Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
745
115.995.126

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Tham gia công ước Berne - Bước tiến tất yếu của sự phát triển và hội nhập
Ngày mai 26-10, Công ước Berne chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Đây không chỉ là một sự kiện trọng đại của ngành văn hóa, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế - xã hội Việt Nam.

Công ước Berne được quốc tế thông qua vào năm 1886 tại Berne Thụy Sĩ. Công ước quy định mỗi quốc gia tham gia sẽ công nhận bản quyền các tác phẩm của các tác giả thuộc các nước thành viên tham gia ký kết. Các tác phẩm được bảo vệ bản quyền theo Công ước này bao gồm các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được định hình dưới một dạng vật chất nhất định, không phân biệt hình thức và cách thức thể hiện.

Công ước Berne có ba nguyên tắc cơ bản (nguyên tắc đối xử quốc gia, nguyên tắc bảo hộ đương nhiên và nguyên tắc bảo hộ độc lập) cùng một loạt các quy định về sự bảo hộ tối thiểu cũng như các quy định đặc biệt dành cho các nước đang phát triển.

 

Khi trở thành thành viên thứ 156 của Công ước, Nhà nước Việt Nam phải bảo hộ quyền tác giả cho các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm trong nước cũng như các quốc gia là thành viên Công ước, đồng thời, các quốc gia thành viên Công ước cũng sẽ có nghĩa vụ bảo hộ quyền cho các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm thuộc Việt Nam.

 

Trước hết cần phải khẳng định, việc tham gia Công ước Berne là một bước tiến trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Trở thành thành viên của Công ước, Việt Nam đã hòa nhập trong sân chơi mới, mà ở đó có những luật chơi có tác dụng làm lành mạnh môi trường văn hóa của các quốc gia thành viên.

 

Trong quan hệ quốc tế, văn hóa luôn được coi là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá đối tác, vì thế, đây sẽ là một cơ hội cho sự đầu tư và phát triển của Việt Nam.

 

Có mặt trong sân chơi này, cũng có nghĩa là môi trường văn hóa Việt Nam sẽ được thanh lọc, tình trạng vi phạm bản quyền, dùng tác phẩm của người khác để khai thác lợi nhuận sẽ bị loại trừ. Khi công sức của mình được công nhận, quyền lợi chính đáng được bảo hộ một cách nghiêm túc, các tác giả sẽ có nhiều động lực để thúc đẩy sự sáng tạo. Người Việt Nam sẽ được thưởng thức nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật hay hơn không chỉ vì nguồn lực sáng tạo trong nước được thúc đẩy, mà còn vì chất lượng nguồn tác phẩm nước ngoài vào Việt Nam sẽ được chọn lọc kỹ càng hơn. Bởi từ ngày 26-10-2004, muốn dịch một tác phẩm của các nước thành viên Công ước sang tiếng Việt để sử dụng ở Việt Nam, người sử dụng phải được sự đồng ý và trả phí sử dụng cho người giữ bản quyền tác phẩm, vì thế, họ sẽ phải nghiên cứu kỹ hơn, cân nhắc chi phí và hiệu quả kinh doanh trước khi quyết định.

 

Công ước Berne cũng có tác dụng làm cho quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật và khoa học của các tác giả Việt Nam được bảo hộ tại các quốc gia thành viên của Công ước. Cơ hội này mở ra cho các nhà đầu tư tài chính và dịch vụ ở lĩnh vực này của Việt Nam có thể thực hiện thuận lợi việc chuyển giao quyền tác giả của các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học có lợi thế, góp phần tăng trưởng kinh tế và thu nhập quốc dân. Đồng thời, cũng sẽ có nhiều triển vọng về đầu tư và mở rộng thị trường các sản phẩm hàng hóa, văn học, nghệ thuật của Việt Nam tại các quốc gia thành viên Công ước. Đây cũng chính là môi trường tiềm năng, môi trường đầu tư tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam mong muốn đạt được.

 

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng tham gia Công ước vào thời điểm này Việt Nam sẽ gặp một số thách thức lớn. Trước hết là bởi tình trạng vi phạm bản quyền ở nước ta đang ở mức trầm trọng. Nạn sao chép băng đĩa, sách lậu, nhạc nhái... đang ở mức báo động. Hệ thống thực thi quyền tác giả, nhận thức của người dân, trình độ của cán bộ quản lý,... về lĩnh vực này còn nhiều hạn chế.

 

Nhiều người lo lắng với tình trạng này, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với những vụ kiện về xâm phạm quyền tác giả, và những yêu cầu đòi bồi thường không nhỏ. Nhưng muốn hướng tới những lợi ích lâu dài, buộc chúng ta phải chấp nhận rủi ro.

 

Một tác giả của những cuốn sách phê bình văn học nổi tiếng khi bàn về vấn đề này đã nói: "Nhiều người chúng ta có thói quen có bị dồn vào chân tường mới chịu làm, nhưng rồi nhờ thế mà khá lên được". Tuy "cực chẳng đã", nhưng với Việt Nam hiện nay, đó là một thực tế. Cũng có thể coi những rủi ro được lường trước như vậy sẽ là một sức ép - một sức ép lành mạnh cho những đối tượng hoạt động trong lĩnh vực khai thác quyền tác giả.

 

Có thể nói Việt Nam gia nhập Công ước Berne là một bước tiến tất yếu của sự phát triển và hội nhập. Không chỉ là vấn đề quyền tác giả, tham gia Công ước Berne, Việt Nam đã tạo cho mình một hình ảnh tốt đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế.

 

----------------------------------

Các quyền được bảo hộ:

 

Tùy thuộc vào các giới hạn, hạn chế và ngoại lệ cụ thể được phép, các quyền sau đây phải được công nhận là các quyền độc quyền cho phép: Quyền dịch thuật; quyền thực hiện phóng tác và chuyển thể tác phẩm; quyền trình diễn công cộng tác phẩm kịch, nhạc kịch và âm nhạc; quyền trần thuật công cộng tác phẩm văn học; quyền truyền thông công cộng trình diễn các tác phẩm; quyền phát sóng (với khả năng là quốc gia thành viên chỉ quy định quyền trả thù lao phù hợp thay vì quyền cho phép); quyền làm bản sao bằng bất kỳ cách thức hoặc hình thức nào (với khả năng là các quốc gia thành viên quy định, trong các trường hợp đặc biệt cụ thể, cho phép làm bản sao mà không có sự cho phép với điều kiện là việc làm bản sao đó không ảnh hưởng tới sự khai thác bình thường tác phẩm và không phương hại bất hợp lý đến các lợi ích hợp pháp của tác giả và với khả năng là các quốc gia thành viên quy định đối với các bản ghi âm tác phẩm âm nhạc, quyền nhận thù lao thỏa đáng); quyền cho sử dụng tác phẩm làm nền của tác phẩm nghe nhìn và quyền làm bản sao, phân phối và trình diễn công cộng hoặc truyền thông tới công chúng tác phẩm nghe nhìn đó.

 

Quyền tinh thần: Độc lập với quyền kinh tế của tác giả và cả sau khi quyền này đã được chuyển nhượng, tác giả vẫn giữ nguyên quyền được đòi thừa nhận mình là tác giả của tác phẩm và phản đối bất kỳ sự xuyên tạc, cắt xén hay sửa đổi hoặc những vi phạm khác đối với tác phẩm có thể làm phương hại đến danh dự và tiếng tăm tác giả.

 

(Trích Công ước Berne)

- Theo Pháp luật
Tin tức khác