Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
473
115.866.146
 
Chiếc bài ngà phiêu lãng
Trần Hạ Tháp

1*

Tiếng động một vật rơi xuống chân khiến Ngạn trở về thực tại. Anh giật mình, vẫn không nhướng mắt lên nổi. Âm thanh rù rì của quạt máy trộn lẫn tiếng người, tiếng thiết bị từ giàn loa hội trường chát chúa váng óc. Cơn sốt bất chợt từ trận giông hôm trước, nay dường như đã bắt đầu thuyên giảm. Ngạn thấy thèm một bãi cỏ xanh lộng gió nào đó, một bờ sông quạnh hiu, mênh mông thật nhiều mây trắng.     

 

Người bên cạnh Ngạn ngừng ghi chép một chút, tỏ ra hơi phiền hà. Sau cùng không thấy động tịnh gì, gã ta đành lịch sự cúi xuống nhặt dùm vật rơi. Tập tài liệu và cuốn sách. Mỗi thứ nằm một nơi loà xoà ngay dưới chân Ngạn. Gã liếc mắt qua trước khi đặt lại vào tay khổ chủ. Ngạn uể oải cảm ơn trong khi gã ta nghiêng người thân thiện:

- Ra là có tham luận mà quên luôn hà. Hình như tới thứ tự tên ông đăng ký, ban tổ chức tưởng không có mặt sau mấy lần nhắc lại. Ấy, đến bây giờ thì đã tổng kết. Mục tham luận qua rồi!       

- Đầu tôi xoay chong chóng. Khi vào đến đây thì…Xin lỗi. Thôi thế, vẫn có thể đóng góp qua văn bản hoặc dưới một hình thức khác…

 

Mặc cho gã ngạc nhiên nhìn từ trên xuống dưới, Ngạn cố ngồi dậy và ngó quanh hội trường. Cuộc hội thảo không riêng cho ngành nào, đúng tầm mức một danh nhân đa tài dưới triều nhà Nguyễn. Người vào dự thính nhiều nhất vẫn là sinh viên. Nhà hát lớn thành phố chật cứng. Anh rời ghế bước ra ngoài hội trường.

 

Lững thững dừng lại trước sảnh đường nhà hát, Ngạn sảng khoái hít thở không khí trong lành. Cơn ngầy ngật biến đi đâu mất. Trước mắt anh là tấm “băng rôn” chói nắng với hàng chữ chân phương trang trọng: “Hội thảo về danh nhân Nguyễn Công Trứ - Tài hoa và sáng tạo - Người phiêu bồng giữa quyền uy và nghệ thuật”. 

 

2*

Đạp chiếc xe lọc cọc về hướng bờ sông, Ngạn không biết đi đâu. Mặt nước xanh trong như ngọc bích dưới nắng chiều hè. Gió đem theo hơi nước mát rượi vào tận linh hồn. Một mình men theo dòng sông. Không rõ khi nào, Ngạn chợt thấy mình đang tiến gần một bãi cát sạn, bờ lô và mấy chiếc đò cập bến. Mây trắng đầy trời, gió lộng và cỏ xanh. Mặt nước đang dạt dào lung linh loé nắng. Một tay bận quần đùi vạm vỡ, mình trần trùng trục đen bóng mồ hôi nhảy huỵch từ trên đò xuống. Hắn khệnh khạng đi lên.

- Ê, chủ bãi đây. Cần chi có nấy. Toàn loại một không hà.

Hắn nói rôm rả mà mắt chẳng thèm nhìn người. Có lẽ chiếc xe đạp chẳng khiến ai hào hứng. Đợi đến khi Ngạn quay sang chăm chú và tỏ vẻ ngờ ngợ... Hắn bỗng la lớn và chụp vội lấy tay anh:

- Hê, thầy Ngạn chớ ai. Thằng vạn đò thầy nhớ không? Em, Vầm đây.

 

Ngạn gật đầu bông lơn, chỉ tay về phía chiếc đò:

- Ừ, mà nhớ làm gì. Có chiếc đò chạm mắt thuồng luồng tổ bố quên sao được. Ra là mày đã lên chủ bãi, tao được mày… nhớ vớt gọi là quý. 

Gã chủ bãi nổ ra cười sằng sặc. Hắn chụp chiếc xe đạp đẩy bừa đi như kẻ cướp , miệng la lớn ra lệnh, vừa mời khách:  

- Nghe đây, ông thầy tao tới. Chiều ni đặc biệt. Dẹp… Dẹp hết lập tức để tao mời khách. Vào nhà đi thầy. Không mấy thuở.

 

“Nhà” của hắn tròng trành trên sóng nước. Một đám thanh niên chờ việc đang nằm ngồi, vui chơi gì đó. Tất cả đều đen đúa, vẻ dữ dằn nhưng Ngạn biết chúng chất phác, vất vả suốt ngày dưới nước. Đại đa số cư dân trên các vạn đò đều thất học trầm trọng. Vầm từng ở trong số đó .Trước đây, Ngạn có tham gia phong trào xoá mù chữ nên không xa lạ gì. Kể từ khi thành phố quy hoạch lại cảnh quan du lịch, các vạn đò giải tán lên đất liền định cư đây đó… Họ lại càng ngơ ngác, lúng túng trong việc mưu sinh. Những kẻ vốn quen nghề hạ bạc nhiều đời từ tổ tiên lưu lại. Vì thế, hoán cư nhưng bất hoán nghệ. Dẫu chỗ ở đã phải đổi thay song chẳng dễ có nghề mới trong một sớm một chiều. Lặn cát sạn. Nghiệp dĩ truyền đời, riết chỉ giúp cho đám chủ bãi trên bờ nên nhà cao cửa lớn… Cái nghèo của dân vạn đò không kém vùng sâu, xa hẻo lánh. Oái oăm thay có khác chăng ngay giữa lòng đô thị, trên một dòng sông đã quá nổi tiếng từ thơ, nhạc. Với  dòng sông này, họ gần gũi biết bao nhiêu? Lạ lùng thay, có thể vẫn cách xa hơn ai hết. Bao mái trường ẩn hiện trong tầm mắt từ con đò chỉ vài ba bước nhảy. Thế, khi cái nghèo đã “đội đá” lên đầu thì “Còn nói chi được thầy ơi. Suốt đời ông tới đời cha, đời con cháu chỉ lặn hụp, đội rổ sạn trên đầu mà…lên”.

 

Hồi ấy Vầm quá nản lòng trước mấy cuốn tập vần, học chung với đứa con. Những người như Ngạn chỉ còn biết thở dài không biết nói sao. Hắn thật thà “Chữ nghĩa ra ngoài da như các thầy đã giàu có chi mô? Còn thằng em đội cát sạn xong, chỉ một việc say oắt…cần câu mai lặn tiếp. Trời đã cho gạo chợ nước sông. Là rứa đó rồi  không sướng chi, cũng chẳng lận đận đường đời”. 

 

Thế mà bất ngờ thật, thằng này đã lên bờ thành chủ bãi. Nhà cửa nghiêm chỉnh, hắn mua mấy chiếc đò làm công cụ sản xuất. Tự trong đáy lòng, con đò mới đích thực là ngôi “nhà” của hắn.

Vầm sai đàn em trải chiếu, phân phó nhỏ to với nhau một hồi và lật đật mời Ngạn ngồi vào khoang. Hắn mím môi…tư duy chút đỉnh, gật gù ra vẻ sắp nói điều đắc ý, trang nghiêm:

- Thằng em nói nghe được không? Là hồi nớ ông thầy ước chi đêm sáng trăng ngồi lơ lửng trên đò. Câu mấy con cá dưới sông, uống vài ba chung rượu làng Chuồn. Cho là không thú chi bằng. Chừ gặp trăng rằm đêm ni còn đợi khi mô? Cứ để thằng em mời thầy lai rai chuyện đời tới sáng “trợt độn” thì về. Không mấy thuở. Thầy ở lại dứt khoát đi thầy.

 

Ngạn bất ngờ hào hứng:

- Mày còn nhớ. Mày hơn tao xa. Xa lắm… Vầm ơi.

 

Gió lồng lộng tuyệt vời, ru ngủ. Không nghe tiếng chủ đò đáp trả. Hình như hắn vui mừng, cảm động lại chạy đi loay hoay sắp đặt. Mặc kệ hắn, Ngạn vớ ngay chiếc gối kê đầu lên mạn đò lắng nghe sóng nước vỗ óc ách ngay dưới thân mình. Anh lim dim mắt mơ màng, dần dần mất cả ý niệm thời gian. Cảm giác lơ mơ đò đang trôi giữa một xứ miền hết sức thân quen, vừa vô cùng xa lạ. Ngạn chợt thấy mình thênh thang như đang trong một cơn mộng huyễn hoang đường… Cõi lòng khinh linh như khói toả sương lan vật vờ trên sóng nước? 

 

3*

Trăng sáng như gương. Phía trước là một con đò lớn bồng bềnh treo đèn lồng ngũ sắc. Tiếng cầm ca dập dìu mỗi lúc một rõ hơn. Con ấy đò không tới gần. Nó đang neo. Rõ ra, đò thằng Vầm đang dần dần trôi về phía ấy…

 

Ngạn thấy đủ bốn người trang phục nón dấu áo nẹp, quấn xà cạp chân như lính lệ ngày xưa. Họ đều mang gươm, đang chia nhau đứng đối diện hai bên ngay trước khoang đò. Tiếng cầm ca dập dìu từ bên trong vọng ra, liên miên như nước chảy.

 

Ồ, “Tương Tư khúc”. Ngạn bồi hồi tự nhủ. Một giọng nữ trong veo, nhẹ hơn gió đang vút lên như cánh hạc bên trời. Tiếng thập lục đưa theo cứ ngỡ ngọc châu chạm vào nhau thánh thót. Ai thổn thức ai? Ngạn chồm dậy để nhìn rõ hơn, tự nhiên lòng nhói theo tâm sự ca nhân. Gần mà như xa? Anh cố nhoài người ra ngoài mạn, nhưng vẫn không thấy được trong khoang con đò kia còn có những ai..?

 

Đột ngột, một giọng nói hào hùng vang lên và sau đó là tràng cười làm lung lay bóng nguyệt:

- “Giai nhân tự cổ như danh tướng.Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” Tâm sự giai nhân xưa nay cũng là tâm sự của những bậc tài hoa anh kiệt. Nàng khóc bằng lời ca ư? Ta cười ư? Cười và khóc có khác gì chăng, với những người cùng lắm nỗi truân chuyên? Ha ha…

- Đa tạ Tướng công. Với thiếp khóc để còn lại bài ca, khác thế nhân ca…mà y như tiếng nấc não nùng. Với Tướng công khóc mà rồi nên giọng cười hào hùng, khác thế nhân cười…trên đã nhiều tiếng khóc bi ai. Tao ngộ tri âm, thiếp xin đầy một chung tiến tửu. Cung thỉnh.

 

Bất chợt, một vệt như sao băng liệng vút khỏi khoang đò, chiếc chung bạch ngọc chao nghiêng trên sóng nước, mất tăm.

- Rượu mời, ta uống cạn nhưng chung bạch ngọc kia. Hãy để cùng dòng đời trôi đi, đừng lưu luyến. Nàng thứ lỗi cho ta.

 

Sau một thoáng ngập ngừng im lặng, giọng ngọc đã vang lên:

- Thiếp hiểu. Chung chỉ là bên ngoài, rượu mới ở bên trong. Ồ, hãy để cho chức danh Tướng công ấy trôi đi. Vâng, bây giờ thì không còn ai Tướng công, cũng chẳng còn người hầu hạ. Chỉ có thiếp và chàng là hội ngộ tri âm. Đời người dẫu dài như sông kia ư?  Lắm khi vẫn chỉ là bất hạnh. Sông có biển đợi chờ. Người bất hạnh tìm tri âm không dễ.

- Ha ha. Ta là biển của nàng. Phải rồi, ta không phải Tướng công. Là tri âm của nàng, ta phải quên quyền uy đi để trân trọng tiếng tơ lòng. Là tri kỷ của ta, nàng không làm người hầu kẻ hạ. Ồ, quyền uy ư? Run sợ chứ đâu phải là rung cảm. Nghệ thuật ư? Rung cảm chứ không cần run sợ. Nàng nhìn đi! Hai bên ta, vẫn là hai bờ hiện thực. Nghệ thuật với quyền uy. Nhưng có những khoảnh khắc để đi vào tuyệt đối. Ta…

- Vâng, giữa hai hiện thực kia, trong đêm nay, chàng được một mà thôi. Thiếp hiểu. Tất nhiên, không thể ở hai bờ cùng một lúc. Nào, chất men này chỉ dành riêng cho những người biết uống? Đó là men của thứ rượu… chẳng cần chung. Ôi, danh chàng và phận thiếp. Những đa đoan do đời người trói buộc. Dù chỉ một đêm nay. Hãy cùng nhau buông bỏ.

- Quyền uy ư? Tủi nhục ư?  Là cười, khóc của ba vạn sáu ngàn ngày trên nhân thế. Đâu đơn giản chỉ bay bổng tuyệt vời hay còn đó nỗi trầm luân đoạ lạc. Ha ha...Ta tự hào từng, và sẽ đi qua hết thảy... Song sau rốt để làm gì? Hay là kẻ ở lại một trong hai điều quanh quẩn ấy. Vị đại quan ngồi hoách lác lọng điều chăng? Hoặc cúi xuống co ro trong tấm thân tốt đen dầm sương gió. Nhưng, rồi sẽ phù phiếm biết bao nhiêu? Sau ba vạn sáu ngàn ngày kia, chẳng công ích gì đem lưu truyền nhân thế cả. Dẫu tủi nhục hoặc quyền uy, đều phải trở về cát bụi. Ha…ha…Nàng và ta đều có một hạnh phúc mà phàm nhân không bao giờ ngờ nổi. Là tri kỷ, tự nhiên nàng chẳng cần ai cắt nghĩa.

- Vâng, tất cả đều trở về cát bụi, song đã mấy ai…không lảng tránh điều này.Trốn chạy ấy, hiện thân là đau khổ.Chàng và thiếp hạnh phúc bởi đâu cần đợi đến lúc trở về kia…Cũng đã quá thân quen cùng cát bụi. Bởi cát bụi đường đời là vốn liếng để hành trang. Trở về cát bụi ư? Ồ, chưa hẳn ở khoảnh khắc sau cùng như thế nhân từng hiểu. Có khác, đây là cuộc trở về bên những nỗi truân chuyên…Những đớn đau tủi nhục âm thầm còn vùi sâu dưới mấy tầng nhân thế. Cát bụi phận người đang sống 

- Ôi, không sai. Quả là tri kỷ giữa muôn ngàn dâu bể. Suốt đời ta… Rút cục chỉ điều này ân hận. Sao không phải sớm hơn để bây giờ mới cùng nàng tri ngộ? Người như nàng mới hiểu hết lòng ta.     

- Hạnh phúc đâu để nói muộn màng. Hai cõi lòng đồng điệu đủ để người như chàng tiếp tục ruổi dong vào dâu bể. Người như thiếp còn biết ngẩng đầu lên khi nghẹn ngào lưu lạc chốn trần ai. Mới hay rằng, dù lấy cát bụi để hành trang, đừng quên ươm hạnh phúc. Để cảm kích tri âm, thiếp trân trọng xin học chàng quăng chén. Nhìn kìa…Cùng trôi đi bên danh chàng là phận thiếp. Rượu đã uống xong. Xin đành cam thất lễ. 

 

Lại một vệt sáng như sao băng liệng vút khỏi khoang đò. Chiếc chung bạch ngọc thứ hai biệt tích. Ngạn bàng hoàng tiếc rẻ. Hai chiếc chung kia không phải tầm thường. Anh đoán, chắc chắn chúng đều chìm ở một nơi không thể cách xa nhau. Thằng Vầm…Thằng chuyên nghề lặn sông đâu rồi?

 

Sao hắn lắc đầu cười chế giễu phía sau anh?  Ngạn thấy nổi nóng, nói câu gì lầm bầm trong cửa miệng “Cát sạn mà làm gì? Chỉ tài cỡ mày thôi, thằng khác sẽ giàu to. Lặn tới bùn được không” Vầm cứ xuỵt xuỵt, chỉ tay ra đằng trước “A, thằng xấc. Mày cóc cần thời cơ” Ngạn  vội vã quay lại hướng có đèn lồng ngũ sắc. Kia rồi…

Một người đàn ông cao lớn, uy nghi vừa bước ra trước khoang đò. Bộ râu đẹp, không dài không ngắn càng khiến ông tăng thêm phần khôi vĩ ngang tàng. Khăn xếp trên chiếc trán cao ngất ngưởng, áo the và bài ngà trước ngực, ông chắc là vị đại quan với giọng cười sang sảng…Người mà ca nhân vừa xưng tụng Tướng công. “Oai thật” Ngạn trầm trồ. Con mắt ông quả là bất phàm, vừa nghiêm nghị vừa như ẩn chứa nụ cười tươi.  

 

Bốn người lính đứng yên như tượng. Vị đại quan không hề ngắm trăng. Ông ngưng cười, nhìn đăm đăm người thuộc hạ gần nhất. Chiếc nón dấu quá nhỏ không đủ che hơi sương đang đẫm ướt hai vai.

- “Bất biện phong trần sắc. An tri thiên địa tâm” Không nhuốm vẻ gió bụi cuộc đời…Sao thấu hiểu lòng trời đất? Lúc hiểm nguy, bộ tốt đã cùng ta sinh tử. Ngay khi vui, các ngươi cứ lam lũ thế này ư?

Im lặng. Bốn người lính vẫn không dám ngửng đầu. Sau cùng, vị đại quan…cởi chiếc áo the, lột khăn xếp trên đầu xuống. Ông từ tốn gấp tất cả - những nghi biểu đại quan - đặt hết thảy vào tay người lính. Bây giờ trông ông còn trẻ trung hơn với bộ đồ chẽn mặc trong rất tuấn nhã.

- Hãy đem đặt ngay ngắn lên án thư ở công đường Phủ Doãn. Còn đêm nay nơi đây sẽ không có mệnh quan nào. Vậy thì chẳng ai hầu hạ ai. Các ngươi cứ lui về Phủ Doãn. Ta cho phép…Đi đi.

 

Người lính khom lưng xuống, ngạc nhiên nói như khóc:

- Không dám. Bọn thuộc hạ của đại nhân xưa nay vẫn một dạ trung thành. Nếu sơ suất e tội lớn khó dung tha. Người…nỡ nào vất bỏ các tay chân.       

- Ồ, sáng mai đại nhân các ngươi vẫn có mặt ở công đường. Khi ấy chẳng ai ngăn các ngươi làm nhiệm vụ. Ta không dùng quyền uy trước mắt người tri kỷ. Ta chỉ hết lòng vì tao ngộ đêm nay. Đừng khiến ta phải ra oai trong những khoảnh khắc hiếm hoi này. Đi đi. Hà tất…

 

Có tiếng cười hinh hích, tinh nghịch đâu đó của thằng Vầm làm Ngạn bực mình vung tay, muốn bảo hắn im đi “Biết thế quái gì mà cười”

 

Bốn người lính lần lượt bước xuống chiếc ghe nhỏ một bên con đò lớn. Gió lồng lộng trên mặt sông. Người lính ôm y phục trên tay lóng cóng vì việc làm mà nằm mơ, y cũng không thể nào ngờ đến. Vốn sinh ra để phục tùng và hầu hạ, nay bọn họ như đang hụt hẫng một phần hồn. Y cảm thấy bất an… “Tri kỷ là thế ư? Mới chỉ phút giây tao ngộ, họ đâu đã từng vào sinh ra tử với nhau” Y dừng lại, với cả suy tư cũng không dám nhiều hơn. Thưa bẩm và phục tùng, đó mới là nhân cách và giá trị đích thực suốt đời y. Đột ngột, gió xoay ngược đầu ghe. Y hụt tay, chao đảo làm xổ tung y phục trên tay. Một vật cứng, nhỏ vừa rơi xuống dòng sông. Chiếc bài ngà đính trên ngực áo thâm mất dạng. Run người, y chết điếng.

 

Vị đại nhân nhìn thấy. Ông ngạc nhiên vì luồng gió mạnh ào qua song giọng nói vẫn như thường:    

- Đó là vô tình, không phải lỗi các ngươi. Chiếc áo ấy cũ rồi nhưng đã theo ta trong nhiều bước truân chuyên. Đôi khi…Không nỡ nào thay bỏ dẫu đã sờn phai theo tuế nguyệt. Còn bài ngà kia ư? Hãy để dòng sông này lưu giữ mãi giùm ta. Chức Phủ Doãn bao lâu? Vẫn chỉ là khoảnh khắc trong giới hạn một đời người. Song, kỷ niệm đẹp cùng với tuổi tên ta sẽ còn lại ở đất này. Ha Ha…Kỳ diệu. Đấy mới thật chứng tri từ sông núi. Thợ điêu khắc sẽ làm ra cái khác. Nhưng ở đây…Ha Ha…Là chiếc bài ngà vĩnh cửu của đời ta. Ta phiêu bồng trên dòng đời. “Ngươi” phiêu lãng dưới dòng…sông.

 

Ông cả cười đầy cao hứng, ngón tay vẫn chỉ thẳng xuống dòng sông.

Bốn người lính ngơ ngác nhìn nhau, cởi dây ghe rời đi. Phút chốc bóng họ nhạt nhoà trong màu trăng dát bạc. Tiếng cầm ca lại dập dìu. Giờ đây giọng ngọc man mác như thu phong hiu hắt:

- “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi”. Chẳng là bao rồi đầu bạc như vôi…Chàng có biết liễu  xanh bên tường gọi…Nẻo phong trần từ độ rẽ đường ngôi…Ai chăng tá? Khúc cầm ca mấy nỗi…Thôi thì thôi Phượng Cầu Hoàng lạc lối…Đàn Bá Nha lưu lạc chốn mua cười…Chung rượu ố  rưới xuống lò hương nguội. Người tri âm biền biệt bóng chiều trôi…Bao lần nuốt lệ đầu môi…     

- Nàng khiến ta đau lòng. Hoàng Hà xa diệu vợi. Xin thay bằng hai tiếng Hương giang. Ồ, nàng cứ khóc cho vơi. Những giọt châu kia không dễ gì để thế nhân nhìn thấy. Đã bao nhiêu lần nàng nuốt lệ vào trong…Hãy để ta được hôn vào hai dòng châu lệ ấy. Ôi, tài hoa phận bạc.  

 

Ngạn bàng hoàng. Anh như thấy được hai bàn tay búp măng trên phiếm đàn đẫm nước mắt sau lời ca quặn thắt. Gió lồng lộng mặt sông như nổi sóng. Con đò ngũ sắc xoay chiều. Vẫn che đi tầm mắt. Hai bóng người in lên khung tựa vào lòng nhau mà bài ca dường như bất tận,cứ tuôn trào. Tiếng thập lục không ngừng, như gió như mưa….Bóng cao lớn đang nhẹ nhàng cúi hôn lên chỗ tối…

 

Ngạn xúc động, quay mặt đi. Trăng lộng lẫy. Tất cả chìm ngập giữa lời ca.Không thời gian ngưng đọng.

 

Hai nỗi lòng như một. Kẻ đại quan, người ca kỹ. Ôi, sá gì cách biệt cuộc đời? Điều kỳ diệu nào ở đây đã xoá đi biên giới ấy? Mấy bản cầm xoang rung động cõi lòng…Một đôi khúc thi ca lưu truyền nhân thế…Vài ba chung rượu nhạt nhưng đủ cả cay đắng mặn nồng. Và cần nhất - đâu thể thiếu - đôi con tim nhiều nhân ái, cảm thông. Vâng, với chừng ấy thì giữa nhân gian nầy vẫn không hề diệu vợi quá tầm tay.

 

Cuối cùng, một cuộc đời bình dị nhất có thể đạt đến những gì vừa kể ấy. “Nhưng có khác gì không? Để những tài hoa nhận diện kẻ tài hoa” Ngạn tự hỏi lấy lòng. “Họ đã vượt thời gian”. Chỉ một đôi khoảnh khắc gặp gỡ hiếm hoi trên đường đời xuôi ngược. Hoặc vài phút giây tao ngộ tình cờ cũng quá đủ để những bậc tài hoa kia đối đãi nhau như từng biết từ vạn thuở. Sức sống mãnh liệt ấy, người bình thường sẽ phải cần đòi hỏi ở thời gian. Vì thế - trước thời gian - kẻ tài hoa đích thực có bao giờ là nô lệ? Ngạn cảm khái trong lòng “Tất nhiên. Họ vượt ngưỡng để giải phóng thời gian. Thời gian hoặc ngay cả không gian đều sẽ phải xoá nhoà đi, không dấu tích”… Vâng, sức sống ấy - ở giây phút tuyệt đối này - là sức sống mà phàm nhân phải một đời tích luỹ.   

Bây giờ, thêm tiếng sanh gõ nhịp. Giọng ngọc nghe đầm đìa nước mắt, nghẹn lời dường như lời ca kia không còn chuyên chở nổi tâm tư…

 

Giọng nam rước lấy.Âm ba dội xuống mặt sông truyền đi xa bát ngát. Ngạn có cảm giác ấm áp vô cùng. Anh không còn nghe hiu hắt hơi thu:

- “Ngã vô truy Tước Lệnh chi bài thế trung lạc khứ lưu giang vô tái ngộ" …Trót sinh ra là đã nợ trần ô…Thì thế cuộc cũng xoay vần bóng thỏ…Cuộc phù sinh cười khóc đến bao giờ… Cơn dâu bể thăng trầm còn muôn thuở…Vỗ kiếm ca phiêu bạt nẻo sông hồ…Vó ngựa ruổi gập ghềnh đường sương gió…Hương giang nguyệt dòng đời soi bóng tỏ... Phiến băng tâm lưu lại giữa cơ đồ…Thương người tri kỷ đào tơ…    

 

Ngạn chắc rằng Nương tử đang lau khô nước mắt. Ô kìa, tại sao chính anh… Anh đang đưa tay áo lên khuôn mặt của mình?

- “Rườm rà quá. Năm câu ba chuyện đủ rồi. Rứa thôi, còn việc khác. Làm như trên đời chỉ thơ văn không hà. Thằng em…sốt ruột”. Lại là tiếng phá bĩnh của thằng Vầm cát sạn.

- “Vô lễ”. Ngạn lừ mắt muốn đẩy cổ hắn xuống sông. “Thằng như mày…giàu đấy nhưng rồi có ngồi xe hộp cũng cứ nghe mùi bùn”.

 

Quả nhiên hắn giả đò khuỳnh tay, chống nạnh hất hàm làm bộ làm tịch:

- Rứa đó, rồi thành tài được không?

Ngạn không nói với đứa điên như nó nữa. Anh đang để hết tâm hồn theo sanh phách, lời ca. Những bậc tài hoa xa lạ kia tự nhiên sao quá đỗi thân quen. Họ là ai? Sao phiêu hốt trên con đò treo đèn lồng ngũ sắc? Còn Phủ Doãn, chức vị này là quan phủ chốn kinh đô. Đã là thời xa xưa sao còn đọng bóng tới bây giờ? Hay bởi anh - thầy giáo Ngạn nghèo xơ - đang lui về lang thang trong quá khứ??? Lạ thay. Những câu hỏi không cách gì phân giải được.

 

Nàng ca kỹ là ai sao chất giọng tuyệt vời làm thổn thức trăng sao? Ôi, những con người tài hoa kia chắc chắn đã đi qua lắm độ phong trần. Đến nỗi cười, khóc có khi chẳng còn gì phân biệt. Nàng tài hoa mà phận bạc. Chàng  hùng tráng lắm gian truân. Tất cả những nét đẹp ấy dường như chỉ tìm ra trong mấy tầng dâu bể.

 

Ca nương là tri kỷ của một bậc công hầu. Bậc công hầu là tri âm của một ca nương. “Xướng ca vô loài” ư? Họ đã vượt qua thời đại và thước đo cổ điển ấy. Nghệ thuật đã tháp cánh chim bằng cho hai quả tim cùng nhịp kia, nương vào nhau, bay về phương bình đẳng. Rung cảm sẽ vô vị khi chưa đủ khổ đau, truân chuyên để tìm ra chất liệu chính.

 

Họ hạnh phúc vì họ đang rung cảm. Thế thôi. Ngạn tôn trọng thứ hạnh phúc cao quý ấy. Anh không thể cứ lom lom dòm ngó qua con đò kia với ánh mắt phàm tục như thằng lặn cát sạn sau lưng mình. “Tiền bạc làm ra, quyền to chức lớn như rứa đó. Để mô cho hết… Không chơi đủ món cho sướng thì hoạ là…” Thằng Vầm cười chúm chím.

- “Phúc lợi ư? Không đâu, mày lầm rồi. Đừng tưởng sẻ chia ở đây là thụ hưởng” - Ngạn lắc đầu - Thưởng thức phúc lợi riêng khác gì quay lưng trước khổ đau kẻ khác. Hai người ấy đang đồng hành, đang chia sẻ nhau nỗi niềm nhân thế kia mà…Không ai nhận bố thí ở đây cũng không kẻ nào đang ra oai ban phát cả. Đơn giản, họ bây giờ là Một. Họ đang ở trong nhau. Chỉ khi nào rung cảm đã trở nên đầy giả tạo, gượng lòng thì đấy mới là khóc mướn, thương vay. Là trá hình của bản chất phúc lợi.

- Phúc lợi là chi à? Là thứ trả công, để đền đáp cho một quá trình lao nhọc. Và thế, phúc lợi có hơn thua lời lỗ và toan tính suy tư. Rung cảm đích thực tuyệt nhiên không như thế. Bất chợt khi mà chính bản thân cũng không cách gì ngờ nổi? Sẽ đi trước và chẳng đợi chờ tư tưởng. Với tơ lòng, hai người kia đã rung cảm và chẳng cần phải  gảy lên như thứ tơ đàn mày đang nghe qua tai ấy.

- Riết rồi đi thấu mô?

- Phi-Tưởng-Xứ  theo cách nói nhà Thiền. Rung cảm đưa họ vào trong cảnh giới ấy. Mày thì vẫn còn lếch thếch trong cái Tưởng-Xứ đầy u mê ám chướng, duy nhất mà mày được biết. Bực mình…

 

Thằng Vầm lặng thinh.

Ồ, tất cả những gì gặp gỡ hôm nay đều lạ lùng gấp nhiều lần thứ kiến thức trong cuộc đời thầy giáo Ngạn. Là ảo ảnh hay thực tại? Quá khứ hoặc vị lai? “Bận trí gì” Anh lẩm bẩm. “Vẫn sẽ tồn tại một thực tế sau cùng trong chính mỗi tự tâm”. Vâng, đấy là rung cảm đích thực của hai người. Họ có mặt như cốt nhắn nhủ cùng nhân thế. Rằng “xướng ca vô loài” - thật sự -  chỉ tồn tại nơi nào còn khóc mướn, thương vay. Là cười khóc vì phúc lợi riêng tư, giả tạo niềm đam mê rung cảm.

- Đã rứa mà chỉ có xướng ca không thôi mới kể là vô loài. Còn các món khác thì không? Thằng Vầm hớt lẻo.

- Vô loài do có thể bán mình vì phúc lợi riêng tư. Song đấy chỉ là phục vụ kim tiền, chẳng vì ai dâng hiến. Khi sự chịu đựng trở thành nỗi ám ảnh để mãi mãi xa rời với cảm xúc sẻ chia. Hạng vô loài vì thế, làm gì hiểu cảm xúc và hiến dâng mới làm nên nghệ thuật. Nhưng mà dẫu thế nào đi nữa…Hạng vô loài chỉ có bán xác thân - Ngạn gật gù - Vẫn còn hơn những ai đem rao bán linh hồn.

- Rồi thành ma không? Còn chi người.

- Ma thật không có đâu. Là tao nói…Con người sống theo kiểu của con ma.

Thằng Vầm hét lớn, cười sằng sặc khiến một vùng sông nước khói sương đột nhiên tan biến:

- Uý trời! Ma cũng còn…tuỳ hạng ma.

 

4*

Khi nhìn lại, kỳ lạ thay Ngạn không thấy con đò kia đâu cả. Tất cả chỉ còn lại ánh trăng và mặt nước lao xao…Ồ, hình như tiếng cầm ca vẫn réo đâu đây. Có phải đang xa vắng vọng về từ sâu thẳm của dòng sông . Thằng Vầm đã để con đò kia mất hút. Sao thế, thằng quái quỷ ngừng chèo. Mày nhe răng cười chọc tức? “Đồ ngốc” Ngạn quá tức giận muốn dúi cho một đạp vào cái hình thù vạm vỡ, đen bóng ấy. Hắn cứ vẫn nhanh hơn làm anh hụt hẫng, chới với. Chân Ngạn vấp vào khe ván trơn, nhào xuống nước. Anh rùng mình nghe ớn lạnh toàn thân…

- Ông thầy ngủ một giấc từ xế chiều đến tối đã đời luôn. Dậy đi thầy. 

Trăng lên, đò vừa neo ở đây đúng nhứt. Thằng em xong mô vô nấy rồi đây...

Ngạn mở bừng mắt…Thằng Vầm đang nắm vào chân anh lay mạnh. Ngạn ngơ ngác chồm lên. Rõ ràng, mặt trăng rằm như gương đang buông một màu dát bạc trên sông. Con đò neo ở đâu? Ô, khúc sông chảy uốn quanh đây mà…Bên tay phải là chùa Linh Mụ với tháp Phước Duyên cao ngất. Cồn Dã Viên đã khuất phía sau lưng.Anh thở dài, thẫn thờ nhìn xuống dòng sông phẳng lặng một màu. Dòng Hương giang muôn thuở…

 

Vầm vẫn ở trần trùng trục. Hắn đang loay hoay sắp đặt các thứ  vào mâm. Cặp cá tràu to quá cỡ dài thò ra ngoài tàu lá chuối, kẹp nướng lá chanh non. Nước mắm gừng và một nồi cháo lòng bốc khói. Chai rượu trắng làng Chuồn, hắn sai mua bằng được, rót ra. Tuyệt vời. Hai thầy trò chạm cốc vào nhau. Bụng Ngạn đói meo. Anh chưa bao giờ ngon miệng thế này, thẳng một lèo không hề khách khí.

- Sao…đò tới tận đây lận mày? Tụi đàn em đâu?

- Cho nằm bến. Mình thằng em được rồi. Ngược dòng tới đây trăng lên kêu ông thầy dậy là vừa. Khúc sông…linh thiêng lắm. Thầy ưa mà.

- Ừ…Tao biết.               

Vầm nốc cú một, khà hơi khoái trá. Hắn nghiêng cái chai về phía Ngạn nhưng thấy đầy, trố mắt:

- Bần thần…? Ngồi nướng mấy con cá nghe toàn nói…mơ không hà.

Khóc cười chi không biết…? Ngủ chiều hay bị bóng đè đó.

 

Ngạn vẫn cầm cốc rượu, ngó xuống mặt nước sông màu dát bạc. Anh không trả lời, dường như đang lắng nghe cái gì xa vắng “Mơ à” Ngạn nói  lẩm bẩm một mình “Nhiều việc tưởng chỉ là mơ…dần hoá thực. Này thì còn  lắm chuyện đương nhiên thực rồi ra…chỉ có trong mơ”. Thằng Vầm đột ngột vùng dậy nhảy vội vào trong khoang. Con đò tròng trành muốn quày mũi.

- Nhớ ra rồi. Không hỏi ông thầy còn biết hỏi ai. Hay lắm…

Hắn bước ra, cầm trên tay cái độc bình bằng gỗ tiện màu mun. Loại này thường để cắm hoa bằng giấy. Ngạn rót cho hắn cốc đầy đưa tận tay, nhăn mặt

- Mày lộn xộn hoài. Ngồi yên xuống được không.

- Nói mơ cái bài ngà nhà quan. Đã cất kín đáo. Rứa mà ông thầy biết? Mới là lạ…

Ngạn giật mình. Thằng Vầm xổ xổ cái độc bình úp sấp. À, ra bên trong có đựng đồ. Một cục sáp hình thù kỳ dị lăn ra kêu lọc cọc. Hắn chụp lên:

- Có đây. Mỗi lần mài xong, cứ lấy bùn khô bọc lại rồi giọt sáp chung quanh cho kín. Không được để hở gió. Thời con nít thấy ông già mài hoài hà

 

Cục sáp to dài như một nắm cơm vắt còn hằn rõ các dấu ngón tay bóp

lại. Thằng Vầm  bóc hết lớp sáp mỏng lẫn lộn đất sét bên trong. Một phiến mỏng hình chữ nhật hiện ra. Hắn thò tay xuống mặt nước kỳ cọ thật sạch.

Không phải đợi lâu, Vầm ngửa bàn tay ra.

Ôi, không sai quả thật một…cái bài ngà màu trắng rất cũ. Ngạn đón lấy đưa lên sát mặt để xem. Cái nuốm có xoi lỗ nhỏ để đính vào ngực áo vẫn còn nguyên vẹn cả.“Có khắc chữ chi không”? Anh lật sấp lật ngửa, ngón tay rà thật sát hai bên mặt bài. Vầm thắp lên cây nến trong khoang. Ngạn run run hồi lâu:

- Có. Mà…mài gần sạch trơn. Mỗi chữ đều mất quá nhiều nét không  cách gì đọc được. Vài chữ ít nét, đơn giản tuy mờ là còn có thể…đoán ra.

- Tên tuổi? Làm quan chi to nhỏ?

- Không rõ. Như đây chữ Thiên…tiếp xuống chữ Phủ…Có lẽ chắc không sai. Còn trên, dưới quá mờ. Như vậy thôi, không còn gì nữa. Nhưng mày sao có vật này? Mới nghe tưởng nói chơi, quả nhiên ra thật cái bài ngà. Lạ lùng. Mấy phút mới đây thôi mà…Rõ ràng tao có thấy… 

 

Giọng Ngạn nhỏ dần như để chỉ mình nghe. Mấy tiếng sau mơ hồ, Vầm không hiểu ông thầy muốn nói gì. Hắn thò lõ mắt ra nhìn Ngạn đợi chờ. Đột nhiên, thấy anh hai tay ôm lấy cái bài ngà, con mắt đăm đăm nhìn xa vời dòng sông như đang khấn nguyện một điều gì…Một đợt gió ào ạt vang xa, mặt trăng mây che khuất. Tự nhiên Ngạn…ớn lạnh trong người.

Anh trịnh trọng nói với thằng Vầm:   

 

Chuyện gì liên quan tới cái này. Mày nói hết. Đừng có đùa giỡn ba hoa. Tao báo cho biết.Linh vật, không phải tầm thường đâu.

 

5*

- Khi ông già còn sống kể...Đời ông nội cũng lặn cát sạn, chuyên đóng khố còn nghèo cực hơn đời ông già. Một lần đội rổ lên bến đổ cát sạn xuống, ông nội thấy lòi ra cái vật lạ. Hay hay…Chẳng biết thứ chi? Nghĩ là còn của quý vàng ngọc cũng không chừng, ông nội ráng lặn xuống nhiều lần nữa...   

 

Cứ thấy sáng loà ra trước mặt như bạc. Rõ ràng là có hai…

- Cái gì sáng như bạc?

- Hai con cá gáy vảy bạc, to chưa từng thấy. Hễ gặp người lặn xuống tới nơi là cặp cá hiện ra, bơi qua bơi lại như canh giữ chi ở chỗ nớ. Ông nội phải lên. Sau hỏi xa gần, có người nói bài ngà nhà quan là thứ chẳng lành. Vật quý báu mà bán không ai mua. Đem đi cho, chẳng có ai thèm lấy. Người ta nói cất chi thứ quyền uy, đã nhiều âm oán. Nhà mô vay…Đời con, cháu nấy trả. Mắc mớ chi, khi không đem về nhà? Thầy thuốc Nam dặn đừng liệng đi. Ngà voi mài ra trị được chứng con nít khóc “Dạ đề” rất hay, cất phòng cho con cháu đời sau. Cứ bọc thiệt kín không hở ra gió máy. Lấy sáp “trừ tà” rồi bôi bùn “khử quý” đi. Do tà thì hay theo phong mà tới gọi là phong tà. Còn bôi bùn trét đất vô rồi thì quý chi nữa? Ông nội thương con

cháu không vất. Cứ để trong độc bình.

 

Quả nhiên, đến đời ông già…sinh ra thằng Vầm khóc “Dạ đề” thâu canh suốt sáng. Khóc lồi lỗ rún ra ngoài. Ông già nhớ sực việc xưa, lấy mài cho uống vài ba dạo thì lành. Từ đó không khi mô biết khóc lóc chi nữa. Lớn lên có cực…sún răng cũng cứ cười. Cái lạ! Thằng Vầm lại nhăn răng ra…hô hố. Hắn nốc hết cốc và rồi tự thưởng bằng một cốc khác tràn be. Ngạn sửng sốt…Bây giờ nhìn rõ ràng, thằng Vầm sún mấy cái răng quá sớm. Hắn rung đùi bành bạch:

- Uống, ông thầy. Cực khóc lóc ai cho lon gạo. Ra là chỉ cười cho khoẻ. Cười chánh cống, nịnh nọt chi ai. Cũng nhờ cái vị thuốc Nam.

- Hồi tao ngủ…mơ. Mày có nghe khóc cười gì đó?

- Không rõ. Mà thôi đi, chuyện ông thầy cao siêu. Ai hiểu…

 

Bổng nhiên Ngạn phá ra cười hết sức sảng khoái:

- Ở đời dạy nhau. Tiếc tao dạy mày quá ít. Mày dạy tao hơi “bị nhiều”. Cứ như chuyện cái bài ngà đây là một. Còn nói cao siêu chó gì. Tự nhận tao là thằng dốt được chưa? Uống…

 

Hai thầy trò chạm cốc, cười to. Cười "chánh cống". Ngạn lại mở bàn tay ra ngó chăm chăm. Cái bài ngà đem làm vị thuốc Nam đã là đặc biệt không ngờ. Lại trị chứng khóc đêm quả lại càng kỳ bí. Anh mày mò:

- Khi uống…thuốc thì mùi vị gì. Ra sao?        

- Lào khào trong cuống cổ không có mùi vị. Cái lạ…Một lúc sau nổi lên nghe ò e, lùng thùng trong lỗ tai to lắm. Tợ đờn ca xướng hát vui vẻ đủ thứ. Con nít nằm trong nôi nín khóc mà nghe. Riết chẳng cần ru hò chi cũng ngủ êm khi mô không biết.  

 

Ngạn nín lặng nhìn mặt trăng tròn. Anh cầm mãi chiếc bài ngà trên hai tay rất trịnh trọng. Thằng Vầm hết hứng. Hắn đặt cốc rượu  xuống khoang đò, nhìn lơ mơ sông nước chung quanh.Im vắng. Tiếng lá trúc đâu đó rì rào trong gió, như gần như xa…Ánh nến lung lay hai cái bóng người tự nhiên không nói cười gì nữa. Một con cá nổi lên quẫy mạnh mạn đò chói sáng dưới màu trăng dát bạc. Ngạn chưa bao giờ thấy mặt sông mênh mông  như lúc này. Tự nhiên anh liên tưởng tới cuộc hội thảo trong mấy ngày vừa qua. Ngạn bất ngờ buột miệng:

- Đàn ca xướng hát thì quả là vị Tướng công lỗi lạc ấy.

 

Thằng Vầm đâu biết gì. Hắn chỉ kết thúc câu chuyện của mình:

- Hết khóc “Dạ đề” xóm vạn chài đều ưa. Ngủ ngáy mới được yên thắm cũng là nhờ cái công vật nớ. Còn của ông tướng ông trạng mô ai biết. Có mà hiện ra, gặp mặt quan chi thêm chuyện. Ông già có nói rõ “tránh voi chẳng xấu mặt nào” còn nhớ. Bài ngà nhà quan không lấy ra từ cái nanh voi rừng thì là ở mô? Voi là voi bài ngà trước ngực nhà quan. Là quyền to chức lớn nói…khéo đó. Còn voi thiệt, tận trên rú trên rừng có mô gặp hằng ngày? Cho nên, khi dùng xong phải cất ngay thiệt kín. Đừng thấy lạ dòm ngó. Có quý báu cũng không hay ho chi. Bởi mới nói bán chẳng có người mua, cho cũng không ai thèm lấy. Chuyện cái bài ngà nhà quan rứa thôi…Thằng em nói hết.

 

Thấy Ngạn vẫn ngơ ngẫn nhìn trăng, không trả lời. Hắn biết ông thầy có vẻ chú trọng vật đang cầm trên tay. Thằng Vầm nói thực:

- Biếu ông thầy kỷ niệm. Để mãi không dùng chi nữa.

- Của này là gia bảo truyền đời. Mày bị tội bất hiếu đó.

Thằng Vầm tỉnh bơ:

- Dạy “Không ai giàu ba họ.Chẳng ai khó ba đời” Thôi đi, là xưa rồi. Ngồi đó mà tin hà. Thằng…Vầm con, đời thứ tư cũng đã khá rành rọt gần in thằng…Vầm cha. Không khéo lặn cát sạn tới bốn đời ham chi nữa. Ông thầy ưa, lấy dùm đi. Để thằng cháu đích tôn thắp cây nhang cho ông nội được không.

 

Nói là làm. Hắn rút thẻ nhang vẫn kẹp ở liếp khoang, châm hết ngay vào ánh nến. Cắm chắc nịch vào mạn đò xong, hắn khấn vái rất to:

- Từ nay thằng cháu đích tôn “lên bờ” mần ăn. Dứt khoát là chủ bãi, không chịu đội rổ lặn xuống sông nữa. Là vì đã có đàn em lặn thay rồi. Ông nội chịu chưa? Hay là cứ trước răng sau rứa. Còn để lại cái vị thuốc Nam trừ khóc lóc chi nữa? Ông nội yên tâm…Là tốt.

Ngạn bửng lửng. Anh đăm chiêu nói :

- Mày chưa hiểu ý tao. Lấy làm gì? Đâu phải sợ mà bỏ qua lòng tốt của mày. Nếu tao đem đi rồi thì kỷ niệm có còn đâu? Vả lại, cứ mãi mãi ở đây thì mới thật đúng như tâm nguyện của người xưa. Mày có biết đâu. Linh vật này…

 

Thằng Vầm lắc đầu quầy quậy. Ngạn giải thích:

- Là tao muốn…Cái bài ngà này còn lại mãi với dòng sông. Đã bao nhiêu thời gian nằm “mắc cạn” trên khô? Từ đó mà thứ linh vật này đành bôi bùn, trét sáp luân lạc trong tay những kẻ như mày. Chừng ấy…Đủ rồi. Suốt ba thế hệ nối nhau lênh đênh trên sóng nước. Cơ vận ấy hạng như mày không thể hiểu được đâu. Yên tâm đi…Là tốt.

- Dài dòng chi thằng em khó hiểu. Tức là vất lại xuống sông quách…cho rồi. Đã nói, cho không ai thèm lấy.

- Không…Không phải vất đi mà là trả về. Trả về dòng sông lưu giữ nó. Khi còn trong dòng chảy núi sông, của báu mới trở thành linh vật. Nếu không - như mày thấy - chỉ để dành cho trẻ nít. Những âm thanh gì mày nghe từ thuở khóc trong nôi? Tại sao kỳ diệu. Khi mà ngay cả câu ru hò của mẹ vẫn không làm nguôi tiếng “Dạ đề”? Có phải đấy là thứ âm thanh “xướng ca vô loài” như người xưa miệt thị. Không. Đấy là đỉnh cao nghệ thuật một thời…

 

Nghệ thuật ấy - duy nhất - đi tới chỗ tận cùng của hạng trầm luân trong xã hội. Nơi tất cả nghệ thuật khác đều bỏ rơi và lảng tránh. Nghệ thuật ấy - sớm hơn hết -  biết quay về để đồng cảm và nâng đỡ con người đứng lên từ cát bụi…Cát bụi phận người…Ôi, Tướngcông và Nương tử. Ai tài hoa? Ai mệnh bạc? Ai cười và ai khóc? Không. Không…Không ai là mệnh bạc. Bởi đã là cát bụi thì bất kỳ màu sắc nào, với bất kỳ ai…Cũng không còn gì phân biệt. Lý bình đẳng tối cao và sau cùng tự nhiên đã vốn có nơi đây. Vâng, khi mà mọi người từ khước. Hai người ấy đi tìm và cùng hát mãi những lời ca. Bài hát ngợi ca bình đẳng.

 

Tướng công, ngoài tài hoa, tâm hồn và vốn liếng truân chuyên…Ông còn có một dũng lực mà thế nhân không đương nổi. Dũng lực dám bước qua những quy lệ đã ngàn năm…

 

Nương tử. Kẻ tài hoa phận bạc. Sự thường xuyên bất công từ mệnh vận. Những người mòn đời trong cát bụi trầm luân có phải sinh ra là đã góp phần hoàn thiện Tướng công kia? Ôi, những Hồng nhan tri kỷ của Tướng công…Sự kết hợp giữa lời ca và nước mắt. Đấy là những tài hoa ngoài rìa chiếu cuộc đời. Vì thế, mãi mãi họ vẫn còn vang bóng…Dù chỉ là  vang bóng vô danh.

 

Thằng Vầm có nằm mơ không? Khi ông thầy xoá mù chữ cho hắn năm nào đang nói những gì không thể nào hiểu nổi. Song biết phải làm gì khi ấy, hắn đứng dậy nghiêm trang chấp hai tay vào nhau như hồi đang làm lễ gia tiên. Thầy giáo Ngạn ngồi đó giữa khoang đò, hai bàn tay nén vào nhau run run đầy xúc cảm.

Xưa nay, nghề lặn cát sạn như thằng Vầm chẳng thèm biết sợ ai. Nay hắn nhìn dòng Hương giang như một bí ẩn lớn trong đời. Dòng sông mà trước đây khi bất hoặc nghe ai nhắc tới, hắn đều chế nhạo “Mùa nước lụt xuống đó mà thơ. Còn mộng à? Thằng Vầm cát sạn đây này…Nhô lên hụp xuống ba bốn đời chưa lặn ra cái mộng chi hết. Đừng có ai bày đặt rành

chuyện sông Hương hơn tao. Láo toét cả”.

 

Bây giờ thì hắn bắt đầu biết sợ. Một niềm kính sợ mông lung. Ông thầy giáo thì nghèo xơ, hết sức hiền lành. Dòng sông thân thiết và đã trở thành máu thịt đời hắn từ lâu…Một thể xác thứ hai. Còn ma quỷ?  “Vì răng không chịu hiện ra tao hỏi nhiều việc. Chê cực khổ à? Hay là ma với quỷ cũng lo đi tráo trở mần ăn. Khi sướng rồi…lơ tao luôn. Đồ đểu”. Thế thì hắn kính sợ cái gì? Cảm nhận…nhưng không thể gọi tên, hắn nghĩ chắc chắn hạng người như thầy Ngạn giảng giải khúc chiết được điều này.

- Thằng em dốt nát, không biết chi. Nghe hoài “như nước đổ lá môn” Có điều hình như…Ông thầy đang nói với chỗ mô đó oai linh to lớn lắm… Không phải để cho thằng vạn đò nghe. Có chi không trúng, phạm oai linh nớ ông thầy chỉ vẽ, bỏ qua.

- Đã bảo yên tâm. Mày có công là khác. Không phải nói với ma quỷ nào cả. Mà có ma quỷ thì cũng không khiến thằng như mày phải cung kính thế đâu. Là tao đang nói tới…Khí thiêng Sông Núi. Cái này thì chẳng cần chữ nghĩa. Có “cảm” được như mày. Là tốt.      

 

Với thằng Vầm như thế quá đủ. Sẽ khó lòng để nói về điều ấy. Bởi  cảm nhận qua tiềm thức vốn tồn tại  song không có cơ hội đích thực nào cho chính nó hiện thân như nguyên bản do dòng ý thức bên trên khi lý luận giải thích, diễn dịch - đã làm nơi môi giới thông qua. Có thể sẽ tồn tại vô số những “Bản dịch của ý thức”? Trong khi “Nguyên tác từ  tiềm  thức”  thì không bao giờ…nhiều hơn một. Ngoài “cảm” để nhận ra, làm thế nào giảng giải, định nghĩa đích thực về Khí thiêng Sông Núi???           

 

Ngạn trịnh trọng bằng cả hai tay….Từ từ nâng bài ngà lên và trước con mắt hết sức cung kính của thằng Vầm, anh buông tay ra giữa mặt nước. Tiếng động nhỏ, vật rơi xuống dòng sông. Liên tiếp hai cốc rượu làng Chuồn rưới xuống.

 

Hình ảnh con đò treo đèn lồng ngũ sắc cứ tưởng như chưa hề biến mất trước mặt anh. Tiếng cười…Lời ca của vị Tướng công và Nương tử…Bốn người lính lệ vai áo đẫm sương đêm. Vẫn dòng Hương giang bát ngát này và ánh trăng rằm dát bạc.

 

Ồ, nhiều nữa…Còn bao nhiêu ca từ và thi phú. Anh chỉ nhớ nổi hai câu, nhẩm lại một mình để lại thấy mênh mang đầy sương lan…khói toả :

-“Ngã vô truy Tước Lệnh chi bài  thế trung lạc khứ lưu giang vô tái ngộ…Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi"

 

Vâng, rõ ràng sanh phách cầm ca vẫn mơ hồ còn văng vẳng đâu đây. Đám mây bay qua. Mặt trăng rằm rạng rỡ như gương./.

 

(Vườn Đá, Thành nội Huế)

Trần Hạ Tháp
Số lần đọc: 3041
Ngày đăng: 21.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ký ức Trường Sơn - Huỳnh Văn Úc
Di chúc mùa xuân - Lê Vũ
Người đi tìm hồn - Lê Xuân Tiến
Tiếng đàn kìm - Nguyễn Minh Phúc
Hoài vọng - Văn Xương
Con báo - Nguyễn Khắc Phước
Những người đàn bà ở bến sông - Vũ Minh Nguyệt
Romeo của trần thế - Minh Thuỳ
Làm từ thiện - Hồ Việt Khuê
Năm mười mười lăm hai mươi! - Đỗ Thư
Cùng một tác giả
Thế trận linh xà (truyện ngắn)
Nghĩa động càn khôn (truyện ngắn)
Thời đại quạt mo (truyện ngắn)
Cầm thú truyền kỳ (truyện ngắn)
Tặc lưỡi (truyện ngắn)
Vechaibaođồngnát@mgsh (truyện ngắn)