Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
769
116.616.681
 
HVT LÀ AI
Hoàng Vũ Thuật

 ( Về những bài viết của Hoàng Thái Sơn gần đây )

 

Tôi vẫn thường vào trang web của Hội Nhà văn. Tình cờ có bài " Thay một chữ, thay đổi hẳn cả bài " của nhà văn Hoàng Thái Sơn, trao đổi với Mai Văn Hoan xung quanh bài thơ Hoa sen của Phùng Quán. Bài này theo tôi được biết tác giả đã gửi tạp chí Nhật Lệ, nhưng chưa đăng. Hỏi Ban biên tập, họ nói bản thảo mấy lần trước không có câu:" Nhà thơ HVT nói với tôi "Phùng Quán sai rồi, nhưng đừng "phê" quá mà tội ". Thông thường đã trích của người khác, bao giờ người viết cũng ghi rõ tên họ, cơ sở trích dẫn để làm bằng, nếu không, không phải việc làm khoa học. Đằng này Hoàng Thái Sơn chỉ viết tắt "HVT", như vậy không còn tính pháp lí nữa rồi. Bởi vậy tôi không việc gì mà phải vội vàng lên tiếng.

 

Trước đó, tôi cũng đã đọc " Về một bài thơ của Phùng Quán " của Hoàng Thái Sơn trên tạp chí Thơ, tháng 3-2008, sau được đăng lại trên Nhật Lệ, số 160 (7-2008) và bài trao đổi lại của nhà thơ Mai Văn Hoan " Phùng Quán nhầm lẫn hay Hoàng Thái Sơn nhầm lẫn " trên Nhật Lệ, số 163 (10-2008), được đăng lại trên Thơ, (1-2009). Sự trao đổi về học thuật khi đánh giá một tác phẩm văn học nhằm làm sáng tỏ một vấn đề nào đó là chuyện thường tình xưa nay. Nhưng mấy hôm nay vào blog một số nhà văn và bạn bè gọi điện hỏi tôi, có phải ông đã nói như Hoàng Thái Sơn đã viết không? Tôi thấy mình phải bày tỏ quan điểm của mình để bạn đọc hiểu xung quanh chuyện bài thơ Hoa sen.

 

Giả sử "HVT" là Hoàng Vũ Thuật, thì ô hay nhà tôi ở gần nhà Hoàng Thái Sơn, sao anh không đến mà nói cùng tôi một tiếng, nếu lười thì điện thoại cho tôi, xem Hoàng Thái Sơn dẫn như thế này thế nọ có được không. Đấy là văn hóa tối thiểu của người làm nghiên cứu phê bình. Và sao những lần trước anh không dẫn, lần này lại vội vã đến thế? Chỉ riêng chuyện đó đủ thấy có sự  không rõ ràng. Mượn ai làm đồng minh thì xem họ có nhất trí không đã chứ. Cũng như chuyện các nước trên thế giới muốn vào G này, Liên minh kia, Khối nọ cũng phải ngoại giao, đi lại mòn đường nát cỏ mới ra chuyện cơ mà.

 

Về bài thơ Hoa sen của Phùng Quán, theo chủ quan tôi không ai hiểu như Hoàng Thái Sơn cả. Bốn câu ca dao " Trong đầm gì đẹp bằng sen / Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng / Nhị vàng bông trắng lá xanh / Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" mà nhà thơ Phùng Quán đưa vào, làm  nội dung cho bài thơ của mình, là biểu tượng của sự thanh cao, tinh khiết, được hàng triệu triệu người Việt Nam (có thể cả nước ngoài) tôn vinh là một trong những câu ca dao hay nhất, trong đó tất nhiên có cả Phùng Quán, Mai Văn Hoan, tôi và cả Hoàng Thái Sơn nữa. Phùng Quán không bao giờ cho đó là câu ca dao " sặc mùi phản trắc", cho dù ngôn ngữ thơ ông như thế. Người trong nam có câu: Nói vậy mà không phải vậy. Ông thừa trí tuệ để hiểu và nhận định điều ấy. Nhưng ông và những ai có lương tri đều nhận ra rằng, cuộc đời này sao nhiều kẻ phản trắc, lắm" phường bội nghĩa vong ân " đến thế:

 

Vốn con cái của giai cấp cùng khổ

Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son

Nghĩ đến mẹ cha chúng xấu hổ

Chúng mưu toan giấu che từ bỏ

Nói xa gần chúng mượn chuyện sen

 

Vậy là, thi sĩ bèn vận cớ vào ca dao: Nhị vàng bông trắng lá xanh / Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn để giải bày cái tâm trạng phẫn nộ của mình.

 

Hoa sen được ra đời như thế. Đọc nó ta càng thấm thía tấm lòng trăn trở của ông với quê hương đất nước, về số phận con người cùng với sự tha hóa của nó. Ông phải gióng lên hồi chuông cảnh báo: Tất cả, tất cả, tất cả !.../ Là do bùn hôi nuôi dưỡng / Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng / Cũng là xương thịt của bùn tanh / Như nhân dân / Gian truân, thầm lặng, vô danh / Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ…Khái niệm bùn hôi trong thơ ông đã chuyển từ danh từ chung sang chỉ định từ một cách cụ thể, nhằm mục đích ám chỉ. Không thể vin vào đó mà cho rằng " Phùng Quán lầm lẫn rất hồn nhiên " và " do suy diễn chủ quan, thiếu khách thể, không bám vào đặc trưng văn chương để phân tích ", như Hoàng Thái Sơn đã viết.

 

Mặt khác Phùng Quán làm thơ, thi sĩ đang thăng hoa bằng cảm hứng sáng tạo, chứ đâu phải viết nghiên cứu về ca dao, rồi phát hiện ra những vấn đề mới mà phải bám vào đặc trưng văn chương để phân tích? Như có người từng nghiên cứu nghiêm túc và đề nghị xem lại giá trị nhân văn trong truyện Tấm Cám khi đưa vào sách giáo khoa. Dù tranh cãi đến mấy vẫn thấy Hoàng Thái Sơn suy diễn tùy tiện khi đọc tác phẩm. Chưa đủ, anh còn buộc tội " Cảm thụ văn chương tùy tâm tùy tạng từng người, nhưng nếu một mình một ngựa quay lưng ngược với triệu triệu đồng bào, thì rất nên tỉnh táo xem lại. Phùng Quán cao giọng đòi tống cổ câu ca dao ra khỏi kho tàng dân gian là quyền phát ngôn của anh; nhưng dù có tống khứ, hay chôn vùi, băm vằm nó ra, thì nó vẫn sống trong lòng mọi người ". Lời lẽ ấy cho thấy Hoàng Thái Sơn thiếu bình tĩnh, ngộ nhận vội vã đối với một nhà văn từng trải, cuộc đời đầy đau khổ và tai ương. Đến đây thiết nghĩ không cần phải nhắc lại ai lầm lẫn, ai không bám vào đặc trưng văn chương làm gì nữa.

 

Bạn đọc hãy để ý trong mấy câu kết của bài thơ:

 

Nhân danh bùn

Nhân danh sen

Tôi đề nghị:

Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian !

 

Phùng Quán nhân danh từ hai phía senbùn, trong mối quan hệ bùn-sen ( theo cách phân tích của Hoàng Thái Sơn ), đủ biết sự tỉnh táo của ông khi vay mượn bốn câu ca dao trên như thế nào. Như vậy Phùng Quán không hề dụng tâm lấy bài ca dao làm cơ sở thẩm mĩ để phê phán lại nội dung của chính nó, theo lối chủ quan tư biện. Ở đây ông đã sử dụng phép ẩn dụ, làm đòn bẫy để đạt mục đích lên án những kẻ thối tha, vong ân bội nghĩa với chính người sinh ra, nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che họ; lên án những kẻ phản bội lại dân tộc, phản bội lại nhân dân. Cũng như người ta lấy Kiều để răn dạy người đời: Mình làm mình chịu kêu mà ai thương, Có tài mà cậy chi tài / Chữ tài liền với chữ tai một vần, Một tay chôn biết mấy cành phù dung...Khi ấy nghĩa của câu người vay mượn sử dụng khác với nghĩa chính trong văn bản . Người sử dụng mượn Kiều như một cái cớ thôi. Chẳng lẽ lại bắt bẻ người lẩy Kiều là trái với tư tưởng về mặt văn bản học của Nguyễn Du à?

 

Phùng Quán là nhà văn của từ hai phía: Tác phẩm và nhân cách. Ông được đông đảo người mến mộ, kính trọng. Người chưa gặp thì yêu quý qua tác phẩm, qua tìm hiểu, người gặp rồi càng quý trọng vì sự giản dị trong lối sống và bản lĩnh, quyết liệt trong sáng tạo. Tôi từng bị kiểm điểm nặng nề vì đưa Phùng Quán đi đọc thơ, nói chuyện một số nơi, dẫu tên tuổi và hội tịch của ông bấy giờ đã được phục hồi. Cách đây mấy năm ông lại được truy tặng Giải thưởng Nhà Nước về Văn học. Xin bạn đọc có thể vào mục Nhân vật của trang hnv.vn (trang web của Hội Nhà văn), hoặc trên tạp chí Nhật Lệ, Sông Hương, hay trong cuốn Phùng Quán còn đây do Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh ấn hành cùng năm 2007 có bài Phùng Quán và tôi của tôi sẽ hiểu thêm những điều tôi đã nói và viết.

 

Vậy đó, nếu ai hỏi tôi lần nữa:

- "HVT" là ai?

Tôi sẽ trả lời:

- Thì chính tên ông Hoàng Thái Sơn viết tắt theo lối Hoàng Thái Sơn, chứ còn ai vô đó nữa - Rồi cả hai cùng cười thoải mái như mọi khi chúng tôi thường ngồi bên nhau.

 

Đồng Hới, đêm 17 / 2 / 2009

Hoàng Vũ Thuật
Số lần đọc: 3385
Ngày đăng: 19.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kỷ niệm với anh Nguyễn Thái Sơn - Đông La
Cứ đến Tết là tôi muốn bỏ nhà đi... - Dư Thị Hoàn
Những câu hỏi khi cầm trên tay Pink Slip ! - Vũ Trà My
Vui hơn truyện khôi hài - Ngô Phan Lưu
Ngày lễ Thánh Valentinô : Ngày Tình Yêu - Nguyễn Hữu An
Con chuồn chuồn không buồn - Nguyễn Thị Hậu
Tôi 25 tuổi - Tiểu Anh
Dọc đường gió bụi .... - Giang Kiều
Lặng lẽ Hòn Bà ! - Phan Chính
Thánh với phàm, thiêng với tục - Nguyễn Hữu An
Cùng một tác giả
di sản (thơ)
HVT LÀ AI (tạp văn)
Tháp (thơ)
noel (thơ)
đắng (thơ)