Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
791
116.523.694
 
Chuyện xóm củi
Mang Viên Long

Tuy mới dọn về ở đầu con giốc dẫn vào xóm Củi không lâu, nhưng tôi được biết khá nhiều tin tức của gia đình ông Bùi- nhất là về đứa con trai út của ông. Bắt đầu từ Thân- tên cậu con trai, gia đình ông Bùi ngày càng rối ren, phiền muộn . Dầu chưa kịp hỏi han, các bà trong xóm luôn sốt sắn kể cho tôi biết thêm nhiều tin tức mới… Đàn bà thì bao giờ cũng vậy, rất nhạy bén với mọi điều xảy ra quanh mình. Dường như họ có cái say mê thích nghe chuyện người khác, để có cái mà bàn chuyện lúc rỗi rảnh !

 

Lúc đầu, mỗi lần có dịp ghé lại chơi nhà tôi, ông Bùi có ý không cho tôi biết nỗi khổ của mình. Có lẽ ông không cố tình tránh né, nhưng có thể nghĩ, nếu có tâm sự  với tôi, thì mọi chuyện cũng không thể thay đổi được gì. Có thể làm cho cuộc gặp gỡ mất vui ; mà ông lại muốn đến với tôi như là để lãng quên, thư giãn đôi chút.

 

Một hôm ông ghé vào, áo quần xốc xếch, vẻ mặt còn đỏ gay. Tôi không muốn chạm tới nỗi khổ tâm của ông, chỉ rót trà mời- hỏi qua loa : “Hôm nay ông không đi làm à ?”.

-Làm chi cho mệt xác, ông ? – Giọng ông Bùi nặng nề- Con cái nó hư hỏng tới như vậy rồi, còn làm ăn gì được nữa ?

Trông ông buồn khổ một cách tuyệt vọng- Tôi hỏi thăm :

-Lại có chuyện gì bên nhà sao ? – Tôi nhìn vào mắt ông ; nghe nói cháu đã chịu đi học nghề rồi kia mà ?

-Học được mấy hôm rồi lại quay về lấy chiếc đồng hồ của em nó. Chị nó biết được rầy la- nó gây sự, rượt đánh chị nó chạy khắp xóm !

-Có thật như vậy sao ? – Tôi ngạc nhiên.

-Sao lại không thật- ông Bùi cười gằn, mẹ nó chạy theo can ngăn ; nó cũng quật mẹ nó ngã nhào, phải chở vào viện…

-Lúc ấy ông ở đâu ? – Tôi lo lắng.

-Ở trong buồng chớ còn ở đâu ? – Ông Bùi lại cười nhạt, lại rít thêm hơi thuốc- Tôi nghe biết mọi chuyện nhưng tôi có thể làm gì được với một đứa con không có trái tim người ?

Chúng tôi cùng uống trà.

Im lặng.

Ông Bùi thở dài :

-Thử hỏi ông, nuôi nấng nó đến ngần ấy tuổi, trải qua bao nỗi khổ- có khi nào nhìn thấy mình làm việc vất vả mà rót mời mình một ly nước đâu ? – Ông cười cười, thậm chí không có lấy một lời nói dịu dàng nữa, chứ đừng nói chuyện nước nôi…

Tôi đỡ lời ông :

-Có lẽ chúng bận việc, hay chưa nghĩ tới được?

-Bận việc à ?- Ông cười gằn, nó nằm dài ra xem ti vi chứ bận việc gì ?- Ông nhìn chăm chăm vào mắt tôi- Chúng chỉ luôn đòi hỏi cái nọ, cái kia- chê trách cha mẹ… chớ đếch có đứa nào tự hỏi lại mình, là đã làm được gì cho gia đình, cho cha mẹ…

-Ở đời, nước mắt chảy xuôi mà ông- Tôi cười lớn, để ý làm gì cho thêm khổ ?

-Không phải là mình để ý- Ông cãi lại, nhưng văn minh, đạo đức gì như thế cơ chứ ? Ngày trước, mình đối với cha mẹ, anh chị… chẳng dám hó hé nửa lời, vậy mà êm thắm, nên người cả !

 

Thân thường đi ngang qua ngõ nhà tôi để lên giốc, xuống phố. Tôi thường trông thấy dáng nó qua khung cửa sổ. Có lần vừa ra ngõ, gặp Thân- tôi cười, hỏi : “Cháu đi làm phải không” – nó đáp nhỏ “dạ” rồi lầm lũi bước. Tôi nhìn theo nó cho tới lúc ra tới đầu giốc ; cảm thấy rất thương nó. Một tình thương yêu mơ hồ, nhẹ nhàng, len lỏi vào trong tôi ; có lúc khiến tôi bàng hoàng, xót xa giây lâu. Có tuổi trẻ. Có sức khỏe. Có tương lai. Nhưng nó đã sớm đi vào con đường tăm tối, và khổ đau ! Giá như nó không bỏ học ngay năm lớp 10 để theo bè bạn lêu lỏng, quán xá, đua đòi – thì nay đã là sinh viên… Tương lai sáng sủa, chắc chắn ở trong tầm tay nó. Tuổi trẻ mà ham những cuộc vui nhỏ tạm bợ trứơc mắt thì sẽ không có niềm vui lớn lâu dài. Tuổi trẻ mà không “biết đủ” ở hiện tại, thì sẽ chẳng bao giờ “có đu”  ở ngày mai cả. Tôi thường băn khoăn : “Liệu có cách gì giúp đỡ để nó trở về con đường sáng sủa, yên vui chăng ?” – Tôi suy nghĩ mãi mà chưa tìm được câu trả lời khiến mình yên tâm.

Một buổi sáng chủ nhật, tôi có dịp đến thăm gia đình ông Bùi. Ông vừa có việc phải đi đâu đó. Bà Bùi tiếp tôi với vẻ gắng gượng tươi cười : “Mời bác vào nhà xơi nước ạ!”.

Buổi sáng hôm ấy, tôi có góp với bà Bùi vài ý nghĩ của tôi về Thân. Tình yêu thương của bà Bùi dành cho con, làm cho tôi rất đỗi ngạc nhiên và khâm phục : Bà không hề oán giận con, không trách móc, thất vọng- mà luôn tìm mọi cách cứu giúp nó. Sức chịu đựng của những người Mẹ như bà thật bền bỉ.

 

Khi nghe tôi đề nghị sẽ giới thiệu Thân cho đứa cháu gọi tôi bằng chú đang làm Giám đốc một xí nghiệp sản xuất gạch men lớn ở Saigon ; bà Bùi không dấu được nỗi vui mừng, và xúc động. Tôi thấy trong đôi mắt bà ánh lên niềm hy vọng long lanh. Niềm hy vọng lớn lao đến nỗi khiến tôi cảm thấy lo lắng : Liệu mình có thể đáp lại được phần nào tấm lòng kỳ vọng tha thiết ấy chăng ?

Tôi nói :

-Tôi tin rằng vào trong ấy, có việc làm, có lương đủ sống rồi, cháu sẽ trưởng thành tốt hơn…

-Tôi cũng nghĩ  vậy, bác à ! – Giọng bà phấn khởi- cho nó xa bè bạn xấu đi, có công việc làm ăn ổn định – cháu sẽ đỡ hơn ngoài này… Lúc bé, cháu hiền lành, ngoan ngoãn lắm !

Tôi cười :

-Tôi hy vọng cháu sẽ không là nỗi buồn lo của gia đình nữa . Chị gắng kiên nhẫn thêm một thời gian…

-Cám ơn lòng tốt của bác- bà Bùi vui vẻ tiễn tôi ra ngõ- gương mặt hân hoan, linh hoạt khác thường.

 

Khoảng một tuần lễ sau, ông Bùi đến thăm tôi vào buổi tối. Sau chén trà, ông nhìn tôi- có vẻ do dự :

-Ông Thành, tôi có nghe vợ tôi nói ông có ý giúp cho thằng con của tôi…

-Ồ, có gì đâu – Tôi cười, chuyện bình thường thôi mà ! – Tôi hớp một ngụm trà, vả lại đứa cháu của tôi cũng đang cần có người thân tín để giao công việc…

Tôi nhìn ông giây lâu :

-Nó làm ăn giàu có lắm, không có gì mà ông phải ngại cả !

-Đấy- ông Bùi bỗng kêu lên, đấy chính là điều làm tôi băn khoăn suốt mấy hôm nay !

-Ông có gì lo nghĩ nào ? – Tôi vui vẻ hỏi. Có việc làm ăn ràng buộc, nó đỡ la cà…

-Ông thương tôi, có lòng với gia đình tôi- tôi xin cám ơn ; nhưng tôi không muốn để cho ông chịu bao phiền hà, trách nhiệm về sau này ! – Ông hớp một ngụm nước trà- Nó sẽ làm khổ đến ông nữa đấy ; tôi nói không sai đâu !

-Ông nói phiền hà là phiền hà cái gì ? – Tôi thắc mắc, tôi chỉ tốn một cái thư giới thiệu . Và gọi điện cho cháu tôi đón Thân khi vào đến Saigon là yên rồi…

-Không đơn giản như vậy đâu – Giọng ông Bùi buồn buồn- Có ai dám bảo đảm là vào tới Saigon, nó sẽ tốt hơn ở đây ? Tôi nghĩ khi tâm nó còn tối tăm, lòng chưa quyết thay đổi ; ở Saigon đôi lúc còn dễ hư hỏng, gây nhiều lỗi lầm lớn hơn ở đây nữa !

 

Yên lặng một phút- ông tiếp :

-Ở đất Saigon có đủ mọi thứ cám dỗ cho mọi người. Ông thấy đấy, lớn còn hư huống hồ là trẻ   nhỏ! Nó là thằng đã ăn chơi, sa ngã, đua đòi như vậy; thì ở Saigon nó có thể tốt hơn được không ? Ai là người quản lý, theo dõi, răn dạy nó đây ? Giao cho nó việc quan trọng, có cơ hội, điều kiện trong tay- nó lại dễ phạm tội hơn nữa là khác…

Lời ông Bùi thật sự làm tôi cảm thấy khó xử. Nếu được tin tưởng vì lời giới thiệu, gởi gắm của tôi; nó sẽ được giao cho việc tín cẩn, quan trọng, ngay trong buổi đầu ; liệu nó có làm tròn được không, hay là quen đường cũ ; chạy theo cám dỗ giăng mắc đầy rẫy quanh nó ở đất   Saigon ?

Nhìn thấy tôi im lặng, ông Bùi lơ đãng, phân vân, trông theo khói thuốc là là bay trước mắt- giọng thân tình, chậm rãi :

-Thôi, tôi xin ông hoãn việc này lại- lúc nào cần, chúng tôi sẽ tới nhờ ông vậy ! Tôi thực tình không muốn lợi dụng ông…

 

Ông chào tôi. Đứng dậy. Ra tới hiên, bỗng quay lại, ghé vào tai tôi, nói nhỏ : “Ông đừng cho vợ tôi biết việc này nhé ! Bà ấy rất thương con, nhưng nông nỗi lắm ông à”. Ông chớm bước đi, rồi dừng lại nhìn tôi : “Ai mà không thương con? Nắm ruột cắt ra, máu thịt chia xẻ- nhưng biết làm sao bây giờ ?”.

 

 

Một tháng sau ngày ông Bùi đên thăm tôi vào buổi tối, thì Thân bị bắt, vì có dính líu tới vụ cướp xe gắn máy ở chân đèo Gốc Mít. Thân bị giữ để điều tra một thời gian, ra tòa- Và được tập trung cải tạo ở K10 trong thời gian hai năm.

 

Vợ chồng ông Bùi thay phiên nhau đi thăm con. Thỉnh thoảng, ông ghé lại tôi hỏi mượn ít tiền để mua thêm quà cho Thân. Tôi vui vẻ bắt tay tiễn ông ra ngõ : “Ông cứ nghĩ rằng đây là chút quà của tôi gởi cho cháu… ông đừng bận tâm làm gì !”.

Ông phân trần :

-Tôi vẫn biết đây chỉ là chút đỉnh quà an ủi cho con ; nhưng nó không hiểu biết hết được tấm lòng của cha mẹ nghèo- dầu chỉ một đồng lo cho chúng, cũng là mồ hôi, có khi cả nước mắt nữa…

-Đúng như vậy- Tôi tiếp lời ông, đâu phải cho chúng nhiều tiền, nhiều thứ- mới gọi là có tình thương yêu đâu ?

-Nhưng ngặt nỗi tuổi trẻ bây giờ có số suy nghĩ như vậy ! – Ông lắc đầu, ở chỗ nào tiền bạc cũng đi hàng đầu cả, ông ạ !

 

Tôi cười lớn : “chuyện của ngàn năm mà !”

Trái với sự cởi mở thân tình, gần gũi của ông Bùi ; bà Bùi tránh nhìn mặt tôi. Hay nếu có lỡ gặp ; bà nhìn tôi với đôi mắt lạnh lùng ; gương mặt khô cứng như đá. Mỗi lần nhìn chạm phải gương mặt ấy, tôi cảm thấy rất ân hận, có lẫn niềm đau xót ray rức âm thầm. Nhiều đêm tôi tự trách mình : “giá như tôi không nghe theo lời đề nghị của ông Bùi, vẫn giới thiệu cho Thân vào Saigon- có lẽ nó đã không phải ngồi tù?”.

 

Rồi thời gian cũng trôi qua, như bao dòng sông đổ xuôi về biển : Thân mãn hạn tù, được ra trại, trở về với gia đình. Tôi đã đến chia vui cùng gia đình ông Bùi ; hỏi thăm Thân về tình trạng sức khỏe, sinh hoạt trong trại ; góp ý động viên nó gắng tìm việc làm… Lạ thay, lần này bà Bùi không còn nhìn tôi với đôi mắt lạnh lùng, cứng sắc như trước. Tôi cảm thấy yên tâm.

 

Tôi nói :

-Tôi định xin lỗi chị về việc không giữ được lời hứa với cháu…

-Thôi, bác đừng nhắc lại chuyện cũ nữa- Bà vội cắt lời tôi, người có lỗi là tôi, chứ không phải bác… Nhà tôi đã nói với tôi hết cả rồi ! Tôi xin bác nghĩ tình bỏ qua cho.

-Được chị hiểu là tôi vui rồi- thật tình là lâu nay tôi rất buồn vì chẳng làm được gì…

Ông Bùi vỗ vai tôi- giọng chắc nịch :

-Ông là ân nhân của tôi. Xóm giềng mà có được người như ông thì quý quá !

-Ông đừng nói vậy- Tôi cười, chúng ta đều là người “nghèo khổ”  cả ; có điều , mỗi người “nghèo khổ” một cách… Ở đời, có ai là được hoàn toàn đâu ?

 

Thời gian ở trong trại, Thân kết bạn với một người “anh nuôi” lớn hơn nó năm tuổi, quê ở Long An, nhưng sống với bác ruột ở quận Bình Thạnh. Được người bác cưu mang, dạy cho nghề làm giày. Anh ta có thời gian dài làm việc cho Công ty Giày xuất khẩu Bithaco. Thân đã xin cha mẹ cho vào Saigon gặp lại người “anh nuôi”, để nhờ giới thiệu vào làm việc cho công ty giày. Theo lời Thân kể, thì người bạn đã hứa sẽ hết lòng giúp, nếu chưa vào được Bithaco, sẽ làm việc cho hiệu giày của người bác. Anh ta còn hứa thêm, là sẽ gả em gái đang học Trung cấp kế toán cho Thân nữa…

 

Thời gian lặng lẽ đi qua. Xóm Củi cũng ít có chuyện gì mới, hấp dẫn mấy bà hàng xóm. Tuy vậy, gặp nhau- họ thường to nhỏ về các phòng hát Karaoke ở dưới phố... Tôi có công việc phải đi xa nhà mấy tháng, lại ăn Tết với con cháu ở Nhatrang hết một tháng nữa. Về nhà, chưa nghỉ được trọn buổi, thì bà Bùi đến.

-Bác à, nói cho bác mừng, thằng Thân nhà tôi dạo này chăm chỉ làm ăn lắm .- Bà nhiệt tình nói, hôm Tết cháu nó còn gửi quà về cho bố, cho chị, cho em nó nữa…

-Cháu không có quà gì cho chị à ? – Tôi cười .

-Có chứ, bác ! Nó biếu tôi đôi giép da ngoại, tự tay cháu nó làm- nó bảo mang ba năm không đứt quai !

-Thế thì tôi xin chia vui với anh chị…

-Cho tôi cục vàng cũng không bằng cháu nó được nên người, bác ạ !- Dừng lại giây lâu, bà nhìn tôi dò xét ; tôi có việc muốn nhờ bác không biết bác có vui lòng giúp cho không ?

-Chị cứ nói, - Tôi cười, vừa khả năng thì tôi làm ngay- còn nếu không đủ khả năng, thì dầu lòng có muốn, cũng không thể làm gì được…

 

Bà Bùi móc trong túi ra một phong thư, trao cho tôi : “Bác xem giúp, rồi cho chúng tôi biết là phải làm thế nào ? Nhà tôi phải nhập viện từ hôm rằm, ông ấy nghe xong, bảo tôi phải đến nhờ bác…”.

 

Tôi mở thư ra xem : Thư của Thân gửi  cho ông bà Bùi. Tôi cảm thấy rất khó để góp ý với bà ; bởi vì, đây là chuyện hệ trọng cả đời của Thân. Sự tin tưởng của vợ chồng bà dành cho tôi, càng khiến cho tôi khó xử. Tôi lại thoáng nghĩ, đây là việc của nhân duyên mầu nhiệm, trí phàm mắt thịt của tôi làm sao có thể tường tận để nói với bà cho chính xác đây ? Có cuộc tình nào được mãi mãi hạnh phúc, êm ấm mà không gặp khó khăn ?

Suy nghĩ hồi lâu- Tôi nói :

-Chị nên thu xếp việc nhà, vào thăm cháu. Mẹ con trò chuyện, hỏi han nó cho kỹ. Nếu nó một lòng yêu thương con bé ấy- thì mọi việc sẽ dễ dàng :  Chúng ta là cha mẹ, chỉ khuyên răn, góp ý với con thôi, nếu chúng đã thực lòng yêu thương nhau rồi, thì hãy làm theo ý nguyện của chúng. Có tình yêu chân chính, khó khăn chúng sẽ vượt qua được…

-Vậy là bác cũng đồng ý ? – Bà vui mừng hỏi .

-Tôi và cả anh chị, cũng không thể “đồng y” hay “không đồng y” được. Chị phải gặp cháu, đừng tiếc việc nhà mà bỏ qua… Chúng nó sẽ trực tiếp trả lời cho chị rõ ràng. Chị hiểu ý tôi nói không ?

-Tôi hiểu – bà cười, xin cám ơn bác !

 

Mặc dầu đang trở bệnh nặng, ông Bùi vẫn hối thúc vợ cùng đứa con gái đầu, đón xe ca vào Saigon gặp Thân cho sớm. Ông còn nói, bệnh của ông không sống được lâu ; ở nhà có ba đứa con thay phiên ghé thăm, là được rồi. Ông muốn sớm có được tin tức, kết quả, về cuộc hôn nhân của Thân. Ông đã chờ đợi quá lâu rồi…

 

Khoảng vài hôm sau khi vào đến Bình Thạnh, bà Bùi gọi điện về cho tôi, nhờ tôi gặp ông Bùi để hỏi ý ông, nếu bà xúc tiến làm lễ “viếng gia và lễ hỏi” ngay lúc này được không ? Bà và đứa con gái đầu- chị cả của Thân đã có chồng con ; sẽ đại diện cho “họ nhà trai” có được không, hay cần nhờ thêm ai nữa ?

 

Nhận được tin điện của bà Bùi xong, tôi thu xếp đến bệnh viện thăm ông Bùi. Nhận ra tôi, ông nhếch miệng cười- đôi mắt cố mở to hơn, nhưng vẫn như khép hờ. Người gầy rạc, như chiếc lá. Da mầu tái xám. Tôi ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh giường ông, nói lớn : “Chị vừa gọi điện về, nhờ tôi đến hỏi ý kiến của anh ?”

-Hỏi gì ? – Ông nhếch miệng.

-Cho phép chị ấy làm lễ hỏi ngay bây giờ được không ? Tôi chờ đợi.

-Hỏi vợ cho thằng Thân ? Ông khẽ hỏi.

-Đúng rồi…

-Tốt quá-Ông nhắm nghiền hai mắt, lẫm bẫm : “Tốt quá, tốt quá…”.

 

Tháng 8-1995

Mang Viên Long
Số lần đọc: 3090
Ngày đăng: 27.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mèo ơi ! - Huỳnh Văn Úc
Ân nhân - Đông La
Những đóa hồng của đời sống - Mang Viên Long
Tìm cha trong gương - Lê Mai *
Trực chiến - Huỳnh Văn Úc
Ảo giác - Phạm Ngọc Tú
Phấn - Nguyễn Hiệp
Nghiệp cày - Phùng Phương Quý
Sài Gòn,những ngày mưa - Mang Viên Long
Lễ tưởng niệm - Đông La
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)