Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
488
115.984.897
 
Ba điều ước
Huỳnh Văn Úc

Tôi là một sinh viên nghèo tỉnh lẻ. Kỳ thi vừa qua, lượng sức mình, tôi nộp đơn thi vào Đại học Thuỷ lợi ngành Công nghệ thông tin, nhưng dù cho trước khi đi thi mẹ tôi có thắp hương khấn vái cầu xin thế nào cho đứa con trai út thì tôi cũng không đủ điểm để đỗ vào ngành mà mình chọn, cả ba môn thi tôi được chẵn 16 điểm, đủ điểm đỗ vào trường nhưng thiếu điểm vào ngành, vì vậy theo sự sắp xếp của nhà trường, tôi vào học ở Khoa Năng lượng ngành Kỹ thuật điện.

 

Quê tôi ở ven thị trấn Gia Lộc tỉnh Hải Dương, một vùng thuần nông không có nghề phụ. Những lúc nông nhàn người quê tôi kéo nhau lên Hà Nội làm nghề bán chiếu rong và nhặt rác, ngoài hai nghề ấy ra không biết làm gì hơn ở nơi phồn hoa đô thị. Suất ruộng ở quê mẹ tôi giao cho vợ chồng người anh cả trông nom, bà lên Hà Nội bán chiếu rong một thời gian rồi sau đó đi nhặt rác từ hồi tôi còn học Trung học phổ thông, tiền ăn tiền học của tôi trông vào những tờ bạc thấm đẫm mồ hôi của bà lão đã năm mươi lăm tuổi tháng tháng theo chân người quen từ Hà Nội gửi về. Tôi cầm tiền của mẹ mà thấy tay mình nặng trịch, lòng tôi xót xa thương mẹ, tôi chỉ ước ao làm sao mẹ tôi không phải lăn lộn kiếm tiền nuôi tôi; mỗi lần cầm tiền của mẹ nước mắt tôi không khỏi rưng rưng. Tôi ước ao nhiều đến nỗi một đêm tôi nằm mơ thấy mình đi kiếm củi trên núi-tôi mơ vậy thôi, quê tôi làm gì có núi-có con chồn đang đánh nhau với con rắn, tôi nhặt cái que đánh đuổi con chồn để cứu con rắn, và để trả ơn con rắn cho tôi ba điều ước. Thức dậy tôi tự chế nhạo rồi lại  bênh vực mình: Ôi! Mơ và những giấc mơ. Trên đời này có phải chỉ có ta mơ thôi đâu? Cả nhân loại đều mơ đấy chứ! Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng " all men are created equal...", chân lý ấy được khẳng định hùng hồn trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1791 : "  Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi...". Những bản tuyên ngôn bất hủ ấy đã truyền cảm hứng cho biết bao nhiêu cuộc cách mạng sau đó, và giấc mơ bình đẳng của nhân loại có lẽ cho đến ngày nay và mãi mãi về sau chưa bao giờ chấm dứt. Vậy thì tôi có mộng mị đôi chút cũng có sao đâu, hơn thế nữa nếu chịu khó đọc bài này cho đến hết, bạn sẽ thấy điều ước thứ nhất của tôi trở thành sự thật một cách diệu kỳ như thế nào.

 

Nhận giấy báo đỗ đại học, tôi lên Hà Nội ở trọ cùng chỗ với mẹ tôi, sắm một chiếc xe đạp để đến trường. Căn phòng mẹ con tôi trọ ở bãi Phúc Xá rộng chừng 20 mét vuông, lợp ngói xi măng, đã có bảy người ở-ba người nhặt rác, bốn người bán chiếu; người nhặt rác đêm đi làm, ngày ngủ, ngược lại người bán chiếu đêm ngủ, ngày đi làm-tôi là người thứ tám. Tám người, tám miếng dát gường kê trên nền nhà, lúc ngủ trải thêm chiếc chiếu cá nhân, ai thích thì có mấy hàng dây thép căng sẵn, có thể mắc màn, còn nếu đã quen dãi dầu thì tặc lưỡi cho qua. Tôi cũng không mấy quan tâm điều kiện ăn ở vì hầu như suốt ngày tôi ở trường, mười nghìn ăn suất cơm trưa ở căng tin nhà trường rồi chui vào phòng đọc của thư viện, lắm hôm ngồi ngủ gật buổi trưa ở đó. Đại học Thuỷ lợi đào tạo theo tín chỉ nên tuỳ theo số tín chỉ mà sinh viên đăng ký, thời khoá biểu có những hôm rất ít giờ học, chỉ có 2 tiết lên lớp hoặc thảo luận nhóm. Vào những hôm như thế, tôi đăng ký giờ ở Phòng Máy tính để cày các bài tập của môn học Lập trình bằng ngôn ngữ C++; ngược lại có ngày học rất căng đến 9 tiết, từ 7 giờ sáng đến sáu giờ rưỡi chiều, nhưng dù ít hay nhiều tiết tôi vẫn có mặt ở trường lúc 7 giờ sáng và ra về lúc sáu giờ rưỡi chiều.

 

Những ngày áp Tết là lúc mà dân đi bới rác làm việc nhiều hơn ngày thường-giáp Tết rác nhiều, nhà ai cũng tranh thủ sửa sang dọn dẹp, cái gì không cần nữa thì vứt bớt đi cho gọn nhà-vì vậy năm nào cũng đến 30 Tết mẹ tôi mới trở về quê. Tôi được nghỉ Tết từ 22 tháng Chạp, nhân dịp một người nhặt rác có việc phải về quê sớm tôi mượn đồ lề và thẻ của người ấy đi theo mẹ tôi để làm người nhặt rác trong mấy hôm, được đồng nào thì được, vả lại mẹ tôi cũng không phản đối.

 

Sau khi ăn cơm tối, tôi và mẹ tôi khoác chiếc áo bảo hộ màu xanh lên người, vắt lên vai cái bao tải, một tay cầm chiếc cào hai răng, tay còn lại xách cái đèn rọi đón xe buýt lên Nam Thăng Long rồi từ đó đổi xe lên Sóc Sơn, khoảng gần 9 giờ tối thì đến nơi rồi từ đó đi bộ đến bãi rác Nam Sơn ngồi vạ ngồi vật chờ cho đến gần 3 giờ sáng bãi rác bắt đầu mở cửa. Gió mùa đông bắc như những con ngựa hoang mang theo mùi rác nồng nặc thỉnh thoảng qua lớp vải khẩu trang xộc vào mũi, người bảo vệ đứng trên chòi gác nhìn xuống ngót bảy tám trăm con người tay bao, tay cào, đèn rọi đội trên đầu đứng đợi trước cổng  dưới ánh điện vàng ệch. Cảnh tượng trông hùng tráng chẳng khác mấy một đại cảnh công thành của đoàn quân khởi nghĩa mà tôi đã một lần được xem trong phim, mọi người đang chờ cái phẩy tay của anh bảo vệ là nhất loạt chen nhau qua cánh cổng sắt ào vào các máng rác.

 

Xe rác đưa về Nam Sơn đi qua cầu cân điện tử để xác định trọng lượng, đổ vào các máng,  từ đó rác được xe ủi san đều, đổ chất phân huỷ EM lên trên rồi sau đó dùng xe xích chuyên dụng 30 tấn đầm và nén, cuối cùng phun thuốc diệt ruồi lên trên bề mặt.  Khu vực mọi người bới rác là các máng chứa rác mới tập kết chưa qua xử lý, mỗi ngày hơn 300 chuyến xe từ Hà Nội về, mỗi xe chở xấp xỉ 7 tấn.

 

Tay tôi cầm chiếc cào hai răng bới rác mà chưa biết nhặt gì. Nhặt gì ư? Thì nhặt tất cả những gì có thể nhặt được: ni lông, hộp xốp, vỏ thùng các tông, săm lốp cũ, bao tải...thỉnh thoảng có người bới được chó chết, mèo chết. Có một lần người bới rác cào được một cái bọc vuông vuông bằng vỏ chăn, khi mở ra xây xẩm mặt mày vì bên trong là một hài nhi sinh non bị người đời chối bỏ. Chung quanh tôi tiếng cào bới rào rào, những khuôn mặt người háo hức, hăm hở và cả những giọt mồ hôi nhỏ xuống trong tiết trời giá rét căm căm. Cào đi! Bới đi! Bất chấp mùi, bất chấp bụi! Bởi vì một khi ta đã nhặt lấy và cho vào bao tải trên lưng thì nó không còn là rác nữa mà là cơm, là áo, là gạo, là tiền; đối với tôi còn là đèn, là sách, là mười nghìn tiền ăn suất cơm trưa ở căng tin nhà trường, là hai trăm nghìn mua cái USB để cắm vào máy tính của cửa hàng NET, ngồi ở đó một giờ mất 3 nghìn không phải để chơi mà để làm bài tập. Chúng ta đang sống với hi vọng và niềm tin lớn lao, từ những đồng tiền chắt chiu do nhặt rác mà có, biết đâu đấy, một nhân tài vĩ đại sẽ lớn lên, một sự nghiệp lẫy lừng được xây đắp? Vào năm 1948, ông Soichiro Honda chẳng đã khởi đầu sự nghiệp với đôi tay lấm lem dầu mỡ cùng các cộng sự hì hụi gắn động cơ vào xe đạp trong căn nhà xưởng tồi tàn bằng gỗ đó sao!...Ngày bới rác đầu tiên mẹ con tôi bán được cho người thu mua ở ngay thị trấn Sóc Sơn được hơn trăm nghìn, phần tôi được gần bốn chục nghìn, tôi thấy vui vẻ trong lòng vì dẫu sao đó cũng là món tiền do chính tay tôi làm ra. Hơn chín giờ sáng mẹ con tôi trở về chỗ trọ, tôi rửa ráy chân tay, ăn gói mì ăn liền rồi lăn ra ngủ bù. 

 

Xế chiều, tiếng nói chuyện lao xao làm tôi thức giấc. Câu chuyện xoay quanh chủ đề bới rác, người này kẻ nọ gặp vận may ra sao, có người bới được giấy tờ sở hữu xe máy và bằng lái rồi sau đó nhận được tiền chuộc, có người nhặt được xấp phong bì đựng tiền mừng cưới, đa số rỗng không, nhưng trong đó còn sót vài chiếc có tiền...Tôi mơ màng: ước gì mình cũng gặp được vận may như thế. Thật không ngờ, điều ước của tôi trở thành sự thật ngay trong đêm thứ hai tôi đi hành nghề bới rác. Gần 5 giờ sáng, lúc tôi đã thấm mệt sau gần hai giờ cào bới, cái cào hai răng của tôi vướng vào quai chiếc túi xách nhỏ, tôi kéo lên, mở túi và ngây ngất suýt ngã, một xấp đô la Mỹ mệnh giá 100$ có lẽ đến hơn chục tờ-sau đó tôi đếm chính xác có 13 tờ- xanh thẫm dưới ánh đèn rọi từ đầu tôi chiếu xuống. Tim tôi đập dồn dập: " Không khéo lại là đô la âm phủ người ta chưa kịp đốt cho người cõi âm?";  " Không! Đô la âm phủ mỏng, giấy trắng bệt trông dại lắm chứ không sắc nét như những tờ này". Tôi lấy cớ bị mệt giục mẹ tôi về sớm, hơn 6 giờ sáng mẹ con tôi đã ra khỏi cánh cổng sắt, bán xong số rác cho người thu mua rồi về nhà trọ lúc mới hơn 8 giờ sáng. 

 

Thế là điều ước thứ nhất mà con rắn ban cho tôi trở thành sự thật. Năm nay mẹ tôi về quê ăn Tết sớm từ ngày 27 Tết. Vẫn là đường số 5 quen thuộc với những cổng nhà máy, công trường và nhà dân san sát bên đường, biến con đường đôi 4 làn xe thành một con phố vĩ đại-thì dân ta vẫn có thói quen bám  vào mặt đường để tính kế sinh nhai, ai có đất mặt đường, cho dù là đường quốc lộ, người ấy lên tiên. Trời se lạnh, mưa bụi giăng khi mờ khi tỏ, thỉnh thoảng lại một hàng dài đào và quất bày bán ven đường, cái không khí nao nức của mùa xuân như ca như hát trong tim tôi, gần nơi tôi cất giữ số tiền hơn 22 triệu đồng nóng bỏng và nặng trỉu trong túi áo ngực. Rất nhiều câu hỏi nhẩy múa trong đầu tôi: mẹ con tôi sẽ làm gì với số tiền bỗng dưng từ trên trời rơi xuống, có lẽ tôi sẽ khuyên mẹ thôi đừng đi bới rác nữa...Tôi không rõ con rắn trong giấc mơ của tôi có quyền lực đến đâu....,/. 

Hà Nội, Tết Kỷ Sửu 2009

Huỳnh Văn Úc
Số lần đọc: 2837
Ngày đăng: 29.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhan sắc mùa xuân - Nguyễn Minh Phúc
Sông Phố - Khải Nguyên
Mùa xuân rồi sẽ đến - Mang Viên Long
Hoàng hôn của cha. - Vũ Minh Nguyệt
Ông thầy dưới chân núi Mây - Nguyễn Minh Phúc
Đông chí - Trương Thái Du
Hắc đại bàng - Hoàng Nhật Tuyên
Chiếc bài ngà phiêu lãng - Trần Hạ Tháp
Ký ức Trường Sơn - Huỳnh Văn Úc
Di chúc mùa xuân - Lê Vũ
Cùng một tác giả
Nguyễn Tuyết Lê Sen (truyện ngắn)
Dã man ! (truyện ngắn)
Ngỡ ngàng (truyện ngắn)
Trực chiến (truyện ngắn)
Mèo ơi ! (truyện ngắn)
Cu Tí (truyện ngắn)
Ký ức Trường Sơn (truyện ngắn)
Ba điều ước (truyện ngắn)
Bà lão hàng xóm (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Nể vợ mày (truyện ngắn)
Chồng tôi và thơ (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Trả nợ miệng (truyện ngắn)
Phố tím (truyện ngắn)
Người em họ (truyện ngắn)
Thủ trưởng (truyện ngắn)
Chị Bông (truyện ngắn)
Có thờ có thiêng (truyện ngắn)
Thằng Bờm mất ao (truyện ngắn)
Số phận con Cún (truyện ngắn)
Một mất mười ngờ (truyện ngắn)
Ai thắng ai ? (truyện ngắn)
Con cá chép (truyện ngắn)
Lão Hạp (truyện ngắn)
Bánh vẽ (truyện ngắn)
Hoa cỏ may (truyện ngắn)
Có tật giật mình (truyện ngắn)
Số đỏ (truyện ngắn)
Thằng nhà quê (truyện ngắn)
Xung đột (tạp văn)
Luật rừng (truyện ngắn)
Tai qua nạn khỏi (truyện ngắn)
Ngủ đường (truyện ngắn)
Hoa hồng có gai (truyện ngắn)
Anh yêu em! (truyện ngắn)
Song Hỷ (truyện ngắn)
Luân hồi (truyện ngắn)
Chuyện động trời (truyện ngắn)
Bộ mặt thật (truyện ngắn)
Thằng mất dạy (truyện ngắn)
Tấc đất tấc vàng (truyện ngắn)
Cái vạ văn chương (truyện ngắn)
Sinh ngày 13 tháng 7 (truyện ngắn)
Ngẩu pín (truyện ngắn)
Bản ấn đền Trần (truyện ngắn)
Nhạc vàng (truyện ngắn)
Một thời vang bóng (truyện ngắn)
Con vẹt (truyện ngắn)
Đồ quỷ! (truyện ngắn)
Tinh thần thể dục (truyện ngắn)
Ngọn lửa bất diệt (truyện ngắn)
Bóng đè (truyện ngắn)
Bất hiếu (truyện ngắn)
Dỗi (truyện ngắn)
Chiến tranh (truyện ngắn)
Thơ thẩn (truyện ngắn)
Ông ngoại (truyện ngắn)
Tình muộn (truyện ngắn)
Giông tố (truyện ngắn)
Nạp Phi (truyện ngắn)
Lời Trăn Trối (truyện ngắn)
Theo đóm ăn tàn (truyện ngắn)
Ngục Trung Ký Sự (truyện ngắn)
Cá Gỗ /Stop! (truyện ngắn)
Đẻ Khó (truyện ngắn)
Thơ Lạc Vần (tạp văn)
Putin Rơi Lệ (đối thoại)
Oan Cho Hắn Quá! (đối thoại)
Khổ Thân Thằng Mõ (đối thoại)
Kê Cân (đối thoại)
Một Phần Vạn (đối thoại)
Vũ Như Cẩn (tạp văn)
Chuyện chàng cốc sĩ (truyện ngắn)
Ksenia Sobchak (đối thoại)
Ngọn giáo (đối thoại)
Anhekđot (đối thoại)
Alexey Navalny (nhìn ra thế giới)
Tổng thống suốt đời (nhìn ra thế giới)
Tổng thống và rượu (nhìn ra thế giới)
ĐỐI THOẠI (truyện ngắn)