Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
450
115.985.500
 
Vĩ nhân, nói sao cho em hiểu?
Thí Chủ

Nàng biết làm thơ-điều đó đã hẳn rồi. Nàng còn từng là học trò của tôi trong nghề báo, nên thỉnh thoảng nàng cũng có đọc cho người vừa là Thầy, vừa là Sếp của nàng (là tôi) một vài câu thơ mà nàng tâm đắc. Tất nhiên nếu tôi ghi hẳn ra đây thì tội cho sự nghiệp sáng tác của nàng quá, nên thôi, tôi tạm “dịch” những câu thơ tuyệt cú mèo ấy ra vậy. Đại loại như:

 

“Em đi bán đậu phọng rang

Bán bao nhiêu hạt thương chàng bấy nhiêu”

 

Hoặc:

 

“Hôm qua em đón mưa về

Em ngồi em hong tóc thề

Mẹ em đi ngang mẹ kể

Ngày xưa mẹ vốn chân quê”

 

Nghĩa là nàng luôn muốn làm cho thơ mình đậm chất dân gian và muốn xòa nhòa ranh giới giữa thể loại vè và thơ-thật là một phát kiến vĩ đại mà từ cổ chí kim chưa có nhà thơ nào dám làm. Lẽ tất nhiên là vì nó vĩ đại nên nàng bắt đầu mơ ước mình thành người vĩ đại và dần thực hiện ước mơ đó.

 

Đầu tiên, nàng tập…đi nhậu. Không hiểu ai chỉ dẫn một cách kỳ cục rằng đã là nhà thơ nữ thì nhất thiết phải biết nhậu, “phi tữu bất thành thi sĩ”, nên ngày nào nàng cũng lang thang ra quán 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM, vốn trước nay được xem là văn chương quán, bởi ngoài địa chỉ hành chính của các cơ quan như Hội Âm nhạc, Hội Nhà văn, đây còn là nơi tụ tập của các tao nhân mặc khách, mà trong số đó không phải ai cũng biết làm thơ, viết văn. Thế nhưng, do các nhà văn chính hiệu con nai vàng thường ra đây đối ẩm nên ngồi nhậu tại đó có mấy cái lợi như: được biết mặt, được làm quen với các nhà văn, nhà thơ có tiếng tăm (đôi khi còn biết thêm được… mặt trái của họ sau khi họ nhậu say!), và sung sướng nhất là được trộn lẫn với họ, được thiên hạ tưởng nhầm mình cũng là tao nhân mặc khách. Vậy thì mấy chai bia nào có sá gì?

 

Có hôm, nàng còn dám bạo gan đọc sáng tác cho các bậc nhà văn, nhà thơ đàn anh để họ góp ý giùm mình, tưởng họ chê, nào ngờ họ khen rối rít khiến nàng phấn khích…kêu thêm bia cho các bậc đàn anh uống thả giàn. Những lời bốc thơm để được uống bia miễn phí tuy khó ngửi, nhưng rất dễ nghe; đại loại như: “thơ của em đã vượt qua tấm ba-ri-e  của tâm hồn, nếu thêm một chút nhục thể vào thì có khi sẽ đi xa hơn nhà thơ nổi tiếng Hàn Mặc Tử thuở nào…”, hoặc: “Thơ là tiếng nói chân thật nhất của tâm hồn, nên phải có thực tế, thơ mới hay và sống động, vậy nên nếu sáng tác thơ tình mà không có tình yêu thực sự, thơ sẽ giả tạo, nguồn cảm hứng sẽ lụi tàn, em sẽ mai một uổng phí một tài năng của mình…”. Khỏi phải nói, nàng sướng đến tận mây xanh như thế nào. Nên ngoài nhậu, nàng còn tập…yêu. Mà yêu ai bây giờ, bởi nàng trót đã có chồng từ xưa? Thì đây: yêu các bậc đàn anh chứ ai, bởi lời khen như trên hóa chẳng là một lời đề nghị nhã nhặn (chứ không phaỉ “lời đề nghị khiếm nhã”), đó sao? Thế mới là tai họa. Khi chuẩn bị là vĩ nhân, quen tiếp xúc với các bậc văn nhân thi sĩ, nàng đột nhiên thấy chồng mình trở nên quá tầm thường, một câu thơ bẻ đôi không biết, chỉ lo đi làm sáng chiều kiếm tiền nuôi vợ con, nói năng cũng bình dân và không có gì xuất sắc, cả năm bói không ra một câu nói nào có ý nghĩa đa tầng và đầy mỹ cảm như các bậc đàn anh văn nhân mà nàng từng gặp. Và nàng-dĩ nhiên-yêu một trung niên thi sĩ thường xuyên xuất hiện cùng nàng trong quán nhậu 81 Trần Quốc Thảo. Chuyện rồi cũng đến tai chồng nàng. Cậu ta gặp tôi than: “Anh ơi có cách gì cứu cuộc hôn nhân của em không? Vợ em…”. Tôi bảo, tôi có nghe đồn nhiều rồi, mà chẳng lẽ các biểu hiện của cô ấy gần cả năm mà cậu không biết sao? Vậy là…pó tay.

 

Họ ly dị. Người đưa đơn là nàng chứ không phải chồng nàng. Rất chóng vánh. Có điều sau khi nàng ly dị, một cuộc cãi vả dữ dội đã diễn ra giữa nàng và… thi sĩ-tình nhân. Hóa ra cũng như bao nhiêu văn nghệ sĩ khác, chàng chỉ thích “rong chơi qua đường”, thấy hoa tiện tay thì hái chơi, chứ không hề có ý định lìa xa bà vợ vừa già vừa xấu ở nhà, để về với nàng. Thất vọng, nàng lại có thêm “hoàn cảnh thực tế” để khơi gợi sáng tác. Nghe đồn nàng đã phải chuyển sang nhậu ở quán khác vài ba tháng để tránh tiếng đời dị nghị, rồi do không chịu nỗi việc các quán khác không có tao nhân mặc khách, nàng lại mon men trở về 81 Trần Quốc Thảo.

 

Còn lý do vì sao tôi không dám gọi nàng bằng em-cô học trò-như xưa mà phải gọi một cách đầy trân trọng là nàng, hẳn các bạn đã hiểu, bởi nó tương xứng với văn nghiệp mà nàng đã dày công theo đuổi, đánh đổi nhiều thứ để có nó. Cũng hy vọng nàng sẽ trở thành một vĩ nhân thực sự trong văn chương, chứ không phải…nhân vĩ như mấy tên viết lách đã đểu cáng gọi như vậy về nàng sau khi đã sỉn…

Thí Chủ
Số lần đọc: 2498
Ngày đăng: 11.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những kỷ niệm với tác giả còn một chút gì để nhớ ( * ) - Trần Dzạ Lữ
Luận về bài thơ Trên Sông của Nguyễn Thanh Mừng - Duy Phi
Rằm tháng giêng, cuộc tắm gội dưới trời thơ - Nguyễn Thanh Mừng
Vũ Hữu Định, tình ca lỡ vận - Đặng Tiến
Vũ Hữu Định - Nguyễn Đình Toàn
Ði tìm Vũ Hữu Ðịnh ở Mỹ - Trần Hoài Thư
Thư gửi cho vợ nhân ngày thơ Việt Nam - Trần Ngọc Tuấn
Mảnh vườn trong thơ Nguyễn Bính - Nguyễn Đức Thạch
Đêm! - Đỗ Thư
Ngày xuân xem hát bội - Mang Viên Long