Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
826
116.620.581
 
Người mẹ trẻ và nỗi đau da cam
Vũ Ngọc Tiến

Về thôn Quan Đình Bắc, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình hỏi thăm nhà chị Phạm Thị Ngàn, ai cũng nghẹn ngào cảm thương cho số phận éo le, chua xót của người mẹ trẻ với 2 đứa con tật nguyền, dị dạng đến quái lạ. Tôi đến thăm chị vào một sớm cuối xuân se lạnh, lay phay mưa bụi. Gió từ cánh đồng thổi vào làm những chùm hoa xoan tím rơi đầy lối ngõ. Cái mầu tím thủy chung dưới khung trời xám lạnh ấy là biểu tượng cho mối tình ngang trái, khổ đau giữa chị và anh Đỗ Văn Quảng chăng?...

 

Khi tôi đến nhà, chị Ngàn còn đang bận việc ngoài đồng. Tiếp tôi chỉ có vợ chồng ông Đỗ Văn Môn, còn anh Quảng ốm nặng, để râu xồm xoàm, tóc rối bù nằm bẹp trong buồng. Vẳng bên tai tôi những âm thanh ríu rít như bầy chim, nhưng không phải. Đó là âm thanh từ miệng hai đứa trẻ tật nguyền, thấy người lạ đến nhà nên líu lo muốn hỏi chuyện mà thôi! Tôi sững sờ bước vào buồng có 2 chiếc giường cũi bằng gỗ xoan đang nuôi nhốt cháu Đỗ Thị huê 17 tuổi và cháu Đỗ Văn Huy 11 tuổi. Trời ơi! Sự biến đổi gien do chất độc da cam Dioxin có thể làm cho hai cháu trở nên dị dạng đến vậy sao? Cháu Huê nặng chừng 12 kg, còn cháu Huy cỡ non 1 chục kg. Mũi chúng như cái mỏ chim đại bàng, đầu nhỏ, mắt tròn như mắt loài chim. Hai cháu lấy tay làm cánh đập nhẹ, miệng hót lên những âm thanh kỳ lạ. Tôi cảm thấy máu trong người mình như đông cứng lại, bờ mi cay rát, tai ù điếc, lảo đảo quay ra nhà ngoài chờ chị Ngàn đi làm đồng về…

 

Chị Ngàn về, căn nhà như ấm lại đôi chút. Dáng người thon thả, săn chắc ấy cứ tất bật chạy qua chạy lại tìm phích, pha nước đon đả mời khách. Lúc này tôi đã hồi tâm trở lại, nhìn kỹ gương mặt trái xoan đôn hậu, dáng người chín nẫu vẻ đẹp của người đàn bà chân quê 38 tuổi. Cái tuổi hồi xuân đầy sức sống mà sao cặp mắt lúc nào cũng buồn rượi, như có sương mù rắc lên đôi hàng mi?! Chị kể rằng, di họa chất độc da cam Dioxin ập đến với các con chị là từ bên ngoại của các cháu. Ông Phạm Văn Mận đi bộ đội năm 1964, chiến đấu ở Quảng Trị, nơi có nhiều chất độc da cam do máy bay Mỹ rải nhiều lần, nói là để diệt cỏ. Chị Ngàn là thế hệ thứ 2, chỉ bị nhiễm độc nhẹ, thời con gái đã hay đau cột sống và nhiều bệnh phụ khoa, nhưng đẹp nổi tiếng trong vùng, nhiều nhà nhòm ngó mong chị về làm dâu, song chị chỉ yêu có mình anh Quảng. Chị không thể ngờ sang thế hệ thứ 3, các con chị lại bị nhiễm độc và biến đổi gien trầm trọng đến vậy. 17 năm qua, chị đã cạn khô nước mắt, nhiều đêm nằm muốn khóc mà đôi tròng mắt chỉ đủ ứa ra vài giọt cặn lệ. Gia đình, họ mạc bên chồng giục anh Quảng lấy vợ khác để có con nối dõi, anh không nghe. Chị cũng không nỡ tâm làm khổ đời anh mãi, nhiều lần khuyên nhủ anh Quảng, nhưng anh chỉ lặng thinh rồi sinh chán đời, sinh trầm uất, uống rượu tự hủy hoại thân xác mình, khiến chị càng thêm đau đớn. Tôi hỏi về tiền trợ cấp cho các cháu, chị Ngàn cúi đầu, mắt đỏ hoe, chua chát đáp: “Chính sách nhà nước chỉ trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2, các cháu là thế hệ thứ 3 nên gia đình xin mãi mới được nhận trợ cấp theo tiêu chuẩn người tàn tật, mà cũng chỉ cho 1 cháu hưởng thôi, bác nhà văn ạ! Bác làm ơn cho cháu hỏi, chính sách là do con người đặt ra thì con người có thế điều chỉnh lại cho hợp lý chứ, phải không bác?” Tôi nghe mà đắng đót trong lòng!...

 

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam của tỉnh cho biết, thời chống Mỹ, thái Bình là tỉnh đông người nhập ngũ đi B, toàn ở những nơi chiến trường ác liệt nên giờ cũng là tỉnh có nhiều nạn nhân chất độc da cam nhất so với cả nước. Ngay cả những nơi giặc Mỹ trực tiếp rải chất độc thì thời đó không có người ở nên dư lượng chất độc còn lại trong thời bình không nguy hại khủng khiếp như lúc mới rải. Trong chuyến đi lần này tôi được biết, chỉ riêng huyện Quỳnh Phụ đã có 7.900 người nghi nhiễm chất độc da cam, mới chỉ hoàn tất hồ sơ, xét trợ cấp được cho 1.236 người. Số nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 năm ngoái huyện có 209 người thì sang năm nay còn 170 người. Có lẽ nạn nhân thế hệ 3 có vòng đời ngắn hơn thế hệ 2 chăng? Đã vậy, ngành LĐ&TBXH lại càng nên sớm điều chỉnh chính sách để phần nào bù đắp cho các cháu thế hệ 3. 

Chúng tra kiên trì đấu tranh đòi người Mỹ phải bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam là điều chính đáng, được cả loài người ủng hộ. Song dù thắng hay thua kiện thì cả nước hãy bằng lương tâm, trách nhiệm mà giang rộng vòng tay sưởi ấm, bù đắp cho những số phận nghiệt ngã như mẹ con chị Ngàn.

 

Hà nội 18/3/2009

Tác giả viết theo đặt bài của Báo Đất Việt

 

Ghi chú:

Người viết bài này mong quý báo và bạn đọc có lòng hảo tâm, muốn động viên hay giúp đỡ xin gửi  trực tiếp về địa chỉ cụ thể:

Chị Phạm Thị Ngàn (mẹ nạn nhân Huê và Huy)

Thôn Quan Đình Bắc, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 3016
Ngày đăng: 21.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phú Quốc mùa biển lặng - Huỳnh Kim
Bềnh bồng sông nước miền Tây - Huỳnh Kim
Cánh cò trên đảo Đình Vũ - Khải Nguyên
Miền gốm cổ Gò Sành- 1. - Sương Nguyệt Minh
Miền gốm cổ Gò Sành- 2. - Sương Nguyệt Minh
Một thoáng Yên Báy - Khải Nguyên
Nơi phía tây bắt đầu - Ngô Kế Tựu
Anh Ba Xuân - Huỳnh Kim
Mùa xuân Biên giới - Phạm Minh Hoàng
Tình Ca - Ban Mai
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)