, rồi sẽ chìm dần vào hoàng hôn mờ mịt – ánh sáng đang mất vào bóng tối…”. Anh giải thích ,tuổi trẻ là ban mai, là ánh bình minh đầu ngày của đời sống. Trên ba mươi, tuổi “tam thập nhi lập” – đã là buổi trưa – ánh nắng thật rực rỡ, gay gắt. Và sau cái tuổi gọi là “tri thiên mệnh”, thì bóng chiều đã ập tới… Cuộc đời rút lại chỉ gọn trong một ngày, sáng trưa chiều tối – ngắn ngủi và nhanh chóng nhưng Học đã “bỏ quên” cuộc đời của mình giữa bộn bề gian nan phiền luỵ, mãi cho đến khi Ái Liên ra đi - Mặt trời đã đang chếch về chiều !

 

Học thường ngồi trầm ngâm tư lự một mình nơi góc vườn có tảng đá phẳng như mặt bàn và một khúc cây xoài cổ thụ cưa thấp làm ghế ngồi. Chỗ ngồi ấy, Học đặt cho nó một cái tên là “Ngã Rẽ”; nơi “ngã rẽ” ấy – anh thường nhìn ngoái lại con đường đã qua, và phân vân trước hai con đường trước mặt.

 

Ái Liên đã được người anh bảo lãnh sang định cư ở Pháp gần một năm – nhưng từ hai năm trước, tình yêu hình như đang tan mờ dần khi nàng báo cho Học biết, nàng phải vào Saigon để hoàn tất thủ tục bảo lãnh và tham dự phỏng vấn. Đến ngày ấy, nàng mới cho Học biết rõ, là nàng đã quyết định ra đi. Có lẽ, với nàng – thì ý định rời bỏ quê nhà ,chồng và hai con ra đi, đã nhen nhúm từ rất lâu rồi ! Học nghĩ mình đã khờ dại vì mải mê với cái bóng hạnh phúc mà anh đã ngỡ là có thật, là của mình, bên cạnh tình yêu thương dành trọn cho vợ con. Khi được báo tin – Học ngớ ngẩn và bàng hoàng như người còn chìm đắm trong giấc chiêm bao. Giấc chiêm bao khi anh đang mở to đôi mắt nhìn Ái Liên, vừa kinh ngạc, vừa đau sót : “Em nói thật vậy sao? “

- Em nói thật – Ái Liên tỉnh táo đáp , không lộ chút xao xuyến. Dường như là nàng đã chờ đợi giây phút phải nói lời ấy từ lâu. Gương mặt nàng lạnh và  u ám, nặng trĩu.

- Có nghĩa là em chọn đời sống khác với anh và con ?

- Anh nên tự biết đừng hỏi em câu ấy…

- Anh không thể “tự biết” được, vì từ giờ phút này, anh chỉ “tự biết” được một điều, là anh không hề hiểu được lòng dạ của em như anh đã nghĩ bấy lâu mà thôi ! Đã tròn hai mươi bốn năm rồi…

Cả hai đều im lặng. Ái Liên thờ thẩn. Còn Học cũng thẩn thờ. Anh như chợt tỉnh, đôi môi lệch một nụ cười :

- Sông biển còn dễ dò, lòng người thật bí hiểm – Học thoáng nhìn về phía Ái Liên ; tâm địa của con người điên đảo là một rừng tội lỗi kia mà … Anh thật tình không không trách gì em, nhưng anh quá đỗi ngạc nhiên vì sự thơ ngây khờ khảo của mình khi yêu em , đặt trọn niềm hy vọng vào em.

-Thôi, anh đừng nói gì thêm nữa . Ái Liên khẽ đáp đứng dậy, liếc nhìn Học – tia nhìn lạnh ngắt như được toát ra từ khối băng nơi thân thể nàng.

 

Trong gần hai năm sống trong chờ đợi ngày Ái Liên nhận visa, đăng ký vé máy bay – Học luôn thầm mong cho Ái Liên được sớm ra đi, mà thời gian thì cứ nhẩn nha bước từng bước một. Trong lúc Học thì bồn chồn, ray rức, sa sút thấy rõ – thì ngược lại, Ái Liên lặng lẽ thong dong – dường như nàng không hề để ý tới thời gian hay thầm mong cho tháng ngày đi chậm lại. Điều này, có lúc Học đã nhận ra, và càng khiến anh khổ đau hơn. Một cái bóng sắp vỡ, nhưng vẫn còn chờn vờn quanh anh, như đùa cợt, trêu chọc trước nỗi bất lực của mình. Đôi lần Học muốn can ngăn, hay cũng có thể nài nỉ Ái Liên đổi ý – nhưng cứ nhìn thấy dáng nàng lầm lũi, lạnh lùng – vừa tội nghiệp vừa hiu hắt, Học không biết bắt đầu thế nào để kéo lại sự nồng nhiệt, sự đằm thắm của những năm tháng cũ. Lời nói đã trở nên vô dụng mất rồi !

 

Ái Liên vẫn lặng lẽ làm việc. Vẫn ly café cho Học mỗi sáng đặt ở bàn. Vẫn gọi điện thăm hỏi con gái ở Saigon. Vẫn chăm lo và săn sóc việc nhà như mọi ngày – nhưng tuyệt nhiên không có tiếng cười. Hoạ hoằn, nàng chỉ nhếch môi – nét mặt chợt sáng lên rồi lụn tắt. Ngay cả lúc ngồi bên con trai trò chuyện, nhắc nhở việc học hành, thi cử - nàng vẫn chậm rải, đều đều như một cái máy.

 

Năm 1971, Học thi đậu vào trường Đại học kỹ thuật Phúc Thọ - ngành Công chánh. Học xong năm thứ ba, đầu năm thứ tư – lại phải lên đường vào quân trường theo lệnh tổng động viên. Theo thông báo,  lệnh gọi nhập ngũ chỉ “tạm hoãn” cho sinh viên học năm cuối, chờ thi tốt nghiệp rồi sẽ thi hành lệnh sau. Hầu như tất cả các trường Đại học, Cao đẳng chuyên nghiệp đều “tạm thời đóng cửa” – sinh viên bị dồn vào quân trường Thủ Đức quá đông, không có chỗ dung nạp – phải di chuyển về Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế ở Nha Trang. Từ tiểu đoàn 1, đến vài chục tiểu đoàn đào tạo sĩ quan trừ bị phải học ở đây. Lệnh động viên đã không cho phép những trường hợp được “hoãn dịch” trước đây – dù vì lý do gì, được kéo dài. Tất cả đều được dồn về Đồng Đế…

 

Mùa hè 1972 như một cơn sốt lên đến cực điểm nung đốt mọi ngõ ngách yên ổn của đời sống. Tuổi trẻ bị dồn đuổi. Tuổi già bị xáo trộn. Chiến tranh đã trườn qua phố thị hất tung mọi dự định, mọi ước mơ của tuổi trẻ - để lại những dấu bụi mờ mịt không thấy đâu là lối thoát. Tuổi trẻ đã được vận hành như một bộ phận của cái guồng máy khổng lồ bí mật . Từ báo chí đến những tin đồn, không thể tin vào đâu được! Mà có tin thì để làm gì ? Bầy cá đang nằm trong chậu, số phận của con người trong cuộc chiến là vậy.

 

Học được dồn vào Tiểu đoàn 3 – tiểu đoàn có nhiều “sinh viên sĩ quan già” là kỹ sư, giáo sư, tham sự ngân hàng, dược sĩ… đã được hoãn dịch nhiều năm trước đây. Học lại được ghép chung cùng đại đội với Thầy Lê Trung Phương – giáo sư trường Phú Thọ. Thế là thầy trò cùng có dịp ngồi trên bãi cát đầy nắng gió, ngồi dọc quốc lộ 1A, hay nằm nghe mưa dưới tấm pon- cho những đêm canh gác, dã chiến… Thầy trò cùng rủ nhau lên câu lạc bộ, ghé quán café vỉa hè ngày chủ nhật, hay chia nhau điếu thuốc lúc hành quân dã ngoại…

 

Thầy Phương lớn hơn Học khoảng mười tuổi, vừa tốt nghiệp ở Pháp về nước dạy được một niên khoá thì bị “ảnh hưởng lệnh tổng động viên”. Thầy cho biết, chỉ học xong mấy tháng quân sự, móc xong “quai chảo” (cập bậc chuẩn uý) là thầy sẽ được trả về trường ! Ôi , cái “quai chảo” thật nặng nề!

 

Trong một buổi sáng Chủ Nhật thầy Phương gọi Học ra bãi tiếp tân để cùng đón thân nhân của thầy từ Saigon ra thăm khi thấy đã mấy tháng qua, Học chưa có thân nhân nào đến thăm như bao sinh viên khác. Học theo thầy Phương như một người bạn nhỏ cùng cảnh ngộ. Buổi sáng hôm ấy, Học gặp Ái Liên – em gái của thầy Phương. Được thầy Phương cảm thông, khuyến khích, Học đã cùng Ái Liên đi dạo trong bãi dương phía sau khu tiếp tân gần hết buổi sáng.

Buổi trưa, thầy Phương nhìn Học- cười dò xét: “Cậu về Nha Trang cùng gia đình tôi để chơi cho hết ngày chứ ?”.

 

Học e dè- nghĩ đến lòng tốt của thầy, nhưng cũng nghĩ đến giới hạn mà mình phải dừng lại – không thể lợi dụng, cũng không thể kéo dài thêm thời gian bên Ái Liên. Chính vì nàng quá đẹp quá sang trọng, quý phái – nên Học không thể không nghĩ đến thân phận mồ côi, lẻ loi, nghèo khó của mình khi đến với nàng. “Không nên đùa giỡn với cái bóng” – Học nghĩ, và cảm thấy tỉnh táo với sự chấm dứt quan hệ của mình càng sớm càng tốt. Chỉ nên giữ lại hình bóng nàng thấp thoáng nơi bãi dương như một kỷ niệm tình yêu đầu đời mà thôi. Giờ khắc ấy sẽ vĩnh cửu, sẽ tươi đẹp, ấm áp mãi trong đời, hơn là sự kéo dài… Hãy để nàng bay về Saigon, bay về cái tổ ấm đầy mộng ước của một cô nữ sinh Marie Curie hào nhoáng tiếng tăm…

Học chợt đứng dậy như muốn bước đi, chậm rãi đáp :

- Em xin phép Bác gái và thầy để trở về láng – có lẽ buổi sáng chủ nhật với em đã quá đủ rồi!

- Không “có lẽ” gì cả, anh phải về Nha Trang ngay bây giờ - giọng Ái Liên nhí nhảnh, như ra lệnh khiến mẹ nàng hơi nhíu mày ngạc nhiên.

 

Thầy Phương gọi cô chạy bàn trả tiền rồi quay lại nói với mẹ mà cũng để nói với cả Học và Ái Liên : “Thôi, chúng ta cùng ra xe – về Nha Trang ăn cơm chứ đói lắm rồi phải không mẹ. – Vậy nhé ! không bàn cãi gì nữa cả !”.

 

Từ buổi sáng chủ nhật hôm ấy, tuần nào Học cũng nhận được thư của Ái Liên gửi về trường. Mỗi tuần đi qua – Học có thêm niềm vui chờ đợi và hy vọng. Thời gian nhọc nhằn khổ luyện không còn áp lực nặng nề, buồn bã như trước. Tình yêu như đã biến đổi Học thành một con người khác. Luôn được hâm nóng những giá lạnh, xoá tan những khổ đau, và bừng nở bao hy vọng, ước mơ… Nhiều lần, giữa bãi tập nắng cháy được chui vào bụi cây nghỉ ngơi đôi chút, nghe tiếng hét của cậu sinh viên trực gọi tên đến nhận thư – cầm thư Ái Liên trên tay – Học thường tự hỏi – Có phải là tình yêu đây hay không ? Tình yêu là những cánh thư hồng nồng nàn mùi dầu được chăm chút từng nét chữ tròn trịa như tâm hồn nàng mà mình đang cầm nắm trên tay chăng? – Có phải là Ái Liên đã yêu ta .

 

Ta đã thực sự yêu nàng ? Tình yêu đã đến nhanh chóng và đơn giản như vậy sao ?

Học dò đoán, tra vấn – và sau cùng, anh tìm thấy chút ánh sáng loé lên nhiệm mầu trong từng lá thư Ái Liên gửi ra : Đúng là về sau, càng về sau, thư của Ái Liên càng dày, càng nhiều chuyện để dài dòng hơn ! Có thư, nàng viết đến 10 tờ giấy Pelure màu hồng (Ái Liên chọn một loại giấy màu hồng ngay từ thơ đầu tiên) đầy rẫy ước mơ, hy vọng, và niềm tin… Tuổi thơ của Học kham khổ,  khô cứng, chai lỳ với bao biến cố - nên những lời thư nồng ấm của Ái Liên luôn là mạch nước tươi mát, trong xanh thắm đẫm tâm hồn anh từng ngày… Học cũng cảm thấy, đôi khi – bỗng chốc anh quên bẵng mọi thứ quanh đời mình, chỉ nhớ đến màu Jupe xanh đồng phục của cô nữ sinh Marie Curie giữa hàng dương rợp bóng và những cánh thư màu hồng nồng nàn mùi dầu Rêver d’or…

 

Trước 1975 một năm, Lê Trung Phương nhận được giấy mời từ Toà Đại Sứ Pháp, triệu tập sang Pháp để tham dự cuộc “họp mặt cựu sinh viên du học tại Pháp” trong 2 tháng. Anh sang Pháp được  vài tháng thì Saigon giải phóng và anh được “định cư” luôn ở nước Pháp với sự giúp đỡ của Chính phủ Pháp về mọi mặt. Đáng lẽ ra Phương đi sớm theo giấy mời – nhưng phải nán lại để lo cho chu tất đám cưới của Ái Liên với Học, rồi mới ra đi. Anh cũng linh cảm thấy, có lẽ chuyến xa quê lần này sẽ khó có thể trở về. Hơn nữa, việc tác hợp giữa Ái Liên và Học, là do anh góp sức phần lớn, trước sự từ chối thẳng thừng của mẹ . Mẹ anh – như bao bà mẹ khác; sợ Ái Liên sẽ khổ khi về với Học, bởi anh không còn cha mẹ - lại nghèo ! Trong lúc đó, chồng bà, có thời là Thứ Trưởng Bộ giáo dục- quan hệ rộng với nhiều quan chức và thương gia giàu có ở Saigon – nhiều đám muốn dọ hỏi Ái Liên là chỗ thân tình với gia đình từ rất lâu…

Cuối cùng bà đành chìu theo ý Phương như một sự bất lực: Ái Liên đã nhiều lần cự tuyệt trong đau khổ nên khiến bà cũng xiêu lòng ! Đám cưới của Ái Liên  và Học, được Phương thu xếp tổ chức ngay sau ngày Ái Liên vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm.

 

Khi quan hệ Việt – Pháp đã trở lại bình thường, có phần sáng sủa, tốt đẹp – mẹ Phương được sự can thiệp của Toà Đại Sứ Pháp, được sang Pháp với lý do “đoàn tụ gia đình”.

 

Trong những năm đầu sau tháng 5/1975 Saigon xáo trộn, chộn rộn, đổi thay từng ngày. Cuộc sống, sinh hoạt, như muốn khép dần lại với bao thông báo, chỉ thị, quyết định muốn dồn nén Saigon vào một trật tự mới như một thuở Hà Nội sau 1954. Người dân Saigon vẫn cứ “chạy lui chạy tới” như bầy cá vẫy vùng trong vũng nước cạn ngày một khô dần ! Áp lực đổi thay, cải tạo “một trật tự xã hội mới” được đẩy nhanh và mạnh ở các thị trấn, thị xã – còn với Saigon – thì âm ỉ, lan toả như một vết dầu nhưng vẫn có thể nhận rõ ở các đại lộ, phố chợ thành phố ngày một vắng và thu nhỏ.

 

Vợ chồng Học là những con cá quẫy ra khỏi vũng nước sớm nhất, để trở về quê lo việc ruộng vườn, sản xuất. Căn nhà được gia đình Ái Liên sang cho vợ chồng anh nằm ngay đại lộ Trần Hưng Đạo đã được bán lại cho gia đình một cán bộ Phòng quản lý Nhà đất với giá 15 lượng vàng ! Ôm 15 lượng vàng, vợ chồng Học trở về quê ở ngoại ô một thị trấn nhỏ miền Trung, lo xây dựng lại ngôi nhà đã sụp đổ, hoang phế từ năm 68. Mảnh bằng Sư phạm của Ái Liên không thể sử dụng được bởi tờ khai lý lịch ! Con gái một ông Thứ Trưởng của chế độ cũ, cộng với việc mẹ và anh đang ở nước ngoài (cho dầu hợp pháp ) là bức tường cản ngăn vợ chồng Học xin một chỗ làm, cho dầu chỉ là một cô giáo làng, hay một anh công nhân đường sắt…

 

Ái Liên lần lượt sinh con gái đầu lòng vào năm 78 – và cậu con út vào năm 85 trong cảnh túng quẩn, chạy chợ từng ngày – nhưng tình yêu thương gắn bó thì bền chặt hơn bao giờ ! Trong nỗi cô độc và nghèo khó – Tình yêu đã ươm mầm, nẩy nở trong họ như nguồn sống duy nhất để kết tụ nên niềm hạnh phúc và hy vọng qua hai đứa con kháu khỉnh, khoẻ mạnh… Nghịch cảnh có thể xô ngã kẻ cô thế, và yếu đuối – nhưng khó có thể làm lay chuyển được Tình yêu son sắc thuỷ chung của hai trái tim thuần khiết, cao thượng!

 

Nơi chỗ ngồi “Ngã Rẽ” ấy – Học không ngớt nhớ lại quá khứ, từng mãng kỷ niệm, từng đoạn đời sống luôn được anh soi tìm, hồi tưởng; nhưng chưa hề đặt một bước chân nào lên con đường mới đang mời gọi của Chiếu Thuỷ, của Hàn Hương… Đôi khi, trong bóng tối của nỗi cô độc và tuyệt vọng- Học muốn xoá tan hình bóng của Ái Liên nhưng lạ lùng thay – càng cố quên, thì nỗi nhớ cứ tăng lên gấp bội. Ái Liên có thể bỏ anh, có thể đi xa – nhưng niềm vĩnh cửu của một phút giây Tình Yêu kia thì đã ở mãi trong anh tự bao giờ!. Mùi thơm dịu dàng mà nồng ấm của những cánh thư màu hồng ngày xưa như luôn phảng phất bên anh, bao trùm cả không gian, anh không thể nào thoát ra được. Học thường chìm đắm trong cõi nhớ nhung đau xót một cách ngoan ngoãn và bất lực.

 

Hôm qua- lần đầu tiên sau gần một năm Ái Liên sang Pháp – anh Phương đã gọi điện thăm hỏi tình hình sinh hoạt, sức khoẻ của cha con anh – có nhắc đến Ái Liên. Những lời nói úp mở của anh Phương về Ái Liên khiến Học càng thêm hoang mang – “Ái Liên sắp trở về với cha con em rồi. Có lẽ chỉ trong một tháng nữa thôi sau chuyến dạo chơi đầy nước mắt!”. Sao lại “sắp trở về” ? Sao có thể là “Chuyến dạo chơi đầy nước mắt” ? Học không thể tự giải đáp cho mình cũng không thể hỏi thêm anh Phương bởi nỗi giận hờn vây bủa. Anh cứ để mặc cho nỗi phân vân dày vò mình trong thắc thỏm đợi chờ…

 

Rồi việc gì đến cũng phải đến: Ngày giờ chuyến bay đưa Ái Liên trở về được anh Phương thông báo cho Học trước hai hôm. Được tin, Học nôn nả thu xếp việc nhà, cùng đứa con trai đi vào Saigon ngay buổi chiều trên chuyến tàu SE1 còn trống vài ghế….

 

Học và hai con có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất trước giờ chiếc máy bay 801 của hãng hàng không Air France hạ cánh một giờ. Sân bay vào tháng cuối năm tấp nập, người đi kẻ đón rộn ràng hối hả. Học nhìn dòng người từ phía trong sân bay, với hành lý xách tay, lần lượt tuôn ra cổng đón… Nhiều đoàn, nhiều thân nhân, tay cầm tấm bảng nhỏ có ghi đậm tên đơn vị, tên mình – giơ cao giữa đám đông đang chen lấn, để điểm báo cho người thân lũ lượt tiến ra cổng. Ái Nhân – cô con gái đầu lòng của Ái Liên nay đã là một dược sĩ đang làm việc tại Công ty Glaxo – Simith Kline cũng giơ cao tấm bảng ghi đậm chữ “Mẹ Ái Liên” trong nỗi thương nhớ bồn chồn. Học và cậu con trai đứng phía sau Ái Nhân, đôi mắt đăm đăm nhìn soi vào từng người vượt qua cổng…

 

Hành khách chuyến bay 801 của Air France đã có người bước ra phía ngoài – nhưng bóng dáng anh Phương và Ái Liên thì vẫn chưa thấy tăm dạng. Học và hai con náo nức, lo lắng dõi nhìn vào dòng người đã thưa dần, đủng đỉnh bước ra từng người một.

- Kìa cậu Phương … Tiếng Ái Nhân vang lên, tay cầm tấm bảng vẫy vẫy.

- Nhưng mẹ đâu rồi ? Giọng kêu thất thanh của cậu con trai làm Học bàng hoàng.

Cậu Phương nhếch cười, đưa tay xoa lên đầu Ái Nhân.

- Mẹ cháu đâu, cậu ? Ái Nhân hỏi.

- Ái Liên không về sao anh ? Học thì thầm.

Phương không trả lời cho câu hỏi nào của cha con Học, cứ bước đi, chậm chạp rời khỏi đám đông. Phương dừng lại nơi một chiếc ghế vắng, đặt chiếc valise xuống, đưa tay ấn nhẹ nút mở. Phương ngẩng  nhìn sững lên ba khuôn mặt đang nhợt nhạt vì nỗi lo lắng, bàng hoàng.

Anh nói – giọng gấp gáp :

- Ái Liên báo tin cho anh bị ung thư tử cung, anh phải bảo cho cô ấy sang Pháp để anh lo việc điều trị vì hoàn cảnh lũ em làm sao có thể chạy chữa được? Gần một năm, lần lượt qua ba bệnh viện, trung tâm chuyên khoa, nhưng…

 

Đôi mắt Phương đỏ hoe. Lóng lánh những giọt nước : “Ái Liên đã mất cách đây một tuần!”.

Tiếng khóc nấc nghẹn của Ái Nhân khiếu Học và đứa con trai cũng đầm đìa nước mặt.

Phương mở Valise lấy ra một chiếc lọ sành – có dán giấy đỏ - ghi dòng chữ : “Linh cốt Lê Thị Ái Liên”, trao cho Học.

- Ái Liên đã trở về với cha con em đây !

Ái Nhân chụp lấy chiếc lọ trên tay Học – áp mặt vào lọ - nước mắt không ngừng tuôn chảy.../.

 

.2002- th.11.2008

Mang Viên Long
Số lần đọc: 2893
Ngày đăng: 10.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gái Nga Gốc Việt - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Dốc nhân sinh - Nguyễn Mộng Giác
Hoa hồng vàng - Lê Nguyệt Minh
Những sợi tóc - Trương Văn Dân
Ô cửa hổng - Quỳnh Linh
Con gấu già trong thung lũng trại Xai - Hoa Ngõ Hạnh
Chào anh bạn đẹp trai ! - Lê Vũ
Cún khóc - Lê Mai *
Tự sự của con chim câu gãy cánh - Dương Thuỳ Dương
đi là chơi… - Khaly Chàm
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)