Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
706
116.726.970

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Những nẻo đường công lý: Một bộ phim mang đậm giá trị nhân văn
Theo dự kiến, bộ phim Những nẻo đường công lý sẽ được hoàn thành trước thời gian phiên tòa xét xử vụ kiện chất độc da cam tại New York tháng 1-2005. Đó cũng là những nẻo đường mà người làm phim, cũng như hàng triệu tấm lòng khác đã và đang đến từ khắp nơi để đi đến tận cùng, để giành lấy lẽ phải cho các nạn nhân chất độc da cam không chỉ ở Việt Nam.

Năm 2004, lần đầu tiên, Việt Nam thông qua Hội bảo trợ nạn nhân chất độc mầu da cam gửi đơn kiện một số tập đoàn hóa chất sản xuất chất độc mầu da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam, đòi quyền công lý cho hàng triệu nạn nhân Việt Nam chịu hậu quả của chất độc dioxin.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam khẳng định: "Các nạn nhân Việt Nam tiến hành vụ kiện này không phải vì cuộc sống của riêng mình mà còn vì quyền lợi chính đáng của nạn nhân chất độc hóa học dioxin ở nhiều nước khác, kể cả ở Mỹ. Vụ kiện này không phải chỉ vì một thế hệ mà còn vì nhiều thế hệ đã, đang và sẽ phải chịu đựng những cực khổ kéo dài. Vụ kiện này được tiến hành vì quyền sống thiêng liêng - quyền trước tiên của con người, vì tin rằng, lương tâm và công lý còn tồn tại và được tôn trọng trên trái đất này".

Kịch bản phim tài liệu Những nẻo đường công lý (tác giả Lại Văn Sinh - Hãng phim Tài liệu - Khoa học trung ương) đã được xây dựng và lấy ý tưởng từ chính sự kiện đầy ý nghĩa này.

Ðạo diễn Lại Văn Sinh cho biết: "Bộ phim sẽ không nhấn mạnh việc ai thắng ai thua trong phiên tòa sẽ diễn ra vào tháng 1 năm 2005 tại New York, mà quan trọng hơn là đánh thức lương tâm, giành lại lẽ phải".

Sau gần một tháng dọc theo chiều dài đất nước, có mặt ở khắp các thành phố, các miền quê bắc, trung, nam, các nhà làm phim Những nẻo đường công lý đã ghi lại được cả ngàn mét phim với nhiều hình mẫu nhân chứng.

Ðó là những nạn nhân thuộc thế hệ thứ nhất - con cái của những người lính, thanh niên xung phong, cán bộ, dân thường đã từng trực tiếp sống trong vùng nhiễm độc thời chiến; đó là những cựu binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam, là những lính ngụy năm xưa có con bị dị tật do chính họ bị nhiễm dioxin.

Những người làm phim, dù biết là phải thật kiên tâm, phải thật dũng cảm khi đối mặt với những số phận bất hạnh, nhưng đã không thể cầm lòng trước con số ba, bốn triệu nạn nhân Việt Nam bị phơi nhiễm dioxin; trước hình ảnh nhiều gia đình ở Thái Bình, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Nam, Tây Nguyên, Củ Chi... có tới ba, bốn người con trong một nhà đều bị dị tật bẩm sinh ở nhiều hình thức khác nhau; thậm chí có những gia đình cả bảy, tám anh em đều bị như vậy.

Dù biết rằng, liều lượng hình ảnh đau thương trong một bộ phim rất cần được chú ý để không gây nặng nề, song theo đạo diễn Lại Văn Sinh, trong bộ phim Những nẻo đường công lý đang thực hiện, đạo diễn vẫn mạnh dạn đưa vào những hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ; đó không chỉ là những hình ảnh có ý nghĩa trực giác, mà còn là chứng cứ hiển hiện tố cáo sự hủy hoại khủng khiếp của 72 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có khoảng 170 kg dioxin (chưa đầy đủ) mà đế quốc Mỹ đã sử dụng trong khoảng 10 năm (1961-1971) chiến tranh ở Việt Nam.

Những nẻo đường công lý - những nẻo đường mà người làm phim, cũng như hàng triệu tấm lòng khác đã và đang đến từ khắp nơi để đi đến tận cùng, để giành lấy lẽ phải cho các nạn nhân chất độc da cam không chỉ ở Việt Nam. Không nhằm mục đích đối chọi những người đã từng ở hai bên chiến tuyến, đạo diễn cho biết, Những nẻo đường công lý sẽ thuyết phục khi còn cung cấp được nhiều thông tin liên quan đến các nạn nhân phía quân đội Mỹ.

Có thể nói, Những nẻo đường công lý đang tiếp tục hành trình đầy ý nghĩa và mang đậm giá trị nhân văn; các nhà làm phim đang tiếp tục lắng nghe, tiếp tục tìm hiểu và tiếp tục hành động để cùng với các nạn nhân chất độc da cam, cùng với Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam thức tỉnh lương tri nhân loại.

Vũ Thị Khuê - Theo Tuổi trẻ Online
Tin tức khác
Nơi ấy Kakôi (27.11.2004)