Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
466
115.968.810
 
Người đàn bà trên núi
Nguyễn Minh Phúc

Sương nhuộm trắng núi rừng. Từ khu trại kiểm lâm chúng tôi nằm sát bìa núi nhìn lên đỉnh Chư Pá chỉ thấy màu trắng xát của từng cụm sương dày chìm khuất lẫn vào cây cỏ. Buổi sáng sương càng dày hơn và chỉ chịu tan dần khi mặt trời lên tời đỉnh đầu. Từ xa, núi nhấp nhô uốn lượn hết dãy nầy đến dãy khác như những nếp gấp cánh quạt, xòe ra trước tầm mắt và khép lại ở cuối chân trời. Thỉnh thoảng, những cơn gió buốt từ đá núi phả vào trại mang theo hơi ẩm ướt  của sương đêm  lạnh cóng.

           

Tôi về đây công tác từ mấy tháng nay cùng với hai anh bạn trung cấp kiểm lâm được bổ sung từ huyện lên giữ rừng. Một anh dân tộc tên Ksor Than quê Ayunpa người thấp đậm, da đen như đồng hun còn anh kia ở thị xã Pleiku, dáng thư  sinh trắng trẻo. Cả ba chúng tôi được xã bố trí ở trong một trại nuôi bò bỏ hoang mà từ lâu, không còn chăn nuôi nữa. Trại trống hoác, chỉ có hai cửa ra vào làm bằng tấm nhựa đen rách bươm, bàn ăn cơm là mấy miếng gỗ ghép tạm, chằng chịt dây nhợ cột vào, hai chiếc chiếu cũ lát trên tấm phên thưa đan nham nhở. Dưới bếp còn sót lại vài cái nồi, xoong chảo cũ mèm, đen thui lọ nghẹ và đằng sau trại là chuồng bò rỗng không, cửa chuồng bị lấy mất, mấy chiếc máng bằng tôn còn treo lủng lẳng. Tuy giải tán bò bê đã lâu nhưng mùi phân bò vẫn còn vương vất đâu đó trong kho chuồng ẩm ướt và khi gió từ phía núi tạt về, xông lên nồng nặc mùi ngai ngái khó chịu.

            

Ba tháng nằm queo trong trại, hai ba ngày chúng tôi mới thay phiên nhau vào làng K’Tó của người dân tộc Jrai gần đó vừa đi thăm rừng vừa kiếm mua gì mang về ăn. Khi thì nải chuối, mấy trái dưa, khi bắp ngô, đậu phụng, sắn dây, đu đủ. Nói chung thức ăn ở làng chẳng có gì ngoài ba thứ rau đậu, trái cây, mì sắn ...đồng bào trồng ít ỏi trên các nương rẫy. Phần đông dân tộc Jrai trồng lúa, gạo giã cối bằng gỗ trắng tinh, nấu cơm dẻo quẹo, thơm lừng.

            

Mỗi bận ghé làng K’To tôi thường ghé nhà H’ Suýt vì cô là người duy nhất trong làng nói tiếng Kinh rất sỏi. Cô là giáo viên xóa mù được đào tạo bài bản trên tỉnh về dạy học ở đây. Tuy ngoài ba mươi nhưng trông còn khá trẻ với gương mặt tròn, da trắng, mũi nhìn thẳng trông cũng không tệ. Đặc biệt đôi mắt cô thật đẹp, chân mày đều tăm tắp nằm trên hàng lông mi cong vút. H’ Suýt ở với người chị chỉ đâu hơn mười tuổi nhưng đã hom hem, già hóp  sống đơn độc một mình sau khi hai đứa con sinh đôi chết oan. Cha mẹ cô mất trước giải phóng mấy năm do căn bệnh gì không rõ mà già làng bảo ma ám nên đuổi cả hai vào rừng , mãi sau giải phóng mới được cho về. Mấy năm sau hòa bình, cô được cho đi học và lại trở về làng cũ làm công tác xóa mù chữ. Căn nhà sàn xã sửa sang lại sau đợt cô nhận việc dạy học, bốn vách che cật le đan, mái lợp tranh, dựng trước nhà là cây gỗ to đen mun đẽo mấy bậc vào thân cho dễ lên xuống. Trong nhà, ngoài gian bếp ở phía cuối sàn còn kê mấy cái bàn nhỏ cũng bằng ván ghép cho học trò ngồi. Xem như cô vừa ở vừa dạy học tại đây.Tôi đến nhà cô mấy lần, chỉ chực ngã khi bước lên cây gỗ tròn chông chênh, trơn tuột ấy.

                    

Sáng sớm, sương còn đẫm trên con đường nhỏ ghồ ghề, không khí trong làng im ắng một cách kỳ lạ. Những ngôi nhà sàn cách nhau chừng mươi thước là nơi ở của dân làng K’Tó. Anh lửa bùng lên trong các bếp, khói tỏa vướng vất trên các lối đi đầy cỏ gà và hoa dại. Những cánh cửa khép hờ mà không nhìn vào tôi cũng biết là không có ai bên trong. Nhiều gia đình đi làm rẫy trên núi cao cả tháng mới về nhà một lần nhưng không ai cần khóa cửa. Họ chẳng sợ trộm cắp vì không ai trong làng có ý lấy đi một thứ gì, dù nhỏ. Vài dây thuốc lá tòng teng, vàng ươm treo trên vách ngoài. Có lá đã khô dòn sụm. Tôi đã từng quấn tròn vào giấy, hút thử vài lần...

                  

Mãi nghĩ ngợi, tôi đến nhà H’Suýt lúc nào không hay.

- Ôi! Chào anh kiểm lâm! Hôm nay đến làng sớm thế! Một gương mặt thò ra từ căn nhà sàn, tôi nhận ra ngay là H’ Suýt.

-    Vâng, chào cô. Tôi trả lời, mắt nhìn vào khe hở của liếp cửa vừa được kéo ra. Một người phụ nữ khác lớn tuổi đang ngồi trong đó, trước bếp lửa lên ngọn bốc khói.

-    Chị mình đấy! Chị H’ Nham mới về chơi. Anh vào đi! H’Suýt vừa đẩy nhẹ liếp cửa vừa nói vọng vào trong: Chị ơi, có khách!

 

Tôi vào nhà, bước trên cây cột gỗ tròn trơn bóng. Trước mặt tôi, một người phụ nữ ngồi nghiêng trước bếp lửa, cạnh mấy chiếc gùi và vò rượu vất tứ tung. Gương mặt chị trông hiền lành, rắn rỏi duy đôi mắt bị bệnh sao đó nên hai tay cứ huơ huơ về phía trước , không nhìn tôi, chỉ cười gượng thay câu chào. Từ lâu, tôi đã nghe H’ Suýt kể về chị mình nhưng đến hôm nay mới gặp. Hai chị em ruột chỉ hơn kém nhau mươi tuổi nhưng trông khác xa. Chị H’ Nham, như lời H’Suýt kể, bắt chồng lúc bị đuổi lên rừng từ cái chết của ba mẹ nhưng sau đó, khi sinh con, bị chồng bỏ và y trốn mất biệt. Chị sống thui thủi một mình ở căn nhà sàn gần đó, thỉnh thoảng ghé nhà H’Suýt thăm em. Anh lửa bập bùng soi khuôn mặt chị ánh lên trước khi cất lời bằng tiếng Kinh không sỏi, có câu H’ Súyt phải “phiên dịch “ cho tôi hiểu:

-    Chú là kiểm lâm?  Em mình có kể mình về chú! Em mình nói chú mới từ xuôi lên đây, nói chú là cán bộ giữ rừng, là người tốt ..

 

Tôi gật đầu thay câu trả lời và bỗng nhận thấy người đàn bà nầy như bị mù đôi mắt. Hai tròng trắng lộ ra, mờ đục trên đồng tử không còn động đậy. Chị hệt pho tượng biết nói nhưng không nhìn thấy gì. Như giải đáp thắc mắc tôi, H’ Suýt ngậm ngùi kể:

-    Chị H’Nham mù mắt từ khi hai đứa con chết thảm. Chuyện đau lòng nầy cũng do phong tục làng trước giải phóng mà ra. Chị khổ lắm, chồng bỏ đi lấy vợ khác, con không sống được. Hôm nay sẵn chị H’Nham về chơi nhà, nếu anh không gì vội, mình kể anh nghe ...

 

Tôi im lặng không biết nói gì lúc nầy. Ngồi xuống sàn cạnh  H’ Nham cời những đụn than đỏ hồng tỏa ra cho bớt lạnh, trong ánh sáng bập bùng, một lần nữa, tôi nhìn vào mắt chị rõ hơn. Quả mắt chị mù hẳn. Nếu nó còn sáng thì cũng như em mình, đôi mắt chị H’Nham rất đẹp.

 

Lặng đi một lát như để nhớ lại, H’Suýt kể chuyện chị mình cho tôi nghe, giọng cô thì thầm, đứt quãng vì xúc động:

-    Ba mẹ mình sinh ra hai chị em mình rồi mắc chứng bệnh gì lạ lắm. Đi rẫy về, ba mình ôm đầu rên la suốt đêm, không ngủ. Cúng hết mấy con gà không bớt, mẹ đến nhà già làng xin cúng ma. Già làng bảo phải cúng giàng hai con heo. Nhà nuôi hai con heo cúng giàng cả mà bịnh không hết. Già lại nói cúng trâu. Nhà mình nghèo lấy đâu ra trâu nên mẹ mình đi mượn nhà Ksor Buôl. Buôl là thanh niên làng bên lêu lổng, suốt ngày uống rượu, không chịu đi làm rẫy nhưng nhà nó giàu, có nhiều chiêng, nhiều nồi, nhiều ché rượu. Cúng trâu rồi mà bịnh cũng không chịu lui. Mấy ngày sau ba chết. Nhà không có đồ chôn, mình và chị phải lên rừng kiếm cây gỗ to chặt xuống, khoét lỗ ở giữa cho ba vào ở. Ba mình chôn ở nhà mả chung với bốn ngôi mộ khác, làm đám ăn mả hết bốn ngày, cả làng uống bốn chục ché rượu cần, gõ chiêng từ sáng đến tối đưa hồn ma ba ra mả. Vừa cúng mả xong cho ba thì mẹ mình lại lăn đùng ra chết. Làng bảo nhà có ma, không được ở, phải lên núi. Vậy là ban đêm hai chị em phải dắt díu nhau dời làng. Già làng bảo nếu ở lại sẽ cũng phải chết theo cha mẹ…

                 

Kể đến đây, H’Suýt rơi nước mắt. Cô ngần ngừ một hồi lâu mới nối tiếp câu chuyện trong khi H’Nham ngồi lặng thinh. Nước mắt từ hai hốc mắt màu trắng bất động của chị chảy ra đầm đìa rơi xuống gò má nhăn nhúm.

-    Ở rẫy mới được hai con trăng, Ksor Buôl đến đòi trâu. Nó nói mượn trâu trả trâu, mượn bò trả bò. Không có trâu thì H’Nham phải làm vợ nó . Vậy là chị mình đành chịu ở với nó. Mà nó ác như con cọp, con báo trên rừng, đánh đập chị mình miết, không chịu nổi đâu. Chị mình mang thai nó cũng không tha , vài bữa lại lên kiếm chuyện. Rồi chị sinh tới hai thằng con trai một lần mà người kinh các anh gọi là sanh đôi. Nó bảo ăn ở với hai người đàn ông mới sinh hai đứa được chứ làm gì một mình nó mà đẻ ra hai. Nó nghi chị mình còn bắt người khác nữa làm chồng chứ không chỉ mình nó.

 

Tôi lặng đi, không ngờ có việc ấy xảy ra trong thời đại nầy. Câu chuyện tiếp tục trong bầu không khí nặng nề buồn thảm, chốc chốc vang lên tiếng lách tách từ những tàn củi khô cháy dở trên sàn bếp:

- Lệ làng mình khắc nghiệt lắm. Đàn bà có con không phải với chồng mình là đứa con đó phải bị chôn sống, không ai can, không ai thương. Ksor Buôl đào cái lỗ nhỏ trong rẫy bắt chị mình chôn hai đứa nhỏ. Chị không chịu nhưng nó bắt chân quẳng hai đứa xuống hố, lấp đất lại, chúng nó khóc hoài mà ngoi lên không đươc. Chị cố moi đất cứu con nhưng không được, đành tuân theo ý Giàng. Lâu lắm chúng nó mới hết biết khóc …

 

Nghe đến đây tôi rợn cả người, cánh tay nổi đầy gai ốc. Không thể tưởng tượng ra trên đời nầy còn tồn tại những luật lệ kinh khủng, quái dị như vậy. Thân phận người phụ nữ Jrai sao đau đớn quá, nghiệt ngã quá. Tôi bấm vào tay mình để tin rằng câu chuyện kể của H’Suýt là có thật.

- Chị mình khóc suốt bảy ngày bảy đêm, mắt sưng lên. H’ Suýt kể tiếp.  Rồi nhai lá đắp. Chẳng bớt mà càng ngày không được thấy con chim con gà. Thằng Ksor Buôl bỏ đi lấy vợ khác. Chị mình mù cho đến bây giờ, không chồng không con, tội lắm!

 

Tôi nhìn sang chị H’Nham. Đôi mắt chị nhạt nhòa nước mắt. Hai cánh tay khẳng khiu hươ lên không trung như muốn nói gì mà không nói được. Căn nhà sàn im ắng đến nỗi nghe rõ cả tiếng thở gấp của người đàn bà bất hạnh

Muốn phá tan không khí ảm đạm ấy, tôi nghẹn ngào hỏi:

- Rồi Ksor Buôl đi đâu? Sao không ai làm gì y cả? Một người ác độc giết cả hai đứa con mình như vậy ..

              

Mãi đến lúc nầy tôi mới nghe H’Nham lên tiếng. Giọng chị đùng đục, khàn khàn, lắp bắp mãi mà tôi chẳng hiểu gì, tiếng được tiếng mất nên phải nhờ H’Suýt dịch lại:   

- Nó còn về một lần nữa đòi trâu, đòi nối dây với H’Suýt. Ksor Buôl nói con chị bị mù mắt thì con em phải chịu nối dây  với nó, khi nào có được con mới thôi.Tức cái bụng quá, mình cắn đứt ngón tay nó. Máu nó chảy như con trâu bị đâm. Nó bỏ chạy vô rừng, qua làng khác có vợ mới. Mà nó ác như con cọp trên rừng. Giàng không tha nó đâu  ...

 

Câu chuyện của hai người đàn bà dừng ở đó. Mặt trời đã lên cao. Trong làng, bà con người dân tộc lục tục chuẩn bị đi rẫy. Tiếng gọi nhau ơi ới vang tận vào căn nhà sàn lửa đã bắt đầu tắt. Mấy đứa trẻ lố nhố trước cổng. Chúng nó đến nhà cô giáo H’Suýt học. Những mái tóc hoe vàng, khét nắng, trên tay cầm tập vở nhảy tưng tưng trước sân la hét ầm ỹ . Niềm vui của lũ trẻ như hòa với ánh mặt trời chiếu ánh nắng đầu ngày vào ngôi làng K’To thanh bình, yên ả. Chúng chẳng bao giờ biết được cũng tại nơi đây, trên chính ngôi làng nầy, chỉ mới đây thôi, những bi kịch đau đớn một thời đã diễn ra, người đàn bà tội nghiệp đang ngồi trong căn bếp đã gánh chịu nỗi oan khiên, uất nghẹn vì tục lệ lạc hậu, kéo theo bao phận người thương đau đầy nước mắt.

 

Tôi chỉ còn biết nói vài câu an ủi chị H’ Nham rồi từ giã ra về. H’Suýt tiễn tôi ra tận cửa. Anh mặt trời sáng bừng lên lóng lánh trên mắt cô như niềm vui của lũ trẻ tung tăng bước chân vào lớp. Bắt tay thật lâu trước khi chia tay, cô nói nhỏ như để mình tôi nghe câu nói từ tâm niệm của chính lòng cô:

-    Mình phải dạy cho lũ trẻ nên người, quyết từ bỏ hủ tục lạc hậu đã tồn tại bao đời nay. Không bao lâu nữa, chúng sẽ tự tay xây dựng chính ngôi làng nầy bằng những gì học được. Chuyện xưa qua rồi, mình mong không bao giờ quay lại nữa. Bữa nào ăn mừng lúa mới, mình mời cán bộ đến chung vui.

               

Tôi bước ra khỏi làng, như  mang thêm sức mạnh từ những lời tâm sự của cô giáo người dân tộc Jrai. Tôi tin và cầu chúc H’Suýt sẽ thực hiện thành công mơ ước của mình. Trên những dãy núi cao sừng sững, chập chùng trước mắt tôi, mặt trời lên cao, sương mù đã bắt đầu tan hẳn ...

 

*

 

Câu chuyện đáng lẽ kết thúc ở đây nếu như mấy ngày sau không xảy ra một việc. Hai bạn trong đội kiểm lâm của tôi trong lúc đi thăm rừng phục bắt được một người đàn ông đang đẩy xe bò chở đầy gỗ quý từ rừng đi ra. Người đàn ông không biết nói tiếng Kinh, mắt lấm lét tìm đường chạy trốn khi bị phát hiện chặt phá rừng với chứng cớ cụ thể nhưng cương quyết không ký vào biên bản. Phải cho Ksor Than làm việc cả buổi, y mới nhận tội. 

 

Đưa về trại, tôi lập hồ sơ phạm tội quả tang, đẩy về phía y bảo ký tên. Bàn tay y run run cầm viết với một ngón ở bàn tay phải bị đứt gần cả lóng. Chữ viết y ngoằn nghèo, cẩu thả nhưng tôi vẫn nhận ra. Tên y là Ksor Buôl, người làng K’Tó ...

Nguyễn Minh Phúc
Số lần đọc: 3252
Ngày đăng: 27.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Anh hùng thọ nạn - Đỗ Ngọc Thạch
Hương hoa móng rồng - Trần Kỳ Trung
Làng Bạch Ngưu - Phùng Phương Quý
Cô Tấm và Quả thị - Đỗ Ngọc Thạch
Cặp truyện ngắn sinh đôi - Trương Thái Du
Người đàn ông cùi - Nguyễn Minh Phúc
Người đàn bà và cái tổ sẻ ri - Vũ Minh Nguyệt
Chim chào mào - Nguyễn Khắc Phước
Thiên nga trắng. - Văn Xương
Một đêm ở quê nhà… - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Đứa con trên cát (truyện ngắn)
Chai rượu tắc kè (truyện ngắn)
Người khóc mướn (truyện ngắn)
Gã đạo tỳ (truyện ngắn)
Con thỏ bông (truyện ngắn)
Hoa huệ trắng (truyện ngắn)
Đêm vô cùng (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Người sợ đàn bà (truyện ngắn)
Chiếc ghế (truyện ngắn)
Người hoang tưởng (truyện ngắn)
Người của biển (truyện ngắn)
Tiếng hát bay xa (truyện ngắn)
Hoa Dã Qùy vàng (truyện ngắn)
Tiếng đàn kìm (truyện ngắn)
Nhan sắc mùa xuân (truyện ngắn)
Đêm biển động (truyện ngắn)
Có thật vậy không ? (truyện ngắn)
Người đàn ông cùi (truyện ngắn)
Sông trôi về đâu (truyện ngắn)
Tấm ảnh (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Cõi người (truyện ngắn)
Cuốn sách còn lại (truyện ngắn)
Người cùng nhóm máu (truyện ngắn)
Cơn mưa nghịch mùa (truyện ngắn)
Sát na (truyện ngắn)
Gió rừng u minh (truyện ngắn)
Viên ngọc trai (truyện ngắn)
Mây của trời (truyện ngắn)
Đờn ca tài tử (truyện ngắn)
Mùi của đàn ông (truyện ngắn)
Khúc lý chiều chiều (truyện ngắn)
Chùm hoa tím (truyện ngắn)
Đời không là … (truyện ngắn)
Mùa Nước Nổi (truyện ngắn)
Dáng Núi (truyện ngắn)
Bến Tình (truyện ngắn)
Bùa mê (thơ)