Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
848
116.514.826

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nhạc ngoại lời Việt thời vang bóng: Tặng một đại dương hoa hồng thắm...
Ca sĩ Ái Vân, người gắn liền tên tuổi với ca khúc Nga 'Triệu đóa hồng' ẢNH: TL Những ca khúc nhạc Nga như Thời thanh niên sôi nổi, Chiều hải cảng, Chiều Moskva, Đôi bờ, Kachiusa, Triệu đóa hồng... đã sống cùng tuổi trẻ của nhiều thế hệ người Việt.

 

 

Sôi nổi và trữ tình

 

Trong giai đoạn lịch sử sau năm 1954, văn hóa - nghệ thuật của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô, với những tác phẩm văn học, điện ảnh, âm nhạc trở nên phổ biến và rất được yêu thích tại miền Bắc VN. Những bài hát trong các bộ phim như Sông Đông êm đềm, Số phận một con người, Bài ca người lính, hay những ca khúc Thời thanh niên sôi nổi, Cuộc sống ơi ta mến yêu người, Đôi bờ, Chiều Moskva... vang lên ở khắp nơi: trên sóng phát thanh, nhà hát, quảng trường thành phố, cho đến những chiến trường, dọc đường hành quân.

Ca khúc Thời thanh niên sôi nổi của nữ nhạc sĩ Aleksandra Pakhmutova được phát trên Đài tiếng nói VN vào những năm 1960, và người đặt lời Việt cho ca khúc này là nhạc sĩ Phạm Tuyên khi đó đang công tác tại Ban Văn nghệ của Đài. Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lúc đó lãnh đạo Đài tiếng nói VN đang muốn tìm một số ca khúc Nga để phát. Sau khi nhận được bản dịch tiếng Việt ca khúc Thời thanh niên sôi nổi, ông đã chuyển soạn ngay lời cho ca khúc này. Sau đó, bài hát được tốp ca nam của Đài tiếng nói VN thể hiện. Phạm Tuyên cho biết ông cũng rất bất ngờ vì ca khúc sau khi được phát trên sóng phát thanh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến vậy.

 

Năm 1955, công chúng biết đến ca khúc Kachiusa với bản đặt lời tiếng Việt đầu tiên của ca sĩ Nguyễn Anh Cường. Trước đó, khi Nguyễn Anh Cường cùng đoàn nghệ thuật quốc gia tới thủ đô Warsaw (Ba Lan) dự Đại hội Thanh niên và sinh viên thế giới, trên chuyến tàu từ Siberia tới Nga, ông được biết đến bản dịch tiếng Pháp của ca khúc Kachiusa. Từ bản dịch này, ông chuyển ngữ tiếng Việt cho ca khúc và gửi đăng trên Tạp chí Điện ảnh Hà Nội vào năm 1955. Sau đó, ca khúc được thu âm và phát trên sóng của Đài tiếng nói VN.

Trong khoảng thời gian những năm 1960, giai điệu trữ tình và lời ca đầy ý thơ của Chiều Moskva đã làm nao lòng biết bao người yêu nhạc: “Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào. Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu”. Năm 1957, ca khúc Chiều Moskva của nhạc sĩ Vasily Sedoy và nhà thơ Mikkhail Matusovsky đã nhận giải nhất trong cuộc thi ca khúc quốc tế tại Đại hội Thanh niên và sinh viên thế giới tổ chức tại Moskva. Trong khoảng thời gian 1957 - 1960, khi dịch giả Vương Thịnh được nhà nước cử sang Liên Xô làm biên tập viên và phát thanh viên tiếng Việt tại Ban Tiếng Việt của Đài phát thanh Moskva, ông đã dịch ca khúc Chiều Moskva rất nổi tiếng lúc đó. Sau này, ông còn cộng tác với đạo diễn Cao Thụy dịch lời ca khúc Đôi bờ.

 

 
 

Ca khúc nhạc Nga trên Đài phát thanh kháng chiến Nam bộ

Ngay từ năm 1948, nhiều ca khúc nhạc Nga đã được dịch sang lời Việt và phát sóng trước đó trên Đài phát thanh kháng chiến Nam bộ như Chiều hải cảng, Tổ quốc tôi, Chiến tranh thần thánh... NSƯT Minh Đạo (tên thật là Nguyễn Văn Hựu) công tác tại Đài phát thanh kháng chiến Nam bộ là người đã đặt lời Việt cho các ca khúc. Trong một buổi phát thanh, tình cờ ông có nghe được ca khúc có nhạc điệu rất hay bằng tiếng Hoa. Ông xin người ca sĩ bản nhạc của ca khúc và sau biết rằng đó là một ca khúc Liên Xô. Và sau đó, ca khúc Liên Xô được đặt lời Việt - Tổ quốc tôi đã được phát lần đầu tiên trên Đài phát thanh kháng chiến Nam bộ.

 

Triệu đóa hồng

 

Sau năm 1954, hàng chục nghìn thanh niên VN đã lên đường sang Liên Xô học tập. Nhiều người trong số đó đã dịch và mang các ca khúc Nga trở về VN. Trong số những sinh viên ấy, không thể không nhắc đến NSND Trung Kiên, người đã đặt lời Việt cho 300 ca khúc Nga. “8 năm học tập và sinh sống ở Nga, tôi yêu đất nước đó chỉ sau đất nước mình mà thôi. Những ca khúc Nga với lời ca, giai điệu đẹp cứ thế thấm vào tôi”, NSND Trung Kiên chia sẻ. Trong số những ca khúc ông đã đặt lời, không thể không nhắc đến ca khúc nổi tiếng Triệu đóa hồng do nhạc sĩ Raimonds Pauls phổ thơ của nhà thơ lớn Andrey Voznesensky. NSND Trung Kiên kể ông biết đến nhạc sĩ Raimonds Pauls qua người vợ của ông. “Vợ của ông Raimonds Pauls là người phụ trách sinh viên VN trong trường học của tôi. Tôi đã xin bản nhạc này qua bà để đặt lời tiếng Việt cho ca khúc, kể chuyện tình yêu kỳ lạ của chàng họa sĩ sẵn sàng bán mọi thứ mình có, kể cả ngôi nhà của mình để đổi lấy triệu đóa hồng tặng cô ca sĩ, nhưng không được đáp lại”. Tặng một đại dương hoa hồng thắm/Cho nàng ca sĩ anh yêu thầm/Và ngôi nhà xinh anh đã bán/Bằng giọt máu nóng trái tim mình... những ca từ đầy lãng mạn trong ca khúc đến giờ vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người yêu nhạc. Khi trở về nước, NSND Trung Kiên đã đưa bản đặt lời tiếng Việt ca khúc Triệu đóa hồng cho ca sĩ Ái Vân. Ca khúc được đón nhận nồng nhiệt và gắn liền với tên tuổi của Ái Vân trong thập niên 1980.

 

Theo ca sĩ Ái Vân, nhiều ca khúc nhạc Nga được đặt lời Việt đã giúp cho dòng nhạc nhẹ vẫn tiếp tục chảy tại miền Bắc sau năm 1954. Trong hồi ký Để gió cuốn đi, chị viết: “Sau năm 1954, các ca sĩ miền Bắc như Vũ Dậu, Thúy Hà, Mạnh Hà, Vân Khánh đã hát những bài hát của Liên Xô như Kachiusa, Chiều hải cảng, Cây bạch dương, Kalinka, Cuộc sống ơi, ta mến yêu người... với phong cách tươi trẻ không khác gì nhạc nhẹ sau này. Dòng nhạc nhẹ vẫn âm thầm chảy với cái áo khoác che chắn của nhạc đỏ”.

 

 

Ngọc An - TN0
Tin tức khác
Chúc xuân 2017 (31.01.2017)