Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
596
116.537.927
 
Chết nơi đất khách
Ngô Kế Tựu

Cái chết của lão Xuyên được các bác sĩ của bệnh viện John Peter Smith báo cho các vị chức sắc trong nhà thờ trước mấy ngày khi thấy tình hình không còn cứu vãn được nữa. Có lẽ, nên giải thoát cho lão ra đi nhanh hơn bằng cách rút ống thở. Lão nằm trên giường bất động, khuôn mặt trắng bệch, nhăn nhúm trong chiếc mặt nạ tiếp ô-xy, và y tá cũng đã chích vào bắp thịt teo tóp của lão một mũi thuốc trợ sức cuối cùng hy vọng lão có thể gom chút tàn hơi nói vài lời trăn trối với những người quen biết đang vây quanh. Mặt nạ được tháo ra, môi lão mấp máy nhưng tuyệt nhiên không còn đủ hơi bật ra thành lời, dù chỉ một lời cuối cùng. Mọi người ra về sau khi lấy thông tin về nhà quàn nơi sẽ tiếp nhận xác lão và làm mọi thủ tục tẩn liệm. Ngoài trời se sắt lạnh, gió nổi lên từng chập báo hiệu mùa đông đến, gió thổi ào ào tuốt sạch những chiếc lá nâu sẫm cuối thu còn sót lại trên hàng cây dọc theo dãy tường bệnh viện bay lã tã, rồi cuốn đi rạt rào trên mặt đường xi măng xám ngoét.

 

Năm một chín chín tư, lão đến Mỹ một mình theo diện H.O. Nghe đâu lão là đại tá làm việc ở tổng kho Long Bình. Cái kho hậu cần của Mỹ lớn nhất thời chiến tranh trước năm 1975, được các ông sĩ quan đi tị nạn sang đây cho là mỏ vàng mỏ bạc. Ông nào làm ở đó thì cũng giàu sụ, không chấm cái này cũng mút cái kia. Thế nhưng, lão Xuyên lại không có trong tay một miếng vàng hay cục bạc nào cả. Lão đến Mỹ với cái va li quần áo và hai bàn trắng tay, nhờ tuổi trên 65 nên được hưởng tiền già. Lão xin được một căn hộ chung cư tầng hai của chính phủ trợ giá. Không có xe, đi học tiếng Anh, đi chợ hay đi đâu đó trong thành phố lão đều sử dụng xe buýt. Nhờ rành về hệ thống di chuyển công cộng nên lão xin làm tình nguyện viên cho cơ quan nơi tôi đang làm việc. Công việc của lão là giúp người tị nạn mới sang hiểu biết cách thức đi lại bằng xe buýt khi chưa có điều kiện sắm xe riêng. Tôi không thân với lão lắm do tuổi tác lão đáng bậc cha chú. Lúc lão huy hoàng tung hoành ngang dọc thì tôi chỉ là một thằng nhóc con không hiểu biết gì thế sự. Chính điều đó tôi cũng khó nói chuyện với lão hay nghe lão tâm sự những chuyện riêng tư, buồn vui được sang sống ở xứ Mỹ này. Mà lão cũng là người kiệm lời, ít khi nào chuyện vãn lâu với một ai, chỉ nói những gì cần nói trong những sinh hoạt của cơ quan. Có lần lão ghé qua phòng làm việc của tôi, giọng cầu khẩn: “Nghe anh ngày mốt về Việt Nam, anh có thể làm ơn giúp tôi mang về gói quà nhỏ này. Có số điện thoại và tên người nhận, anh chỉ cần gọi điện cho bà ấy đến lấy là được.”

 

Nhìn gói giấy nhỏ, lướt qua hàng chữ bút bi bay bướm ghi rõ tên, số điện thoại, và có cả địa chỉ nữa, quận Bình Thạnh. Tôi nói: “Từ chỗ cháu sang đấy không xa là bao, để cháu mang đến nhà cho, không sao đâu.” Lão đáp: “Ậy, anh cứ gọi điện thoại, bà ấy sẽ đến nhận, khỏi phải phiền anh mất thì giờ. Không có gì đáng giá đâu, chỉ là lố dầu xanh con ó và một lá thư. Nếu bà ấy có gởi gì qua cho tôi thì anh đừng nhận, tôi có viết rõ trong thư mọi điều.”

 

Nghe lão dịu dàng mở miệng một bà ấy… hai bà ấy khiến tôi bắt cười. Người quen nào mà nghe giọng nói của lão có vẻ thân thiết như người trong nhà? Hình như lão hiểu được ý tôi nên giải thích: “Bà ấy là bạn tinh thần của tôi. Bà nhà tôi mất cách nay lâu rồi, con cái đã có gia đình hết cả. Tôi sống cu ki một mình, cũng nhờ bà ấy lui tới chăm sóc mà tôi còn có thể bước sang được bên đây. Hồi học cải tạo về, không nghề ngỗng biết làm gì ăn, cứ bán đồ nhà ăn dần...”

 

Lần đầu tiên tôi mới có dịp tiếp xúc với lão lâu như vậy. Lão bắt đầu cởi mở, nói chuyện nhiều hơn và hỏi tôi về thủ tục bảo lãnh bà ấy theo diện vị hôn thê hay là vợ chồng, diện nào tiện hơn. Tôi giải thích: “Diện nào cũng được, dù gì chú cũng phải về Việt Nam tiến hành thủ tục dạm hỏi hay cưới xin, có giấy tờ rõ ràng thì mới tiến hành làm đơn bảo lãnh được. Chú vô quốc tịch rồi, thời gian bảo lãnh cũng nhanh thôi.” Lão lại hỏi: “Tôi không về có làm giấy tờ được không, mà về liệu có bị làm khó dễ gì không? Tôi muốn đưa bà ấy sang đây để có người hủ hỷ tuổi già, sống một mình bên đây buồn thảm lắm, lỡ có đau yếu bệnh hoạn còn có người đỡ đần chăm sóc…”

 

*

 

Cuộc sống cô độc ở xứ người quả thật là buồn tẻ, vô vị và chán phèo! May là lão còn khoẻ mạnh, tình nguyện tham gia công tác xã hội cho đỡ buồn chứ lãnh tiền trợ cấp, ăn không ngồi rồi trong bốn bức tường như bị giam lỏng chắc sẽ dồn lão đến chứng trầm uất hay bị khủng hoảng tâm thần mất. Nhiều ông cụ sang đây một thân một mình không chịu nổi cảnh lầm lủi cô quạnh, quá một năm đã bỏ tất cả quay về. Cũng có người nán lại kiếm thêm ít tiền già, loay hoay vật vờ với cuộc sống thấy thật thảm thương, rồi có người đâm ra tưng tửng, có người lầm lì ít nói, lơ ngơ như một cái bóng thừa thải và vô dụng. Già rồi thì dễ bệnh hoạn hoặc những căn bệnh tìm ẩn trong cơ thể đợi đến lúc sức tàn lực kiệt nó mới hiện ra khiến những người già cô đơn ở xứ người luôn khiếp sợ. Ai cũng nói sinh-lão-bệnh-tử là quy luật tất yếu của cuộc đời, cớ gì phải sợ. Nhưng động đến đến chữ tử thì ai cũng… rét! Thỉnh thoảng cứ vài ba tháng lại có một người già về với ông bà. Người thì bị ung thư phổi, người thì bị ung thư gan. Bệnh nhân đưa vô bệnh viện, nghe bác sĩ phán: một là để lại bệnh viện, hai là ông ấy ăn được gì thì cứ cho ăn, cuộc sống của ông chỉ còn… ba tháng, sáu tháng là hết. Mà bác sĩ nói đúng chóc mới chết chứ! Ai lai không sợ khi biết thần chết cứ đứng chờ ngoài cửa? Do đó, người già thường suy nghĩ hoang mang, cộng thêm cuộc sống nơi đất khách lúc nào cũng làm người ta căng ra như sợi dây đàn sắp đứt khiến họ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề, dẫn đến chứng đứt mạch máu não, suy tim, đột quỵ bất ngờ. Và lão Xuyên cũng không thoát khỏi tình trạng đó.

 

Một ngày vào buổi chiều hè nóng hầm hập, lão đi lễ nhà thờ về đến nhà một cách mệt nhọc, thở khò khè, mặt đỏ bừng vì sức nóng bốc lên đầu. Lão đang nấu cơm, bỗng lăn đùng xuống sàn. Lão không thể gọi ai để cầu cứu, mãi đến quá sáu giờ chiều, trời đã chập chạng mà đèn phòng lão vẫn chưa bật sáng. Bà cụ Rosa, láng giềng người Mỹ nhà ở đối diện khu chung cư cách nhau con đường để ý ghé sang, thấy lão nằm bất động trên sàn, vội gọi xe cấp cứu. Bà Rosa xấp xỉ bảy mươi, chồng chết, con cái sống riêng, bà sống một mình trong căn nhà nhỏ. Chồng bà trước đây cũng là lính thủy đánh bộ tham gia chiến tranh Việt Nam, cám cảnh lão Xuyên sống thui thủi một mình nơi đất khách quê người nên thỉnh thoảng bà nấu một món gì đó mang qua biếu lão, trò chuyện để lão đỡ cảm thấy quạnh hiu.

 

Lão còn may mắn, chưa tận số! Lão nằm bệnh viện hơn tháng, miệng ú ớ không nói thành lời chỉ ra hiệu bằng vài cử chỉ: lắc đầu, gật đầu hoặc nặng nhọc phát âm vài chữ khó hiểu. Lão về nhà nằm điều dưỡng, mỗi ngày có hộ lý và y tá đến chăm sóc và tập cho lão đi đứng bằng ghế nạn bốn chân. Lão gầy xộp đi hẳn và nét mặt lúc nào cũng cau có vì muốn nói điều gì mà không nói ra được trọn vẹn. Một vài người quen biết thương cảm giúp đỡ bằng cách nấu ăn mang đến cho lão. Nhưng cũng không được bao lâu. Những món ăn rồi cũng thưa dần, lão tự xoay sở không cần ai giúp nữa. Người ta không hiểu, trách lão già bệnh tật mà còn chảnh chẹ. Lão chê canh lạc, cá mặn! Mặt lão lúc nào cũng quào quạo, khó chịu. Có lẽ, lão không muốn ai thương hại mình, bây giờ lão chỉ còn một thân xác tật nguyền suốt ngày loanh quanh với chiếc ghế kéo rê trên nền nhà chậm chạp. Hoặc cũng có lẽ cơn đột quỵ bỗng dưng ập đến cướp đi ước mong nhỏ nhoi của lão, giật đi niềm hy vọng mong manh cuối cùng của tuổi già  lão không người thân kề cạnh, trong khi lão muốn vẫn còn khoẻ mạnh để giữ lời hứa bảo lãnh “bà ấy” sang đây. Nhưng giờ mọi thứ đã tan thành mây khói, lão cảm thấy thất vọng vô cùng.

 

Nhưng lão lại không tuyệt vọng. Hơn lúc nào hết, lão đặt hết cuộc đời còn lại của mình vào đức tin bằng cách mỗi ngày quỳ gối, giang hai tay cầu nguyện trước tượng thánh, lão cầu xin Jesus cứu rỗi linh hồn và thân xác của lão thoát khỏi kiếp đọa đày. Tuy nhiên, có một điều đáng khâm phục là lòng tự trọng và ý chí kiên cường của lão với chiếc ghế tập đi trong suốt năm năm trời dài dẵng và lão cũng không cần xin xe lăn điện để dễ dàng đi tới đi lui. Lão nghĩ ngồi lên chiếc xe lăn là xem như cuộc đời mình chấm hết, một phế nhân không hơn không kém. Lão đã tập nói được mặc dù những câu chữ cứ ngắt quãng từng đoạn rời rạc khiến người nghe phải dỏng tai lên mới hiểu. Mỗi lần đi lễ nhà thờ hay đi tái khám, lão lần mò một tay vịn thành cầu thang, một tay kéo theo chiếc ghế, lê từng bước xuống hay lúc trở về nhấc bước từng bước lên khó nhọc mà không cần một ai giúp đỡ. Lòng kiên trì của lão quả là quá sức tưởng tượng ngay cả đối với người bình thường. Vài người đồng hương sống cùng chung cư ái ngại mỗi lần nhìn thấy lão lên xuống cầu thang là thót tim lên, nín thở theo dõi, sợ không khéo lại ngã xuống toi mạng. Nhiều lần họ khuyên lão nên chuyển xuống tầng trệt ở cho tiện việc ra vô nhưng lão bướng bỉnh bảo lên xuống cầu thang cũng là một cách tập luyện cho đôi chân có thể đi được nên lão không chịu dời xuống. Ngay cả đi khám bệnh lão không cần gọi xe của bệnh viện đến chở, lão chậm chạp nhấc từng bước như đứa trẻ chập chững tập đi với chiếc ghế rề rà ra đến bến xe buýt ngoài lộ cái, lên xe và trở về nhà một cách an toàn. Lòng tin và sự kiên trì đấu tranh khắc phục bệnh tật của lão lại càng tăng lên, khi chính lão cũng không ngờ rằng lá gan của lão đang bộc phát ung thư. Trong một lần khám gần nhất, bác sĩ đã cho lão biết kết quả. Lão đón nhận chuyện này một cách bình thản khi nghe bác sĩ giải thích về sức khoẻ của lão trong tình trạng như thế này không thể chịu nổi những cuộc giải phẫu, lão còn có thể sống thêm được đến khoảng một, hai năm nữa hoặc lâu hơn nữa không chừng!

 

*

 

Vào một buổi sáng đầu thu, bầu trời đẹp lạ kỳ một màu xanh trong veo. Bầu trời dường như vút cao hơn làm rộng thêm không gian khu chung cư vắng lặng khiến lão cảm thấy tâm hồn khoang khoái. Lão mở cửa bước ra đứng ngoài ban công hóng mát thì đúng lúc bà Rosa láng giềng cũng vừa ghé thăm. Gió tốc từng chập, bỗng đổi chiều, quét ngang khu chung cư, thổi bật chiếc nón lưỡi trai lão thường đội trên đầu. Như một phản xạ tự nhiên, nhanh như chớp, lão buông chiếc ghế nạn, đưa tay bắt giữ chiếc kết nhanh đến nổi làm bà Rosa trố mắt ngạc nhiên: “Không ngờ ông lại xử trí nhanh nhẹn như một người bình thường! Không, còn hơn cả người bình thường nữa!”, bà Rosa chậm bước lên cầu thang tươi cười nói với lão bằng ngữ điệu thán phục. “Cảm ơn bà!”, lão đáp và vẻ mặt không giấu niềm tự hào với hai cánh mũi phập phồng như chàng trai trẻ nhận được lời khen tặng của một cô gái kiều diễm. “Tôi được huấn luyện từ lúc còn là lính chiến, mỗi hành động khi ra tay đều phải nhanh và dứt khoát, thói quen đó đã ăn sâu vào tôi nhưng nay thì bà thấy rồi đó, bây giờ tôi chỉ là một kẻ tàn phế vô dụng!”. “Thôi nào, tuổi già không chừa một ai cả! Thấy ông còn khoẻ ngày nào là tôi mừng cho ông ngày đó. Nhưng tôi rất cảm phục lòng kiên cường của ông lắm đấy! Tôi nói thật lòng đấy ông Xuyên ạ”. Hai người cẩn trọng bước vào nhà.

 

Vẫn như mọi khi ghé thăm, bà Rosa lần này nấu món súp đậu với thịt bò mà lão thích ăn. Lão bảo “Món súp trông ngon lắm, lát nữa tôi sẽ ăn. Cảm ơn bà! Bà tốt với tôi quá!”. Lão nhìn bà Rosa với ánh mắt buồn bã và dường như muốn nói điều gì, nhưng lão lại ngập ngừng ê a lời nói trong cổ họng. Bà Rosa tinh y: “Sao thế ông Xuyên. Ông định nói điều gì với tôi có phải không?”

 

Lão đứng dậy không cần dùng ghế nạn, xoay người về phiá sau, hai tay vịn thành bếp, đi vài bước đến chiếc bàn ăn bằng fornica kê sát ngay cửa sổ nhìn xuống phố. Lão khó nhọc quỳ xuống khiến bà Rosa càng đâm ra khó hiểu. Lão đưa tay rờ dưới mặt bàn ăn, rồi chậm rãi dùng móng tay cạy miếng băng keo to bản lấy ra một gói gì đó bọc cẩn thận gói trong chiếc bao ny-lon. Tay lão vịn bậu cửa, lấy sức đứng dậy, trở về ngồi đối diện với bà Rosa trong chiếc ghế bành sờn cũ.

 

Bà Rosa lại tiếp tục trố mắt ngạc nhiên khi thấy gói ny-lon phẳng phiu ông cầm trên tay và cuối cùng hiểu ra chắc hẳn đó một món đồ quan trọng nhưng chỗ lão cất giữ rất đơn giản và rất an toàn, khó ai mà phát hiện được. Không đợi bà Rosa hỏi, lão lên tiếng: “Bà Rosa ạ! Tôi được may mắn quen biết bà và bà đã dành cho tôi nhiều tình cảm chân thành khiến tôi được không thể giấu giếm bà được. Thú thật, tôi không biết ngày nào được Chúa gọi về nhưng tôi biết ngày đó sắp đến rồi, bà ạ. Tôi nghĩ đó là một sự giải thoát đúng lúc và tôi mong bà hãy nhận lời thỉnh cầu cuối cùng của tôi. Lời thỉnh cầu của một kẻ bệnh tật sống ly hương cô độc không có họ hàng bà con thân thuộc ở nước Mỹ này. Tôi chỉ có mỗi mình bà là một người bạn già thông cảm được hoàn cảnh của tôi, chăm lo cho tôi trong những ngày tối tăm nhất của cuộc đời tôi. Tôi mang ơn bà hết sức…” Không đợi lão nói hết, bà Rosa ngắt lời: “Ông làm tôi sốt ruột quá, có chuyện gì quan trọng mà thỉnh với cầu đây, ông Xuyên? Ông nói ra ngay đi, tôi liệu giúp được gì cho ông thì tôi sẽ làm ngay.” Lão chậm rãi mở gói ny-lon, rồi mở lớp giấy bên trong, một xấp tiền giấy đôla tờ một trăm hiện ra, làm bà Rosa thốt lên: “Ôi, lại Chúa! Tiền mặt mà ông dám cất ở trong nhà không sợ kẻ xấu đột nhập cướp đi sao? Ông ỷ y quá ông Xuyên à, chỉ cần bọn chúng biết trong nhà ông có vài trăm đô thậm chí vài chục đô khi túng quẩn bọn chúng bất kể làm liều. Tiền mất không kể làm gì, nhưng cái mạng mà ông đấu tranh giành giật mấy năm nay mới là quan trọng.”. “Tôi biết, bây giờ mạng sống của tôi không còn quan trọng nữa, đây là số tiền tôi dành dụm trong suốt mười lăm năm trời để lo hậu sự cho tôi. Tôi xin bà giữ giùm, tôi không có ai thân thuộc ở đây, tôi tin bà, bà Rosa ạ. Bà hãy vì tôi mà nhận số tiền này. Chúa sẽ mang phước lành đến cho bà!”.

 

Bà Rosa ngồi im, chưa biết xử trí ra sao vì chuyện xảy ra quá đột ngột. Nhưng sau khi nghĩ suy bà thấy nguyện vọng của ông xuyên là đúng đắn, chu đáo chuẩn bị mọi điều cho chuyện hậu sự cho chính mình. Bà càng cảm thấy khâm phục ông hơn bao giờ hết. Nhưng tại sao ông ấy lại tin mình đến mức như vậy? Còn những người đồng hương quen biết sống trong chung cư với ông kia mà. Lão Xuyên cắt đứt dòng suy nghĩ đang chạy trong đầu bà: “Mong bà nhận lời cho! Thú thật bà, tôi bị ung thư gan đến thời kỳ cuối rồi, có lẽ tôi còn sống được ba bốn tháng nữa thôi rồi sẽ vĩnh biệt thế giới này, vĩnh biệt những người tôi trân quí, trong đó có bà đó, bà Rosa.”

 

*

 

Một lần nữa, chính bà Rosa gọi xe cấp cứu đưa lão vào bệnh viện và báo tin này với những người đồng hương sống trong khu chung cư  cùng các vị trong nhà thờ nơi lão thường đi lễ. Tình hình thật nguy cập đến tính mạng của lão. Lão nằm viện hơn mười ngày qua trong tình trạng thoi thóp và không còn nói được điều gì. Những người quen biết cùng bà Rosa quyết định mở cửa phòng lão lục tung hết các sách vở, sổ tay hay một mảnh giấy nào có trong nhà để tìm kiếm địa chỉ thân nhân của lão báo tin. Không tìm thấy gì ngoài một số điện thoại lạ sau khi kiểm tra biết đó là mã số vùng ở Úc. Người ta gọi cầu may gặp đúng ngay người con gái lớn của lão.

 

Lão im lặng đón nhận cái chết mà không một lời để lại với bất kỳ ai, ngoại trừ bà Rosa. Lão giống như con sói bị dồn vào đường cùng và biết mình phải chết dưới lưỡi dao chí mạng của gã thợ săn mà Alfred de Vigny diễn tả trong bài thơ “La mort du loup” (Cái chết của con chó sói): ... Seul le silence est grand; tout le reste est gaiblesse... Tạm dịch ... Chỉ có im lặng là cao cả, những gì khác còn lại là sự yếu hèn... Lão chết không cần ai tiết thương cho một số phận lạc loài.

 

Ngày động quan, người con gái và đứa cháu ngoại kịp bay sang tiễn đưa ông đến sân ga cuối cùng của một đời người. Và cũng trong ngày này, con gái lão nhận được số tiền hậu sự mười ngàn đôla từ tay bà Rosa trao lại trước sự ngạc nhiên của những người đến đưa tang. Nhà thờ nơi lão đi lễ đã quyên góp lo liệu mọi phí tổn mai táng và chôn cất. Còn con gái của lão hôm sau trở về nước Úc với số tiền gia tài thừa kế, để lão nằm lại quạnh quẽ một mình nơi đất khách./.

Ngô Kế Tựu
Số lần đọc: 2599
Ngày đăng: 29.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhan sắc mùa xuân - Nguyễn Minh Phúc
Sông Phố - Khải Nguyên
Mùa xuân rồi sẽ đến - Mang Viên Long
Hoàng hôn của cha. - Vũ Minh Nguyệt
Ông thầy dưới chân núi Mây - Nguyễn Minh Phúc
Đông chí - Trương Thái Du
Hắc đại bàng - Hoàng Nhật Tuyên
Chiếc bài ngà phiêu lãng - Trần Hạ Tháp
Ký ức Trường Sơn - Huỳnh Văn Úc
Di chúc mùa xuân - Lê Vũ