Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
680
116.546.831

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Bộ trưởng bộ VH-TT Phạm Quang Nghị: “Nhân dân vẫn mong chờ những tác phẩm xứng tầm thời đại
Hội nghị Trung ương (T.Ư) lần thứ 10, khóa VIII đã khai mạc tại Hà Nội ngày 5/7. Một trong những nội dung chính mà hội nghị sẽ bàn thảo là năm năm thực hiện nghị quyết T.Ư 5 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Với tư cách là người đứng đầu ngành văn hóa - thông tin, Bộ trưởng Phạm Quang Nghị đã có cuộc trao đổi với báo giới. Điều quan trọng nhất, theo ông, vẫn là: thành tựu chưa tương xứng với mong đợi, và vẫn chưa xuất hiện những tác phẩm văn học nghệ thuật tầm cỡ, xứng đáng với công cuộc đổi mới của đất nước.

Bộ trưởng PHẠM QUANG NGHỊ: Nghị quyết T.Ư 5 tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc đánh giá vai trò của văn hóa: vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu và động lực của phát triển kinh tế - xã hội. Ít có nghị quyết nào mà ngay sau khi ra đời đã nhận được sự tán đồng của tuyệt đại đa số nhân dân như vậy. Nghị quyết thể hiện sự trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha - những giá trị mà trước kia vì những lý do khác nhau, có lúc chúng ta đã coi nhẹ hoặc lãng quên.

Cũng từ nghị quyết T.Ư 5, chúng ta đã xây dựng được những công trình, thể chế, những tác phẩm văn hóa mới - dù chưa thật đáp ứng mong muốn - nhưng cả sáng tạo và thưởng thức đều đã có những bước tiến lớn. Người dân trong những năm tháng mà chúng ta đang sống có mức độ thụ hưởng văn hóa lớn hơn gấp hàng chục lần 10-15 năm trước.

Nhưng điều tồn tại lớn nhất vẫn là vấn đề nhận thức. Mặc dù chủ trương là đã rõ, nhưng không phải ai, lúc nào, ở đâu, cũng ý thức được vai trò nền tảng của văn hóa. So sánh một cách tương đối về sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với phát triển kinh tế, văn hóa rõ ràng đang bị coi nhẹ.

Người ta có thể rất nhanh nhạy và quyết đoán trước một dự án đầu tư nước ngoài vì những lợi ích kinh tế trước mắt, nhưng một kế hoạch đầu tư cụ thể, lâu dài cho văn hóa thì lại rất đắn đo, ngại ngần từ qui hoạch đến việc rót vốn.

Tồn tại về nhận thức còn thể hiện ở quá trình xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa thực hiện rất khó khăn và rất chậm. Khác hẳn với sự nhanh nhạy và sôi động trong lĩnh vực kinh tế, trong văn hóa tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước khá nặng nề, chưa huy động được các nguồn lực xã hội vào cuộc...

- Thưa ông, vậy có thể nói một trong những cái “chưa được” trong quá trình thực hiện nghị quyết T.Ư 5 là vấn đề “quan trí”?

- Có thể gọi như vậy cũng được. Trong tình hình xã hội phát triển như hiện nay, nhân dân đòi hỏi trình độ của người lãnh đạo phải được nâng lên rất cao - phải là người “có văn hóa” - theo nghĩa không chỉ là bằng cấp. Và không phải người lãnh đạo nào cũng đạt được điều đó.

Trong hoạt động quản lý, một bộ phận cán bộ chưa thấy được hết tính đặc thù của văn hóa, chưa đầu tư xứng đáng trí tuệ và tâm huyết vào đó. Có người đã sử dụng cách quản lý giản đơn, đánh đồng văn hóa với kinh tế, hay qui về một công thức chung theo kiểu quản lý kinh tế, kỹ thuật hoặc hành chính để quản lý cho tiện, mà không ý thức được văn hóa rất đa dạng, phong phú, và tất cả những biểu hiện của sự đa dạng ấy đều có quyền tồn tại.

Chính vì vậy nhiều khi dẫn đến sự bất cập trong quản lý, nhất là khi xác định ranh giới giữa cái được phép và cái không được phép trong văn hóa - vốn rất trừu tượng chứ không đơn giản và rõ ràng như trong nhiều lĩnh vực khác.

- Việc các thành tựu về văn hóa trong thời kỳ đổi mới không tương xứng với những thành tựu về kinh tế, xã hội, mà biểu hiện rõ nhất là không xuất hiện những tác phẩm văn học nghệ thuật tầm cỡ như những giai đoạn chiến tranh giải phóng dân tộc trước kia, theo ông, nguyên nhân chính là ở đâu? Và đó có phải là vấn đề mà hội nghị T.Ư lần này rất quan tâm hay không?

- Đó là một thực tế không vui vẻ chút nào và chúng ta phải nhìn thẳng vào nó để tìm ra các giải pháp. Nguyên nhân của thực tế này thì có nhiều nhưng theo tôi, có thể thấy nguyên nhân chính là: thiếu những tài năng lớn, có thể từ thực tế ngồn ngộn của cuộc sống hôm nay, qua khả năng bao quát, đúc kết và tài năng của mình, người nghệ sĩ có khả năng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật thật sự có giá trị. Chưa bao giờ số lượng người làm công tác văn học nghệ thuật của chúng ta đông đảo như thế này, nhưng chúng ta thiếu những đỉnh cao, thiếu những con người có tầm cỡ thời đại.

- Thưa ông, vậy có phải do sự ràng buộc của cơ chế và tâm lý viên chức của các nghệ sĩ - những người lẽ ra phải có một tâm lý cực kỳ phóng khoáng, giàu tư duy sáng tạo?

- Chưa bao giờ các nghệ sĩ của chúng ta có nhiều tự do trong sáng tác như hôm nay. Điều kiện làm việc của họ cũng tốt hơn trước, nhưng theo tôi, đúng là cơ chế quản lý văn hóa đã có phần chậm chuyển đổi so với các ngành khác trong xã hội. Sự đầu tư theo kiểu xếp hàng, chờ đến lượt mình được đặt hàng nhiều khi vừa gây ra lãng phí mà vẫn không có được những tác phẩm giá trị.

Thêm vào đó là tâm lý trông chờ bao cấp trong một thời gian dài đã tạo nên thói quen ỷ lại trong một bộ phận những người hoạt động văn hóa, từ người quản lý cho tới nghệ sĩ. Với cơ chế hiện nay, lẽ ra mỗi người phải tự nắm bắt nhu cầu xã hội, biết xã hội đang cần gì để đáp ứng.

-  Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng chúng ta chưa có được những tác phẩm xứng tầm thời đại vì chúng ta hiện đang lúng túng trong việc xác định chân dung nhân vật của thời đại. Không phải vô cớ mà một bộ phận thanh niên của chúng ta hôm nay tìm thần tượng trong các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc hay các ngôi sao trong nước mà tài năng vừa phải, ý thức công dân kém, hành xử kỳ dị, ăn mặc lố lăng không giống ai... Ông nghĩ sao về hiện tượng này? Và theo ông, nhân vật của thời đại chúng ta phải là mẫu người như thế nào?

- Các anh hùng thời chiến tranh đã làm xong nhiệm vụ của họ và mãi mãi vẫn là những hình tượng đẹp trong văn chương và phim ảnh. Còn các thần tượng của giới trẻ hôm nay mà bạn vừa nhắc chỉ là một phần bề nổi không lớn lắm trong đời sống văn hóa.

Nhân vật chính của thời đổi mới, theo tôi, đã định hình và cũng chính do các phương tiện thông tin đại chúng: đó là những nhân vật của “Người đương thời”, “Người xây tổ ấm”, “Đường lên đỉnh Olympia”; những "ngôi sao đỏ" trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh..., những con người mang chân dung chung của văn hóa nhân loại: chân - thiện - mỹ, yêu lao động, ham cái mới, thích sáng tạo... đồng thời cũng là những người VN hôm nay: biết day dứt, đau khổ vì mình là công dân một nước nghèo, và biết phấn đấu vì lòng tự trọng của dân tộc. Tất nhiên họ cũng phải là những con người bằng xương bằng thịt, biết yêu ghét, biết đam mê, buồn vui, đau khổ...

Hằng ngày báo chí đang làm được nhiệm vụ của mình là xây dựng họ thành những nhân vật đồng hành cùng thế hệ, nhưng trong văn học nghệ thuật chưa xây dựng họ thành những nhân vật thật sự lớn, đại diện cho thời đại chúng ta, hấp dẫn chúng ta bằng tài năng, sự say mê và sáng tạo của các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ còn mắc nợ cuộc sống rất nhiều và nhân dân vẫn đang mong đợi những tác phẩm, những nhân vật như vậy.

(Theo Tuổi Trẻ số ra ngày 6-7-2004) 

- Tuổi trẻ
Tin tức khác