Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
773
116.508.938
 
Ký ức Trường Sơn
Huỳnh Văn Úc

Chị tên là Mỵ, nên những người quen vẫn gọi đùa chị là vợ A Phủ. Mỵ của nhà văn Tô Hoài có hai đời chồng là A Sử và A Phủ, còn chị thì chưa được làm vợ một ngày nào. Mười bảy tuổi, chị đi thanh niên xung phong, vào một binh trạm trên con đường chiến lược Đông Trường Sơn, đoạn từ Đắc Min đi Lộc Ninh. Đó là những ngày cuối năm 1974, cả nước đang chuyển mình vào trận, xe của sư đoàn vận tải 471 nối đuôi nhau đi qua binh trạm. Hôm ấy, xe bị tắc thành một đoàn dài dưới chân đèo, lính lái xe và các cô gái thanh niên xung phong của binh trạm được một dịp chuyện trò, tán tỉnh, những câu chuyện nửa đùa nửa thật tưởng chừng như không có hồi kết. Anh ấy là một chàng lái xe không còn trẻ lắm, da ngăm đen, người hơi gầy và cao, cứ tự nhận là đồng hương Hải Phòng với chị. Chả hiểu có gì xui khiến mà đã chiều muộn rồi, chỉ sau cái nháy mắt láu lỉnh của anh, chị đi theo anh vào ven bờ suối vắng, và một chiếc hôn dài, tham lam, ngấu nghiến ập xuống làm chị chỉ biết nhắm mắt lại, không còn biết trời đất gì nữa. Người đàn ông duy nhất đi qua đời chị chỉ có thế, không hơn, không kém.

 

Ngày chiến thắng, chị trở về quê, sống với người anh cả, chăm mấy mảnh ruộng trồng thuốc lào ở một làng quê huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Tuổi xuân của chị cứ thế trôi đi, mới ngày nào chị còn bế bồng, chăm bẵm đứa con gái út của người anh cả, bây giờ nó đã nhớn tướng, nhìn nó, chị chép miệng : “ Chả trách mà mình đã già ! “. Chị buồn vậy thôi, chứ tuổi chị mới ngoài năm mươi, những nét duyên dáng nữ tính cứ vô tình thấp thoáng trong dáng đi, câu nói, nụ cười. Thảng hoặc, từ đáy sâu của ký ức xa hút, mờ mịt, những phút giây bên bờ suối vắng ở Đông Trường Sơn lại khiến chị mơ màng mỉm cười, những lúc như thế chị chỉ muốn chuyển nhanh sang ý nghĩ khác để đôi má khỏi ửng đỏ. Rồi đến lượt thằng con cả của người anh lấy vợ, sinh con, chị lại bế cháu cho đến bây giờ nó chập chững biết đi.

 

Người anh cả cũng ái ngại cho chị . “ Này, nhà Thoa trên Hà Nội mới nhắn về tìm một người nữ, trung niên làm người giúp việc gia đình. Đối với anh thì cô cứ ở nhà trông cháu cũng được. Nhưng anh nghèo, mà về sau tuổi già, cô muốn chi tiêu rộng rãi thì anh không có điều kiện. Hay là cô nhận lời lên đấy một thời gian...”.

 

Chị bắt đầu đoạn đời làm ôsin như vậy, cho đến bây giờ đã qua hai lượt chủ. Người chủ thứ nhất là một anh con trai thuê trông người bố bị bệnh dở người, ông lâm bệnh sau một lần tai nạn giao thông. Đến chuyện vợ ông chết rồi mà ông vẫn nói là bà ấy còn đang sống, đang đi công chuyện đâu đó chưa về thì ta có thể hình dung ra mức độ trầm trọng của con bệnh. Chị có nhiệm vụ bón cho ông ăn, ngày hai lượt sáng và chiều dắt ông từ tầng ba của căn hộ tập thể xuống sân hóng gió và đi lại cho có sự vận động tay chân theo chỉ định của bác sĩ. Kể ra công việc cũng chẳng có gì nặng nhọc, nhưng lắm lúc chị cũng thấy bất tiện, nên nhân khi có một người họ hàng xa của anh con trai ngỏ ý muốn giúp đỡ, chị thôi nhà ấy và chuyển sang làm cho nhà chủ bây giờ.

 

Nhà này có hai vợ chồng và hai đứa con trai. Ngày chị mới đến, cô vợ đang có mang sắp đến ngày đẻ, chị có nhiệm vụ đưa đón thằng cu Tí 5 tuổi đi mẫu giáo và tắm rửa cho nó, đi chợ, nấu cơm, quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo. Buổi trưa ở lớp mẫu giáo thì cu Tí phải tự xúc lấy mà ăn, nhưng buổi chiều thì mè nheo “ Bác đút cho Tí “; “ Thế nay mai có em bé, bác bận rồi thì ai đút cho Tí ? “; “ Lúc nào có em bé thì Tí tự xúc lấy “. Cứ tưởng nó nói lấy được, nhưng từ hôm đón em bé ở bệnh viện về thì nó xúc lấy mà ăn thật, không những thế, nó còn chăm học hơn, ngồi vào bàn vừa tô chữ vừa trông em bé. “ Bác ơi ! em cười đây này, à mà không, em đang mếu đấy chứ ! “. Chị không dám nhìn lâu khuôn mặt đứa trẻ sơ sinh, đẹp như thiên thần, đôi môi đỏ hồng hết cười lại mếu, lòng chị vô tình nhói lên một cảm giác xót xa, tủi hổ cho thân phận của mình, phận đàn bà như hạt mưa sa, hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày, nên giọng chị trả lời thằng anh hơi nhỏ và lạc đi : “ Mụ dạy đấy ! “; “ Mụ là ai ? “; “ Mụ là cô giáo “; “ Thế em bé cũng đang đi học à ? “. Chị nở nụ cười như mếu: “Ừ…”.

 

Có thêm một đứa trẻ con, công việc nhiều hẳn lên, một ngày dăm ba bận giặt tã lót, nấu xong cơm xếp vào một cái khay bê từ bếp lên tầng hai cho bà đẻ, công việc đưa đón và chăm sóc thằng nhớn thì vẫn thế. Anh chồng thông cảm tăng lương cho chị từ 900.000 đồng lên 950.000 đồng một tháng.

Công việc nhiều nên Tết sắp đến lúc nào chị cũng không để ý. Tết này chị định về quê chục ngày. Ngoài tiền chúc Tết ra, nhà chủ còn cho chị thêm tiền tàu xe. Chị xách cái túi ra bến xe, ngày Tết khách đông, bóng chị chen lẫn vào dòng người tất bật với cành hoa đào cầm trên tay, có người còn gánh hai gốc quất ở hai bên đòn gánh...Chị đã mua được vé, đang tìm chiếc xe mà chị sắp đi thì hình như có ai gọi:

- Mỵ !

Chị quay đầu nhìn lại, đó là một người lái xe, tuổi cũng đã trung niên, đang ngoái đầu ra khỏi ca bin của chiếc xe đậu cách đấy không xa, chiếc mũ vải cầm trên tay vẫy vẫy. Nhác trông thấy khuôn mặt của anh ta, người chị đột nhiên bủn rủn, ký ức của những ngày binh trạm Đông Trường Sơn sống dậy làm chị tưởng chừng nghẹt thở. Không cần biết là chiếc xe mà chị đã mua vé sắp chạy hay chưa, như một người trốn chạy, chị bước nhanh ra khỏi bến xe, bỏ lại phía sau tiếng gọi thảng thốt:

- Mỵ ơi !

Huỳnh Văn Úc
Số lần đọc: 3311
Ngày đăng: 20.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người đi tìm hồn - Lê Xuân Tiến
Tiếng đàn kìm - Nguyễn Minh Phúc
Hoài vọng - Văn Xương
Con báo - Nguyễn Khắc Phước
Những người đàn bà ở bến sông - Vũ Minh Nguyệt
Romeo của trần thế - Minh Thuỳ
Làm từ thiện - Hồ Việt Khuê
Năm mười mười lăm hai mươi! - Đỗ Thư
Chuyến đi săn cuối cùng - Sương Nguyệt Minh
Cái chết của một danh tướng - Sâm Thương
Cùng một tác giả
Nguyễn Tuyết Lê Sen (truyện ngắn)
Dã man ! (truyện ngắn)
Ngỡ ngàng (truyện ngắn)
Trực chiến (truyện ngắn)
Mèo ơi ! (truyện ngắn)
Cu Tí (truyện ngắn)
Ký ức Trường Sơn (truyện ngắn)
Ba điều ước (truyện ngắn)
Bà lão hàng xóm (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Nể vợ mày (truyện ngắn)
Chồng tôi và thơ (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Trả nợ miệng (truyện ngắn)
Phố tím (truyện ngắn)
Người em họ (truyện ngắn)
Thủ trưởng (truyện ngắn)
Chị Bông (truyện ngắn)
Có thờ có thiêng (truyện ngắn)
Thằng Bờm mất ao (truyện ngắn)
Số phận con Cún (truyện ngắn)
Một mất mười ngờ (truyện ngắn)
Ai thắng ai ? (truyện ngắn)
Con cá chép (truyện ngắn)
Lão Hạp (truyện ngắn)
Bánh vẽ (truyện ngắn)
Hoa cỏ may (truyện ngắn)
Có tật giật mình (truyện ngắn)
Số đỏ (truyện ngắn)
Thằng nhà quê (truyện ngắn)
Xung đột (tạp văn)
Luật rừng (truyện ngắn)
Tai qua nạn khỏi (truyện ngắn)
Ngủ đường (truyện ngắn)
Hoa hồng có gai (truyện ngắn)
Anh yêu em! (truyện ngắn)
Song Hỷ (truyện ngắn)
Luân hồi (truyện ngắn)
Chuyện động trời (truyện ngắn)
Bộ mặt thật (truyện ngắn)
Thằng mất dạy (truyện ngắn)
Tấc đất tấc vàng (truyện ngắn)
Cái vạ văn chương (truyện ngắn)
Sinh ngày 13 tháng 7 (truyện ngắn)
Ngẩu pín (truyện ngắn)
Bản ấn đền Trần (truyện ngắn)
Nhạc vàng (truyện ngắn)
Một thời vang bóng (truyện ngắn)
Con vẹt (truyện ngắn)
Đồ quỷ! (truyện ngắn)
Tinh thần thể dục (truyện ngắn)
Ngọn lửa bất diệt (truyện ngắn)
Bóng đè (truyện ngắn)
Bất hiếu (truyện ngắn)
Dỗi (truyện ngắn)
Chiến tranh (truyện ngắn)
Thơ thẩn (truyện ngắn)
Ông ngoại (truyện ngắn)
Tình muộn (truyện ngắn)
Giông tố (truyện ngắn)
Nạp Phi (truyện ngắn)
Lời Trăn Trối (truyện ngắn)
Theo đóm ăn tàn (truyện ngắn)
Ngục Trung Ký Sự (truyện ngắn)
Cá Gỗ /Stop! (truyện ngắn)
Đẻ Khó (truyện ngắn)
Thơ Lạc Vần (tạp văn)
Putin Rơi Lệ (đối thoại)
Oan Cho Hắn Quá! (đối thoại)
Khổ Thân Thằng Mõ (đối thoại)
Kê Cân (đối thoại)
Một Phần Vạn (đối thoại)
Vũ Như Cẩn (tạp văn)
Chuyện chàng cốc sĩ (truyện ngắn)
Ksenia Sobchak (đối thoại)
Ngọn giáo (đối thoại)
Anhekđot (đối thoại)
Alexey Navalny (nhìn ra thế giới)
Tổng thống suốt đời (nhìn ra thế giới)
Tổng thống và rượu (nhìn ra thế giới)
ĐỐI THOẠI (truyện ngắn)