Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
491
116.593.345
 
Ngôn ngữ và luận lý học
Nguyễn Ước

I. Vai trò của ngôn ngữ -II. Ngôn ngữ và sự chắc chắn -III. Ngôn ngữ và nhận thức -IV. Tri thức và ngôn ngữ -V. Triết học có tính ngôn ngữ học

 

I. Vai trò của ngôn ngữ

 

Ngôn ngữ là một hình thức phát biểu của con người bằng lời nói và chữ viết. Ðối với các ý tưởng và các khái niệm triết học, ngôn ngữ là chiếc xe chuyển tải chúng. Thế nên người ta thường có khuynh hướng cho rằng ngôn ngữ tuy thiết yếu nhưng chỉ đóng vai trò thứ yếu do bởi nó truyền đạt những gì đã biết sẵn. Thật sai lầm khi nghĩ như thế vì các chủ đề triết học vốn phát sinh từ bên trong ngôn ngữ, và thông thường, chúng là hậu quả của cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ.

 

Trong triết học, có một câu hỏi căn bản là "Khi dùng chữ đó, tiếng đó, chúng ta muốn nói lên điều gì hoặc có ngụ ý gì?" Người đặt câu hỏi như thế có ý muốn biết nhiều hơn một định nghĩa, nghĩa là muốn vào sâu bên trong ngôn từ để tìm cho ra mối tương quan giữa điều được chúng ta quan tâm và những gì còn lại của ý tưởng và ngôn ngữ của người phát biểu. Do đó, ngôn ngữ được chúng ta sử dụng tô màu lên cách thức chúng ta suy tư và trải nghiệm thế giới.

 

Ba vấn đề khảo sát

 

Bởi vậy, người khôn ngoan tinh tế luôn luôn nhận biết và ý thức vai trò của ngôn ngữ khi họ triết học hóa một đề tài nhất định, nghĩa là khi họ nhìn khía cạnh triết lý của đề tài, suy tưởng và lý thuyết hóa nó. Tuy thế, trong khi xem xét ngôn ngữ, bạn cần khảo sát ba vấn đề hoàn toàn khác nhau:

 

1. Triết học ngôn ngữ (philosopy of language): Xem xét ngôn ngữ là gì, nó thao tác ra sao, làm thế nào một lời phát biểu có ý nghĩa, làm thế nào để nói một cách sáng sủa hoặc làm thế nào xác minh nội dung của nó;

 

2. Triết học có tính ngôn ngữ học (linguistic philosophy): Cách thức suy tưởng vấn đề bằng việc phân tích những lời phát biểu còn phải bàn cãi;

 

3. Luận lý học (logic): Khảo sát cấu trúc của luận cứ hoặc kết luận, xem chúng có liền lạc với tiền đề hay không.

 

II. Ngôn ngữ và sự chắc chắn

 

Trong vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ, điều quan trọng nhất là "xác minh". Làm thế nào bạn có thể chứng minh rằng lời phát biểu của mình, hoặc của ai đó là đúng. Thông thường, ta có hai cách:

 

1. Bạn có nói lên nhiều chứng cớ tương ứng với mỗi từ ngữ bạn dùng không? Người duy nghiệm chủ nghĩa hẳn khuyến khích bạn làm như thế. Người giảm thiểu chủ nghĩa reductionism) hẳn chỉ nói rằng phát biểu của bạn vô nghĩa nếu bạn không thể diễn tả nó thành ngôn từ. Cả hai cách ấy đều giả định rằng ngôn ngữ có chức năng hình dung – "chụp hình" (picturing) – hoặc chỉ tới (pointing).

 

2. Bạn có hướng sự chú ý tới tính luận lý nội tại (internal logic) của điều bạn đang phát biểu không? Nếu như thế, chân lý của nó không lệ thuộc vào chứng cớ.

 

Nó có ý nói gì ?

 

Trong một chương trước, chúng ta đã phân biệt thế nào là lời phát biểu phân tích (analytic statement) và thế nào là lời phát biểu tổng hợp (synthetic statement). Nhưng ngôn ngữ vốn phức tạp: một câu vè, một lời nói đùa, một mệnh lệnh, một lời khuyên đạo đức hoặc những tiếng âu yếm thầm thì của đôi kẻ yêu nhau, đều có thể xua đuổi lẹ làng bất cứ lý thuyết đơn giản nào về sự xác minh. Ðiều chúng ta cần làm là chuyển dịch từ câu hỏi "Nó có đúng không đấy?" sang một chủ đề rộng hơn, đó là "Nếu có, nó có ý nói gì?"

Trong chương 2, khi khảo sát cuộc truy tầm sự chắc chắn, chúng ta đã nhìn Descartes – kẻ bắt đầu từ bản thân như một hữu thể tư duy – và nhìn lối tiếp cận mang tính duy nghiệm chủ nghĩa. Chúng ta đã thấy cách Kant nhận diện sự đóng góp của tâm trí vào tiến trình am hiểu của chúng ta về thế giới. Chúng ta cũng đã trở lại với Plato và ghi nhận cách thức mà đối với ông, vẻ ngoài của thế giới chỉ là màn trình diễn của những chiếc bóng và thực tại thì hiện hữu trong thế giới của các "hình thái". Nếu không biết một cách chính xác thế giới giống như cái gì, làm sao chúng ta có thể biết ngôn ngữ của chúng ta có phản ánh chính xác nó hay không?

Tiêu chuẩn khoa học và ngôn ngữ

 

Có lẽ khoa học tạo được ảnh hưởng lớn lao nhất trong quá trình hình thành cuộc sống hiện đại. Khoa học đặt căn bản trên sự quan sát thế giới và dùng dữ liệu kinh nghiệm mà nó thu thập được từ quan sát, để lập nên giả thuyết. Với thành quả rõ rệt của khoa học, các triết gia dễ xiêu lòng, thiên về khuynh hướng xem khoa học, trong phạm vi nào đó, là hệ qui chiếu cho cách thức có thể sở đắc tri thức như một toàn bộ.

 

Vì khoa học đặt cơ sở trên quan sát nên mỗi lời tuyên bố của nó đều được sự hậu thuẫn liến quan tới một loại dữ liệu nào đó. Không có dữ liệu thì không có khoa học. Do đó, ngôn ngữ mà khoa học dùng được biện minh trong tương quan với các khách thể ngoại tại (external objects). Nó "chụp hình" chúng. Một lời phát biểu được xem là đúng khi nó tương ứng với cái được quan sát, và là sai khi nó không tương ứng. Nhưng liệu có thể đem tiêu chuẩn xét nghiệm ấy áp dụng cho toàn bộ ngôn ngữ không?

 

Từ cái không thể nói nên lời

 

Là một triết gia người Áo nhưng Ludwig Wittgenstein (1889-1951) tiến hành hầu hết công trình triết học của mình ở Anh, tại Ðại học Cambrigde. Nghiên cứu dưới trướng của Bertrand Russell, ông có ấn tượng sâu sắc về các công trình được Gottleb Frege (1848-1925), Alfred N. Whitehead và Russell thực hiện trong toán học và luận lý học.

 

Bản thân Whitehead đã cùng với Russell viết cuốn Principia Mathemathica (Nguyên lý toán học, 1910-1913), một tác phẩm quan trọng, với hoài bảo thiết lập các cơ sở luận lý cho toán học. Cả hai nhà tư tưởng ấy lập luận rằng luận lý học và toán học đều có tính khách quan chứ không chủ quan; nghĩa là chúng mô tả các đặc điểm của thế giới ngoại tại chứ không trình bày những cách thức hoạt động của tâm trí.

 

Wittgenstein cho rằng ta có thể xem như đã giải quyết xong các vấn đề triết lý một khi ngôn ngữ được dùng để diễn tả chúng tương ứng với thế giới hiện tượng, cả về mặt luận lý lẫn về mặt chứng cớ biện minh cho những gì được phát biểu.

 

Trong lời mở đầu cuốn Tractatus (Chuyên luận, 1921), tác phẩm gây ảnh hưởng lớn lao của ông, Wittgenstein đồng hóa thế giới với những mệnh đề đúng: "Thế giới là toàn thể những gì đúng như thế" (the world is all that is the case). Nhưng ông cũng đành phải thừa nhận rằng, do đó, trong thế giới ấy, có những cái nhất định ta không thể diễn tả thành ngôn từ.

 

Theo ông, một trong những cái đó là bản thân chủ thể: "Chủ thể không thuộc về thế giới; đúng hơn, nó là một giới hạn của thế giới". Ông còn thấy thêm một cái nữa, đó là "cảm giác bí nhiệm về thế giới như một toàn bộ". Bất cứ cái gì mà ta không thể chứng minh rằng nó tương ứng với một thực tại nào đó có thể quan sát được, thì nó là cái ta không thể phát biểu đầy đủ ý nghĩa về nó.

 

Trong việc diễn tả thế giới hiện tượng, lối tiếp cận sớm sủa ấy của Wittgenstein vào ngôn ngữ đã cho thấy tính chất công cụ chính xác nhưng rõ ràng là chật hẹp của ngôn ngữ.

 

Tới thuyết thực chứng luận lý

 

 

Các ý tưởng của Wittgenstein được Câu lạc bộ Vienna tiếp nối. Họ gồm một số triết gia tụ họp nhau tại thủ đô ấy của nước Áo trong hai thập niên 1920 và 1930 trước khi phải bôn đào sang Anh Mỹ lánh nạn Ðức quốc xã. Họ sử dụng lối tiếp cận, được đặt tên một cách tổng quát là thuyết thực chứng luận lý (logical positivism).

 

Ðại khái thuyết ấy cho rằng:

 

1. Các mệnh đề phân tích (analytic propositions) không nói cho chúng ta biết chút gì về thế giới. Chúng đúng do bởi định nghĩa, và do đó, chúng là những trùng phức hoặc lập thừa (tautologie), tức là lặp lại nhiều lần một cách không cần thiết, hoặc nói bằng nhiều cách khác nhau về cũng chỉ một cái nhưng không làm cho nó rõ nghĩa hơn hoặc nổi bật hơn. Các mệnh đề loại này bao gồm những phát biểu trong luận lý học và toán học.

 

2. Các mệnh tổng hợp (synthetic propositions) thì lệ thuộc vào chứng cớ. Vì thế, có thể không nhất thiết phải có các mệnh đề tổng hợp.

 

3. Siêu hình học quả thật, theo nghĩa đen, là "hoàn toàn vô nghĩa" vì những phát biểu của chúng không phải là các vấn đề mang tính luận lý học, và do đó, chúng đúng do bởi định nghĩa – chúng có tính tiên nghiệm (a priori) – và ta cũng không thể chứng minh chúng bằng chứng cớ thực nghiệm.

 

Nguyên lý Xác minh

Moritz Schlick (1882-1936), triết gia trong Câu lạc bộ Vienna, lập luận rằng "ý nghĩa của lời phát biểu là phương pháp xác minh nó" (the meaning of a statement is its method of verification). Luận cứ này trở thành nổi tiếng với lối gọi là Nguyên lý Xác minh (Verification Principle).

Thuyết thực chứng luận lý được sự cổ động nhiệt liệt của triết gia Anh Alfred J. Ayer. Trong cuốn sách quan trọng của mình có nhan đề Language, Truth and Logic (Ngôn ngữ, chân lý và luận lý học, 1936), ông đặt câu hỏi "Triết học có thể làm gì?" Và ông trả lời rằng triết học không thể nói một cách chắc chắn cho chúng ta biết về bản tính của thực tại, như thế, nói cách khác, triết học không thể cung cấp cho chúng ta siêu hình học. Nếu muốn biết về thực tại, chúng ta phải tự mình dựa trên bằng chứng của giác quan. Triết học thật sự không thể cung cấp thông tin mới mẻ về bất cứ cái gì nhưng nó có một công tác quan trọng và phải làm một mình, đó là phân tích và xác minh.

Triết học nhìn ngôn từ người ta sử dụng và nó phân tích chúng, trình bày các hàm ý có tính luận lý của chúng. Bằng việc thực hiện công tác đó, triết học làm sáng tỏ các tư tưởng rối rắm lộn xộn.

Hai dạng xác minh

 

Ayer trình bày hai dạng của Nguyên lý Xác minh:

 

a. Một mệnh đề có thể xác minh được nếu hoặc chỉ nếu chân lý của nó được thiết lập một cách xác quyết trên cơ sở kinh nghiệm. Ðây là dạng mạnh.

 

b. Một mệnh đề có thể xác minh được nếu theo kinh nghiệm, nó khả dĩ có thể xảy ra, hoặc nếu có thể có một kinh nghiệm giác quan nào đó thích đáng với sự quyết định cái đúng hoặc cái sai của nó. Ðây là dạng yếu hơn.

 

Ứng dụng của hai dạng

 

Những phát biểu khác dĩ nhiên cũng có ý nghĩa, nhưng Ayer chỉ quan tâm tới các phát biểu có "ý nghĩa sự kiện" (factual meaning) – nói cách khác, nếu không có kinh nghiệm nào thích đáng với cái đúng hoặc cái sai của một lời phát biểu, lúc đó lời phát biểu ấy không có ý nghĩa thật sự.

 

Ông lập luận rằng mọi mệnh đề xác thực đều có khả năng không đúng thì sai, hoặc trùng phức – nói cách khác, đúng do bởi định nghĩa, hoặc do bởi giả thuyết có tính thực nghiệm, là cái khiến cho một lời tuyên bố có thể xác minh được bằng kinh nghiệm. Vì lý do đó, toàn bộ siêu hình học bị đánh giá là vô nghĩa vì những tuyên bố của nó khiến cho các phát biểu của nó vừa không đúng do bởi định nghĩa vừa nằm ngoài sự xác minh thực nghiệm.

Về dạng mạnh, ta có thể nêu một thí dụ. Khi tôi dưa ra lời phát biểu rằng "Có ba người đang ngồi trong phòng bên cạnh". Lời ấy có nghĩa rằng nếu bạn vào phòng kế bên, bạn sẽ thấy trong đó có ba người đang ngồi.

 

Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng có thể kiểm tra dễ dàng các thông tin thuộc dạng mạnh. Khi không có sẵn bằng cớ, người ta cho rằng điều quan trọng là phải định rõ loại thông tin nào có lợi hoặc bất lợi cho lời phát biểu.

 

Về dạng yếu, ta có thể nêu một ví dụ. Khi tôi đưa ra lời phát biểu rằng "Trong vũ trụ, ngoài quả đất, có những hành tinh khác có sự sống". Lời ấy có nghĩa rằng nếu bạn có thể xem xét hết thảy các hành tinh trong vũ trụ, bạn sẽ tìm thấy trên đó có sự sống. Dù cho tới nay, chúng ta không có khả năng phát hiện sự sống dựa trên khí các-bon giống như sự sống ở quả đất này, nhưng một cuộc khám phá như thế có thể cho thấy rằng lời phát biểu đó đúng. Vì thế, lời phát biểu đó "có ý nghĩa".

 

Một lời phát biểu vô nghĩa nếu tự thân nó không hàm chứa điều gì có gì có lợi hoặc bất lợi cho khả năng đúng hoặc sai của nó. Trên cơ sở ấy, có thể đưa phần lớn những lời đã được chấp nhận theo ngôn ngữ tôn giáo hoặc thẩm mỹ hay đạo đức vào phạm trù "không có ý nghĩa", vì không lời nào có khả năng được xác định trong tương quan với các sự kiện cụ thể vốn có thể kiểm tra bằng quan sát. Ðây là cách giới hạn ý nghĩa của bất cứ lời phát biểu nào đối với phương thức khoa học và thực nghiệm trong việc khảo sát thế giới.

 

Nếu chỉ những phát biểu dưới dạng mệnh đề thực nghiệm (empirical proposition) mới có ý nghĩa, thì quả thật chẳng còn gì để nói nữa. Ayer chấp nhận rằng đối với ông, có những phát biểu có ý nghĩa cảm xúc nhưng chúng không có ý nghĩa theo nghĩa đen, là cái được dùng làm cơ sở cho sự chắc chắn.

 

Phê bình thuyết thực chứng luận lý

 

Chủ nghĩa thực chứng luận lý bị thách thức và nó phải đối đầu với hai vấn đề chính:

 

1. Làm thế nào tôi biết rằng cái tôi thấy đang thật sự ở đó? Tôi có thể yêu cầu kẻ khác nhìn cái đó và kiểm tra xem họ có thấy nó đúng như tôi thấy không. Nhưng có lẽ không bao giờ có thể thật sự chứng minh được rằng cái đó quả thật ở đó, vì người ta không thể nào vượt quá kinh nghiệm giác quan của chủ tri để tới bản thân khách tri.

 

2. Làm thế nào xác minh lời phát biểu rằng "Ýù nghĩa của lời phát biểu là phương pháp xác minh nó"? Lời ấy có tính tổng hợp chăng? Nếu là tổng hợp, cái gì làm bằng cớ cho nó? Loại bằng cớ nào có thể chống lại nó? Hoặc lời ấy có tính phân tích chăng? Nếu là phân tích, thì về mặt luận lý học, từ ngữ "ý nghĩa" cũng như cụm từ "phương pháp xác minh nó" chẳng nói lên được điều gì.

 

Tác dụng của Nguyên lý Xác minh

 

Việc chứng minh một thuyết không nhất quán về luận lý là một cách để bác bỏ nó, nhưng cách đó chẳng mang lại lợi ích nào khác cho nó. Trong trường hợp thuyết thực chứng luận lý, cái quan trọng là thuyết ấy biểu hiện một hình thức mạnh mẽ và đặc thù của chủ nghĩa duy nghiệm và một hình thức chật hẹp và đặc thù của ngôn ngữ.

 

Triết học góp phần vào việc biểu hiện đó bằng cách cho thấy phạm vi rất rộng rãi của các mệnh đề bị thuyết ấy đánh giá là "không có ý nghĩa". Và điều đó đòi hỏi các triết gia duyệt lại cùng mở rộng kiến thức của họ về ngôn ngữ, để những lời phát biểu vô nghĩa bằng những từ ngữ "hình dung" và giản dị ấy tiếp tục có ý nghĩa trong các phạm vi khác, như diễn tả cảm xúc, truyền mệnh lệnh, nói lên sở thích. Do đó, toàn bộ phạm vi này của ngữ học được dùng để minh họa tính chất uyển chuyển của sự truyền đạt và nhu cầu đi tới quá bên kia chủ nghĩa duy nghiệm đơn giản (simple empiricism).

 

Ðiều đó có nghĩa rằng Nguyên lý Xác minh là một kiểm tra vô giá để bảo đảm cho các lời phát biểu về sở thích hoặc mệnh lệnh cá nhân, vốn không tự cho thấy chúng như thể là những phát biểu về sự kiện, có tính thực nghiệm và rành mạch.

 

Xét lại của Ayer

 

Ðiều thú vị là tới cuối cuộc đời, như đã được minh họa ở một chương trước, trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí The Observer, Alfred J. Ayer thừa nhận rằng tư tưởng của ông chuyển dịch so với thời điểm xuất bản cuốn Language, Truth and Logic. Thí dụ, ông chấp nhận rằng ta có thể truyền đạt kinh nghiệm thẩm mỹ, thế nhưng theo ông, Nguyên lý Xác minh vẫn là định chuẩn quan trọng đối với cách thức cá biệt trong việc khảo sát triết học.

 

Ngày nay, chỉ một ít người muốn tiếp nối những lời tuyên bố táo bạo trong thuyết thực chứng luận lý của Ayer về ý nghĩa và sự chắc chắn, vì nói chung, triết học đã nhận ra bản tính cực kỳ uyển chuyển của ngôn ngữ và ý nghĩa của lời phát biểu. Tuy thế, do bởi Ayer đã tuyên bố những lời ấy từ bối cảnh của một thời đại trong đó người ta xem khoa học và toán học là hai bộ môn cung cấp những hình ảnh thích hợp cho sự sáng sủa và chính xác, nên chúng trở thành các kiểu mẫu tiếp cận mà ngôn ngữ bình thường bị ép buộc phải tuân theo.

 

Nhưng như thế thì chúng ta để vào đâu những lời phát biểu tổng quát về cách hiện hữu của thế giới?

 

III. Ngôn ngữ và nhận thức

Thế nào là một mệnh đề đúng?

 

Theo ý nghĩa nào mà một mệnh đề được công nhận là đúng? Trong chương Dẫn nhập, chúng ta đã xét và thấy rằng các lời phát biểu có thể đúng theo hai cách: hoặc do bởi định nghĩa hoặc do bởi kinh nghiệm. Cách đúng đầu gồm những phát biểu của toán học. Một khi đã hiểu rõ ngôn từ của một lời phát biểu, người ta tự nhiên biết được cái đúng hoặc cái sai của nó.

 

Nhưng khi xem xét những phát biểu dựa trên kinh nghiệm, chúng ta thấy vấn đề lại khác. Trước tiên, không có sự chắc chắn trong kinh nghiệm vì lúc nào cũng có thể bị lầm lẫn hoặc bị thông giải một cách khác. Thứ đến, thông thường chúng ta phải sử dụng ngôn từ tổng quát để diễn tả những sự vật cá biệt:

 

1. Hãy tưởng tượng một tình huống không có ngôn từ tổng quát. Làm sao bạn có thể mô tả một cái cây mà không dùng tới vài ba từ ngữ như "xanh", "vàng", "cao", "thấp", "rậm", "thưa", v.v. Không giống các danh từ riêng, mỗi từ ngữ chung ấy có một ý nghĩa có thể áp dụng cho toàn bộ tính chất đa dạng của các vật riêng lẻ. Trong thực tế, học ngôn ngữ tức là học về phạm vi có tính toàn bộ của các từ ngữ tổng quát, thí dụ danh từ chung, tính từ, v.v. mà chúng ta có thể đặt chúng liền nhau để mô tả các sự vật cá biệt.

 

2. Có phải các từ ngữ tổng quát ấy chỉ tới các sự vật hiện hữu, hoặc có phải chúng đơn giản chỉ là những danh xưng. "Công bình, chân lý, mỹ và thiện" có hiện hữu không, hoặc chúng chỉ là danh xưng của những loại sự việc hay sự vật nhất định được chúng ta chấp nhận? Chúng ta đã thấy vấn đề ấy được phản ánh trong những điểm dị biệt giữa Plato và Aristotle và trong cuộc tranh luận giữa thuyết duy thực và thuyết duy danh.

 

3. Trong khi xem xét thuyết thực chứng luận lý, chúng ta đã thấy rằng triết học đặt cơ sở trên chức năng "chụp hình" hoặc "hình dung" của ngôn ngữ. Lời phát biểu chỉ có ý nghĩa nếu chúng phản ảnh chứng cớ, hoặc cái có tiềm năng là chứng cớ, từ thế giới giác quan.

 

4. Chúng ta có thể tín nhiệm nhận thức của mình ngang mức nào?

 

5. Có phải nhận thức cũng giống như dữ liệu giác quan?

 

Tất cả là vấn đề nhận thức

 

Có những bức vẽ có thể bị một số người xem thông giải bằng những cách khác nhau, như chúng ta thường thấy trong trò chơi tranh ảnh. Người ta vẽ một hình hay nối kết của nhiều hình để người xem có những nhận thức khác nhau, tùy vào thời điểm, vị trí quan sát hoặc bối cảnh của mỗi người.

 

 

Trong các sách giáo khoa triết, soạn giả thường nêu một thí du kiểu mẫu. Ðó là bức hình có hai mặt người màu đen nhìn nghiêng, đối diện nhau, theo một khoảng cách bằng nhau. Hai đường nét của mặt mũi, miệng cằm và cổ của hai bên đối xứng nhau, ở giữa làm thành một không gian màu trắng có hình chiếc ly có chân.

 

Như thế, cái mà bạn đang thấy là hai mặt nghiêng màu đen, sắc nét của hai người đang nhìn nhau hay đó chỉ là một chiếc ly màu trắng có chân rất thanh mảnh.

 

Bạn thử cố gắng xoay chuyển nhận thức của mình từ hình ảnh mặt hai người sang hình ảnh một chiếc ly có chân – trong khi làm như thế, bạn hãy để ý tới nỗ lực tinh thần liên hệ. Bạn có cảm thấy có sự khác biệt nào giữa hai nhận thức ấy không?

 

"Kinh nghiệm như là"

 

Các trò chơi thị giác ấy minh hoạ cho tính chất không minh bạch hoặc nhập nhằng của trải nghiệm. Khi bạn vận dụng nỗ lực tinh thần để dịch chuyển nhận thức của mình từ cái này sang cái kia, bạn khám phá ra rằng thực tại của "kinh nghiệm như là", nghĩa là mọi trải nghiệm đều đòi hỏi thành tố thông giải, và rằng hành động nhìn toàn bộ một vật theo một cách độc nhất sẽ ảnh hưởng lên nhận thức về mỗi thành phần riêng rẻ.

 

Về một phương diện nào đó, điều đó cũng có thể được minh họa bằng dụ ngôn "trải nghiệm và thông giải" của năm người mù sờ voi, trong truyện cổ Kỳ Na giáo, Vương Thúy Kiều "nhìn" lầm Sở Khanh, hoặc lời cảm khái của một thiếu nữ "kinh nghiệm như là" về phẩm tính của một chàng trai, trong câu ca dao:

Ôi thôi chút nữa em lầm,

Khoai lang khô xắt lát, em tưởng cao ly sâm bên Tàu!

 

là một nan đề (dilemma), nghĩa là một tình thế tới lui đều khó giải quyết, mà phương pháp thực nghiệm nào cũng phải đương đầu với việc xác minh ngôn ngữ:

 

a. Nếu mọi trải nghiệm đều đính líu tới "kinh nghiệm như là";

 

b. Và do đó, nếu hai người có thể có hai cách thông giải khác nhau về cùng một dữ liệu;

 

c. Thì làm thế nào chúng ta quyết định giữa cách này với cách kia hoặc xác minh chân lý của những lời phát biểu ấy.

 

Thật lạ lùng là trong thuyết thực chứng luận lý, triết học lại triển khai một quan điểm chật hẹp về ý nghĩa – quan điểm về việc hình dung các vấn đề dữ liệu giác quan – ngay thời điểm khoa học đã bắt đầu nhận ra rằng có thể có hai cách khác nhau và không tương hợp trong việc nhìn sự vật; cả hai đều có thể được đánh giá là chính xác – giống như lý thuyết ánh sáng dưới dạng gợn sóng hoặc dạng hạt, đã nói ở chương trước.

 

IV. Tri thức và ngôn ngữ

 

Trong chừng mực quan tâm của các triết gia theo truyền thống Anh và Bắc Mỹ, như chúng ta sẽ thấy trong chương 9 về lối tiếp cận khác của triết học lục địa châu Âu rằng trong phần lớn thế kỷ 20, triết học bị khống chế bởi sự thảo luận về ngôn ngữ.

 

Triết học chỉ để khai quang ngôn ngữ

 

Thật thế, người ta từng có cảm tưởng rằng đó là tất cả những gì triết học quan tâm tới – còn mọi sự khác thì phó thác cho các ngành khoa học, chính trị học hoặc xã hội học. Thay vì sở hữu một nội dung xác định, triết học là một hoạt động và hoạt động ấy liên hệ tới việc phân loại ngôn ngữ cùng ý nghĩa của chúng.

 

 

Ðôi khi, người ta cho triết học vai trò khá giống viên thuốc tiêu hóa – một cái gì đó thiết yếu nhằm tẩy rửa một hệ thống hoặc làm cho nó dễ chịu và thao tác hữu hiệu trở lại. Như thế, triết học sẽ hữu ích cho mọi đối tượng khác bằng cách khai quang những hoang mang rối rắm trong ngôn ngữ.

 

Như chúng ta đã thấy, trong thời kỳ đầu thế kỷ 20, người theo thuyết thực chứng luận lý lập luận rằng ý nghĩa của một lời phát biểu là phương pháp xác minh nó. Quan điểm ấy ra sức thanh lọc ngôn ngữ của tất cả những gì được giảm thiểu thành kinh nghiệm giác quan. Siêu hình học bị gạt bỏ và đạo đức học chỉ là sự diễn tả các sở thích những cái nhất định.

 

Triết học còn chức năng khác

 

Tới thập niên 1950, quan điểm ấy về ngôn ngữ càng lúc càng lan rộng. Wittgenstein – dù giai đoạn đầu của sự nghiệp mình đã kết hiệp triệt để quan điểm ấy với lối tiếp cận có tính giảm thiểu chủ nghĩa đối với ngôn ngữ – mở rộng quan điểm của ông và chấp nhận rằng ngôn ngữ có thể đảm trách nhiều chức năng khác nhau, trong đó có chức năng diễn tả thẳng các hiện tượng (phenomena).

 

Quan điểm mới ấy cho phép uyển chuyển hơn và thừa nhận rằng sự diễn tả các giá trị và các cảm xúc, việc truyền mệnh lệnh hoặc đưa lời đòi hỏi, đều là những sử dụng có giá trị của ngôn ngữ. Chúng hoàn toàn khác với "trò chơi ngôn ngữ" (language game). Nói cách khác, ngôn ngữ không chỉ là "chụp hình" thực tại, mà ý nghĩa của nó còn được tìm thấy trong nhiều cách dùng khác nhau.

 

Hiện nay, dường như các triết gia đang bắt kịp cảm quan chung (commonsense), và đang buông bỏ sự thanh lọc những lời phát biểu không thể bác bỏ như là mục đích của ý nghĩa. Ðể biết ý nghĩa của một lời phát biểu, bạn phải xem xét nó trong ngữ cảnh (context) của nó hoặc hiểu những gì nó dự tính nhắm tới.

 

Trong chương 7, chúng ta sẽ khảo sát những công tác khác nhau mà ngôn ngữ có thể thể hiện trong lãnh vực đạo đức học. Ngang đây, có một điều chúng ta cần phải nhận ra là ngôn ngữ không đơn giản và trong suốt.

 

Tóm lược

 

Chúng ta có thể trình bày những điều trên theo cách khác như sau:

a. Người ta suy nghĩ trước khi phát biểu – cứ hi vọng như thế!

b. Họ cũng có thể nhận thức trước khi suy nghĩ.

Do đó:

a. Ðiều họ nói phản ánh bản tính của ý nghĩ và của nhận thức.

b. Ngôn ngữ, vì thế, tối đa chỉ có thể giản dị và rành mạch ngang với ý tưởng và nhận thức sản sinh nó mà thôi.

Bạn hãy thêm vào đó trực giác, cảm xúc, khắc khoải về hiện trạng thế giới và những hoang mang tổng quát của kiếp người, và như thế, quả thật đưa tới kết quả là ngôn ngữ rất phức tạp.

1. Ngôn ngữ có thể thể hiện nhiều chức năng khác nhau.

2. Nó có thể "chơi nhiều trò" khác nhau.

3. Chúng ta thậm chí có thể không nhận biết những hàm ý trong những gì chúng ta có ý nói. Ðiều này khiến ta quay trở lại với Plato. Trong những bài đối thoại của mình, ông đã miêu tả một cách sinh động Socrates là người liên tục yêu cầu người đối thoại cho biết họ có ý nói gì, để qua đó, lộ ra những hoang mang của họ và mở tới cách thức làm sáng tỏ vấn đề hơn.

4. Nếu không có ngôn ngữ, chúng ta không có siêu hình học hoặc tri thức luận. Thật thế, chúng ta không thể có triết học, văn minh, văn hóa hoặc những đặc điểm nhân tính riêng biệt của cuộc đời.

 

V. Triết học có tính ngôn ngữ học

Ý nghĩa theo ngôn ngữ bình thường

 

Trong khi người thực chứng luận lý chủ nghĩa phân tích những phát biểu bằng cách xác minh chúng bằng kinh nghiệm giác quan, các triết gia khác thẩm tra sự sử dụng bình thường các từ ngữ. Trong số họ có những người nổi bật như George E. Moore (1873-1951) và John L. Austin (1911-1960).

 

Về mặt triết học, G.E. Moore, giáo sư tại Ðại học Cambridge và triết gia, nổi tiếng nhờ quan tâm tới "sự thú vị của cảm quan chung" mà qua đó ông rút ra sự tương phản giữa những bối rối và hoài nghi của ông về chân lý và ý nghĩa của những gì các triết gia nói, và sự minh bạch cùng sự chắc chắn của ông có liên quan tới những gì mà hầu hết chúng ta, những kẻ không phải là triết gia, có ý nói và tin tưởng một cách chung và thông thường.

 

Moore cảm thấy thú vị cái được ông gọi là phân tích ý nghĩa này. Ðối tượng của phân tích là một thực thể, thường được gọi là khái niệm. Khi một người biết ý nghĩa của một từ ngữ, thí dụ "tốt" hoặc bất cứ từ ngữ nào khác đồng nghĩa với nó, thì người đó đã có sẵn khái niệm về nó. Trong phân tích, ta đặt từ ngữ trước tâm trí của ta, và kiến lập sự phân tích chính xác bằng cách làm rõ cách mà khái niệm này có liên quan hay bị phân biệt với các khái niệm khác. Khi trò chuyện, người bình thường biết rõ cái họ nói, thí dụ như về đạo đức, khi họ nói tới cái gì đó "thiện" hoặc "phải", về tri giác khi họ nói tới cái gì đó được "thấy" hoặc được "nghe".

 

J.L. Austin là giáo sư triết tại Ðại học Oxford tám năm cuối đời của mình. Ông là người đứng đầu của cái được gọi là "ngôn ngữ bình thường" hoặc triết học mang tính ngữ học (linguistic philosophy) mà phương pháp đặc trưng của nó trong thẩm tra bản tính của các ý tưởng – thí dụ nhận thức, tri thức, dự phóng, hành động hoặc tự do vốn được các triết gia quan tâm – là một cuộc khảo sát khắt khe, chi tiết, kiên nhẫn, và bao quát các phương cách trong đó các thuật ngữ được dùng một cách bình thường và thông thường. Lối tiếp cận này – một biến tấu trên phương pháp đã có từ thời Aristotle nhưng chỉ tới thế kỷ 20 mới mang tính khống chế – được Austin kỳ vọng qua đó sẽ biến triết học thành rất như thể khoa học thực nghiệm.

 

Cùng với lối tiếp cận của Wittgenstein, cuộc thẩm tra này đưa tới quan điểm rằng cách nói bình thường là một hoạt động có thể được phân tích để cho thấy những luận lý nội tại (internal logic) cùng những hàm ý (implications) của nó. Sự phân tích ấy sẽ làm rõ các ý nghĩa và do đó, giải quyết những vấn đề triết lý.

 

Triết học có tính ngôn ngữ học

 

Lối tiếp cận này, được gọi là triết học có tính ngôn ngữ học, đã trở thành một đặc tính khống chế của triết học trong hai thập niên 1940 và 1950. Trong chương 5, chúng ta sẽ đề cập tới một trong các cuốn sách triết học gây tranh cãi nhất trong thời kỳ đó, có nhan đề The Concept of Mind (Khái niệm về tâm trí, 1949) của Gibert Ryle, và đưa ra một quan điểm cấp tiến về tâm trí, dựa trên sự phân tích ngôn ngữ bình thường.

 

Ðây là chìa khóa được triết học có tính ngôn ngữ học sử dụng: nó thao tác trên giả định rằng các vấn đề triết lý xảy ra là do bởi những mơ hồ rối rắm của lối nói bình thường; một khi phân tích xong lối nói ấy và phô bày hết những hoang mang rối rắm của nó, thì xuất hiện những cái nhìn thấu suốt mới mẻ và sự sáng tỏ.

 

Do đó, triết học có tính ngôn ngữ học tái xác định công tác của triết học dưới dạng xác minh ngôn ngữ. Chúng ta thấy triết học có tính ngôn ngữ học ảnh hưởng trọng đại lên triết học tâm trí (philosophy of mind) bằng việc đòi hỏi những gì chúng ta có ý nói khi chúng ta dùng các từ ngữ như "tâm trí" (mind) hay "con người" (person), hoặc lên đạo đức học (ethics), vốn là nơi hầu hết những phát biểu được xem xét trong liên quan tới tác phong, thí dụ, cách ăn ở, cư xử . Nó là cách tiến hành triết học và nó không giống như triết học ngôn ngữ, cái vốn đặt những câu hỏi về ngôn ngữ triển khai như thế nào, nó làm gì, nó tương quan ra sao với những cái được nó mô tả hoặc được nó dẫn tới, và làm thế nào học hỏi nó.

 

Luận lý học hình thức

 

Luận lý học là một ngành triết học; nó khảo sát tiến trình lập luận. Khi bạn khởi sự với một chuỗi tiền đề và từ chúng, bạn đạt tới kết luận, thì quá trình tiến hành như thế được gọi là luận lý học suy diễn (deduction logic). Một luận cứ có giá trị thì kết luận không thể nào sai nếu các tiền đề đúng. Một luận cứ có thể có giá trị nếu tiền đề sai, và do đó kết luận sai; ấy chẳng qua vì bạn bị sai chứ không có nghĩa lập luận của bạn không thuận lý. Một luận cứ có các tiền đề đúng và luận lý có giá trị thì chắc nịch và chính xác.

 

Ta cần chú ý rằng luận lý suy diễn (deductive method) hoàn toàn khác với phương pháp lập luận "qui nạp" (inductive method) được khoa học sử dụng. Phép qui nạp (induction) khởi sự với chứng cớ và sau khi cân nhắc kỹ lưỡng tính khả thi, nó kết luận rằng cái này hoặc cái nọ được kỳ vọng sẽ xảy ra. Một kết luận do phương pháp này đem lại thì luôn luôn được bỏ ngỏ để xét lại nếu có chứng cớ mới. Luận lý học hình thức (formal logic) không đề cập tới chứng cớ; nó là phương cách mang tính hình thức trong việc xem xét rốt ráo cấu trúc của một luận cứ.

 

Quá trình luận lý học

 

lý học có lịch sử lâu dài. Trong các bài đối thoại của Plato, chúng ta thấy Socrates tranh luận với nhiều người vào nhiều dịp khác nhau. Ông mời họ đưa ra các mệnh đề rồi ông phân tích các nội hàm (implications) của từng mệnh đề và các luận cứ họ dùng. Thông thường, luận cứ của Socrates mang hình thức "‘Nếu A tiếp liền theo B và nếu B rõ ràng sai thì A cũng phải sai".

 

Nhưng người gây ảnh hưởng chính lên suốt hơn hai ngàn năm nay là Aristotle. Ông sắp đặt các đặc điểm cơ bản của luận lý suy diễn, đặc biệt tam đoạn luận (syllogism) trong đó hai tiền đề chính và phụ dẫn tới một kết luận:

 

1. Mọi người đều phải chết

2. Socrates là người

3. Vậy Socrates phải chết.

Có thể diễn tả luận cứ ấy như sau:

1. Mọi A là B

2. C là một A

3. Vậy C là B

 

Từ tam đoạn luận (syllogism) căn bản ấy, chúng ta có thể tiếp tục thăm dò các hình thức suy ra (inference) – nói cách khác, những cái có giá trị thì tiếp liền theo nhau.

 

Một số nguyên tắc của luận lý học có vẻ hoàn toàn hiển nhiên nhưng cực kỳ quan trọng trong việc làm sáng tỏ các luận cứ. William of Ockham (1285-1349), nhà luận lý học người Anh đã phê bình Aristotle; ông nổi tiếng với lập luận rằng ta không nên nhân lên các thực thể một cách không cần thiết.

 

Qui luật của Ockham là: "Lời giải thích đơn giản nhất thì có khả năng diễn tả đúng tình huống hơn là lời giải thích phức tạp". Nói cách khác, nếu có một số lời giải thích khả thi, ta nên chọn lời nào đơn giản nhất. Quan điểm này có tên là Lưỡi dao cạo của Ockham (Ockham’s Razor); nó thách đố các khuynh hướng phổ quát hóa của phái tân Plato (neoplatonism).

 

Luận cứ không chứng cớ

 

Thông thường, luận lý học có thể làm nổi bật các sai lầm chung. Một trong những sai lầm ấy là argumentum ad ignorantium, nghĩa là ta có thể tranh cãi biện hộ cho một điều dựa trên cơ sở không có chứng cớ chống lại nó; ngược lại, để kiến lập chân lý của một điều, ta cần phải đưa ra bằng cớ để chứng minh rằng nó đúng là như thế.

 

Nói cách khác, ta có thể áp dụng điều ấy trong một vụ án hình sự. Tuy người bị cáo buộc tên A không trưng ra được bằng cớ rằng anh ta không phạm tội đó, nhưng ta không thể lấy sự kiện ấy như một bằng chứng rằng A có phạm tội ấy. Thông thường, thủ tục tố tụng qui định phía cáo buộc – viện kiểm sát hoặc công tố viện – phải trưng ra bằng cớ hữu lý là A có phạm tội đó; bằng không, A được trắng án. Nếu đặc điểm căn bản ấy của luận lý học bị xem thường, thì hệ thống tư pháp có thể bị xáo lộn ghê gớm.

 

Tuy thế, ta cũng cần để ý rằng đôi khi nguyên tắc argumentum ad ignorantiam bị hạ xuống thành một cuộc tranh luận có tính bình dân và huyền bí: không có bằng cớ cho thấy các sinh linh hoặc sức mạnh nào ngoài quả đất này là nguyên nhân của một số hiện tượng, do đó, vì không thể nào có được lời giải thích khác nên chúng ta có thể cho rằng đúng là có nguyên nhân ấy!

Luận lý học và ngôn ngữ giả tạo

Luận lý học có thể trở nên rất phức tạp với những thành phần này của một luận cứ tùy thuộc vào các thành phần kia. Người ta thường lập luận rằng "Nếu nó không thế này thì thế nọ, nếu nó không thế nọ thì thế kia..." Rõ ràng các luận cứ như thế rất cồng kềnh một khi phải viết ra tất cả các thành tố của từng luận cứ nhằm xem xét tính luận lý của chúng.

Ðể khắc phục tình thế cồng kềnh ấy, luận lý học hình thức dùng tới một dạng ngôn ngữ giả tạo. Ngôn ngữ này dùng các chuỗi chữ cái A, B, C... tiêu biểu cho các tiền đề và các kết luận cấu thành đa dạng, và đồng thời một chuỗi các ký hiệu đóng vai từ nối. Các ký hiệu này tiêu biểu cho những bước luận lý như "và", "hoặc", "nó không đúng như thế", "nếu...thế thì" và "nếu và chỉ nếu". Việc sử dụng ngôn ngữ giả tạo này được đặc biệt qui kết cho triết gia và nhà toán học và luận lý học người Ðức Gottlob Frege (1848-1925).

 

Thí dụ minh họa

 

Ðể minh họa cho các chữ cái và các ký hiệu, ta thử nêu một thí dụ. Từ nối "nếu...thế thì" được trình bày bằng một mũi tên chỉ qua phía bên phải, kết luận – "do đó" – được trình bày bằng dấu chấm phẩy. Ta thử lấy một luận cứ:

 

Nếu tôi hụt chuyến xe buýt, thế thì tôi tới chỗ làm trễ. Tôi hụt chuyến xe buýt, do đó sẽ tới chỗ làm trễ.

Chúng ta có thể công thức hóa luận cứ trên bằng việc dùng chữ cái "A" thay cho "Tôi hụt chuyến xe buýt" và "B" thay cho "tôi tới chỗ làm trễ."

Luận cứ ấy viết lại thành:

A (A à B) ; B

 

tạp và tao nhã

 

Một đặc điểm của luận lý ấy là nó đập vỡ từng câu thành các thành phần hợp thành và làm rõ mối quan hệ giữa chúng. Như thế, luận lý học hình thức giúp làm sáng tỏ, một cách chính xác, cái có giá trị và cái không có giá trị. Các luận cứ được sắp đặt theo cách ấy quả thật hóa ra rất phức tạp, và có một số lớn lao các ký hiệu không quen thuộc được dùng tiêu biểu cho các từ nối đa dạng.

 

Nếu bạn cầm lên cuốn sách nổi tiếng Principia Mathemathica của Russell và Whitehead hoặc liếc sơ qua cuốn Jounal of Symbolic Logic (Tạp chí Luận lý học Ký hiệu), xuất bản và phát hành từ New York, bạn sẽ thấy từ hết trang này sang trang khác đầy dẫy những gì trông giống như toán học cao cấp hoặc các công thức khoa học phức tạp. Ðối với người ở ngoài ngành thật cực kỳ khó theo dõi, còn đối với người trong ngành, chúng ngó thật "đã con mắt".

 

Toán học

 

Hầu hết công việc trong luận lý học đều do các nhà toán học thực hiện. Ðó là điều không đáng ngạc nhiên vì toán học – giống như luận lý học – thao tác trên các tiền đề và các qui tắc. Hai triết gia đã được đề cập, Frege và Russell, mỗi người riêng rẽ đều đạt tới kết luận rằng có thể cho thấy các qui tắc toán học là luận lý học sơ cấp, và rằng do đó, có khả năng chứng minh cơ sở của toán học.

 

Trong công trình của họ, được Russell triển khai trong cuốn Principia Mathematica, xuất bản làm ba phần, từ năm 1910 tới năm 1913, toán học trở thành một phần tiếp nối của luận lý học, và trong lý thuyết – dù không trong thực tiễn vì hẳn cần thời gian rất lâu dài để sắp xếp – có thể hết thảy các luận cứ toán học đã có nguốn gốc từ luận lý học và được trình bày trong dạng luận lý.

 

Khi xem xét lý thuyết về tri thức, chúng ta đã đi tới việc chống lại sự phân biệt của Kant giữa những sự vật có thể được biết qua giác quan và những cấu trúc bị tâm trí áp đặt nhằm làm cho chúng ta có khả năng tạo ý nghĩa hoặc tổ chức kinh nghiệm của mình. Kế đó, chúng ta đã thấy rằng có thể chia những phát biểu thành hai loại: lời phát biểu tổng hợp – tùy thuộc vào kinh nghiệm và không chắc chắn; và lời phát biểu phân tích – biết một cách trực tiếp và chắc chắn. Nhưng trong lược đồ ấy, đâu là chỗ toán học ăn khớp?

 

2+2=4 là một thí dụ kinh điển của lời phát biểu phân tích. Ta không cần phải kiểm tra nhiều thí dụ để đi tới kết luận rằng tổng số của chúng luôn luôn là 4 và không bao giờ là 5. Cũng giống hệt như thế trong toán học tổng quát; nó là vấn đề phương pháp suy diễn luận lý và chắc chắn.

 

Nhưng có phải điều ấy có nghĩa rằng toán học chỉ đúng trong tâm trí? Nó không phải là trường hợp có hai vật này, cộng thêm hai vật khác trong thế giới ngoại tại và luôn luôn làm thành bốn vật sao? Nếu quả thật đúng như thế, lúc đó qua toán học và luận lý học ta có thể hiểu các sự vật trong "thế giới thật"; nó phải dính líu tới mối quan hệ thật sự chứ không chỉ tới các thao tác tâm trí.

 

Tuy vậy, nếu nó không đúng như thế, thì làm thế nào các lý thuyết về nguồn gốc vũ trụ lại có xuất phát từ các giáo sư toán học, thí dụ Stephen Hawking (1962- ) .

 

Ðọc lại Plato và Aristotle

 

Có lẽ cũng như rất nhiều chủ đề khác, có thể lần ngược chủ đề này tới thời cổ đại Hi Lạp với Plato. Ông cho rằng con số, hoặc các hình kỷ hà học như hình tam giác hoặc hình vuông đều hoàn hảo; trong toán học, bạn không thể nào có hình "gần vuông" hoặc "gần 2". Nhưng trong thế giới thật, chẳng có cái gì hoàn hảo. Do dó, Plato cho rằng toán học nói tới các đối tượng được biết tới bằng tâm trí chứ không phải bằng giác quan, những đối tượng ấy – giống như các "hình thái" của ông – thuộc về một thế giới khác với thế giới đang được chúng ta trải nghiệm. Do đó, có thể xem toán học là tiên nghiệm, với cái chắc chắn không thể xảy ra cho các sự vật trong thế giới này.

 

Aristotle đã, một cách dự báo, tính tới điều đó với lời tuyên bố rằng các khái niệm toán học đều là những trừu tượng hóa và khái quát hóa dựa trên những sự vật được trải nghiệm. Cuộc tranh luận giữa các quan điểm mang bản sắc Plato và bản sắc Aristotle đã rất ảnh hưởng lên lịch sử toán học cũng giống như lên nhiều lãnh vực khác của triết học.

 

Triết học toán học là phạm vi nghiên cứu có tính chủ yếu và vượt quá phạm vi của cuốn sách tổng quát này. Ngang đây, tất cả những gì chúng ta cần tới là sự ghi nhận mối quan hệ mật thiết giữa toán học và luận lý học. Tiếp tục thảo luận sẽ đưa tới các câu hỏi rằng không biết số học có thể được giảm thiểu, một cách có giá trị, thành "lý thuyết tập hợp" (set theory) không, rằng không biết toán học như một toàn bộ có thể được hoàn toàn giảm thiểu thành luận lý học, và rằng nếu như thế, việc giảm thiểu ấy tạo ra giá trị nào?

 

Bào chữa cho tính phi luận lý

 

Chính vì Frege thấy rằng toán học đặt cơ sở trên luận lý học, còn luận lý học thì quan tâm tới cấu trúc của ngôn ngữ, nên nó không đưa tới hệ quả là toàn bộ ngôn ngữ được, hoặc nên được trình bày với sự chính xác có tính toán học – điều đó cũng không hơn gì việc những người kế thừa thực chứng luận lý chủ nghĩa đang loại trừ hết thảy những lời phát biểu không thể xác minh được về mặt thực nghiệm.

 

Ngay ở cuối cuốn Tractatus, Wittgenstein vạch rõ rằng có một số điều chúng ta phải giữ im lặng về chúng. Nói cách khác, chúng nằm ngoài phạm vi của những mệnh đề có ý nghĩa và chúng có giá trị nhờ liên quan tới kinh nghiệm giác quan. Nhưng như thế vẫn không làm cho người ta thôi nói về chúng.

 

Ngôn ngữ thể hiện tính chất đa dạng lớn lao của các chức năng, và các chức năng ấy cung cấp ý nghĩa cho nó. Khi chúng ta đi tới việc xem xét trường phái triết học lục địa (continental philosophy) châu Âu – trong đó có chủ nghĩa hiện sinh (existentialism) và chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) – chúng ta sẽ thăm dò các câu hỏi về những ý nghĩa không còn vừa vặn với những phạm vi chật hẹp của trường phái triết học phân tích (analytic philosophy). Chúng ta phải sẵn sàng để thăm dò thực tế rằng một lời phát biểu có thể truyền đạt điều gì đó quan trọng dù nó phi luận lý (illogical), xét theo những định chuẩn tam đoạn luận của Aristotle .

 

Ðiều đó không làm cho một phán quyết có giá trị, mà chỉ đơn giản vạch cho thấy rằng luận cứ có tính luận lý học không phải là hình thức độc nhất của ngôn ngữ có ý nghĩa.n

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 3181
Ngày đăng: 23.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Charles Darwin – Con người và thuyết tiến hóa - Nguyễn Đức Hiệp
Thơ – Bí mật sự sáng tạo và cái chết - Nguyễn Nhã Tiên
Vài giòng thêm về thơ Bút Tre - Đông La
Hồ Xuân Hương : tâm thức phản kháng - Võ Công Liêm
Thân phận công dân thế giới hạng hai! :Suy nghĩ về chiến lược phát triển đất nước từ góc nhìn đối ngoại - Nguyễn Trung
Triết học khoa học-1 - Nguyễn Ước
Triết học khoa học-2 - Nguyễn Ước
Đức khiêm tốn - Huy Dung
Nhận chân nhân vật Quan Vũ trong Tam quốc diễn nghĩa - Khải Nguyên
Về một dòng thơ cần giải thích giá trị: Trường hợp Tuyết Nga-(Hay là THƠ TUYẾT NGA HAY, VÌ SAO?)-1 - Đỗ Quyên
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)