Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
453
116.604.497
 
Kinh tế Tri thức- phép màu Kinh tế mới?
Nguyễn Vân Nam

Kinh tế tri thức (KTTT) từ vài năm nay đã trở thành một khái niệm kinh tế thời thượng ở các nước phát triển (CNPT). KTTT được tiên đoán sẽ là cuộc cách mạng của mọi cuộc cách mạng trong lịch sử nhân loại, sẽ tạo ra những bước ngoặc, những thay đổi căn bản với những hậu qủa không thể dự đoán được trong mọi mặt cuộc sống con người. Các nước đang phát triển (CNÐPT) cũng chợt khám phá KTTT như một phép màu có thể giúp họ nhanh chóng đuổi kịp và vượt CNPT. Liệu hy vọng này có dựa trên cơ sở lý luận thuyết phục, có khả năng trở thành hiện thực hay không? cũng là một câu hỏi quan trọng của các nước cung cấp Viện trợ phát triển.

 

Ðược tài trợ của nhiều nước cấp viện, lần đầu tiên một cuộc Hội thảo quốc tế về Kinh tế Tri thức đã được Trường Ðại học tổng hợp Humboldt và Ðại học Tự Do tổ chức tại Berlin (CHLB Ðức) vào tháng 05.2000 với chủ đề: „ Những vấn đề trong tương lai của Trật tự Kinh tế Thế giới mới“. Là một người tham dự hội thảo, xin tóm tắt các ý kiến được sự nhất trí cao của hội thảo như sau:

 

Kinh tế tri thức là gì?

 

Có người dẫn lời Các Mác nói rằng, khi hàm lượng cơ bắp trong sản phẩm do con người làm ra giảm đến mức cực nhỏ thì lúc đó sẽ xuất hiện giai cấp công nhân khoa học. Và cho rằng điều đó đang được chứng minh trong nền Kinh tế Tri thức (KTTT). Thực ra, không cần phải đến KTTT mới xuất hiện giai cấp công nhân khoa học của Mác. Trong nhiều ngành công nghiệp hiện đại được tự động hóa hoàn toàn như sản xuất xe ô tô, sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất hóa chất... hàm lượng cơ bắp đã được giảm đến mức thấp nhất ngay từ khi chưa xuất hiện khái niệm KTTT. Cũng có những ý kiến đánh đồng KTTT với một số ngành kinh tế thường được gọi là ngành kinh tế mới như Kinh tế Internet, hay Công nghệ tin học và truyền thông, để từ đó cho rằng KTTT là nền kinh tế dựa vào tri thức với sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, trong đó kinh tế Internet trở thành  nội dung chủ yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng rõ ràng là, bất kỳ ngành sản xuất kinh doanh nào cũng phải dựa vào tri thức và nền kinh tế Internet cũng chỉ là một trong những ngành kinh doanh, tuy đóng một vai trò ngày càng quan trọng, nhưng không thể trở thành một ngành kinh doanh độc lập mang tính quyết định cho một nền kinh tế được.

 

Mới chỉ trong vài năm gần đây, qua theo dõi sáu ngành công nghiệp then chốt của tương lai là công nghệ kỹ thuật tin học và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng mới, công nghệ kỹ thuật hàng không-vũ trụ mới, và công nghệ kỹ thuật bảo vệ môi trường, người ta đã ghi nhận sự xuất hiện của một nền kinh tế hoạt động theo một công thức khác hẳn về bản chất  so với công thức của nền kinh tế hàng hóa mà loài người từng biết. Hoạt động của nền kinh tế hàng hóa- dù đó là kinh tế thị trường hay kinh tế kế hoạch- đều tuân theo công thức nổi tiếng: Tiền - Hàng - Tiền. Trong khi đó, nền kinh tế mới xuất hiện lại hoạt động theo công thức: Tiền- Tri thức- Tiền.

         

Theo đánh giá chung của những học giả hàng đầu ở phương Tây thì ngày nay KTTT mới chỉ đang định hình ở 03 nước công nghiệp phát triển nhất là Mỹ, Ðức và Nhật bản. Vì vậy chưa thể đưa ra được một định nghĩa hay một công thức xác định thế nào là KTTT. Thông qua nghiên cứu sáu ngành công nghiệp then chốt đã nói ở trên, người ta chỉ có thể ghi nhận được một số đặc trưng cơ bản nhất- cần chứ chưa phải đã đủ- của nền kinh tế mới này như sau:

 

-  Sự xuất hiện các xí nghiệp sản xuất được tự động hóa cao độ và rất linh hoạt, do tác động đồng bộ của tiến bộ khoa học trong hàng loạt lĩnh vực, mà đặc biệt là trong Công nghệ kỹ thuật tin học và truyền thông. Sản phẩm của những xí nghiệp này là những sản phẩm "thông minh". Ðó là những sản phẩm không chỉ chứa một hàm lượng thông tin cao, mà còn cả một hàm lượng tri thức cao hơn hẳn về chất lượng so với sản phẩm công nghiệp cổ điển, có khả năng sử dụng, xử lý thông tin làm cho sản phẩm đáp ứng được nhu cầu riêng biệt của khách hàng. Trong năm 2000, những sản phẩm thông minh (ví dụ: hệ thống dẫn đường cá nhân) đã tạo ra tới 30% giá trị của một chiếc xe ô tô loại sang trọng và ngày càng trở thành yếu tố cạnh tranh quyết định trong ngành sản xuất xe ô tô.

 

-  Các công nghệ mới đang làm thay đổi triệt để qúa trình sản xuất và cơ cấu sản phẩm. Chẳng hạn, kỹ thuật Gen bắt đầu thay đổi một cách căn bản qúa trình sản xuất, sản phẩm và cơ cấu sản phẩm trong công nghiệp dược phẩm, công nghiệp hóa chất. Tương tự như vậy, công nghệ sản xuất vật liệu mới cũng thay đổi một cách sâu sắc sản phẩm của công nghiệp sản xuất vật liệu cổ điển. Ví dụ: Sứ có tính năng đặc biệt đã được dùng trong công nghiệp sản xuất ô tô. Trong tương lai không xa sẽ xuất hiện động cơ bằng sứ chịu được nhiệt độ cao hơn hẳn thế hệ động cơ hiện tại và vì vậy sẽ tiết kiệm nhiều nhiên liệu hơn. Hay những vật liệu siêu tinh khiết mới cho công nghiệp sản xuất vi mạch điện tử, v.v...

 

-  Lý thuyết của Ricardo về lợi thế đối chiếu (so sánh) vùng không còn giá trị nữa đối với sáu ngành công nghiệp then chốt. Theo Ricardo, mỗi nước do điều kiện tự nhiên đều có sẵn những thuận lợi đặc biệt cho việc sản xuất những hàng hóa nhất định so với nước khác. Chẳng hạn nước Bồ Đào Nha đầy ánh nắng mặt trời sẽ có lợi thế vùng lớn hơn Anh quốc trong việc sản xuất rượu vang; ngược lại, Anh quốc được lợi thế hơn trong sản xuất vật liệu. Lợi thế vùng theo thuyết Ricardo hiện đại được đánh giá qua ba yếu tố sản xuất quen thuộc là: đất, vốn tư bản, sức lao động. Rõ ràng các yếu tố này có trở thành lợi thế cho sản xuất hay không là rất khác nhau đối với mỗi quốc gia. Trong nền KTTT, lợi thế vùng này không tồn tại vì phần đóng góp của giá đất, sức lao động là hết sức nhỏ bé so với phần của tri thức trong qúa trình sản xuất. Với thị trường tài chính có tính chất tòan cầu, việc gọi vốn không còn phụ thuộc vào biên giới quốc gia nữa và do số vốn đầu tư trong KTTT rất lớn, lại phải huy động trong khoảng thời gian ngắn nên- nói chung- nó cũng nằm ngoài khả năng của một nước công nghiệp phát triển. Vì vậy, những lợi thế sản xuất trong KTTT chỉ có thể do chính các doanh nghiệp tạo ra. Ðể so sánh, nên lưu ý là thuyết Ricardo hiện vẫn còn nguyên giá trị trong qúa trình toàn cầu hóa nền kinh tế hàng hóa hiện đại. CNÐPT trong một thời gian dài nữa vẫn phải coi việc phát huy lợi thế về sức lao động, giá đất là chiến lược hấp dẫn đầu tư.

 

-  Vốn đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm cũng như xây dựng nhà máy sản xuất trong nền KTTT là hết sức lớn. Ðể có thể hoàn vốn đầu tư, sản phẩm phải được sản xuất với số lượng lớn tối đa. Không những thế, doanh nghiệp trong KTTT phải bằng mọi cách hoàn vốn trong thời gian ngắn nhất trước khi sản phẩm thế hệ mới của công ty khác được tung ra thị trường, đây là điều xẩy ra rất nhanh trong KTTT. Thị trường của các doanh nghiệp trong nền KTTT vì vậy phải là thị trường toàn cầu.  Rõ ràng là chỉ có không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được những điều kiện cạnh tranh gay gắt này. Và cũng sẽ chỉ có một vài quốc gia đủ khả năng hỗ trợ tài chính cho các tập đoàn kinh doanh tòan cầu, cũng như giữ ổn định môi trường luật pháp-xã hội-chính trị để các công ty này không chuyển trụ sở sang nước khác.

 

-  Giá trị vốn Tri thức thay đổi hết sức nhanh chóng. Một Tri thức hôm nay có giá trị hàng tỷ dollars, ngay ngày mai đã có thể vô giá trị. Vì vậy, sức ép cạnh tranh về thời gian, hiệu qủa hình thành và sử dụng tri thức là rất lớn.

 

Như vậy, ta có thể đưa ra nhận xét sơ bộ nhất để trả lời câu hỏi "KTTT là gì?" như sau: KTTT là hình thái phát triển cao nhất hiện nay của nền kinh tế hàng hóa tư bản, trong đó công thức hoạt động cơ bản Tiền-Hàng-Tiền được thay thế bằng Tiền- Tri Thức- Tiền và vai trò quyết định của Tri thức được thể hiện qua các mặt sau đây:

 

-  Hàm lượng Tri thức trong qúa trình sản xuất phải chiếm phần quyết định. Theo nhiều học giả thì hàm lượng này phải chiếm ít nhất là từ 60 đến 65% giá thành sản xuất và ít nhất là 35% giá trị sản phẩm. (Các con số này trong một số ngành công nghiệp then chốt ở Ðức hiện nay trung bình là 60 và 30%, ở Hoa Kỳ là 62 và 35%). Hàng hóa trong KTTT là Tri thức.

 

-  Trong KTTT, Tri thức vừa được sử dụng để quản lý, điều khiển, tham gia vào qúa trình sản xuất như công cụ sản xuất, vừa trực tiếp là thành tố trong sản phẩm như nguyên liệu sản xuất. Vì vậy, ngoài vai trò là hàng hóa trong KTTT, Tri thức- khác với hàng hóa trong kinh tế hàng hóa-  cũng là tư liệu sản xuất. Trí thức để xử lý tri thức, để làm ra tri thức, tri thức quản lý điều hành... cũng trở thành hàng hóa và đó là những thứ hàng hóa được sản xuất không theo qui trình sản xuất quen thuộc trong nền Kinh tế Hàng hóa. Chưa bao giờ Hàng hóa của một nền Kinh tế lại đồng thời giữ nhiều vai trò quyết định khác nhau đến vậy trong cả phương thức sản xuất lẫn quan hệ sản xuất như Tri thức trong nền Kinh tế Tri thức. Còn qúa sớm để dự báo những thay đổi quan hệ xã hội trong tương lai. Nhưng chắc chắn KTTT sẽ dẫn đến những thay đổi triệt để và hết sức sâu rộng trong xã hội hơn tất cả những thay đổi do các cuộc cách mạng công nghiệp, khoa học kỹ thuật và xã hội mà loài người từng trải qua. Người ta đã bắt đầu nói đến Xã hội Tri thức.

 

-  Sự phát triển như vũ bão của công nghệ tin học và truyền thông rút ngắn càng ngày càng nhanh thời gian chọn lọc, đánh giá, xử lý, sử dụng và sáng tạo thông tin, khiến cho giá trị sử dụng tri thức cũng bị rút ngắn lại nhanh chóng.  Vì vậy, việc tiếp cận và trao đổi Tri thức ở phạm vi toàn cầu trong KTTT có ý nghĩa sống còn. Cạnh tranh trong KTTT trước hết là cạnh tranh với thời gian. Ðể bảo đảm sự phát triển bình thường của mình, KTTT sẽ dẫn đến việc xóa bỏ biên giới quốc gia, ít nhất và trước mắt là trong lĩnh vực thông tin.

 

-  Do tích chất đặc biệt của hàng hóa Tri thức, không những các ngành công nghiệp sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học mà cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị cũng  phụ thuộc và đan quyện vào nhau một cách chặt chẽ hơn bao giờ hết trong KTTT. KTTT- với sản phẩm là Tri thức- sẽ dẫn đến tái cấu trúc kinh tế-xã hội và chính trị trên phạm vi toàn cầu. Trước mắt, cuộc cạnh tranh giữa các nhà nước (các nước công nghiệp phát triển) trong tư cách các hệ thống kinh tế- xã hội- chính trị với những lợi thế khác nhau về luật lệ, về thuế, về tiêu chuẩn an sinh xã hội... đã bắt đầu trở nên gay gắt để thu hút đầu tư. Ai tái cấu trúc nhanh, người đó sẽ thắng.

 

Ðiều kiện hình thành KTTT.

 

Trước hết, cần khẳng định rằng, KTTT không phải là một bước nhảy đột biến, hay sáng tạo của một lý thuyết nào đó, mà là hình thái phát triển cao hơn nữa- có tính tiến hóa- của nền kinh tế hàng hóa tư bản với sự kế thừa các qui luật của nền kinh tế thị trường. Chính sự phát triển kinh tế, xã hội, chính trị  đến mức cao độ ở các nước công nghiệp phát triển nhất đã tạo tiền đề cho sự ra đời KTTT.

 

Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên vào cuối thế kỷ 18 tại Anh quốc đã đưa nước này lên vị trí lãnh đạo thế giới. Ðồng thời nhận chìm Trung Quốc và Ấn Ðộ- là hai nước vào thế kỷ 17 còn giàu hơn cả Châu Âu- xuống hàng các nước thuộc địa và ngày nay vẫn còn là những nước đang phát triển. 100 năm sau, với ba ngành công nghiệp mới là Ðiện, Hóa chất và Chế tạo động cơ đốt trong, Ðức và Mỹ đã trở thành hai cường quốc hàng đầu của thế giới trong giai đoạn hai của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Cũng đúng 100 năm sau vào cuối thế kỷ 20, chúng ta đang đứng ở trung tâm cuộc cách mạng thứ hai: cuộc cách mạng kinh tế-xã hội-công nghệ, nẩy sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Chính cuộc cách mạng công nghệ đã đưa các quốc gia công nghiệp phát triển đến xã hội tin học bằng cuộc cách mạng công nghệ tin học. Qúa trình phát triển kinh tế- xã hội này tại Mỹ, Ðức và Nhật bản đã tạo được những tiền đề sau đây cho sự hình thành KTTT:

 

- Tự động hóa cao độ: Tự động hóa cao độ quá trình sản xuất không những giảm đến mức thấp nhất chi phí cho những yếu tố phi tri thức, mà còn rút ngắn một cách căn bản thời gian từ khi nghiên cứu phát triển đến sản xuất hàng loạt. Và như vậy mới gia tăng một cách đáng kể hàm lượng tri thức trong sản phẩm. Ngoài ra, chỉ có sự tự động hóa cao độ mới đáp ứng được nhu cầu sản xuất  sản phẩm vừa với số lượng lớn, vừa rất linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của khách hàng ở những thị trường khác nhau trên thế giới.

 

- Công nghệ tin học và thông tin phát triển cao độ. Ðây là một trong những điều kiện căn bản nhất bảo đảm sự phát triển của KTTT. Nó không những là một ngành kinh tế then chốt sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tri thức, mà còn là điều kiện bảo đảm hiệu qủa việc tiếp cận, trao đổi, xử lý thông tin, sáng tạo tri thức của các ngành kinh tế-xã hội khác. Trong sản xuất-kinh doanh, sự phát triển công nghệ này đã dẫn đến cái mà chúng ta thường nghe nói: cuộc cách mạng giảm chi phí quản lý-điều hành. Chi phí liên lạc rất thấp cũng góp phần không nhỏ giúp doanh nghiệp có những phản ứng kịp thời cho mọi biến động trên phạm vi tòan cầu, thúc đẩy toàn cầu hóa doanh nghiệp. Ngoài ra, công nghệ tin học và thông tin phát triển cao độ có những đóng góp tích cực vào việc nâng cao tri thức cho người tiêu thụ bình thường, giúp họ nâng cao khả năng sử dụng hàng hóa tri thức.

 

KTTT chỉ có thể xuất hiện tại những quốc gia đã đạt được trình độ cao nhất trong lĩnh vực Nghiên cứu & Phát triển.

 

Bảo vệ có hiệu qủa một môi trường an toàn và ổn định cho việc hình thành, sản xuất và tiêu thụ Tri thức. Ðó là một môi trường pháp lý bảo đảm tự do hoàn toàn cho việc tiếp cận, trao đổi và xử lý thông tin, trong đó gía trị Tri thức được bảo vệ có hiệu qủa bằng luật sở hữu Trí tuệ; sở hữu tư nhân phải được tôn trọng và bảo vệ.

 

Một nền kinh tế thị trường phát triển cao với các thị trường tài chính quốc tế hoạt động hữu hiệu. Như đã nói ở trên, doanh nghiệp trong KTTT vừa cần vốn đầu tư khổng lồ, vừa phải chạy đua với thời gian và đương đầu với những rủi ro lớn, nên hơn bao giờ hết, hoạt động của họ trong KTTT  phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp vốn từ các thị trường tài chính. Ngược lại, sự ổn định của thị trường tài chính cũng gắn bó mật thiết với công cuộc kinh doanh của doanh nghiệp. Bảo đảm sự hoạt động của một nền kinh tế với những quan hệ đan quyện phức tạp và nhậy cảm như vậy chỉ có thể thành công tại những quốc gia đã có nền kinh tế thị trường vững mạnh.

 

Sau cùng, nhưng quan trọng hơn cả, đó là KTTT chỉ có thể hình thành ở những nhà nước pháp quyền dân chủ, nơi mà doanh nghiệp có thể lường trước được mọi rủi ro trong kinh doanh trên cơ sở những qui luật thị trường trong một khung pháp lý rõ ràng, ổn định không bị thay đổi một cách tùy tiện.

 

Một số học giả phương Tây cho rằng trình độ đào tạo dân trí cũng có thể được xem như điều kiện tiên quyết hình thành KTTT. Và rút ra kết luận là không nên đặt vấn đề đầu tư xây dựng các ngành công nghiệp then chốt của KTTT tại CNÐPT. Theo tôi, trình độ đào tạo dân trí đóng một vai trò không thể thiếu để hình thành nguồn cung cấp tri thức, và giúp người dân với tư cách người tiêu thụ sử dụng tốt hàng hóa tri thức. Chứ không phải là một điều kiện tiên quyết. Một trong những khác nhau căn bản của KTTT với các hình thái Kinh tế sử dụng tri thức khác là sự gia tăng- có tính chất đột biến- giá trị Tri thức "nguồn" (cũng có tác giả gọi là Tri thức đầu vào) thông qua qúa trình sản xuất đặc trưng trong KTTT với sự tham gia của các nguồn Tri thức khác. Không có qúa trình sản xuất rất đặc thù này, Tri thức nguồn vẫn chỉ là những thông tin với vai trò quen thuộc trong Kinh tế Hàng hóa.

 

Các nước ÐPT có thể đi tắt đón đầu KTTT được không?

 

KTTT là hình thức phát triển mới, cao hơn của Kinh tế hàng hóa tư bản. Nó là sản phẩm tiến hóa. Thành qủa của các cuộc cách mạng công nghiệp, cách mạng kinh tế-công nghệ và xã hội là điều kiện cho việc hình thành KTTT. Muốn xây dựng KTTT thì phải tạo được các điều kiện hình thành ấy. Vì vậy không thể đi tắt đón đầu.

 

Trên lý thuyết, mỗi quốc gia không có ý định đi tắt, đón đầu, đều có thể xây dựng KTTT. Nhất là hiện nay CNÐPT có thể sử dụng ngay những thành tựu công nghệ mới và tận dụng sự ủng hộ về tài chính của cộng đồng quốc tế, để đẩy nhanh tốc độ phát triển tuần tự cơ sở kinh tế-xã hội của mình. Thế nhưng có một số lý do khiến cho việc theo đuổi mục tiêu xây dựng KTTT ở CNÐPT sẽ trở thành không tưởng và không mang lại lợi ích thực tế:

 

-  Trước hết, CNÐPT phải tự hỏi sẽ cần bao nhiêu năm để xây dựng thành công những cơ sở đã nói ở trên của KTTT? Ðể so sánh, cần lưu ý rằng, muốn đạt trình độ phát triển kinh tế-xã hội trung bình như hiện nay của Liên minh Châu Âu (EU), các nước Ðông Âu mới được kết nạp vào EU như Balan, Hungari, Tiệp- là những nước đã xây dựng nhà nước Dân chủ Pháp quyền từ hơn 15 năm nay- phải cần ít nhất là 20 năm nữa với sự giúp đỡ toàn diện của EU. Trong khi đó, KTTT chỉ mới xuất hiện ở Ðức- nước hùng mạnh nhất Châu Âu. Khi một số nước ÐPTxây dựng được cơ sở KTTT, có lẽ trên thế giới đã xuất hiện Kinh Tế Trí tuệ Nhân tạo. Ðiều nguy hiểm là ở chỗ: trong thời đại tòan cầu hóa hiện nay, ai không hội nhập được hoặc không muốn hội nhập vào kinh tế quốc tế, kẻ đó sẽ bị lãng quên, bị bỏ rơi và sẽ mãi mãi tụt hậu.

 

-  Khi tạo được cơ sở cho KTTT rồi, CNÐPT sẽ phải đương đầu với một vấn đề không thể giải quyết nổi: tập trung vốn khổng lồ cho việc phát triển KTTT. Thị trường tài chính quốc tế lúc bấy giờ đã không còn biết gì đến KTTT, mà có lẽ chỉ còn quan tâm  đến nền KT Trí tuệ Nhân tạo mà thôi.

 

-  Hiện nay, sự cách biệt về khả năng hình thành và sử dụng Tri thức giữa CNPT với CNÐPT còn lớn hơn rất nhiều so với cách biệt về thu nhập tính theo đầu người. Bên cạnh một số nguyên nhân như sức mạnh kinh tế, sự hoạt động hiệu qủa của cơ quan công quyền, viện nghiên cứu v…v, thì hiệu qủa hoạt động sáng tạo,hình thành tri thức cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra cách biệt này. Nhưng hoạt động sáng tạo tri thức chỉ có thể được mở rộng và phát triển đáp ứng nhu cầu hình thành KTTT ở những nơi đã có sẵn: a) các tổ chức nghiên cứu hoạt động hiệu qủa; b) sự phối hợp hoạt động tốt của mạng lưới các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ và sản xuất; c) dễ dàng tiếp cận, mở rộng và ứng dụng các kết qủa nghiên cứu trước đó; d) lĩnh vực Nghiên cứu & Phát triển hoạt động hiệu qủa và được đầu tư lớn,thường xuyên. Ðây là những điều kiện tiên quyết mà CNÐPT còn thiếu và trong một tương lai trung hạn cũng sẽ không thể có được do hầu như không nhận được hỗ trợ tài chính quốc tế. Chúng ta để ý rằng, ngay từ bây giờ đầu tư cho Nghiên cứu & Phát triển đã là đầu tư cơ bản nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp. Ai muốn tồn tại trong Toàn cầu hóa, hội nhập thành công vào KTTT không muốn và cũng không thể đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh của đối thủ.

 

-  Những đặc trưng đầu tiên của KTTT cũng đủ cho thấy rằng nó không là một nền Kinh tế quốc dân, mà sẽ là một nền Kinh tế có tính chất toàn cầu dưới sự dẫn dắt của một vài quốc gia hùng mạnh nhất và sẽ do một số tập đoàn kinh doanh toàn cầu chi phối. Tìm cách xây dựng một nền KTTT quốc dân trong bối cảnh như vậy không phải là khôn ngoan và có thể sẽ gây hoang phí sức người sức của đến mức bị tụt hậu không thể cứu vãn.

 

Thời gian gần đây, nhiều nước ÐPT hô hào phát triển nhanh, mạnh Công nghệ tin học và truyền thông, coi nó như một cây cầu, một lá bài mầu nhiệm dẫn đến KTTT. Nhưng thực ra, nó không phải là một cây cầu mà chỉ là một trong những trụ cầu. Và cũng như mọi trụ cầu khác, nó phải được xây dựng trên một nền móng vững chắc. Vai trò then chốt của Công nghê Tin học và Truyền thông là điều không cần bàn cãi. Gần đây người ta đã nói đến cuộc cách mạng sinh học sử dụng công cụ là Công nghệ tin học. Thế nhưng nên lưu ý rằng, cũng như các ngành công nghiệp then chốt khác, Công nghệ này thực chất là một phức hợp của rất nhiều ngành nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh khác nhau. Chúng chỉ phối hợp với nhau một cách có hiệu qủa khi có cùng một trình độ phát triển nhất định và với một cơ sở hạ tầng thích hợp. Vì vậy, việc chỉ chú trọng phát triển công nghệ này như một ngành kinh tế độc lập, hay nhầm lẫn nó là KTTT, sẽ dẫn đến sự phát triển mất cân đối nặng nề nền kinh tế quốc dân và hoang phí sức người sức của.

         

Tuy vậy, cũng như bất kỳ nền kinh tế nào, KTTT cũng cần thị trường và sự phân công lao động hợp lý. Làm sao để nước mình trở thành thị trường lao động chuyên biệt tham gia có hiệu qủa vào qúa trình sản xuất quốc tế và sẵn sàng trở thành thị trường tiêu thụ không thể bỏ qua trong nền KTTT Toàn cầu, mới chính là chiến lược phát triển đúng đắn nhất của các nước đang phát triển.

Nguyễn Vân Nam
Số lần đọc: 1954
Ngày đăng: 01.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
John Updike : Một ngôi sao văn học đã ra đi - Võ Công Liêm
Thơ của người đang trẻ - Lê Khánh Mai
Thư cho một quốc gia Ki-tô giáo-1 - Sam Harris
Thư cho một quốc gia Ki-tô giáo-2 - Sam Harris
Ngôn ngữ và luận lý học - Nguyễn Ước
Cháu nội Triệu Đà tên gì? - Trương Thái Du
Thấy và Tin - Jerry A. Coyne
Charles Darwin – Con người và thuyết tiến hóa - Nguyễn Đức Hiệp
Thơ – Bí mật sự sáng tạo và cái chết - Nguyễn Nhã Tiên
Vài giòng thêm về thơ Bút Tre - Đông La
Cùng một tác giả