Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
829
116.628.500

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

THƯ TIN
Qũy khuyến khích học sinh giỏi văn. Tấm lòng của những người tha thiết với văn học, với văn hóa dân tộc.
Hai chục năm qua, cùng với sự phát triển đáng mừng trên lĩnh vực kinh tế thì đáng tiếc thay, nghịch lý đã phát sinh ở một số ngành thuộc văn hóa, xã hội. Chỉ nói riêng về việc dạy môn văn và việc học văn trong hệ thống giáo dục phổ thông,

Hai chục năm qua, cùng với sự phát triển đáng mừng trên lĩnh vực kinh tế thì đáng tiếc thay, nghịch lý đã phát sinh ở một số ngành thuộc văn hóa, xã hội. Chỉ nói riêng về việc dạy môn văn và việc học văn trong hệ thống giáo dục phổ thông, đã và đang có nhiều vấn đề bức xúc. Một thời kỳ, học sinh không đủ điểm thi đậu vào các trường đại học khác thì cho vào học đại học sư phạm! Bởi thế, năng lực nghiệp vụ của nhà giáo nói chung, nhà giào dạy văn nói riêng rất hạn chế. Không ít học sinh chê thày cô giáo dạy văn khô như… ngói! Đồng thời không ít nhà giáo dạy văn thấy nản vì học sinh không hứng thú với môn văn học. Phần lớn học sinh ngại học môn văn.

 

Rất nhiều học sinh học văn theo kiểu đối phó, học cho có điểm để lên lớp, để thi vô đại học. Sáng tác văn học cho thiếu nhi, cho học sinh trung học phổ thông ngày càng hiếm. Những nhà văn tâm huyết chuyên viết cho thiếu nhi vắng bóng dần. Học trò chỉ ham đọc truyện tranh, không thích đọc truyện in toàn chữ! Những tác phẩm kinh điển nổi tiếng thế giới khi được dịch và xuất bản như Truyện cổ Grim, Truyện Anđécxen, Nghìn lẻ một đêm, Nghìn lẻ một ngày… cũng chỉ được in với số lượng rất khiêm tốn. Cứ đà này, chả  mấy đỗi nữa, con em chúng ta quay lưng lại với văn học.

 

Văn học là nhân học. Nếu học sinh Việt Nam không yêu văn học, không đọc tác phẩm văn học thì rồi đây, tâm hồn, nhân cách thanh thiếu niên Việt Nam sẽ ra sao? Lòng nhân ái – đức tính truyền thống của dân tộc ta– sẽ còn hay mất!  Con người mà không còn lòng nhân ái nữa thì hậu quả sẽ khôn lường!

 

Là một người viết văn, tôi suy nghĩ nhiều và luôn day dứt về vấn đề này. Tôi vừa tái bản lần thứ bẩy hai cuốn tiểu thuyết Trả giá và Bụi đời. Tôi quyết định dành toàn bộ số tiền nhuận bút của lần tái bản này để lập Quỹ khuyến khích học sinh giỏi văn. Việc lập quỹ và trao học bổng, tôi phối hợp với báo Sài Gòn Giải phóng là tờ báo mà tôi yêu mến, gắn bó ba chục năm qua.  Hàng năm, vào dịp khai giảng năm học, Quỹ khuyến khích học sinh giỏi văn sẽ phát học bổng cho học sinh (Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) giỏi văn cấp toàn quốc và cấp tỉnh, thành phố trong cả nước; đồng thời tôn vinh những nhà giáo dạy giỏi môn văn. Năm nay, năm đầu tiên, dự kiến Quỹ khuyến khích học sinh giỏi văn sẽ ra mắt vào tháng 10-2006 tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

Sức một người có hạn. Một cây làm chẳng nên non. Tôi vận động bạn bè, những người yêu văn học cùng góp sức. Tưởng khó khăn, ai ngờ bạn bè ủng hộ nhiệt tình. Quỹ Giấy Trắng đang chuẩn bị ra mắt chính thức, nhưng đã nhận được sự ủng hộ của những người nhiệt tâm với văn học, văn hóa dân tộc:

Tiến sĩ Võ Văn Bang góp đợt đầu 3 triệu đồng.

Nhà thơ, Nhạc sĩ Lê Quân góp 2 triệu.

Anh hùng Lao động Trần Tuấn Bửu góp 1 triệu.

Nhà văn Hoài Anh góp 5 triệu (trích một phần tiền nhuận bút của bộ sách Tuyển tập Truyện lịch sử Hoài Anh do Nhà xuất bản Văn học xuất bản, sách phát hành vào đầu tháng 10-2006).

Nhà văn Trần Hoài Dương góp 3 triệu (trích từ nhuận bút tác phẩm Trần Hoài Dương Truyện chọn lọc, NXB Văn học, sách phát hành vào đầu tháng 10-2006).

Nhà thơ Lê Thị Kim góp 1 triệu.

Một người yêu văn học yêu cầu không nêu tên góp 1,6 triệu.

Nhà văn Thái Thành Đức Phổ, nhà giáo Dương Thanh Lương, và một nhà thơ yêu cầu không nêu tên góp mỗi người 500 ngàn.

Nhạc sĩ Hồ Bông, nguyên Giám đốc Đoàn ca múa Bông Sen, đã nghỉ hưu, góp 400 ngàn.

Cô Ngô Thanh Hương, người biên tập hai cuốn tiểu thuyết Trả giá và Bụi đời góp 300 ngàn.

Giáo sư Hoàng Tuấn, từ Hà Nội gửi vô góp 600 ngàn.

Anh Nguyễn Xuân Sang từ Vũng Tàu góp 200 ngàn đồng.

Hơn một chục doanh nhân và lãnh đạo các doanh nghiệp trả lời là sẽ ủng hộ hết mình ngay trong ngày Quỹ khuyến khích học sinh giỏi văn ra mắt!… Tiến sĩ Võ Văn Bang nói rằng ông rất xúc động trước ý tưởng lập Quỹ khuyến khích học sinh giỏi văn: “Tôi đề nghị nên đặt tên quỹ là Quỹ Giấy trắng. Tâm hồn học sinh, con em chúng ta như trang giấy trắng! Đồng thời, Giấy trắng cũng là tên một tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Triệu Xuân (đã được tái bản chín lần). Tôi nghĩ rằng chúng ta không thể vô cảm trước tình trạng học sinh ngại học văn, không đọc tác phẩm văn học. Học văn là học làm Người! Những năm Sáu mươi của Thế kỷ XX, khi còn du học tại Canađa, chúng tôi đã tìm mọi cách để có thời gian đọc những tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới, và tác phẩm văn học Việt Nam. Với tôi, sách văn học bao giờ cũng là người bạn tuyệt vời! Tôn vinh những nhà giáo dạy giỏi môn văn, khuyến khích học sinh, con em chúng ta chăm học văn, say mê tìm đọc tác phẩm văn học là một động thái mang tính nhân bản cao quý, góp phần làm hưng thịnh nền văn học, văn hóa dân tộc; giúp cho con người Việt Nam có tư thế và tâm hồn cao đẹp khi hội nhập với toàn nhân loại! ”.

 

Tên chính thức của Quỹ cũng như ngày chính thức ra mắt Quỹ khuyến khích học sinh giỏi văn đang được Ban Biên tập báo Sài gòn Giải phóng cân nhắc. Riêng tôi, tôi hy vọng ý tưởng của mình, nhiệt tâm của mình, như một đốm lửa nhỏ, sẽ được mọi người trong toàn xã hội ủng hộ, tiếp sức, thổi bùng lên thành cao trào đam mê văn học, chăm học môn văn, say mê tìm đọc sách văn học để học làm người, để trau dồi nhân cách trong học sinh phổ thông và giới trẻ Việt Nam. 

Tôi hy vọng rằng những người nhiệt tâm với văn học, với văn hóa dân tộc sẽ hết lòng ủng hộ Quỹ khuyến khích học sinh giỏi văn!  

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04-9-2006

Nhà văn Triệu Xuân

Trưởng Chi nhánh Nhà xuất bản Văn học

290/20 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (08) 848 3481; 846 9858; Fax: (08) 848 3481.

E-Mail: xuantrieu@yahoo.com.
Nhà văn Triệu Xuân - SCL