Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
645
116.495.166
 
Audrey Hepburn , mỹ nhân
Hoàng Nguyên Nhuận

Tờ The Sydney Morning Herald ngày 06/12/06 loan tin là cái áo cũ Bà Audrey Hepburn mặc khi đóng phim Breakfast at Tiffany cách đây 45 năm được đem bán đấu giá gần 1 triệu đô.

 

Hy vọng người mua ẩn danh không phải là Laura Bush phu nhân. Bởi phong thái của Bà TT Bush chỉ có thể mặc những dạ phục y chang dạ phục của không chỉ một mà ba người cùng mặc như trong buổi dạ yến của Tòa Bạch Ốc vừa rồi. Phẩm tiên phải có tay tiên....

 

Dĩ nhiễn, sẵn tiền tội chi không chơi!? Nghe nói đôi giày hồng nạm ngọc của Judy Garland trong The Wizard of Oz đã có người chịu mua với giá 600.000 đô la. Nhưng ai mua? Chỉ lo một nỗi là cái áo của bà Hepburn rủi lọt vào tay những người hôm nay được phong là mỹ nhân, là hoa hậu nhiều đếm không hết và nhiều khi khiến người cả tin tự hỏi ban giám khảo chấm điểm hay mấy ông bà chủ bút khi cho chạy tin ấy có bị bệnh cận thị hay loạn thị không? Bởi ai cũng đẹp cả thì ma nào đẹp đây?! Cai đẹp bát nháo của dân chủ tự do đôi khi cũng ó cái kẹt dzậy đó. Laura Bush phu nhân vì ỷ y mình mặc bộ dạ vũ đỏ không ai có nên mới phải vội vàng ba chân bốn cẳng chạy về tư thất vứt bỏ cái của nợ và thế bằng cái áo đen tứ thời cho xong xhuyện là vì vậy đó.

 

Sau khi đọc tin của tờ SMH, tui loay hoay xem lại cái video ROMAN HOLIDAYS hay VACANCES ROMAINES của Audrey Hepburn đóng với Gregory Peck. Đây là một trong những video tủ của tui bên cạnh LA STRADA, DOLCE VITA, MOVIES PARADISIO hay DREAM và RAN ....

 

Và phải nhận Audrey mignonne thật. Sau Pier Angeli, bà là tượng trưng cho mỹ nhân, cho người đẹp trong mộng của cả những thế hệ hậu bán thập kỷ 50 và thập kỷ 60, bà có cái đẹp đài các, cái dẹp bình dị mà hiếm hoi. Ai cũng có thể có, nhưng không phải ai cũng có được.

 

Thật vậy, về thống kê nhân dáng chiều cao, trọng lượng và kích thước ba vòng ... ai cũng có thể như bà, hoặc hơn bà, nhưng không phải ai cũng đẹp như bà, không phải ai cũng có thể so sánh với bà. Audrey đẹp nhưng không dung tục, kiêu sa nhưng không kiêu kỳ hợm hĩnh như những cô người mẩu, đặt Audrey Hepburn bên cạnh Nicole Kidman, Cindy Crawford, Kylie Minogue hay Naomi Campbell thì rõ. Chưa kể một lô nữ hoàng sắc đẹp, siêu sao thời trang đứng cách mấy chục thước đã nồng nặc mùi silicone và cocaine, bia rượu hay nước hoa rẻ tiền cần quảng cáo.

 

Một người của thế hệ 2000 may ra có thể sánh với Audrey may ra là Zeta-Jones, nay là vợ của Michael Douglas, nhưng phải có những đạo diễn cừ khôi của roman holidays hay war and peace cho Zeta-Jones thi thố tài năng may ra.

 

Một người khác, may ra có thể đi theo bước chân của Audrey Hepburn là Chương Tử Di. Nếu tương lai Chương Tử Di không bị cuốn hút vào cái phong trào dân chủ hóa, dung tục hóa của kinh tế thị trường dân chủ, vốn chỉ làm cho ai cũng như ai như Laura Bush phu nhân trong buổi dạ yến nói trên mà thôi.

 

Ai cũng có thể bỏ ra 10 ngàn đô la để mặc một bộ dạ phục của VERSACE như bao nhiêu mỹ nhân đại tài tử trong các lễ trao giải Oscar hàng năm, nhưng không ai có thể làm cho bộ dạ phục của Givenchy năm 1961 trở thành bất tử như Audrey trong Beakfast at Tiffany, hay bộ y phục màu hồng cánh sen của Jacqueline Kennedy mà nhà Givenchy đã vẽ kiểu cho bà hôm TT Kennedy làm lễ đăng quang. Nhìn lại thực tế của S. Lopez thì rõ sự khác biệt của duyên ngầm, quyến rũ với strip-tease.

 

Đẹp là một tác phong- élégance est une attitude. Bất Hoặc tui nhớ đã đọc được cụm từ đó trong một quảng cáo nào có hình Audrey. Dù có thể bị mang tiếng là phản dân chủ, kỳ thị, nhưng tui phải nhận ý tưởng đó đúng trăm phần trăm. Cá mè một lứa thì còn nói chi đẹp với xấu!

 

Đẹp là hiếm, là độc nhất. Và đẹp đồng nghĩa với đẹp cho một người mà thôi, trong mắt của một người mà thôi. Bí nhiệm là chỗ đó, duyên kiếp là chỗ đó. Duyên nợ là chỗ đó.

 

Thi sĩ là người nhạy cảm với cái đẹp nhất, nhưng thơ, họa lại là cái ít nói về đẹp nhất. Những danh họa như Da Vinci, Michelangelo, Monet, Picasso...Văn Đen của VN thì hình như không biết đến người đẹp. Thái Tuấn, Vị Ý, Đinh Cường chỉ có những người đẹp hom hem bệnh hoạn, lành mạnh một chút là Kiều.. là hết cỡ! Bởi chính Nguyễn Du hình như cũng không dám nói Kiều đẹp như thế nào, đẹp ra sao! Tiếng Mỹ Nhân hay người đẹp đã được thơ văn dùng như cái mền, cái poncho trùm lên cho những người đàn bà đáng khen, cần khen... Ai cũng có chia một chút nhưng không ai hưởng trọn vẹn.

 

Các nhà thơ, nhà văn Việt có nói thì chỉ khen một cách vô thưởng vô phạt như: hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh, hay hoa nhường nguyệt thẹn! Nhưng khen thế thì ai mà chẳng chẳng khen được! Khốn nỗi, người được khen mới nghe vậy thì đã rụng rời, xếp giáp đầu hàng. Cho nên, nếu thi sĩ hay nghệ sĩ là người bất lực trước cái đẹp thì đàn bà là giống dễ bị tướt khí giới nhất trước lời khen đẹp như những con sư tử khuất phục trước tiếng roi của người luyện thú?

 

Mỗi lần nghe nói đến chuyện khen chê đẹp xấu là mỗi lần Bất Hoặc tui lại nhớ phim  Magnificent Seven. Trong phim có đoạn đám thảo khấu bị đám “seven samurai” của Yul Brynner phản công cho chạy có cờ, một tên thảo khấu thoát nạn cuỡi ngựa bỏ chạy đàng xa, James Coburn thấy thế đưa súng lên bắn cái đoàng! làm hắn nhào xuống ngựa chết tốt, dân làng vỗ tay hoan hô tài thiện xạ của James Coburn thì anh ta khoát tay lắc đầu: hay cái con khỉ! tớ nhắm con ngựa! Thì ra mục đích của James Coburn là bắn con ngựa bị thương bắt tên thảo khấu để khai thác tin tức về bọn cướp chứ đâu có ý giết hắn!

 

Đời có mấy người thành thật như James Coburn khi thấy rằng “nàng tiên cũng chỉ là một người” như Huy Cận nói hay không? Thi ca VN có những bài thơ thành thật đền rợn người như bài Tối Tân Hôn của Hàn Mặc Tử:

 

Khi cái gì thơm đã tới kề,

Tôi e tình tứ bớt say mê,

Không còn ý nhị ban đầu nữq,

Sẽ chán chường và sẽ chán chê.

[ Hàn Mặc Tử - Tối tân hôn]

 

Đọc mấy câu thơ của Hàn Mặc Tử ai mà không nhớ đến câu nói trắng trợn chết người của F. Sagan trong Aimez-vous Bhrams? On fume cà après! Hay bài Quanh Quẩn của Huy Cận:

Quanh quẩn mãi giữa vài ba dáng điệu,

 

Tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người,

Vì quá thân nên quá đỗi buồn cười.

Môi nhắc lại chỉ có ngần ấy chuyện.

 

Đời nhạt tẻ như tàu không đổi chuyến!

Đứng xem ngoài hay quay gót nhìn trong

Cũng thuộc rồi bàn ghế ở trong phòng,

Và trong đó: những hồn quen biết quá!

 

Đời nghèo thế không dành tôi chút lạ...

Đến ái ân cũng hết cả đợi chờ;

Và mỗi ngày sau những giấc ngủ trưa,

Mùng buông xuống không che sầu vũ trụ.

 

À! thế đấy chốn hàng ngày cư trú.

Ván bài đời may mắn chỉ ù suông.

Ôi tâm tư ngăn giữa bốn bờ tường,

Chờ gió mới nhưng cửa đều đóng kín.

[Huy Cận – Quanh Quẩn]         

 

Hàn Mặc Tử chết mà vẫn chưa biết mùi vị yêu thương, và Huy Cận thì giải hoặc yêu thương bằng cách đi theo những anh em mã thượng ham vui biến tình yêu một người thành yêu nhiều người...Cũng vui thôi!

 

Còn Hồ Dzếnh thì đấm ngực mà tự nhắc nhở đừng dại để ước mơ thành hiện thực:

 

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,

Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân.

Ngó trên tay thuốc lá cháy lui dần...

Tôi nói khẻ: gớm làm sao mà nhớ thế.

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé.   

 

Em tôi ơi, tình có nghĩa gì đâu,

Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?

Thuả ân ái mong manh hơn nắng lụa,

Hoa bướm ngập ngừng cỏ cây lần lữa,

Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi,

Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!

 

Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé,

Tôi sẽ trách, cố nhiên nhưng rất nhẹ;

Nếu trót đi, em hẵy gắng quay về,

Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề,

Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở

Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,

Cho nghìn sau...lờ lửng ...với nghìn xưa...

 [Hồ Dzếnh - Ngập Ngừng]

 

Có người sẽ vội trách Hồ Dzếnh: thằng cha hàng phở ngày mai ăn khỏi trả tiền, hoặc thời thượng hơn là phết cho Hồ Dzếnh mấy chữ: Thằng cha lại cái, hay gay! Nhưng trách như vậy là không thấy cái hiện thực mà Hồ Dzếnh muốn trốn chạy, và cái bí nhiệm của yêu thương trong câu nói của Hồ Dzếnh: làm sao mà nhớ thế.

 

Không nhớ thì không yêu, và khi không còn gì để nhớ thì tình yêu cũng hết. Hơn ai hết, Huy Cận đã biết rõ điều đó. Một trong những bản nhạc nói rõ tình yêu nhất có lẽ là bản Hoài Cảm của Cung Tiến: lòng cuồng điên vì nhớ, ôi đâu người, đâu ân tình cũ...Cung Tiến đã nói lên cái bí nhiệm của tình yêu, yêu là không, nhớ cũng là không, thất tình lục dục đều là không cả. Và năm cái không đã trộn lẫn vào nhau để làm nên đam mê và tình ái mà không hay! Huy Cận đã nghĩ vì quá quen nên người ta không nhớ nữa, không nhớ nên tưởng là không yêu nữa. Hãy nhắm mắt và tưởng tượng xem hôm qua hay tuần trước người yêu mình mặc áo màu gì, mái tóc chải ra sao... xem có được không thì biết! Tình yêu là nhớ, một tâm trạng trống rỗng không tên day dứt khiến người ta muốn khùng luôn. Phạm Duy hình như đã có lần nói lên được tâm trạng vắng một người là vắng cả không gian đó. Đọc bài Gọi Em của Nguyên Sa thì thấy rõ cái yêu vì nhớ muốn khùng luôn này nó ghê gớm đến mức nào:

 

Một buổi sáng thức dậy không thấy em,

Tôi ra cửa sổ gọi tên em rất to,

Những tiếng kêu thất thanh vang trên hè phố,

Tôi bảo rằng em phải về ngay,

Nếu em là gió, tôi sẽ là trăng,

Nếu em là trăng tôi sẽ là mây,

Nếu em là mặt trời thì suốt đời trên đường xích đạo

Tôi xin làm kiếp hướng dương... 

[Nguyên Sa - Gọi Em]

 

Nhân dáng và phong thái bí nhiệm của Audrey Hepburn đã biến bà thành thần tượng, làm cho bà trở thành người đẹp, thành khuôn thước của người tình muôn thuở của nhiều thế hệ. Cái không-có-gì-đặc biệt của bà trở thành cái đặc thù quý hiếm mà người đàn bà nào cũng ao ước có.

 

Cái hay cái lịch lãm hay sở trường của những tài hoa như Audrey Hepburn là biết làm cho cái tinh hoa, cái đẹp phát tiết ra ngoài một cách tự nhiên. Như cái tinh hoa của Mona Lisa phát tiết thành nụ cười của La Joconde.

 

Mấy bà mấy cô hình như không chịu ghi nhận cái bí quyết ấy cho nên đã phải rơi vào cảnh bẽ bàng như Laura Bush phu nhân như đã nói. Thấy thiên hạ mặc đẹp mặc sang là cứ nhắm mắt choàng vô mà quên rằng hòn than đá phải ở dưới đất cả triệu năm mới trở thành viên kim cương.       

 

Nếu Audrey Hepburn còn sống thì năm nay bà cũng đã ngoài 70, bà sinh năm 1929 và có thể bà là khách hàng thường xuyên của các thẩm mỹ viện. Cái hiến hoi và độc đáo của bà có thể vì đó mà mất đi, và Audrey sẽ không còn là Audrey của Vacances Romaines nữa...Cũng mừng cho bà bởi cái định lệ của mỹ nhân, của người đẹp là vắn số, “không bao giờ chịu hứa để cho thiên hạ thấy mình đầu bạc...như một câu thơ Tàu đã ghi.

 

Bất Hoặc tui có thằng bạn rất thích lặp lai câu này: Elle n’est pas bellle, elle est mignonne. Cô ấy không đẹp, cô ấy chỉ xinh thôi. Hay, cô ấy không đẹp nhưng rất ưa nhìn, rất bắt mắt! Bất Hoặc tui thì rất thích câu tiếng Pháp không biết là của ai khi trả lời yêu là gì: Parce que je suis tien, parce qu’elle est mienne. Tôi yêu nàng vì tôi là của nàng, vì nàng là của tôi. Nghĩa là, yêu vì tới số! vì chạy trời không khỏi nắng!

 

Thiên hạ tự cổ chí kim hình như chỉ có ông Phật là không chịu dễ dàng đầu hàng như vậy hay còn ai nữa? 

 

Hoàng Nguyên Nhuận
Số lần đọc: 2332
Ngày đăng: 24.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Vỹ - Nhân chứng của một thời - Lê Ngọc Trác
Đào Duy Từ chăn trâu : Một tài năng hai thân phận - Trần Hạ Tháp
Nỗi thống khổ của Edgar Allan Poe - Võ Công Liêm
Danh thần Trương Đăng Quế : Một tâm hồn thơ nặng lòng với quê hương - Lê Ngọc Trác
Nhớ Thầy Cung Giũ Nguyên - Nguyễn Thành Thống
Một thời đã qua của Simone de Beauvoir - Võ Công Liêm
40 năm ấy … - Nguyễn Khắc Phê
Tấm lòng của Nhất Đại Thi Ông - Lê Ngọc Trác
Thử nhận diện: Chân Dung Nhà Văn - 02 - Lê Xuân Quang
Nhớ về người cha là thi sĩ - Lâm Bích Thủy
Cùng một tác giả