Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
463
116.599.814

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm - Chàng nghệ sĩ đa tài
Ít ai biết được ca sĩ NSƯT Tạ Minh Tâm đã có thời là phóng viên của Đài Phát thanh tỉnh An Giang. Vừa qua, anh còn là diễn viên điện ảnh với những vai như: Bác sĩ Hùng (phim Blouse trắng), Minh (phim Ngoại tình)... Gần đây, mọi người thấy Tạ Minh Tâm xuất hiện trên HTV (Đài Truyền hình TPHCM) với vai trò dẫn chương trình cho Chung sức. Ở cương vị nào Tạ Minh Tâm cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình như anh đã từng cố gắng đối với những thử thách đầu tiên của cuộc đời.

Nghề ca hát không phải là nghề từng ước mơ từ thuở nhỏ

Tạ Minh Tâm sinh năm 1960 tại thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ngày còn bé, trong trí óc non nớt của Tạ Minh Tâm luôn là hình ảnh những cánh chim bay trên đồng lúa những lúc chiều về và anh đã từng nuôi mộng ước sau này khi trưởng thành, mình sẽ trở thành một phi công. Trong mắt thầy cô và bạn bè, hầu hết mọi người trong thời gian này chỉ biết Tạ Minh Tâm là một học sinh chăm chỉ và học giỏi. Đến ngày miền
Nam hoàn toàn giải phóng (1975), Tạ Minh Tâm vẫn là một cậu bé 15 tuổi chưa biết gì nhiều về âmnhạc. Thấy một người bạn gái tham gia đội múa trong ban văn nghệ Trường Phổ thông trung học Long Xuyên nên Tạ Minh Tâm muốn tỏ ra mình không kém nên cũng tham gia ban hợp xướng. Cô bé múa solo và Tạ Minh Tâm ấy thường cũng thể hiện mình bằng vai trò đơn ca. Tạ Minh Tâm về nhà tìm sách nhạc lý để tự học, tự tập hát và 6 tháng sau, anh đã được đứng vào đội ngũ đơn ca của nhà trường. Lần thử sức đầu tiên trong đời “ca sĩ” của Tạ Minh Tâm là Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc tại TPHCM năm 1977. Tạihội diễn này anh đã đoạt huy chương vàng đơn ca. Cũng từ đây, cuộc đời Tạ Minh Tâm bắt đầu bước sang một lối ngoặt và là khởi đầu cho hành trình đến với con đường nghệ thuật. Ước mơ làm phi công thời bé bỏng của Tạ MinhTâm bây giờ dường như đã dần chìm vào ký ức.

Những thử thách trên con đường ca hát


Sau khi đoạt huy chương vàng đơn ca của hội diễn, tiết mục của Tạ Minh Tâm còn được thu âm tại Đài Tiếng nói Việt Nam 2 (TPHCM). Ở đây, anh gặp nhạc sĩ Vũ Lê Phú và ông đã gợi ý anh thi vào Nhạc viện TPHCM. Ngay trong năm đó, Tạ Minh Tâm ghi danh dự khóa thi trung cấp thanh nhạc của Nhạc viện rồi trở về làm phóng viên cho Đài Phát thanh tỉnh An Giang. Không bao lâu sau, nhận giấy báo trúng tuyển, Tạ Minh Tâm lại phải từ giã thầy cô, bạn bè, gia đình, giã từ những kỷ niệm của thời thơ ấu để lên thành phố học tập trong sự kỳ vọng của mọi người. Đến học tại Nhạc viện TPHCM, mọi chuyện không suôn sẻ như anh tưởng. Ngoài chất giọng vốn có và tâm hồn sẵn sàng dành hết cho âm nhạc vẫn chưa đủ,  Tạ Minh Tâm đã phải đối mặt với những môn học mới của một lớp trung cấp âm nhạc, đòi hỏi sự chuẩn bị trước với một thời gian nhất định như xướng âm, ghi âm,  piano...

Nhất là chuyên môn thanh nhạc, cô giáo Mỹ An lắc đầu vì anh đã hát theo lối “quần chúng”, bản năng, có điều gần như cố tật khó sửa chữa. Lúc đó, Tạ Minh Tâm đã thật sự hoang mang và không biết bản thân mình có vượt qua được những khó khăn đó hay không? Tuy nhiên, với sự hướng dẫn tận tình của cô giáo Mỹ An, Tạ Minh Tâm một lần nữa lại phải quyết tâm, miệt mài rèn luyện, học tập để vượt qua chính mình. Những gì mà anh cố gắng đã không làm các thầy cô thất vọng. Năm thứ hai, anh như lột xác, bỏ lại những gì gọi là “quần chúng” để vào nề nếp khuôn khổ của Nhạc viện, tạo một tiền đề cơ bản cho việc tiến xa hơn trong tương lai và cũng từ thời điểm này anh là một trong những gương mặt xuất sắc trong khoa, được thầy cô và mọi người chú ý.

Sau khi tốt nghiệp trung cấp thanh nhạc xuất sắc, và là một học sinh triển vọng của khoa, năm 1983, khi đang học đại học năm thứ hai, Tạ Minh Tâm dự thi Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại TPHCM và đoạt giải nhất đơn ca, năm 1985 cũng tại hội diễn này anh cũng đoạt giải nhất. Năm 1986, được Nhạc viện TPHCM đề cử và được sự đồng ý của Bộ Văn hóa - Thông tin, anh lên đường dự Concours Tchaikovsky. Concours Tchaikovsky là một cuộc thi vượt quá khả năng nên sinh viên thanh nhạc Việt
Nam chủ yếu đến để học tập. Vì vậy Tạ Minh Tâm đã không đoạt giải. Nhưng thời gian tập huấn tại Liên Xô trước cuộc thi, với sự hướng dẫn của các chuyên gia nước bạn và nhất là mục kích được những gì diễn ra trong cuộc thi, anh đã có cái nhìn tổng quan để có phương hướng phấn đấu và điều quan trọng là củng cố niềm đam mê cho một bộ môn nghệ thuật cần nhiều thời gian và sự khổ luyện. Năm 1986, tốt nghiệp đại học thanh nhạc hạng xuất sắc, Tạ Minh Tâm trở thành thành viên của dàn nhạc thính phòng Nhạc viện TPHCM, sau đó anh về làm giảng viên ở khoa Nhạc - Họa Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM. Thời gian 1986 - 1995 là 10 năm khó khăn nhất trong cuộc đời nghệ thuật của anh. Tình hình hoạt động âm nhạc, học tập giảng dạy thanh nhạc không thoát khỏi tình hình chung của sinh hoạt âm nhạc thời đó. Có lúc, những ý tưởng bỏ nghề vụt qua trong anh, nhưng như một người sống vì “nghiệp” anh vẫn không xa rời cái nghề đã đồng hành cùng anh. Năm 1995, Tạ Minh Tâm quay lại Nhạc viện TPHCM học lớp cao học thanh nhạc đầu tiên. Năm 1996 anh khẳng định khả năng của mình trong lĩnh vực hát nhạc cổ điển khi chiếm được giải Giọng hát vàng ASEAN tổ chức tại Hà Nội. Tốt nghiệp cao học thanh nhạc năm 1997 hạng xuất sắc. Cũng trong năm này, Tạ Minh Tâm lại vinh dự được dự Liên hoan tiếng hát Bình Nhưỡng, và anh đã mang về cho quê hương chiếc cúp vàng. Có thể nói năm 1997 là năm đỉnh cao sự nghiệp nghệ thuật của bản thân anh, và cũng từ đó anh xác lập cho mình một vị trí nhất định trong dòng nhạc cổ điển, opéra. Tháng 8-2000, Tạ Minh Tâm được đi tu nghiệp tại Canford Music School (Anh Quốc) và năm 2002, anh chính thức về giảng dạy tại Nhạc viện TP. Năm 2001, anh vinh dự đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Hiện nay anh là phó chủ nhiệm khoa Thanh nhạc Nhạc viện TPHCM.

...Năm nay, đã ở tuổi ngoài 40, “với chất giọng ténor sang trọng, khỏe, sáng, kịch tính, trữ tình... là một giọng chuẩn để thể hiện các vai trong opéra cũng như những romance cổ điển (như NSƯT Quốc Trụ), hy vọng Tạ Minh Tâm - chàng nghệ sĩ đa tài - sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp biểu diễn và đào tạo âm nhạc của nước nhà và cả trong những lĩnh vực khác mà anh tham gia.

Nguyễn Sinh - Theo Cải lương Việt Nam