Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
825
116.628.651
 
Ði tìm người dịch địa bạ triều Nguyễn
Hà văn Thùy

Bài của nhà văn Hà Văn Thùy in trong cuốn Góp với văn đàn (Nxb Văn Học, 2006, trang 130)  chỉ viết về mặt công sức,còn việc thõa thuận như thế nào giữa 2 tác giả về việc dịch thuật là cần thiết không thấy nói đến.Thiết nghĩ việc dịch và nghiên cứu không chỉ là một lãnh vực . Mong các vị biết chỉ giáo cho.

VCV

 

Cho tới năm 1997, bộ Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn của nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu đã in được 14 tập. Với mỗi tập dầy hơn 300 trang, đây là công trình có tầm cỡ vào bậc nhất hiện nay. Không chỉ có quy mô đồ sộ về số lượng trang chữ, đó thực sự là một trong những công trình lớn nhất về khoa học lịch sử ở cuối thế kỷ XX của chúng ta, như đánh giá của nhà sử học lão thành Trần Văn Giàu.

 

Giá trị của công trình này không những ở chỗ lần đầu tiên dịch và công bố địa bạ 11 tỉnh nước ta từ Huế trở vào (theo địa giới cũ) được lập trong vòng 31 năm thời Nguyễn (1805-1836) mà tác giả còn có công nghiên cứu và trình bày những biến động về ruộng đất, ranh giới hành chính, dịa danh ở các tỉnh đó một cách hệ thống cho tới ngày nay. Công trình còn là bộ sưu tập lớn các loại bản đồ giúp cho việc nghiên cứu được thuận tiện. Chính nhờ những nghiên cứu cập nhật này mà Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn thoát khỏi số phận một tử thư, trở thành tài liệu tham khảo không thể thiếu cho bất cứ ai nghiên cứu về nông thôn Việt Nam.

 

Thông thường ở ta, một công trình loại này phải do một viện cấp nhà nước chủ trì với sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu và số kinh phi không nhỏ. Công trình Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn đã ra ngoài thông lệ đó. Nó chỉ do duy nhất một người đứng tên. Ðiều này càng có ý nghĩa bởi đây là tâm huyết và trách nhiệm của tác giả. Ngoài việc lao tâm khổ tứ, tác giả còn bỏ ra không ít tiền của, điều rất đáng kể với chúng ta ở vào thời kỳ tồn tại được đã là khó.

 

Tuy vậy, có điều chắc chắn rằng, công trình này vượt quá sức của một con người, không chỉ ở thời gian vật chất mà còn là sự thách đố của tri thức, bởi lẽ là làm được việc này cần đến cả một viện hàn lâm.

Từ suy nghĩ đó, chúng tôi nảy sinh câu hỏi: "Phép màu nào đã giúp một người làm được những việc như thế?"

Ðọc Lời cảm ơn ở đầu sách, thấy có nhắc đến ông Vũ Văn Kính và Tăng Văn Hỷ là những người cộng sự viên. Do có ít nhiều quen biết hai vị túc nho này, chúng tôi đánh đường tới thăm.

 

Ông Vũ Văn Kính sinh năm 1919, nhận bằng Cao học Văn chương Việt Nam năm 1974, là tác giả các cuốn Từ điển chữ Nôm, Tìm nguyên tác Truỵện Kiều, hiện đang chuẩn bị cho in Ðại từ điển chữ Nôm với 37.000 từ. Ông Kính cho biết, năm 1986 ông làm địa chí Long An cho Viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nên thường vào Kho Lưu trữ Trung ương 2 để đọc Ðịa bạ Long An, Bến Tre. Tại đây ông gặp ông Nguyễn Ðình Ðầu đang làm Ðịa chí Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đấy hai ông quen nhau và ông Ðầu do năng lực Hán Nôm có hạn nên thường hỏi ông Kính những chữ khó. Thấy ông Ðầu có ý muốn nghiên cứu Ðịa bạ triều Nguyễn, ông Kính ủng hộ, hứa sẽ cùng làm. Cuối năm 1986 ông Kính hưu trí, hai ông thỏa thuận: Ông Kính giúp ông Ðầu dịch địa bạ, ông Ðầu trợ giúp ông Kinh khoản thù lao tương đương 10 (mười) kilogam gạo một tháng. Ông Kính kể: "Lúc đó tôi rất túng nhưng do vị thế nhà nho, kẻ sĩ nên giữ ý. Có một ông tới làm, yêu cầu thù lao 50 kg gạo, không được nên ông ấy nghỉ." Ông Ðầu nói với ông Kính: "Hai anh em mình ráng làm. Ông thông cảm với thù lao ít ỏi đó. Tôi đang xin tài trợ. Nếu được, tôi sẽ bàn với ông xem ta sử dụng tiền thế nào. Tôi không phải người tham lam." Hàng ngày, sáng sáng ông Kính tới Kho lưu trữ dịch tài liệu, chiều về nhà đánh máy lại. Thấy công việc quá nhiều, một mình làm không xuể, ông Kính rủ thêm ông bạn già Tăng Văn Hỷ, ông Ðinh Tấn Dung, ông Vũ Hiệp và ông Trần Văn Mãi là những người bạn học Văn khoa ngày trước, lập thành nhóm công tác. Ông Ðầu đưa tới bản dịch Ðịa bạ Lục tỉnh Nam Kỳ là phần tương đối dơn giản hơn các tỉnh ngoài Bắc (theo Lời cảm ơn ở đầu sách.). Nhóm ông Kính chịu trách nhiệm hiệu đính phần đó và dịch toàn bộ phần còn lại, khoảng 10.000 xã. Sau vì thù lao quá hẻo, không đảm bảo cuộc sống, các vị khác bỏ cuộc, còn lại ông Hỷ kéo dài được 2 năm và ông Kính đeo đẳng suốt 5 năm. Ông Kính cho biết, tài liệu ở kho lưu trữ có nhiều vi sinh vật và chất bảo quản diệt trùng nên độc, khi đọc bị chảy nước mắt. Sau thời gian dịch địa bạ, ông bị hỏng mắt. Thời gian đó có câu chuyện thế này, một hôm tới nhà ông Ðầu, hai ông gặp giáo sư Trần Văn Giàu. Ông Giàu hỏi: "Mấy chú tới đây làm gì?" Khi được biết tới dịch địa bạ, ông Giàu nửa đùa nửa thật chỉ tay vào ông Ðầu, nói: "Coi chừng nhé, tay học phiệt này nó lợi dụng mấy chú đó!" Chuyện đùa vui, mọi người đều cười.

 

Thời gian qua đi, đến năm 1994, khi được Công ty Phát hành sách Thành phố biếu cuốn Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, ông Kính mới biết sách được in. Mừng quá, ông tới thăm ông Ðầu. Ông Ðầu nói về việc in sách, việc mình sắp đi Pháp rồi xin lỗi: "Chưa biếu sách bác được vì bây giờ tôi phải mang sang Pháp biếu. Ðể tái bản tôi sẽ tặng bác vậy!" Cố nhiên không ai hài lòng với cách ứng xử này. Chúng tôi hỏi: "Trong sách có nói TOYOTA Foundation tài trợ, ông có biết việc này không?" Ông Kính trả lời: "Sau này biết có tài trợ nhưng ông Ðầu nói tiền thành phố giữ!"

 

Vui chuyện, ông già 80 tuổi đưa chúng tôi xem những bản in thử cuốn Ðại từ điển chữ Nôm của ông. Ông rất mãn nguyện vì tìm được một cô viết chữ thật đẹp. Cô không chịu nhận thù lao, ông ép cô phải nhận để làm việc có trách nhiệm hơn. Hỏi về đời sống, ông nói: "Tôi không khá cũng không thiếu, đủ điều kiện để làm việc." Rồi ông cười hồn hậu: "Ra đời vẫn còn những người tốt bụng ông ạ! Ðó là một đêm, khuya rồi tôi nhận điện thoại. Sau khi tôi xưng tên, người đầu dây bên kia cũng nói tên tuổi. Ông ta gọi cho tôi khi đang đọc cuốn sách của tôi. Ông ta nói cảm ơn tôi vì những cuốn sách đã đọc. Ông ấy hỏi thăm đời sống, công việc của tôi. Ông động viên tôi ráng hoàn thành cuốn Ðại từ điển. Mấy ngày sau tôi nhận được bưu phẩm của ông ta. Bên trong có thư, gói chè Bắc và 100 đô la Mỹ. Bất ngờ quá, tôi chẳng hiểu sao, có lẽ ông ta lầm chăng? Tôi viết thư hỏi lại thì ông ta trả lời... Ông già dừng lại, lục trong phong bì đưa cho chúng tôi bức thư chữ vi tính to đùng, toàn những gạch đầu dòng:

" - Ðang đọc cuốn 5000 chữ Nôm của Cụ, trong đó nói một người Nhật đã in Tự điển chữ Nôm, tôi rất chạnh lòng và nghĩ ngay đến Cụ.

- Biết tin Cụ đang cần phục hồi thị lực để hoàn thành Ðại từ điển và nhiều cuốn sách khác.

- Là người lao động chân chính nên quý trọng những tác phẩm của Cụ.

-Việc tỏ lòng kính trọng với Cụ - nhân tài đất nước là việc làm có tính truyền thống của gia đình tôi.

- Ðiều mong mỏi duy nhất của tôi là mong Cụ phục hồi thị lực, dồi dào sức khỏe để cống hiến nhiều hơn nữa cho hậu thế. Rất mong Cụ thông cảm việc làm của tôi."

 

Ông Kính đưa chúng tôi cuốn Tổng kết nghiên cứu Ðịa bạ Nam Kỳ lục tỉnh. Trên trang đầu có những dòng chữ viết tay: "Trân trọng tặng bác Vũ Văn Kinh người cố vấn và cộng sự viên tài đức nhất của tôi để thực hiện được công trình vượt khả năng mình này. Xin bác nhận lời cảm tạ chân thành của tôi. Tp Hồ Chí Minh, ngày 2-9-1994. Nguyễn Ðình Ðầu." Ðề tặng như thế có thể nói là đã "phải lời". Tiếc một điều là khi lên màn ảnh nhỏ của Ðài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả không một lời nhắc đến người cố vấn tài đức này!./.

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 3750
Ngày đăng: 12.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Phúc Nguyên ,vị chúa của những kỳ công mở cõi - Nguyễn Quang Ngọc
Trương Định - Thủ lĩnh vĩ đại của nghĩa quân chống Pháp - Lê Ngọc Trác
Có hay không có chủ quyền của Philippines trên quần đảo Trường Sa? - Đinh Kim Phúc
Malaysia hoàn toàn không có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa - Đinh Kim Phúc
Hoàng Cao Khải không phải là người theo Pháp để hưởng lợi ? - Nguyễn Hùng
Lê Văn Duyệt : Một tài năng lớn về quân sự, chính trị, kinh tế - Lê Ngọc Trác
Lịch sử những cuộc bách hại - Nguyễn Hữu An
Về di tích Bàu Thành - Phạm Quang Minh
Có hay không Thống chế Trần Đồng?(*) - Phạm Quang Minh
Nguyễn Hoàng và bước đầu tiến vào vùng Nam Trung Bộ - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)