Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
701
115.998.955
 
Cũng là đi cho
Quỳnh Linh

Nhân vật chính:

Anh Vi

Chị Chi

Anh Hải

Bà Lai

Ông Phố

 

Cảnh 1

 

Buồng nhà chị Chi. Bày trí đơn giản. Đồ đạc cái gì cungc nhỏ nhỏ. Chị Chi ngồi dạng chân trên giường. Trước mặt là đống tiền, túi nilon, và mấy cuốn sổ.

 

Chị Chi: Mình ơi, mình ới…

Anh Vi: (Chạy vào, khăn mặt vắt vai, bàn chải đánh răng dắt ở cạp quần)  Có chuyện gì mà cứ rối lên thế?

Chị Chi: Tết năm nay thế là khỏe rồi.

Anh Vi: Thì cũng để tôi giải quyết cái khâu mặt tiền đã chứ. Mà sao? Tiền tết dư hả?

Chị Chi: Không.

Anh Vi: Tiền không tăng, không dư thì chả có gì đáng hứng quá thế cả.

Chị Chi: Đúng là ham. Mà á, tiền là gì?

Anh Vi: Chả rõ là gì. Nhưng không có tiền thì làm sao mình kiếm được việc làm. Mà tôi nhắc, sắp tết rồi đấy, liệu mà đi trả nợ.

Chị Chi: Thì tôi cũng đang định nói chuyện đó đấy. Mà á, xót thật. Nhưng cũng còn may. Mà á, năm nay chúng ta không phải trên từng cây số nữa.

Anh Vi: Làm sao mà không. Cấm hả?

Chị Chi: Cấm là cấm thế nào? Năm ngoái cũng bảo cấm, mà á, báo đài nói đầy ra đấy, mà á chúng ta có dám không đâu. Vẫn chả maratông tướt bơ ra còn gì. Mà á…

Anh Vi: Thế thì thế nào? Cứ mà á mãi.

Chị Chi: Già rồi. Đẻ không kiêng. Quen miệng thế biết làm sao. Nên đi đâu chỉ ngại mở mồm.

Anh Vi: Ôi giời. Nói chuyện trả nợ Tết đã? Hay lại định lời lới lơ?

Chị Chi: Lời lới lơ có mà xong. Mà á, nghe tôi bảo đây này. (Chuyển giọng ẻo). Mình nhớ. Vẫn biếu. Dù xếp có nói thế nào, ta vẫn - vẫn , mà á vẫn phải biếu. Không biếu, ra tết có mà á, dám nhìn mặt nhau?

Anh Vi: Ừ thì vợ chồng mình đã quán triệt rồi còn gì. Một phần ba tiền bỏ ống tiết kiệm là để biếu. Biếu những nơi cần biếu. Một phần ba để lo tết nhà mình, mua sắm cho con. Còn một phần ba là để dành. (Nhấn giọng) Vậy chứ gì? Tôi quên làm sao được.

Chị Chi: Đúng! Mà á sau còn phải ghi vào gia phả ấy chứ. (cười rất to)

Anh Vi: Thế thì lấy tiền đi. Mở mắt đã tiền với chả tiền. Tôi xong rồi ta đi ngay, không lại chạm mặt đồng nghiệp, dơ lắm.   

Chị Chi: Dơ là dơ thế nào? Mà á, không đi mới sạn mặt. Chứ đi biếu là tỏ cái sự biết ơn, cái nghĩa trước sau chứ sao.

Anh Vi: Không nhớ năm ngoái ư. Chả loanh quanh mãi ở ngõ nhà xếp mà có vào nổi đâu. Mới ngó qua cửa kính thấy có người cùng cơ quan, liền rút lui. Tính lánh tạm, đợi họ về rồi vào. Ai dè, càng chờ càng đông. Càng đông càng lắm người quen. Chả quay về đợi hôm sau mới dám đến. Lặng lẽ xếp hàng từ giờ tam tầm mà nửa đêm mới đưa được quà. Đến là khốn khổ.

Chị Chi: Em nhớ rồi. Mà á, cái nỗi đoạn trường ấy quên làm sao được. Mà á, rõ là tốn của, tốn công. Đi cho tiền mà á, cứ hùng hục mong người ta nhận sớm. Tìm mọi cách, để người ta nhận cho. Mà á, không thì mất tết.

 Anh Vi: Khổ thật.

Chị Chi:  Nhanh lên, rồi mua mấy chiếc bánh cho em. Mang phòn đi, tiện đâu ăn tạm đấy, không đi vất vả thế mà đói thì xỉu mất. Em ngồi kê danh sách. Mà á, mỗi người vẫn thế hay nhiều hơn năm ngoái?

Anh Vi: Như năm ngoái cộng thêm năm trăm. Ai nghỉ hưu bớt đi ba trăm. Ai chơi đểu trong năm thì tăng lên một triệu. Sau này nó về hưu rồi thì cắt luôn. Ai tốt thì dù họ chuyển đi xa, họ quên mình mình vẫn đến.

Chị Chi: Kế hoạch ghê thật.

Anh Vi: Chứ không à. Công việc quan trong nhất trong năm đấy. Tôi cứ nghĩ, giá mà mỗi người có cái tài khoản. Tết đến cứ chuyển khoản cho các xếp có phải nhanh không. Trưởng phòng bao nhiêu phần trăm lương, giám đốc bao nhiêu, tổng giám đốc bao nhiêu, cứ thế có phải nhanh không nhỉ.

Chị Chi: Mình nghĩ như đùa. Mà á, họ không có cách khóa tài khoản à?

Anh Vi: Thì sẽ có cách mở chứ sao. Trên đời này á, chả có cái gì là không mở được.

Chị Chi: Ờ thì… Mà chuyển…cũng phải báo cho họ biết là mình, chứ không thì ném tiền xuống nước à? Mặc cho nó trôi đi đâu thì đi à? Mà á, là sông nhá, còn chạy lên chặn dòng mà vớt. Chứ mà á, vào túi xếp…có mà ra…

Anh Vi: Này không có phân tro ở đây đâu nhé. Rồi xem, tôi nói có đúng không. Sau này, chắc chắn sẽ không phải nhìn thấy người nọ người kia, túi to túi nhỏ, vòng phố này, lượn xóm kia đâu. Chuyển khoản hết!

Chị Chi: Ai chả mong thế. Nhưng mà á, lo gì, Tết này chúng ta sẽ không phải chạm mặt, đụng hàng nữa rồi. Em đã có lối mới đến nhà xếp. Mà á, thôi. Đi! Em chỉ cho.

 

 

Cảnh 2

 

Một cửa hiệu, treo biển “Đại lý: Nhận chuyển quà biếu, đến tận tay, vượt như bay mọi chướng ngại vật”. Rất to và màu sắc sặc sỡ. Cửa hiệu để một cây đào to. Trong hiệu, xếp tầng tầng lớp lớp những hộp quà thắt nơ sinh động. Hai vợ chồng nhà chị Chi dắt xe đi vào. Cả hai trông thật tươi. Anh Vi huýt sáo môi. Chị Chi hát một câu tếu táo. Bỗng, chị Chị đập thụp vào lưng chồng.

 

Chị Chi: Đó đó, mình nhìn thấy cái cửa hàng này hấp dẫn không?

Anh Vi: Đâu?

Chị Chi: Đó. Có cái biển hiệu màu hồng ấy. Màu hồng phấn. Thấy chưa? Rẽ! Rẽ nhanh lên, không xe sau nó chửi bây gi. Chữ biếu to thế mà không nhìn thấy.

Anh Vi: Ôi, sang đường mà cứ như vượt qua cửa tử. Đây ý hả? (Đọc to) “Đại lý: Nhận chuyển quà biếu, đến tận tay, vượt như bay mọi chướng ngại vật”.

Chị Chi: Hiểu rồi chứ gì.

Anh Vi: Ôi a…lại còn đẻ ra cái dịch vụ này nữa chứ.

Chị Chi: Tiện quá còn gì.

Anh Hải: (Giọng đon đả) Chào, chào anh chị. May mắn cho em rồi. Nhìn anh chị tươi tắn thế kia là chúng em suôn sẻ lắm. Để xe đấy. Không phải khóa. Có người trông rồi nha. ( Nói vóng) Bác Phố ơi, giúp con chiếc này.

Chị Chi: Chào cậu. Chúng tôi đến tham khảo xem thế nào.

Anh Hải: Đúng rồi, bây giờ thiếu gì dịch vụ. Anh chị cứ thoái mái tham khảo. Đi các nơi. Ngày tết không quan trọng chuyện tiền. Nhà coi trọng nhất là cái khoản chất lượng phục vụ anh ạ. Em tên là Hải, trưởng đại lý, của công ty Thân thiện. Em nói có phải không. Anh chị ngồi xuống đi.

Chị Chi: . Mà á, sáng qua, lúc dừng xe chờ đèn đỏ, tôi có nhận được tờ rơi, quảng cáo cửa hàng của anh. Mà á, tờ giấy ấy nó bay mất rồi. Giờ xem thế nào. Mà á…

Anh Hải: Anh chị chả mất công đến hàng em đâu. Đây, để em mở trang web giới thiệu về hoạt động của chúng em, có các tiện ích và cơ hội trúng thưởng mà khách hàng được hưởng. Giấy phép này, mạng lưới, đại lý trên toàn quốc…

Chị Chi: Lần trước tôi đến thuê chuyển quà noel có thấy anh với dịch vụ này đâu.

Anh Hải: Chúng em vừa được xét kết nạp làm thành viên công ty Thân thiện. Mãi mới được đấy. Trước tụi em thuê người. Đợt này em phải trực tiếp giám sát. Đây, thế này nhé, ngày tết là ngày để vui chơi. Nhưng mà vui cũng không được quên chuyện vô cùng quan trọng. Quan trọng là bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tiền đồ, hậu vận, tiền vận, trung vận, của cháu ở nhà, của bà trông cháu, của mẹ anh cu, của bố a…

Anh Vi: (giọng hơi bực) Này, cậu dài dòng quá. Vào thẳng  trung tâm đi.

Anh Hải: Ôi em xin lỗi, định vui vui tí chút cho dễ thở. Vậy là anh chị không thích nói dài, vậy là anh chị..

Chị Chi: Cậu cứ như dân buôn thuốc dạo ý nhẩy.

Anh Hải: (Vừa nói vừa cười) Chị khinh em quá, em là diễn viên, chuyên đóng vai phụ. Trong khi chờ vai để đời nên đi làm thêm dịch vụ này. Tuy nhiên, làm rồi thấy gắn mình quá, chắc theo trọn thôi. Em lại dài dòng rồi. Thế này, báo cáo anh chị. Chúng em là đại lý của công ty dịch vụ mạng. Có đầy đủ phương tiện điều kiện, các mối quan hệ, và vốn văn hóa giao tiếp, để giúp anh chị làm cái công việc vừa tốn tiền, vừa mất thời gian, vừa ngài ngại trong mọi lúc mọi nơi, và cụ thể hiện nay là Tết. Biếu Tết!

Anh Vi: Cụ thể thế nào?

Anh Hải: Em hiểu sự sốt ruột của anh. Tùy theo yêu cầu, đưa cho ai, món quà gì, trị giá bao nhiêu, phương thc thế nào chúng em sẽ thực hiện đúng theo yêu cầu. Xong việc, anh chị kiểm tra rồi mới thanh toán nốt.

Chị Chi: Nghĩa là…

Anh Hải: Nghĩa là, nếu chị muốn biếu ông C ở ngành E, một chai OX, và một phong bì 1000 USD vào tối nay, thì tối nay ở nhà ông C ấy sẽ có đủ các thứ đó. Rất giản đơn hoặc rất cầu kỳ, tùy.

Anh Vi: Nhanh và chắc chắn chứ?

Anh Hải: Vâng. Anh chị có thể kiểm tra lại rồi mới thanh toán tiền cho em. Bảng giá đặt cọc và dịch vụ đây. Tùy theo đoạn đường, phần quà mà định giá. Chúng em không quan tâm đến vị trí công tác của người được biếu, cũng như thông tin về người đi biếu. Để tránh cho khách hàng băn khoăn và cũng là tránh cho chúng em. Các đô thị phát triển ở các nước khác có từ lâu rồi ấy chứ. Trước pháp luật, chúng em chỉ là người chuyển hộ. Dịch vụ phát quà tặng mà chị. Và anh chị cũng không bị tiếng là đi hối lộ.

Anh Vi: Hối lộ là hối lộ thế nào?

Anh Hải: Em xin lỗi. Cái từ đó rất nhạy cảm, rất đáng tránh. Em quên. Mà thôi, anh chị cứ nghiên cứu kỹ tài liệu em đưa đây. Rồi cần cho ai, bao nhiêu, ít cũng như nhiều, giờ nào, thì ghi rõ vào. Không biết địa chỉ thì để chúng em tra cho, nhưng tăng thêm cước phí. À, chị tên gì nhỉ?

Chị Chi: Chi.

Anh Hải: Chi à, em Hải. Hải Chi - Chỉ Hai, chị em mình kết hợp là ra tiền đấy. À, chúng em cam đoan thực hiện đúng hợp đồng. Thế nào? Thoải mái chưa? Chúng em đã hứa mà lại. Để em cho anh chị xem mấy cái hợp đồng vừa xong. Cả địa chỉ, số điện thoại đây. Anh chị cứ hỏi, họ kể cho.

Anh Vi: (Đón tập giấy, xem qua) Thôi thôi, chúng tôi về xem thế nào. Chào cậu. Mình kìa, chứ.

Anh Hải: Vâng, em chào. Nhưng nhớ chúng em nhá. Không thì giới thiệu cho người khác hộ em. Có tỉ lệ phần trăm thù lao ghi trong tài liệu đó. Còn cái này, tặng anh chị chút kỷ niệm của trung tâm.

Chị Chi: Ồ sao lại thế? Mà á, những một cái chảo rán…

Anh Hải: Không có gì. Đây là quy định của trung tâm. Chúng em có ghi ở tờ rơi quảng là “ Quý khách đến nhanh có quà” mà chị. Chương trình khuyến khích, chứ không phải khuyến mại chị à. Em là đại lý, cứ thế mà làm, có mất gì của em đâu. Chị cứ nhận. Sự quan tâm của mọi người, dành thời gian đến với chúng em đã là một vinh hạnh cần đền đáp, chị à.

Chị Chi: (Giọng ngài ngại) Ờ, thế thì…Cảm ơn cậu. Mà á. Này, mình này, sao không lại xem…

Anh Vi: Xem gì, nhức hết cả đầu.

Chị Chi: (Nói nhỏ) Thì nghề của người ta. Người ta phải tiếp thị mới có khách, mình mới hiểu. (Đổi giọng). Mà á, nói thật, em ngại đi biếu lắm. Mình cũng sắp thăng chức rồi ẩn cái mặt một tí, không ai thấy nó đàm tiếu. Thiên hạ hộ khinh.

Anh Vi: Có làm sao phải giữ mình vậy.

Chị Chi: Mình không giữ, tôi giữ. Nếu không thuê, lại mất công đi tìm quà này. Lại lọ mọ đến, lại đợi, lại cười, lại nói. Nhạt nhẽo, vô duyên. Mà á, tiền đang đợi họ đấy mà họ cứ rề rề. Mình thì mong mau chóng để còn đi nơi khác. Nghĩ đến khổ, mà á, vừa mất tiền, vừa mệt mỏi.

Anh Vi: Cố tí có sao. Cho cũng là ra tiền cả đấy chứ.

Chị Chi: Mà cứ loanh quanh, vòng vèo, quà cáp chồng chất thế quệt xe có ngày. Mà á, mình không thấy báo đăng, vụ tai nạn sáng qua là một ông già gần 50 mươi, không giấy tùy thân, chỉ có gói quà tết văng ra đường làm đặc điểm nhận dạng đấy à. Mà á, có phải ai cũng dám nhận phong bì đâu, vẫn phải đổi sang quà còn gì.

Anh Vi: Nhưng thế này, biết thế nào được. Nhỡ …

Chị Chi: Trả tiền sau cơ mà? Có lẽ được đấy. Mà á, chúng ta đỡ mất công đi lại, không phải chường mặt ra. Người ta lại dễ nhận.

Anh Vi: Thôi thì… tùy mình.

Chị Chi: Mà á, còn ông bà nội ngoại. Mua gì được nhỉ?

Anh Vi: Đã thế, thuê luôn thể cho nó bất ngờ. Nhưng thử một người trước đã nhé.

 

Cảnh 3

 

Trong buồng nhà chị Chi. Ti vi vẫn mở, nhưng Chi không xem mà nằm sấp, cong chân, mặt chúi vào cuốn sổ nhỏ , lẩm nhẩm đọc. Thỉnh thoảng Chi lại với lấy bút, vẫn cài trên đầu, gạch xoẹt một cái. Sau mỗi lần gạch, gương mặt Chi dãn hơn, tươi tắn dần lên. Bỗng có tiếng chuông điện thoại. Chi giắt sổ vào nách đứng lên nghe điện.

 

Chị Chi: Da. Vợ chồng nhà Chi Vụ đây ạ. Vâng. Có gì đâu ạ. Chúng em muốn cảm ơn gia đình các bác đã giúp đỡ chúng em trong năm qua. Dạ. Bác ưng lắm ạ. Vâng thé thì chúng em cúng nhẹ cả long…dạ ấy chết cũng vui, cũng an lòng ạ. Chúng em biết những ngày này nhà bác bấn lấm ạ. Em thông cảm lắm ạ. Làm sếp khổ thế. Phải lo cho bao nhiêu người, có phải một mình mình đâu. Không, Em chả đủ dũng cảm để mà san sẻ cho thiên hạ thế đâu, chỉ để chồng em lo cho con em thôi. Em cứ nói thật là vì khả năng cũng hạn chế, ạ, không có các bác nhòm xuống thì đâu được như ngày hôm nay a. Dạ em chào. Da…

 

Bà Lai, mẹ đẻ chị Chi, tay xách túi quà bước vào.

 

Bà Lai: Ư, hừm.

Chị Vi: Ôi, mẹ làm con giật cả mình. Mẹ đi khẽ thế.

Bà Lai: Tao đi đứng đường hoàng, có đi ăn trộm đâu mà mày bảo thế?

Chị Chi: Con không có ý gì. Má á, sao cứ dịp đi biếu là con hay lo lắng vặt.

Bà Lai: Lo gì nữa. Sao mày bảo thuê hết rồi. Tao thấy cũng tiện, nhàn thân, kín đáo. Tao giới thiệu thêm cho mày được ối người rồi đấy. Phụ huynh của trường mầm non chỗ tao ngồi bán bánh kẹo cũng đều phải lo biếu tết cả. Tao phát tờ rơi mày mang về cho họ. Có đa đến thuê rồi về cảm ơn đấy. Cho tao cả bánh nhé.

Chị Chi: Thế ạ, bà có nhớ tên không? Nhớ ai, nói tên là đại lý ấy nó trả tiền thù lao đấy. Mà á, bà cứ liệt kê ra. Hoa cà hoa mướp gì cũng được. Hôm trước con khai đại vài tên nó cũng trả tiền thù lao. Mà á, năm nay vừa đỡ cái khoản đi biếu lại còn kiếm thêm.

Bà Lai: Mày không định mở dịch vụ biếu hộ đấy chứ?

Chị Chi: Không mẹ ơi. Mà á, tiện mồm ra tiền thì làm thêm, thế thôi. Chứ đứng chủ sao được. Mà mẹ sang con có việc gì đấy?

Bà Lai: Cứ có việc thì mới sang hả? Mày cũng nhiễm cái bệnh nhà có chức rồi phỏng. Mà tao cũng không dưng sang đây.

Chị Chi: Mẹ lại giận vớ vẩn rồi. Mà á, con bảo nhá. Con là con chiều bà nhất đấy.

Bà Lai: Vâng chiều nhất, thương nhất. Tôi sang nhờ cô xem xem có phải rượu xịn đây không này.

Chị Chi: Đâu, bà đưa con xem. Mà á, Pháp đây còn gì.

Bà Lai: (trẹo giọng) Còn… gì? Giống Pháp chứ không phải của Pháp. Nhìn kỹ cái dòng bé tí này này. Thằng Nhiên nó bảo là hàng nhái. Thấy chưa.

Bà Lai: Thôi chết, thế là thế nào, con đặt của ngoại cơ mà.

 Chị Chi: Có phải của chị biếu tôi đâu mà ngoại mới nội.  Đây là của ông quản đốc, học sinh cũ của bố mày đấy. Nó vừa đến, biếu chai rượu với hộp kẹo này. Tao thấy giống y như của mày nhờ dịch vụ cho tao, nên đem so. Ôi trời.

Chị Chi: Của ông ấy là đểu ạ?

Bà Lai: Ừ, Quản đốc của mày, học sinh cũ của bố mày chơi  đểu vậy. Bố mày không tin, tao đem cho mày làm chứng.

Chị Chi: Chết, ai lại… Nhưng, mà á, ông này sành lắm. Từ trước đến nay có bao giờ… Hay là ý gì? Hay là… ông ấy đem trả khéo? Con cũng biếu ông ấy chai rượu cùng hãng. Cậu Hải nói hàng của đại lý lấy từ gốc, mà á, vừa rẻ vừa xịn cơ nhỉ.

Bà Lai: Tao chả biết.

Chị Chi : Bà ở nhà. Mà á, tí nữa, hai đứa nhà con dậy bà nhớ nhắc chúng ăn sáng. Để con đi xem sao. Lấy luôn thù lao cho bà, không hai chín tết rồi. Mà á, có lẽ…

Bà Lai: Đi một mình à? Gọi thằng Vi nó chở đi cho tình củm. ( Vi đi ra, bà Lai nhoẻn cười, vừa loay hoay dọn nhà vừa nói) Cái con loẹt xoẹt thế mà số nó sướng. Đời chả phải đắn đo, tính đếm gì nhiều. Cả tiền cũng không nhiều để mà lo mất. Đâm thảo. Cho ai cái gì là cũng tưng tửng như không chứ lại. Cả năm chỉ có kêu khổ vào đợt cuối năm. Vì lắm ân nghĩa, lắm quan hệ quá. Mà xét ra cũng có cái gì mà khổ nhỉ. ( Có tiếng gọi Mẹ ơi) Ấy chết, lũ nhóc dậy rồi. zây, bà zây… (ngoay ngoảy đi ra)

 

Cảnh 4

 

Cửa hàng dịch vụ Biếu. Không còn biển hiệu.  Đóng cửa. Anh Vi tay giữ xe, tay bắc loa mồm gọi to. Chị Chi chổng mông nhòm ngó.

Mãi mới có người thò cổ ra nhăn mặt, nhìn như đo từ đầu đến chân hai vợ chồng.

 

Ông Phố: Lại đến hả? Thế nào?

Anh Vi: Bác cho cháu hỏi anh Hải giám đốc đại lý...

Ông Phố: Như vậy không phải vợ chồng hôm qua hả? Hỏi đại lý biếu khéo ư? Đi rồi.

Chị Chi: Đi đâu ạ?

Ông Phố: Lặng lẽ bốc hơi. Có giời mà biết. Tôi cũng sốt ruột. Đang tính hạ cái biển này xuống đây không thì người ta đến đòi, mất tết. Suốt từ sáng đến giờ, không biết bao nhiêu người.

Anh Vi: Thế ra…

Ông Phố: Thế ra thế đấy, nó lừa người ta nó biến rồi. Anh chị cũng bị lừa hả?

 Chị Chi: Cháu cũng chưa rõ. Đang định ra hỏi xem thế nào.

 Ông Phố: Bị rút lõi phong bì? Đưa hàng đểu? Hay quỵt, ăn chặn cả?

Chị Chi: Dạ..a…

Ông Phố: Ôi giời, đợi cho anh chị hết chắc là thì nó đã cao bay rồi còn đâu. Tôi cũng dính đây này. Trợn mắt cái gì? Già rồi, có biếu ai, nhưng mà...

Anh Vi: Thế bác có biết cậu Hải ấy ở đâu, từ đâu đến không?

Ông Phố: Thì nó bảo, nó là diễn viên hat ở nhà hát múa rối. Cái thứ nghệ thuật chỉ thấy tiếng mà không thấy người. Phải mở trung tâm làm thêm.

Chị Chi: Thuê của bác lâu thế mà cũng không rõ sao?

Ông Phố: Lâu gì, mới được hơn tháng.

Chị Chi: Nhà cháu đã từng thuê dịch vụ tặng quà noel ở đây mà.

Ông Phố: Đấy là nhóm khác cô ơi. Cái nhóm sinh viên quản trị kinh doanh. Cũng làm thêm, buôn bán tạp phẩm, quà tặng kiêm chuyển quà. Túc tắc cũng kiếm được hay sao đấy. Nhưng sau noel mấy ngày, thằng Hải nó đến. Nó hỏi tôi cho thuê nhà bao nhiêu, nó trả gấp ba nếu tôi đồng ý chuyển cho nó. Tôi thấy cũng không phải thế nào, nhưng nó năn nỉ quá. Nó còn bảo bác rỗi thì kiêm việc trông xe cho cháu.

 Chị Chi: Hẳn nào cháu trông bác quen quen.

 Ông Phố: Còn sao nữa. Chắc tôi dắt xe cho cô vào rồi. Mỗi chiếc ba ngàn, nó thanh toán. Tôi xuôi xuôi. Tự dưng, thu nhập từ cái phòng ngoài mặt tiền tăng gấp ba gấp bốn ai chả ham.

Anh Vi: Cũng được đấy chứ?

Ông Phố: Vâng, được. Thế là phải phá hợp đồng với lũ sinh viên. Phải nói là cần nhà cho đứa cháu mượn. Thế là giờ mắc phải mớ bòng bong. Nghe theo, giờ tôi như con nợ, người ta kéo đàn kéo lũ đến đây tra hỏi tôi đấy. Không phải mình cô chú đâu. Cũng nhiều người đến tìm thằng Hải. Họ còn tưởng tôi cùng giuộc với nó. Tôi phải khuyên họ ra đồn công an để tố cáo. Chưa rõ sẽ thế nào, vì không thấy họ quay lại.

Chị Chi: Tiền cả ông ơi. Mà biếu biết là mấy cho vừa. Thôi chết, mà á, mình ơi, có khi chúng ta cũng mất ...

Ông Phố: Cũng tùy. Có người bảo tôi, là họ kiểm tra kỹ lắm không sao cả. Họ còn giới thiệu thêm bao nhiêu người.

 Anh Vi: Ăn thù lao mà. May ra với những khách làm mồi nhử, nó không đểu.

Chị Chi: Ôi giời ơi, nếu đã lừa thì đểu hết. Nhử thì nó ăn ít. Thật thì ăn nhiều? Mà á, cứ nghĩ quản lý thị trường kiểm tra rồi chứ.

Ông Phố: Nó kế vào nhóm sinh viên, bầy mấy thứ văn phòng phẩm quà tặng, màu mè ai biết.

Anh Vi: Sao giờ tinh ý thế. Lúc đầu tôi đã can. Cái giọng điệu nó sao mà ngoa...

 Chị Chi: Nhưng cái mặt nó tử tế thế cơ mà. Mà á, lại còn có giấy phép mở trung tâm. Lại đã từng thuê dịch vụ noel…

Anh Vi: Chắc là giấy tờ giả rồi. Khổ thân chưa.

Chị Chi: Bao người em giới thiệu chả khen lấy khen để là nó chu đáo, lịch sự, tâm lý cứ như trong phim Hàn Quốc.

Anh Vi: Cô nói cái gì. Cô cũng giới thiệu hả?

Chị Chi: Vâng, hôm nó đưa cái tháp tăng tiền thù lao theo số người giới thiệu, mình cũng xem là gì?

Anh Vi: Tôi có bảo cô làm đâu? Hay nhỉ.

Chị Chi: Nhưng cũng có ngăn đâu?

 Ông Phố: Thôi anh chị đừng cãi nhau. Tôi đã báo với công an khu vực. Hay anh chị đến công an đi. Nói cho họ hiểu thêm và làm rõ sự việc.

Anh Vi: Có thật là ông không can dự gì chứ?

 Ông Phố: Ơ cái cô chú này.

 Anh Vi: Tôi thấy ông đon đả thân thiện, bác bác cháu cháu với cậu Hải lắm mà. Hay là nó là cháu ông thật. Hay là…

Ông Phố: Tôi cũng đang nẫu ruột đây. Nó cũng đặt trước một nửa chứ đã thanh toán hết đâu. Lại còn mang tiếng oan. Rồi ra tết có còn cho thuê được nhà. Thay người liên tục thế này dễ bị mang tiếng là đất dữ, hướng không hợp làm ăn. Cũng tại tôi tham. Trước mấy đứa sinh viên, buôn bán lặt vặt, tiền không nhiều nhưng đều đặn, ăn nói lịch sự, dạ thưa đàng hoàng, không gây lộn với khách và chủ nhà. Vậy mà…

 Chị Chi: Thì ông cũng cho tôi cái chỗ để tìm nó chứ?

Ông Phố: Tôi làm sao biết được. Có cái gì của thân già này, danh dự, uy tín, lòng tin, nó làm tôi cho đi tong rồi. Con tôi can tôi không nghe, giờ nó đang chửi đấy. Giấy tờ hợp đồng thuê tôi viết tay cho đỡ phải thuế. Mà cũng nộp công an rồi. Thôi, cô chú đi đi. Đi ra đồn công an ấy.

 

 Chị Chi anh Vi thất thểu chào ông Phố,dắt xe đi, bước ra hè phố. Cố hết sức đạp, anh Vi vẫn không khởi động được xe.

Chị Chi: Xe lại sao thế anh?

Anh Vi: Đen thế không biết. Cái xe lại giở chứng đây này. Đúng là xám cả năm. Cuối năm rồi còn bị lừa.

Chị Chi: Cũng tại chúng mình cả. Mà á, cả tin quá. Với lại dịp noel nó làm tốt thế. Chúng gửi quà đến tận nơi. Con mình chả mừng rú lên là gì. Đúng hàng, đúng giờ. Ăn mặc như ông già noel trong phim Mỹ. Đến người lớn còn xúc động nữa là trẻ con.

Anh Vi: Đã bảo không phải họ mà lại. Cô vẫn chả hiểu à. Nhóm trao quà noel là nhóm khác. Tụi lừa đảo này nó dụ tiền thuê nhà hất cẳng họ đi rồi. Rồi chúng mượn danh cửa hàng cũ, uy tín của cửa hàng cũ để lừa những người như chúng ta.

Chị Chi: Dắt xe ra đầu phố cho ông thợ kia xem lại. Mà á, bình tĩnh đi anh. Chúng khéo thế ai chả bị lừa. Chuyện bây giờ là anh tính xem có nên đi báo với công an không.

Anh Vi: Báo chứ.

         Chị Chi: Nhưng em e không tiện. Mà á, chuyện vỡ lở thì xấu mặt lắm. Rồi các báo an ninh họ chộp ngay, chuyện mình biếu ai, bao nhiêu tiền, người này nhiều, người kia ít, người này tiền, người kia quà, người này…Ôi, thế là lộ hết. Bẽ mặt lắm. Xưa nay chuyện biếu vẫn là chuyện chả hay ho gì để mà trương ra.

Anh Vi: Nhưng bao nhiêu tiền chứ ít đâu. Cả năm tằn tiện chứ tưởng à. Quà dởm, các xếp không hiểu chúng ta bị lừa, lại cho chúng ta keo kiệt, bủn xỉn, chơi không đẹp, ra tết họ chơi đểu lại mình thì sao?

Chị Chi: Chả nói chuyện chơi đểu, em cứ nghĩ ra tết nhìn họ cũng đã thấy khó thế nào ấy.

Anh Vi: Hay là cứ coi như cho đi rồi đi. Cũng chừng ấy tiền. Cũng là dịp tết. Cũng là…

Chị Chi: Cũng thế nào đưc. Mà á, cho được xếp thì cứ nhẹ hết cả lòng, không thấy tiếc. Họ không nhận cho lại băn khoăn, mà á, ăn không ngon ngủ không yên ấy chứ. Còn thế này thì vừa xót vừa…nhục!

Anh Vi: Thôi, đừng kêu nữa. Chắc khối người cấn cá như chúng ta nên bị lừa mà chẳng dám kêu dám báo. Tôi hỏi lại mình: Xót tiền có chịu được không?

Chị Chi: C…có. Nhưng..

Anh Vi: Không nhưng. Tiếp: Nhục cũng chịu đưc chứ?

Chị Chi: Nhưng đây có nhục không đâu. Mất tiền biếu, lại còn mất bao nhiêu thứ khác vào năm sắp tới vì cái chuyện không đối xử chu đáo với xếp nữa ấy chứ.

Anh Vi: Thế thì đi. Tôi đưa mình đến đồn công an. Xấu hổ thế nào, tiền mất thế nào thì cũng đã xảy ra rồi. Có lên báo đài thì các xếp to xếp nhỏ cũng hiểu được nỗi khổ của những người đi biếu. Đời còn vô số cái tết. Và chuyện lừa…thì còn nhiều người có thể bị. Đi. Đi. Mình đẩy cho tôi cái xe!./.

Tiếng nhạc nhộn, hài, tấp tửng vống lên, cả hai cười như mếu.

Quỳnh Linh
Số lần đọc: 1994
Ngày đăng: 13.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kịch phi lý không chết - Lê Anh Hoài
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Ai là tác giả Kịch THƠ “Bóng Giai Nhân”? - Hoàng Cầm
Đám không người - Quỳnh Linh
Đi tìm người con gái trong vở kịch thơ của Hòang Cầm - Ngữ Yên
Dựng kịch về lịch sử dễ hay khó? - Tuấn Thiện
Kịch hình thể - Sự hấp dẫn không lời - Hồng Nga
Đạo diễn Lê Hùng: “Lạ hóa” sân khấu kịch - Nguyễn Thị Minh Thái
Vì sao kịch miền Nam không ra được đất Bắc? - Hòang Kim
Để kịch nói không còn là khoảng trống trong đời sống văn hóa ở Cần Thơ - Nhâm Hùng
Cùng một tác giả
Cái chết biện minh (truyện ngắn)
Đổi đời (truyện ngắn)
Ô cửa hổng (truyện ngắn)
Ô cửa hổng (truyện ngắn)
Nếm người (truyện ngắn)