Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
648
116.458.019
 
Nơi phía tây bắt đầu
Ngô Kế Tựu

Theo cách gọi của dân cowboy thì hiện giờ tôi đang ở nơi phía Tây bắt đầu  (Where the west begins). Lần đầu tiên tôi được nghe cái tên dài ngoằn này và nó đã choán hết cả buổi chiều làm tôi nghĩ vẫn vơ về nó. Nhiều người vẫn gọi nơi đây là Cowtown hay nói theo kiểu của người đi du lịch là Fort Worth Stockyards. Một thành phố nhỏ còn nét xưa cũ thể hiện qua các cửa hàng, quán xá mang phong cách “ngang tàng” của các chàng cowboy miền viễn Tây mà có lần tôi đã xem trong phim “Billy The Kid”.

 

Trên một trăm năm trước, nơi đây là khu mua bán gia súc sầm uất có đường xe lửa chuyển vận đi Kansas. Từ trạm này, gia súc được chuyển tiếp đến vùng bờ biển phía Tây Thái Bình Dương. Thời đó, một con bò mua giá 4 đô la nhưng đem qua vùng miền Tây bán được đến những 40 đô la. Tiền lời thật hấp dẫn, nhưng những người nông dân không phải ai cũng dám mạo hiểm mang gia súc của mình chuyển vận bằng đường xe lửa, vì thổ dân da đỏ thường xuyên tấn công các đoàn xe, cướp bóc gia súc. Để bảo vệ, nhiều đoàn “chăn bò” là những tay súng thiện xạ mang ngựa theo các nhà buôn “áp tiêu” gia súc, hàng hóa đi viễn Tây. Cuộc sống phong trần, đối chọi nguy hiểm ở miền viễn Tây hoang vu đã ảnh hưởng vào nếp sống và sinh hoạt của các chàng cowboy vốn chân chất ở vùng đất “phía Nam” này. Và nó đã dần hình thành một Cowtown có một nét vừa quê mùa vừa hào nhoáng, vừa ngang tàng lại vừa hiền hậu của con người nơi đây.

 

Hai từ “phía Nam” nói trên cứ nhấp nhảy trong đầu khi tôi ngồi một mình với cốc bia xủi bọt trên căn gác xép bằng gỗ xiệu xạo, cũ bẩn mà mỗi lần nhổm mình là nghe kêu răng rắc. Chung quanh vài “tay chơi” trông “bặm trợn” mặt ửng đỏ, tóc dài cột đuôi, để ria mép, đội mũ phớt, khoác áo da, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn “kẻ lạ” đang gây ra những tiếng động trên sàn... miệng nở nụ cười thân thiện. Phía dưới gác, ngoài hiên, âm thanh guitar điện vang lên giai điệu bài dân ca “Out Where The West Begins” phổ từ thơ của Arthur Chapman thịnh hành từ những thập niên 20 và 30 của thế kỷ trước. Bài thơ này ra đời trong một trường hợp ngẫu nhiên khi Arthur Chapman đang là một nhà báo có tiếng ở Denver, Colorado, chợt nghe được cuộc tranh cãi của những Thống đốc các tiểu bang miền Tây về “nơi phía Tây bắt đầu”. Người thì bảo, ở sông Mississippi, người khác thì nói từ dải núi Alleghany.

 

Nếu theo trục tọa độ ngang dọc của đường thẳng lấy thủ đô Washington D.C làm chuẩn, thì núi Alleghany chính xác là “nơi phía Tây bắt đầu”. Ngược lại lấy dòng sông Mississippi là nơi khởi điểm về hướng miền Tây cũng không phải là không có lý. Phía bên hướng Tây từ dòng sông này, trải rộng ra những vùng đất bát ngát trù phú, thưa thớt dân cư, dễ dàng khai phá. Con người vùng đất này sống phóng khoáng, cởi mở, vui tươi và thân thiện hơn. Chẳng phải vì lẽ đó mà Arthur Chapman đã viết “...Nơi có ít trái tim đau thương tuyệt vọng. Đó là nơi phía Tây bắt đầu”.

 

Tôi bước xuống hàng ba quán bia, chợt thấy mình lạc lỏng. Đứng dựa cột hiên mái de ra sát lề đường, tôi ra vẻ đang tìm kiếm gì  đó với bộ mặt ngơ ngác của người từ nơi khác đến. Cạnh bên, hai vợ chồng người Mỹ (chắc là dân Texas chính gốc) vẫn say sưa rải những âm thanh bay theo gió. Lời ca êm đềm như tiếng ru của bà vợ dạt dào tình cảm. Họ biểu diễn một cách tự tin, trong sáng, khuôn mặt thoáng nét cười hồn nhiên như trẻ con. Bên cạnh bà là bình oxy tiếp hơi, có lẽ bà mang bệnh suyễn. Trong lúc người chồng tấu lên đoạn intro để chuyển sang điệp khúc, thì bà tranh thủ dưa ống dây vào mũi hít một hơi dài. Con chó cưng nằm yên dưới đất, chốc chốc giơ cao cái đuôi, phe phẩy, nhịp nhịp xuống sàn xi măng.

 

 Không biết hai vợ chồng “văn nghệ” bên đường có con cái gì không. Lòng thương cảm bỗng chốc tràn ngập trong tôi. Có lẽ họ đã ngồi ở góc phố này đàn ca từ sáng đến giờ. Vài ba vỏ chai nước lọc  tựa lưng trên gờ gỗ vách quán. Họ chỉ là những người chơi nhạc nghiệp dư. Tuy thế, dường như họ chơi không phải với mục đích “kiếm cơm”, mà chỉ muốn tìm sự tự do cho tâm hồn bay bổng qua niềm đam mê âm nhạc. Họ ngồi đây, nghêu ngao hát cho không khí phố thị nhỏ bé này thêm vui, thêm đặc sắc bởi cái bản chất đồng quê xưa cũ của nó và bởi trong không khí cuối tuần có nhiều tiết mục sắp được phô trương.

 

Bên đường, một người khách đang trò chuyện với một  thổ dân giả dạng. Người thổ dân mặc khố cởi trần, mặt vẽ trang trí rằn ri, tay cầm thương. Chú ngựa cũng được vẽ lốm đốm những nét mực đen không ra hình thù gì trên màu lông xám trắng bám đầy bụi bậm. Các cowboy đi ngựa chân mang giày đinh, nhẩn nhơ khua móng lọc cọc bên đường. Súng bên hông sẵn sàng cho một cuộc đọ súng bất chợt khi có cuộc tấn công của thổ dân hay một trận đấu súng tay đôi làm tiếng nổ lốp bốp. Người chạy nháo nhào nhưng chẳng ai ngã xuống ... Trận chiến kết thúc bằng những tiếng cười sảng khoái của người biểu diễn, của những đám đông tim còn đập thình thịch mà miệng vẫn thoát ra tiếng cười thích thú.

 

 Đó là những hình ảnh văn hóa truyền thống xưa của miền viễn Tây trong cuộc sống con người ở đây -  một thị trấn phương Nam - được tái tạo lại. Hình ảnh đó diễn ra tự nhiên nên hấp dẫn, thu hút sự chú ý của khách phương xa đến viếng thị trấn Cowtown nhỏ bé này. Nó góp phần tôn tạo và giữ gìn bản sắc văn hóa mà không phải nơi nào cũng có được.

 

Khu mua bán gia súc bằng gỗ rộng vài mẫu Anh vẫn còn đó, vài chú bò thơ thẩn gặm cỏ. Đường xe lửa đi Kansas đã chuyển hàng chục triệu con bò về miền viễn Tây còn đó. Nhà ga đi xuyên qua những dãy chuồng gia súc khi xưa vẫn còn nguyên nhưng giờ trở thành những quán hàng ăn uống cho khách nhàn du. Bên trong khu giữ ngựa và bò, đây đó còn vài bao cỏ khô lăn lóc trên nền rơm ẩm mốc lẫn trong mùi phân khô gây nhớ mà có nhà văn nào đó từng miêu tả là “mùi vị quê hương”. Cái mùi của lũ trẻ con đang dắt trâu về chuồng vờn vợn trong gió. Cái mùi của lũ trâu lửng thửng vừa đi vừa ị tự nhiên trên con đường đất về làng còn tươi nguyên khi tôi suýt đạp phải bởi mải mê trong dòng suy tư về “nơi phía Tây bắt đầu”. Con ngựa xám trắng của anh thổ dân cột dưới tán cây cũng... tự nhiên như lũ trâu nhà quê và du khách đi ngang cũng... vờ không thấy. Và có phiền hà gì khi ai cũng hiểu nơi đây có thế mới là Stockyards, mới là thị trấn nhà quê của những anh chàng cowboy lãng tử bây giờ còn đi ngựa, hoặc cưỡi những chiếc mô tô Harley Davidson phân khối lớn dẫn đoàn diễu hành bò, ngựa đi quanh thị trấn chào đón du khách đến vui chơi.

 

Phía bên kia đường, mặt trời đã dần sắp khuất, ráng đỏ chan hòa tô lên nền trời hoàng hôn làm nổi lên những cửa hàng nằm ngay góc phố. Đôi ủng quảng cáo to đùng treo lủng lẳng trên mái nhà viền sáng bằng đèn néon xanh đỏ. Còn phía dưới, trước cửa sổ kính trong suốt sáng lên hàng chữ “Where the west begins”.

 

Bài đã đăng trên tạp chí Thể Thao Văn Hóa & Đàn Ông số 27 1/2008.Bản của tác giả

Ngô Kế Tựu
Số lần đọc: 2484
Ngày đăng: 02.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Anh Ba Xuân - Huỳnh Kim
Mùa xuân Biên giới - Phạm Minh Hoàng
Tình Ca - Ban Mai
Năm Thánh Đức Mẹ TàPao 2009 : Ngày hành hương dành cho giáo sĩ. - Nguyễn Hữu An
Nghĩ từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Nguyễn Hoàn
Về Cà Mau, cuối năm… - Huỳnh Kim
Chuyện chép bên dòng sông Trâu - Phạm Minh Hoàng
Nhạc Sĩ Cao Hồng Sơn : hoa thơm và cỏ úa - Nguyễn Một *
Windhoek: thành phố giữa sa mạc - Trương Quang
Bất ngờ từ một bức thư lạ. - Võ Ðắc Danh