Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
657
115.984.056
 
Làng Bạch Ngưu
Phùng Phương Quý

Ngọn nến cháy leo lét chỉ đủ soi mảng tường rêu mốc. Tượng thành hoàng làng tróc loang lổ, thờ ơ nhìn đĩa thanh long đỏ tím, mỡ màng. Khói hương lả lướt một hồi rồi cuộn bốc lên cao, ngoằn ngoèo chui qua cửa sổ nhỏ như con rồng trắng.

 

Ông Tráng đã ba lần cúi đầu làm lễ.

Bộ mặt thần hoàng vẫn bần thần lơ đãng.

Bên ngoài vọng vào líu ríu tiếng chim tu hú. Mùa vải đang chín rộ.

- Con tấu lạy thần hoàng làng Bạch Ngưu! Con tấu lạy quan thổ địa xứ Hải Lạn. Con là Hán Trọng Tráng lòng thành hương hoa cẩn cáo.

 

Ông xuýt xoa với thần hoàng rằng ba đời nay họ Hán chuyên tâm theo tục cổ của làng, năm nào cũng chung tiền góp thóc mua trâu tuyển để dự lễ hội chọi trâu rằm tháng giêng, nhưng chưa năm nào giật giải vô địch cả. Đời ông truyền đời cháu, đời cha truyền đời con kinh nghiệm tuyển trâu, luyện miếng chẳng kém gì họ khác mà sao thần hoàng không phù hộ cho chúng con chút vinh quang. Hoa thơm mỗi nhà hưởng một tí. Sao chưa đến lượt nhà con? Chiến tranh, đói khổ một thời làm mai một lễ hội cổ, mấy năm nay khôi phục lại, còn rầm rộ quy mô hơn xưa. Con chỉ cầu ngài linh thiêng cho trâu họ Hán thắng một năm nay thôi để mở mày, mở mặt với làng nước. Con kính cẩn rập đầu thỉnh lạy ơn ngài.

                  

Ông Tráng ra khỏi miếu trời còn chưa tối. Nắng tháng sáu nồng nực quãi ráng chiều đỏ rực phía thượng nguồn Lô giang.

 

*

Mũi đò chậm chạp chạm bờ sông. Người khách duy nhất loạng choạng đứng dậy bước lên, tay phải kéo theo sợi thừng. Mặt sông duềnh lên ào ào, từ mặt nước trồi lên cái lưng phàn phạt đen trũi. Đó là một con trâu đực có cặp sừng kềnh càng. Nó dừng lại, cong đuôi dạng hai chân sau, buông bèn bẹt xuống đất bãi phân lù lù nón úp.

 

Khi hoàng hôn chìm khuất hẳn, cảnh vật mờ ảo ánh trăng non. Bỏ con đường đất dẫn về làng, người đàn ông và con trâu cẩn thận lách vào lối mòn giữa bãi ngô rậm rì, xào xạc tiếng gió khua.

Cánh cổng gỗ kọt kẹt, vội vàng mở ra.

-    Bố cu Mạnh hử?

-    Vơng! Ông tránh ra! Tránh ra!

 

Ông Tráng vội nép vào một bên, vẫn kịp lia đèn pin về phía lù lù bóng đen, bắt gặp cặp sừng cánh cung nghênh ngang và con mắt lồi bắt ánh đèn sáng rực. Cái mông con trâu quệt vào một bên cửa, có tiếng đổ rầm.

-    Thôi! Gãy bố nó cánh cổng  của tao…

Ông Tráng rên rẩm.

- Tiếc gì nữa! Cánh cổng từ đời cụ nội, mọt nó xơi rỗng bên trong còn đâu. Năm nay trâu nhà mình vào được chung kết, ông mua gỗ vàng tâm mà thay đi.

 

Con trâu đã buộc cạnh cây rơm sau bếp, nó kéo rơm roàn roạt, chắc là đi đường xa, đói.

- An toàn hả bố cu?

- Vơng! Nhưng vất quá. Con tìm theo địa chỉ ông vẽ, đi xe khách, xuống lại xe ôm, rồi cuốc bộ mười mấy cây số mới đến cái bản người Thái. Xa bỏ xừ!

- Bây giờ còn tiện xe cộ. Hồi tao đóng quân ở Đô Lương toàn xe căng hải thôi.

- Hồi chiến tranh nói làm gì. Thời này rồi mà đường xá vẫn khốn nạn quá. Con vừa vào bản thấy ông này đang kéo gỗ, mê ngay. Ngắm một lúc thấy nóng râm ran người. Sao lại có con trâu đủ cả mấy tiêu chuẩn “ức rộng; háng to; cổ cò; đuôi trai; đít nhót. Lưng tôm bà, sừng cánh cung”.  Trả hai chục họ không chịu, cuối cùng ngã giá 23 triệu đấy.

Ông Tráng cũng thấy râm ran trong người. Đây có lẽ là cơ hội ngàn năm của nhà họ Hán. Mấy năm trước bố cu Mạnh lặn lội lên Sơn La, Tuyên Quang tìm trâu về luyện, công phu vất vả lắm mà có Hội chỉ tới giải ba là cùng. Rồi ông đêm nằm vắt tay lên trán, nhớ lại bản người Thái Quỳnh Phương ở Nghệ An. Một tháng đóng quân chờ đi B ở đấy, ông gặp những con trâu đực đen bóng như quả sim chín, ức rộng, chân to lầm lũi kéo gỗ, làm nhói lên nỗi nhớ quê mùa lễ hội chọi trâu tháng giêng. Giờ thì con trai ông đã lần theo trí nhớ cũ của người lính, tìm mua được một ông trâu ưng ý.

- Còn một tiêu chuẩn nữa, mai ban ngày tao kiểm tra xem. Nếu được, đảm bảo nhà mình hội này giật giải, không cần bàn cãi gì cả.

 

Mờ đất, ông Tráng đã dậy, lom dom đi quanh con trâu vẫn nằm bỏm bẻm nhai lại rơm sau bếp. Bố con ông quyết định giữ bí mật về ông trâu năm nay. Dân chọi trâu thính tai, nhanh mắt lắm, chỉ nhìn thoáng qua là biết ông trâu này có miếng khoá cổ hay móc hầu. Chỉ đi sát bên cạnh nghe hơi thở của trâu chọi là biết con này trường sức hay trống hơi. Ông kéo mũi trâu dậy, bẻ một cây sắn rào rồi xua nó chạy quanh vườn. Con trâu ngúc ngoắc cặp sừng tỏ vẻ không hiểu việc làm của ông chủ mới. Nó đủng đỉnh bước, lè lưỡi khoắng một nạm dây lang, bị mấy cây vào lưng nó bỗng tế lên chạy vòng quanh vườn, đạp bừa lên những luống hành, khoai lang …nát bét. Ông Tráng nắm chặt dây thừng, sấp ngửa chạy theo con trâu, được hơn hai vòng ông buông thừng ngồi bệt xuống đất, mồm mũi tranh nhau thở. Con trâu được tự do, chồm chồm mấy bước vào giữa bãi khoai lang, khoắng mấy miếng trụi hết nửa luống. Cố chống tay ngồi dậy, ông Tráng bước vội về phía con trâu, căng tai nghe ngóng. Chạy hai vòng quanh vườn mà hơi thở nó nhẹ như không. Ông chồm tới phát cả hai tay vào mông trâu, miệng hổn hển:

- Nhất hạng rồi! Giải nguyên rồi ông ơi!

Ông trâu bị bất ngờ lại cong đuôi tế lên, nhảy sang bãi đu đủ, đạp đổ mấy cây lúc lỉu quả xanh.

 

Bà Tráng từ cửa bếp bước ra, tru tréo.

- Giời ơi! Ông phá nát vườn rau của tôi rồi. Phát cuồng lên vì trâu với ngựa phải không?

- Im mồm! Đàn bà biết gì. Thằng bố cu Mạnh đâu?

 

Trong nhà, tiếng điếu cày rít roen roét. Bố cu Mạnh nói vóng ra:

- Biết rồi! Con nhìn thấy rồi! Ông cũng “hăng cà pháo” thật, dám chạy theo nó. Không ngã dập cà là may đấy.

Tiếng lẩm bẩm một mình. “Thằng này mà ra tay, gạo xay ra cám. Cái quan trọng nhất là phải giữ kín việc mua trâu chọi. Hở ra làng kéo nhau đến tham quan là nguy lắm. Bà cấm hớt lẻo với ai. Rau cỏ, cám bã nuôi trâu cứ kệ con. Ông chỉ cố luyện cho nó mấy đòn hiểm”. Bà Tráng nhổ toẹt bãi quết trầu, hai ngón tay quén mép.

- Thây cha chuyện trâu bò nhà mày. Mấy năm nay tốn kém không biết bao nhiêu tiền bạc rôì mà vẫn chưa sợ.

 

                                  *

    Làng Bạch Ngưu có tục chọi trâu từ nghìn năm nay. Lễ hội cổ truyền chứ chuyện chơi ư! Theo thần phả để lại trong đình làng, nguồn gốc hội chọi trâu bắt đầu từ tích có hai con trâu trắng xuất hiện trong làng đúng dịp rằm tháng giêng, chúng húc nhau dữ dội hai ngày không phân thắng bại. Chiều hôm sau, cả hai con nhảy xuống sông Lô đánh nhau một chặp nữa rồi từ từ lặn mất.  Chức dịch trong làng đem việc này tâu lên vua Hùng. Thấy sự lạ, nhà vua cho đặt tên mới là làng Bạch Ngưu, truyền cho các giáp trong làng tuyển chọn trâu đực khoẻ mạnh đem ra chọi giữa làng để nhớ lại tích trâu trắng.

Bẵng đi gần một thế kỉ bị mai một, lễ hội chọi trâu được khôi phục mang lại niềm say mê đến phát cuồng của dân làng. Hậu duệ của những sới trâu tiếng tăm có dịp tìm hiểu, phát huy kinh nghiệm tài năng của tổ tiên. Họ Hán nhà ông Tráng cũng âm thầm nuôi chí phục danh, mà chưa năm nào toại nguyện. Ông trâu mua từ Nghệ An ra bất ngờ làm bừng dậy hi vọng trong lòng hai bố con.

Ngón nghề mỗi nhà một khác. Ông Tráng sáng nào cũng hùng hục cố theo con trâu chạy hai, ba vòng quanh vườn. Rau, khoai bị dẫm nát bét. Ông cười nịnh bà.

- Năm nay ông trâu nhà mình nhất định thắng. Tôi đền bà vườn rau mười triệu.

 

 

Bà Tráng bĩu cái môi đỏ thẩm nước trầu. “Quệt vôi vào cái miệng này nhé. Không có mười triệu cho hai bố con nhà ông ra ngủ chuồng trâu, tôi với cu Mạnh hai bà cháu ngủ trong nhà”.

Ông gật gật đầu. Nhất định! Nhất định!

 

Bố cu Mạnh ngày nào cũng la cà khắp làng, thuốc lào chuyện hão chán mới đi kiếm lá ngô và cỏ bồ mật về cho trâu. Người làng tò mò hỏi năm nay sao không thấy trâu nghé gì? Anh chán nản lắc đầu. Năm nào cũng loại. Thối chí rồi.

 

Trưa nay bố cu Mạnh vừa ngồi phệt xuống mâm cơm đã xì ra một câu.

-    Đáng ngại!

-    Ngại gì hở mày?

-  Ông trâu nhà Toàn trông cũng đô con, vòng ngực hai mét ba, rộng hơn vòng ngực ông trâu nhà mình mười phân. Trâu Tuyên Quang đấy. Nó đã  đăng kí với làng rồi.

Ông Tráng dừng miếng cơm đang nuốt, nói cứng. Ba mươi chưa phải là Tết. Còn ông nào ngang phân nữa? Bố cu Mạnh ngẫm nghĩ, đánh giá, rồi nhất quyết. Chỉ có con ấy thôi. Đám kia chấp một mắt.

 

Miếng khoá cổ được luyện kĩ nhất. Miếng hiểm này không phải đối thủ nào cũng tập được vì còn phụ thuộc vào cặp sừng rộng hay hẹp. Cổ trâu chọi to và chắc, nếu vòng cung sừng đủ rộng mới có thể lừa móc lọt. Đã dính đòn khoá cổ, chỉ cần giữ miếng vần cho đối phương mệt rồi lấy sức chuyển thế quật xuống, sẽ bị ngã ngay. Lúc ấy vừa dùng sừng vừa dùng trán giữ chặt, to bằng voi đố ngóc đầu lên được.

 

Ông trâu nhà họ Hán qua mấy tháng được chăm bẵm béo khoẻ, tròn lẳn, da căng mọng. Tất cả như lột da mới lại, trừ vết chai to tướng trên cổ do mấy năm kéo gỗ. Ông Tráng xem răng, thấy trâu này tròn 6 tuổi, đang sung sức. Mỗi lần hoà cám cho trâu ăn, chiếc lưỡi to dài đỏ hồng thè ra, chầm chậm liếm bắp chân ông từ dưới lên trên. Cảm giác ram ráp, ấm nóng từ bắp chân lan lên ngực, lên đầu làm ông đê mê, thích thú. Sáng nào cũng thế, ông chủ đứng cho trâu chọi mát-xa chân chừng mười phút. Con trâu cũng nghiện vị mặn mồ hôi từ làn da sạm đen của chủ. Sự giao cảm giữa vật và người sâu đậm như tình bạn. 

 

Bố cu Mạnh đi xới ngô về, vẻ mặt đầy lo lắng.

- Nhà Lưỡng có một ông mới đem về, nhưng giấu kĩ như nhà mình. Kể mà biết qua về trâu nhà nó mình cũng đỡ lo.

 

Ông Tráng cười giọng Tào Tháo.

- Thế thì còn gì là bí mật. Cứ cho là ngang sức ngang tài với ông trâu nhà mình, lúc vào trận mới hấp dẫn.

 

Cứ nói sõng miệng thế cho ra vẻ vô tư, chứ ông Tráng dám chắc chín mươi phần trăm phần thắng cho nhà mình. Chiều, ông chắp tay sau đít đoảng một vòng quanh thôn, nghe ngóng. Đúng là không khí hội làng. Còn hai tháng nữa mới Tết mà bốn thôn trong làng râm ran chuyện chọi trâu. Chỗ nào cũng nói đến trâu. Gặp nhau mở miệng là hỏi trâu nhà Cam, nhà Quýt mua ở đâu, vóc dáng có chuẩn không? Ra trụ sở uỷ ban xã, hai trưởng thôn gặp nhau trong nhà vệ sinh cũng vừa cầm chim đái vừa hỏi nhau trâu bên ấy thế nào? Về nhà ngồi xuống mâm cơm là vợ chồng, cha con bàn tán, so sánh trâu nhà Mít to hơn trâu nhà Cọ…Ông Tráng nghe ngóng chán, chưa thấy thông tin nào đáng lo ngại.

 

Vừa bước ra chuồng trâu, ông thấy bố cu Mạnh đang cầm thừng sát mũi kéo ngược miệng trâu lên, tay kia dốc một chai nước vào họng.

-    Cho trâu uống nước gì thế mày?

-    Rượu!

-  Không được! Sao to đầu mà ngu thế? Đổ rượu vào hỏng trâu đi chứ!

-    Kinh nghiệm đấy ông ạ. Ra trận có tí rượu nó mới hăng.

-  Là những con hơi yếu và nhát người ta mới đổ rượu, nó hăng lúc đầu chiếm thế thượng phong thôi. Trâu nhà mình cần gì rượu. Bố mày đổ rượu thế lúc gặp con ngang cơ chóng bị mệt lắm.

Ông giật chai rượu ném ra vườn. Vớ vẩn! Đúng là “khôn đâu đến trẻ…”.

 

*

Tết qua vèo vèo, mấy cành đào trên bàn thờ không kịp trổ nụ thành hoa. Trẻ con chưa kịp dây bẩn bộ quần áo mới. Cả làng ngong ngóng sớm đến rằm tháng giêng. “Tết cả năm không bằng rằm tháng giêng”, đến ngày rằm làng Bạch Ngưu mới thực sự ăn Tết. Cỗ bàn sắm sửa to hơn, bánh trái, rượu thịt để dành từ trong năm hôm ấy mới dùng đến, khách xa bạn gần lúc đó mới được mời mọc đến ăn Tết với gia đình. Quan trọng hơn là việc khai xuân lễ hội chọi trâu.

 

Sáng mùng ba Tết, sau khi hoá vàng tiễn tổ tiên, ông Tráng đem  cho trâu chọi bảy lát bánh chưng, một thau nước nóng pha chút muối rồi buộc lên sừng ông trâu mảnh vải đỏ. Chiều hôm rằm, ông khăn đóng áo dài the ra đình làm lễ với các cụ. Cây đào cổ thụ trước sân đình uốn mình sù sì, từng chùm hoa năm cánh nở bung, rực rỡ. Năm nay ông Tráng được làng cử vào đoàn các cụ thỉnh lễ sang đền Hùng. Mâm lễ nhỏ gồm bánh, rượu, chè thuốc trùm mảnh vải đỏ được một thiếu nữ đội đi trước, chín ông già ô gậy thong thả đi sau. Bờ sông Lô xanh mướt lá ngô non, nước sông lặng lẽ soi bóng chiếc thuyền nan rời bến. Khí trời còn se lạnh, bên kia bờ, màn sương mảnh mai ngai ngái mùi lá dong bánh chưng.

 

Họp làng xong, ông Tráng thấy người mệt mỏi nên cáo lỗi về trước, không dự lễ khuya. Ông muốn về nghỉ lấy sức cho ngày mai vào hội chọi trâu. Ngày 23 tháng chạp, ông cho bố cu Mạnh chính thức đăng kí trâu chọi. Ban tổ chức bổ ngửa vì bất ngờ, tưởng năm nay họ Hán bỏ cuộc ai ngờ kín tiếng thế. Ông trâu nhà họ Hán mang số 24, số chót trong hội chọi. Nhà Lưỡng tưởng gan lì, nhưng cũng nhấp nhổm đăng kí trước nhà ông mấy ngày. Ông trâu số 23 ấy, có thể là đối thủ cuối cùng của trâu nhà họ Hán.

 

Mấy chén rượu xuân làm ông Tráng tăng huyết áp, thái dương giật bình bịch. Ông ra chuồng trâu, vuốt ve cặp sừng rộng của ông trâu, dặn dò.

-  Cố lên ông nhé. Năm nay ông rửa mặt cho họ nhà Hán tôi đấy.

 

Cái lưỡi nóng hổi, ram ráp liếm liếm bàn tay ông như sự đồng tình.

Giấc ngủ mê mệt, mộng mị. Ông Tráng nằm mơ thấy mình đang lao sấp ngửa giữa những bức tường gạch đổ. Khói đạn mù mịt, chớp lửa nhoàng nhoàng. Ông cố nâng khẩu B40 lên kê vào khe tường đổ, phía trước là ổ đại liên địch quét đạn ràn rạt về mũi tấn công của đơn vị. Mấy bóng đồng đội ngã gục, máu đỏ vương trên hè phố. Tráng đã bắn viên đạn thứ 7, tai bị ù đặc, chảy máu. Viên đạn thứ 8 chỉ thấy giật nhói trên vai, một luồng lửa lao thẳng vào ổ đại liên. Chớp loà, gạch đá và thân người tung lên. Tráng cũng gục xuống ngất đi.

 

Ông choàng thức dậy vì giấc mơ Tết Mậu Thân kinh hoàng, đầu nhức nhối. Ngoài đình làng vọng tiếng chiêng trống buổi lễ mới. Ngày lễ hội sắp bắt đầu. Tự nhiên mọi ham mê chiến thắng trong ông tan biến. Ông lắc đầu cố xua đi hình ảnh mấy võ sĩ trâu bị đập đầu lột da sau khi phân thắng bại. Sao lại thế nhỉ? Kẻ thua, người thắng đều bị giết thịt đem bán cho thiên hạ lấy khước đầu năm. Chiến thắng như vậy chẳng có ích gì cả. Ông chợt thèm sự ấm nóng ram ráp của cái lưỡi trâu. Con trâu đẹp quá, giá mà để nó lại làm giống cho bầy trâu làng. Nhưng không thể được. Lệ làng thế rồi. Thắng hay thua đều phải chết. Ông lo sợ, tung chăn ngồi dậy. Làm sao cứu được con trâu nhỉ? Đầu ông lại nhức buốt. Hồi trẻ ông có đọc truyện gì về con trâu nhỉ. Cái sân gạch hay gì gì đó. Một ông nông dân đem dắt trâu giấu đi vì không muốn biến nó thành của chung Hợp tác xã. Hay là mình cũng làm thế? Nhưng giấu con trâu năm, sáu tạ ở đâu đây? Kệ! Cứ dắt nó tránh xa cuộc tử chiến ngày mai đã.

 

Rón rén khoác thêm chiếc măng tô dạ, ông Tráng lặng lẽ cởi thừng dắt con trâu ra ngõ. Bước chân nó huỳnh huỵch trong đêm.

-    Ông cho trâu ra sới sớm thế ư?

-    Ờ! Cho ông ấy uống nước ăn cám sớm cho khoẻ.

                    

Ông trả lời bà vợ mà trong lòng nhồn nhột lo lắng. Bóng người ập vào ngõ làm ông giật mình quát lên.

-    Ai đới?

-   Con! Ông lại ra đình à? Tàn cuộc rồi, con vội về chuẩn bị cho ông trâu nhà mình. Hồi hộp quá ông nhỉ. Ối giời! Ông dắt trâu ra rồi à.

 

Ông Tráng đắng miệng. Bố cu Mạnh về thật đúng lúc. Ông trâu khó thoát chết hay là họ Hán đến ngày được lưu danh? Bây giờ ông không muốn gì cả, chỉ muốn con trâu không phải chết. Mấy tháng chăm bẵm nó, ông biết đây là giống trâu quý. Giải nhất năm nay là 20 triệu, chưa bằng giá mua trâu ban đầu. Nhưng tiền bạc không bằng cái danh, dù sau đó xẻ thịt ông trâu bán 350-400 nghìn đồng một cân cũng thu về bảy, tám chục triệu. Nhưng ông không muốn nhìn thấy máu con vật thân thiết này.

-    Bố cu…thầy định…thôi không chọi trâu nữa…

-  Giời ơi! Ông thần kinh à? Trâu nhà mình năm nay nhất nhì bảng, sao lại bỏ? Còn ba chục triệu vay ngân hàng làm thế nào?

- Thầy xin anh. Thầy tiếc con trâu quá! Rồi thầy góp lương hưu lại trả ngân hàng cũng được, chỉ năm rưỡi là đủ thôi bố cu ạ…

-  Không được! Nhà mình mấy đời nay mới có cơ hội mở mặt với làng, thầy làm thế con nhảy xuống sông tự vận cho xong.

 

Nó đã nói thế thì còn biết làm sao. Chẳng lẽ coi mạng trâu quý hơn mạng con. Sợi thừng dùng dằng mãi mới chuyển sang tay bố cu Mạnh. Con trâu dạng chân cong đuôi buông một bãi nóng hổi trước ngõ rồi lắc lắc cặp sừng bước đi. Chợt nó nghé ọ một tiếng như chào ông già.

 

Tiếng trống gõ dồn, tiếng reo hò rầm rập từng đợt như những lớp sóng ập vào căn buồng kín. Trận đấu ngoài sới đang vào giai đoạn hồi hộp gay cấn. Hội năm ngoái 2 ông trâu số 10 và số 21 vào chung kết cả buổi chưa phân cao thấp, đuổi nhau cả xuống hồ thuỷ chiến. Ông 24 nhà mình năm nay gặp ông nào? Nghĩ thế nhưng đầu ông Tráng đau quá, như muốn nổ tung. Gan như ông mà có lúc phải rên lên mấy tiếng. Cơn đau mới chớp loà như ánh lửa đạn B40 chụp xuống làm ông kêu to một tiếng.

 

Tiếng trống đã lặng xuống. Một đoàn người rồng rắn, hò hét man dại tiến vào ngõ, đi đầu là bố cu Mạnh với chiếc đầu trâu loang lổ máu trên vai.

- Thầy ơi! Ông trâu nhà mình giải nguyên rồi. Họ hàng ơi! chiến thắng rồi.

 

Cặp mắt thất thần mở to của ông trâu, người chiến thắng trong lễ hội năm nay, nhìn chòng chọc vào cánh cửa nhà khép hờ. Mọi người reo hò xô cửa bước vào. Bố cu Mạnh hốt hoảng vứt cái đầu trâu xuống nhào về phía giường.

- Giời ơi! Thầy tôi sao thế này?

Ông Tráng dáng nằm vật vã. Chắc ông mới đi chưa đầy tiếng đồng hồ./.

Phùng Phương Quý
Số lần đọc: 1935
Ngày đăng: 22.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cặp truyện ngắn sinh đôi - Trương Thái Du
Người đàn ông cùi - Nguyễn Minh Phúc
Người đàn bà và cái tổ sẻ ri - Vũ Minh Nguyệt
Chim chào mào - Nguyễn Khắc Phước
Thiên nga trắng. - Văn Xương
Một đêm ở quê nhà… - Mang Viên Long
Nữ võ sĩ huyền đai - Đỗ Ngọc Thạch
Lilia Nguyễn ở thành Rome - Minh Thuỳ
Người say - Khôi Vũ
Con gái viên Đại Úy - Đỗ Ngọc Thạch