Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
444
116.599.570
 
Theo Vết chân dã tràng
Lê Viết Thọ

Mới đây, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây (Hà Nội) đã tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng” (Nhà xuất bản Lao Động, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, 2008). Tác giả của cuốn sách là Ban Mai, bút danh của Nguyễn Thị Thanh Thúy, hiện là chuyên viên chính, phòng Khoa học&Công nghệ, Trường Đại học Quy Nhơn.

“Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng” là sự tu chỉnh, bổ sung từ luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam, với đề tài “Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn” mà Nguyễn Thị Thanh Thúy đã bảo vệ thành công năm 2006. Có thể nói, đây là lần đầu tiên có một công trình nghiên cứu ca từ âm nhạc dưới góc độ nghiên cứu văn học.

Để có tư liệu cho đề tài khá mới mẻ này, Nguyễn Thị Thanh Thúy đã bỏ khá nhiều công sức, từ sưu tầm các ca từ, cho đến các tài liệu viết về Trịnh Công Sơn. Trên thực tế, tuy số lượng sách báo viết về Trịnh Công Sơn khá nhiều, nhưng trừ cuốn “Trịnh Công Sơn, ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật” của Bùi Vĩnh Phúc, còn lại, hầu hết đều chỉ là những hồi ức và kỷ niệm về Trịnh Công Sơn. Để có thêm các tài liệu nghiên cứu chuyên sâu như tạp chí Văn học ở Mỹ số chuyên đề về Trịnh Công Sơn, Nguyễn Thị Thanh Thúy phải nhờ các bạn bè ở Mỹ, Pháp tìm hộ. Ngoài ra, chị còn tìm đến gia đình Trịnh Công Sơn và những người bạn của Trịnh Công Sơn như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý. Bên cạnh đó, để hiểu hơn về ca từ trong âm nhạc, chị còn tìm đến gặp GS Dương Viết Á (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Hỏi Thanh Thúy tại sao nghiên cứu văn học mà lại chọn đề tài về ca từ nhạc Trịnh, chị cho biết: “Điều cơ bản là tôi vốn thích và yêu nhạc Trịnh. Ngay từ thời thơ ấu, tôi đã thuộc những bài hát của ông. Những ca từ thấm đẫm tình yêu thương về thân phận con người đã là người bạn đồng hành cùng tôi trong từng chặng đời. Bên cạnh đó, điều thú vị nữa là tôi lại đang làm việc ở ngôi trường mà những năm từ 1962 đến 1964, Trịnh Công Sơn từng là một trong những học viên khóa đầu. Thú thật lúc chọn đề tài, cũng có người bàn ra, vì theo họ, văn học Việt Nam còn có biết bao tác giả sao không chọn, mà lại chọn ca từ nhạc Trịnh. Nhưng theo tôi, những ca từ của Trịnh Công Sơn đích thực là thơ, một kiểu thơ lãng mạn trữ tình, giàu chất hiện sinh, siêu thực, mang đậm dấu ấn Thiền. Vậy tại sao chúng ta không tìm hiểu giá trị ca từ của Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn văn học?”.

Nghiên cứu ca khúc Trịnh Công Sơn từ góc nhìn này, Nguyễn Thị Thanh Thúy đã đặt ca từ nhạc Trịnh trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại, để từ đó, có sự so sánh với ngôn ngữ nghệ thuật của các tác gia thơ Mới như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính… cũng như với ca từ của các nhạc sĩ nổi tiếng khác như Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn - Từ Linh… Từ đó, làm bật lên hai mảng lớn trong nội dung của ca khúc là “Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam” và “Trịnh Công Sơn người tình của cuộc sống”; cũng như những nét độc đáo về nghệ thuật trong ca từ nhạc Trịnh, từ nhạc điệu, ngôn ngữ nghệ thuật, tính triết học… Hướng đi này hẳn sẽ mở đường cho những khám phá mới về ca từ của các nhạc sĩ khác dưới góc nhìn của nghiên cứu văn học.

Một khía cạnh khác, được đánh giá cao của cuốn sách là đã cung cấp một cách khá đầy đủ ca từ của Trịnh Công Sơn. Lâu nay, câu hỏi: Trịnh Công Sơn có bao nhiêu bài hát vẫn chưa được trả lời một cách chính xác. Công chúng thường phỏng đoán Trịnh Công Sơn sáng tác hơn 400 ca khúc, có người đã tăng con số ấy lên 600, 800 thậm chí cả 1.000 bài. Ngay Trịnh Công Sơn lúc sinh thời cũng không biết mình đã viết bao nhiêu ca khúc. Năm 1991, Yoshii Michiko, một sinh viên Nhật, khi làm luận văn cao học về nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn cũng chỉ sưu tầm được 196 bài. Trang web của Hội Văn hóa Trịnh Công Sơn tại Pháp, TsKh Phạm Văn Đỉnh công bố thư mục 288 bài hát của Trịnh Công Sơn. Nguyễn Thị Thanh Thúy, qua một thời gian dài sưu tầm công phu, cẩn trọng và không ít tốn kém, đã công bố phần ca từ của 242 bài hát. Số bài hát còn lại trong 288 bài, tuy đã có tên bài, nhưng hiện vẫn chưa thể tìm ra bài hát hoặc có nhưng chưa hoàn chỉnh.

“Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng” tái hiện cuộc hành trình làm người và thế giới nghệ thuật của Trịnh Công Sơn. Qua những phân tích, soi chiếu vào hệ thống ca từ của ông, sách giúp người đọc có cái nhìn thấu đáo hơn về nhạc Trịnh, một hiện tượng văn hóa Việt Nam hiện đại.

* Xem buổi giới thiệu sách tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây Hà Nội và các bài nhận định:http://www.sachdongtay.com/newsdetail.php?id=177

http://www.sachdongtay.com/newsdetail.php?id=178#1

http://www.sachdongtay.com/newsdetail.php?id=182#1

Lê Viết Thọ
Số lần đọc: 2421
Ngày đăng: 16.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lê Khánh Mai – Người mang nỗi buồn đẹp, buồn và trong suốt như sương - Chu Thị Thơm
Trường phái hình thức Nga gợi mở chiều hướng khác - Inrasara
Về một câu chuyện kể trong thơ - Liêu Thái
Hành trang nỗi buồn nhân thế - Phạm Xuân Nguyên
Đọc thơ Trần Tịnh Yên - Người thuỷ táng trong ký ức phù sa - Lê Huỳnh Lâm
Bung phá sáng tạo và vượt thoát - Lê Anh Hoài
DAO nào cũng là DAO - Liêu Thái
Đặng Thân kể từ "nét" đến... "nhoà" - Phạm Lưu Vũ
Đọc hai góc nhìn tiểu thuyết Sóng chìm của Đình Kính. - Trần Vạn Giã
Đọc Sóng Chìm của Đình Kính ,Nhà xuất bản Hội Nhà Văn -2007 - Hào Vũ
Cùng một tác giả