Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
815
116.622.260
 
Người đàn ông cùi
Nguyễn Minh Phúc

Năm 1978, tôi được điều về dạy học ở làng Đêpa thuộc huyện An Khê, một ngôi làng của người dân tộc Bahna. Đường vào làng từ quốc lộ 19 lội rừng gần 20 cây số. Leo mấy cái dốc không biết ai đã đặt tên là dốc 10, 15 độ cao ngất trời, mỏi nhừ chân, tôi tới xã Nam để từ đó, tiếp tục theo con đường mòn, hai bên là rừng thưa, nước róc rách chảy từ trên núi cao xuống. Gió thổi lồng lộng, bạt ngàn những chiếc lá vàng bay rơi đầy lối mòn từ khu rừng le cách làng không xa. Khung cảnh đẹp và thơ mộng nhưng không làm tôi thích thú. Cánh giáo viên mới ra trường như tôi rất ngại phải về dạy nơi khỉ ho cò gáy, họa hoằn lắm mới thấy bóng người, vận động người dân tộc đi học rất khó khăn. Chỉ có mấy đứa con nít trần truồng, đen nhẻm giuơng mắt lạ lẫm nhìn tôi và những con chó chạy theo sủa inh ỏi khi tôi vào trình giấy cho Đinh Rết, trưởng làng ở ngôi nhà sàn cao nhất .

 

Hai tuần lễ  ở làng chờ dân từ rẫy về để vận động họ đi học chữ dài lê thê. Tôi lang thang hết nơi nầy đến nơi khác trong khu rừng cách đó không xa vào mỗi buổi chiều để giết thì giờ. Theo con đường mòn ngoằn ngoèo, đầy cỏ mục và lá tranh xắp mặt, tôi dần đi sâu vào trong, mắt luôn nhìn lại phía sau cố nhớ vật gì đó làm dấu tìm đường về.

 

Bỗng tôi nghe như có tiếng kêu của những ống nứa khô được gõ một cách rời rạc vang lên trong rừng sâu. Tiếng đàn thì đúng hơn bởi thanh âm chảy dài theo từng cung bậc, lúc thanh lúc trầm, lúc dài lúc ngắn, nghe kỹ là những hợp âm hẳn hoi, điệu nhạc của người Bahna mà tôi đã từng nghe đâu đó vài lần trong các cuộc hội diễn nghệ thuật của người dân tộc. Là đàn t’rưng, loại đàn đặc trưng của người Bahna được ghép bằng những ống le khô hình thù khác nhau từ nhỏ đến lớn dài khoảng ½ mét, cột dính lại bằng sợi dây mây mảnh nhưng chắc, mỗi ống vang lên âm thanh khác nhau tạo ra đủ cung bậc khi lấy khúc gỗ gõ gõ vào chúng.

 

Nhưng tại sao tiếng đàn t’rưng lại vang lên ở đây, nơi cạnh rừng, trong góc tối của căn nhà sàn đơn độc và rách nát trước mặt tôi? Không gian tĩnh lặng đến nỗi chỉ còn nghe tiếng đàn khô khốc và dịu êm lướt qua gió, thổi vào tai những thanh âm đơn điệu, buồn bã. Óc tò mò và những câu hỏi bật lên đưa bước chân tôi tiến sát vào ngôi nhà trong rừng. Bước qua hàng cỏ tranh ,vạch lá những cây dại vượt quá đầu người, một căn nhà sàn đơn độc dựng sát trên triền dốc hiện ra. Đập vào mắt tôi là tấm phên mỏng che vách đan bằng tre rách nát, mái tranh mục rã gần hết và cây gỗ bước lên ngôi nhà liêu xiêu sắp ngã. Treo bên vách ngoài là sợi dây thuốc mốc meo, vàng úa, lá rũ xuống phất phơ. Một người đan ông quay lưng về phía tôi, im lìm gần chái bếp, miệng phì phào điếu thuốc quấn to bằng ngón tay, đang ngồi gõ những đốt le khô cột lại choàng qua hai bên vách, tạo ra âm thanh vang xa trong trời chiều.

 

Cảm giác bất an dâng lên đột ngột nên tôi định quay về làng theo con đường cũ. Người đàn ông lạ hoắc, ở trần đóng khố, ngồi đánh t’rưng một mình trong ngôi nhà sàn củ kỹ như có điều gì không bình thường mà tôi nghĩ mình không nên dây vào nhất là mới chân ướt chân ráo đến đây dạy học.

 

Nhưng khi vừa quay gót, chân tôi va vào một khúc gỗ mục gây nên tiếng động. Tiếng t’rưng  im bặt. Người đàn ông từ căn nhà sàn bước ra, nhìn tôi đầy e ngại, hồi lâu mới lên tiếng:

-    Mầy tìm  ai, tìm Đinh Biu cùi à? Mình ở đây không ai tìm mấy mùa rẫy rồi? Chỉ có con gà, con chó ở với mình thôi ... Mầy tìm mình về làng phải không?  Không,không, mình không về làng đâu ...Con ma H’Leng không cho mình về ...

 

Tôi không hiểu người đàn ông nói gì nhưng nhanh chóng trấn tĩnh lại vì gương mặt ông trông hiền hậu và đôi mắt nhìn ánh lên vẻ thân thiện. Cố giữ giọng bình tĩnh, giương to đôi mắt, tôi nhìn thẳng vào ông, nói to lên:

-    Ông là ai ?  Sao ở đây có một mình ?

 

Đến lúc nầy, gương mắt người đàn ông mới giãn ra, vừa đưa hai tay ra vẫy tôi vừa gọi :

-    Mầy lên đây với mình. Mình nói chuyện. Lâu lâu mình không được nói chuyện. Muốn nói chuyện lắm! Con gà con chó không biết nói chuyện đâu ...

 

Tôi hơi run nhưng cố trấn tĩnh. Sợ gì chứ? Mà nhiệm vụ tôi là lên đây vận động người dân tộc Bahna đi học chữ kia mà! Sau một hồi lâu ngần ngừ, tôi bước vào căn nhà sàn rách nát bằng cách leo lên bậc thang bằng cây mục chông chênh. Căn nhà tối om, hai bên vách là hàng dao rựa, chính giữa nhà một chiếc gùi to đựng đầy bắp rẫy và bên trong là chái bếp lạnh tanh, trên giàn treo chùm thịt thú khô đã bốc mùi, đen nhẻm. Người đàn ông thấy tôi vào nhà mừng rỡ, gương mặt tươi hẳn lên, với tay lấy nải chuối chín vàng trên vách đem xuống, hồ hởi mời:

- Mầy ăn chuối với mình. Chuối ở rẫy mình trồng, không đau cái bụng đâu!

 

Suýt nữa tôi bật kêu lên, sửng sốt vì nhìn thấy những ngón tay người đàn ông. Chúng cụt lủn, đỏ tấy. Những ngón tay như biến đâu mất, trơ ra đống thịt nhầy nhụa động đậy theo mỗi cử động trông phát khiếp. Tôi không còn lòng dạ nào nghĩ đến việc cầm trái chuối ông ấy đưa tận mặt, xua tay lúc lắc đầu, tỏ vẻ từ chối :

-    Không, cảm ơn ông! Tôi không muốn ăn ...

 

 

 

Chắc là người đàn ông hiểu vì sao tôi không nhận trái chuối từ tay ông. Đưa nó về chỗ cũ trên bàn tay cụt ngủn, mất hết các đầu ngón, ông nhìn tôi thất vọng, giọng buồn buồn :

-    Cái bụng mình ưng nói chuyện mà cái miệng không biết nói. Mầy ở trên về làng, phải không? Sao mình không biết, có phải mầy là người cán bộ không? Cán bộ tốt lắm , nói chuyện với mình đi ...

 

Giọng ông khẩn khoản, cụt lủn, cố tìm từ ngữ thích hợp diễn tả lời nói nhưng không rành tiếng Kinh nên ngất ngứ, khó hiểu, câu nói vấp váp nửa chừng, thỉnh thoảng cố rụt cổ lại như để che bớt bàn tay dị dạng. Tôi nửa muốn nói chuyện với ông, nửa muốn quay về vì sợ phải nhìn vào bàn tay ấy nhưng trông ánh mắt ông tha thiết quá nên quyết định ở lại. Hơn nữa, tôi rất muốn biết vì sao ông ở đây một mình, cây đàn t’rưng treo trên vách nhà sàn kia và những bản nhạc có âm điệu rời rạc, đơn điệu như muốn nói điều gì mà tôi chưa hiểu .

 

Ngồi xuống cạnh ông trên sàn nhà cũng lát bằng cật tre già đã ngã màu xám xịt, tôi tự giới thiệu và thắc mắc:

-    Tôi là giáo viên về đây nhận việc xóa mù chữ cho đồng bào làng Đêpa. Đến đây cả tuần mà dân làng đi rẫy chưa về nên đợi họ về mở lớp. Còn ông? Sao ở đây một mình? Tôi không bao giờ trông thấy ông trong làng? Ông không phải người làng Đêpa?

 

Người đàn ông nhìn đăm đăm vào tôi, chăm chú lắng nghe từng lời nói, đôi mắt mở to thích thú. Có lẽ lâu lắm rồi ông không nghe tiếng nói đồng loại. Khi mà khả năng giao tiếp không còn, con người có lẽ chẳng gì buồn hơn và mong mỏi tha thiết được nghe âm điệu của những giọng nói. Người đàn ông ngồi thừ ra một lúc rất lâu nghe trọn vẹn lời tôi và hình như , cố tìm từ ngữ để trả lời các câu tôi hỏi.Như để nhớ lại câu chuyện, một hồi, người đàn ông mới ngập ngừng kể:

-    Mình là Đinh Biu, người làng Đêpa. Mình bị làng đuổi ra đây ba mùa rẫy rồi . Mình bị giàng phạt chứng gì không biết, tay chân rụng mất gần hết, uống lá rừng nào cũng không được khỏi. Chắc con ma của H’Leng ghét mình, thù mình, nó không chịu tha cho mình . ..

-    H’Leng là ai?  Cớ gì lại ghét ông, thù ông, cớ gì lại không cho ông về làng?

-    Nó là vợ mình, nhà ở làng Xít tơ trên kia. Biu đưa những ngón tay cụt chỉ về ngọn núi gần đấy. Chỉ vì mình mà nó ăn lá ngón, thành con ma rồi. Con ma H’Leng không thương mình nữa nên mới phạt mình thế nầy. Mầy biết luật làng Xít tơ không? Thành con ma phải cúng mả ba mùa rẫy mới bỏ. Ba mùa rẫy mình ở đây, ngày nào mình cũng ra mả nó ...Vậy mà nó không chịu thương mình ...

 

Tôi vẫn chưa hiểu gì cả nhưng lờ mờ đoán ra câu chuyện bi thương qua lời kể vụng về, khó hiểu của Biu. Chẳng để tôi đợi lâu, Biu nhìn vào cánh rừng trước mặt qua khung cửa và nói như với ai trước mặt chứ không phải tôi:

- Mình và H’Leng thương nhau. Như con chim chơ rao trong rừng, như con nai con cheo trên núi. Mấy ngày nữa H’Leng bắt mình về làm chồng thì mình bị giàng phạt. Mình có ở ác như con cọp con beo đâu mà giàng lại phạt! Cả người mình nổi đầy mụt, ngứa lắm, đau lắm, cúng giàng hai con heo, một con trâu cũng không được khỏi. Làng nói mình bị giàng phạt. Cho nên ...

 

Biu ngập ngừng. Gương mặt nhăn nhó tỏ vẻ đau đớn, hai hàng nước mắt ứa ra trên đôi mắt sâu hoắm, đầy vết nhăn.

- Làng không cho mình ở trong nhà làng nữa mà đuổi mình ra đây ... Không có ai chịu thương mình, chỉ có H’Leng lâu lâu ra ở với mình ... Rồi H’Leng có bụng to ... Làng phạt hai con trâu cúng giàng mà H’Leng làm gì có trâu ... Bữa ấy H’Leng ra khóc với mình to lắm, nhiều lắm rồi về ăn lá ngón mà thành con ma rồi ... Mình thương H’Leng, mình hay ra mả H’Leng nói chuyện ... Mả H’Leng gần đây ... Mầy đi chơi với mình không ?

 

Tôi đi theo Biu. Vòng vèo một hồi lâu trong rừng cùng người đàn ông cùi, lội qua con suối xăm xắp nước và đám rẫy dưa mới đến mộ H’Leng. Trước mặt tôi là ngôi nhà mồ chôn chung với bốn mộ khác, bên trong là những khúc gỗ tạc hình người với hai con mắt to, miệng rộng, tay xuôi xuống và chân là cả khối gỗ được cắt bằng để đứng vững. Cạnh đó bốn chiếc gùi rách bươm qua thời gian đã hư hao, tấm tre đan đã mục, chỉ còn lại chân đế phía dưới. Biu chỉ tay vào nhà mồ, kêu lên:

-    Đó! Mả con ma H’Leng đó. Chôn với mấy con ma nhà nó. Mầy biết không? Ở làng mình người thân phải ở chung với nhau, thành con ma cũng ở chung với nhau. Mình bữa nào cũng ra nói chuyện với H’Leng. Mà ma nó không nói được chuyện, Mình đem t’rưng ra đánh cho nó nghe. Trước đây mình đánh t’rưng giỏi lắm, hay lắm , con H’leng mới thương, mới chịu bắt chồng.Giờ ngón tay rụng gần hết, cột gỗ vào bàn tay khó lắm, đánh t’rưng không theo cái bụng mình nữa ...

 

Tôi chợt nhớ đến cây đàn t’rưng Biu treo trên vách. Thì ra, Biu thường đàn cho H’Leng nghe dù cô ấy không còn, dù các ngón tay của người cùi đã rơi rụng dần, dù mối tình họ nhiều trái ngang, cay đắng. Đẹp thật, thi vị thật mối tình bất hạnh kia! Chẳng khác những tình yêu tuyệt dịu mà tôi đọc được đâu đó.

 

Biu đứng như pho tượng giữa bóng chiều ập xuống, đôi vai khẽ rung lên. Không nhìn vào ông, tôi cũng biết những giọt nước mắt đang đầm đìa rơi xuống khuôn mặt nhăn nhúm, bệnh tật. Ông xoa những ngón tay cụt vào pho tượng gỗ, nói như chỉ để mình nghe :

-    Ở lại đây vài hôm nữa tôi ra đánh t’rưng cho H’Leng nghe. Đừng có mà đi đâu nghen hồn ma H’Leng. Giữ con ma trong bụng, đừng để nó đi chơi một mình, không con cọp con beo bắt mất ...

 

Tôi ứa nước mắt ngước nhìn lên trời cao. Ở đó, những chùm mây màu tím sẫm trôi vội vã trên bầu trời nhập nhoạng. Hình như đêm nay trăng lên muộn. Và bầu trời cũng man mác buồn giống đôi mắt Biu đẫm nước ....

 

*

...Tôi biết rồi mình sẽ làm gì khi còn dạy học ở đây và nhất định tôi sẽ làm cho kỳ được. Một mình tôi, có thể chỉ một mình tôi nhưng tôi không run sợ, không lo âu, nản chí. Cạnh tôi còn có Đinh Rết, trưởng làng, những người dân tộc Bahna tiến bộ, chịu đổi mới. Hơn nữa, còn cả một xã hội tốt đẹp mà tôi tin, sẽ giúp sức tôi và những thầy cô giáo vùng cao hướng dẫn người Bahna xóa bỏ hủ tục lạc hậu, lệ làng khắc nghiệt từ bao đời nay vẫn còn tồn tại.

 

Nhất định người đàn ông bất hạnh cạnh tôi bây giờ sẽ được đưa về cộng đồng chạy chữa vì bệnh cùi đâu còn nan y như trước. Nhất định cái chữ sẽ được truyền bá rộng rãi trong những ngôi làng còn nhiều mịt mù,tăm tối kia. Chắc rồi cuối cùng mọi người sẽ hiểu ra rằng : chỉ có học tập, có kiến thức dân làng mới hết khổ, hết nghèo, đẩy lùi những hủ tục lạc hậu đưa con người đến khổ đau, đói khát.

 

Tôi tin như vậy như tin ngày mai trời sẽ bừng sáng dù bóng tối đã bắt đầu loang xuống trên con đường ngoằn ngoèo mà người đàn ông cùi đang mệt nhọc lê từng bước chậm rì  trước mặt tôi ./.

Nguyễn Minh Phúc
Số lần đọc: 2998
Ngày đăng: 18.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người đàn bà và cái tổ sẻ ri - Vũ Minh Nguyệt
Chim chào mào - Nguyễn Khắc Phước
Thiên nga trắng. - Văn Xương
Một đêm ở quê nhà… - Mang Viên Long
Nữ võ sĩ huyền đai - Đỗ Ngọc Thạch
Lilia Nguyễn ở thành Rome - Minh Thuỳ
Người say - Khôi Vũ
Con gái viên Đại Úy - Đỗ Ngọc Thạch
Mẹ - Trần Kỳ Trung
Anh chồng bằng dây liễu đan - Ursula Wills-Jones
Cùng một tác giả
Đứa con trên cát (truyện ngắn)
Chai rượu tắc kè (truyện ngắn)
Người khóc mướn (truyện ngắn)
Gã đạo tỳ (truyện ngắn)
Con thỏ bông (truyện ngắn)
Hoa huệ trắng (truyện ngắn)
Đêm vô cùng (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Người sợ đàn bà (truyện ngắn)
Chiếc ghế (truyện ngắn)
Người hoang tưởng (truyện ngắn)
Người của biển (truyện ngắn)
Tiếng hát bay xa (truyện ngắn)
Hoa Dã Qùy vàng (truyện ngắn)
Tiếng đàn kìm (truyện ngắn)
Nhan sắc mùa xuân (truyện ngắn)
Đêm biển động (truyện ngắn)
Có thật vậy không ? (truyện ngắn)
Người đàn ông cùi (truyện ngắn)
Sông trôi về đâu (truyện ngắn)
Tấm ảnh (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Cõi người (truyện ngắn)
Cuốn sách còn lại (truyện ngắn)
Người cùng nhóm máu (truyện ngắn)
Cơn mưa nghịch mùa (truyện ngắn)
Sát na (truyện ngắn)
Gió rừng u minh (truyện ngắn)
Viên ngọc trai (truyện ngắn)
Mây của trời (truyện ngắn)
Đờn ca tài tử (truyện ngắn)
Mùi của đàn ông (truyện ngắn)
Khúc lý chiều chiều (truyện ngắn)
Chùm hoa tím (truyện ngắn)
Đời không là … (truyện ngắn)
Mùa Nước Nổi (truyện ngắn)
Dáng Núi (truyện ngắn)
Bến Tình (truyện ngắn)
Bùa mê (thơ)