Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
715
115.983.599

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

THƯ TIN
Ra mắt “Trang Sách & Những Giấc Mơ Bay, Tập II” của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên
Trang Sách & Những Giấc Mơ Bay, tập II (*) của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên vừa được tổ chức ra mắt tại Sài Gòn, trong vòng thân hữu.

 

 

Đây là tập thứ 2, Nguyễn Lệ Uyên viết về 13 tác giả miền Nam đã xuất hiện trên văn đàn miền Nam trước 75, như Đỗ Hồng Ngọc, Chinh Ba, Âu Thị Phục An, Phạm Chu Sa, Hạc Thành Hoa, Trần Hoài Thư, Thảo Trường, Lâm Hảo Dũng, Phạm Văn Nhàn, Đặng Kim Côn…

 

Ngay trang đầu, nhà văn đã trích câu viết của Võ Phiến trong tập Cuối Cùng “ cầm bút là cầm nỗi bất hạnh” và trong Vũ Trụ Thơ của Đặng Tiến: “Yêu một tác phẩm nghệ thuật giống như yêu một người đàn bà ở điểm mỗi lần yêu chúng ta khám phá ở người tình một trinh tiết mới… yêu một tác phẩm là muốn chia tác phẩm ấy với kẻ khác”.

 

 

Những lời dẫn đầu trang sách như là chủ đích của nhà văn khi viết về những tác phẩm của họ. Trên 200 trang giấy, người đọc dễ dàng nhận thấy: Không có chỗ nào, đoạn nào mang dáng dấp của thể loại phê bình văn học hay chân dung tác giả như chúng ta thường bắt gặp nơi những nhà phê bình khác. Theo ông, cũng như tập I, tập II này, chủ yếu là người viết mong muốn chia sẻ những cảm xúc chân thật của mình qua từng trang văn, thơ của các nhà văn miền Nam trong thời kỳ nhiễu nhương, ở đó họ đã bị tước đoạt tuổi thanh xuân, bị ném ra chiến trường sục sôi bom đạn... Những đau thương đã lấp tràn niềm hạnh phúc bé nhỏ, những ước mơ cháy bỏng không thể thành sự thật. Chúng đã hoá thành hơi thở thoi thóp, nén nỗi đau tràn kín những bài thơ, câu văn của họ. Và hình như, sau khi đọc hết 207 trang sách, ta có cảm tưởng như những nhà văn được ông viết ra, nếu không là bạn bè thân thiết, thì ông cũng đã bỏ khá nhiều thời gian đọc kỹ các tác phẩm của họ, hiểu rõ từng tâm trạng, nỗi niềm, mơ ước của họ… để đưa ra những nhận xét tinh tế đến bất ngờ, ví như viết về Đỗ Hồng Ngọc, ông đã đưa ra ý này: “Đỗ Hồng Ngọc sống nhiều, đi nhiều, viết nhiều. Văn thì viết như thơ. Thơ thì như văn và thơ náu mình trong thơ. Đó là những gì tôi nhìn thấy, đọc ra từ cảm tính, rất chủ quan của mình”. Nếu chúng ta đọc kỹ các tác phẩm và cách hành văn của Đỗ Hồng Ngọc, sẽ thấy nhận xét “Văn thì viết như thơ. Thơ thì như văn và thơ náu mình trong thơ” là chính xác!

 

Ở các nhà văn khác cũng vậy, ông cố tìm cho kỳ được cái cốt lõi trong tác phẩm của họ để chia sẻ với độc giả, như một món quà nhỏ khi “yêu một tác phẩm”.

Cảm ơn những Trang Sách… của ông.

 

(Sài Gòn, tháng 10/2012)

(*) Trang Sách&Những Giấc Mơ Bay, tập II TÂQ, HK xuất bản 2012

Nam Đông - VCV