Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
777
116.614.439
 
Thây ma
Trần Văn Bạn

Trận lụt khủng khiếp năm ấy tràn ngập và cuốn phăng mọi thứ. Nó mang theo rác rưởi, cây cối, nhà cửa, xác động vật và xác người. Tất cả dồn lại với mật đô đậm đặc đến kinh ngạc nơi cửa biển hẹp rồi tuôn ra, lềnh bềnh, trôi dạt khắp một vùng biển rộng lớn.

           

Cái làng chài nhỏ bé, hiu quạnh nằm ở phía nam cửa biển, sát rìa bờ biển, bên chân núi Ngũ Hành, dường như vẫn bình yên ngái ngủ dưới những biến cố của đất trời. Hằng đêm, những người đàn ông vẫn đi biển. Đàn bà vẫn ngồi lê đôi mách. Chỉ có dòng nước ngầu đục, rác rưởi và những cái xác gia súc bị sóng biển đánh dạt vào bờ là bằng chứng cho họ biết rằng ở nơi kia lụt lớn đang đổ về.

           

Lụt  đổ về đã ba ngày ba đêm.

Ngày thứ tư. Từ đầu hôm, trời chuyển và gió thổi mạnh dần. Tờ mờ sáng, phụ nữ, trẻ em và người già còn đang say ngủ trong tiết trời giá lạnh mùa đông bị đánh thức bởi những tiếng rì rầm khác lạ của bọn đàn ông đi biển  về. Cả làng liền ùa ra bãi. Ở mép nước, bọn đàn ông đứng vây quanh một cái xác người. Trong ánh sáng nhá nhem của bầu trời âm u, đầy mây xám, họ vẫn nhận biết đó là cái xác phụ nữ cao lớn. Và khi trời tỏ hơn một chút họ ngạc nhiên xác định chắc chắn rằng người phụ nữ nằm ở mép nước là một cô gái da trắng, tóc vàng. Cô gái mặc chiếc váy nâu sậm và áo sơ mi sặc sỡ nhưng chất liệu vải thô mộc và cách cắt may vụng về cho thấy đó chỉ là thứ trang phục rẻ tiền. Cách phục sức và vóc dáng chân quê của cô gái khiến họ hiểu rằng dứt khoát cô xuất thân từ tầng lớp bình dân. Nhưng cô có khuôn mặt thiên thần: mọi đường nét đều thanh tú; mắt, mũi, miệng, lông mày và làn da mịn màng bừng lên nét thanh tân, trinh khiết.

           

“Đây là một con Tây. Sao lại trôi dạt ở đây?”, cụ Năm Tạo, người đàn ông già nhất làng, nói.

 “Không phải Tây, Tàu gì đâu. Xác của Tiên cô đó.”, bà Lý già, một cốt đồng nổi tiếng khắp vùng, nói.

 “Tao đã sống đủ qua các thời Pháp, Mĩ, Tây, Tàu. Đây là xác một con Tây”, cụ Năm Tạo nói.

Đám người già, đàn bà, con nít  xầm xì, bàn tán.

Sóng biển vẫn ầm ào trườn lên mặt cát, phủ lên xác cô gái rồi đột ngột rút đi để lại cô trơ vơ trên mặt cát phẳng còn đẫm nước mặn.

Bọn thanh niên hau háu nhìn xác cô gái.

 “Chắc chiếc tàu Tây nào đi ngang qua đây. Con Tây này lỡ rơi xuống biển mà không ai trên tàu hay biết”, ông già Năm Tạo nói.

Chẳng đếm xỉa đến điều người đàn ông già nhất làng nói, cốt đồng nữ  quả quyết:

“Đây là phước lành của làng ta. Tiên cô đến, đó là điềm tốt. Có Tiên cô phù hộ, không bao lâu nữa, làng ta sẽ có cái ăn, cái mặc. Chúng ta sẽ không phải sống khổ sở như con chó thế này. Nhất định chúng ta sẽ giàu có.”

Cả đám dân làng nhao lên tán thưởng. Cái làng chài to bằng nắm tay, hoàn toàn khu biệt với thế giới bên ngoài, luôn đắm chìm trong nỗi cô quạnh, mê ngủ và đói ăn đang được đánh thức bởi ánh hào quang của một thế giới đầy ắp thức ăn và tiền bạc.

“Không phải Cô Cậu gì đâu, đừng dại.”, người đàn ông già nhất làng, nói.

“Thôi đi, ông già, đừng có nói bậy. Ông muốn cái làng này tàn mạt suốt đời suốt kiếp hay sao?”, một bà đay nghiến. Cái đầu rối như tổ quạ cùng với cặp vú thõng thà thõng thượt lồ lộ bên dưới bộ quần áo tả tơi như mớ giẻ rách, trông bà ta như một con điên.

“Già cả lú lẫn, mệt ghê.”, có ai đó nói.

“Đã bảo không phải mà cứ cãi”, ông già Năm Tạo phát cáu.

“Thôi đi ông già. Im giùm cái miệng, có được không?”, đám đông giận dữ đồng thanh gào lên. Bọn họ phát hoảng vì cái thói lầy đây của ông già sẽ mạo phạm đến Tiên cô. Rõ ràng là niềm kính tín của bọn họ đang bị xúc phạm một cách trắng trợn.

 

Người đàn ông già nhất làng chưng hửng đứng nhìn đám hậu sinh đang lên cơn điên. Lát sau, ông già lẩm bẩm điều gì đó nhưng, dường như, chẳng ai thèm nghe thấy. Tất cả đã bị nhấn chìm trong cái ồn ào, hỗn độn của đám đông. Khi mọi thứ lắng xuống, việc đầu tiên là bọn họ bàn tính lựa chọn vị trí thích hợp cho việc quàng đặt thi hài để thực hiện công việc tế lễ một cách trang trọng nhất. Họ tranh cãi nhau quyết liệt. Lòng sùng kính Tiên cô được hình thành theo những chiều kích khác nhau và từng ngư dân tự cho mình cái quyền được quyết định. Do vậy, mãi đến tận trưa, phải bằng hình thức tập trung dân chủ: giơ tay biểu quyết, bọn họ mới thống nhất địa điểm.

 

Đám thanh niên nhỏ thó nhưng rắn chắc và đen như than hầm hè nhau khiêng cái xác mềm oặt của Tiên cô đặt lên trên cái bục cao ngang rốn, nằm trong cái chòi lá được dựng lên từ trước, ở giữa bãi biển. Lũ con nít hiếu kì lại tranh nhau bâu vào để được ngắm nhìn thật kĩ dung nhan của Tiên cô, người mà theo lời cha mẹ chúng bảo sẽ mang đến cho chúng cơm ăn, áo mặc, nhưng chúng liền bị những người đàn ông đứng bao quanh tử thi đuổi đi. Nơi tôn nghiêm không dành cho đàn bà, con nít.

 

Người ta chuẩn bị cuộc hành lễ với tất cả những gì có thể. Những cụ già có trách nhiệm háo hức lôi ra từ chiếc hòm gỗ được cất giữ cẩn thận ở ngôi đền thờ của làng những bộ lễ phục đẹp nhất, bộ nhạc cụ quí hiếm mà chúng chỉ được dùng trong những ngày trọng đại. Những người đàn ông trung niên hì hục xẻ những khúc gỗ súc được vớt lên trong dòng nước lũ từ những đợt lụt trước để đóng chiếc quan tài to nhất, đẹp nhất. Những người phụ nữ, bằng đôi tay thô ráp và chỉ với cây kim, sợi chỉ, may nên chiếc áo lộng lẫy cho người chết; số khác lo qui tập nhang đèn, gạo thóc, nồi, niêu, xoang, chảo. Đám thanh niên sức vóc thì nháo nhào đi vồ chụp, mổ xẻ heo gà để dâng lên Tiên cô mà hẳn đi đường xa, giờ đây, bụng Tiên Cô đang cồn cào đói.

 

Khi mọi thứ chuẩn bị xong thì trời tối hẳn. Đêm đó người ta cắt cử môt tốp thanh niên túc trực bên thi hài. Dưới bầu trời đêm u ám, đầy mây, trong tiếng gào rú thê lương của gió lạnh, tiếng gầm gừ dữ dội của biển cả, ánh leo lét vàng vọt của những chiếc đèn gió và căn chòi lợp lá dừa mỏng manh chực chờ đổ sập lẩn quất mùi vị cái chết, nhìn Tiên cô nằm im lìm, lần đầu tiên trong đời, đám thanh niên cảm nhận hết cái cô đơn, bất hạnh mà thánh thần cao cả phải gánh chịu thay cho người phàm tục. Cũng chính đêm hôm đó, lần đầu, những người thanh niên đã từng đối mặt với tử thần nơi đầu sóng ngọn gió nghe biển Đông gào thét khôn cùng, cứ như tiếng gào thét bật lên từ nơi thẳm sâu trong lòng họ.

 

Mới bảnh mắt, bãi biển đã ồn ĩ, náo nhiệt khác thường. Cứ như đêm qua người ta buộc mình phải thức trắng đêm  để chờ đợi giây phút được tận mắt chứng kiến ngày hội có một không hai ở cái mảnh đất đèo heo hút gió này. Người ta náo nức nấu nướng, lập bàn thờ, thắp hương, đốt đèn, bày biện thức ăn, đơm hoa quả. Đội quân tham gia hành lễ đã trút bỏ y phục thường ngày, khoác lên thân hình khô đét, còm nhom của mình những bộ lễ phục rất bắt mắt, sẵn sàng thực thi nhiệm vụ.

 

Đúng giờ N. người ta bắt đầu hành lễ. Ông trưởng làng với vẻ mặt nghiêm trọng, căng thẳng gồng cổ đọc bài điếu văn mòn cũ, sáo rỗng, luộm thuộm do lão Tám, học hết lớp nhì, là người chữ nghĩa nhất làng chấp bút soạn thảo nhưng hầu như chẳng ai nghe thấy gì. Tiếng sóng ở đằng kia cứ gầm gào lấn át và cơn gió thổi rát đã cuốn phăng về phía núi cái giọng khàn đục của ông già. Nhạc tang nổi lên. Những ông già trong bộ lễ phục sặc sỡ cứ nhảy múa, di chuyển không ngừng nghỉ trong một đội hình thống nhất theo sự điều khiển có vẻ thuần thục của nguời trưởng tộc. Bọn họ thực hiện một nghi thức phức tạp mà ngay cả chính bọn họ cũng không biết nó có ý nghĩa gì. Tiếng đờn cò, tiếng kèn, tiếng trống quyện chặt lấy nhau chậm rãi, kéo dài một cách uể oải ở âm vực thấp không khiến người ta hưng phấn như tính chất buổi lễ cần có mà nghe thật não lòng. Nhiều người đàn bà rơi nước mắt. Thỉnh thoảng, ở đâu đó trong đám người đứng chen chúc quanh khu vực hành lễ, có tiếng thút thít của các cô gái. Hình như không phải các cô khóc than cho nỗi bất hạnh của Tiên Cô mà các cô đang than khóc cho thân phận mình.

 

Vào khoảng mặt trời đứng bóng, tất cả bọn họ dừng lại vì đói và hụt hơi. Cả làng tràn ra ăn uống. Trong kí ức đau buồn với chuỗi ngày dài đói ăn triền miên của họ, có lẽ đây là bữa no nê duy nhất trong đời. Và khi cơn no say lắng xuống họ lại tiếp tục hành lễ. Họ mê mẩn hành lễ đến tận chiều tối.

Trong ánh chiều nhập nhoạng, Tiên cô nằm đó, đơn côi, giữa trời đông giá rét, trong tiếng gầm gào của biển cả, da bắt đầu xỉn màu, khắp người mọng nước và thoáng bốc lên mùi thum thủm, ngàn ngạt của cái chết.

“Sao không chôn cha nó cho rồi. Thối quá.”, một thằng bé nhăn mặt nói. Nó chưa dứt lời đã bị một cái tát như trời giáng bởi bàn tay một người đàn bà lực điền.

“Vạ miệng”, người đàn bà hoảng sợ nói.

“Đuổi nó đi. Đuổi nó đi. Đừng để con nít đến.”, đám đàn bà hoảng hốt la lên rồi lấm lét nhìn về phía cái xác.

 

Cái mặt non trẻ của thằng bé hằn rõ dấu tay người đàn bà nhưng nó không khóc.

Đêm đến, người ta phân công những ông già và những trung niên có uy tín nhất, trách nhiệm nhất canh giữ giấc ngủ của Tiên cô. Vì rằng, bọn thanh niên với tuổi trẻ bộp chộp của mình thường sơ suất và để lại những hậu quả khôn lường: Tiên cô có thể bất ngờ bỏ họ ra đi hoặc gió dữ có thể nổi lên cuốn phăng xác Tiên cô ném ra biển khơi. Và nếu điều đó xảy ra thì quả là hoạ lớn: Cái làng chài đang ruỗng ra vì buồn tẻ và đói ăn vĩnh viễn không thể cải tạo cái thân phận hẩm hiu của mình.Vả lại, giao cho đám trẻ canh giữ hình hài cao quí của Tiên cô là hành vi bất kính. Nhưng đêm nay các cụ già thực thi nhiệm vụ không phải nhọc sức nhiều lắm, bởi đến quá nửa đêm, trời rét căm căm, dân làng vẫn còn ngồi dày đặc bãi. Họ thành khẩn chờ đợi phước lành ở cái xác bắt đầu trương phình kia.

 

Cũng như sáng hôm trước, đàn ông quên chuyện đi biển, đàn bà bỏ bê cơm nước, sáng nay, người ta lại đổ dồn ra bãi biển. Vẫn những nghi thức hành lễ cũ, người ta tiến hành liệm xác Tiên cô. Xác trương lên căng cứng như muốn phá tung bộ trang phục rẻ tiền Tiên cô mặc trên người lúc lâm nạn. Người ta phải mài thật sắc con dao chọc tiết heo để xẻ làn vải mà giờ đây nó thít chặt vào da thịt Tiên Cô đến nỗi người khâm liệm cứ tưởng làn vải và da thịt Tiên Cô là một. Sự trương phình thái quá trên cái thân thể vốn cao lớn đã biến Tiên cô thành người khổng lồ. Ngặt nỗi bộ quần áo và chiếc quan tài mà những người đàn ông, đàn bà nâng niu suốt cả ngày hôm qua chuẩn bị hiến tặng cho Tiên cô giờ đây đã trở nên quá  chật hẹp đối với cơ thể nàng. 

 

Người ta hành lễ trong tâm trạng bất an. Nhưng rồi mọi chuyện cũng ổn thoả: ngay buổi sáng hôm đó người ta đã có y phục và quan tài mới đúng kích cỡ cho Tiên cô. Khi người khâm liệm đưa bàn tay dè dặt sờ vào để chuẩn bị tắm rửa và thay đổi xiêm y cho tử thi thì mọi người bỗng nhiên nhảy lùi lại, có người vội đưa tay bịt mũi. Một mùi thối kinh khiếp chợt phụt ra rồi cứ thế nó lì lợm lan toả khắp cả vùng cho đến khi hơn chục người đàn ông lực lưỡng gắng sức nâng cái xác khổng lồ đặt vào quan tài rồi đậy nắp. Nhưng, sau rốt, người ta nhận ra rằng dù quan tài có được đậy nắp thì cái mùi hôi thối nồng nặc kia vẫn cứ hiện diện âm ỉ, dai dẳng. 

Bỗng một thanh niên gào lên:

 

“Chôn mẹ nó đi. Cố giữ cái thây ma để làm gì? Hôi thối không chịu được”

 

Vì dại miệng dại mồm, gã thanh niên liền bị điệu đi tống giam trong ngôi đền của làng, mặc cho anh ta gào la phản đối.

           

Hôm sau, người ta vẫn tiếp tục hành lễ trong sự vây chặt của cái mùi khủng khiếp. Theo kế hoạch người ta sẽ hành lễ bảy ngày bảy đêm. Đối với các cụ nghi thức phải được tổ chức qui mô cả về thời gian và hình thức mới xứng tầm với sự kiện trong đại: sự xuất hiện của Tiên cô và phước lộc to lớn mà dân làng chài sẽ được hưởng từ sự xuất hiện đó đem lại. Nhưng mọi tính toán của các cụ đã không được thực hiện: lúc ngày sắp tàn quan tài đột nhiên nổ tung. Tiếng nổ to đến mức nó  ném cái xác khổng lồ, rỉ nước của Tiên cô ra khỏi căn chòi. Mùi hôi thối kinh khiếp lại tràn ngập bãi biển, tràn ngập cái làng chài nhỏ bé, cô quạnh, đơn độc, tràn ngập biển khơi và tràn ngập cả một vùng không gian mênh mông của biển Đông. Suốt đêm đám dân chài ngập chìm, ngạt thở trong cái mùi hôi thối deo dẻo, sền sệt. Đêm tối khiến người ta bất lực với cái xác thối khổng lồ.

           

Trời chưa rạng, những người đàn ông đã có mặt đông đủ để khắc phục hậu quả nhưng tình hình cho thấy không mấy khả quan. Đang trong lúc bối rối, người ta lại phát hoảng lên vì có nhiều người bỗng dưng đổ ra phát bệnh. Bệnh lây lan nhanh chóng. Gần một nửa dân làng cứ ôm bụng đau đớn, rên la, quằn quại. Đã có trường hợp tử vong. Cái làng chài thật sự hoảng loạn. Có ai đó đã cấp báo chính quyền. Người ta nhanh chóng triển khai dập dịch nhưng khi các đoàn cứu hộ vượt qua chặng đường gian nan đến được hiện trường thì dịch bệnh đã tàn phá nặng nề: người ta phải dành cả một khu đất phía sau làng, bên rìa núi để chôn người chết. Khi trận dịch được dập tắt, người ta bắt đầu điều tra, qui trách nhiệm để truy cứu.

           

Trong lúc ra sức đổ trách nhiệm lên nhau, người ta vắt óc nhớ lại và cố đoán xem người đàn ông già nhất làng đã lẩm bẩm điều gì vào cái ngày phát hiện xác cô gái da trắng, tóc vàng. Nhưng vĩnh viễn cái bí mật kia không được khám phá. Vì rằng ông già Năm Tạo đã hôn mê và một chân ông đã đặt vào cửa thiên đàng từ cái buổi sáng giá lạnh đó.

 

Qui Nhơn, ngày 4/ 8/2004

Trần Văn Bạn
Số lần đọc: 2278
Ngày đăng: 11.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người Đàn Bà ở Cuối Rìa Làng - Minh Tứ
Bức tranh ông voi - Phạm Thái Ba
Chuyện Tigôn - Phương Giang
Chồng tôi và thơ - Huỳnh Văn Úc
Chuyện Không Lạ - Nguyễn Khương Bình
Ngã Rẽ - Trương Văn Dân
Thông dịch viên thứ thiệt - Ngô Kế Tựu
Hoa Loa kèn đỏ - Trần Lệ Thường
Tấm ảnh - Nguyễn Minh Phúc
Chị em sinh ba - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Thế giới mùi vị (truyện ngắn)
Lửa (truyện ngắn)
Về một sự thật (truyện ngắn)
Cái đuôi (truyện ngắn)
Tái sinh (truyện ngắn)
Điều con muốn biết (truyện ngắn)
Lưỡng tính (truyện ngắn)
Bảy sắc cầu vồng (truyện ngắn)
Khuôn mặt phòng họp (truyện ngắn)
Lụt (truyện ngắn)
Một vụ hiếp dâm 2 (truyện ngắn)
Một vụ hiếp dâm 1 (truyện ngắn)
Thây ma (truyện ngắn)
Mưa (truyện ngắn)
Ông Già và Con Ngựa (truyện ngắn)
Khâu miệng (truyện ngắn)
Án văn (truyện ngắn)
Dao và thớt (truyện ngắn)