Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
760
115.994.310

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Triển lãm tranh Việt Nam thời Đông Dương tại Pháp
Từ ngày 21/9 đến 27/1/2013 tại Bảo tàng Cernuschi (7 đại lộ Vélasquez, quận 8, Paris, Pháp) sẽ diễn ra triển lãm mang tên Từ Hồng Hà đến Cửu Long, tầm nhìn Việt Nam (Du Fleuve Rouge au Mékong, visions du Vietnam), giới thiệu khoảng 70 tác phẩm, trong đó có 40 của các họa sĩ Việt Nam thời kỳ đầu.

 

Triển lãm này đã đưa chúng ta về miền quá khứ - một thời vang bóng - của đất nước có những con người thật đáng yêu…

 

Triển lãm cũng sẽ giúp người xem trả lời câu hỏi lớn: Từ nửa sau của thế kỷ 19 đến thập niên 1950, các họa sĩ Pháp có cái nhìn như thế nào về Việt Nam? Và các họa sĩ Việt Nam diễn đạt gì về nền văn hóa của mình qua tác phẩm hội họa?

 

Viết về triển lãm này, bài viết trên tạp chí Mỹ - Thuật (Beaux-Arts Magazines) xuất bản tại Paris, số 339, tháng 9/2012, trang 59, có đoạn: “... theo những đường tàu của các nhà thám hiểm lạc lối đâu đó trên mảnh đất Á châu chưa được gọi tên là Việt Nam, có nhiều chàng họa sĩ trẻ đặt cái nhìn chiêm ngưỡng các thiếu nữ bản xứ trong tà áo lụa, ngỡ ngàng trước ruộng non ngát xanh hay những cát trắng bờ sông... 1924 là năm thành lập trường Mỹ thuật Hà Nội, dưới hướng dẫn của Victor Tardieu, được họa sĩ Đông Dương là Nam Sơn giúp đỡ, đã tạo ra một thế hệ nghệ sĩ thành thạo lối vẽ phương Tây. Nếu cái nhìn thuộc địa ngày nay làm chúng ta mỉm cười, ta phải công nhận thực tài của nhiều họa sĩ…”.

 

Nhìn lại lịch sử

 

Sau cuộc thám hiểm danh tiếng ngược dòng Cửu Long đến tận Trung Hoa vào năm 1866 của đại tá hải quân Doudard de Lagrée, (cùng đi với ông là Francis Garnier, Louis Delaporte…), thì các vùng đất của khu vực Đông Nam Á trở thành miền đất hứa cho những con tim Tây phương khát khao chân trời mới.

 

Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise) thành lập vào ngày 17/10/1887. Rất nhiều họa sĩ vốn có giòng máu phiêu lưu lãng tử, đã theo trào lưu thuộc địa tìm đến Viễn Đông khám phá thế giới đầy bí hiểm và quyến rũ. Họ có cơ hội diễn tả những suy nghĩ và cảm hứng của mình qua các tác phẩm với nhiều đề tài khác lạ và màu sắc tân kỳ rực rỡ. Trong số này phải kể đến họa sĩ Gaston Roullet, thông tín viên của báo Le Monde Illustré.

 

Năm 1893, Hội họa sĩ xu hướng Đông phương (Société Des Peintres Orientalistes) chào đời với mục đích tìm hiểu và trình bày nền văn hóa và nghệ thuật Đông phương. Năm 1908 thành lập Hội Thuộc địa nghệ sĩ Pháp (Société Coloniale Des Artistes Français), dưới sự bảo trợ của Nha Học chánh Ðông Pháp và Bộ Nghệ thuật, Bộ Thuộc địa và Bộ Nội vụ. Điểm chính yếu của Hội thuộc địa nghệ sĩ Pháp là số học bổng du lịch rất quan trọng đã trao tặng cho người đoạt giải để tham quan tìm hiểu văn hóa tại các nước thuộc địa. Ngoài ra, hội còn thành lập nhiều giải thưởng khác nhau, trong đó có giải thưởng Đông Dương (prix de l’Indochine).

 

Giải thưởng Đông Dương do Toàn quyền Klobukowski ban nghị định năm 1910, theo đề xướng của Hội Thuộc địa nghệ sĩ Pháp, với ý định tuyên truyền và phát khởi nghệ thuật phương Tây nói chung và nước Pháp nói riêng tại Đông Dương, khuyến khích các nghệ sĩ đến các nước thuộc địa, canh tân niềm cảm hứng trong việc sáng tác, sau đó mang về Pháp những tìm hiểu và học hỏi mới để thắt chặt mối quan hệ giữa các nước thuộc địa với chính quốc. Giải thưởng này đã ban cho 21 họa sĩ, đầu tiên là Ferdinand Olivier và cuối cùng là Louis Bâte.

 

Chuyện từ cao đẳng mỹ thuật

 

Tại Đông Dương, các trường mỹ nghệ thực hành đã được thành lập, như trường Mỹ thuật đồ mộc Thủ Dầu Một vào năm 1901, trường Nghệ thuật và Kỹ nghệ Biên Hòa năm 1903 và “trường vẽ Gia Định” (École de Dessin) năm 1913, nhưng chưa có trường chuyên về mỹ thuật.

 

Theo khởi xướng và đề nghị của họa sĩ Nam Sơn, mà Victor Tardieu, giải thưởng Đông Dương năm 1920, trong một bản phúc trình dưới cái tên “Nghệ thuật An Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai” đã đề cập với chính quyền thuộc địa vấn đề mở ra một trường mỹ thuật tại Đông Dương.

 

Bản phúc trình này được chuẩn y bởi Toàn quyền Merlin. Ngày 27/10/1924, xuất hiện trên Công báo nghị định thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương (École Des Beaux-Arts De l’Indochine). Trường này trực hệ Giáo đoàn Pháp (l’Université De France) tại Hà Nội, dưới sự hướng dẫn và kiểm soát của Nha Học chánh, với Victor Tardieu là hiệu trưởng.

 

Sự ra đời của trường Mỹ thuật Đông Dương là một bước ngoặt định mệnh cho nền hội họa nói riêng và đời sống văn hóa Việt Nam nói chung. Trường mang lại một phong cách diễn đạt mới trong mỹ thuật, nhất là ở một quốc gia mà hội họa trước đó không phải là một ngành nghệ thuật phát triển. Cùng với chữ quốc ngữ tưng bừng khai hoa, trường Mỹ thuật Đông Dương đã đáp ứng nhu cầu canh tân đất nước, vì các sĩ phu hiểu rằng muốn xóa bỏ sự đô hộ của người Pháp, người Việt Nam phải thấu hiểu văn minh Tây phương.

 

Điều chắc chắn là sự hợp tác chặt chẽ giữa người Pháp Victor Tardieu và người bản xứ Nam Sơn, dựa trên tinh thần yêu chuộng nghệ thuật, là điều cần thiết và lợi ích trong việc hình thành nền mỹ thuật riêng biệt tại Việt Nam.

 

Trường là nơi đào tạo một thế hệ họa sĩ cũng như điêu khắc gia có phong cách sáng tác theo một đường lối đặc biệt. Những tác phẩm lụa, sơn dầu hay sơn mài…, với một kỹ thuật nhạy cảm và sâu sắc, độc đáo hài hòa Đông Tây, đã đưa tên tuổi Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Phan Chánh, Georges Khánh, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Lưu Văn Sìn, Tôn Thất Đào… đi vào lịch sử nghệ thuật Việt Nam và vang danh trên thế giới.

Chính câu chuyện dài dòng như vừa đề cập, triển lãm Từ Hồng Hà đến Cửu Long, tầm nhìn Việt Nam là dịp hiếm hoi để giới nghiên cứu nhìn lại nhiều gương mặt làm nên nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ngoài những tác phẩm của Victor Tardieu và Nam Sơn, có mặt trong triển lãm tại Bảo tàng Cernuschi là các họa sĩ Pháp phiêu lưu đến Việt Nam: Gaston Roullet, Louis Rollet, Jules Galand, André Delacroix, Joseph Inguimberty, Alix Aymé, André Maire…; các họa sĩ đoạt giải thưởng Đông Dương: Henri Dabadie, Charles Fouqueray, Jonchère Evariste, Louis Bâte…; cũng như các danh họa và họa sĩ Việt Nam xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương: Nguyễn Phan Chánh (1892-1984), Nguyễn Gia Trí (1909-1993), Lê Phổ (1907-2001), Mai Trung Thứ (1906-1980), Nguyễn Tiến Chung (1914-1976), Tô Ngọc Vân (1906-1954), Tôn Thất Ðào (1910-1979), Vũ Cao Đàm (1908-2000), Lê Văn Ðệ (1906-1966), Lương Xuân Nhị (1914-2006), Lưu Văn Sìn (1905-1983), Phạm Quang Hậu (1905-1994), Diệp Minh Châu (1912-2002), Lê Thy (1919-?), Nguyễn Quang Bảo (1929-?), Nguyễn Thành Lễ (1919-?), Nguyễn Văn Thịnh (1912-?), Vũ Tiến Chức (1907-?)…

 

Bảo tàng Cernuschi chuyện về nghệ thuật châu Á, nằm ở số 7 đại lộ Vélasquez, quận 8, thành phố Paris, được thành lập nhờ bộ sưu tập đồ sộ của chủ nhà băng gốc Ý Henri Cernuschi (1821-1896) tặng lại cho thành phố Paris, cùng với cả một dinh thự nằm gần công viên Monceau. Hiện nay, Bảo tàng Cernuschi bao gồm bộ sưu tập lớn về nghệ thuật Trung Hoa, từ thời cổ đại cho đến những thế kỷ gần đây. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng sở hữu các bộ sưu tập về Triều Tiên và Nhật Bản. Năm 2007, Bảo tàng Cernuschi đón 49.453 lượt khách tham quan.

 

Tác phẩm Thiếu nữ uống trà của Vũ Cao Đàm, lụa, 78x114cm, khoảng 1935

 

Paris 10/9/2012

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi - (TT&VH Cuối tuần)
Tin tức khác