Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
512
115.869.915
 
Vỉa phố lan rừng
Trần Hạ Tháp

Năm thiếu nữ dân tộc Vân Kiều giữa lòng phố Huế ngày xuân. Năm cặp mắt to đen chỉ quen nhìn mây trắng đại ngàn và lá rừng Khe Sanh, Lao Bảo. Họ đến đây bao giờ? Rất sớm… Có lẽ từ khi chưa tắt ánh điện đường.

 

Những chiếc váy màu sẫm tươi và tóc mun soăn hoang dã. Năm cô gái ngăm ngăm da bồ quân căng đầy sức sống. Ngay sau lưng họ, công viên Thương Bạc và mặt nước Hương giang đang rây bụi mưa phùn. Các cô chừng mười bảy, mười tám xuân xanh. Chút giá lạnh đồng bằng chẳng đáng kể đối với người vốn sinh ra từ sườn núi, lưng mây…

 

Vâng, lan rừng. Các cô mang một ít hương hoa về phố thị. Cho dù trái và phải vỉa phố lộ thiên đã rực rỡ với hai, ba gian hàng bày bán biết bao loài phong lan đài các. Xa hơn, ngay trong lòng công viên Thương Bạc là vô vàn kiểng chậu được uốn nắn công phu. Nơi dập dìu khách sang trước những gốc lão mai treo bảng giá đắt tiền. Chợ mai mới mọc lên giữa rừng người đô hội…

Hình như khi đến đây, các cô gái đã rất thỏa mãn với chỗ ngồi đơn giản ấy. Không rời đi nơi khác, ngược lại có lẽ đây mới là nơi cho  cảm giác gần gũi, thân tình nhất. Năm cô gái hồn nhiên chẳng hay biết những tia mắt đang tò mò, dò hỏi... Phong lan rừng xuống phố !

 

La liệt ngay trên vỉa hè là những gùi phong lan còn tươi nguyên gốc rễ, rõ ràng mới tách khỏi đại ngàn. Mùi rêu xanh hoang dại. Ngan ngát hương từng chuỗi Nghinh Xuân màu tím trắng. Năm chiếc gùi dưới chân người qua lại. Năm cặp mắt ngước nhìn lên, nhẫn nại. Sự nhẫn nại của những người đã quen tự thân đem sức người chống chỏi giữa thiên nhiên. Không bồn chồn, còn có nét an nhiên đọng trong mắt người sơn nữ. Hương rừng trong gió sớm đâu đây…Mùa xuân đang về.

 

“U cốc phong lan”. Loài hoa tượng trưng cho ẩn sĩ lâm tuyền. Những bậc hiền nhân xưa dựng lều nơi thâm sơn cùng cốc. Họ chỉ có suối, lan, thi văn và mây trắng. Khi tao ngộ loài hoa kia - khác với những kẻ lánh đời tìm tiêu dao ngày tháng - bậc ẩn sĩ không lánh đời chỉ lánh mình, trước tác. Họ tìm một chốn tĩnh tâm để soi mình lên mặt gương thế sự. Nhiều danh tác đẫm đầy hương vị núi rừng và loài hoa cao khiết kia ra đời. Phong lan vẫn ở lại nhưng danh tác - ra đời bên suối nước lều tranh - trở về xuôi, để mãi mãi đi vào lòng nhân thế…“Lan tự, hữu dư hương”. Những dòng chữ được trân quý, mệnh danh chữ-của-hoa-lan từ đấy…

 

“Nhược chi, lan khí vị"

"Như hồ, hải khâm hoài”

 

Một trong số ít - quá hiếm hoi - những câu thơ ca tụng thứ “Khí vị” tuyệt vời của những người suốt một đời đem tâm hồn “soi bóng chữ”…Lặng lẽ và cô tịch. “Khí vị” ấy kín đáo, diệu vợi như hương cỏ Chi, hương hoa Lan trong rừng thẳm. Loài hoa treo mình giữa trời đất, không một lần chăm bón, nâng niu. Phong lan chịu nắng mưa, ở vị trí vươn mình hơn đồng loại nhưng cũng cơ cầu với biết bao gió bão. Hoàn toàn khác với hạng chùm gởi, ký sinh - đến tá túc nơi đâu làm héo tàn đến đấy - phong lan chỉ hút gió, ngậm sương. Khi ra hoa, dâng hiến hương sắc chung cho một vùng quanh nó. Nếu tiên cảnh có hoa, trước nhất phong lan hẳn là loài hoa tồn tại chốn Bồng lai… 

 

Ẩn sĩ khiêm nhường trước lợi danh, chức tước. Tưởng như họ tiêu cực, như chỉ muốn đứng riêng ngoài nhân thế. Nhưng - lạ thay - đấy lại là những người thấu triệt, nói lên nỗi niềm sâu kín nhất trong cõi lòng nhân loại. Từ đó, họ gần gũi nhân sinh. Sự gần gũi mức độ “khâm hoài” không khác gì cật ruột. Cảm xúc của những con người ấy - vĩnh cửu với thời gian - quả thực đã rộng, sâu “Như hồ, hải”…          

 

Phong lan và ẩn sĩ. Văn bút với cuộc đời. Thiên nhiên và nhân bản. Sự ẩn hiện, gắn bó của phong lan qua độ dày văn hoá phương đông sẽ hoàn toàn xa lạ với những đoá lan xuất xưởng từ công nghệ hôm nay. Thứ phong lan  nhân giống, ra đời trong ống nghiệm văn minh. Cho dẫu rực rỡ bội phần, lan công nghệ không bao giờ là “U cốc phong lan” theo nguyên nghĩa. 

 

Tên phong lan rừng đơn sơ, không mang theo họ-thực-vật dài lê thê, vô cảm. Gọi tên chúng không khác gọi đủ bốn mùa hoa : Nghinh xuân, Phượng vĩ, Giáng thu, Đông trúc, Hồ điệp, Dã hạc, Vân hài, Thuỷ tiên, Ý thảo…Rất có thể những mỹ danh tuyệt vời ấy đa phần do cổ nhân lưu lại. Song vẫn không ngừng câu hỏi với đời sau : Tại sao? Khác với bóng dáng tùng, cúc, trúc, mai, đào…từng thấp thoáng qua không ít dòng Đường thi tuyệt mỹ. Đến phong lan - người bạn bên suối nước, lều tranh - lẽ nào ẩn sĩ, văn nhân tưởng chừng như quên lãng !

Vâng, đã “U cốc phong lan”  người ẩn sĩ không tự ca ngợi bản thân mình. Có chăng, nghĩa “hữu xạ tự nhiên hương” để tháng năm ấn chứng… Đức tự trọng cao khiết của người xưa, một lẽ khiến những thơ vịnh loài hoa tế nhị kia rất hiếm được ra đời. Phong lan còn tên khác “Ẩn sĩ chi hoa” hay “Ẩn hoa”, vì thế. Đã “Ẩn” là không hề hiển lộ !

 

“Ẩn lan trung hữu bút"

"Vô vịnh mặc nhiên thi”.

 

Vâng,  trong phong lan tự có bút ẩn tàng. Không vịnh, mặc nhiên thơ đã viết. Nhìn những chồi non nhú lên như đầu bút mơn mỡn, câu thơ trên thành tuyệt bút.

 

Bậc tài điệu chơi hoa từng phân ra quy tắc, đến nay cơ hồ đã mịt mờ dưới lớp bụi thời gian…Phái “Ẩn hoa” - độc nhất - chuyên chú phong lan. Phái “Hiển hoa” trừ phong lan, gắn bó với bất cứ loại hoa nào mến chuộng. Không bao giờ vô ý để phong lan lẫn lộn với loài hoa khác phái. Quy tắc có xuất xứ từ sử sách Trung Hoa không? Đến nay, chưa khẳng định nào minh chứng song các tiền nhân người Huế chơi hoa, từng truyền gia quy tắc kia cho con cháu trong nhà…

 

Một sắc hoa chưng ngày Tết, người Huế truyền thống vẫn quen đặt chính giữa căn giữa, cắm thêm nén nhang vào chậu kiểng để thưởng thức  cùng những người khuất bóng. Đấy không hề là tưởng niệm theo nghi lễ thông thường. Rất đơn giản, chỉ là sự chia sẻ giữa những kẻ đồng điệu - cùng dưới một mái nhà - đang và “đã từng” gắn bó bên hoa…

 

Huế - Mùa xuân đang hiện hình trong hương sắc phong lan. Mùa xuân nguyên sơ, vô ngại. Với năm cô gái Vân Kiều, ngày xuân ở đây chừng như đã dài hơn dự tưởng? Đôi lúc các cô bảo nhau những gì bằng thổ ngữ. Giọng ríu rít mang  nhạc điệu chim rừng. Họ chẳng dấu hiệu rụt rè trước phố thị trăm sắc rộn ràng đầy lạ lẫm. Mưa bụi bay bay. Cuộc du xuân vẫn triền miên và vội vã diễn ra với muôn ngàn cư dân thành phố. Xe cộ rùng rùng trôi qua. Con người bịt kín mặt mày liếc nhìn nhau giữa mịt mù bụi khói…    

 

Một cặp vợ chồng tây đi qua vỉa phố. Bé gái như búp bê ngồi ngất nghểu vai cha. Năm cô gái trố mắt, lắc đầu bụm miệng cười khúc khích. Người phụ nữ nước ngoài kéo tay chồng dừng lại. Bà ta vội vã nắm máy ảnh và ra hiệu xin hình. Các cô thích thú chỉ vào màu váy của nhau, sáng mắt lên và gật đầu hãnh diện. Niềm vui của họ đơn sơ, hết sức tự nhiên như những gì từ rừng sâu lặn lội mang về. Vỉa phố chật hẹp trở thành góc trời riêng. Góc trời đến và đi không có lời hẹn trước…                                   

 

Ăn sáng. Năm cô gái lật gùi mây lấy những nắm xôi gói trong lá bí, lá bầu. Họ dùng bữa ngay trước mặt mọi người. “Ăn trể rứa không đói bụng răng mấy o ”? “Không đoi. Đi lam rây cung ăn như đi vê phô”(*). Thì ra, ấn tượng về không-thời-gian mang theo vẫn không hề rời bỏ họ.

Mấy ống nứa nước suối rừng đem theo được lưu tâm đặc biệt. Rất cẩn thận, các cô không để rơi rớt đi chút ít. "Nước thiếu chi. Cả sông đó…" Có ai đưa ngón tay chỉ ra mặt nước sông Hương. "Ơ mô uông nây. Ngươi dân tôc uông nươc suôi, không uông nươc sông như ngươi kinh"(*) Họ xa lạ với khái niệm "nước sông". Với họ suối là tất cả. "Nươc suôi trong, nươc sông đuc không soi ro cai măt, cai vay"(*) Mọi người vỡ lẽ. Thì ra, nước suối ẩn chứa chiếc gương soi như một thứ đồ dùng thân thiết nhất, phụ nữ nào cũng có. Năm cô gái đang độ xuân thì. Họ một đời soi bóng, tắm rửa và uống suối ngàn róc rách, trong veo.

 

Như nhiều khách bộ hành lang thang với thói quen…không mua sắm. Tôi dừng lại nơi đây lặng lẽ thưởng thức thứ hương xuân đúng nghĩa. Thêm nhiều khách mua lan chen lấn. Có kẻ đắc ý đã mua với giá rẻ không ngờ. "Rẻ như cho, mại dzô không thì hết". Tôi chỉ mỉm cười cảm ơn ai với lời nhắn nhủ thực tế. Phải chăng? Khi mỗi một nhành Nghinh xuân kia theo những người ấy trở về từng căn hộ…“Khí vị” núi rừng cũng mất đi, sẽ không còn gì gợi tưởng…Thật lạ lùng. Xuân và giấc mơ…sắm Tết !

 

Thực ra, giữa thưởng thức và điều hoà cuộc sống luôn tồn tại khoảng cách vi tế, rất dễ dàng lẫn lộn. Để chỉ điều hoà phần nào cuộc sống trong thế giới đầy đổi thay nầy, một nhành phong lan bất kỳ chưng ở đâu - thật đơn giản - cũng có thể nói lên sự thành công nào đó. Song để thưởng thức phong lan trong nguyên bản một tác phẩm diệu kỳ…Đừng quên thiên nhiên luôn là phần hồn không thể nào tách rời ra khỏi nó.

 

Thưởng thức nghệ thuật nguyên bản vốn khác với thưởng thức thành quả từ sự vận dụng sản phẩm nghệ thuật có sẵn để làm chất liệu cho một nghệ thuật mới hơn, sau đó. Mặc dù vận dụng nào cũng có thể tiến tới giá trị nghệ thuật như nhau, song đấy lại là giá trị của một thứ nghệ thuật khác hẳn. Nghệ thuật sắp đặt(Installation)chẳng hạn... Thứ nghệ thuật “luôn hạng hai” chuyên vận dụng những gì có sẵn, hơn là khổ công sáng tạo ra chất liệu của chính mình. Intallation - hoạ chăng - chỉ thật sự “diệu thủ” với con người. Đối diện trước thiên nhiên, Installation trở thành bất lực và vô cùng “nguệt ngoạt” khi ngộ nhận đang tìm cách thu tóm nó.

 

Thiên nhiên đã là nhà sắp đặt vĩ đại - tuyệt đối - không con người nào sánh nổi. Một bụi lan rừng được chưng ở đâu đó, do bàn tay người sắp đặt để phối trí nội thất ngày xuân sẽ chẳng còn nét đẹp nguyên sơ. Nét đẹp mà riêng phong lan, vốn đòi hỏi - gấp nhiều lần - hơn những loài hoa khác…Bên sơn nữ, hoa dường như vẫn chưa hề xa bóng núi.        

 

Nhìn chỗ ngồi và tư thái của năm cô gái Vân Kiều mạnh khỏe, có ai thức ngộ được ban tặng sâu xa nhất của thiên nhiên ? Sự trong sáng và hồn nhiên vốn xa lạ với óc khôn ngoan hoặc tư duy phân biệt. Bẩm chất an nhiên ấy mạnh mẽ khác xa sự an ổn nương nhờ vào phương tiện trang bị hay lợi thế từ ưu thắng đám đông. Chỉ có họ, những con người quen đơn lẻ đối diện với sức mạnh của đại ngàn kia, mới đích thực thu nhận đặc ân ban tặng ấy. Thứ bãn lĩnh do tự thân, nguyên thủy.

 

Dường như giữa sơn nữ và những nhánh lan rừng kia đang tồn tại một khế hợp vô ngôn. Mỗi khách nhàn du quay lưng với một đôi nhành phong lan khuất dạng…là thêm lần bớt chút hoang sơ tao ngộ giữa vĩa phố hương rừng. Những chiếc gùi dần vơi đi, trống rỗng. Mưa phùn vẫn rây bụi trên mặt Hương giang. Dòng thời gian trôi đi nhưng không cùng một nẽo…

 

“Cổ nhân bỉnh chúc”. Người xưa tiếc xuân, đốt đuốc chơi đêm không lãng phí thời gian trước mắt. Người du xuân hôm nay cũng tất tả đến rồi đi.Riêng một khách bộ hành dừng lại khá lâu bên những nhành phong lan  còn sót giữa mưa phùn. Không mua sắm, nhưng cảm nhận được ý mùa xuân man mác. Gió tinh khôi sang mùa! Chừng như khởi nguồn từ một vùng sâu xa, đầy khói sương nào đó… Có thoảng nghe thứ tiếng vọng khôn cùng, vượt thời gian từ ngàn xưa trở lại.

 

(*)Kiểu phát âm tiếng kinh không dấu.

 

(thành nội - Huế) 
Trần Hạ Tháp
Số lần đọc: 3284
Ngày đăng: 02.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tản mạn cuối năm - Trương Quang
Gia tài của mẹ - Phạm Ngọc Tú
Xa xăm trường cũ - Nguyễn Hải Triều
Biết đâu nguồn cội - Ban Mai
Bến trầu của mẹ - Ngô Văn Tuấn
Chăn Trâu khổ Lắm - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Thư gửi anh biên tập - Vũ Trà My
Hà Nội Bốn Mùa - Lê Hiền
Lặng lẽ mùa đông - Nguyệt Quế
Mùa sim - Nguyễn Hải Triều
Cùng một tác giả
Thế trận linh xà (truyện ngắn)
Nghĩa động càn khôn (truyện ngắn)
Thời đại quạt mo (truyện ngắn)
Cầm thú truyền kỳ (truyện ngắn)
Tặc lưỡi (truyện ngắn)
Vechaibaođồngnát@mgsh (truyện ngắn)