Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
449
115.985.467
 
Sài Gòn,những ngày mưa
Mang Viên Long

Chim quyên ăn trái nhãn lồng

Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương

Ca dao

 

Tôn đã ngủ thiếp ở chiếc băng dài phía cuối xe cho tới sáng. Không biết có bao nhiêu cơn mưa đến rồi đi, nhưng lúc mở mắt, ngoài trời vẫn còn mưa nhẹ. Tôn không còn thấy một hành khách nào trên xe ; có lẽ họ đã đi dần trong đêm, cho  tới lúc mờ sáng. Những cơn mưa đêm qua đã đem lại cái tươi mát cho thành phố, nhưng đồng thời cũng khiến Tôn thêm hoang mang, buồn bã. Chỉ sau hai mươi bốn giờ, Tôn lại ở đây ; nơi một con hẻm xa lạ, trong thành phố nầy, chỉ có một mình. Tôn thoáng nhớ đến mẹ và chị ở quê. Có lẽ họ đã thức dậy…

 

Tôn vội vã mang xách lên vai, nhảy xuống xe, đi thẳng ra đầu hẻm, như mình cũng có một nơi nào đang chờ đợi. Anh đã được một chiếc xe Honda chở thồ chạy đến đón. Tôi hỏi giá để đến cư xá Thanh Đa. Có lẽ nhìn thấy Tôn không đến nỗi quê mùa lắm, gã ta vui vẻ bảo sẽ lấy giá hữu nghị : Mười ngàn đồng.

 

Chiếc xe bỏ Tôn bên đường, trước cổng vào cư xá. Đó là những dãy lầu nhiều tầng, vách tường đầy rêu, nằm yên lặng như một khu phố chết. Anh hỏi thăm số lô, số nhà, đường dẫn lên lầu ; sau cùng cũng đã tìm tới số nhà đúng như lời mẹ anh đã ghi. Cửa đóng im ỉm. Tôn gõ cửa . Im lặng. Lại gõ cửa tiếp. Vẫn im lặng.

 

Tôn bỗng để ý tới nút chuông điện gắn ở vách, gần cánh cửa sắt. Anh bạo dạn ấn ngón tay vào nút chuông. Cánh cửa gỗ bên trong hé mở. Tôn nhận ra ngay bác Ba gái, tuy đã rất lâu không được gặp lại : Bác không già hơn xưa mấy. Một thoáng ngạc nhiên, bác mỉm cười, rồi lặng lẽ mở tiếp cánh cửa sắt bên ngoài.

-Thằng Tôn phải không ? Vào đi cháu…

Bác bảo Tôn đến ngồi ở bộ salon làm bằng mây đặt giữa nhà, gần cửa lớn, trông ra lan can. Tôn liếc nhìn qua một lượt căn phòng : Rộng rãi, thoáng mát, và rất ngăn nắp. Cái gì ở đây cũng được bày biện mỹ thuật, khít khao, sang trọng. Có lẽ căn phòng đã được hai Bác chăm sóc kỹ lắm thì phải ?

 

Đặt lên bàn một đĩa chuối ướp lạnh, một ly trà đá; bác đon đả mời :

- Cháu ăn chuối, uống nước đi … Cứ tự nhiên như  ở ngoài ấy.

Giọng bác vẫn vui vẻ :

- Cháu vào Sài gòn có chuyện gì vậy ? Cháu đi một mình à ? Bao giờ thì cháu trở về…

Tôn cầm ly nước uống một hớp, đặt xuống bàn:

-Thưa Bác, cháu vào để đi học…

- Cháu học nghề gì mà phải vào tận Sài gòn?

-Thưa, trường Y- cháu vừa thi đậu vào trường Y.

Tôn nói tiếp- như đã học thuộc :

- Cháu ở quê mới vào tới sáng nay, chưa biết phải ở trọ chỗ nào, má cháu dặn đến thưa với hai bác trước…

Tôn nhìn thấy nét bỡ ngỡ, lo ngại thoáng vụt qua khuôn mặt trắng hồng của bác : “Thôi được rồi, cháu cứ ngồi chơi, chờ bác trai đi đánh tơ nít về một chút…”.

 

Tôn ra ngồi ở bao lơn, nhìn bao quát phía sân trước của lô cuối khu cư xá : Mưa . Mưa đổ xối xả trên những hàng cây Muồng, cây Sứ, mờ mịt đất trời. Mưa chợt đến bủa vây kín mít tâm trí anh lạnh lẽo như bóng tối trong con hẻm hôm qua. Một mình giữa Sài gòn xa lạ, rộng lớn, với những cơn mưa bất chợt tháng tám, khiến lòng Tôn luôn xao động. Sự đổi thay thời tiết đột ngột trong một thời gian ngắn, cộng với những lo toan bề bộn trong đầu ; Tôn cảm thấy lòng mình không có được chút yên ổn nào. Ở quê, giờ nầy đang vào mùa nắng ; nắng chói chang, nắng rực rỡ. Mẹ anh có lẽ đang ngồi bên lò lửa nhóm trấu đỏ hồng, mặt nhễ nhại mồ hôi ; đôi tay thoăn thoắt, tráng từng chiếc bánh… Chị Tôn cũng đang giúp mẹ mang từng vỉ bánh ra phơi ở trước sân, sau vườn ? Tôn bỗng nhớ mẹ, thương chị da diết. Anh nghe bồi hồi, rưng rưng trong lòng. Tôn đã không ngờ rằng nỗi nhớ thương làm cho anh yếu đuối đến như thế…

 

Năm nay chị Tôn được hai mươi tuổi – tuổi con mèo, lớn hơn anh hai tuổi. Con mèo nhỏ tội nghiệp ấy chỉ lui tới trong ngôi nhà, khu vườn, mà không có bạn. Tôn đã đi xa rồi thì chị biết chơi với ai ? Ngôi nhà cũ rách thủng vì những lỗ đạn, đã được mẹ Tôn chằm vá, che cất tạm thời từ lúc trở về, đến nay vẫn chưa được xây lại.

 

Những lời nhắc kể của mẹ về những ngày đầu đùm túm nhau trở lại quê, khắc sâu trong tâm trí Tôn đến nỗi, hễ nhớ đến mẹ, là những hình ảnh ấy lại quay về như một khúc phim. Một đoạn phim buồn..

 

Phải mất hơn nửa tháng còng lưng phơi nắng, mẹ Tôn mới phát dọn xong thửa ruộng bốn sào- phần gia tài của ông bà nội anh để lại. Mẹ Tôn đã cày được ruộng. Ngày đầu tiên, bà không biết cầm cái cày như thế nào, phải điều khiển đôi bò ra sao, cái roi mây dùng để làm những việc gì… Đường cày nơi đám ruộng trông xiên xẹo, như sóng gợn, chỗ sâu chỗ cạn, lúc to lúc nhỏ. Nhờ thiếm Ủng đã quen tay cày từ ngày chồng ngã bệnh, mẹ Tôn đã dần dần làm chủ được đôi bò, chiếc cày ; qua vài hôm cùng thiếm Ủng thực hành… Lần ấy, thiếm  Ủng đã cày giúp cho mẹ Tôn đến gần một buổi.

 

Trồng tỉa được vài ba vụ, mẹ Tôn phải giao ruộng vào hợp tác xã. Hằng ngày theo tiếng kiểng, bà tập họp ở sân đội ; đội trưởng phân công việc gì, làm việc ấy. Có ngày được mươi điểm. Có ngày năm sáu điểm. Công việc ít, xã viên nhiều- số điểm phải chia đồng ; vả lại, việc khoán tính điểm, rất nhiều lúc không phù hợp với công việc phải hoàn tất ; do đó được bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu. Không dám kêu ca gì. Mẹ Tôn đã chăm chút, cẩn thận ghi lại số điểm kiếm được từng ngày trên một tấm giấy ; giống hồi còn nhỏ đi học , ghi nhớ từng điểm thi của mình. Mỗi cuối tuần, bà cộng đi cộng lại, để áng chừng mình sẽ nhận được bao nhiêu ký lúa ? Có lúc, không tin ở mình, bà bắt Tôn hay chị anh cộng lại, bởi vì chợt nhận ra số điểm của mình ít ỏi quá. Cuối mùa, thu hoạch xong, khấu trừ các khoản nộp, chi, còn lại bao nhiêu lúa, HTX và Đội mới công bố cho xã viên biết, sẽ nhận được bao nhiêu ký cho mười điểm công. Năm được mùa, lúa lãnh về chỉ đủ ăn qua bữa. Năm thất bát, phải vay mượn trước của HTX mới có cái ăn mà đi làm. Đã mang nợ rồi, thì nợ cứ chồng chất. Dần dà, hơn bảy mươi phần trăm xã viên dù ít hay nhiều đều là con nợ của HTX. Mẹ Tôn thường kể lại :

 

“.… Năm con bị bệnh thương hàn nặng, tưởng là chết rồi vì thuốc khan hiếm, mà tiền, lúc đó cũng hết sạch. Mẹ phải làm đơn xin nghỉ làm cả tháng trời, vay mượn thêm lúa của HTX, nợ cũ chưa trả xong nợ mới lại chồng lên ; du kích mang giấy đến nhà hoài, loa kêu gọi một ngày hai bận; mẹ phải bán chiếc nhẫn cưới của mẹ, và chiếc đồng hồ kỷ niệm của ba con, mới qua khỏi được…”.

 

Chuyện cũ năm xưa hơn mười mấy năm , qua lời mẹ kể, đột nhiên lúc này trở lại với Tôn rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôn đang cô độc, mà điều an ủi thì chẳng có gì. Anh đã dần thấy rõ sự lạc lõng của mình trong thành phố to lớn này- ngay trong căn nhà nầy. Tôn nghe thấy đôi mắt cay cay, có lẽ anh đang muốn khóc ?

 

Sau bữa cơm trưa với hai bác và chị Nga- cô con gái út của bác ; Tôn biết không còn lý do nào để ở lại lâu thêm nữa. Hai người con trai lớn của bác đã ra ở nước ngoài, chị Nga đi làm cho một ngân hàng ngoại quốc ; thế mà bác còn than khổ, nhà cửa chật chội. Tôn không thể tưởng tượng ra nổi cái sướng của hai vợ chồng bác mình sẽ như thế nào ; và đến bao giờ, hai bác mới cho mình là được sung sướng, hạnh phúc ?

 

Bác xích lô tốt bụng chịu khó dắt Tôn đi tìm cho ra số nhà thuộc hẻm 521 vòng vèo của đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tôn nhìn ra chú Nam đang nghỉ trưa với hai đứa con nhỏ, dưới sàn nhà, bên chiếc quạt Sanyo lớn cũ kỹ.

 

 

 

Chú đón Tôn niềm nở. Gọi hai ly café ở cái quán xép nhỏ trong hẻm, bắt Tôn uống. Chú thân tình hỏi thăm tình hình làm ăn và sức khỏe của mẹ và chị Tôn. Anh vui mừng vì chú còn nhớ đến cha anh, với một tình cảm sâu đậm.

 

Sau khi nghe lời yêu cầu tha thiết của Tôn, chú vui vẻ: “Không có gì mà cháu phải ngại. Cháu có thể ở tạm trên gác. Ban ngày cháu xuống dưới này mà học, ban đêm có thể ngủ và học trên đó. Cháu thấy, nhà chú thì hơi chật, nóng một chút, nhưng chật thì ở chật, có sao đâu?”

 

Tôn lên gác lo quét dọn : Rõ ràng là chẳng có ai ở trên nầy, ít nhất cũng từ mấy năm rồi. Ngoài mấy thùng giấy chứa đủ thứ đồ lặt vặt- những vật dụng đáng lẽ ra đã vứt đi, nhưng vẫn còn tiếc, không biết đến bao giờ mới có dịp dùng đến. Còn lại là màng nhện chằng chịt , bụi đóng lớp dầy, dán cánh và những ổ kiến từ bao đời…

 

Căn gác có chiều rộng ba mét, dài bốn mét, cao khoảng một mét sáu, lợp tôn. Ngoài cửa lớn từ thang gác gỗ ọp ẹp lên, chỉ có một ô cửa sổ nhỏ hình vuông phía sau vách nhìn xuống nơi chứa rác và nhà vệ sinh của hộ bên cạnh. Anh sáng mùa nầy không đủ để đọc sách. Có lẽ Tôn sẽ phải kê một cái kệ cao để có thể ngồi viết; bắt một bóng đèn tròn, và mua một chiếc chiếu mới… Tôn thầm nói : “Từ nay mày sẽ gắn bó với căn gác nhỏ nầy suốt sáu năm học…”.

 

Khoảng năm giờ chiều, chú Nam chở vợ về trên chiếc xe Gobel cũ kỹ mầu xám. Tôn chào thiếm. Thiếm chỉ cười, không nói. Anh quyết định sẽ nói với chú thiếm về chuyện ăn nở, điện nước, như lời mẹ anh dặn trước, trong bữa cơm tối. Số tiền mẹ Tôn dành dụm bỏ vào trong chiếc túi nhỏ may kín đáo phía trong chiếc quần đùi anh vẫn chưa lấy ra. Mẹ Tôn đã chuẩn bị rất kỹ : Bà đi đổi lấy những đồng bạc lớn, mới, xếp nhỏ, gọn gàng, bỏ vào túi nhỏ đã được bà may sẵn trong quần đùi Tôn sẽ mặc lúc ra đi. Bà còn bỏ vào chiếc xách của Tôn một củ tỏi, để chống các loại thuốc bùa mê. Bà luôn luôn coi anh như một đứa con nít.

 

Vừa ngồi vào bàn ăn thiếm Nam đã hỏi :

- Sao cháu không ở đằng bác Ba ?

Tôn ấp úng :

- Nhà bác ấy chật. Bác bảo đang định mua nhà khác.

Thiếm nói – giọng cứng rắn :

- Ở đằng ấy chỉ có ba người mà kêu là chật thì ở đây càng chật chội nóng bức hơn nữa…

Tôn bàng hoàng ; sửng sốt. Chú Nam nhìn thấy vẻ thất vọng của Tôn ; chú nhìn vợ :

- Hay là mình để cháu ở tạm trên gác…

Thiếm Nam trừng mắt nhìn chú :

- Đã nói là không có chỗ, ông không thấy hay sao ? Ông có biết gì trong nhà này đâu ?

Tôn cười :

- Mẹ cháu có ghi địa chỉ của chị Tuyết con dì Năm ở đường Lê Thánh Tôn, cháu nghe nói nhà chị Tuyết rộng lắm…

- Thôi được- chú thở dài, sáng mai chú sẽ chở cháu lên chỗ ấy.

Tôn ngồi ở phòng khách chờ cho đến mười một giờ, chị Tuyết mới về. Chị đi trên chiếc Dream màu măng cụt. Tôn chạy ra chào, nói lý do vào Sài gòn ; chị chỉ kịp nói : “Được rồi, được rồi, cứ ở đây chơi”, rồi vội vã vào phòng riêng.

 

Trong bữa cơm trưa, chị ngồi vào ăn lấy lệ chút ít, rồi quay lên lầu ngay. Tôn chưa được gặp chồng chị. Nghe người giúp việc nói, anh ta ít khi ăn cơm ở nhà, và đi về bất thường lắm. Anh hiện làm Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu nông lâm sản và vật tư nông lâm. Tôn cảm thấy lẻ loi, lạc lõng giữa sự ồn ào của bữa ăn ; không biết nói chuyện gì với ai, và cũng không biết tham gia câu chuyện của mọi người.

 

Đám con của chị và hai người thư ký của Công ty đang mải bàn về cuộc đời của Lý Tiểu Long, và cậu con trai của ông ta hiện nay ở đâu, làm gì .

 

Tôn mơ hồ thấy rằng , ở đây- nơi căn nhà rộng rãi tiện nghi nầy, có lẽ không có chỗ nhỏ nào cho anh trú ngụ lâu dài. Hình ảnh chị Tuyết lúc về thăm mẹ Tôn cách nay sáu năm đã hoàn toàn xa lạ, khác hẳn với bây giờ. Ao quần kiểu mới hở hang. Son phấn. Nước hoa. Xe cộ. Không ai có thể tưởng tượng ra cô giao liên chân đất, bộ bà ba đen, nón cời thuở trước. Có lẽ chồng chị cũng rất giống mấy ông chủ nhà hàng? Mập phệ. Da đỏ hồng. Tóc chải mướt. Côm lê. Giầy da đen bóng. Như những tấm ảnh mầu quảng cáo các công ty trên báo mà Tôn thường gặp ? Chỉ đơn giản có vậy thôi : Lúc có nhiều tiền thì con người ta sẽ đổi khác ; không còn là những con người chơn chất, hồn nhiên thuở xưa nữa.

 

Trời đổ mưa to khi Tôn đi trên đường Nguyễn Trọng Tuyển. Anh tạt vào quán kem Thảo Foremost để có một chỗ ngồi, đợi tạnh mưa. Quán khá đông. Sao buổi sáng mà người ta đã đi ăn kem nhiều thế nhỉ ?- Tôn nhủ thầm.

- Xin lỗi, tôi có thể ngồi tạm một chút được không ?

- Không có chi, anh cứ tự nhiên .

- Cô là người ở Sài gòn từ nhỏ chứ ?

- Cứ cho là như vậy đi, nhưng anh hỏi để làm   gì ?

-Tôi muốn đến đường Hai Bà Trưng…

- Đường Hai Bà Trưng à ? – Cô gái cười lớn. Phía trước mặt kia kìa. Anh ở ngoài Trung mới vào phải hôn ?

- Đúng rồi. Cô giỏi thật.

- Nghe giọng thì biết, có gì mà giỏi ? À, anh đi tìm nhà bà con chứ gì ?

- Cũng gần như vậy.

- Sao lại “gần” như vậy ?

-Đúng ra là tôi đi tìm một chỗ ở trọ.

- Để đi học ?

- Đi học…

-Trường nào ?

-Trường Y.

- Hay nhỉ ? – Cô gái chợt cười, đến bây giờ anh mới bắt đầu học trường “Y” à ?

-Tôn mới vào năm nay …

Tôi chân tình kể lại cho cô ta nghe là anh đã ghé lại đến ba địa chỉ, nhưng cả ba nơi đều không có một chỗ trống nào cho anh ở lại cả, cho dù mới có nơi nhà cửa rất to. Cô gái chăm chú nghe, vẻ lạ lẫm, thích thú ; rồi cô cho biết, cô ta đã ở đây từ nhỏ, cô ta biết rất rõ, Sài gòn có nhiều chỗ cho người giầu, nhưng rất hiếm chỗ cho người nghèo.

 

Cô gái chợt chỉ tay ra phía cuối đường, hỏi: ”Anh có biết xe cộ người ta chạy đi đâu nườm nượp giữa mưa ngoài đường kia không?”

- Chịu thua- Tôn nhìn cô, cười .

- Họ chạy đi kiếm tiền- kiếm thật nhiều tiền càng tốt đó anh.

- Cô gái thản nhiên đáp.

- À, ra thế nhỉ ?

Mưa dứt. Nắng bắt đầu chiếu yếu ớt xuống lòng đường. Vòm trời cao hơn. Trong xanh . Như trước đó chẳng hề có cơn mưa dữ đội xuống khu phố này.

-Tôi xin lỗi, phải đi. Cám ơn cô – Tôn đứng dậy :

- Không có chi – cô gái nhìn anh, cười. Có gì mà ơn với nghĩa ?

- À, Tôn như chợt nhớ, anh quay lại- hình như tôi chưa biết tên của cô ?

- Huệ Tâm–cười, có cần địa chỉ nữa không?

- Nếu cô vui lòng…

- Sẵn sàng thôi : 218/4B Phan Xích Long…

- Cám ơn cô nhiều nhé. Tôi là Tôn- Hoàng Anh Tôn, chưa có địa chỉ.

 

Tôn không biết phải làm thế nào khi chỉ còn một hôm nữa để lo việc ăn ở. Sáng sớm ngày mai anh phải lên trường để bổ túc hồ sơ nhập học rồi. Những địa chỉ mà mẹ Tôn đã cẩn thận ghi lại, rất tin tưởng, đã trở nên xa lạ. Những lời mời mọc, hứa hẹn của bác Ba, chú thiếm Nam, chị Tuyết, dượng Minh với mẹ con anh lúc về thăm quê đã không được nhớ lại nữa. Tôn đã khóc mùi một đêm trên căn gác ngột ngạt nhà thiếm Nam trong tiếng gió mưa ám ảnh, dằn vặt. Tôn vừa trải qua những đêm lạnh lẽo thức trắng nơi bao lơn tầng ba nhà chị Tuyết . Tôn đã nghĩ  nhiều đến mẹ và chị, lòng muốn quay về với gia đình, quê nhà, không thiết đến việc học hành nữa. Tôn còn tiếp tục đến trường, vẫn còn là gánh nặng cho mẹ và chị anh ở quê nhà. Những năm cuối của bậc Trung học- nhất là năm học lớp mười hai, mẹ anh luôn nhắc : “Cha con lúc sắp nhắm mắt, ông vẫn còn nắm tay dặn mẹ : dầu phải sống thế nào đi nữa, cũng gắng cho con vào được Đại học”. Mẹ đã hứa rồi, Tôn không thể làm cho bà buồn phiền thêm. Hôm nay , anh sắp bước chân vào Đại học, cánh cửa đang mở rộng phía trước, nhưng sao Tôn lại cảm thấy mệt mỏi, chán nản quá ?

 

Tôn nhớ tới cô gái trong quán kem Thảo- Huệ Tâm, anh nghĩ thầm : “Hay là thử tìm đến nhà, nhờ cô ta tìm giúp cho một nơi ở trọ, biết đâu cô ấy có nhiều chỗ quen…”. Tôn chợt cảm thấy một niềm tin vui mới lạ, đang dâng lên, nhẹ nhàng, trong tâm hồn mình.

 

Cuối cùng Tôn cũng tìm được đến đường Phan Xích Long, những số nhà lộn xộn, giữa các con hẻm, ngã rẽ không ghi rõ ; hỏi ra nhà Huệ Tâm. Đứng trước cổng nhà số 218/4B, lòng Tôn phân vân, lo lắng. Chiếc cổng gỗ đã đóng. Căn nhà gỗ có gác cao, khoảng sân rộng rợp bóng cây Bồ Đề, chiếc ghế dựa bằng đá kê trước hiên; tất cả những thứ ấy làm cho căn nhà nhỏ nhắn này có nét dễ thương, giản dị như hình ảnh cô gái anh đã tình cờ được gặp.

- Cậu hỏi thăm ai ?- Người đàn ông hơi gầy, nhưng dáng dấp rắn rỏi, da ngăm đen, từ cửa vọng ra.

-Thưa bác, cháu muốn tìm nhà của Huệ Tâm- Tôn do dự đáp.

- Cậu là bạn của con Tâm ở nhà à ? Người đàn ông tiến ra phía cổng.

-Thưa không- Tôn ấp úng, nhưng cũng gần như vậy…

-Thôi được- Người đàn ông thở dài, cậu nói tôi không hiểu gì cả, mời cậu vào nhà chơi- Ông mở rộng cánh cổng gỗ.

Lúc ngồi yên vào ghế, đỡ ly nước trên tay ; Tôn thấy cần phải nói rõ ý định của mình, trước khi ông đặt ra những câu hỏi.

-Thưa bác- Tôn kể, cháu ở ngoài Trung mới vào được vài hôm nay. Cháu đã tìm được nhà của những người bà con, nhưng không có nơi nào cháu có thể ở tạm để đi học được. Cháu muốn gặp cô Tâm, nhờ cô ấy có quen chỗ nào thì giới thiệu giúp…

Người đàn ông vừa uống trà, vừa chăm chú lắng nghe Tôn nói, rồi ông chợt “à” lên một tiếng, gật gù :

- Bác hiểu rồi, cháu muốn nhờ con Tâm tìm chỗ ở trọ để đi học chứ gì ?

- Dạ phải .

- Em nó còn nhỏ, làm gì tìm kiếm nhà cửa cho cậu được ? – Ông cười- nhưng cậu cứ ở lại đây chơi. Không dấu gì cậu, ngày mai là ngày giỗ mẹ nó, nó đi lên chợ Phú Nhuận một lát rồi về ngay.

 

Tôn im lặng nhìn ông, lòng buồn mông lung. Ông chậm rãi uống từng ngụm nước trà, đốt một điếu thuốc, thỉnh thoảng lại liếc nhìn Tôn.

-Thế này- ông bỗng lên tiếng, bác có thể tìm giúp cháu, được không ?

- Được bác giúp, cháu rất biết ơn …

- Không có gì là ơn nghĩa cả ; cháu đi học xa không thể mang nhà theo được, ai cũng vậy. Ông nhìn quanh căn nhà- Cháu có thể ở lại đây được không ?

-Thưa bác, ở đây à ?

- Ờ, ở đây- trên gác kia…

- Dạ được- Tôn vui mừng, chỗ nào có thể ở tạm để đi học là tốt rồi. Cháu không có đồ đạc gì nhiều cả…

- Bác chỉ ngại không thuận tiện cho cháu thôi, chứ nhà chỉ còn lại ba cha con bác. Trên gác rất rộng, thoáng mát, đó là chỗ ở của chị con Tâm trước lúc có chồng…

 

Ông rót thêm nước vào tách của Tôn  :

- Bác cũng nói trước cho cháu biết, bác không cho thuê căn gác ấy đâu. Chỉ cho cháu ở không thôi, nhưng cháu giúp bác một việc được không ?

-Thưa bác, việc gì vậy : Bác cho cháu biết thử coi cháu có thể làm được không ?

- Không có gì khó đâu- ông cười, học giỏi như cháu thì làm được . Thế này : Thỉnh thoảng có bài học nào khó, cháu chỉ giúp con Tâm nó học. Năm nay em nó thi tốt nghiệp cấp ba đấy.

-Thưa bác, việc ấy cháu có thể làm được.

-Thế thì tốt rồi- ông cười lớn, bác phải cám ơn cháu. Vậy là bác có thể yên tâm ở ngoài đường cả ngày để kiếm tiền…

 

Theo lời ông Mẫn- ba của Huệ Tâm, nàng phải đi theo dẫn đường cho Tôn ít nhất là hai lần ; anh mới có thể thông thạo đường đi nẻo về mà không sợ bị lạc mất thì giờ. Ông kẻ trên bảng từng con đường, những ngã tư, ngã ba, đi sao cho vừa gần, vừa an toàn. Ông an ủi Tôn : “Rồi cháu sẽ quen dần thôi, vào Sài gòn ai cũng thế cả. Lúc trước đạp xe ở vùng Phú Nhuận thì bác rành ; sang Tân Bình, Chợ Lớn, Khánh Hội… cũng phải dò, phải hỏi, sau rồi thuộc làu hết từng con hẻm. Bác đã đạp xích lô hơn mười mấy năm nay rồi, kể từ ngày bác gái chết ở vùng kinh tế mới Sông Bé.

 

Ông kể :

-Hồi đó chưa đẻ thằng An, con Hà được chín tuổi, còn con Huệ Tâm chỉ mới năm tuổi thôi. Gia đình bác ở trong diện phải đi kinh tế mới, bị gọi lên xuống phường nhiều lần, biết nấn ná ở lại thành phố không xong; phải đùm túm nhau đi. Phát quang. Dựng nhà. Cuốc đất. Trồng tỉa. Chăn nuôi. Làm đủ thứ chuyện. Kể cả con Hà cũng phải làm. Nhưng cái đói, cái bệnh ngày một đến gần. Bác chỉ tội nghiệp cho hai đứa nhỏ, chứ đời bác, có chết đi thì vẫn còn khỏe hơn mà. Thằng An lại được sinh ra trong chốn sình lầy rừng rú tối tăm ấy nữa, như một cái nợ nặng trĩu. Nuôi nó được đầy năm, vừa cúng thôi nôi xong thì bác gái mất  vì bệnh sốt rét ác tính…

 

Ông cười khà khà :

- Nhưng rất may, cháu à. Nói theo kiểu mấy thằng cha Ba Tàu Chợ Lớn- ông giả giọng – “Cái miệng túi áo vẫn chúc lên há, ngộ hổng có hợ  hà !”

Sáng nay Huệ Tâm sẽ đưa Tôn đến trường lần đầu. Nàng nhanh nhẹn, rộn ràng, giống như chính nàng đi học. Nàng dắt hai chiếc xe đạp để trước sân. Gọi An dặn coi nhà, học bài, nấu cơm. Huệ Tâm lau lại chiếc xe đạp đầy bụi của Tôn, nhìn anh cười : “Anh mượn chiếc xe này của chị bao giờ mới trả?”

- Có lẽ một tuần- Tôn do dự.

- Tuần sau, anh lấy xe của em mà đi- Huệ Tâm nói nhỏ.

- Còn Tâm ? – Tôn lo lắng.

-Trường em gần, đi bộ có sao đâu ? Nàng thoáng cười.

- Anh sẽ viết thư xin tiền gia đình để mua một cái xe đạp cũ- Tôn tâm sự .

-Thì anh cứ đi tạm xe của em, chừng nào có tiền hãy hay…

 

Tôn đã thực sự bước chân vào trường Đại học rồi. Anh đang đi dạo khắp sân trường. Những giảng đường. Thư viện. Văn phòng. Tôn thầm nghĩ, nếu ba anh còn sống, nhìn thấy anh được như thế, chắc là ông sung sướng lắm ? Anh đã thực hiện được ước mơ của ông trước khi ông mất. Tôn nghĩ tiếp, có lẽ , anh sẽ phải chụp vài kiểu ảnh- dĩ  nhiên là không có Huệ Tâm bên cạnh- để gửi về cho mẹ và chị ở quê. Những lúc nhớ anh, đau buồn, túng quẫn ; nhìn thấy anh đang đứng tươi cười trước cổng trường Đại học, bên ghế đá, bên tượng đài trong sân trường; bên cạnh những dãy lầu trang nghiêm mới lạ ; chắc mẹ và chị sẽ dịu đi nỗi khổ, và cảm thấy ấm áp ?

 

Một tuần lễ đã trôi qua. Êm ả. Tốt đẹp. Được sống trong gia đình của Huệ Tâm, cạnh người cha chân chất ; gần gũi cậu em hiền từ ; nhất là Huệ Tâm luôn sốt sắng giúp anh- Tôn đã dần lắng quên những tình cảm buồn tủi, nhớ thương lãng đãng.

 

Có tiếng chân Huệ Tâm bước lên gác. Nàng đặt trước mặt An đĩa bánh tiêu tròn. Tiến lại bàn Tôn: “Anh uống chút cà phê sữa đi”.

- Cám ơn- Tôn ngước lên nhìn nàng, anh không ghiền cà phê đâu.

Tôn bỏ bút xuống, cười thân tình :

- Đã nghèo mà còn ghiền nhiều thứ quá, làm sao mà học được đây ? em đừng tập hư cho anh …

- Em mới mua cà phê cho ba- nàng giải thích- anh uống thử coi có ngon không ?

-Thế thì cô bé lầm rồi- Tôn cười lớn, anh đâu có sành cà phê mà em nhờ vả cho tốn kém ?

 

Tiếng mưa nhỏ dần trên mái tôn. Vòm trời ngoài cửa sổ đã sáng xanh, trong trẻo trở lại. Rất xa về phía Chợ Lớn, vài mảng mây xám đang nhạt dần. Huệ Tâm mở thêm một cánh cửa sổ nữa chỗ Tôn đang ngồi. Anh sáng tràn vào. Tươi mát. Huệ Tâm nhìn tờ giấy đặt trước mặt Tôn giây lâu, nàng hỏi :

- Anh viết thư à ?

- Viết thư .

- Cho ai ?

- Cho mẹ với chị chứ còn ai nữa ?

- Sao anh không viết đi ?

- Anh cảm thấy  khó viết quá…

- Viết cho mẹ và chị mà kêu khó- nàng che miệng cười, giống như là viết cho người yêu không bằng ?

 

Nói xong câu ấy, Huệ Tâm bỏ đi xuống gác, trả lại sự yên tĩnh cho Tôn. Trong đầu anh, câu hỏi cũ lại đến : “Mình có nên viết thực cho mẹ và chị biết không?”. Anh phải viết cho mẹ như thế nào đây khi nơi anh đang sống, không có trong những địa chỉ mà bà đã cẩn thận ghi nhớ từ bấy lâu ?

 

Bà đã đưa cho Tôn tấm giấy ghi đầy các địa chỉ, như gửi gấm vào trong ấy tất cả niềm tin tưởng chân thật. Nếu chọn viết lại tất cả sự thật, mẹ và chị anh ở quê sẽ buồn khổ như thế nào ? Tôn nghĩ, có ich lợi gì đâu, khi đem lại cho mẹ và chị những nỗi tủi thân và thất vọng ? Bà ấy đang phải chịu đựng mọi nỗi nhọc nhằn, lận đận, chỉ vì sự học của anh…

 

Tôn bỗng nghe tiếng mình thì thầm : “Chỉ nên kể cho mẹ và chị toàn những chuyện vui thôi”- Anh vội cúi xuống tờ giấy đã nằm chờ sẵn từ lâu.

 

Tiếng hát rè rè từ chiếc cassette cũ nhà bên cạnh bắt đầu mở cuộn băng cải lương hài về Trạng Quỳnh mà anh đã nghe ông ta mở rất nhiều lần rồi cho dầu chỉ mới trong một tuần lễ …

 

Sài gòn, tháng 7-1991

Mang Viên Long
Số lần đọc: 2722
Ngày đăng: 17.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xin đừng như sóng - Hạ Dung
Sao trong chòm cự giải - Dương Thuỳ Dương
Buổi sáng sinh phần - Trần Vũ
Ma chuột - Nguyễn Đông Phương
Chuyện đời thường - Khaly Chàm
Người đóng thế - Lê Mai *
Người hoang tưởng - Nguyễn Minh Phúc
Đồi ma - Nguyễn Đặng Mừng
Truyện rất ngắn (3) - Nguyễn Thị Hậu
Có một tình yêu như thế - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)