Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
458
116.592.601
 
Giấc mơ trượt ngã
Ngô Kế Tựu

Tiếng léo nhéo của đám trẻ con và những lời xì xào của người lớn văng vẳng bên tai người đàn bà mặt mày lắm lem bùn đất. Đất bám trên mặt từng bệt không còn nhận ra được người phụ nữ đó là ai. Trên tay cầm một bó bông huệ trắng, bà đi tới đâu, đám đông rồng rắn đi theo đến đó. Bà vừa đi vừa bứt những bông hoa trắng muốt vứt xuống cỏ, thỉnh thoảng dừng lại, ngoái đầu ra sau nhìn đoàn người đang bám sát nút. Dường như nhận ra một vài khuôn mặt quen quen trong đám người xa lạ, bà đứng lại hét lớn: “Mấy người đi theo tôi làm gì? Cút đi! Xéo đi! Tôi không cần mấy người thương hại!”. Đưa tay quẹt lớp bùn nhão dính trên khuôn mặt, bà ôm mặt khóc nức nở. Rồi như thể không chịu đựng hơn được nữa, tiếng khóc vang lên thảm thiết. Ai đó trong đám đông nói: “Nhìn xem! Có phải bà Mơ không kìa? Đúng là chị Mơ kia! Đúng rồi! Phải rồi, cô Mơ vợ ông Hai Thành đó!”. Người phụ nữ nghe đám đông gọi tên mình, hoảng hốt, đi thục lùi, đi lui đến cuối con đường cụt. Sau lưng là bờ vực sâu thẳm. Đám đông dừng lại, trố mắt im lặng và hờ hửng nhìn cái bóng đang lui dần. Ngay lúc đó, ông Hai Thành lao ra từ phía sau đám đông, miệng la thất thanh: “Cô em mày dừng lại! Dừng l…ạ…i! Dừng…l…ạ…i!”. Nhưng không còn kịp nữa. Người đàn bà trượt chân rơi xuống vực sâu! Chung quanh một màu đen tối!

 

Bà Mơ giật mình bật dậy. Cơn ác mộng làm bà cảm thấy hoang mang lo sợ, trong lòng hồi hộp và bất an về một chuyện gì đó mà không đoán được. Bà ngơ ngác nhìn quanh. Tất cả đều vắng lặng. Chỉ nghe tiếng tích tắc đều đều của chiếc đồng hồ pin để bàn. Nhìn đồng hồ, thấy còn hơi sớm, bà ngã mình ngủ lại. Nhưng rồi, bà lại bật dậy như chiếc lò xo, thỏng chân xuống giường lò dò tìm đôi dép vải. Bà bước ra phòng khách, đến cái bàn nhỏ kê làm bàn thờ ở góc phòng, đốt nén hương cho ông Hai Thành. Đứng trước tấm ảnh trên bàn thờ, bà nói lầm thầm gì đó một hồi, rồi qua bếp, pha tách trà mang trở ra. Đúng là một cơn ác mộng! Nhưng không sao nhớ được trọn vẹn. Thấy nó mơ hồ, không đầu không đuôi. Bà chỉ nhớ rõ hình hài ông Hai Thành mặc nguyên bộ đồ vải trắng toát, mặt mũi, râu tóc cũng trắng, lao ra từ trong đám đông và miệng hét giật giọng: “Cô em mày…”.

 

Ngồi xuống chiếc ghế sô pha uống tách trà nóng, bà thẩn thờ nhớ lại những chuyện ngày trước, lúc mới gặp và quen ông Hai Thành. Mới đó mà đã hơn mười tám năm. Đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất và có ý nghĩa nhất trong cuộc sống vợ chồng. Từ ngày quen biết ông cho đến lúc chết, ông Hai Thành vẫn suông miệng gọi vợ là “cô em mày”. Cách gọi nghe ngồ ngộ. Trên đời này, chắc chẳng có ông chồng nào gọi vợ mình như vậy. Nghe riết rồi quen, bà cũng không thắc mắc làm gì. Giờ trong căn nhà vắng lặng, không còn nghe tiếng gọi “cô em mày” nữa thì bà lại nhớ.

 

Vào một buổi sáng tháng Tư. Khu vực trước Lăng Ông Bà Chiểu nhộn nhịp người xe như mọi ngày, chợt dấy lên nhốn nháo. Mấy người mua bán đồ đồng nát trên vỉa hè lo cuốn đồ bỏ chạy. “Trật tự tới! Công an tới kìa!” Trong lúc ấy, phía lề đường trước cửa lăng, có một người đàn ông luống tuổi quáng quàng gom đồ bán vào tấm bạt nhựa làm rơi tung tóe ra ngoài, thì có người phụ nữ đứng gần đấy, chạy đến phụ: “Còn chần chờ gì nữa. Đem vô sau cổng Lăng. Công an hốt hết bây giờ!” Nói xong, người phụ nữ xăng sái đặt cái thúng đựng đầy nhang đèn lên chiếc thùng giấy chứa những mớ linh kiện điện tử hư cũ, khệ nệ khiêng lên, giúp ông già cùng chạy vào khuất sau cánh cổng. Kể từ đó, hai người quen biết nhau. Cô tên Mơ, còn ông tên Thành. Người qua một đời chồng không ra gì, bỏ quê lên phố tìm kế sinh nhai. Người coi như độc thân sau mười năm học tập cải tạo trở về thành thị mua bán linh tinh kiếm sống. Vào những lúc mưa gió bán buôn ế ẩm, cô Mơ bán dạo nhang đèn có nước da mịn màng thường hay lân la đến trò chuyện với ông cho đỡ buồn.

 

Tháng năm. Mưa đầu mùa rớt hạt. Mưa làm cho thời tiết mùa hè dịu đi một chút. Nhưng cũng có ngày nắng nóng ong ong như thiêu như đốt. Khí trời oi bức đến khó chịu, ngột ngạt, da dẻ người ta cứ nhơm nhớp rin rít mồ hôi. Ông Hai Thành suốt từ sáng đến chiều mới bán được cái quạt máy cũ. Ông chán nản, thu dọn đồ bán vô thùng định về nghỉ sớm, thì cô Mơ lon ton đi tới. Cô bận quần tây, áo thun sát nách trông trẻ trung, gọn gàng và khoẻ khoắn. Cô cười lỏn lẻn, ngồi xuống phụ ông dọn dẹp hàng họ, hỏi thăm chuyện bán buôn. Than thở về chuyện thời tiết một hồi, rồi cô bỗng rủ ông đi xem phim ở rạp.

 

- Trời đất! Ngon lành quá ta! Cô em mày rủ tui đi xem phim? Cô em mày quỡn dữ đa. Bộ cô em mày tưởng ông già này còn trẻ trung như đám thanh niên khoái vô rạp hát?

- Có sao đâu! Già mà đẹp lão! Trời nóng nực thế này, vào rạp máy lạnh xem phim cho sướng. Để cô em này bao cho ông anh.

 Nhìn chăm chăm cô em bán nhang, ông cười hề hề:

-Bộ cô em mày thấy tui còn ngon lắm phải hôn? Coi mòi cô em mày muốn dụ dỗ ông già này rồi đa? Nhưng thấy cô lườm lườm nhìn mình, ông giả lả: “Sao hôm nay bảnh vậy? Trúng mánh hả?”

- Trúng đâu mà trúng! Bán buôn ế nhệ muốn chết đây nè!

- Sao không chết ở nhà mà đòi vô rạp hát?

Cô đưa mắt liếc nhìn ông già đang nhìn mình nói tỉnh rụi:

- Bán ế mà còn đòi coi phim? Bộ cô em mày giàu lắm hè?

- Đi coi phim mà ở đó giàu với nghèo! Thây kệ! Tới đâu hay đó. Có đi xem phim một bữa, ngày mai cũng chẳng ai chết đói. Vô rạp ngồi cho mát! Trời nóng nực quá chừng!

- Nhìn cô em mày là thấy mát rồi. Thay vì đi coi phim, để tiền mua đồ về nhà cô em mày nấu món gì ngon ngon  ăn chiều có phải hay không? Vừa no vừa mát! Tui đề nghị vậy, cô em mày thấy sao?

- Nhà thuê, mái tôn nóng đổ lửa! Mát gì nổi?

- Thì mát con mắt! Cô em mày trắng trẻo, còn đẹp gái lắm nà. Bộ không biết sao? Chẳng lẽ không có thằng cha nào nói cho cô em mày biết hay sao?

- Nhà không có cái bàn cái ghế, lấy gì mà ngồi! – Nghe khen, cô thấy trong lòng hân hoan, nhưng làm bộ ngây ngô.

- Thì ngồi trên giường – Ông nói tỉnh queo khiến hai má cô ửng hồng, miệng cười lã lơi.

 

Bữa ăn chiều kéo dài đến tận khuya mới kết thúc. Sáng ngày hôm sau ông dọn đồ rời khỏi nhà bà cô ruột, đến ở với cô em bán nhang đèn. Hai người tiếp tục buôn bán  linh tinh kiếm sống. Một ngày ông nói với cô: “Đây là cơ hội cho cô em mày thay đổi cuộc sống tốt hơn. Cho cô em mày biết, tui chuẩn bị nộp hồ sơ đi Mỹ đây. Cô em mày muốn đi cùng không? Tui chẳng có bạn bè bà con gì bên đó hết, rủ cô em mày đi cùng cho có người bầu bạn. Đi qua bển làm lụng kiếm ít tiền rồi về sống cho sướng tuổi già. Cái số của cô em mày chỉ hợp với cái mạng tui mà thôi. Lấy thằng chồng khác sẽ khổ dài dài! Cô em mày coi ngộ không nà. Cái tên của tui với tên cô em mày gắn lại nghe cũng hay hay: “Thành một giấc Mơ hay giấc Mơ Thành sự thật!”.

 

Sau hai tháng sống với nhau như vợ chồng, cô dẫn ông về Cao Lãnh, tổ chức bữa tiệc đơn sơ ra mắt gia đình.

 

*

 

Uống xong tách trà thì trời đã sáng bét. Bà Mơ trở vào phòng ngủ, mở tủ chọn ra hai ba cái váy. Đứng trước gương, cầm chiếc váy ướm thử lên người. Bà cầm chiếc váy màu xanh dương lên đắn đo một hồi. Chiếc váy này là nguyên nhân đầu tiên làm hai vợ chồng gây lộn. Hồi ổng còn sống, mua sắm một vài cái áo cổ rộng là bị cằn nhằn nhức óc. Đôi lúc ông la rầy, nói năng thô lỗ khi bà tự ý mua món đồ nào đó, hoặc làm một chuyện gì mà không hỏi ý kiến của ông. Có một lần, sau trận cãi vã, ông làm lành nói: -

- Tui có khó tính, có nóng giận cũng vì tui thương cô em mày mà thôi. Tui sợ cô em mày dễ sa ngã trước những cám dỗ vật chất hào nhoáng.

Bà đáp trả:

- Ông làm như tôi còn con nít mới lớn không bằng. Tôi có mua sắm, chưng diện cũng để làm cho ông vui thôi, chứ có gì là quá trớn mà ông chì chiết. Mà đàn ông mấy anh ở đây có ai thèm ghé con mắt dòm ngó mấy bà già như tụi tôi đâu nè!”

- Thì có tui chi đây? Đàn bà mấy cô suy nghĩ thật hờ hợt.

 

Nỗi lo sợ của ông không phải là không có căn cớ. Bao năm sống thiếu thốn, nghèo khổ, giờ sang bên này có cuộc sống tốt hơn, có công ăn việc làm, có tiền sắm sửa, mỹ phẩm trang điểm… Ông sợ bà chưng diện ra đường thể nào cũng có ngày mất vợ! Thử hỏi có ông chồng già nào lại không sợ bị người khác cưỡm đi người vợ trẻ như thế cơ chứ? Cũng có lúc ông vui miệng, khi thấy vợ mặc chiếc váy cổ rộng cùng ông đi ăn tiệc cưới:

- Cô em mày mặc mấy cái áo sexy này, lượn qua lượn lại tui còn muốn lọt tròng con mắt huống hồ gì mấy cha Mỹ già chết vợ.

- Ông khoái thấy mồ mà còn làm bộ.

 

Nói về cuộc sống của hai vợ chồng sau ba năm đến Mỹ cũng tạm ổn như bao gia đình khác. Ông Hai Thành đi rửa ly chén cho một nhà hàng lớn trong trung tâm thành phố; còn bà Mơ thì làm thợ may ở một công ty sản xuất gối màn. Hai vợ chồng tằn tiện ky cóp được ít tiền, đặt cọc mượn tiền ngân hàng mua căn nhà gỗ cũ cho thuê. Xem ra họ cũng biết tính toán. Căn nhà gỗ liên kế hai tầng, bốn hộ. Cho thuê ba hộ, xem như hai vợ chồng ở không mất tiền nhà, tiền điện, nước… Mỗi tháng sau khi trả nợ ngân hàng, lại còn dư ra tiền chợ búa. Nhờ thế mà hai vợ chồng gom góp chút ít tiền bạc dành dụm mua được miếng đất mặt tiền gần chợ Cao Lãnh.

 

Chuyện mua miếng đất ở chợ Cao Lãnh là nguyện ước của ông Hai Thành trước lúc ra đi. Ông dự định chừng khi bà Mơ sáu mươi thì hai vợ chồng bán hết nhà cửa, hồi hương trở về cất căn nhà sống cho thảnh thơi tuổi già. Lá rụng về cội là chuyện thường tình. Dù gì ở quê nhà cũng còn có bà con họ hàng chòm xóm. Sống bên đây thui thủi chỉ có hai vợ chồng, chẳng có bà con thân bằng quyến thuộc, bạn bè láng giềng thì cũng chỉ một hai người. Sống như vậy cũng chẳng có gì là vui sướng. Thế nhưng, ước nguyện của ông Hai Thành đành lỡ dỡ. Bà Mơ giờ cô lẻ, một mình chèo chống con thuyền giữa dòng thác cuộc đời.

 

*

 

Bây giờ thì thoải mái sắm sửa! Chẳng ai rầy la nữa! Bà mua cả đống váy dài đủ màu đủ kiểu treo đầy trong tủ. Rồi nào giày dép, nào kính mắt, và lũ khũ những thứ dây chuyền, vòng nhẫn trang sức bằng vàng mười. Vào cái tuổi năm tư, bà cảm thấy như được trẻ lại, được tự do, và muốn làm lại cuộc đời. Bà quyết định chọn cái váy dài màu xanh dương cổ rộng. Bà ngắm mình trong gương, xoay đi xoay lại. Thấy trông trống cái cổ, lừng khừng một hồi, chừng nhớ ra chuyện gì, bà mở hộc tủ lấy ra sợi dây ngọc trai. Xâu ngọc nhựa giá mười đôla mua ngày hôm qua ở chợ trời, trông y như thật. Bà tự tin đeo lên cổ, lại ngắm mình trong gương, ra chiều hài lòng, rồi bước ra khỏi nhà, lên xe đi đến điểm hẹn.

 

Điểm hẹn là một tiệm ăn McDonald’s trên đường Walnut. Hôm nay là một ngày quyết định cuộc đời bà nếu như Tedd đồng ý đưa bà về ở chung như lời y đã hứa. Trên đường đến chỗ hẹn, cơn ác mộng hồi đêm vẫn cứ luẩn quẩn trong đầu. Hình ảnh ông Hai Thành hiện về vẫn còn rõ từng chi tiết. Bà cảm thấy bối rối khi nghe tiếng ông gọi bên tai: “Dừng lại! Dừng lại!”. Làm sao mà dừng lại đây? Mọi chuyện đang tiến triển tốt theo như sự sắp đặt. Tôi không muốn hoài phí công sức ba tháng nay mồi chài lão Tedd. Lão đang thực sự mê cô em của ông đây nè. Y mê một người đàn bà goá bụa luống tuổi đang cô đơn mòn mỏi, đang phải chống chọn với cuộc sống đầy bất trắc. Tôi đâu có gì để bị thiệt thòi trong cuộc tình này. Tôi đâu có gì để mất? Trái lại, nếu lão chịu kết hôn với tôi, thì cuộc đời tôi sẽ được giàu có, được làm bà chủ. Chẳng lẽ ông bắt tôi phải sống lủi thủi một mình trong căn nhà trống vắng hay sao? Giả sử, bây giờ tôi có trở về quê sinh sống, thì cũng chẳng có tiền đủ xây một căn nhà tươm tất. Ông Hai Thành à! Ông có thương tôi thì hiểu giùm tôi. Thôi thì ông cứ phù hộ cho tôi được hạnh phúc, giúp cho tôi thực hiện được giấc mơ của mình đi! Ông chẳng từng nói với tôi như vậy sao và tôi cũng đâu muốn cuộc đời mình có một kết cuộc như thế này. Bà Mơ lái xe, nhưng trong đầu cứ rối rấm, không còn tâm trí tìm nào nghĩ đến cuộc hẹn với lão Tedd.

 

Lão Tedd sáu mươi ba tuổi. Y sống một mình trong căn nhà đẹp và rộng, có sân sau nhìn ra hồ nước thơ mộng. Một lần ly dị, con cái sống ở New York. Hiện y làm chủ một xưởng tiện nho nhỏ có hơn hai mươi nhân công mà cách đây ba tháng bà Mơ tìm đến xin việc. Lần đầu đến gặp lão, nhìn ánh mắt là bà biết lão sẽ thuộc về mình. Bà không biết tí gì về quản lý, nhưng lại khăng khăng nói với y rằng bà có kinh nghiệm về công việc điều hành và chỉ muốn nhận làm công việc quản lý. Lão Tedd kinh ngạc trợn mắt nhìn người phụ nữ Á Đông ngồi trước mặt mình đang trẹo lưỡi phát âm ra cái thứ tiếng Anh lạ lùng. Đôi mắt lão dán chặt vào bộ ngực vung lên và nó cứ tâng tâng mỗi khi bà cố gắng phát âm những từ nhiều âm tiết. Lão đứng lên, đi lại khóa trái cửa phòng.

 

Lão Tedd có mặt đúng giờ, cùng lúc bà Mơ vừa đến. Hai người vào tiệm gọi thức ăn trưa: cá viên chiên, bánh sandwish và hai ly coke. Không như sự mong đợi, bữa ăn có vẻ trầm lắng và nặng nề. Hai người chỉ nói một vài câu ngắn gọn. Tóm lại, lão Tedd đơn phương muốn chấm dứt mối quan hệ lăng nhăng với bà. Câu chuyện tưởng dừng lại nơi đây. Nhưng không ngờ nó bùng nổ một cách nhanh một cách bất ngờ. Mặt đỏ ửng, bà Mơ nhìn lão bằng một ánh mắt hằn học. Những câu chữ tiếng Anh trong đầu cứ rối tung lên làm bà không sao trút hết vào cái mặt lạnh lùng, dửng dưng, trơ tráo của lão. Bà huơ tay múa chân, hùng hổ xô ghế đứng lên, miệng tuôn ra những tràng chửi xối xả: “Đồ khốn nạn! Đồ lừa gạt! Đồ chó già!” Mọi người có mặt trong tiệm nhìn bà như một con chó điên đang rống sủa bằng những từ ngữ xa lạ. Lão Tedd ngơ người trước thái độ quá bất ngờ này. Y dợm người đứng lên bỏ đi, thì đúng lúc đó nguyên ly coke ướp lạnh đã ụp gọn lên cái đầu hói láng bóng của lão. Lão nhảy cẩng ra cửa. Nước ngọt rơi vãi bắn tung tóe ra sàn. Vài người trong quán bỏ chạy ra ngoài. Bên trong vang lên những tiếng la chói lói của một mụ điên vơ ném các thứ trên bàn vào cửa kính. Người quản lý vội gọi cảnh sát. Chỉ hai phút sau, một xe cảnh sát trờ đến. Viên cảnh sát bước vào tiệm hỏi giấy phép lái xe của bà. Nhưng bà không nghe thấy gì cả. Trông hình dạng bà như người điên thật sự rồi. Cơn điên lên đến đỉnh điểm. Miệng liên tục tru tréo. Rồi bất ngờ bà cầm chai tương cà đỏ ối xịt lên người viên cảnh sát.

 

Bà bị bắt về bót. Ngồi trong phòng tạm giam, miệng bà liên tục lãm nhãm như người lên đồng. Cuối cùng, cái tội tấn công người thi hành công vụ vẫn được thành lập. Nhưng do phạm nhân có dấu hiệu tâm thần, nên tòa án cho đi chữa bệnh. Nghe tòa phán quyết, bà chợt bừng tỉnh hét lên: “Tôi không có điên, tôi không có điên!”

 

*

 

Sáu tháng sau, bà trở về đứng trước ngôi nhà của mình mà không được vào. Bà thật sự bị đẩy ra đường. Căn nhà đã bị ngân hàng tịch thu. Chiếc xe cũ đậu trước sân cũng bị kéo đi đâu mất. Mảnh đất ở quê lúc đi tù cũng đã nhờ người quen gọi điện về nhờ người em bán rẻ bán cho đi rồi. Tất cả tài sản ky cóp bao năm tan theo giấc mơ trượt ngã. Bà đi quẩn quanh khu nhà gỗ cũ. Hết sân trước lại ra sân sau. Đám trẻ con nhà láng giềng người Mễ dừng chơi bên hàng rào mắc cáo đưa mắt lom lom nhìn người lạ trong vườn. Bà mỉm cười nhìn chúng, định nói câu gì, nhưng lại làm chúng sợ lãn đi chỗ khác. Cuối cùng bà vòng ra phía trước, ghé mắt nhìn qua cửa sổ. Trong nhà trống trơn, chẳng còn thứ gì để lại. Bà đau khổ ngồi bệt xuống trên bậc tam cấp cho đến khi trời chạng vạng. Tiếng chim ríu rít trong tàng cây trước nhà làm bà chú ý lắng tai nghe. Cuộc sống lũ chim trời thật an nhiên tự tại. Ngày bay đi kiếm ăn, tối tìm về tán cây nào đó mà đậu. Không ai dòm ngó, không ai xua đuổi. Bà bước qua bậc tam cấp, co ro thu mình dựa lưng vào cánh cửa dưới mái hiên nhà. Cảnh vật chung quanh đang chìm dần vào bóng tối./.

 

Ngô Kế Tựu
Số lần đọc: 2330
Ngày đăng: 26.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sông trôi về đâu - Nguyễn Minh Phúc
Khoảng cách - Huỳnh Văn Úc
Con chó quý - Phạm Thái Ba
Tướng sát phu - Đỗ Ngọc Thạch
María Dos Prazerès - Trần Vũ
Những hạt đậu màu đỏ tía - Phạm Thái Ba
Tình già - Ngô Kế Tựu
Người chép sử - Đỗ Ngọc Thạch
Cũng một kiếp người - Nguyễn Minh Phúc
Đứa bé tật nguyền và nàng tiên áo trắng - Đỗ Ngọc Thạch