Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
561
116.491.976
 
Ðạo đức học-3
Nguyễn Ước

Ðạo đức học tình thế

 

Có một lối tiếp cận đạo đức mang bản sắc Kitô giáo, nhấn mạnh tính chất độc đáo, có một không hai của mỗi biến cố, được gọi là đạo đức học tình thế (situational ethics). Joseph Fletcher (1905-1991), giáo sư nhiều đại học, trong đó có Ðại học Virginia, xuất bản cuốn sách của ông có nhan đề Situation Ethics: The New Morality (Ðạo đức học tình thế: Một nền đạo đức mới, 1966). Sách ấy nhanh chóng trở thành một bộ phận của phong trào phản ứng lại nhận thức chật hẹp của nền đạo đức Kitô giáo truyền thống trong thời đại có những biến đổi nhanh chóng về mặt xã hội.

 

Fletcher lập luận rằng quan điểm của ông tiêu biểu cho đặc tính nền tảng của lối tiếp cận mang bản sắc Kitô giáo vào cuộc sống. Nó nhấn mạnh trên:

(1) Tình yêu được Tông đồ Phao-lô nói tới trong Thư gởi tín hữu Corinthô 2;

(2) Sự từ khước chủ nghĩa tuân giữ nghiêm ngặt luật lệ (legalism) của người Do Thái; và

(3) Quan điểm của Augustine khi vị thánh giáo phụ ấy bảo rằng "cứ yêu thương đi rồi mọi điều ngươi muốn làm đều đúng".

 

Ðạo đức học tình thế lập luận rằng vì không sự việc nào giống với sự việc nào nên trong mỗi hoàn cảnh, ta phải ưu tiên làm điều mà mình cảm thấy là nhân ái nhất, và rằng để làm điều đó có thể phải đặt sang một bên qui tắc đạo đức có tính qui ước hoặc đi ngược lại những trông mong của xã hội.

 

Các nhà phê bình thuộc lập trường truyền thống có khuynh hướng lên án lối tiếp cận đó. Họ cho rằng nếu như vậy, nó sẽ dẫn tới tình trạng hỗn loạn đạo đức. Thế nhưng nó là nỗ lực chân thành nhằm kết hợp nguyên tắc đạo đức tổng thể, tức là tình yêu, với sự công nhận tính chất độc đáo của mỗi hoàn cảnh.

 

Hò hẹn rồi cưỡng dâm

 

Ðể minh họa tính chất phức tạp trong việc áp dụng các qui tắc tổng quát vào một hoàn cảnh cá biệt, chúng ta hãy lấy thí dụ từ một chuyện có thật về một tội danh thường được biết tới là một cách khái quát là "hò hẹn rồi cưỡng dâm" (date rape).

 

Ðây là một thuật ngữ được dùng trong hệ thống luật pháp phương Tây để cáo buộc một hình thức can tội cưỡng hiếp. Về mặt thủ tục tố tụng, nó có ý chỉ một bị cáo có quen biết trước với nạn nhân, đôi bên hò hẹn nhau vì tình yêu hay tình bạn, và rồi nhân khi hò hẹn, thực hiện hay dự mưu thực hiện hành động giao hợp mà không có sự đồng ý của đối tượng.

 

"Hò hẹn rồi cưỡng dâm" là thí dụ điển hình cho một tình thế nhập nhằng, phát sinh từ các cuộc tranh luận về luật pháp và đạo đức. Bất cứ sự mô tả có vẻ rành mạch nào về bối cảnh vi phạm, thí dụ làm tình trái với ý muốn của người đối tác hoặc toan tính làm tình trong trường hợp cá biệt mà chúng ta sẽ xem xét dưới đây, đều làm cho phức tạp thêm do bởi các tình tiết liên quan tới hành động đó. Nhất là trong trường hợp đôi bên đương sự, về mặt xã hội, đã tự nguyện ở bên nhau trong một thời gian dài hoặc ngắn nào đó.

 

Một vụ án điển hình

 

Một nam luật sư mời một nữ luật sư cùng đi khiêu vũ tại một khách sạn ở Luân Ðôn. Hai bên quen biết nhau đã lâu, cùng làm việc trong một tổ hợp luật sư. Tuy mỗi bên đều có giả dụ riêng của mình về mối quan hệ giữa hai người nhưng việc chàng mời nàng đi khiêu vũ và nàng nhận lời chứng tỏ quan hệ của hai người đã lên tới một mức nào đó. Thế rồi hôm sau nàng đâm đơn kiện chàng với tội danh cưỡng hiếp có dự mưu.

 

Theo tường trình của một tờ báo, chàng can tội ấy sau buổi tối khiêu vũ quay cuồng, uống whisky và sâm-banh với nạn nhân, kẻ được tờ báo ấy gọi "ẩn danh" là cô X, theo cách gọi của tòa án. Rời vũ trường, X. mời chàng về căn hộ của mình, nơi nàng thuê chung tầng lầu với một người bạn. Trước mặt người nam luật sư ấy, X. cởi hết áo quần của mình ra, kể cả quần lót, chỉ còn mang vớ dài, rồi ngủ thiếp trên sô-fa. Khi chợt thức giấc, X. thấy chàng đang nằm phủ lên mình, trên người cũng không còn quần áo, và chỉ mặc bao cao su (condom) màu lục.

 

Bài phóng sự của tờ báo ấy trình bày luận cứ rằng cô X. đã cư xử một cách rồ dại qua việc cởi hết quần áo của mình, chỉ còn lại đôi vớ dài, trước hai con mắt của người đàn ông vừa cùng cô trải qua một buổi tối vui vẻ. Và vì thế, cô nên chấp nhận rằng mình cũng có phần trách nhiệm về những gì xảy ra ngay sau đó.

 

Tại phiên tòa, nam luật sư bị cáo ấy bị xét là phạm tội cưỡng hiếp có dự mưu, thuộc loại hò hẹn rồi cưỡng dâm. Anh bị kết án ba năm tù ở. Sau đó, anh chống án. Phiên tòa phúc thẩm xử anh còn hai năm. Sau một nửa thời gian thụ án, anh được phóng thích nhờ có hạnh kiểm tốt trong nhà tù. Thế nhưng, ngay lúc anh vừa được phóng thích, người ta thấy rõ anh sắp phải đương đầu với một cuộc điều trần trước Luật sư đoàn để xin hành nghề luật trở lại. Và chắc chắn thỉnh nguyện của anh sẽ bị bác.

 

Thử phân tích vụ án

 

Trong vụ án vừa kể, phía biện hộ cho đương sự bị cáo giác can tội cưỡng hiếp có dự mưu ấy có thể cân nhắc lý lẽ về những vấn đề đa dạng như:

 

1. Nếu một người mời người khác vào phòng mình, phải chăng lời mời ấy được xem ít nhất là có bao hàm ý tưởng rằng sẽ không đặt thành vấn đề nếu xảy tới một loại quan hệ tính dục nào đó giữa hai người, nghĩa là lời mời ở chung phòng có thể không là lời mời trực tiếp rằng đôi bên sẽ làm tình với nhau, nhưng nó có thể gợi ý cho thấy rằng chuyện đó néu có xảy ra cũng chẳng thành vấn đề.

 

2. Phải chăng hành động ân ái tính dục giữa hai người từng chia sẻ với nhau một thời gian nào đó, nghĩa là đang ở bên nhau trong một cuộc hẹn hò, đòi hỏi phải có sự đồng ý cụ thể, được trình bày bằng lời nói hay chữ viết?

 

3. Nếu không có sự đồng ý cụ thể bằng lời nói hay chữ viết, nghĩa là không có sự trao đổi các thỏa thuận trước khi cởi quần áo cho dù giữa hai luật sư với nhau, có phải vì sự diễn giải sai lầm của một bên đương sự nên bị gọi là cưỡng hiếp hoặc cưỡng dâm có dự mưu.

 

4. Cũng nên cứu xét một tình huống khả thi khác. Nếu một người nữ mời một người nam vào phòng của mình sau khi đã có cùng nhau một buổi khiêu vũ như thế và kỳ vọng hai người sẽ làm tình, với ấn tượng rằng người nam ấy cũng muốn như mình. Nhưng có thể vì uống quá nhiều whisky nên anh ta ngủ thiếp trên sô-fa. Trong trường hợp này, liệu người nữ có thể kiện người nam ra tòa vì tội vi phạm một lời hứa đã được đôi bên cùng hiểu ngầm?

 

5. Trong tình huống của vụ án ấy, có phải đó là hành động cưỡng hiếp hoặc đơn giản chỉ là kết quả của một sự hiểu lầm?

 

6. Phải chăng hành động cởi hết quần áo trước mặt người khác có thể bị xét là "bất cẩn khiến cho xảy ra tai nạn" nếu ngay sau đó xảy ra cưỡng hiếp hoặc cưỡng hiếp có dự mưu?

 

Ngược lại, phía người nữ luật sư đứng ra cáo giác mình bị bạn trai "hẹn hò rồi cưỡng dâm" cũng có thể lập luận:

 

1. Cưỡng hiếp, bạo hành và các hình thức lạm dụng tính dục khác thường diễn ra giữa những người quen biết nhau. Sự kiện mối quan hệ trước đây của đôi bên không thể được nêu lên để làm giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của hành động đã diễn ra hoặc có nguy cơ sẽ diễn ra.

 

2. Không thể nào có bằng cớ khách quan để chứng minh cho sự hiểu lầm. Việc tuyên bố rằng mình hiểu lầm một điều gì đó có thể là cơ sở để luận lý hoặc lý do căn bản về sau của tình huống đó, hoặc chỉ là tìm cách bào chữa mà thôi.

 

Luôn luôn uyển chuyển

 

Ðối với đạo đức học, vấn đề là người ta có thể hiểu bằng nhiều cách khác nhau về một tình huống được cho là độc đáo. Những từ ngữ được chọn để đưa ra, thí dụ cưỡng dâm có dự mưu, chỉ được dùng để thông giải sự việc chứ không phải để mô tả sự việc. Cho dù mọi người đồng ý rằng cưỡng hiếp là luôn luôn trái đạo đức, nhưng vẫn còn có vấn đề là phải quyết định một cách chính xác rằng khi nào nên áp dụng từ ngữ ấy.

 

Vấn đề lại càng tế nhị hơn khi có những người vợ cáo giác rằng chồng đã cưỡng hiếp mình vì bị giao cấu mà không có sự đồng ý của mình. Bởi thế, có lẽ chúng ta cần phải uyển chuyển lúc cứu xét một vụ việc và cách áp dụng những từ ngữ thuộc loại ấy, kể cả bên trong khung khổ của các giá trị đạo đức tuyệt đối.

 

Ðiều đó có nghĩa rằng việc hoàn toàn cho phép mỗi sự việc quyết định qui tắc riêng của nó có khả năng đưa tới sự hỗn loạn cho cả xã hội lẫn đạo đức. Cũng như các chủ đề khác trong triết học, vấn đề ở đây là sự am hiểu cái đặc thù có liên hệ thế nào tới cái phổ quát.

 

VI. Các giá trị và xã hội

 

Tới ngang đây, trong chương này, chúng ta đã ưu tiên xem xét cặn kẽ các tình huống liên quan tới sự chọn lựa đạo đức cá nhân, các giá trị cùng các nguyên tắc qua đó có thể thông giải các chọn lựa ấy. Thế nhưng đối với chủ đề đó còn có một lối tiếp cận khác. Ta có thể nhìn vào phẩm tính và đức hạnh cá nhân của một người, là những cái đưa dẫn người đó tới hành động được gọi là "thiện"; kế đó, ta sẽ xét xem từ sự trau dồi những phẩm chất ấy có thể phát sinh các hành động và các chọn lựa nào.

 

Ðể thuận tiện khảo sát, chúng ta sẽ chọn cách bắt đầu từ xã hội như một toàn bộ, từ đó, xem xét các loại phát biểu cần được lập thành giữa con người với nhau, những quyền mà con người phải có, cùng những trách nhiệm mà con người phải thực thi khi sống trong xã hội. Chúng ta sẽ thấy rằng những cái được dùng làm trụ cốt cho các lối tiếp cận ấy có thể là luật tự nhiên, tính duy thực lợi chủ nghĩa hoặc các quan điểm đạo đức tuyệt đối chủ nghĩa, và đó là lý do tại sao chúng đi theo một cách tự nhiên các lối tiếp cận căn bản đã được phác thảo ở các phần trên.

 

Ðạo đức học đức hạnh

 

Thay vì nhìn vào hành động và đặt vấn đề nó "tốt" hay "xấu", đạo đức học đức hạnh (virtue ethics) bắt đầu bằng cách nêu các câu hỏi cơ bản. Thí dụ, "Ý nghĩa của cụm từ ‘con người tốt’ là gì?" hoặc hỏi theo cách khác nhưng cùng một nghĩa, "Khi cho rằng kẻ ấy là ‘con người tốt’, ta có ý nói gì?". Kế đó, triển khai từ câu hỏi ấy để thăm dò các phẩm tính và các đức hạnh làm nên "cuộc sống tốt". Và như đã có lần đề cập, người đầu tiên dùng lối tiếp cận ấy là Aristotle. Ông nối kết việc phô diễn các phẩm tính tối hậu với chủ đích tối hậu hay cứu cánh của cuộc sống.

 

Vào thập niên 1950 của thế kỷ 20 vừa qua, khi lối tiếp cận này triển khai, nó được các nhà tư tưởng của phong trào nữ quyền, đấu tranh cho bình đẳng giới, nhìn bằng ánh mắt ưu ái. Họ xem xét các luận cứ đạo đức học truyền thống, bị ảnh hưởng bởi những lối tiếp cận cuộc sống có "tính nam nhi" một cách đặc thù vốn đặt cơ sở trên các quyền và các bổn phận, trong khi đó họ tìm kiếm lối tiếp cận có "tính nữ nhi" hơn và sự thừa nhận giá trị của các mối quan hệ và của sự chung chăn gối.

 

Ðạo đức học đức hạnh cũng được xem là có tính tự nhiên chủ nghĩa (naturalism); nó chuyển dịch từ ý tưởng chỉ đơn giản tuân giữ các qui tắc tới việc tán thưởng những cách thức ta có thể dùng để phô diễn bản tính của chính ta, và như thế, thành toàn tiềm năng làm người của ta.

 

Những câu hỏi phải trả lời

 

Ðạo đức học đức hạnh nêu lên những câu hỏi căn bản như sau:

1. Chúng ta có yếu tính cố định nào không? Có phải phẩm tính cá biệt của nam giới và của nữ giới tạo nên những đức hạnh thích hợp với mỗi phái tính? Hoặc có phải bản tính của mỗi người là sản phẩm của môi trường chung quanh và bối cảnh giáo dục của nó?

2. Nếu bản tính của mỗi người bị hình thành và uốn nắn bởi những thành tố chúng ta chẳng thể nào kiểm soát, thí dụ nền văn hóa trong đó chúng ta chào đời và những trải nghiệm chấn thương thời thơ ấu, thì liệu rằng chúng ta có chịu trách nhiệm về các hành vi của mình không?

3. Chúng ta nên liên hệ như thế nào giữa sự phô bày các đức hạnh của cá nhân với các nhu cầu đích thực của xã hội?

4. Làm thế nào bạn có thể quyết định giữa các cách thức phô bày khác nhau của cùng một đức hạnh? Thí dụ cảm giác yêu thương hay lòng trắc ẩn khiến cho người này có thể giúp bệnh nhân nan y và ngặt nghèo được trợ tử, ngược lại người khác lại thấy rằng yêu thương và lòng trắc ẩn khiến cho họ có thể phấn đấu để giữ cho bệnh nhân ấy tiếp tục sống. Tới một mức độ nào đó, bạn phải nhờ đến các lý thuyết đạo đức học khác nếu muốn thẩm định các hành động nảy sinh từ các đức hạnh đặc thù.

 

Tóm lại, điều chúng ta cần ghi nhớ là, trong các lối tiếp cận của đạo đức học đức hạnh có một số lối tiềm ẩn những câu hỏi căn bản về cùng đích hoặc cứu cánh của cuộc sống con người, từng được Aristotle nêu lên từ hai mươi bốn thế kỷ trước. Trong khi "luật tự nhiên" khảo sát tổng quát một hành động trong liên quan tới "nguyên nhân tối hậu", còn đạo đức học đức hạnh khảo sát các phẩm tính con người trong liên quan tới vị trí tổng thể của chúng trong cuộc sống con người và những phương cách thích hợp mà chúng có thể phô bày.

 

Khế ước xã hội

 

Các lý thuyết đạo đức đặt cơ sở trên khế ước xã hội (social contract) xem xét các luận cứ được lập nên giữa người dân với nhau để cùng nhau tôn trọng các qui tắc nhất định và hạn chế những gì mỗi người có thể làm, nhằm tạo phúc lợi cho chính mình cũng như cho xã hội như một toàn bộ. Hầu hết dân chúng đều chấp nhận một thỏa hiệp nào đó giữa tự do của cá nhân và cái thiện tổng thể của xã hội cùng nhu cầu an ninh trật tự.

 

Các lý thuyết có tính khế ước xã hội phân chia trách nhiệm cho cá nhân và cho guồng máy công quyền mà qua đó xã hội được tổ chức. Nói cách khác, chúng đề ra những gì có thể kỳ vọng một cách hợp lý vào người dân trong quan hệ của họ với những người khác. Chúng cũng đề ra các quyền mà cá nhân được hưởng. Nhiều phạm vi của đạo đức học ứng dụng (applied ethics) đặt trọng tâm vào các quyền và các trách nhiệm, đặc biệt trong phạm vi hạnh kiểm nghề nghiệp, hoặc có khi được gọi là luân lý chức nghiệp.

 

Thí dụ chúng ta có thể đặt vấn đề bác sĩ có trách nhiệm nào đối với bệnh nhân, đối với xã hội trong đó người ấy hành nghề, và đối với sự phát triển của y khoa. Kết quả các giải đáp cho vấn đề ấy có thể đưa tới việc soạn thảo một bộ luật về đạo đức nghề nghiệp.

 

Cũng thế, người ta có thể đặt vấn đề con người, cả nam lẫn nữ, nên có những kỳ vọng căn bản nào liên quan tới cung cách những người khác hoặc nhà nước đối xử với cá nhân mình. Những trả lời cho vấn đề ấy dẫn đưa tới các bản tuyên ngôn đa dạng về các quyền con người, cung cấp những định chuẩn xét nghiệm xem xã hội có ứng xử công bình và chính đáng hay không.

 

Dù các quyền và các trách nhiệm là đặc điểm chủ yếu của tranh luận đạo đức học, chúng cũng là đặc điểm trong triết học chính trị vì chúng đi liền với các vấn nạn về công bằng và trật tự chính đáng của xã hội (xem chương 8).

 

Như thế, cuộc thảo luận về các quyền và các trách nhiệm có khuynh hướng phản ánh hai quan điểm. Một là của những người tuyệt đối chủ nghĩa, được cô đọng, thí dụ, trong lời tuyên bố rằng mọi người phải được hưởng triệt để các nhân quyền căn bản, bất kể cá nhân ấy là ai. Một là của những người duy thực lợi chủ nghĩa, theo đó các phúc lợi chỉ phát sinh từ sự đồng thuận về trách nhiệm của mọi người dân trong xã hội, vì thế, phải đặt sự thẩm định chúng trong tương quan với hạnh phúc tổng thể của xã hội.

 

VII. Ðạo đức học ứng dụng

 

Suốt chiều dài lịch sử triết học, các triết gia đã và đang tìm cách áp dụng ý tưởng của họ, và ta thấy điều đó rõ ràng nhất trong đạo đức học. Ba thập niên cuối của thế kỷ 20 vừa qua là khoảng thời gian thăng hoa của đạo đức học ứng dụng, sau rất nhiều năm nó có vẻ tương đối chìm khuất dưới chiếc bóng của các vấn nạn triết lý mang tính ngôn ngữ học về ý nghĩa và bản tính của những phát biểu đạo đức học.

Cuốn sách này thuộc tủ sách có đề mục Ðại cương triết học nên chỉ có tính cách giới thiệu và không thể dành không gian rộng rãi để trình bày rất chi tiết và thảo luận nhiều hơn về các triết gia và triết phái. Chúng tôi giới hạn vào việc chỉ đề cập một số phạm vi chủ yếu liên quan tới vấn đề ứng dụng đạo đức học hôm nay. Tuy thế, những ai quan tâm theo dõi tiếp khía cạnh này của đạo đức học có thể tìm thấy rất nhiều tài liệu giáo khoa liên quan tới các nghề nghiệp và các chủ đề cá biệt. Nếu có cơ hội, chúng tôi cũng sẽ dành riêng một cuốn có nhan đề Ðại cương triết học đạo đức để bàn rộng hơn về chủ đề này.

 

Luân lý chức nghiệp

 

Ðạo đức học chức nghiệp, hoặc luân lý chức nghiệp, liên quan chủ yếu tới các định chuẩn hoặc tiêu chí hạnh kiểm mà xã hội kỳ vọng vào các thành viên của một nghề nghiệp chuyên môn nhất định, đồng thời tới những phương cách dẫn đạo cho các tình huống mà đương sự cảm thấy không dễ tự mình lập các quyết định đạo đức cho mình.

 

Các nghề nghiệp có liên quan tới y học như bác sĩ y tá, luật pháp như thẩm phán luật sư, giáo dục như nhà giáo các cấp, an ninh xã hội như viên chức công lực, và đặc biệt các công chức phục vụ trong guồng máy công quyền, v.v. là đối tượng và là nguồn cung cấp một loạt các nan đề đạo đức cần được khảo sát.

Nhưng các lãnh vực khác của cuộc sống, thí dụ đạo đức học về truyền thông đại chúng, ảnh hưởng của công nghệ thông tin hoặc các hàm ý của cuộc vận động về di truyền học, đã làm nổi lên trên bề mặt những vấn đề khơi dậy sự ưu tư của người bên trong và quan tâm của người bên ngoài, bởi vì xã hội như một toàn bộ nên không ai là kẻ ngoại cuộc.

 

Ðạo đức học ứng dụng trong chức nghiệp thích đáng cho những ai hoạt động trong các lãnh vực cá biệt và đồng thời cho đại chúng trên một qui mô lớn, thí dụ như ảnh hưởng của truyền thanh truyền hình và báo chí hoặc sự giới thiệu các loại thực phẩm bị sửa đổi di truyền, hoặc quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi sinh, làm địa cầu nóng dần lên gây họa cho con người hôm nay và di họa cho con cháu mai sau.

 

Hoặc cung cách kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa đang gây tổn thương nghiêm trọng cho các quyền của công nhân, tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa bản địa và công cuộc phát triển xã hội đồng bộ và cân bằng tại các nước đang phát triển. Thậm chí những sự việc mới được phát hiện vào đầu thiên niên kỷ này như sử dụng qua liều lượng hóa chất trong việc sản xuất thực phẩm như sữa, hoặc đồ chơi trẻ em, đồ nhựa, v.v.

 

Thí dụ minh họa

 

Hai lãnh vực quan trọng trong đạo đức học ứng dụng là đạo đức học môi sinh và đạo đức học chức nghiệp hoặc luân lý chức nghiệp. Ðôi khi cả hai hiệp cùng nhau, thí dụ trong chủ đề thực phẩm bị sửa đổi mà thường được gọi một cách bóng bẩy là cải thiện di truyền.

 

Ở đây, chúng ta đối mặt với các chủ đề về hiệu ứng của các vụ mùa thu hoạch từ các hạt giống bị sửa đổi di truyền (SÐDT) trên các loài khác và trong môi trường như một toàn bộ, phối hợp với lời phê bình sề sự tự do của các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia đang mưu tìm lợi nhuận trong sự lơ là các hiệu quả rộng lớn hơn của các hoạt động của họ lên các thế hệ con người.

 

Trong năm 1999, việc sử dụng các phần hợp thành SÐDT trong thực phẩm đã làm công chúng nhiều nơi trên địa cầu bức xúc, đưa tới tình trạng bất thình lình sụt giảm số lượng thực phẩm SÐDT bán ra thị trường. Hậu quả là các công ty sản xuất ấy bị giảm sút lợi nhuận. Liệu có nên để cho các chủ đề lớn lao như thế bị quyết định chỉ bởi "sức mạnh thị trường"? Trách nhiệm của các công ti quốc gia và đa quốc gia ra sao?

 

Có phải giải pháp tốt nhất là dành rất nhiều nỗ lực nghiên cứu để có những phát minh tiên tiến và thích đáng. Xưa nay, loài người luôn luôn tìm cách cải tiến môi sinh nhằm mục đích phát triển, từ những chuyển đổi to lớn do việc phát triển canh nông đưa tới các xã hội định cư và văn hóa văn minh tăng tiến, so với thời kỳ du cư du mục của những nhóm người săn bắn hoặc chăn nuôi quần tụ nhau.

 

Ðối với các vấn đề này, các giới hạn thuần lý thuyết nào, nếu có, cần được đặt ra không? Nếu con người tìm cách gia tăng khả năng tiêu thụ về thực phẩm, hoặc nhà ở, hoặc đi lại, thì có phải các công ty nên tìm cách đáp ứng những nhu cầu ấy bằng cách chế tạo thêm thực phẩm cơ hữu, xây dựng các ngôi nhà mới hoặc sản xuất ngày càng nhiều xe cộ thích đáng. Ðồng thời họ nên có trách nhiệm về đạo đức và về bất cứ hậu quả nào lên môi sinh và người lao động, lên văn hóa bản địa, hoặc chịu trách nhiệm về những gì lừa dối quần chúng nói chung và những gì đi ngược lại các kỳ vọng của cá nhân con người trong lối sống cá biệt của nó.

 

Sức đẩy của triết học

 

Ðạo đức học là một chủ đề lớn lao, liên quan tới cả phạm vi lý thuyết lẫn cách thức ứng dụng các chủ đề đạo đức vào xã hội. Nó đã và đang cung cấp sức đẩy cho phần lớn công trình triết học như một toàn bộ, và là lãnh vực nghiên cứu riêng rẽ nhưng rộng rãi nhất trong các khoa triết của các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu, được chứng minh qua số lượng đông đảo các tạp chí chuyên đề và các tập san triết học hằng năm trên khắp thế giới.

 

Là một phạm vi nghiên cứu của triết học và tự thân nó cũng là triết học nên đạo đức học có giá trị rất đặc biệt. Những phúc lợi của tư duy sáng sủa, phân tích cụ thể và xác minh cặn kẽ các khái niệm và các tiền giả dịnh, có thể được xem là rất thích đáng và đáp ứng kịp thời cho các lãnh vực thực tiễn của cuộc sống.

 

Khi đối mặt với nan đề nên hay không nên tắt chiếc máy trợ sinh của ai đó đang lịm sâu trong cõi hôn mê và không còn khả năng hồi tỉnh với đời, ta bắt đầu tự hỏi không chỉ về qui chế đạo đức của việc trợ tử mà còn về những gì được ngụ ý khi ta dùng từ ngữ "con người", những gì làm nên sự sống con người và do đó, một hữu thể mà thân xác của nó đang được duy trì bởi một chiếc máy, có thể được nói là đang sống, theo bất cứ phương cách đầy đủ ý nghĩa nào không.

 

Ðể ứng xử thêm nữa với các chủ đề ấy, chúng tôi hi vọng sẽ có cuốn Ðại cương triết học đạo đức trong tủ sách này. Ngoài ra, độc giả nào muốn xem xét rộng rãi và sâu xa thêm nữa các chủ đề đạo đức học trong phạm vi luân lý chức nghiệp cá biệt có thể tìm hiểu những tác phẩm liên hệ, được phổ biến rộng rãi trong các trường chuyên nghiệp, thị trường nói chung, các thư viện và và hệ thống internet toàn cầu.n

 

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 4197
Ngày đăng: 24.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn học và thời trang - Nguyễn Mạnh Hà
Thanh Thảo với những câu thơ mềm mại mà mãnh liệt - Lê Ngọc Trác
Người đương thời thơ mới bàn về tiếp nhận thơ ca nước ngoài - Nguyễn Hữu Sơn
Tìm hiểu dấu vết văn học trung đại qua một trích đoạn Truyện Kiều - Võ Phúc Châu
Cái gia gia chẳng là… cái gì cả! - An Chi
Đối thoại hậu hiện đại - Inrasara
Triết học tôn giáo-1 - Nguyễn Ước
Triết học tôn giáo-2 - Nguyễn Ước
Ảnh hưởng của đạo Phật trong đời sống và tác phẩm của nhà viết tuồng Đào Tấn - Mang Viên Long
Triết học tâm trí -1 - Nguyễn Ước
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)